6.
Bước lên năm bậc thềm bằng bê- tông trét đầy bùn đất, Lượm và Thúi đi vào hành lang ngăn đôi ngôi nhà xây bằng đá, có hai cánh cửa sắt nửa đóng nửa mở. Mỗi bên lại có một cánh cửa sắt, mở vào một gian nhà dài hun hút, được gọi là ba-ti-măng một và hai - Lượm và Thúi tiện chân đi vào ba-ti-măng một - mùi thối đến nôn mửa xộc vào mũi làm hai đứa phải đứng chững lại ở ngưỡng cửa, đưa tay bịt mũi. Hai đứa trố mắt nhìn quang cảnh bày ra trước mắt và bất giác rùng mình. Cuộc sống năm ngày xà lim chưa đủ làm hai đứa quên đi cảnh tượng dơ bẩn đến nôn oẹ trong ba-ti-măng. Ba-ti-măng giống hệt một cái chuồng nhốt thú dữ. Tường xây bằng đá, chiều cao rộng chừng năm mét, chiều dài đến hai chục mét, nền xi măng lở loét, trống trơn, in chin chít những dấu chân lấm bùn. Hai bờ tường gần sát nền, mồ hôi người dính đen kịt như bồ hóng. Cuối ba-ti-măng là một dãy hố xí, liền ngay với nền nhà, vốn là những hố xí tự hoại nhưng đã bị tắc từ lâu. Có bốn cái, hai cái bên trái hỏng hoàn toàn, đã bị xây bít lại bằng gạch. Hai cái còn lại không có cửa. Hai cái hố xí cho gần năm trăm con người! Sau mỗi buổi sáng, phân, nước đái đầy ngập, tràn xuống nền nhà, lan rộng đến bốn năm thước. Bọn lính ngục bắt tù con nít phải múc phân vào thùng đem đổ ra ngoài. Sáng đó, tuy phân đã múc cạn nhưng cứt đái vẫn dính bê bết trên bậc lên xuống và nền ba-ti-măng. Hàng triệu con dòi ngo ngoe, lúc nhúc từ hai miệng hố xí bó ngược lên tường, lên thấu trần nhà, kết lại thành một tấm thảm dòi. Chúng ngo ngoe bò du ngoạn ra thấu giữa ba-ti-măng. Chính cái thảm dòi hàng trăm ngàn con này làm cho Lượm và Thúi phải sởn hết gai ốc.
Trong ba-ti-măng lúc này có khoảng chục người, ngồi nằm rải rác hai bên bờ tường. Hầu hết là các cụ già và những người tù bệnh không đi làm cỏ vê được - Người nào cũng gày giơ xương, mắt sâu trũng, da đầu dính bết vào xương sọ. Có vài người nằm co quắp, im lìm như những xác chết. Có mấy ông già ngồi ăn cơm để trong ống bơ, mấy cụ khác cởi áo bắt rận. Đàn dòi ngoe nguẩy bò đến chân các cụ, mon men bò lên ống bơ cơm, các cụ phải dùng quạt nan, quạt phẩy, phẩy dòi bọ ra xa.
Phía cuối ba-ti-măng, cách bậc thềm hố xí mấy bước chân, có một thằng bé trạc tuổi Thúi đang nằm co quắp giữa đám dòi. Người nó rung bần bật, thỉnh thoảng lại giật lên những cái như bị kim chích.
Lượm và Thúi bước lại gần nó, chân cố tránh dẫm vào đám dòi đang ngo ngoe, ngọ nguậy quanh mình thằng bé. Trời, trông nó mới nhỏ bé, tội nghiệp làm sao! Hai mắt nó nhắm nghiền, hai má bừng bừng lửa sốt, cặp môi nhợt nhạt, khô rang nứt nẻ, cứ mấp máy như muốn gọi, muốn kêu nhưng không gọi nổi. Mấy con dòi xám ngoét, lông lá từ trên trần nhà rơi bộp xuống mặt nó, bò ngang bò dọc. Nó yếu ớt khẽ lắc đầu như muốn hất xuống nhưng không hất nổi. Cảnh tượng đó làm Lượm run bắn. Em nhào tới, quên hết bẩn thỉu, lấy tay phủi mấy con dòi xuống đất, dùng chân đá ra xa.
Lượm hỏi một ông cụ ngồi bắt rận gần đó:
- Ông ơi, chớ hắn đã đau lâu chưa ông?
- E có đến tuần ni rồi, cơm cháo không ăn được, rồi cũng chết mất thôi…
Lượm để ý thấy phía trên đầu thằng bé để cái ống bơ hoen rỉ, đựng một vắt cơm tù còn nguyên - Lũ dòi bò ngang bò dọc trên vắt cơm.
Ông cụ nhìn nó lắc đầu buồn bã nói:
- Cơ khổ… không biết con cái nhà ai, ở làng xóm mô, nhỏ một thí rứa, không biết tội tình chi mà cũng bị bắt vô đây
Lượm cúi ép bàn tay trên trán nó sợ hãi kêu lên:
- Ui chao! Nóng rực như bếp than! hắn đau nặng ri mà họ không cho đi nhà thương hả ông?
- Nhà thương nhà thiếc chi cái nhân mạng thằng tù! Ai đau thì họ mong cho mau chết, quăng xác lên xe bò chở đi. Càng đỡ tốn cơm.
Lượm sực nhớ hồi còn làm liên lạc ở trung đoàn bộ đóng trong Mang Cá, có lần nó cũng bị sốt trán nóng hầm hập như thằng ni. Chị y tá nhúng chiếc khăn mặt đắp lên trán, nó thấy dễ chịu hẳn. Nó nói với Thúi:
- Mi đứng đây coi chừng hắn để tau chạy ra ngoài ra ngoài hồ nước kiếm chút nước đắp lên trán cho hắn, may ra hắn đỡ đau.
Lượm mượn ông cụ cái ống bơ chạy vụt ra ngoài. Lao Thừa Phủ lúc này chưa có nước máy. Bọn giặc bắt tù đào cái hố rộng chừng hai thước, sâu chừng một thước. Hàng ngày chúng bắt mấy người tù kéo xe bò chở cái thùng phuy ra sông Hương lấy nước đổ vào hố. Đó là toàn bộ nước ăn, uống, tắm của hơn ngàn con người. Mỗi lần nước xe về, tù chen chúc đến đặc quanh miệng hố, xách ống bơ, lon, xô đẩy nhau đến lấy nước, kêu la như vỡ chợ. Mấy thằng lính ngục dùng vụt gậy vụt loạn xạ giữ trật tự. Ai chen khoẻ múc được nước trong, ai chậm chân nước yếu chỉ còn gạn được ít nước bùn. Lúc này dưới đáy hố chỉ còn lại một vũng sền sệt bùn, nhỏ bằng cái nón. Lượm tụt xuống hố, khéo léo lắm mới gạn được nửa ống bơ nước bùn. Nó xách ống bơ chạy vô ba-ti-măng. Nó khẽ khàng luồn cánh tay xuống gáy đỡ đầu thằng bé lên: kéo cái áo rách đang gối đầu, gấp một vạt áo lại đặt lên trán nó. Nó nghiêng miện ống bơ, rưới nước lên vạt áo, cẩn thận không cho chảy phí ra ngoài giọt nào. Vải áo thấm nước tràn xuống cằm, xuống má nó - thằng bé bỗng thè lưỡi liếm những giọt nước tràn xuống hai bên mép.
Thúi nói:
- Hắn khát nước anh ạ
- Nhưng nước như bùn ri uống răng được?
Thằng bé mở bừng mắt ngơ ngác nhìn hai đứa, ánh mắt non dại, đau đớn, hầm hập lửa sốt. Nó lắp bắp nói:
- Cho tui xin hớp nước
Nhìn chút nước còn sót lại trong ống bơ tanh lợm mùi bùn, Lượm bối rối, khổ sở. Nó không đủ can đảm kề miệng ống bơ vào miệng thằng bé.
Nó chợt nhìn thấy ông cụ ngồi gần cánh cửa sắt, vừa ăn cơm xong cầm cái lon đựng nước, miệng lon bịt tờ giấy. Ông mở tờ giấy, đưa ống bơ lên miệng nhấp từng ngụm nhỏ như uống nước sâm. Miệng ông chiếp chiếp ngon lành.
Lưỡng lự một lúc, Lượm bước lại giọng nằn nì:
- Ông ơi, ông còn nước cho cháu xin một hớp. Hắn đang khát, tội lắm ông nờ… Nó chỉ tay về phía thằng bé.
Ông cụ nhìn Lượm ngần ngừ:
- Nói thiệt với chú, nước ở đây còn quý hơn cả sâm Cao Ly! Lon nước ni là của mấy người tù đi làm cỏ vê mang về cho từ chiều hôm qua. Ông phải để dành dụm mãi, khi mô thiệt khát mới nhấp vài ngụm…
Giọng ông cụ nghe thảm đến nỗi Lượm không dám nằn nì thêm nữa. Nhưng nó vừa quay đi, ông cụ gọi lại, đưa lon nước và nói:
- Còn lưng lon đó, cháu cho nó uống, dành lại cho ông mấy hớp.
Lượm đỡ lon nước, dạ một tiếng mừng rỡ. Nó cùng với Thúi đỡ thằng bé ngồi dậy, ghé lon nước vào đôi môi khô nẻ của nó:
- Uống tạm vài hớp
Sợ thằng bé uống hết lon nước của ông cụ, Lượm cho nó có cữ. Ba cái nghiêng nhẹ miệng ống bơ, nó dừng tay lại, nhìn cái ống bơ rồi mang trả cho ông cụ. Thằng bé liếm môi thèm thuồng nhưng không dám đòi thêm. Nó có vẻ tỉnh táo, nhìn Lượm, Thúi hỏi:
- Hai anh chắc mới vô tù, tôi ngó mặt thấy lạ…
- Ừ, được tuần ni rồi, nhưng bị nhốt trong xà lim. Sáng ni mới ra khỏi xà lim. Thúi nè, tau với mi đỡ hắn nằm lui ra một chút, nằm sát bên cứt với nước đái ri chịu chi cho thấu!
Thằng bé vội lắc đầu xua tay:
- Đừng! Đừng! Để tôi nằm đây cũng được. Nằm vô chỗ họ, họ đập chết!
- Được rồi - Lượm nói - Mi cứ để tau. người có chỗ có hỏi, để tau xin cho.
Hai đứa đỡ nó đứng lên, dìu đến quá giữa ba-ti-măng, chỗ này nền xi măng đỡ lấm láp hơn, dòi thỉnh thoảng mới có một vài con bò tới. Hai đứa đặt nó nằm xuống. Nó bỗng chống tay ngồi nhổm dậy, nói giọng hốt hoảng:
- Không nằm chỗ ni mô!
- Tại răng?
- Chỗ ni là của Lép-sẹo, nằm vô là hắn đập chết ngay!
Lượm quạu mặt nói:
- Mi cứ nằm xuống đây, hắn có vô đập tau chịu cho. Hắn cũng là thằng tù làm nghề ba de móc túi chứ làm quỷ chi mà mi sợ hắn dữ rứa?
- Hắn mạnh lắm anh nờ, mà hắn lại có võ - Thằng bé lơ láo nhìn ra phía cửa, lo sợ thoảng thốt - Hắn cầm đầu một băng tù con nít, toàn tụi trời đánh, ăn cắp, ăn trộm ở các chợ trong thành phố. Bọn tui không ở trong băng hắn, tụi hắn tha hồ bợp tai, đá đít, ăn hiếp, cắt răng cũng phải chịu. Đứa mô ngo ngoe cãi lại, tụi hắn cho mũi ăn trầu ngay! Trước tê chỗ nằm ni là của tui, Lép-sẹo hắn đuổi tui đi chỗ khác, rồi họ dồn tui gần sát cầu tiêu…
Nghe nó kể, máu trong người Lượm sôi lên, nó bật chửi:
- Tổ cha hắn chứ, rứa mi làm chi mà bị bắt?
- Tui làm liên lạc cho du kích làng tui, làng Liễu Cốc anh biết không? Tây càn vô làng, thằng lý trưởng, hội tề khai là tui biết chỗ du kích chôn súng. Tây hắn bắt tui, đập gần chết, bắt tui khai chỗ chôn súng. Nhưng ai dại chi mà khai!
- Mi vô tù đã lâu chưa?
- Hơn hai tháng rồi.
- Cậu tên là chi rứa? - Thúi ngồi xuống cạnh nó hỏi
- Mình tên là Ngạnh - cha mình làm nghề cắt lưỡi câu mà. Cha mình nói, làm người mà không khí khái giống như lưỡi câu không có ngạnh, là đồ bỏ đi.
