sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tuổi thơ dữ dội (Tập 2) - Phần V - Chương 15 - 16

15.

- Khi mô thì đội mình ngủ tập trung? - Một đứa là liên lạc của Bộ đội địa phương huyện Hương Trà hỏi Lượm.

- Ngay tối nay!

- Nhưng lấy chỗ mô mà ngủ cho đủ cả đội? - Một thực tế nan giải và gay gắt đặt ra cho Lượm, làm nó ngồi lặng đi một lúc, sững sờ, bối rối.

Các bạn đang ngồi ở đây, từ trước đến nay ngủ tản mác, mỗi đứa một nơi, ở cả hai ba-ti-măng. Đêm qua, lần đầu tiên Lượm, Ngạnh, Thúi, Lanh ngủ cùng với nhau một chỗ. Chỗ ngủ quá chật, bị người lớn chen lấn phải dồn sát đến gần cầu tiêu. Nếu nằm sát hơn nữa thì phải nằm lên cứt và nước đái từ trên cầu tiêu tràn xuống. Bây giờ thêm bảy đứa nữa thì lấy đâu ra chỗ. Nhưng nếu cứ ngủ tản mác mỗi đứa một nơi như cũ thì cái đội mới lập ra này sẽ vã ra như một vắt cơm ngâm nước. Một hạt cơm tự nhiên rời khỏi vắt cơm.

Lanh nói cho Lượm biết tụi băng Lép-sẹo cũng ngủ chung thành một dãy dài ở bên ba-ti-măng hai. Chỗ mà Ngạnh sợ hãi không dám nằm ở đằng kia là Lép-sẹo chiếm thêm để thỉnh thoảng hắn sang nằm chơi với một người tù lớn tuổi vốn trước đây là một tên du côn kết thân với hắn.

Cuộc đời chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn tuy còn rất ngắn ngủi nhưng cũng đã dạy cho Lượm một điều quan trọng. Điều kiện trước tiên để làm nên sức mạnh của một đơn vị chiến đấu, là phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt. "Thằng đầu trộm đuôi cướp cũng khôn ngoan biết như vậy - Lượm cay đắng nghĩ bụng. - Không phải vô cớ mà Lép-sẹo cho cả băng hắn ngủ tập trung thành một dãy".

Lượm chán nản đưa mắt nhìn khoảng còn lại trong ba-ti-măng, lầy nhầy cứt đái và dòi từ trên trần nhà rơi xuống lộp bộp như gạo rác - những con dòi long lá, ngo ngoe đang bò thành đàn, thành lũ. Muốn ngủ được phải quét dọn sạch sẽ nền xi măng. Nhưng vô ích. Chỉ sau một đêm là nước phân ngập ngụa trên cầu tiêu sẽ tràn xuống tận chỗ nằm.

Lượm đi lại chỗ mấy ông cụ nằm ở góc cạnh cửa ra vào, hỏi chuyện. Các cụ cho biết, ngày các cụ mới vào tù, cả hai hố cầu tiêu đều không tắc. Nhưng tù càng ngày càng đông, càng hỗn tạp. Nhười ta nhét giấy, giẻ lau, cả đất đá nữa xuống lỗ, tích tụ lâu ngày hoá tắc.

- Có cách chi thông cho hết tắc không cụ?

- Thấy nhớp nhúa, hôi hám quá nên cũng có nhiều người tìm cách thông. Họ lấy gậy thọc, uốn dây thép móc nhưng không ăn thua. Càng thông, càng móc lại càng tắc hơn.

Ông cụ bị bắt vì có con trai là Vệ Quốc Đoàn, nhìn về phía hai cầu tiêu nói:

- Chừ có người mô dám cả gan thọc tay xuống lỗ moi hết những thứ mắc kẹt ra thì may có thể thông được.

Bọn trẻ xúm lại quanh ông cụ, trợn tròn mắt nhao nhao hỏi:

- Thọc tay vô giữa cái vũng cứt đái lều bều đó a cụ?

- Phải đó các cháu ạ. Nhưng gớm ghiếc như rứa ai dám?

- Nếu thông được thì tụi cháu cũng không ngán cụ ạ. Chỉ lo không thông được thôi… Tây, mật thám an ninh tụi cháu không ngán, ngán chi đồ cứt đái!

Trong cơn cáu giận Lượm bật lên nói vậy. Nhưng nói xong nó bất giác rùng mình. Sự dơ bẩn gớm ghiếc kia gây cho Lượm cái cảm giác kinh khiếp còn hơn cả những trận đòn tra tấn của tụi an ninh.

Nghe nói vậy các bạn đều trố mắt nhìn Lượm. "Chắc là anh nói trạng chơi rứa chứ đời mô anh dám móc". Những cặp mắt của các bạn như nói với Lượm vậy. Chính cái vẻ lườm đó đã làm Lượm nổi xung, muốn liều mạng. Em vụt cởi phăng áo, nói với Ngạnh và Thúi giọng như quát:

- Hai đứa bay chạy ra cái chỗ hố phân xách cái thùng hốt cứt vô đây cho tao!

- Để tui ra lấy cho! Tui biết chỗ. - Lanh miệng nói, chân chạy ra khỏi ba-ti-măng.

Thúi nhìn Lượm run rẩy hỏi:

- Anh móc thiệt à?

Nghe Thúi hỏi, Lượm càng nổi xung:

- Tau đã nói từ giờ trở đi, mi đừng hỏi tau câu đó! Thiệt à? Thiệt à? Tau đã nói láo với mi khi mô?

Và ngay lúc đó, Lượm vụt hiểu rằng bây giờ mình không còn thụt lùi được nữa. Nó đã qua sông và chặt cầu sau lưng. Nếu nó thụt lùi, cái đội mới lập này sẽ lập tức tan rã, vì các bạn không ai tin mình nữa. Và tụi băng Lép-sẹo sẽ xông vô ăn thịt mình…

Thằng Lanh chạy vào, tay xách cái thùng sắt chuyên dùng để hốt phân. Nó lót miếng giấy ở chỗ tay xách, mặt ngoảnh sang một phía khác như lúc người ta xách con chó chết hay con mèo chết đã có dòi.

Lượm lẳng lặng cầm lấy cái quai thùng, ném miếng giấy lót quai vào thùng, rồi bước thẳng tới dãy cầu tiêu.

Với vẻ bất cần của người quyết liều mạng, nó lội luôn vào vũng phân lõng bõng, nổi lều bều những giấy, những giẻ rách và từng đám dòi ngo ngoe, ngọ nguậy trèo lên những vật nổi lều bều đó thành từng núi như núi rác. Chúng lập tức bám vào hai ống chân Lượm và ngo ngoe, ngọ nguậy, trèo ngược lên phía đùi. Vẻ mặt của Lượm lúc này là vẻ mặt của người sắp nôn oẹ. Đứng từ xa nhìn lại các bạn đều nghĩ rằng Lượm sẽ nhào trở ra.

Lượm đặt cái thùng xuống bên cạnh, rồi cúi xuống thọc tay vào vũng phân. Bọn trẻ rùng mình tưởng chừng như Lượm đang thọc tay vào bếp than đỏ. Nhiều đứa bật kêu lên "úi".

Lượm móc lên một nùi giẻ và giấy lầy nhầy phân, ném vào thùng. Nó móc tiếp, móc tiếp, lôi lên từng nùi lớn nhỏ nào giấy, nào giẻ, nào lá, nào cỏ và cả gạch vụn, đá vụn. Cánh tay Lượm mỗi lúc một thọc sâu xuống hơn. Đến khuỷu tay, đến bắp tay, rồi đến tận nách. Mỗi lúc Lượm càng phải cúi gập người, mặt gần sát vào vũng phân. Lúc này, Lượm phải rướn cao cổ hết mức để phân và dòi khỏi chạm vào cằm. Nó đã móc gần hết nửa thùng những thứ mắc kẹt dưới lỗ cầu tiêu. Mùi thối xông lên nồng nặc cả ba-ti-măng, đứng từ xa mà các cụ và bọn trẻ đều phải đưa tay bịt mũi.

Cái tin "Chú Vệ Quốc Đoàn đánh đồn Hộ Thành" đang dung tay móc thông hố cầu tiêu, chỉ một loáng đã lan khắp sân tù, sang ba-ti-măng hai, và các dãy xà lim, ca-sô. Những người tù đau ốm, các cụ già, tụi tù con nít, tò mò, hiếu kỳ kéo vào đứng chen chúc trước cửa, ngoài hành lang nhìn vào.

Họ thấy Lượm cởi trần, tấm lưng gầy giơ xương, đang dọc ngang những vết sẹo làn roi, đang cúi gập người trên vũng phân, dòi. Một cánh tay chống, phân ngập đến khuỷu tay, cánh tay kia thọc sâu xuống lỗ cầu tiêu, phân lút đến nách, mặt và cằm gần chạm vào những mảng phân lều lều. Dòi lúc nhúc, ngo ngoe bò lên lưng, lên cổ, lên đầu.

Đứng từ xa mà nhìn cảnh tượng đó, nhiều người cũng phải sởn gai ốc và cảm thấy buồn nôn. Trong số này có một ông giáo trước kia dạy văn và triết ở trường Quốc Học. Ông bị bắt vì bọn mật thám lục soát tủ sách của ông có những tác phẩm của Các Mác và Ăng- ghen. Hình ảnh người chiến sĩ thiếu niên lưng trần, ngập người trong vũng phân và dòi bọ để thông cầu tiêu bị tắc, làm ông liên tưởng tới một trong mười hai chiến công của người dũng sĩ thần thoại Héc-quyn: Héc-quyn đã dọn sạch phân rác trong cái chuồng ngựa ba nghìn con của ông vua Eaghe tích tụ trong suốt ba năm! Và trong khoảnh khắc ông đã lĩnh hội một cách sâu xa hơn bao giờ hết ý nghĩa của biểu tượng hùng vỹ này. Ông lẩm bẩm: "Dọn sạch những nhơ nhớp đầu độc cuộc sống đồng loại là một trong những chiến công lớn lao nhất của con người".

Mỗi lần Lượm rút cánh tay lên, lôi theo một núi rác trộn lẫn với phân và dòi, ném bộp vào cái thùng sắt rỉ, nét mặt nó hầm hầm dữ tợn, giống hệt vẻ mặt lúc nó cỡi lên bụng Lép-sẹo, túm tóc dộng đầu hắn côm cốp xuống nền xi măng!

- Ọo… ọt ọt! - Từ trong lòng hố xí bất ngờ thoát ra một tiếng kêu như tiếng kêu la nấc vui mừng của người bị hóc xương lâu ngày, bất ngờ nuốt được cái xương khỏi cổ họng! Như có phép lạ, cái vũng phân dòi lõng bõng trôi tuồn tuột xuống miệng hố, chỉ một chốc đã trơ nền xi măng.

Tất cả những người chứng kiến không nén được vui mừng, nhảy hết cả lên, reo to:

- Thông rồi! Thông rồi!

Nếu trên người Lượm không bê bết phân dòi, chắc họ đã ùa tới công kênh nó lên vai.

Không nói không rằng, Lượm lại sục sang cái cầu tiêu thứ hai, móc thông tiếp. Những thứ nó móc lên đã chất một thùng đầy có ngọn. Thông xong cái cầu tiêu thứ hai, Lượm chụp lấy quai thùng, xách bằng hai tay, với nét mặt hầm hầm, chạy thẳng một mạch ra khỏi cửa ba-ti-măng. Những người đứng chen chúc trước cửa vội vàng dạt hết ra hai bên. Lượm lao xuống mấy bậc tam cấp, lặc lè chạy ra cái hố lớn ở góc cuối sân lao, đổ ụp cái thùng xuống đó. Các bạn trong đội ùa chạy theo sau Lượm. Rời khỏi cái hố mới chục bước chân, Lượm ngồi phịch xuống đất, kiệt sức. Thúi bặm môi, bặm miệng nhổ từng túm cỏ lớn, vầy lại làm giẻ lau, lau phân và dòi bê bết trên hai cánh tay, trên lưng, trên cổ Lượm. Nó vừa phủi những con dòi lông lá bò trên tóc Lượm vừa khóc, Lanh, Ngạnh và các bạn đứa ống bơ, đứa vỏ đồ hộp, chạy ra hố nước múc nước, chạy vào dội té tát lên người Lượm.

- Tụi bay múc nước vô cọ sạch nền xi măng sửa soạn chỗ ngủ cho cả đội tối nay… - Lượm kịp nói đến đó đã cúi gập người nôn thốc nôn tháo. Mặt nó tái mét, nôn đến mật xanh mật vàng. Nó vừa khạc nhổ, vừa nói với giọng giận dữ:

- Từ giờ trở đi, bất kể ai, cả con nít, cả người lớn đi ỉa mà còn tọng giấy, giẻ xuống lỗ, tụi bay phải xúm lại rị đầu xuống, bắt phải moi lên ngay! Không moi thì cứ đập cho bể óc.

16.

Sáng hôm sau. Đó là ngày mà bọn lính ngục bắt tụi tù con nít phải dọn cầu tiêu của hai dãy ba-ti-măng một và hai. Cầu tiêu ở ba-ti-măng hai cũng bị tắc như bên ba-ti-măng một.

Hầu hết tù người lớn đều đã đi làm cỏ-vê. Trên sân lúc này chỉ còn lại bọn tù con nít và mấy người già yếu.

Lượm và các bạn trong đội đang ngồi trên thành bể xi măng giữa sân lao. Lượm kể chuyện cái đêm cùng với anh Tư dắt đi rải truyền đơn, phối hợp với các anh lớn đánh đồn Hộ Thành.

Nghe Lượm kể chuyện nhưng mắt đứa nào cũng ngơm ngớp nhìn về phía cửa ba-ti-măng hai, nơi tụi băng Lép-sẹo đang tụ tập. Chúng biết thế nào bọn Lép-sẹo cũng kéo đến gây sự, bắt chúng phải dọn cầu tiêu thay cho chúng, như mọi bận. "Không biết anh Lượm có dám đứng ra đối địch với tụi hắn không?". Nhiều đứa nghĩ vậy. Tuy chúng đều công nhận Lượm gan liều, cứng cổ, nhưng chúng vẫn cảm thấy tụi băng Lép-sẹo đông hơn, mạnh hơn, liều mạng hơn, đặc biệt trong người đứa nào cũng có dắt dao. Cảm giác lo sợ, phấp phỏng trong lòng chúng mội lúc một tăng. Hôm qua đứa nào nói cũng hăng. Nhưng lúc này sắp sửa vào trận, nhiều đứa run sợ, muốn tháo lui: "Không khéo tụi hắn đâm chết mình mất". Có đứa nghĩ vậy, và tự nhiên tái mặt.

Lượm cũng biết vậy, nên nó cố tìm cách làm cho cả đội vững tâm bằng cách kể chuyện và làm bộ như không coi tụi Lép-sẹo ra mùi mẽ gì. Nó nghiến răng tự nhủ: "Dù có bị tụi hắn xúm lại đâm gục, cũng phải đương đầu, chống cự đến cùng. Mình mà tỏ ra hoảng sợ, đội sẽ tàn ngay. Và nếu muốn sống, mình cũng phải đến nước đi đấm bóp, gãi ghẻ cho tụi ba de móc túi đó ngủ".

- Tề, tề. Tụi hắn kéo đến tề! - Nhiều tiếng thì thào hoảng sợ, cắt ngang câu chuyện của Lượm. Lượm ngoảnh lại, nhìn mấy đứa vừa thì thào, thấy mặt chúng đều tái nhợt. Cặp mắt nó lóe ánh giận dữ, nói rít qua kẽ răng:

- Tụi hắn là cọp hay beo mà ngó bộ các cậu muốn đái ra quần rứa?

Từ cửa ba-ti-măng hai, cả băng Lép-sẹo, mười hai đứa, đang rùng rùng kéo đến. Léo- sẹo đi trước, tụi đàn em bám sát gót hắn. Cả bọn, vẻ mặt thằng nào cũng hùng hùng hổ hổ, rõ ràng cái băng trộm cắp này kéo đến với ý định đánh nhau. Trước lúc kéo đến, Lép-sẹo nói với bọn đàn em:

- Bữa ni mà anh em mình không đập chết tụi hắn, thì anh em mình sẽ đến nước phải đi làm đầy tớ cho tụi hắn! Trước nhất, tất cả phải nhào vô làm thịt thằng "móc cứt". Hắn là tên tử thù của anh em mình đó!

"Chao, mặt mũi đứa mô coi cũng gớm ghiếc chẳng khác chi mấy cái nùi rác mình móc lên dưới hố cầu tiêu!" - Lượm nheo mắt nhìn chúng nghĩ vậy, và quay lại nói với các bạn:

- Khi nào nghe tao hô một tiếng là xông hết vô nghe!

Lép-sẹo cũng giống như hôm Lượm đập lộn với hắn: Áo pặc- ti- dăng lem luốc, rộng thùng thình, phanh ngực, khoe cái đầu lâu và hai xương chéo xăm trên ngực, quần đùi xắn đến bẹn, thì ra trên cạp quần, chéo ngang rốn, cái cán dao găm. Cái miệng hắn rộng ngoác, cặp môi dày ngậm lắt lẻo điếu thuốc quấn bằng giấy báo. Khuôn mặt hắn vẫn chưa tan hết dấu vết trận đòn hôm trước, hai má và môi trên bị dập, thâm tím, hai ba cục u đỏ bầm trên trán, nên trông càng thêm vẻ du côn anh chị. Bọn đàn em, đứa nào một tay cũng đút vào bên trong bụng áo. Lanh đứng đằng sau Lượm, nói giọng run run:

- Anh chú ý! Tay đứa mô cũng nắm cán dao giấu trong áo.

Nghe vậy, cố hết sức mà Lượm vẫn thấy lạnh dọc xương sống:

- Tao chấp! - Lượm gằn giọng trả lời Lanh, không quay mặt lại và tự nhiên nó thấy tức tối với chính nỗi sợ hãi của mình.

Thúi níu nhẹ vạt áo của Lượm, nói gần như thì thầm:

- Hay anh để tui la tiếp cứu cho bọn lính ngục chạy vô?

- Không cần! - Lượm lắc đầu. - Tụi hắn tưởng anh em mình sợ, lại càng làm già.

Một cơn gió lốc thổi xoáy làm tung bụi cát trên sân lao mù mịt. Tụi băng Lép-sẹo dừng lại, nhiều đứa đưa tay lên dụi mắt. Một ý nghĩ loé sáng trong óc Lượm. Nó nói:

- Mỗi đứa vốc hai tay hai nắm cát! Hễ tụi hắn rút dao là ném cát vô mặt luôn. Xông vô, giật lấy dao rồi đập cho tụi hắn không kịp trở tay!

Ngạnh nhét cái đinh hai mươi phân đã được mài nhọn hoắt vào bàn tay Lượm, nói:

- Anh cầm cái đinh ni để tui rảnh tay nắm cát…

- Không cần! Tay không tao chấp tụi hắn! - Vẻ mặt và giọng nói cứng cỏi của Lượm tự nhiên làm các bạn trở lại vững tâm. Những ngày chiến đấu ở mặt trận Huế đã dạy cho nó một điều quan trọng: Trong giây phút hiểm nguy của trận đánh, một tiếng cười ngạo của người chỉ huy nhiều lúc làm cho đơn vị đủ sức chuyển bại thành thắng.

Khi chỉ còn cách bọn Lượm chừng mười bước. Lép-sẹo bỗng đứng lại. Lượm rẽ các bạn bước lên trước hất hàm hỏi cả bọn:

- Tụi bay muốn chi?

Lép-sẹo tránh không nhìn Lượm, nói với bọn trẻ đứng sau lưng Lượm, giọng hách dịch, ra lệnh:

- Tụi bay đi vô ba-ti-măng hai dọn cứt ngay! Sáng ni phải dọn cứt, tụi bay không nhớ à! Đứa mô bỏ việc thì chớ có trách đại ca Lép-sẹo! Mệ đập hơi nặng tay – Hắn giả giọng các mệ, rồi giả giọng Tây sai khiến tù làm cỏ-vê:

- A lê ê! Mao lên! Viết min mao lên!

Bọn đàn em hắn cười hi hi, khiêu khích. Lượm nghiêm mặt, nói:

- Tụi bay vô mà dọn lấy! Sai ai? Phần của tụi tao bên ba-ti-măng một, tụi tau dọn rồi. Bên nớ là phần của tụi bây!

Lép-sẹo chít miệng, nhổ cái tàn thuốc, hai mắt vụt đỏ kè, gầm mặt hỏi:

- Mi là cha tụi hắn à?

- Là anh em cùng một đội!

- Đội chi?

- Đội thiếu niên chiến đấu lao Thừa Phủ. - Lượm trả lời liền một cái tên vụt thoáng qua óc nó. Và tự nhiên chính nó cũng cảm thấy vững tâm hơn cái tên Đội đặt ra một cách bất ngờ đó.

Lượm nói tiếp, giọng đàng hoàng, rành rọt:

- Từ giờ trở đi, bọn bay cần gì cứ nói thẳng với tau! Tụi bay muốn chơi dao, chúng tao chơi dao! Chơi tay không, chúng tao chơi tay không! Muốn hoà thuận, chúng tao hoà thuận. Vệ Quốc Đoàn với du kích chúng tau, tụi Tây, mật thám, Bảo Vệ Quân, an ninh, súng đạn đầy mình tụi tao còn không ngán, ngán chi ba con dao rét của tụi bây!

- Đại ca còn chờ chi nữa! Đập chết cha hắn đi! - Tụi đàn em Lép-sẹo hung hổ thét lác.

Lượm trừng mắt:

- Tao thách đó! Thằng mô muốn chết thì cứ vô đây! Tụi bay đã thấy tao đập lộn như răng rồi đó!

Cả băng Lép-sẹo gầm ghè rút dao, các bạn của Lượm cũng sẵn sàng ném cát.

Mấy năm sau, khi Trần Lượm đã thành một tiểu đội trưởng trinh sát nổi danh gan dạ của trung đoàn, mỗi lần vui chuyện, anh kể với các bạn trong tiểu đội, chuyện những ngày ở trong lao Thừa Phủ, đến đoạn này, giọng anh vẫn còn nghẹn lại vì hồi hộp. Anh nói:

- "Nếu hôm đó xảy ra đánh nhau giữa hai toán, thì đổ máu là cái chắc. Và mình có thể bị đâm chết với mấy con dao rét của tụi ăn cắp, móc túi. Con nít đầu chưa sạch cứt trâu mà tụi nó dữ tợn như beo!"

Nhưng đúng lúc đó, tiếng anh tù điên bỗng la to ở phía cuối dãy ca-sô âm phủ:

"Ông Một Điếu! Ông Một Đíếu!

Thằng mô yếu, chạy cho mau!

Thằng mô đau, cứ đứng lại… ại… ại!"

Cả hai toán con nít đều rùng mình, quay hết nhìn ra phía cổng lao. Lép-sẹo nhanh tay khép vội hai tà áo lại giấu cái đầu lâu xương chéo xăm trên ngực và con dao dắt trước bụng.

Thường lệ, cứ vài ba buổi sáng. Một Điếu lại đi vào lao, rào một vòng quanh các ba-ti-măng, các dãy ca-sô, xà lim xem xét, kiểm tra.

Một Điếu đã hiện ra ở đầu sân lao. Hắn diện bộ "soóc" kaki vàng quen thuộc, cầu vai áo lấp lánh cái vạch lon quan một, đầu đội mũ ca-lô, miệng ngậm cái ống điếu tổ bố bốc khói, tay ngúc ngoắc roi cặc bò như con rắn đen, bên hông đeo xệ khẩu sung lục. Cẳng tay, cẳng chân hắn dài như tay chân vượn, tua tủa lông lá.

Chỉ nhìn thấy bóng dáng tên chúa ngục có máu điên này, tù lao Thừa Phủ, kể cả người gan lì nhất cũng phải nổi da gà. Điều đáng sợ và nguy hiểm nhất của hắn là hắn đánh tù, bắn tù, một cách hết sức bất ngờ; vẻ mặt hắn cứ lạnh băng như mặt nạ nên không sao biết được mà đề phòng.

Một Điếu đi vào ba-ti-măng hai. Mấy phút sau hắn đi ra đứng trên bực thềm, một tay chống lên bao súng lục, tay cầm roi da ngoắc ngoắc hai toán tù con nít đang gầm ghè sửa soạn đánh nhau.

- Viên i xì! Lại đây! Lại đây!

Một Điếu không biết tiếng Việt, hắn chỉ trọ trẹ được vài ba tiếng nhưng hắn không cần thông ngôn. Đối với tù, những tiếng hắn không biết, hắn thay bằng roi cặc bò và đôi khi bằng đạn khẩu súng lục đeo xệ bên hông.

Nhìn cây roi Một Điếu ngúc ngoắc như con rắn đen từ xa, tất cả bọn trẻ đều run rẩy, cứ đứng như chôn chân xuống đất. Mặt chúng cắt không còn giọt máu.

- Bé con! Viên i xì! Lại đây! - Giọng Một Điếu gằn lại, gắt hơn.

Nhìn bản mặt cô hồn của tên chúa ngục, nhớ đến trận roi cặc bò hôm đầu tiên dưới hiên mưa, Lượm trong bụng cũng run không khác gì các bạn. Nó lại đang ở trong tình thế mắc kẹt giữa hai đối thủ đều ráng sợ. Một Điếu và tụi băng Lép-sẹo. Nếu chần chừ, nó phải nhận đòn cả hai. Kinh nghiệm chiến sĩ và bản chất cứng cổ đã dẫn dắt nó hành động, đối phó: Phải liều mạng, xông thẳng tới, đối mặt với hiểm nguy rồi tuỳ cơ tìm cách tự cứu mình. Bây giờ mà bỏ chạy là chết!

Lượm nói to với các bạn, cốt để cho cả tụi băng Lép-sẹo nghe:

- Hắn đã gọi thì phải đến. Không đến hoặc bỏ chạy, hắn nổi điên thì rồi đời đó nghe! Các cậu cứ theo tớ, có việc chi tớ chịu trước!

Lượm chạy trước, các bạn líu ríu chạy theo sát sau lưng.

Bọn Lép-sẹo thấy vậy, hoang mang, cũng hấp tấp chạy theo, cách bọn Lượm một quãng.

Lượm đứng lại trước mặt Một Điếu, ước tính khoảng cách khỏi tầm roi. Nó nói với tên chúa ngục bằng tiếng Pháp, cố để giọng khỏi run:

- Thưa ông quan hai (nó tăng thêm cho hắn một lon để lấy lòng), chúng tôi có mặt!

Ánh mắt vàng như mắt rắn của Một Điếu thoáng vẻ ngạc nhiên:

- Mày biết tiếng Pháp?

- Thưa ông quan hai, tôi nói chưa được đúng mẹo lắm.

- Mày là Viết min?

- Tôi là học sinh trường lít- xê…

- Còn bọn kia? - Một Điếu khoát cây roi chỉ các bạn đứng sát sau lưng Lượm

- Thưa ông quan hai, toàn trẻ con, con nhà nghèo. Chúng không được đi học. Chúng phải đi chăn trâu, bán báo, đánh giày để tự nuôi sống…

- Tại sao chúng bị bắt?

- Tại chúng đi qua các trạm kiểm soát mà không có giấy thông hành - Lượm trả lời bừa.

Bọn băng Lép-sẹo đứng cách đó chừng mười bước. Chúng kinh ngạc, khiếp đảm nhìn Lượm đối đáp với Một Điếu bằng tiếng Tây làu làu. "Chết cha rồi". Chúng sợ muốn đến tắt thở, nghĩ bụng: "Thằng móc cứt nớ biết tiếng Tây, chắc hắn đang xui Một Điếu đập chết tụi mình".

Một Điếu đưa cây roi qua vai, chỉ vào ba-ti-măng:

- Tại sao chúng mày không dọn sạch các cầu tiêu? - Hắn vừa hỏi vừa bước xuống các bậc tam cấp. - Lũ lười biếng! - Hắn bất thần quát to và vung cây roi lên.

Biết hắn sắp đánh, nhưng Lượm cố hết sức không rụt cổ, né người tránh đòn. Nó liều lĩnh nhìn thẳng vào mắt tên chúa ngục nói rành rọt thứ tiếng Pháp khá đúng mẹo:

- Thưa ông quan hai, chúng tôi không phải là những đứa trẻ lười biếng. Chúng tôi biết rõ bổn phận của chúng tôi, - Lượm đưa tay chỉ các bạn, - có nhiệm vụ dọn vệ sinh ở ba-ti-măng một. Chúng tôi đã làm xong, mời ông sang kiểm tra. Dọn vệ sinh ở ba-ti-măng hai là nhiệm vụ của bọn kia. - Lượm chỉ vào cả băng Lép-sẹo.

Thái độ chững chạc và câu trả lời bằng tiếng Pháp đúng mẹo của Lượm làm cho Một Điếu tự nhiên hạ cây roi xuống. Hắn chỉ roi vào mặt tụi Lép-sẹo, hỏi:

- Những tên nhơ bẩn kia tại sao chúng bị bắt? Bọn chúng là Viết min?

- Thưa ông quan hai, không phải! Chúng bị bắt vì tội trộm cắp.

- Bọn trộm cắp! - Một Điếu chiếu cặp mắt sâu hoắm vàng như mắt rắn vào tụi Lép-sẹo, ngoặc ngoặc đầu roi, gọi. - Lại đây! Lại đây! - Và một tay hắn mở bao súng lục.

Bọn Lép-sẹo rú lên khiếp đảm. Nhiều đứa oà khóc chắp hai tay vái lấy vái để Một Điếu:

- Con lạy ông! Con lạy ông!

Một số đứa nhấp nhổm định bỏ chạy. Lép-sẹo cũng định bỏ chạy.

Nhìn vẻ sợ hãi đến cùng cực của bọn trẻ rách rưới, khốn khổ, nỗi giận dữ trong lòng Lượm bỗn tiêu tan. Nó cảm thấy thương hại chúng. Nó nói với cả bọn giọng như ra lệnh:

- Đừng chạy! Chạy hắn bắn chết cha bay ngay! Bước lại gần đây rồi tao xin hắn cho!

Nó quay sang nói với Một Điếu:

- Thưa ông quan hai, xin ông tha tội cho chúng lần này. Tôi sẽ bảo với chúng dọn sạch cầu tiêu trong vòng nửa giờ.

- Nửa giờ sau nếu bọn bẩn thỉu ấy không dọn sạch, mày hãy báo cho tao biết! - Một Điếu nói với Lượm và đút súng vào bao. Hắn ngúc ngoắc cây roi đi sang kiểm tra ba-ti-măng một.

Lượm bước đến đứng trước mặt Lép-sẹo, nói giọng nghiêm khắc:

- Tau đã xin hắn cho tụi bay rồi đó! Kéo nhau vô mà dọn ngay cầu tiêu đi! Trong nửa giờ phải dọn sạch. Vứt hết dao đi! Đồ ngu! Tao mà nói với hắn trong người tụi bay đứa nào cũng dắt dao để rình giết hắn, thì tất cả tụi bay đã ăn đạn suốt lượt!…

Bị Lượm mắng nhiếc nhưng cả bọn không đứa nào dám hó hé. Chúng cúi mặt xuống đất. Riêng Lép-sẹo trân trân nhìn Lượm với ánh mắt căm hờn. Từ ngày vào tù đến nay, chưa một ai, kể cả, người lớn dám mắng nhiếc hắn như Lượm; mà mắng nhiếc ngay trước mặt bọn đàn em của hắn! "Chừ thì tụi đàn em còn coi "Đại ca Lép-sẹo" này ra cái cứt chi nữa!". Hắn nghĩ vậy, vừa cay đắng, vừa nhục nhã. Nhưng bây giờ thì hắn lại không dám làm gì Lượm. Hắn nghĩ: "Thằng móc cứt nớ biết tiếng Tây. Hắn chỉ cần xì lô xì lồ với Một Điếu vài tiếng là mình đã phải ăn đạn rồi! Tổ cha hắn!" - Lép-sẹo gầm lên trong bụng. Một ý định liều lĩnh thoáng vụt qua trong óc hắn: "Mình phải đâm cho hắn một dao vô giữa ngực, rồi tự đâm chết mình luôn! Sống mà phải chịu nhục như ri thì sống làm chi!".

- Một Điếu ra! Một Điếu ra! - Tiếng một đứa trong bọn hắn run rẩy kêu lên.

Lép-sẹo ngoảnh lại thấy tên chúa ngục từ trong cửa ba-ti-măng một bước ra, và đang nhìn về phía tụi hắn. Lượm nói:

- Kéo nhau vô mà dọn cứt ngay không chết cả tụi bây giờ!

- Để tui ra lấy cái thúng đựng cứt hí! - Một thằng cuống quýt nói:

- Để tụi tui dọn cho. Đại ca không cần phải dọn. - Một thằng giọng xun xoe.

Bóng dáng lông lá của tên hung thần chúa ngục với khẩu súng bên hông, cây roi cặc bò ngúc ngoắc trong tay, lập tức làm cho ý định liều lĩnh của Lép-sẹo tiêu tan.

- Tổ cha bay! - Lép-sẹo bất thần trút cơn giận dữ lên đầu bọn đàn em. Hắn nghiến răng quạu mặt chửi - Đi vô dọn cứt hết. Thằng mô cũng phải dọn!

Và chính hắn chạy vô ba-ti-măng trước. Tụi đàn em líu ríu chạy theo.

Lép-sẹo đứng sững lại trước dãy cầu tiêu ngập ngụa phân dòi mà từ trước đến nay hắn chỉ đứng từ xa để sai khiến tụi ngoài kia hốt dọn, như một viên cai tù sai khiến tù mà bây giờ tự nhiên xuất hiện một thằng "chó chết" ở đâu, nhỏ con, ốm yếu thua xa hắn, dám đập lại hắn, dám mắng nhiếc hắn "đồ ngu", lại bắt buộc hắn tự tay phải hốt cứt!… Hắn nghĩ vậy, và cái miệng rộng ngoác đầy quyền uy, quen sai khiến của hắn, tự nhiên méo xệch như mếu. Một giọt nước mắt đặc quánh, như dầu lăn trên gò má lem luốc của hắn. Có thể gọi tên giọt nước mắt trên má tên anh chị vị thành niên này: Thù hận, nhục nhã.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx