sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tuổi thơ dữ dội (Tập 2) - Phần VII - Chương 01 - 02 - 03

Phần Thứ Bảy

1.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng bào Thừa Thiên truyền tụng từ làng này qua làng khác, chuyện một người đàn bà dở tỉnh dở điên đi lang thang khắp tỉnh để tìm con. Chị ta tên chi, quê quán ở đâu, ít ai biết thật rõ. Chỉ biết chị ta làm nghề bán bún rong, khi bún thịt, khi bún cá, khi bún cua… tùy theo sản vật hiện có ở vùng chị đến bán. Ngoài gánh bún bên vai chị còn đeo toòng teng cái bị đệm đựng áo quần và vài đồ vật linh tinh khác - chắc là toàn bộ gia sản của chị.

Chị bán ở làng này ít lâu, lại lân la qua làng khác. Chị cứ dọc theo cái dải đồng bằng dài mà hẹp, với những thôn xóm giặc thường xuyên càn quét, bắn giết, đốt phá… với những trảng cát miên man ngút tầm mắt, những đầm, những phá, những hói, những sông…

Mới đầu du kích các làng ngờ chị là Việt gian, gián điệp. Họ cho là "con mụ ni giả điên giả dại, lấy cớ đi tìm con nhưng cốt để dò la kháng chiến, chỉ điểm cho Tây". Nhiều lẩn họ bắt chị, định lôi chị ra rú, ra trảng cát chặt đầu.

Mỗi lần du kích bắt, tưởng chị phải sợ lắm, nhưng chị lại mừng rỡ như người bắt được của. Chị xoắn xít, đon đả mời chào: "Mời các anh ăn bún! Bún tui là ngon có tiếng đó các anh nờ… Cả chợ Bao Vinh ai còn lạ chi bún bò giò heo mụ Niệm?".

Chị cười đó rồi khóc đó. Chị kéo vạt áo nối đà chấm nước mắt, sụt sùi kể lể: "Các anh là Việt Minh, chắc các anh biết chừ thằng con tui ở mô… Các anh chỉ giùm cho tui với. Cháu tên là Mừng. Cháu mới có mười ba tuổi, nước da đen ngăm ngăm giống in như tui ri. Người cháu rom rom là lanh lẹ lắm. Tui chỉ có một mạ một con… Ngày Huế mình mới nổ súng, bữa đó tui đi chợ về thì không thấy cháu nó ở nhà. Tui nghĩ là cháu chạy chơi mô đó. Tui chờ đến tối, đến nửa đêm, đến sáng hôm sau, cũng không thấy cháu về… tui e cháu ra sông tắm nghịch, ma rà (1) nhận nước mất rồi. Cả tháng trời, tui bỏ buôn bỏ bán, đi dọc hai bợt sông tìm xác cháu, cầm cơm cầm trứng hú hồn hú vía cháu, mà chẳng thấy tăm dạng cháu mô… Tui để dành để dụm may cho cháu được bộ áo quần, cái quần soọc với cái áo thơ-mi. Chị lục cái bị lác, lôi ra một bộ áo quần con nít gấp vuông vắn buộc lại bằng sợi lạt. Chỉ giở từng cái một đưa ra trước mặt các anh du kích. Cháu hắn cứ năn nỉ đòi mặc, tui không cho. Tui nói để đến Tết mặc, mình con nhà nghèo ăn, mặc phải tùng tiệm… Rứa mà chừ áo quần còn đây, mà con thì đi mô mất? Mạ có ngờ mô chuyện ni con ơi? Con mà không còn thì áo quần con mạ biết để mần chi… Rồi một bữa, nửa đêm nửa hôm, có một chú Vệ Quốc Đoàn nhỏ nhỏ cũng trạc lứa tuổi con tui, đi vô nhà nói: "Bạn Mừng, con thím, đang ở Vệ Quốc Đoàn, đánh Tây trên mặt trận Huế. Chừ bạn ấy đang mắc công việc mặt trận, bạn ấy nhờ cháu về nhắn với thím, khi mô việc mặt trận thư thư, sẽ xin phép cấp chỉ huy về thăm mạ…". Tui nghe mà bán tín bán nghi… Hay họ lầm Mừng con cái nhà ai? Chớ thằng Mừng con tui đôi khi còn ở lỗ chạy rong khắp xóm, còn nhai chéo áo, thì đã biết cái chi mà dám vô Vệ Quốc Đoàn ! Rứa rồi mấy bữa sau, lại có một anh Vệ Quốc Đoàn tui quen, trước tê anh làm cu-li khiêng vác ở bến Bao Vinh, thường ăn chịu bún bò của tui, về tìm gặp tui, đưa cho tui bó là tầm gửi ni - chị lôi ra trong bị bó lá tầm gửi bọc bằng vải bạt áo súng, buộc bằng dây điện - nói là thằng Mừng con chị gửi về cho chị để chị sắc uống cho lành bệnh suyễn kinh niên… Hắn đang mắc việc đánh giặc nên mới phải nhờ tui gửi giúp cho chị. Lá tầm gửi ni hắn phải trèo lên cây chót vót mặt trận, rồi phải phơi ba sương năm nắng, uống vô chắc chị lành bệnh cái rụp! Ui chao, lúc đó tui mới tin là cháu nó vô Vệ Quốc Đoàn thiệt, các anh ơi! Đúng là tui mắc bệnh suyễn kinh niên, cực khổ không nói được các anh nờ… Các anh là Việt Minh, chắc các anh biết thằng con tui chừ đang ở mô, chỉ giùm cho tôi với…"

Chị kể, nước mắt giọt ngắn giọt dài. Người chị run rẩy như tàu lá chuối trước gió. Giọng chị kể, những hàng nước mắt, đến bộ áo quần con nít, bó lá tầm gửi… chân thật, thống thiết đến nỗi làmcác anh du kích đang định lôi chị ra trảng cát chặt đầu, quay lại tìm lời an ủi chị: "Chắc thằng con chị chừ đang ở trên Xê-ca" - đồng bào Thừa Thiên ngày đó gọi chiến khu là Xê-ca.

Cặp mắt đẫm lệ của chị vụt sáng lên mừng rỡ:

- Chớ Xê-ca mô rứa các anh?

Ở Phú Lộc, họ nói với chị:

- Xê-ca Truồi, Bạch Mã.

Ở Phú Vang, Hương Thuỷ, họ nói với chị:

- Xê ca Độn Bồ, Xê-ca Khe Tre, Nam Đông, Xê-ca Dương Hoà, Lương Miêu.

Ở Phong Điền, Quảng Điền, họ nói với chị:

- Xê-ca Trò, Trái, Xê-ca Cầu Nhi, Xê-ca Hoà Mỹ…

- Nhưng làm răng tôi biết đường sá mà lên thấu đó các anh ơi!

Chị mếu máo kêu lên nghe thương đứt ruột: "Các anh có việc chi lên trên mấy Xê-ca đó cho tui lên theo với. Các anh cần sai biểu chi tôi cũng xin làm hết, miễn răng lên được trên đó may ra tìm thấy thằng con một của tui…!.

- Được rồi, khi mô đi tiếp tế Xê-ca tụi tui sẽ kêu chị đi - Các anh du kích làng nào, huyện nào cũng hứa với chị như vậy.

Rồi đồng bào các làng chị đi qua, không còn ai nhớ tên chị, chỉ nhớ câu chuyện chị kể với nước mắt giọt ngắn giọt dài. Rồi người ta gọi gánh bún của chị là Gánh-bún-chị-tìm-con.

Chú thích:

(1) Một loại ma, lẩn quất trong các vùng sông nước (theo mê tín dị đoan của nhân dân).

2.

Người ta thường ví tỉnh Thừa Thiên như cái đòn gánh, cái đòn gánh, dài gần trăm cây số. Một bên là biển, một bên là núi, giữa là dải đồng bằng hẹp. Nhiều quãng hẹp đến nỗi tưởng chừng người đứng trên núi gọi thật to, người đứng dưới bờ biển cũng nghe tiếng.

Hàng mấy chục con sông lớn nhỏ từ trên núi đổ xuống như những lưỡi dao xanh, xắt khúc dải đồng bằng hẹp ra những khúc ngắn dài, xiên xẹo, như người nội trợ vụng xắt khúc con cá hố. Sau ngày Huế vỡ mặt trận, lực lượng kháng chiến của mỗi huyện đổ ngang lên vùng rừng núi thuộc huyện mình, thành lập chiến khu. Cả tỉnh Thừa Thiên cũ có sáu huyện mà có đến bảy tám chiến khu. Do đó Chị-tìm-con đến làng nào cũng than thở với khách ăn bún: "Chiến khu bất loạn (1), không biết đi tìm cho hết phải mất mấy tháng, mấy năm".

Trong bảy tám chiến khu đó, chiến khu Hoà Mỹ là chiến khu lớn nhất và cũng là chiến khu đầu tiên. Xê-ca Hoà Mỹ là đầu não kháng chiến của tỉnh. Các cơ quan tỉnh đều đóng ở đây Bọn giặc biết rõ như vậy. Chúng dốc sức, tìm đủ trăm phương nghìn kế để tiêu diệt chiến khu Hoà Mỹ. Việc trước tiên là chúng đổ quân lên làng Đất Đỏ, một làng chỉ cách Hoà Mỹ bốn cây số, xây vị trí và chất ở đó một trung đội u Phi.

Trung đội giặc này lừng danh thiện chiến, rất giỏi đánh vùng rừng núi, mới đưa từ Pháp sang, được gọi là Đội tuần tiễu núi An-pơ (Chasseur Alpin). Phía nam Hoà Mỹ, chúng đóng vị trí Sơn Quả. Vị trí Đất Đỏ khác nào mũi lê dí vào trán chiến khu và vị trí Sơn Quả như lưỡi dao găm kề mạn sườn chiến khu.

Mặt khác, chúng tung gián điệp, biệt kích lên chiến khu do thám, chỉ điểm, chuẩn bị cho kế hoạch tấn công tiêu diệt chiến khu…

Xê ca Hoà Mỹ được chia thành bảy Xê-ca nhỏ, theo từng lớp chiều sâu của núi: Từ Xê-ca Một đến Xê-ca Bảy.

Bộ đội Thừa Thiên ngày đó ưa nói tiếng Tây cho vui, họ không gọi Xê-ca Một, Xê-ca Hai… gọi là Xê-ca "Oon", Xê-ca "Đơ" Xê ca "Tờ- roa", Xê-ca "Cát", Xê-ca "Xanh", Xê-ca "Xít", Xê-ca "Xết".

Riêng làng Hoà Mỹ được gọi là "Tiền chiến khu".

Chỉ sau mấy tháng, chiến khu Hoà Mỹ đã có những thay đổi thật lớn lao. Xê-ca bây giờ đã có gần đầy đủ các bộ phận của "guồng máy kháng chiến tỉnh". Nhà cửa, lán trại của bộ đội cơ quan, mọc lên ngày một nhiều, từ Tiền chiến khu đến Xê-ca "Xết", có khu nhà Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh, Trung đoàn bộ, Tỉnh đội, bệnh viện, xưởng quân giới, xưởng bào chế dược liệu, kho quân khí, quân lương, quân nhu… Vùng Tiền chiến khu, hàng quán của đồng bào mọc lên ngày một đông. Tiền chiến khu cũng là nơi đóng quân của một số đơn vị như trinh sát, biệt động, đại đội liên pháo… Giữa trung tâm Hoà Mỹ có cả nhà văn hoá đại chúng - nhà bằng tranh tre nứa, nhưng cao rộng thênh thang, dựng theo kiểu hội trường. Hàng tuần, ngày chủ nhật, nhà văn hoá đại chúng thường tổ chức sinh hoạt văn hoá, biểu diễn văn nghệ; các tiết mục văn nghệ đều do các đơn vị, các cơ quan tự biên tự diễn.

Chỉ riêng sự thiếu thốn, gian khổ thì Xê-ca Hoà Mỹ ngày đó còn gay gắt, quyết liệt hơn cả những ngày đầu tiên. Có thể nói cuộc sống gian khổ thiếu thốn ngày đó đã trở thành những huyền thoại: huyền thoại đói, huyền thoại rét, huyền thoại rách rưới, huyền thoại ghẻ, huyền thoại rận, huyền thoại bệnh tật và cao đẹp hơn hết là những huyền thoại "bền gan chịu đựng" của những người kháng chiến cứu nước.

Chú thích:

(1) Quá nhiều - tiếng địa phương Huế.

3.

Đội thiếu niên trinh sát là một trong những đơn vị đóng quân ở Tiền chiến khu. Lán của đội nằm chếch về phía nam Xê-ca, trên bờ sông Ô Lâu. Trước mặt lán là một vuông sân đất. Qua sân vuông là lau lách mọc rậm như rừng đổ dốc xuống sát tận mép sông. Đứng ở sân không nhìn thấy sông vì lau lách che khuất, nhưng nghe rõ mồn một tiếng nước rì rào và tiếng những coọng nước quay kẽo kẹt suốt ngay đêm…

Ngôi lán dài khoảng chục mét, cột kèo bằng thân cây nguyên vỏ, phên liếp tre lồ ô, mái tranh phủ đầy lá tre rụng.

Trong lán hai bên hai dãy sạp nứa dài, lối đi chính giữa, nền đất cháy đen vì đốt lửa suốt vụ rét, và những ngày mưa gió.

Cả đội nằm trần trên sạp, nên mặt sạp loang lổ những mảnh xám xịt vì mồ hôi và ghét bẩn. Phía đầu nằm, sát phên liếp, xếp một hàng những cái bao tải đựng gạo, gấp làm tư, làm tám. Cái bao tải nào cũng đen xì, mép rách tuơ, lông dựng lờm xờm như lông chó ghẻ. Trên mặt bao, những chú rận gày xác, đen như chấy, lủi nhanh như bọ chét, bò dạo thung thăng. Tư-dát một hôm đứng chống nạnh ngắm chúng, có lời bình luận:

"Rận của lính trinh sát khác xa rận của bên dân sự! Rận dân sự trắng trẻo, béo núc ních, bụng no kềnh, bò chậm chạp lờ đờ như cha cố tập quân sự; ghè móng tay giết kêu bốp! Rận tụi mình giết kêu tét, nghe tức như pháo xịt!".

Những cái bao tải này được ban Quân nhu trung đoàn cấp phát theo tiêu chuẩn quân trang đông xuân. Mà cũng chỉ những đơn vị đặc biệt như trinh sát, biệt động, các tổ canh gác các trạm gác tiền tiêu… mới được ưu tiên cấp phát.

Các đội viên thiếu niên trinh sát rất lấy làm hãnh diện về việc được cấp phát bao tải. "Như rứa là đội mình được trung đoàn xếp vô hàng những đơn vị đặc biệt".

Bao tải được bọn trẻ sử dụng tùy theo sở thích, và sáng kiến của mỗi đứa. Có đứa tháo ra thành một tấm dài để đắp như chăn; có đứa cứ để nguyên xi, lúc đi ngủ chui vào bao, co đầu rụt chân lại cho vừa người - vì tuy bé nhưng đứa nào người cũng dài hơn bao tải. "Đem tháo ra thiệt dại! Cứ để nguyên làm thành trên chăn dưới đệm, ngủ vừa ấm vừa êm".

Những đứa sử dụng nguyên bao khích bác những đứa tháo thành tấm dài. "Nhưng người ta được nằm thẳng chân thẳng cẳng sướng như ông hoàng! Ấm lưng hơn một chút mà phải nằm co ro cút rút, sung sướng cái nỗi chi?". Cuộc tranh cãi tranh khôn ấy ngày nào cũng diễn ra giữa bọn trẻ và bất phân thắng bại. Tư-dát là đứa thuộc nhiều "chuyện kiếm hiệp ba xu" (1) cười hề hề nói:

- Các cậu dại tuốt, thằng tháo cũng dại, thằng để nguyên cũng dại! - Nó giũ tung cái bao tải của mình ra làm bụi mù - Cái mền ni của tớ là mền vóc đại hồng kiêm áo hồ cừu. Lúc làm mền, lúc làm áo, biến hoá khôn lường? - Nó biểu diễn luôn cách biến hoá khôn lường: lấy sợ dây mây xâu ngang qua cái bao tải gấp đôi, khoác lên người và buộc dây trước cổ. Nó nói, mặt vênh vênh tự đắc:

- Đã thấy tuyệt chưa? Giêng hai rét mướt mà khoác cái áo cừu thiên kim (áo cừu nghìn vàng) ni về đồng bằng bám vị trí giặc thì còn chi ấm hơn!

Cả đội đều chịu sáng kiến của Tư-dát. Từ đó, những đứa được phân công về đồng bằng bám địch đều xúng xính "áo cừu thiên kim bao bố". Nhưng chỉ khoảng tháng sau, chúng phát hiện ra nhược điểm đáng sợ của loại "mền vóc đại hồng", và "áo cừu thiên kim bao bố" này là rận - Tư-dát gọi đó là "Xê-ca của rận". Vì rận ở quần áo còn dễ lùng bắt nhưng rận chui rúc trong bao bố thì vô phương tiêu diệt - cũng là ý kiến của Tư-dát. Bọn trẻ giận dữ trải bao tải lên mặt tảng đá, cầm một hòn đá mà ghè. Chúng không chết! Dìm bao tải xuống sông Ô Lâu, lấy đá dằn lên, tiêu diệt bằng kế "thuỷ công" cũng không ăn thua!

Người ta thường hình dung nỗi gian khổ của những người kháng chiến ở chiến khu là đói và rét. Nhưng rận, ghẻ, sốt rét, mới thật là kinh khiếp.

Lán của đội Thiếu niên trinh sát thường ngày rất vắng vẻ. Những đứa tương đối khỏe đều được cử về đồng bằng bám vị trí giặc, bám đường quốc lộ, theo dõi quy luật hành quân, càn quét của giặc… làm tai mắt cho chiến khu.

Ở lại lán chỉ còn những đứa ghẻ lở kềnh càng hoặc lên cơn sốt rét nặng, vào lán trong những ngày này, những ai rắn lòng nhất cũng không khỏi xúc động, mủi lòng. Lán như bỏ hoang đã lâu ngày. Sạp nứa chỉ cần vắng hơi người dăm hôm đã nổi mốc xanh mốc trắng. Bụi mọt nứa, tre, tranh từ trên mái rụng xuống lả tả rắc một lớp bụi vàng mốc lên mặt sạp. ở góc lán, một vài đứa đang lên cơn sốt rét rên hừ hừ, rung rung cả sạp.

Chúng đắp lên người cả một đống bao tải rách tả tơi, rận bò lúc nhúc. Bên cạnh đầu nằm, để một bát cháo gạo lễnh loãng chưa kịp ăn. Cháo nấu bằng thứ gạo chôn giấu dưới đất, từ đồng bằng tiếp tế lên, rời ra từng hạt, và có mùi thum thủm.

Những đứa bị ghẻ trông mới càng tội. Ghẻ ăn kín người, từ gối đến cổ, da bì lên từng đám tím đen như cơm cháy. Đến con chim nhỏ xíu cũng bị ghẻ đào rãnh, đào hang, đỏ hỏn, sưng phồng. Lúc lên cơn ngứa, bọn trẻ cởi trần truồng gãi lấy gãi để. Gãi đã cơn ngứa lại đến cơn xót, nước mắt ứa ra, xuýt xoa, mếu máo. Hai bàn tay, ngón nào móng tay cũng bờ lên một lớp ghét máu mủ ghẻ. Bộ quần áo rách rưới máu mủ loang lổ như bản đồ, đứng xa chục bước cũng ngửi thấy mùi tanh. Hoà-đen không biết được anh nào cho cái áo may ô bằng vải màn tuyn.

Nó mặc ít lâu các lỗ thủng bị trám kín hoá thành vải bạt. Ghẻ ruồi đã khổ, ghẻ cái lại càng khổ hơn. Lòng bàn tay dày kín những mụn ghẻ to như hạt bắp, cương mủ xanh lè, bàn tay không sao nắm lại được cứ khum khum như định hứng một vật gì. Mỗi buổi sáng, chúng phải lấy gai nhọn chích các mụn ghẻ. Chỉ cần chích nhẹ là mủ phều ra, đặc lền, trắng đục.

Chích hết mủ, bàn tay mới nắm lại được. Con ghẻ đào hào đào rãnh theo các đường chỉ tay. Chúng lấy mũi gai khều bắt con ghẻ. Con ghẻ nhỏ như hạt bụi màu trắng mủ, bò khá nhanh.

Chúng để con ghẻ lên móng ngón tay cái, xem nó bò, rồi đưa móng tay kia ghè nát, miệng méo xệch vì căm tức.

Mấy đứa dứt cơn sốt, chui ra khỏi đống bao tải, lò dò ra sân ngồi sưởi nắng. Chúng cởi áo, trải lên đầu gối ngồi bắt rận.

Bên cạnh để hòn đá, bắt được rận, để lên hòn đá dùng móng tay ghè nát. Giết nhiều quá, ghê tay, chúng ném rận xuống đất dùng gót chân mà dí.

Thế nhưng mỗi tháng vài ba lần, cả chiến khu Hoà Mỹ không ở đâu lại nhiều tiếng cười, tiếng reo, lại ồn ào náo động như ở ngôi lán này. Đó là lúc cả đội họp mặt đông đủ. Các em bám địch ở đồng bằng được đội trưởng triệu tập về chiến khu, báo cáo tình hình, nhận nhiệm vụ mới, hoặc học tập nghiệp vụ, chính trị… Mảnh sân trước lán đã biến thành sân trường tiểu học trong giờ ra chơi.

Chú thích:

(1) Loại truyện võ hiệp rất phổ biến trước cách mạng, xuất bản thành từng tập 18 trang với giá ba xu ngày đó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx