Khi lên làm tể tướng, Tư Mã Quang gọi về triều đình tất cả các đại thần đã bị Tống Thần Tông biếm trích. Trong số đó, có 2 nhà văn nổi tiếng thời Tống là 2 anh em Tô Thức, Tô Triệt. Hai anh em Tô Thức là người vùng My Sơn thuộc My Châu (nay là My Sơn, Tứ Xuyên). Khi mới ngoài 20 tuổi, 2 người được cha là Tô Tuân dẫn lên kinh thành thi tiến sĩ, quan chủ khảo là Âu Dương Tu, đang chú ý chọn lựa nhân tài trong số thí sinh. Sau vòng thi đầu, ông đọc các quyển thi, thấy 1 bài văn đặc sắc, liền vỗ bàn khen hay. Bài văn đã rọc phách, không biết được tên tác giả là ai. Âu Dương Tu nghĩ viết được 1 bài văn như thế này, nhất định phải là 1 người cự phách trên văn đàn. Âu Dương Tu nói chung biết được ở kinh thành những ai có chút tiếng tăm về căn chương. Nhưng ông đoán mãi, không xác định được tác giả, chỉ căn cứ vào văn phong mà cho rằng có thể đó là bài của Tăng Củng, học trò ông. Ông vốn định cho bài văn đó đỗ đầu nhưng lại sợ bị người khác nghĩ mình thiên vị học trò, nên xếp bài văn đó đỗ thứ 2.
Tới ngày ráp phách để treo bảng, Âu Dương Tu mới biết bài văn đặc sắc đó không phải là của Tăng Củng, mà là của Tô Thức, 1 thanh niên từ xa mới tới kinh thành. Sau khi được lấy đỗ, theo lệ, Tô Thức vào bái kiến thầy chủ khảo Âu Dương Tu. Sau khi đàm luận 1 hồi, Âu Dương Tu thấy Tô Thức có phong độ đàng hoàng, tài hoa xuất chúng, rất yêu mến. Khi Tô Thức ra về, Âu Dương Tu nói với Mai Nghiêu Thần, 1 đồng sự già: "Một nhân tài xuất chúng như thế này thực là hiếm có. Ta nên nhường đường cho người này. Anh ta thật hơn mọi người một cái đầu!".
Câu nói trên của Âu Dương Tu truyền ra ngoài. 1 số văn nhân khác không chịu phục, cho rằng kinh thành nhiều nhân tài thế này, lẽ nào lại thua 1 thanh niên non nớt vừa bước vào đời. Nhưng khi được đọc thơ văn đầy tài hoa và khí phách của ông, mọi người mới thấy lời đánh giá của Âu Dương Tu là đúng. Tô Thức trở nên nổi tiếng, và người em của ông, chàng thanh niên Tô Triệt mới 19 tuổi cũng đỗ tiến sĩ trong năm đó. Không cần phải nói cũng biết Tô Tuân, người cha của họ sung sướng đến ngần nào. Nhưng Tô Tuân cũng mang nặng 1 nỗi niềm canh cánh. Nguyên do là bản thân Tô Tuân vốn cũng là 1 người sở trường về tản văn. Khi còn trẻ, ông không chăm lo học hành, tới năm 27 tuổi, thấy người khác thành đạt liền vùi đầu đọc sách. Một năm sau, ông đi thi tiến sĩ, nhưng không trúng. Trở về nhà, ông giận dữ, đem đốt bỏ hết văn chương mình đã viết ra và học lại từ đầu, quả nhiên tiến bộ rất nhanh. Lần này, đưa 2 con lên kinh thành, thấy 2 con còn trẻ măng mà đã đỗ tiến sĩ, ông mừng cho con và cũng buồn cho mình. Nghe nói Âu Dương Tu là người rất coi trọng văn tài, ông liền đem hơn 20 bài văn của mình viết trong mấy năm nay, nhờ người chuyển cho Âu Dương Tu, xin ông chỉ giáo. Âu Dương Tu xem thấy văn chương của Tô Tuân, có phong cách già dặn, rất có cá tính, liền tiến cử với tể tướng Hàn Kỳ. Hàn Kỳ cũng rất tán thưởng, liền đặc cách cử ông làm Hiệu thư lang trong Bí thư tỉnh mà không cần qua thi cử.
Như vậy, 3 cha con Tô Tuân đều nổi tiếng ở kinh thành. Người ta gọi gộp cả 3 người là "Tam Tô". Khi Vương An Thạch ban hành tân pháp, thì Tô Tuân đã chết. Tô Triệt đã có thời gian làm việc dưới quyền Vương An Thạch, nhưng sau không hợp, bị giáng chức và bị điều khỏi kinh thành. Tô Thức chủ động xin điều đi xa, lần lượt làm thứ sử Hàng Châu, Hồ Châu (nay là huyện Ngô Hưng, Triết Giang). Đến nơi nào, ông cũng mở mang xây đắp công trình thủy lợi, giảm thuế má, khuyến khích sản xuất, làm những việc có ích cho đời sống nhân dân. Sau đó, Tô Thức thấy quan lại và cường hào địa phương ở Hồ Châu hoành hành ngang ngược thì rất không hài lòng. Ông làm thơ châm biếm những việc đó. Không ngờ, những bài thơ ấy được truyền về kinh thành, bọn quan liêu thù ghét ông nhặt ra trong đó 1 số câu, lấy đó làm bằng chứng vu cáo Tô Thức phỉ báng triều đình, phạm tội đại nghịch vô đạo. Chúng cách chức Tô Thức, bắt ông giải về Đông Kinh, giam vào nhà ngục, toan xử tội chết. Tô Thức bị giam vừa đúng 100 ngày chịu mọi nỗi khổ cực. Sau đó, vì xét thấy thực ra không có tội gì lớn, Tống Thần Tông liền hạ lệnh tha ông ra và biếm trích tới Hoàng Châu (nay là Hoàng Cương, Hò Bắc).
Tô Thức đến Hoàng Châu, với 1 chức quan nhỏ không có thực quyền, trên thực tế là sống cuộc sống lưu đày. Ông nghèo tới mức không đủ sống. Sau nhờ bạn bè giúp đỡ, kiếm được 1 mảnh đất, tự mình cày cuốc. Ông còn tự san đất, dựng 1 căn nhà nhỏ trên sườn dốc phía đông, liền tự đặt cho mình 1 biệt hiệu, là "Đông Pha cư sĩ" (cư sĩ ở sườn dốc phía đông). Do đó, về sau, người ta thường gọi ông là Tô Đông Pha. Trong những năm tháng thất ý về chính trị, Tô Thức thường du ngoạn khắp núi sông, viết thơ ca để thổ lộ tâm tình. Một lần, ông nghe nói bên Trường Giang có 1 nơi danh thắng có tên là Xích Bích, liền hẹn với mấy người bạn, thuê 1 con thuyền nhỏ cùng đi chơi trong 1 đêm trăng sáng, trời trong. Tại đây, ông nhớ lại trận đánh lớn giữa Tào Tháo và Chu Du thời Tam Quốc, trong lòng xúc động, trào dâng tình cảm. Khi trở về, ông viết nên bài "Xích Bích phú" nổi tiếng. Tô Thức không chỉ sở trường về thơ và tản văn, mà còn đạt được nhiều thành tựu về sáng tác từ. Những bài từ của ông có phong cách hào phóng khác hẳn mọi người. Sau chuyến đi chơi Xích Bích, ông còn viết 1 bài từ theo điệu "Niêm nộ kiều", có những câu như sau:
"Sông lớn chảy về đông, sóng vùi dập
bao nhân vật phong lưu thiên cổ
Phía tây thành lũy cổ, dân nói rằng
đó là Xích Bích của Chu Lang
Đá loạn chọc mây, sóng dữ vỗ bờ,
cuộn lên ngàn đống tuyết.
Núi sông như họa,
Từng chứng kiến biết bao hào kiệt".
Tô Thức là người học rộng đa tài, nhưng ông đã phạm 1 sai lầm không nhỏ về địa lý. Vì Xích Bích ở Hoàng Châu không phải là nơi Chu Du hỏa thiêu quân Tào. Xích Bích thời Tam Quốc nằm ở thượng du thành phố Vũ Hán ngày nay, còn Xích Bích thuộc Hoàng Châu lại nằm ở hạ du của Vũ Hán. Nhưng, do sự nhầm lẫn này của Tô Thức nên Xích Bích ở Hoàng Châu cũng trở nên nổi tiếng. Để kỉ niệm nhà văn lớn này, người ta gọi Xích Bích ở Hoàng Châu là "Đông Pha Xích Bích" (Xích Bích của Tô Đông Pha).
@by txiuqw4