Quân Kim hoành hành khắp Trung nguyên nhưng vương triều Nam Tống không hề chuẩn bị chống lại. Tống Cao Tông vẫn chìm đắm trong cuộc sống xa hoa hưởng lạc ở hành cung Dương Châu. Tháng giêng năm 1129, tướng Kim Tông Hàn dẫn quân xuống miền nam, liên tiếp đánh chiếm nhiều thành trì. Các quan chức triều Tống ở các địa phương kẻ thì đầu hàng, kẻ thì chạy trốn. Quân tiên phong của Kim nhanh chóng vượt qua Hoàng Hà, tiến sát Dương Châu. Tống Cao Tông đang mải mê vui chơi ở hành cung Dương Châu, nghe tin quân Kim đánh tới, vội cuống cuồng cùng 5-6 tên thái giám thân tín, lên ngựa chạy thẳng ra bờ sông, kiếm được 1 chiếc thuyền nhỏ, qua sông ngay trong đêm. Quân Kim thả sức cướp bóc, tàn sát ở Dương Châu; rồi phóng hỏa, biến Dương Châu thành 1 đám đất cháy rụi. Sau đó chúng mới chịu chuyên chở của cải cướp bóc được lên miền bắc.
Tống Cao Tông chạy tới Lâm An, liền cách chức Hoàng Tiềm Thiện và Uông Bá Ngạn. Trong nội bộ triều đình Nam Tống xảy ra lục đục lớn. Thấy sự thối nát của Nam Tống là thời cơ có thể lấn lướt, vào tháng 10 năm đá, Kim Thái Tông lại cử Ngột Truật dẫn đại quân đánh xuống phía nam, chiếm Kiến Khang (nay là thành phố Nam Kinh, Giang Tô). Tống Cao Tông thấy quân Kim gần tới gần, lại vội bỏ Lâm An chạy xuống Việt Châu (nay là Thiệu Hưng, Triết Giang), rồi chạy tiếp xuống Minh Châu (nay là Ninh Ba, Triết Giang). Ngột Truật dẫn quân đuổi sát, Tống Cao Tông hết đường, liền lấy thuyền vượt biển rồi chạy xuống Ôn Châu (thuộc ven biển Triết Giang) cho tới khi quân Kim rút về bắc, mới lại trở về Lâm An. Quân Kim cướp bóc tàn bạo và vương triều Tống thối nát chạy dài khiến nhân dân chịu tai họa cùng cực, rất nhiều gia đình lâm vào cảnh nhà tan cửa mất. Nữ từ nhân nổi tiếng Lý Thanh Chiếu cùng chung số phận bi thảm đó. Lý Thanh Chiếu vốn quê quán tại Lịch Thành (nay là Tế Nam, Sơn Đông), là 1 nữ từ nhân nổi tiếng trong văn học lịch sử Trung Quốc. Cha là Lý Cách Phi, cũng là 1 văn học gia, từng làm quan dưới thời Tống Huy Tông. Vì là người chính trực, lại là học trò của Tô Thức, nên bị Thái Kinh đả kích. Từ nhỏ, Lý Thanh Chiếu đã được cha đào luyện, hết sức yêu thích văn chương, mê say thi, họa. Đặc biệt là về sáng tác từ, bà đã đạt được thành tựu xuất sắc. Năm 18 tuổi, bà kết hôn với Triệu Minh Thành, cũng là 1 quan gia tử đệ. Hai vợ chồng vô cùng hòa hợp, ngoài lòng yêu thích văn chương, còn có 1 niềm say mê chung là sưu tập đồ kim thạch (đồ đồng và bia đá có khắc bài văn hoặc bức họa). Những đồ kim thạch đó vừa thể hiện tính nghệ thuật thời cổ đại Trung Quốc, vừa là tư liệu lịch sử quý giá.
Khi đó, Triệu Minh Thành còn học trong trường Thái học ở Đông Kinh. Hai gia đình Triệu, Lý tuy đều làm quan to, nhưng không thật giàu có, không có tiền để họ mua văn vật. Nhưng điều đó không làm giảm lòng yêu thích kim thạch của họ. Vào các dịp mồng 1, ngày rằm, Triệu Minh Thành được về thăm nhà, liền đem 1 số quần áo tới hiệu cầm đồ cầm với giá rẻ, rồi lấy tiền đi tới chùa Đại Tướng Quốc. Chùa Đại Tướng Quốc là ngôi chùa lớn nhất Đông Kinh, thường tổ chức các lễ hội. Trong lễ hội, có bày bán đủ loại thương phẩm và thư tịch, đồ cổ và thư họa. Triệu Minh Thành tới đây, thấy đồ kim thạch nào ưng ý, đều bỏ tiền mua. Về nhà, 2 vợ chồng cùng nhau thưởng thức, phân loại, coi đó là lạc thú lớn nhất trong cuộc sống. Hai năm sau, Triệu Minh Thành ra làm quan. Ông dùng toàn bộ số lương bổng để mua đồ kim thạch và sách vở. Người cha của ông có 1 số bạn bè thân thích làm việc trong Tàng thư các (kho lưu trữ). Ở đó có rất nhiều sách cổ không lưu truyền ra bên ngoài. Qua những người đó, Triệu Minh Thành tìm mọi cách mượn sách về sao chép. Cứ như vậy, số đồ kim thạch và thư họa ngày càng nhiều. Lý Thanh Chiếu liền lập ra 1 kho sách, chỉnh lý và thống kê đầy đủ, hễ phát hiện thiếu sót là tìm mọi cách bổ sung, chỉnh lý. Qua sự chuyên cần trong gần 20 năm, Triệu Minh Thành biên soạn xong 1 tác phẩm ghi lại văn vật lịch sử cổ đại, gọi là "Kim thạch lục".
Trong những năm đất nước rung chuyển, không còn điều kiện để vùi đầu nghiên cứu văn vật nữa. Khi Đông Kinh bị đánh chiếm, Lý Thanh Chiếu và Triệu Minh Thành đang ở Tri Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Đông). Sau đó, tình thế ngày càng nguy ngập, Lý Thanh Chiếu theo Triệu Minh Thành xuống Kiến Khang. Họ đem theo 15 cỗ xe chở đầy đồ kim thạch và sách vở quý giá nhất. Sau đó quân Kim đánh chiếm Thanh Châu, hơn 10 gian nhà chứa đầy văn vật mà Lý Thanh Chiếu để lại quê nhà, bị chiến hỏa thiêu thành tro bụi. Sau khi tới Kiến Khang, Triệu Minh Thành nhận được chiếu lệnh, được cử làm tri phủ ở Hồ Châu. Trong tình cảnh loạn lạc lúc đó, Lý Thanh Chiếu không thể cùng đi với Triệu Minh Thành. Khi chia tay, Lý Thanh Chiếu hỏi chồng: "Vạn nhất quân Kim đánh tới, thiếp nên làm thế nào?".
Triệu Minh Thành kiên quyết nói: "Thì lại mang mọi thứ chạy đi như trước. Nếu không được thì trước hết bỏ lại đồ dùng gia đình. Nếu vẫn không đem đi được hết, thì đành bỏ cổ vật và thi họa lại, nhưng có mấy thứ lễ khí cổ, hiền thê nhất định phải bảo vệ tốt, coi như tính mạng của mình!".
Không ngờ, sau cuộc chia tay này, Triệu Minh Thành mắc bệnh sốt rét rồi mất. Chồng bị chết khiến Lý Thanh Chiếu đau thương vô hạn. Nhưng điều quan trọng nhất là phải kế thừa hoài bão của chồng, giữ gìn tốt bộ sưu tập văn vật. Triệu Minh Thành có người em rễ ở Hồng Châu (nay là Nam Xương, Giang Tây), Lý Thanh Chiếu liền nhờ người vận chuyển đến Hồng Châu 2 vạn cuốn sách và 2 vạn bản khắc kim thạch. Không ngờ, chẳng bao lâu sau đó, quân Kim đánh tới Hồng Châu, toàn bộ số văn vật đó không biết tăm tích ra sao. Khi Triệu Minh Thành ốm nặng, có 1 học sĩ là Trương Phi Khanh đến thăm. Ông ta đem theo bên mình 1 chiếc bình ngọc. Lý Thanh Chiếu là người rất giỏi giám định văn vật, nhìn qua đã thấy chiếc bình đó không phải bằng ngọc thật mà là 1 loại đá. Sau đó, Trương Phi Khanh lại mang chiếc bình đó đi. Sau khi Triệu Minh Thành chết, có 1 số người nói vu vơ là Triệu Minh Thành đã tặng 1 số của vật quý cho người triều Kim (tức học sĩ Trương Phi Khanh). Lời đồn đại đó khiến Lý Thanh Chiếu chịu tiếng oan, bà muốn vào minh oan với triều đình, nhưng triều đình của Tống Cao Tông đã bỏ chạy rồi. Lý Thanh Chiếu phải chạy nạn khắp nơi. Khi bà định cư ở Thiệu Hưng, số văn vật cái thì bị tán thất, cái thì bị lấy cắp, chỉ còn lại 1 vài cái lẻ loi, tàn khuyết. Non sông đất nước tả tơi, văn vật quý giá mất mát là 1 đòn nặng về tinh thần giáng xuống Lý Thanh Chiếu. Bà đã viết rất nhiều thơ, ừ phản ánh tình trạng nhà tan nước mất. Từ của bà đã đạt được thành tựu nghệ thuật rất cao, nhiều bài mang tinh thần yêu nước nồng nàn. Trong 1 bài thơ, bà tỏ tâm trạng bất mãn trước việc vượt sông trốn chạy của tầng lớp thống trị Nam Tống. Thơ viết:
"Sống, nên làm hào kiệt,
Chết, làm ma anh hùng.
Nay còn nhớ Hạng Vũ,
Không chịu về Giang Đông".
@by txiuqw4