4.
Hai hôm sau ngày anh Đồng-râu bị bọn giặc bắn chết ở Vĩ Dạ và Lượm bị bắt ở Bao Vinh. Tư-dát đã lần mò về được đến Sịa. Chính thằng Tặng dẫn đường cho Tư-dát về Sịa.
Hôm đó, Tư-dát vừa đến cây cầu ván đã nhìn thấy Tặng ngồi câu ở đó rồi. Tặng nhấc cần câu, đứng lên cười cười đón bạn:
- Đi tay không à? Răng mà mặt mũi coi bộ hớt hải như người bị ma đuổi rứa?
Tư-dát bước đến sát Tặng, thì thào:
- Cậu Lượm bị bắt rồi. Anh Đồng-râu bị bắn chết…
Tặng tái mặt, quẳng cần câu xuống ván cầu.
- Bị bắt à? - Tặng hỏi như bật thành tiếng rên. - Chớ bị khi mô?
- Ngay cái bữa chiều hôm đó. Và đến Bao Vinh thì bị… Với cả sáu đòn bánh tét!
- Thôi chết cha rồi?… - Cả người Tặng bỗng run lên.
- Tụi hắn bắn chết anh Đồng-râu, kéo xác ra phơi ở chân Đập Đá, rồi kéo thẳng về Bao Vinh, rình chộp hai đứa tớ. Cả thằng Kim-điệu chắc cũng bị cùng với anh Đồng-râu.
Tặng bỗng nổi giận phừng phừng, nạt Tư-dát:
- Mi đi xích hầu cho hắn mà lại để cho hắn bị chộp? Rứa mắt mũi mi để đi mô?… Chắc còn mãi ngớp lên ngọn cây tìm chim chớ chi?
Trông điệu bộ Tặng, Tư-dát tưởng như nó sắp nhào vô đập mình, Tư-dát sợ hãi bước lùi lại, ấp úng chối:
- Tau có tìm chim mô… Tau cũng có ngó đường… Nhưng tụi hắn núp kín quá nên không ngó thấy…
- Mi đừng có chối? - Tặng bước xấn tới. - Tau còn lạ chi cái mặt mi. Ngó điệu bộ mi vừa la vừa giật con cá rô bữa trước, tau biết ngay mi là đứa ham chơi quên việc?
Tư-dát vừa xấu hổ vừa hối hận. Nó muốn chuồn nhanh qua khỏi cầu để khuất cặp mắt xoi mói, giận dữ của Tặng.
- Thôi, chừ để cho tau đi không thì trễ mất…
Tặng liền đứng chắn ngay trước mặt Tư-dát, giọng vẫn không thôi nạt nộ:
- Chớ mi định đi mô?
- Về dưới Sịa báo cho mấy đứa ở tổ liên lạc…
- Chưa đi được? - Tặng nói như ra lệnh. - Đi về nhà tau đã, tau nấu cơm cho ăn. Ngó cái mặt, tau biết thừa là mi đang đói xếu mếu. Ăn xong tau sẽ đưa đường cho mi về thấu Sịa. Mi định đi một mình, không có ai dò đường, để cho tụi hắn theo mi về thấu đó, thộp luôn cả mấy thằng tê à?
Tặng lượm cái cẩn câu vác lên vai, mặt vẫn hằm hằm:
- Đi theo tau?
Tặng đi trước, Tư-dát cun cút đi theo như bị dắt mũi. Nhà Tặng cách cây cầu chừng năm trăm thước. Cả nhà nó đi vắng hết. Nó vào buồng lấy nồi, gạo bưng xuống bếp. Nó chỉ cái chõng tre kê cạnh cái bàn gỗ ọp ẹp, trên bàn có để lọ mực, cây bút sắt và cuốn vở học trò nhem nhuốc, bốn mép quăn queo, nói với Tư-dát:
- Mi ngồi đó. Trong lúc đợi cơm chín, mi viết cho tau cái thơ "Đời cách mạng".
Tặng nhen lửa, đặt nồi lên bếp. Nó nói qua khe liếp bếp:
- Mi mà viết ngoáy, tau không đọc được, tau bẻ giò đó nghe!
Tư-dát nắn nót chép xong bài thơ "Đời cách mạng…". Tặng cũng vừa nấu cơm chín. Nó bưng đặt lên chõng một nồi cơm đầy kênh vung, cái mâm gỗ với chén đũa, hai quả trứng vịt luộc dầm nước mắm ớt, một đĩa cá diếc kho xơ mít cũng đỏ lòm những ớt.
- Mi ăn đi, - Tặng xới cơm, giục bạn - Tau ăn rồi. Mi phải ăn hết nồi cơm, hai cái trứng nớ. Không ăn hết tau bẻ giò đừng có kêu!
Trong lúc Tư-dát ăn cơm, Tặng cầm cuốn vở chép thơ, ra ngồi ở bậu cửa, vừa đánh vần vừa đọc oang oang:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày…
Là gươm kề cổ, súng kề tai…
Tặng bỗng lặng phắc như nghĩ ngợi điều gì, quay lại nhìn Tư-dát đang và cơm, chỉ vào những câu thơ vừa đọc, nói giọng rưng rưng:
- Cái thơ ni in như nói chuyện thằng Lượm với anh Đồng-râu mi hè?
Giọng Tặng bỗng như nghẹt. Nó ngoảnh vội ra sân, mắt chớp chớp đỏ loe. Tư-dát vừa và cơm vừa ngẫm nghĩ: "Hắn vừa đánh vần vừa đọc mà hiểu hết thơ… Lạ thật!"
Tư-dát ăn cơm xong. Tặng rút cọng tranh trước mái hiên, bẻ một đoạn dài cỡ gang tay, đưa cho bạn làm tăm xỉa răng.
Nó nhảy ra đứng im giữa sân, coi bóng nắng, nói:
- Gần hai giờ rồi. Ta đi không trễ mất.
Nó rút cây dao rựa, chạy ra vườn, chặt ba cây mía, bó thành một bó. Vác bó mía lên vai, Tặng nói:
- Tau đi trước, mi đi sau. Thấy tau đổi vai vác mía, là mi phải tìm đường lủi cho mau: trước mặt có địch! Mi không chú ý, lủi không kịp để tụi hắn bắt được thì mặc kệ mi, tau không biết. Tụi hắn hỏi, tau nói: "Mạ tui sai tui về Sịa thăm Mệ ngoại".
Tặng vác bó mía, mải miết đi, chăm chú dò đường, đưa Tư-dát về thấu Sịa. Đến chỗ ngã ba rẽ vào xóm, nó đứng lại, đưa vác mía cho Tư-dát, nhếch miệng cười không thành tiếng:
- Rứa là coi như tau hoàn thành nhiệm vụ nghe? Mấy cây mía cho mấy đứa ở tổ mi. Chừ tau phải về không tối mất, mạ tau lại tưởng tau bỏ nhà đi chơỉ, chửi cho một trận tứ tung lung tàng.
Tư-dát đưa tay ôm choàng qua vai Tặng, khóc thật sự. Tư-dát vốn tính suốt ngày liến láu, tìm đủ mọi cách chọc cho mọi người cười, bây giờ cái mặt khóc nhìn rất tức cười. Nó sụt sịt nói:
- Không biết đến khi mô tau mới được gặp lại mi?…
- Mi muốn gặp tau thì khó, - Tặng nói. - Tau muốn gặp mi, dễ ợt… Tau lấy cái "Đời cách mạng" ra tau đọc…
Ngay đêm hôm đó, Tư-dát cùng với tổ liên lạc rút về chiến khu. Tư-dát báo với đội trưởng toàn bộ sự việc đã xảy ra. Báo cáo đến đoạn nó đi xích hầu cho Lượm từ Sịa về Bao Vinh, giọng bỗng ngắc ngứ. Nó phải vơ cái ca nhôm của đội trưởng để trên bàn, vục vào nồi nước uống nấu bằng lá ngái rừng, uống liền hai ca, làm như đang khát nước. Nước lá ngái rừng đắng nghét. Nó muốn giấu quách cái chuyện vì mải ngớp mặt lên ngọn cây, bắn con cu xanh, quên chuyện quan sát đường, để đến nỗi hai thằng An ninh đứng ngay trước mặt mà không biết. Nhưng nó vụt nhớ vẻ mặt phừng phừng giận dữ của Tặng như sắp nhào vô đập mình, nó đã nuốt được ý định gian dối cùng với những ngụm nước đắng nghét xuống cổ. Giọng nó liền trở nên dứt khoát, sáng sủa, báo cáo đầy đủ những sơ xuất chết người của mình. "Lượm bị bắt là lỗi tại em. - Tư-dát cúi gầm mặt xuống bàn, nói - Chừ anh có thi hành kỷ luật chi em cũng xin chịu".
