Tống Thái Tổ mất 13 năm mới diệt được 5 nước phương nam. Sau đó, ông đem quân đánh Thái Nguyên, đô thành của Bắc Hán. Bắc Hán cầu cứu quân Liêu, quân Tống bị đánh bại. Không lâu sau, Tống Thái Tổ bị bệnh mất, em ông là Triệu Khuông Nghĩa kế thừa ngôi hoàng đế. Đó là Tống Thái Tông. Tống Thái Tông quyết tâm hoàn thành sự nghiệp thống nhất miền bắc. Năm 979, ông thân dẫn 4 đạo quân vây đánh đô thành Thái Nguyên của Bắc Hán. Quân Liêu lại đến cứu, Tống Thái Tông cử quân chặn đường quân tiếp viện. Thành Thái Nguyên nằm trong nhiều lớp bao vây, ngoài không có viện binh trong không còn lương thảo. Vua Bắc Hán là Lưu Kế Nguyên không còn cách gì, đành đầu hàng. Dưới quyền Lưu Kế Nguyên có 1 lão tướng là Dương Nghiệp, cũng quy phục triều Tống. Tống Thái Tông từ lâu đã nghe nói Dương Nghiệp võ nghệ cao cường, rất quý trọng, phong làm đại tướng. Đánh xong Bắc Hán, Tống Thái Tông muốn thừa cơ đánh Liêu để thu hồi những đất đai đã mất. Quân Tống tiến công dữ dội khiến mấy tướng Liêu giữ các châu giáp Tống phải đầu hàng. Quân Tống đánh tới U Châu (nay là Bắc Kinh), phía Liêu phái đại tướng Da Luật Hưu Ca đến cứu, 2 bên đánh 1 trận lớn ở sông Cao Lương (phía tây thành Bắc Kinh hiện nay). Quân Tống đại bại, Tống Thái Tông phải chạy về Đông Kinh bằng một chiếc xe nhẹ.
Từ đó về sau, quân Liêu không ngừng đánh vào biên giới Tống. Tống Thái Tông vô cùng lo lắng, liền cử Dương Nghiệp làm thứ sử Đại Châu, giữ chắc Nhạn Môn Quan. Năm 980, triều Liêu cử 10 vạn quân đánh Nhạn Môn Quan. Lúc đó trong tay Dương Nghiệp chỉ có mấy ngàn binh mã, ít hơn quân địch rất nhiều. Dương Nghiệp là 1 lão tướng có nhiều kinh nghiệm, biết rằng không thể đọ sức với địch, liền giữ đại bộ phận binh lực ở Đại Châu, tự mình dẫn mấy trăm kỵ binh, lặng lẽ đi đường nhỏ, luồn vào sau lưng địch ở phía bắc Nhạn Môn Quan. Quân Liêu tiến xuống phía nam, dọc đường không gặp sức chống cự nào, đang dương dương đắc ý thì bỗng từ phía sau vang lên tiếng hô "giết" rồi bụi cuốn mù mịt, 1 dòng kỵ binh xuất hiện phía sau như mãnh hổ xông vào đàn dê, chém giết tơi bời. Quân Liêu không phòng bị trước, lại không rõ đối phương có bao nhiêu quân, nên hoang mang sợ hãi, hàng ngũ rối loạn, không sao chống đỡ nổi, bỏ chạy tan tác lên phía bắc. Dương Nghiệp dẫn quân truy kích, chém rất nhiều quân Liêu, giết chết 1 quí tộc Liêu và bắt sống 1 tướng Liêu khác.