Nghe Ngạnh nói, Lượm và Thúi cùng bật cười - Ngạnh cũng nhoẻn miệng cười theo rồi hỏi Thúi:
- Rứa cậu làm du kích liên lạc cho làng mô rứa? - Thúi ngượng nghịu, lúng túng. Từ ngày nó bị bắt oan cùng với Lượm, bị tụi an ninh gắn cho cái tên Tư-dát, tình báo viên lợi hại của Vệ Quốc Đoàn, rồi sau năm ngày nằm đêm ở chung xà lim với Lượm, nghe đủ thứ chuyện hào hùng, hấp dẫn của đội thiếu niên trinh sát, tự nhiên nó đâm mê cái tên Tư Dát - tình báo viên lợi hại và cảm thấy chán ngán cái nghề bán kẹo gừng tầm thường. "Thằng Ngạnh cũng nhỏ bé, ốm yếu như mình chứ hơn chi" - nó nhìn Ngạnh nghĩ bụng - "Rứa mà nó cũng biết làm liên lạc cho du kích. Tây đập gần chết không khai chỗ chôn súng. Chừ mà nói thiệt với nó mình chỉ là thằng đi bán kẹo gừng thì ê chề quá". Nếu không có Lượm chắc nó đã gật đại: "Mình làm liên lạc cho du kích phố Bao Vinh". Bởi vậy mà nó ngượng nghịu, lúng túng. Lượm như đoán biết nó nghĩ gì, nói luôn:
- Hắn với tau là trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Tụi tao đánh đồn Hộ Thành rồi bị bắt. Ở trong ni mi có nghe nói trận Hộ Đồn không?
- Có chớ! Cặp mắt Ngạnh vụt sáng lên - Ui chao, bom nổ rầm trời. Đang nửa đêm cả nhà lao vùng dậy hết, ai cũng cầu trời cho bộ đội đánh vô thấu đây, mở cửa lao cho tù thoát - Nó thở dài tiếc nuối như phải bừng tỉnh một giấc mơ đẹp.
Thúi đưa mắt nhìn Lượm biết ơn. Nhưng Lượm không chú ý, nó còn mải nghĩ đến chuyện Ngạnh vừa kể. Nó hỏi:
- Tụi Lép-sẹo ăn hiếp tụi bây rứa mà người lớn họ không bênh à?
- Người lớn họ thèm chú ý chi đến chuyện con nít anh? Thấy đứa mô bị tụi hắn đập bể đầu chảy máu họ cũng mặc kệ. Họ sợ dây vô tụi hắn, tụi hắn thù!
Thằng Thúi ngó quanh quẩn hỏi:
- Không biết tối ni mình có chỗ ngủ không anh hè?
Ngạnh nói:
- Cả ba-ti-măng tối đến là chật kín người, chen chân không lọt. Cả giữa lối đi họ cũng nằm ngang dọc hết, chất lên nhau như mắm. Chỉ còn chỗ tê - nó đưa tay chỉ khoảng nền xi măng gần sát bậc lên xuống cầu tiêu - là chưa có người nằm thôi.
Thúi rùng mình kêu lên:
- Nằm chung với dòi với cứt rứa thì nằm răng được? Chằng thà tui đứng cả đêm còn hơn!
- Đứng cũng không được mô! - Ngạnh nói - Đứng phía đầu người ta nằm thì ai cho đứng, mà đứng phía nào, chân thì vướng họ, họ đạp cho bổ sấp bổ ngửa. Người ni đạp qua, người tê đạp về chỉ một lúc mà lòi ruột mà chết.
Dòi trên trần nhà vẫn rơi lộp độp trên nền xi măng. Nhiều con có lông có lá, ngo ngoe bò đến chân ba đứa.
Lượm ngồi hai tay bó gối, nghe Ngạnh kể, mắt chăm chăm nhìn mấy con dòi lông lá ngo ngoe bò tới, nhìn hai cầu tiêu ngập ngụa cứt đái, lềnh bềnh giấy, giẻ rách, nhìn khoảng nền xi măng lúc nhúc dòi mà đêm nay nó phải nằm lên đấy mà ngủ… Một nỗi buồn khổ chán ghê gớm, chưa từng thấy từ đáy lòng dâng lên, làm nó nghẹt thở, chân tay rã rời. Cũng chưa bao giờ cái cảm giác bơ vơ, đơn độc, xâm chiếm và làm tan nát trái tim non nớt của nó như lúc này. Nó muốn oà khóc, muốn chết… Nó gục mặt xuống đầu gối, một ước muốn điên khùng bỗng bừng lên trong óc nó, có một trái bom thật to, to bằng chục trái bom giật sập cầu Trường Tiền dạo nọ, bất thình lình rơi thẳng xuống đây! Bom nổ rung trời, chuyển đất, phá sập tan tành cả nhà lao gớm ghiếc này. Nó cũng sẽ tan tác theo luôn trong tiếng nổ dữ dội ấy. Thà chết quách như rứa còn hơn!
7.
Trong lúc đó, ngoài sân lao Lép-sẹo cùng đàn em của hắn đang bàn tán sôi nổi về hai thằng tù "ma mới". Tuy mới tạm thời hạ nhục hai thằng đó nhưng Lép-sẹo vẫn chưa ưng bụng. Nó muốn hai thằng đó phải thần phục, khiếp đảm nó, như bọn tù con nít khác trong lao, như tụi đàn em của nó: "Chứ có mô dám ngang nhiên đối đáp với mình như kẻ ngang hàng" - "Láo!" - Lép-sẹo tức tối la lên. Lép-sẹo năm đó vừa tròn mười sáu tuổi, nhưng đã khá nổi danh ở khắp tất cả các chợ ở Huế là một tay móc túi tài ba, liều lĩnh và gan góc. Nó được các bậc đàn anh trong làng đao búa quen tên, biết mặt và cũng thường được các bậc đàn anh rủ tham gia các vụ mần ăn như dỡ ngói, khoét ngạch, trộm các nhà hàng buôn bán lớn, đâm thuê, chém mướn. Điều này làm cho Lép-sẹo rất đỗi hãnh diện.
Thật ra quân trộm cắp, du đãng cũng có niềm vinh quang, kiêu hãnh của riêng chúng. Đó là niềm kiêu hãnh về tài trộm cắp, về sự táo tợn, gan liều của chúng trong lúc hành nghề... Trong dân chúng đã từng có không ít những lời đồn đại, những giai thoại về tài nghệ gan liều của một số nhân vật trộm cắp khét tiếng. Những lời đồn đại, những giai thoại đó đã tạo nên vinh quang và niềm kiêu hãnh cho chúng, và chính niềm kiêu hãnh và vinh quang bệnh tật này đã bóp chết trong chúng sự tự hổ thẹn và nỗi dằn vặt vốn có trong bản chất của mỗi con người khi làm những điều xấu xa, tàn bạo. Và cũng đã làm cho chúng càng ngày càng say mê lấn sâu vào con đường tội lỗi cho đến khi hết phương cứu chữa.
Tuổi trẻ đều có ước mơ, Lép-sẹo, tên kẻ cắp du đãng mười sáu tuổi cũng có ước mơ của nó: Sẽ trở thành một tay sừng sỏ trong làng đao búa.
Từ những năm thơ dại, đầu óc nó đã chồng chất không biết bao nhiêu chuyện chọc trời, khuấy nước của các tay du côn, anh chị tứ xứ.
Một trong những niềm ham thích lớn của kẻ du đãng, trộm cắp là tạo được uy quyền trong bất cứ hoàn cảnh nào, tạo nên bằng sức mạnh của quả đấm và nỗi khiếp sợ của kẻ yếu thế. Điều này Lép-sẹo cũng hấp thụ được từ ngày mới vào nghề, qua các bậc đàn anh và in hằn sâu đậm trong ký ức nó,
Sau khi bị vào tù vì tội rút nhầm ví của một tên đại uý cảnh sát mặc thường phục, Lép-sẹo lập tức tìm cách tạo uy quyền cho nó. Nó lần lượt gây sự và đánh đập rất tàn bạo những đứa sàn sàn tuổi nó. "Đập cho tụi hắn phải sợ đến ba đời" như nó vẫn thường nói. Vừa sáp mặt là gây sự đập lộn luôn, đập phủ đầu, làm cho đối phương không kịp trở tay, không kịp tĩnh trí để đối phó, chỉ còn biết cúi đầu van lạy xin tha (điều này Lép-sẹo cũng lĩnh giáo được ở các bậc đàn anh). Quả nhiên, vào tù mới mươi hôm Lép-sẹo đã làm cho tụi tù con nít thất kinh, khiếp đảm, không còn đứa nào dám ho he, chống cự. Dần dần, nó tập hợp được bọn đàn em hơn chục đứa, đều là bọn trẻ vào tù vì tội ăn cắp, móc túi. Hắn lập thành một băng. Băng của Lép-sẹo được cả lao biết đến và ngay cả tù người lớn cũng phải sợ hãi, kiêng dè. Để băng của hắn đỡ quấy phá, trộm cắp đồ đạc của mình, nhiều anh tù còn lo lót, chiều chuộng nó, cho nó ít nhiều thức ăn, tiền của gia đình tiếp tế hoặc các thứ kiếm được của Tây trong khi đi làm cỏ vê. Điều này đặc biệt làm cho Lép-sẹo vênh vang, khoái chí - Nhất là với đám tù con nít không ở trong băng của nó, nó tha hồ hành hạ, đánh đập. Nhiều đứa là liên lạc của bộ đội du kích bị bắt, căm bọn băng Lép-sẹo lắm, nhưng thân cô thế cô, chúng phải chịu đựng, nhịn nhục. Và càng ngày Lép-sẹo càng lên mặt làm già. Nhưng hành hạ ra oai mãi với bọn quen mặt Lép-sẹo đã chán, nó mong có những đối thủ mới. Và sáng hôm đó, nó may mắn với được Lượm và Thúi, hai thằng ma mới.
Lúc nó sai Lượm nhặt tàn thuốc lá là cốt để kiếm cớ gây sự. Nó chỉ đợi hai đứa cãi lại một vài câu là hắn sẽ nhào tới, đập vô mặt. Nhưng thái độ đoàng hoàng, chững chạc của Lượm làm Lép-sẹo bị hẫng. Nó chưa kịp phản ứng, gây lộn tiếp thì Thúi đã khôn ngoan cầm tay Lượm kéo tránh đi chỗ khác.
Lúc Lượm và Thúi đi khỏi, Lép-sẹo nghĩ lại càng thấy tức. Bọn đàn em tiếc mất xem một pha đập lộn hấp dẫn, đua nhau khích bác đại ca Lép-sẹo.
- Thằng đó coi chừng cứng cổ ta! Chưa chừng hắn có võ cũng nên.
- Đụng vô hắn e không khỏi sứt đầu mẻ trán với hắn.
Lép-sẹo giận sôi, chít nhổ nước bọt qua kẽ răng, nó nhổ xa đến nỗi bọn đàn em nhìn theo phục lăn. Nó nói, mặt hằm hằm:
- Võ chi? Võ môn hay võ khoai? Rồi tụi bay coi thằng ni - hắn vỗ bộp vài trái tim cắm dao găm xăm giữa ngực - sẽ bắt cả hai thằng đó phải lạy từ dái tau lạy lên.
Lép-sẹo sai một thằng trong băng có miếng thịt thừa ở đuôi mắt trái, chạy vô ba-ti-măng coi hai đứa tù mới làm chi trong đó. Thằng này dạ một tiếng thật to rồi chạy đi theo lệnh của đại ca. Lát sau, thằng này chạy ra, kể vanh vách chuyện Lượm và Thúi săn sóc thằng Ngạnh và việc hai đứa dám rời chỗ nằm của thằng Ngạnh đến chỗ của đại ca.
Lép-sẹo hừ một tiếng dữ tợn, đứng phắt dậy nói:
- Rứa là tụi hắn muốn qua mặt ông nội tụi hắn đây! Tau phải vô đập dập mặt tụi hắn mới được!
Hắn kéo cả băng đi vào ba-ti-măng một. Bọn đàn em mặt rạng rỡ thích thú vì sắp được dự một trận đấm đá ra trò mà phần thắng chắc chắn thuộc về chúng.
8.
Trong ba-ti-măng, Lượm hai tay vẫn bó gối, ngồi gục mặt lặng im, không nhúc nhích. Hai vai Lượm bỗng run nhè nhẹ. Mặc dầu cố hết sức kiềm chế nhưng nó không sao ngăn nổi những giọt nước mắt uất giận, bất lực, buồn khổ trào ra…
Thúi và Ngạnh cũng đoán biết là Lượm đang khóc. Tự nhiên chúng cũng mủi lòng khóc theo. Hai đứa ngồi sát vào nhau, mắt đau đáu nhìn hai vai Lượm. Thúi ghé sát Ngạnh thì thầm:
- Anh nớ là gan cóc tía đó. Hai lần vượt tù làm cả Ty An ninh, Sở mật thám, Tây xớn rớn… Chừ mà anh như rứa chắc là anh bị đau…
Vừa lúc đó phía ngoài cửa có tiếng lao xao, tiếng bước chân rậm rịch. Lượm nghe tiếng nhưng chẳng buồn nhìn lên.
- Thôi chết, tụi Lép-sẹo. Ngạnh nói giọng run rẩy. Nó định lết về chỗ cũ nhưng không đủ sức. Nó nằm vật xúông nền xi măng, người cong lại như con tôm kho, sẵn sàng chịu đấm đá của tụi Lép-sẹo.
Thúi cuống quýt lay vai Lượm:
- Anh Lượm! Anh Lượm! Tụi khi hồi kéo vô đông lắm
Lượm ngẩng mặt lên, băng Lép-sẹo đã bước qua cánh cửa sắt. Lép-sẹo đi đầu, tụi đàn em nhăn nhở kéo theo sau, Lép-sẹo bước đi hay tay khuỳnh khuỳnh, vạt áo mở phanh, làm điệu bộ ngang tàng, anh chị. Nó đi thẳng đến bên Ngạnh, đứng chạng hai chân, chửi:
- Cố tổ mi! Ai cho mi được nằm chỗ ni? Mi không biết đây là chỗ cố tổ mi nằm à?
Ngạnh ngước nhìn lên lắp bắp:
- Tui lỡ… Anh nớ nói tui tới đây nằm, chớ tui có dám mô!…
- Rứa hắn xui mi ăn cứt mi cũng ăn à? Bốp! Lép-sẹo co chân đá thốc một cú giữa bụng thằng Ngạnh. Ngạnh ôm bụng kêu "Ối!"
Lép-sẹo co chân định đá tiếp cú thứ hai thì Lượm đứng phắt dậy. Không nói không rằng và nhanh không tưởng được, Lượm nhào tới, vung tay hết cỡ, đấm tạt ngang vào chính giữa quai hàm Lép-sẹo. Cú đấm mạnh đến nỗi quai hàm Lép-sẹo nghe thấy một tiếng rắc! Lép-sẹo chuếnh choáng, loạng choạng hẳn người về phía sau. Không để Lép-sẹo kịp phản ứng, Lượm chồm theo, đấm liên tiếp hai cú vào hai bên thái dương đồng thời một chân dộng thẳng vào giữa bụng nó kêu hự! Lép-sẹo tối tăm mặt mũi, ngã nhào xuống nền xi măng. Đầu nó kêu cốp như tiếng gáo dừa xáng mạnh. Không để cho Lép-sẹo kịp cựa quậy, Lượm nhảy lên người hắn. Hai mắt Lượm đỏ kè, răng nghiến mạnh, tay túm tóc Lép-sẹo, kéo giật đầu nó lên, dộng liên tiếp xuống nền xi măng. Cốp! Cốp! Cốp! Một tay dộng, một tay nó đấm tới tấp vào giữa mặt Lép-sẹo.. Mặt Lép-sẹo tràn máu, bàn tay Lượm cũng đỏ lòm những máu vì đấm phải răng.
Lượm đánh Lép-sẹo không phải chỉ bằng sức mạnh man dại của nỗi tức giận mà cả với nỗi uất ức, buồn khổ bị dồn nén. Lép-sẹo to con và khoẻ hơn Lượm nhiều, lại có cái gan liều của quân trộm cướp nhưng lúc này nó phải khiếp đảm thật sự. Lép-sẹo đã trăm lần đánh lộn, tay không có, dao có, vỡ đầu toạc mặt là chuyện thường nhưng chưa bao giờ nó gặp phải địch thủ dũng mãnh đến như Lượm. "E hắn giết mình luôn có!". Ý nghĩ đó xuyên qua đầu hắn như một ánh chớp. Hắn kêu rú thất thanh:
- Cứu.. cứu… tau… vơ ới…
Bọn đàn em Lép-sẹo, hơn chục đứa từ nãy tới giờ đứng rạt ra một bên. Nhìn thấy Lượm đập đại ca hung dữ đến nỗi làm chúng sợ đến tròng con mắt. Chúng đứng nhìn trân trân, đầu óc mụ đi vì sợ. Chúng quên cả việc xông vô cứu đại ca. Tiếng kêu cứu của Lép-sẹo đã kịp thời lay tỉnh chúng. Chúng "a" lên một tiếng nhảy xô hết vào Lượm. Đứa túm tóc, đứa túm cổ, đứa túm tay, chân, kéo vật ngã Lượm xuống nền xi măng. Lượm vùng vẫy cố thoát ra nhưng không sao thoát nổi. Lép-sẹo chồm ngay dậy, ngồi đè lên Lượm, đấm trả với tất cả nỗi nhục nhã, hận thù. Và bọn đàn em cũng gầm ghè la hét, hè vào đấm đá, cào cấu Lượm. Lép-sẹo vừa đấm vào mặt Lượm vừa gào to như đã hoá dại với cái miệng ròng ròng máu:
- Giết chết cha hắn đi cho tau! Giết chết cha hắn đi cho tau!
Không còn phân biệt đứa nào với đứa nào, chúng xoắn chặt lấy nhau thành một nùi như nùi giẻ rách.
Mấy ông già, mấy người tù bệnh, nhìn đám trẻ đánh nhau sợ đến cứng lưỡi. Họ cuống cuồng vơ áo quần, lon cơm, ống bơ nước chạy nép vào một góc cuối ba-ti-măng, sợ đám đánh nhau lỡ cũng cháy lan như lửa.
Nếu không có thằng Thúi thì chắc hôm đó tụi băng Lép-sẹo đã đánh chết Lượm. Trong tù, chuyện đánh lộn nhau đến thành án mạng không phải là chuyện hiếm. Khi thấy bọn Lép-sẹo nhảy chồm vô Lượm, Thúi chạy lọt ra ngoài. Vừa chạy nó vừa la to chuyển cả khu nhà lao:
- Các bác cai tù ơi! Tụi hắn giết người! Tụi hắn giết người trong tê!
Thế mới biết, quả đấm có sức mạnh của quả đấm, cái miệng có sức mạnh của cái miệng. "Tiếng kêu la ba làng cũng nghe" của Thúi làm hai tên gác ngục đang đứng ở lớp sân ngoài phải hoảng hồn. Chúng đoán là có một vụ đánh nhau, giết nhau rất ghê rợn đang xảy ra trong ba-ti-măng mới có tiếng kêu váng trời đến như vậy. Mà trong tù, để xảy ra án mạng chúng phải chịu vạ lây. Một Điếu sẽ phạt giam chúng hoặc ít ra chúng cũng bị cúp lương. Chúng xách súng, cầm roi cặc bò nháo nhào chạy vô lao.
Chúng xông vào ba-ti-măng một, thấy toán tù con nít đang la hét như điên dại và xoắn lại thành một cục mà đấm đá. Chúng gầm lên:
- Bọn bay định giết nhau để đổ hoạ cho choa à?
Chúng vung roi quật tới tấp lên đầu, lên cổ bọn con nít đang nằm đè lên nhau. Bị đánh quá bất ngờ, bọn trẻ ré lên, vùng bỏ chạy toán loạn - Đứa nào cổ, đầu, lưng cũng ngang dọc những lằn roi - Chỉ còn lại một mình Lép-sẹo đang cưỡi đè lên bụng Lượm. Thấy mặt Lượm đầy máu, chúng cho rằng Lép-sẹo đang định giết Lượm. Một thằng lính ngục nổi điên, đạp Lép-sẹo ngã lăn ra đất rồi cả hai tên hè nhau quất Lép-sẹo túi bụi. Lép-sẹo lăn lộn dưới đất kêu la:
- Hắn định giết tui!
- Mi muốn ra gan hả? Mi lại còn chối à?
- Mi là thằng đầu trộm đuôi cướp, quân ba de móc túi, giết người không gớm tay. Tổ cha mi chớ!
Hai tên lính ngục vừa chửi vừa hè nhau quất Lép-sẹo tới tấp hơn.
Lép-sẹo rên rỉ:
- Con lạy hai bác! Oan con! Oan con!
- Oan này! Oan này! - trái tim có con dao xăm trên ngực Lép-sẹo hứng roi nhiều nhất, toé máu như quả tim thật. Lép-sẹo gần như chết giấc. Hai tên lính mỗi tên cầm một tay nó lôi xềnh xệch ra khỏi ba-ti-măng, lẳng nó xuống sân.
Một tên lính chỉ cây roi vào giữa khuôn mặt sưng vù của nó doạ:
- Ông truyền đời cho mi, lần sau còn dở thói du côn giết người, ông tống vào xà lim, cùm chân lại cho chết rục trong xà lim…
@by txiuqw4