3.
- Dậy! Dậy! Con mạ bay! Chừ mà còn ôm nhau ngủ à?
Tiếp câu chửi là mũi giày đế thúc vào lưng hai đứa.
Lượm và Thúi đang ngủ say như chết, bật lên kêu "Ui! úi!" chồm ngay dậy, ngơ ngác, sợ hãi.
Trước mắt chúng, đứng chắn trước cửa xà lim mở rộng là tên lính ngục, một tay xách súng, tay kia thì bịt mũi. Hai đứa chỉ nhìn thấy mặt hắn lờ mờ, vì bên ngoài tuy trời đã sáng nhưng trong này vẫn còn nhập nhoạng tối. Phía sau thằng lính có một người tay xách cái rổ. Người này nhặt hai vắt cơm trong rổ ném vào trước mặt hai đứa, rồi lấy chân đá qua chân tên lính hai cái thùng sắt tây hoen rỉ.
Tên lính nạt nộ - "Hình như tụi này đã cất tiếng nói là phải nạt nộ, như người ta đi ỉa là phải rặn" - một ý so sánh kỳ quặc vụt lướt qua trong óc Lượm làm nó suýt phì cười.
- Con mạ bay, cơm đó, ăn đi. Đái ỉa thì đái vô cái thùng ni. - Hắn đá mũi giày vào một cái thùng lớn, - thùng ni thì đựng nước uống, - hắn đá vào cái thùng nhỏ hơn. Hai đứa chưa kịp nói gì thì cửa xà lim đã đóng ập, cài chốt lách cách.
Lúc này hai đứa mới tỉnh ngủ hẳn, hông vẫn còn đau tức. Chúng vụt nhớ lại tất cả, và hiện đang ở đâu. Lượm cúi nhặt hai vắt cơm nằm lăn lóc cạnh cái thùng đi ỉa, dính đầy đất và dâm dấm ướt. Nó nhăn mặt, ghê tởm, nói:
- Cơm nước ni thì làm răng nuốt nổi! Mất công chi mà hắn không cầm đưa cho mình được lại đem vứt xuống đất như vứt cho chó.
Lúc này hai đứa mới để ý phía sân tù sát cửa ra vào có tiếng ồn ào, huyên náo như vỡ chợ. Tiếng gọi, tiếng kêu, tiếng roi quất, quát tháo, chửi mắng, tiếng ô tô rú máy, tiếng chân chạy rầm rập. Chắc ngoài đó phải có đến hàng nghìn người đang kêu la, đi lại, chen chúc mới ồn ào đến như vậy. Chừng nửa giờ sau, tiếng ồn ào, huyên náo dịu bớt rồi tắt hẳn. Nhà lao trở nên im ắng lạ thường, như chợ đã tan.
Thằng Thúi cẩm một vắt cơm đưa lên mũi ngửi. Nó khạc nhổ, nói:
- Có mùi chi thúi thúi, chắc dính phải cứt hay nước đái anh ạ.
Từ chiều qua chưa có hột cơm nào trong bụng, thêm bị đòn, bị mưa xối ướt lạnh thấu ruột, mà hai đứa không tài chi nuốt nổi vắt cơm. Cứ đưa lên miệng là muốn mửa. Nhưng đến quá trưa, hai đứa đói quá, đành lấy móng tay bóc lớp cơm dính bẩn bên ngoài rồi bẻ từng miếng nhỏ bỏ vô miệng, nhai trệu trạo vài cái nuốt chửng. Thằng Thúi vừa nuốt cơm vừa thút thít khóc.
Trong xà lim, giữa ban ngày, vẫn tối mờ mờ như trước giờ chạng vạng. Cái cửa tò vò ở trên cao, lại nhỏ quá, ánh sáng lọt qua không đủ soi sáng cái khoảng rộng chưa đầy ba mét vuông.
Lượm nhìn thằng Thúi trần truồng còm nhom như con nhái bén, ngồi thu lu ở góc xà lim, tay cầm vắt cơm ăn dở, vừa trệu trạo nhai, vừa nước mắt giọt ngắn giọt dài, tự nhiên thấy ngực đau nhói, thương nó quá chừng.
- Khổ thân hắn! - Lượm nghĩ bụng. - Chẳng thà đi Vệ Quốc Đoàn như mình, bị Tây bắt, bị nhốt xà lim cũng đáng. Còn hắn chẳng có tội tình chi, từ nhỏ đến lớn, ngày mô cũng phải rạc cẳng, khô hơi, lo bán cho hết rá kẹo gừng. Tối về nhà thì lo nằm sấp xuống đất mà ăn roi mụ chủ lò kẹo… Rứa mà tự dưng cũng bị bắt, cũng tra tấn, nhốt xà lim. Tội nghiệp cho hắn thiệt! - Nỗi thương xót lại trào lên trong lòng Lượm, tự nhiên nó cũng rơm rớm nước mắt. Nó nói:
- Thôi mi đừng khóc nữa. Mi chịu khó ở tù thêm ít lâu. Mai mốt tụi An ninh có gọi tau lên lấy khẩu cung, tau sẽ cố xin tụi hắn thả mi ra. Tau nói: Các ông bắt oan hắn. Các ông điều tra kỹ, nếu hắn đúng là Tư-dát thì các ông cứ việc chặt đầu tui.
Đang khóc, thằng Thúi vội lấy cánh tay quẹt nước mắt:
- Đừng, đừng? Tui lạy anh! - Hắn nói giọng gần như thì thầm. - Chẳng thà tui cứ ở tù với anh ri còn hơn. May ra, sau ni anh đưa tui đi Vệ Quốc Đoàn … Chừ mà tui có được thả ra, mụ chủ thấy rá rổ bán kẹo mất hết, lại thâm vô tiền vốn, thì mụ tước xác tui ra anh nờ.
Nhắc đến tiền, nó bỗng hớt hải vứt nắm cơm xuống đất, chộp lấy cái áo sơ mi ngắn tay ướt mèm, tay run run sờ cổ áo.
Nó mừng rỡ, nói như reo:
- May quá! Tiền vẫn còn nguyên?
Lượm ngạc nhiên, cũng sờ vào cổ áo nó. Cổ áo cồm cộm, té ra số tiền bán kẹo được, nó gấp nhỏ lại đút giấu vào bên trong cổ áo từ bao giờ. Lượm gật đẩu khen:
- Mi khôn thiệt - Mi mà được đi làm trinh sát liên lạc chắc mau giỏi lắm. Nhưng… Áo ướt mèm ri thì tiền bên trong nát hết.
- Không sợ, tiền giấy dai lắm. Có lỡ quên đem áo giặt cũng không việc chi. Áo khô thì tiền cũng khô thôi. - Nó mặc luôn cái áo ướt vào người. - Mặc vô ri có hơi người áo mau khô hơn.
Hai đứa lại ngồi lưng dựa tường xà lim, lắng nghe động tĩnh bên ngoài. Nhà lao rất im ắng. Hình như bao nhiêu tù người ta đưa đi đâu hết. Suốt ngày, thỉnh thoảng mới nghe có tiếng quát tháo cái gì đó, mà người quát tháo đứng rất cao, đâu như trên nóc nhà. Tiếng quy-lát súng xáo lách cách, cũng từ trên rất cao. Hai đứa đoán là bọn lính ngục đang đi lại tuần tiễu trên nóc lớp tường thứ hai. Lạ nhất là phía bên trong sân lao có nhiều tiếng con nít. Chúng chửi nhau, la ré, khóc thét, lại cả tiếng cười reo.
Lượm nói:
- Té ra trong ni cũng loạn tù con nít như mi với tau. Rứa là tau với mi không lo vô đây không có bạn.
Khoảng năm giờ chiều, bên ngoài, tiếng ồn ào huyên náo lại bùng lên như buổi sáng. Nghe tiếng chân đi lại rậm rịch, hai đứa đoán là sân lao phải chật ních những người. Hai đứa đoán tù được đưa đi đâu đó, bây giờ đưa về, vì nghe rất nhiều tiếng ô tô gẩm rú bên ngoài cửa lao. Đêm xuống, nhà lao im ắng như bị vùi chôn rất sâu trong bóng tối. Thỉnh thoảng có tiếng súng nổ xé tai, tiếng đạn rít qua mái nhà.
Hai đứa bị giam trong xà lim năm ngày, năm đêm. Chân hai đứa là chân chạy, bị tù túng trong vòng ba mét vuông, chúng khổ sở đến muốn phát điên. Để khuây khỏa bớt cảnh cực khổ ghê sợ này, trong năm ngày đó, Lượm đã kể cho thằng Thúi nghe biết bao nhiêu chuyện buồn, vui mà cuộc đời chiến sĩ mới mười bốn tuổi đầu của nó đã trải qua. Nó kể về những ngày thơ ấu ở làng quê. Những trò nghịch ngợm làm cho nó bị đòn nhừ xương và một năm bị đuổi học tới ba lần; những ngày đi chăn trâu và do tình cờ mà nó được tham gia Việt Minh từ thời còn bí mật. Những ngày Tổng khởi nghĩa ở làng nó, sôi sục, tưng bừng mà vui hơn Tết. Chuyện nó trốn nhà đi Vệ Quốc Đoàn. Cuộc chiến đấu năm mươi lăm ngày đêm, từ mặt trận Huế đến mặt trận Truồi, Nong. Nó kể về đội Thiếu niên trinh sát, các bạn trong đội, những trận đánh Tây hồi hộp, mê hồn. Rồi cuộc rút lui lên chiến khu, và trở lại Huế hoạt động…
Nó kể, rồi chính nó cũng tự lấy làm ngạc nhiên. Cách mạng Tháng Tám với Vệ Quốc Đoàn sinh ra cho đời mình lắm chuyện thiệt. Nó tự nghĩ vậy. Không biết giờ trở đi còn thêm chuyện chi nữa không?
Còn thằng Thúi cứ há hốc mồm mà nghe. Lúc nó run lên vì lo sợ hồi hộp, lúc nó bật cười khúc khích. Chốc chốc nó lại xuýt xoa: "Đời anh sướng thiệt!". Có lần, đang giữa câu chuyện, nó bật một câu nhận xết làm Lượm nở cả ruột gan:
- Ui chao! Chuyện của anh còn hay hơn cả chuyện đời xưa?
4.
Buổi sáng ngày thứ năm, khoảng mười giờ, tụi lính ngục mở cửa xà lim thả hai đứa ra ngoài cùng với hai chục người khác, đưa từ Ty An ninh sang. Ra xà lim họ sẽ được sang ở chung với những người tù khác trong hai ngôi nhà dài ở bên kia sân lao, được gọi là ba-ti-măng một, và ba-ti-măng hai. Bọn giặc cần lấy xà lim để giam một toán tù mới, do xe ô tô bịt bùng của Sở Phòng nhì Pháp vừa chở đến. Những người tù mới này tay đều bị còng và chân bị xích. Nghe nói họ đều là loại Việt Minh nguy hiểm nhất. Một số đã lãnh án tử hình, án khổ sai chung thân, chúng đưa họ đến lao Thừa Phủ tạm giam để chờ ngày đưa đi bắn, hoặc đầy ra Côn Đảo, Phú Quốc. Ra khỏi xà lim, Lượm dắt tay thằng Thúi chạy đến nhập bọn với toán tù đang đứng chực lố nhố gần cánh cổng sát lớp tường thứ hai, đón nhìn toán tù mới.
Khi nhìn toán tù khoảng ba chục người, tay bị còng chắp trước bụng, chân bị xích, lê từng bước ngắn giữa hai hàng lính Tây Lê Dương mũ đỏ, súng cắm lưỡi lê sáng quắc, tất cả đều sởn gai ốc, rùng mình. Không một người nào mặt mũi còn nguyên lành. Tưởng đâu như trước khi đưa đến đây, người nào cũng bị bọn Tây, kê mặt họ lên đòn kê rồi dùng sống dao, sống rựa mà dần cho dập nát.
Lượm chú ý đến một người tù đi gần cuối hàng, cao vượt hơn người đi trước một cái đầu. Người này chắc đã bị tra tấn ghê gớm lắm. Mặt tím bầm như quả bồ quân, hai môi sưng vều khóe môi đọng hai vệt máu đen thẫm, một mắt bị đánh gần như lồi ra ngoài.
Nhìn người tù đi đến gần, mắt nó mở to kinh hoàng. Nó dụi mắt lia lịa, gần như không còn tin vào mắt mình nữa: "Có lẽ nào!". Nó vội đưa tay lên bịt miệng để khỏi bật tiếng kêu đau đớn, sợ hãi: "Trời ơi, ông Phùng Đông, Chỉ huy trưởng mặt trận khu C. Hay là mình ngó lầm? Không, lầm răng được! Tuy mặt ông bị biến dạng như vậy, nhưng dáng người cao gầy, cái cằm vuông có cạnh như đẽo, bước đi đĩnh đạc quen thuộc, và nhất là con mắt sâu hoắm của ông, thì không thể nào lầm được!".
Khi ông bước ngang trước mặt nó, nó không còn kìm nén được buột miệng khẽ kêu:
- Chỉ huy trưởng! Anh!…
Người tù ngoảnh sang, nhìn nó rất nhanh. Tia mắt ông chạm phải tia nhìn của Lượm, làm nó bất giác muốn ngất xỉu vì buốt xé tận ruột gan.
- Đúng là Chỉ huy trưởng thật rồi? Ông đã nhìn mình. – Nó thoáng nghĩ - "Chắc ông chẳng nhận được ra mình là ai, nhưng cũng đoán được mình là chiến sĩ của ông".
Đầu ông khẽ gật với nó, và cặp môi dập nát như hơi mỉm cười.
Thằng lính áp giải sừng sộ bước lại. Cái lưỡi lê sáng quắc trong tay hắn như muốn xóc vào bụng Lượm. Thằng Thúi sợ hãi, cầm tay Lượm kéo lùi về phía sau những người tù lớn tuổi.
Đoàn tù bị dồn vào dãy hành lang tranh tối tranh sáng giữa xà lim. Nhiều tiếng cảnh cửa rít mở và sập đóng rầm rầm. Quên hết sợ hãi, Lượm giật phắt khỏi tay thằng Thúi, chen lách qua những người lớn tuổi, chạy bổ nhào theo đoàn tù. Nó muốn dò xem Chỉ huy trưởng bị giam ở xà lim số mấy. Nhưng trước cửa lối vào hành lang, hai tên lính cầm súng cắm lưỡi lê đứng chắn không cho ai mon men lại gần.
Thằng Thúi chạy lại, cầm chặt cổ tay Lượm kéo ra xa:
- Anh cứ đứng ngó vô trong đó hoài, lỡ tụi hắn sinh nghi, xọc cho phát lưỡi lê thì răng?
Hai chân Lượm bủn rủn. Lượm ngồi phệch xuống gốc cây cơm nguội xơ xác góc sân lao. Miệng nó bỗng mếu xệch, nước mắt ứa ra. Thằng Thúi sẽ sàng ngồi xuống bên cạnh, lay lay nhẹ vai Lượm hỏi:
- Người anh vừa kêu là ai rứa? Bà con với anh à?
- Ui chao! - Lượm nghẹn ngào. - Người nớ là Chỉ huy trưởng mặt trận khu C đó mi nờ. Ông ấy đánh Tây lừng tiếng cả mặt trận Huế… Làm răng mà ông ấy lại để cho tụi hắn bắt được rứa không biết?… Nói đến đó miệng nó càng mếu xệu.
Lượm có thể hình dung đủ mọi điều khủng khiếp, nhưng riêng cái việc chỉ huy trưởng mà cũng bị bắt, bị tra tấn, bị tụi đầu trâu mặt ngựa chửi mắng như đã chửi nó, thì nó không thể nào tưởng tượng nổi. Tuổi nhỏ thường có khuynh hướng thần thánh hóa những nhân vật chúng yêu kính, tôn sùng. Trong đầu Lượm những người Chỉ huy trưởng thì bọn giặc không thể đụng tới cái lông chân. Chứ đừng nói là bị giặc bắt, tra tấn, chửi mắng. Đối với các em, những con người đó đứng vào hàng bất tử.
Ngồi một lúc khá lâu, nó vẫn còn thấy bàng hoàng, choáng váng như bất ngờ bước hụt chân, ngã nhào đầu xuống hố sâu. Những giây phút này, ngoài nỗi đau đớn thương xót đồng đội, cấp chỉ huy, trong lòng người chiến sĩ mười bốn tuổi này có một cái gì nghiêm trọng hơn, to lớn hơn đang bị tổn thương nặng nề. Đó là niềm tin vào thắng lợi chắc chắn của cuộc kháng chiến mà nó rất kiêu hãnh và vui sướng vì được dự phần. Chính sự kiêu hãnh đó đã nâng đỡ Lượm đơn độc mà vẫn đứng vững trong những tình huống gian truân, hiểm nghèo vừa trải qua. Nhưng niềm tin của các chiến sĩ nhỏ tuổi bao giờ cũng được gắn liền với những nhân vật cụ thể. Các em coi họ là đại diện cho sức mạnh của kháng chiến. Đó là Trung đoàn trưởng, Chính ủy trung đoàn, Chỉ huy trưởng mặt trận… Hồi còn mặt trận Huế, khi nghe tin khẩu đại bác bảy lăm ly - mà cả trung đoàn gọi "ông già bảy lăm" - đặt ở cột cờ, bị giặc phản pháo, vỡ mất đầu nòng, tất cả các chú bé liên lạc của trung đoàn đều khóc. "Tụi hắn khóc như cha chết rứa" như lời các anh lớn tuổi nói với nhau. Các em khóc vì lo sợ thay cho kháng chiến. Với các em, "ông già bảy lăm" cũng là một trong những nhân vật đại diện cho sức mạnh kháng chiến của quê hương.
Nước mắt chảy giọt ngắn giọt dài trên hai gò má Lượm cũng chẳng buồn đưa tay chùi quệt. Nó nói, mắt đăm đăm nhìn về phía hai cánh cửa gỗ niềng sắt lối vào hành lang xà lim, lúc này đã đóng chặt.
- Không biết ông đi mô một mình mà để cho tụi hắn bắt rứa không biết? Ông mà đi với cả đơn vị thì tài chi tụi hắn bắt được!
Lúc này Lượm vụt nhớ một chi tiết mà từ nãy tới giờ nó quên phứt: Chỉ huy trưởng không mặc quân phục. Ông mặc một bộ bà ba vải nâu, dầm dập. Nếu không biết mặt thì ai cũng tưởng ông là người miệt quê đi mua trâu, bò. "Ông đã cải trang như rứa mà vẫn bị bắt thì chắc phải có đứa biết mặt ông, chỉ điểm cho Tây. Đứa mô? Nhất định mình phải tìm cách hỏi ông cho ra".
Như người mất hồn, nó đứng bật dậy, cầm tay thằng Thúi kéo đi vòng quanh dãy xà lim mấy vòng liền. Mắt nó ghếch nhìn lên những khuôn cửa vuông nhỏ xíu có chấn song sắt. Nó hy vọng có thể bất chợt thấy gương mặt dập nát của Chỉ huy trưởng hiện ra sau khuôn cửa.
5.
Mải ghếch nhìn cửa tò vò xà lim, Lượm không chú ý trong đó một toán tù con nít khá đông chăm chú nhìn theo hai đứa. Bọn này cũng trạc tuổi Lượm và Thúi, hai ba đứa lớn nhích hơn một chút. Chúng ngồi túm tụm trên cái thành bể xi măng dài hư nát. Trước kia là chỗ lấy nước cho tù nhân uống, rửa mặt, còn sót lại một hai cái vòi hoen rỉ.
Cả bọn, chỉ mấy đứa áo quần còn lành lặn, số còn lại rách như tổ đỉa. Có đứa trên người không phải áo quần mà những tấm giẻ rách treo lủng lẳng, lấm lem, hôi hám. Tay chân, mặt mũi đứa nào cũng đầy ghét, bùn khô bám từng mảng, như đàn trâu vừa đầm dưới bùn lên. Nhiều đứa hai chân loang lổ hắc lào, sần sùi những mụn ghẻ hờm. Có lẽ chúng đã mấy tháng trời không được tắm rửa.
Ngoài toán này, còn khoảng vài chục đứa khác rải rác đi quanh lao. Đứa ngồi dựa tường cởi áo bắt rận, đứa nằm dài trên đất ngủ dưới bóng cây cơm nguội, một tay co gối đầu, đứa lội trong đám cỏ xác xơ cuối sân lao tìm kiếm cái gì đó. Có vài đứa đang túm tụm chơi đáo bằng những mảnh ngói mái tròn hình đồng xu. Đứa nào cũng bẩn thỉu, gày gò, nước da xanh rớt
Đứa lớn nhất tù con nít ngồi trên thành bể là một thằng trạc mười sáu tuổi, đầu tóc bù rối như tổ quạ phủ kín gáy, miện rộng ngoác, cặp môi dày mà loe, mũi hếch, cặp mắt ốc nhồi trâng tráo, hỗn xược. Thái dương hắn có cái sẹo to bằng hòn cái đánh đáo nhẵn bóng. Hắn mặc áo pạc-ti-dăng rộng thùng thình đen như nhúng bùn, mở phanh ngực, và cái quần đùi hai ống vo tròn đến bẹn. Chính giữa ngực xăm một quả tim có con dao thọc xuyên qua. Sức vóc nó khá lực lưỡng so với cái tuổi mười sáu của nó. Hắn ngậm lệch về bên mép điếu thuốc lá quấn bằng giấy báo. Hút mấy hơi hắn lại rít nhổ nước bọt qua kẽ răng và nhổ khá xa.
Nó ngồi tréo may chính giữa, mấy đứa kia xúm xung quanh, như vị chúa tể giữa đám quân hầu. Đứa nào đối với nó cũng có vẻ khúm núm, sợ sệt, nịnh nọt. Tất cả đều gọi nó là anh xưng em ngọt sớt, có đứa còn gọi nó là "đại ca", "Đại ca Lép-sẹo". Nghe đàn em nói vậy hắn ngoác miệng cười.
Thằng Thúi từ nãy tới giờ đi theo Lượm nhưng mắt vẫn lấm lét nhìn về phía bọn này. Với linh cảm của đứa trẻ yếu ớt hay bị những đứa trẻ khoẻ hơn ăn hiếp, đánh đập, tự nhiên nó thấy sợ. Mấy lần nó khẽ giật tay Lượm ra hiệu "Anh nì…" nhưng Lượm còn mải ghếch mắt nhìn các khuôn cửa xà lim nên không để ý.
Lép-sẹo hất hàm về phía Lượm và Thúi hỏi bọn đàn em:
- Hai thằng tê vô đây khi ni mà tau không biết hè?
- Tụi hắn bị giải vô đây từ chiều cái hôm trời mưa to ấy. Hôm ấy đại ca đang ngồi đánh bài cạc-tê trong ba-ti-măng. Một thằng đôi mắt có cục thịt thừa đáp
- Tụi hắn bị giam trong xà lim đến bữa ni mới được thả ra?
- Bị bắt vì tội chi?
- Chắc cũng là "cánh chạy" anh em ta - Một thằng cởi trần trùng trục đen như con chấy đáp
Một thằng mặt mỏng thổi bay lắc lắc đầu nói:
- Tụi chạy ở các chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu… tui quen mặt hết. Chắc hai thằng ni là dân "chạy nhép" ở các chợ xép.
Một thằng áo quần lành lặn nói:
- Nhưng mặt mũi hai thằng ni ngó bộ không phải dân ba de móc túi mô…
Lép-sẹo vụt khạc nhổ cái tàn thuốc ra xa, quay sang thằng này trợn mắt hỏi:
- Dân ba de móc túi thì mặt mũi như răng? Xấu lắm à? Mi muốn xỏ xiên ông nội mi hả?
Hắn đưa tay đánh một tát tai để nhấn mạnh thêm câu hỏi vặn. Thằng bé bị tát này ngã nhào từ trên thành bể xuống đất. Nó lóp ngóp đứng dậy. Năm ngón tay của Lép-sẹo còn in hằn đỏ trên má. Nó phủi đất trên mặt, không dám khóc, ấp úng nói:
- Không… không… tại tôi thấy mặt mũi của hai thằng dại dại, đần đần…
Thằng đuôi mắt có ve nói:
- Chắc hai thằng là liên lạc Việt Minh như mấy thằng đang đánh đáo đằng tê…
- Là liên lạc Việt Minh hay là ông trời tau cũng bắt hai thằng ni phải lạy từ dưới dái tau lạy lên! Lép-sẹo ngồi xổm thành bể chĩa miệng về phía Lượm, Thúi gọi to:
- Ê! Ê! Hai thằng tê, đến đây mệ nhờ chút việc! - Lượm đứng sững lại nhìn nó, nó lại ngoắc tay, miệng "chặc! chặc! chặc!" kiểu như gọi chó. Bọn đàn em thích thú cười rân.
Lượm cau mặt. Nó ngần ngừ một chút, bỏ tay thằng Thúi ra, bước thẳng đến. Thằng Thúi vội vàng bước theo, nép sát bên Lượm, mặt tái đi vì sợ.
Khi Lượm còn cách chừng năm bước, Lép-sẹo chỉ cái tàn thuốc vừa vứt đi, bắt chước giọng "các mệ" nói:
- Mi lượm các tàn thuốc giúp mệ rồi cho mệ một xu mà ăn cà- rem! - Nó khuỳnh tay mở rộng hai vạt áo ra như muốn khoe quả tim có con dao găm xuyên qua, xăm trên bộ ngực cáu đen những ghét.
Lượm nhìn Lép-sẹo rồi nhìn cả bọn đang cười ngả nghiêng. ngặt nghẽo. Nó lấy làm lạ tự hỏi: "Cùng bạn tù với nhau mà mình cũng chưa hề quen biết, răng tụi hắn lại gây chuyện với mình?"
Thấy chúng đông nên tuy trong bụng đã sôi lắm, vẫn cố nén, nói giọng khá bình tĩnh:
- Đằng nớ không què cũng không cụt! Thích hút thì tự đi lấy mà hút! Còn tiền ăn cà- rem thì đây không thiếu mô
- Nhưng tính mệ khác, mệ thích sai mi lượm cho mệ hút tê!… Giọng Lép-sẹo dài ra, Lượm thầm công nhận thằng ni bắt chước giọng "các mệ" không chê được.
Thằng Thúi run rẩy, níu chặt khuỷu tay Lượm. Nó vội vàng kéo mạnh tay Lượm đi về phía khác, nói:
- Tôi với anh đi vô trong nớ tìm chỗ tối ni mà ngủ… - Nó chỉ tay vào dãy nhà dài bên trái có hai cánh cửa sắt, nửa khép nửa đóng.
Lượm cũng nghĩ vậy, cố hết sức nuốt cục giận đi theo thằng Thúi.
Thế là cả bọn ê ê theo ầm ĩ. Lép-sẹo đứng thẳng lên thành bể, ngực ưỡn, một mặt chống nạnh, một chân nhịp nhịp điệu bộ như ông tướng phường tuồng, oang oang nói:
- Tụi bay đã thấy chưa? Hắn mới chỉ ngó thấy mặt mệ đã sợ thọt dái lên cổ rồi.
Lượm bước chân lại, cặp mắt vụt đỏ kè. Cánh tay nó rung lên, hai bàn tay nắm chặt. Nó chỉ muốn nhào trở lại, xông vào giữa cả bọn mà đấm, mà đá rồi đến đâu thì đến.
Thằng Thúi lo sợ nhìn nét mặt Lượm, nó như hiểu hết những ý nghĩ trong đầu Lượm. Nó càng nắm chắc khuỷu tay Lượm hơn, cố giữ rịt và kéo Lượm bước nhanh về phía ba-ti-măng một. Nó nói nhỏ, gần như thì thầm:
- Kệ tụi hắn anh nờ… Gây lộn với tụi hắn làm chi cho nhớp tay, nhớp miệng. Cả tụi ni tui biết hết. Toàn tụi ba de móc túi ngoài chợ Đông Ba. Hồi tui đi bán kẹo gừng, ngày mô mà chẳng gặp tụi hắn… Vừa nói thằng Thúi vừa lấm lét nhìn lại phía sau
Nét mặt Lượm càng cau có hơn.
- Cái thằng sai anh lượm tàn thuốc lá là thằng Lép-sẹo dân móc túi tài danh ở chợ Đông Ba đó. Tui gặp hắn luôn- Thúi nói- Tôi nghe mấy đứa bạn bán kẹo gừng, kẹo đậu phụng kể là hắn có tài móc túi từ ngày mới biết đi. Dây chuyền vàng người ta đeo ở cổ mà hắn lột khi mô không biết. Còn mấy cụ ở nhà quê lên lơ ngơ vô chợ thì hắn lột cả khăn đống, cả dù… hắn là trùm hết tụi con nít móc túi ở mấy chợ Đông Ba, An Cựu, Gia Hội. Đứa mô móc được cái chi ít nhiều đều phải đưa cho hắn, không chia hắn đập cho lộn mề lộn gan. Tui nghe nói hắn có võ, trong lưng lúc mô cũng có dao… Hắn đã đâm chết hai thằng to xác hơn, rồi cột đá vứt xuống sông… Dễ sợ lắm anh nờ, không biết tại răng hắn vô tù.
Lượm nói, giọng sa sầm:
- Rồi trước sau chi tau cũng phải choảng nhau với hắn thôi. Hắn còn đeo theo tau mà gây lộn chứ chưa chịu thôi mô…
Thúi nói gần như van vỉ:
- Nhịn hắn đi là hơn, anh ạ. Tụi hắn đông, anh em mình choảng nhau răng lại? Anh cứ nghe tui, cho tụi hắn chửi, mình cứ giả đò điếc, coi như không nghe thấy chi hết là xong…
Lượm bỗng đứng phắt dậy, giật mạnh tay ra khỏi bàn tay gầy guộc của Thúi. Nó nhìn Thúi với ánh mắt dữ tợn, nổi khùng, làm Thúi phải sợ hãi bước lùi lại một bước, Thúi tưởng Lượm sắp đánh nó:
- Chết thì thôi chứ tau lại giả đò điếc để cho mấy thằng ba de móc túi chửi à? - Lượm nói như quát - Mi quên tau là Vệ Quốc Đoàn à?
@by txiuqw4