Sau đại thắng Nhạn Môn Quan, danh tiếng Dương Nghiệp vang dội. Quân Liêu cứ nhìn thấy cờ hiệu có chữ "Dương" là sợ hãi bỏ chạy không dám giao phong. Mọi người đặt cho Dương Nghiệp 1 biệt hiệu là "Dương Vô Địch". Dương Nghiệp lập được công lớn cũng khiến cho 1 số người ghen ghét, dâng sớ tấu lên Tống Thái Tông, nói xấu Dương Nghiệp. Tống Thái Tông đang muốn dựa vào Dương Nghiệp nên không chú ý đến những lời vu cáo đó, mà bọc mọi sớ tấu đó lại, cử người mang tới cho Dương Nghiệp xem. Thấy Tống Thái Tông hết lòng tín nhiệm mình như vậy, Dương Nghiệp vô cùng cảm động. Mấy năm sau, hoàng đế Liêu là Cảnh Tông Da Luật Hiền mất, người nối ngôi là Liêu Thánh Tông Da Luật Long Tự mới 12 tuổi, mẹ là Tiêu thái hậu chấp chính. Một tướng giữ biên giới dâng sớ tấu lên Tống Thái Tông, nhận định rằng tình hình chính trị nước Liêu không ổn định, nên nhân cơ hội này thu phục lại vùng đất đã mất gồm 16 châu ở Yên Vân. Tống Thái Tông tán thành ý kiến đó. Năm 896 liền cử Tào Bân, Điền Trọng Tiến, Phan Mỹ dẫn 3 vạn quân bắc phạt, đồng thời cử Dương Nghiệp làm phó tướng cho Phan Mỹ.
Ba đạo quân xuất phát, đánh thắng trận đầu. Đạo quân của Phan Mỹ, Dương Nghiệp ra khỏi Nhạn Môn Quan, nhanh chóng thu phục được 4 châu. Nhưng cánh quân của Tào Bân vì đơn độc quá sâu, bị quân Liêu đánh cho đại bại. Tống Thái Tông vội hạ lệnh cho các đạo quân Tống rút về. Phan Mỹ, Dương Nghiệp được lệnh, liền dẫn quân hộ tống nhân dân thuộc 4 châu rút về thôn Lang Nha. Lúc đó, quân Liêu đã tiến chiếm Hoàng Châu (nay ở phía đông huyện Sóc, Sơn Tây), binh lực rất mạnh. Dương Nghiệp đề nghị phái quân hư trương thanh thế để thu hút chủ lực quân Liêu, rồi bố trí quân mai phục nơi hiểm yếu trên đường rút quân để yểm hộ cho quân dân Tống rút lui. Giám quân là Vương Thẩm phản đối ý kiến của Dương Nghiệp, nói: "Chúng ta có mấy vạn tinh binh, còn sợ gì chúng? Theo tôi, chúng ta cứ việc hành quân đàng hoàng trên đường lớn ven Nhạn Môn Quan cũng đủ làm kẻ địch trông thấy mà sợ mất vía".
Dương Nghiệp nói: "Hiện nay địch mạnh ta yếu. Nếu làm như vậy thì nhất định thất bại".
Vương Thẩm cười mỉa mai: "Dương tướng quân chẳng phải có biệt hiệu là Vô Địch sao? Mà nay trước kẻ địch lại co lại không dám đánh, hay là có toan tính gì khác?".
Câu nói đó làm Dương Nghiệp nổi giận. Ông nói: "Không phải là tôi sợ chết. Chỉ vì thấy hiện nay chưa có thời cơ, sợ binh lính phải chết uổng, nếu các ông muốn đánh, tôi xin đánh trận đầu".
Chủ tướng Phan Mỹ cũng ủng hộ chủ trương của Vương Thẩm. Dương Nghiệp không làm thế nào được, đành dẫn binh mã dưới quyền xuất phát. Trước khi lên đường, ông chảy nước mắt nói với Phan Mỹ: "Trận này nhất định sẽ thắng bại. Tôi vốn định chờ đúng thời cơ, đánh địch một trận đau để báo đáp quốc gia. Nay mọi người trách tôi sợ địch, tôi không thể không tìm đến cái chết".
Tiếp đó, ông chỉ về hướng Trần Gia Cốc trước mặt (Trần Gia Cốc - nay ở phía nam Sóc, Sơn Tây) nói với Phan Mỹ: "Mong các ông bố trí phục binh và cung thủ, khi tôi thua trận, rút tới đó các ông sẽ đem quân tiếp ứng, từ hai bên đánh ép lại, thì có hy vọng chuyển bại thành thắng".
Dương Nghiệp tiến quân chưa xa, quả nhiên bị quân Liêu phục kích. Tuy Dương Nghiệp chiến đấu anh dũng, nhưng quân Liêu vẫn ùa lên như nước triều. Dương Nghiệp chống đỡ không nổi, đành vừa đánh vừa lùi, nhử quân Liêu tới Trần Gia Cốc. Lúc đó, mặt trời vừa khuất núi, Dương Nghiệp lui tới đó, thấy 2 bên vắng lặng, không hề thấy có tăm hơi 1 lính Tống nào, không hiểu Phan Mỹ đã dẫn chủ lực đi đâu? Nguyên do là sau khi Dương Nghiệp xuất phát, Phan Mỹ có đưa người ngựa đến Trần Gia Cốc. Sau khi ở đó 1 ngày, không thấy tin tức Dương Nghiệp. Vương Thẩm cho rằng nhất định quân Liêu đã rút lui rồi. Ông ta sợ Dương Nghiệp lập được công đầu, liền giục Phan Mỹ rút bỏ phục binh rời khỏi Trần Gia Cốc. Tới khi nghe tin Dương Nghiệp thua trận, liền dẫn quân rút chạy theo 1 đường khác. Dương Nghiệp thấy tại nơi hẹn không có phục binh, thì uất ức giậm chân, rồi đành chỉ huy bộ hạ quay lại giáp chiến với quân Liêu đang đuổi sát sau lưng. Tướng sĩ đem hết sức chiến đấu, nhưng quân Liêu xông lên mỗi lúc 1 nhiều. Về sau, bên mình Dương Nghiệp chỉ còn lại hơn 100 lính, ông cố cầm nước mắt, lớn tiếng bảo các binh lính: "Anh em đều còn cha còn mẹ, gia đình, không nên cùng ta bỏ xác ở đây. Mau Mau tìm cách thoát khỏi vòng vây trở về để triều đình hiểu rõ tình cảnh của chúng ta".
Binh lính nghe những lời đó, lại thấy Dương Nghiệp xông pha, tắm máu chiến đấu, đều xúc động rơi nước mắt, không ai chịu rời bỏ Dương Nghiệp. Cuối cùng, binh lính đều chết hết, con trai Dương Nghiệp là Dương Diên Ngọc và bộ tướng Vương Quí cũng hy sinh. Dương Nghiệp bị thương hơn 10 chỗ, khắp mình đều đầy máu vẫn hăng hái chém giết, sát thương mấy trăm địch. Bất ngờ, có 1 phát tên bắn trúng con ngựa đang cưỡi, khiến cả người và ngựa ngã lăn ra đất. Lính địch nhân dịp ùa lại, bắt sống Dương Nghiệp. Quân Liêu khuyên dụ Dương Nghiệp đầu hàng. Ông ngẩng đầu lên thở dài nói: "Ta đây vốn định tiêu diệt các ngươi để báo đáp lại quốc gia, không ngờ bị gian thần hãm hại, đến nỗi toàn quân bị tiêu diệt, còn mặt mũi nào sống trên đời này nữa?. Ông tuyệt thực 3 ngày đêm rồi hy sinh.
Tin Dương Nghiệp hy sinh truyền về Đông Kinh, khắp triều đình đều than tiếc, Tống Thái Tông mất 1 viên dũng tướng, rất buồn rầu liền giáng chức Phan Mỹ và cách chức Vương Thẩm để xét tội. Sau khi Dương Nghiệp mất, con cháu đều kế thừa sự nghiệp của ông. Con ông là Dương Diên Chiêu, cháu là Dương Văn Quảng đều lập công trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tống. Sự tích anh hùng của gia đình này được người người ngợi khen và truyền tụng. Trong dân gian lưu truyền những câu chuyện về "Dương gia tướng" là dựa trên cơ sở sự tích có thực để phát triển lên.
@by txiuqw4