sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tư Mã Quang Viết "Thông Giám"

Sau khi Vương An Thạch bị bãi chức tể tướng, Tống Thần Tông còn duy trì tân pháp thêm gần 10 năm nữa. Năm 1085, Tống Thần Tông bị bệnh mất. Thái tử Triệu Hủ mới lên 10 lên nối ngôi, đó là Tống Triết Tông. Vì Triết Tông nhỏ tuổi nên tổ mẫu (bà) là Cao thái hậu lâm triều chấp chính. Cao thái hậu vốn vẫn chống lại tân pháp, nên khi nắm quyền, bà liền triệu Tư Mã Quang là người xưa nay kịch liệt chống tân pháp về triều làm tể tướng. Tư Mã Quang là đại thần có danh tiếng nhất thời đó. Ông là người vùng Hạ huyện, Thiểm Châu (nay là huyện Hạ, Sơn Tây), nổi tiếng từ hồi còn nhỏ. Năm lên 7, ông bắt đầu chuyên tâm đọc sách. Bất kì là ngày hè nóng nực hay ngày đông giá rét, ông đều không lúc nào rời sách, có lúc quên cả anh uống. Ông không những chăm đọc sách, mà còn rất linh lợi. Một hôm, ông cùng các bạn nhỏ chơi đùa ngoài sân, trong sân có 1 vò lớn đựng nước, 1 chú bé trèo lên miệng vò, sơ ý ngã nhào vào trong vò. Vò lớn nước sâu, chú bé đó bị chìm nghỉm. Những đứa trẻ khác thấy vậy, đều sợ hãi kêu khóc, có đứa chạy đi kêu người lớn đến cứu. Tư Mã Quang không hề hoảng hốt, chạy đi kiếm 1 hòn đá lớn, dùng hết sức đập mạnh vào thành vò. Một tiếng "choang" lớn, vò bị vỡ, nước ào chảy ra và chú bé trong vò được cứu sống.

Sự việc ngẫu nhiên đó là cậu bé Tư Mã Quang trở nên nổi tiếng. Ở Đông Kinh và Lạc Dương, người ta vẽ câu chuyện đó thành tranh, và lưu truyền rộng rãi. Khi Tống Thần Tông tại vị, Tư Mã Quang làm hàn lâm học sĩ. Ông vốn là bạn thân với Vương An Thạch. Sau này, khi Vương An Thạch đề xướng cải cách, Tư Mã Quang giữ lập trường bảo thủ, 2 người bắt đầu xung đột ý kiến và không hợp tác với nhau nữa. Khi Vương An Thạch làm tể tướng, biện pháp cải cách nào do ông đề ra cũng bị Tư Mã Quang phản đối. Một lần, Tư Mã Quang đề nghị Tống Thần Tông phế bỏ luật thanh miêu. Đồng thời, lấy tư cách bạn cũ, viết 1 bức thư trách Vương An Thạch đã xâm phạm quyền hạn của các quan chức khác, bới chuyện thị phi, vơ vét tiền của, không chịu nghe ý kiến của người khác. Vương An Thạch viết thư trả lời phản bác từng điều trong bài ý kiến trách cứ của Tư Mã Quang. Thư viết: "Tôi chịu mệnh lệnh của hoàng thượng để cải cách pháp chế, sao lại nói là xâm phạm quyền hạn của các quan chức khác; làm việc cho quốc gia sao có thể nói là bới chuyện thị phi; lo kiếm tiền cho dân, sao có thể nói là vơ vét tiền của; bác bỏ những luận điểm sai lầm, sao có thể nói là không nghe ý kiến người khác".

Nhận được thư trả lời, Tư Mã Quang tức uất người, nhưng thấy Vương An Thạch đang được hoàng đế nâng đỡ, không thể làm gì được. Sau ông xin từ chức, rời kinh thành, đến ở Lạc Dương, không hỏi han gì đến chính sự, đóng cửa chuyên viết sách. Vốn từ lâu, Tư Mã Quang đã rất quan tâm nghiên cứu lịch sử. Ông cho rằng người cai trị đất nước nhất định phải thông hiểu lịch sử từ xưa tới nay để rút ra những bài học về hưng thịnh và suy vong. Ông thấy rằng, từ Thượng Cổ đến thời Ngũ Đại có quá nhiều sử sách, 1 hoàng đế không thể có thời gian xem cho hết. Vì vậy, từ lâu ông đã bắt tay vào việc viết 1 cuốn sử từ thời Chiến Quốc tới thời Ngũ Đại. Khi Tống Anh Tông tại vị, ông đã dâng lên 1 phần bản thảo. Tống Anh Tông thấy bộ sử đó có tác dụng tốt với củng cố nền thống trị của vương triều, hết sức tán thưởng, liền thành lập 1 tổ chức biên soạn do ông đứng đầu để hoàn thành bộ sử đó. Khi Tống Thần Tông lên ngôi, Tư Mã Quang lại dâng lên Thần Tông 1 bộ phận đã biên soạn xong. Tống Thần Tông tuy không tán thành chủ trương chính trị của ông, nhưng lại hết sức ủng hộ việc biên soạn bộ sử này. Ông tập hợp hơn 2400 cuốn sách mà mình thu góp được từ thời trẻ, trao trả cho Tư Mã Quang làm tư liệu để hoàn thành bộ sách. Tống Thần Tông còn tự mình đặt tên cho bộ sử này là "Tư trị thông giám" (xem xét suốt lịch sử để giúp cho việc trị nước). Từ sau khi bãi quan trở về Lạc Dương, Tư Mã Quang chuyên tâm viết "Tư trị thông giám". Trước sau bỏ ra 19 năm, ông mới hoàn thành. Đây là bộ sử biên niên ghi chép sự việc từ thời Chiến Quốc (năm 403 TCN, khi nước Tấn chia 3) đến thời Ngũ Đại (959 CN), gồm 1362 năm.

Để viết bộ sử đồ sộ này, Tư Mã Quang và những người cộng sự đã thu nhập và chỉnh lý 1 khối lượng tư liệu to lớn, ngoài chính sử của các triều đại, còn tham khảo hơn 300 trước tác lịch sử khác. Theo nói lại, bản thảo khi hoàn thành, chứa đầy 2 gian nhà. Do tư liệu phong phú, chọn lựa thỏa đáng và khảo chứng nghiêm túc, lại có lời văn sinh đông, tinh tế nên "Tư trị thông giám" trở thành 1 trong những trước tác lịch sử có giá trị lớn nhất trong lịch sử sử học Trung Quốc. Nó đã cung cấp tư liệu tương đối hoàn thiện cho việc nghiên cứu lịch sử của những nhà nghiên cứu đời sau. Trong suốt 19 năm đằng đẵng, Tư Mã Quang dồn hết tinh lực cho bộ sách này. Vì miệt mài làm việc suốt ngày tới đêm khuya liên tục trong 1 thời gian dài, nên khi hoàn thành "Tư trị thông giám", sức khỏe của ông bị suy kiệt, mắt mờ, răng rụng nhiều. Ông được đánh giá là nhà sử học nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc (người Trung Quốc ghép ông sau Tư Mã Thiên, tác giả bộ Sử ký và gọi 2 ông là "lưỡng Tư Mã".

Suốt hơn 10 năm, Tư Mã Quang lánh ở Lạc Dương viết sách, nhưng vì trước đó ông đã là 1 nhân vật nổi tiếng trong phái phản đối tân chính, nên các quan chức thuộc phái bảo thủ vẫn rất mến mộ ông. Tuy ông luôn nói là không quan tâm tới chính trị nữa, nhưng rất nhiều người vẫn coi ông như 1 "tể tướng" thực thụ. Ngay cả đến người dân thường cũng biết Tư Mã tướng công hiện ở Lạc Dương. Cao thái hậu lên chấp chính, lập tức triệu Tư Mã Quang về triều đình. Tuy Tư Mã Quang đã già và nhiều bệnh tật, nhưng ông không hề thay đổi quan điểm chống lại tân pháp của Vương An Thạch. Vừa nhận chức tể tướng, việc làm đầu tiên của ông là phế bỏ tân pháp. Có người khuyên ngăn ông là Thần Tông vừa qua đời, mà bỏ ngay pháp lệnh do Thần Tông ban hành đi thì không nên. Tư Mã Quang giận dữ bác lại: "Pháp lệnh của tiên hoàng đế, cái gì tốt thì không thể thay đổi, chứ còn những cái do Vương An Thạch bày ra đều gây hại cho dân. Sao lại không được đổi? Vả lại hiện nay, Cao thái hậu chấp chính, mà Cao thái hậu là mẫu thân của Thần Tông. Là mẹ mà thay đổi chủ trương của con thì sao lại không được?".

Do giữ quan điểm như vậy, nên Tư Mã Quang bất chấp sự phản đôi của rất nhiều quan chức. Vào năm 1086, ra lệnh xóa bỏ toàn bộ tân pháp do Vương An Thạch xây dựng nên. Vương An Thạch được tin đó, hết sức uất hận, không lâu sau chết trong buồn bực. Còn Tư Mã Quang do già yếu và bệnh tật, cũng chết vào tháng 9 năm đó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx