Sau khi Bắc Tống diệt vong, Khang vương Triệu Cấu từ Tương Châu chạy xuống Nam Kinh (nay là Thương Khâu, Hà Nam, không phải thành phố Nam Kinh ngày nay). Tháng 5 năm 1127, Triệu Cấu lên ngôi hoàng đế, đó là Tống Cao Tông. Vươn triều Tống cầu an này, sau còn dời đô xuống Lâm An (nay là Hàng Châu, Triết Giang). Lịch sử gọi nó là Nam Tống. Sau khi Tống Cao Tông lên ngôi, dưới áp lực của dư luận, buộc phải triệu Lý Cương về triều làm tể tướng. Nhưng trên thực tế, Cao Tông chỉ tín nhiệm 2 người thân tín, đó là Hoàng Tiềm Thiện và Uông Bá Ngạn. Lý Cương đề xuất nhiều chủ trương chống Kim. Ông nói với Cao Tông: "Muốn thu phục Đông Kinh, nhất định phải sử dụng Tông Trạch".
Tông Trạch là 1 tướng kiên quyết chống Kim. Trước khi Bắc Tống diệt vong, Tống Khâm Tông đã có lần cử ông làm sứ giả đi giảng hòa. Tông Trạch nói với mọi người: "Tôi đi sứ lần này, không mong còn sống trở về. Nếu người Kim chịu lui quân thì thôi, nếu không tôi sẽ đấu đến cùng. Thà mất đầu chứ nhất quyết không để nước bị nhục".
Tống Khâm Tông thấy khẩu khí Tông Trạch cứng như vậy, sợ ông gây trở ngại cho hòa đàm, liền rút chức sứ giả của ông và điều ông đi làm quan ở Từ Châu. Khi quân Kim đánh Đông Kinh lần thứ 2. Tông Trạch dẫn quân đánh Kim, thắng liền 13 trận, tạo được tình thế thuận lợi. Ông viết thư cho Triệu Cấu lúc đó còn là Khang vương, yêu cầu ông ta chiêu tập quân các lộ cùng về hội họp cứu viện Đông Kinh. Ông còn viết thư cho 3 tướng khác, yêu cầu họ phối hợp hành động. Ngờ đâu họ không những không đem quân tới, àm còn cười giễu ông là kẻ điên rồ. Tông Trạch không còn biện pháp gì, đành đơn độc dẫn quân tác chiến. Một lần, cánh quân do ông dẫn đầu bị quân Kim bao vây, số lượng quân Kim đông gấp 10 lần quân Tống. Tông Trạch nói với tướng sĩ: "Hôm nay, tiến cũng chết mà lui cũng chết. Chúng ta quyết từ chỗ chết, xông lên chém giết để tìm ra con đường sống!". Tướng sĩ đều hăm hở, anh dũng xông lên, 1 người địch nổi 100, quả nhiên đánh lui được quân Kim.
Tống Cao Tông từ lâu đã biết sự dũng cảm của Tông Trạch, lần này được Lý Cương tiến cử, liền phong Tông Trạch làm tri phủ phủ Khai Phong. Lúc này tuy quân Kim đã rút khỏi phủ Khai Phong (tức Đông Kinh), nhưng thành Khai Phong trải qua 2 cuộc chiến, tường thành đã bị hủy hoại hết. Dân chúng và binh sĩ sống lẫn với nhau; lại thêm quân Kim còn ở bờ bắc Hoàng Hà, nên lòng người Khai Phong luôn thấp thỏm, trật tự xã hội không ổn định. Tông Trạch có uy tín rất cao trong quân và dân. Tới Khai Phong, ông hạ ngay 1 mệnh lệnh: "Phàm kẻ nào cướp bóc của dân, đều sẽ bị nghiêm trị".
Mệnh lệnh đã ban bố, nhưng trong thành vẫn xảy ra mấy vụ cướp. Tông Trạch liền xử tử phạm nhân tại chỗ, khiến trật tự trong thành dần được ổn định. Nhân dân Hà Bắc không chịu nổi cảnh cướp bóc chém giết của quân Kim, đều đua nhau tổ chức nghĩa quân, đánh bại quân Kim. Lý Cương chủ trương dựa vào nghĩa quân, tổ chức đội ngũ mới để chống Kim. Sau khi Tông Trạch đến Khai Phong, liền tích cực liên lạc với nghĩa quân. Nghĩa quân các vùng thuộc Hà Bắc đã từng nghe uy danh của Tông Trạch, nên đều tự nguyện chịu sự chỉ huy của ông. Tại Hà Đông, có 1 thủ lĩnh nghĩa quân là Vương Thiện, tụ tập 7 vạn người ngựa, muốn tập kích vào Khai Phong. Tông Trạch được tin, liền 1 mình 1 ngựa đến gặp Vương Thiện, nhỏ nước mắt nói: "Hiện nay nhà nước đang nguy cấp, nếu có được mấy người anh hùng như ngài, cùng đồng tâm hiệp lực kháng chiến thì người Kim đâu dám xâm phạm đến chúng ta nữa!".
Vương Thiện bị thuyết phục, cảm động rơi nước mắt, nói: "Kẻ này xin nghe theo sự chỉ huy của Tông Công".
Những toán nghĩa quân khác như Dương Tiến, Vương Tái Hưng, Lý Quí, Vương Đại Lang đều có từ mấy vạn tới mấy chục vạn người ngựa. Tông Trạch cũng cử người tới liên lạc, thuyết phục họ đoàn kết nhất trí cùng chống Kim. Nhờ vậy, việc phòng thủ ở ngoại vi thành Khai Phong được củng cố, lòng dân trong thành ổn định, lương thực sung túc, giá cả ổn định, tình trạng rối loạn được khắc phục. Nhưng chính vào lúc Tông Trạch chuẩn bị tiến lên phía bắc để khôi phục Trung nguyên thì Tống Cao Tông và bọn Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn lại sợ Nam Kinh chưa được an toàn, toan tiếp tục chạy sâu xuống miền nam. Vì chống lại việc chạy xuống miền nam, nên Tông Trạch bị Tống Cao Tông cách chức. Tông Trạch hết sức nóng ruột, liền tự dẫn quân vượt qua Hoàng Hà, giao ước với các đạo nghĩa quân cùng nhau chống Kim. Ông cho xây dựng xung quanh Khai Phong 24 thành lũy và lập các trại quân ven bờ Hoàng Hà liền khít nhau như vây cá, gọi là "liên châu trại", lại được nghĩa quân các địa phương thuộc Hà Đông, Hà Bắc cũng phối hợp, hưởng ứng lẫn nhau, nên lực lượng phòng ngự của quân Tống ngày càng mạnh.
Tông Trạch nhiều lần dâng sớ tấu, yêu cầu Cao Tông trở về Khai Phong để chủ trì việc chống Kim. Nhưng sớ tấu đến tay bọn Hoàng Tiềm Thiện, đều bị chúng dìm đi. Không lâu sau, Tống Cao Tông lại rời Nam Kinh, chạy xuống Dương Châu. Quả nhiên ít lâu sau, quân Kim chia mấy đường rầm rộ tiến công. Kim Thái Tông phái đại tướng Ngột Truật (còn có tên là Tông Bật) tiến công Khai Phong. Trước hết, Tông Trạch cử bộ tướng giữ Lạc Dương và Trịnh Châu. Khi Ngột Truật dẫn quân tiếp cận Khai Phong, Tông Trạch phái mấy ngàn tinh binh, vòng tới sau lưng địch, cắt đứt đường lui, sau đó đánh kẹp địch từ 2 mặt trước sau, khiến Ngột Truật bị đại bại, phải rút chạy. Một lần khác, tướng Kim là Tông Hàn dẫn quân đánh Lạc Dương, Tông Trạch phái bộ tướng Quách Chấn Dân, Lý Cảnh Lương dẫn quân tập kích, nhưng bị thất bại. Quách Chấn Dân đầu hàng quân Kim, Lý Cảnh Lương sợ tội nên bỏ trốn. Tông Trạch cử người tìm bắt được Lý Cảnh Lương, trách mắng: "Đánh trận bị thất bại, vốn có thể tha tội. Nhưng nay ngươi lại tự ý bỏ trốn, tức là không coi chủ tướng vào đâu nữa!". Nói xong, lập tức sai lôi Lý Cảnh Lương ra xử trảm.
Sau khi Quách Chấn Dân đầu hàng quân Kim, Tông Hàn cử 1 tướng Kim cùng đi với Quách Chấn Dân đến Khai Phong để khuyên Tông Trạch đầu hàng. Tông Trạch tiếp kiến họ trong đại sảnh đường phủ Khai Phong. Ông nói với Quách Chấn Dân: "Nếu ngươi chết ở chiến trường thì có thể được coi là một vong hồn trung nghĩa. Nhưng nay ngươi đầu hàng địch, trở thành một tên phản bội, còn mặt mũi nào mà gặp ta nữa!". Rồi quát lớn, ra lệnh cho binh sĩ lôi Quách Chấn Dân ra chém.
Tông Trạch lại quay đầu cười nhạt với viên tướng Kim đến khuyên hàng, nói: "Ta giữ thành này, đã chuẩn bị sống mái với các ngươi. Ngươi là tướng của triều Kim, không có tài xông pha trên chiến trường, lại toan dùng lời lẽ lừa bịp để lung lạc ta sao?".
Tướng Kim sợ hãi, mặt mũi nhợt nhạt, chỉ nghe tiếng quát lớn, rồi bị các binh sĩ kéo ra chém đầu. Tông Trạch liên tục giết 3 người, tỏ rõ quyết tâm sắt đá chống lại quân Kim, làm cho sĩ khí quân Tống lên cao. Ông dùng kỷ luật nghiêm minh và tài chỉ huy linh hoạt, đánh cho quân Kim thua liền mấy trận. Tướng sĩ Kim vừa sợ hãi, vừa khâm phục Tông Trạch, đều gọi ông là Cụ Tông. Dựa vào lực lượng nghĩa quân Hà Bắc, Tông Trạch không ngừng mở rộng quân số, tích trữ lương thảo, cho rằng hoàn toàn đủ lực lượng thu phục Trung nguyên. Ông liên tiếp gửi hơn 20 sớ tấu, mời Cao Tông trở về Khai Phong. Nhưng tất cả cũng đều bị bọn Hoàng Tiềm Thiện dìm đi. Lúc đó, Tông Trạch đã là 1 ông già gần 70 tuổi. Do quá uất ức, ông bị lên nhọt độc ở sau lưng rồi ốm liệt. Một số tướng dưới quyền đến thăm thì bệnh của ông đã rất nặng. Ông mở mắt, xúc động nói: "Tôi vì chưa báo được thù cho nước, trong lòng uất ức nên mới mắc bệnh này. Chỉ cần những người còn sống gắng sức diệt địch thì tôi dù nhắm mắt cũng không ân hận".
Các tướng lĩnh nghe lời ông, đều xúc động rơi nước mắt. Khi mọi người trở ra, chỉ nghe tiếng ông ngâm 2 câu thơ của Đỗ Phủ:
"Xuất sư vị tiệp thân tiên tử,
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm"
Dịch thơ:
"Ra quân chưa thắng, lìa đời
Anh hùng mãi mãi lệ rơi đầm đìa"
Sau đó, ông cố sức hô lớn: "Vượt sông! Vượt sông! Vượt sông!", rồi nhắm mắt.
Quân dân Khai Phong nghe tin Tông Trạch tạ thế, tất cả đều thương khóc thảm thiết. Sau khi Tống Trạch mất đi, triều Tống cử Đỗ Sung làm trấn thủ Đông Kinh. Đỗ Sung là 1 tên ngu muội, tàn bạo. Vừa tới Đông Kinh, hắn lập tức phá bỏ mọi công trình phòng ngự do Tông Trạch dựng lên. Chẳng bao lâu, toàn bộ vùng Trung nguyên rơi vào tay quân Kim.
@by txiuqw4