Bồng-da-rắn vốn rất nghiêm khắc, rất ghét những trò con nít đem chen vào trong lúc làm nhiệm vụ đánh giặc. Nó thường bực tức nói: "Muốn nghịch, muốn chơi thì ở nhà mà nghịch mà chơi! Đã vô Vệ Quốc Đoàn thì dù con nít lên ba cũng phải làm việc đứng đắn, cho ra người Vệ Quốc Đoàn !".
Không hiểu sao hôm đó Bồng lại lên tiếng đầu tiên xin đội trưởng tha lỗi cho Tư-dát, "Bạn ấy mới lỡ dại lần đầu, mong anh tha lỗi…". Sau đó, Bồng còn nói riêng với đội trưởng, giọng của người từng trải, bao dung - mặc dầu nó cũng chỉ bằng tuổi Tư-dát. "Thằng nớ ba láp rứa nhưng bụng dạ tốt, mà dễ thương anh ạ. Hắn lại có tài…".
* * *
Cùng sống với nhau lâu, các bạn trong đội càng phát hiện ra Tư-dát có lắm tài. Tài liến láu chọc cả đội cười đứt ruột, tài nhớ thơ, đọc thơ, kể chuyện, tài sáng tác các vở kịch cương trong những buổi sinh hoạt văn nghệ của đội… Mới đây Tư-dát lại sáng tác một bài thơ khá dài, dán bích báo mà cả đội đều thuộc. Mấy câu mở đầu bài thơ thường được các bạn ngâm nga:
"Xê-ca vui lắm bạn ơi
Niềm vui độc lập, cuộc đời đấu tranh
Ở đây cùng với các anh
Đánh cho giặc Pháp tan tành thịt xương…".
Dạo này Tư-dát lại có thêm một cái tài mới, được các bạn hoan nghênh đặc biệt: tài cắt tóc.
Cả chiến khu Hoà Mỹ ngày đó chỉ có một quán cắt tóc. Chủ quán là anh Đỡm, vốn là thợ chuyên cắt tóc cho Tây ở khách sạn Mô- ranh. Cách mạng lên, anh Đỡm bỏ nghề cắt tóc xung phong vào đội Tự vệ quyết tử. Huế nổ súng kháng chiến, anh cùng với đội Tự vệ quyết tử mang rơm ớt, chai xăng, xông đốt các khách hàng cũ của anh đóng trong khách sạn. Tình cờ anh lạc vào cái gian hàng "Coiffeur de luxe" mà trước đây anh làm việc. Đồ lề cắt tóc, cạo râu sáng giới, vẫn còn nguyên trên các bàn cắt tóc. Anh vơ đại một mớ đồ lề cởi áo bọc lại, đem về giấu kín một nơi. Mặt trận Huế vỡ. Anh theo bộ đội rút lên chiến khu, mang theo cái bị đồ lề cắt tóc. Lúc đó anh đã gần năm mươi tuổi. Anh nói với anh em bộ đội: "Tui sức yếu không xông pha trận mạc được như anh em thì làm cái việc sửa sang tóc tai, râu ria cho anh em mình đi xông pha trận mạc. Theo thiển ý của tui, đã là chiến sĩ cứu nước, sống hay chết đều phải chỉnh tề, phải đẹp". Lên đến chiến khu hôm trước, hôm sau anh đã đôn đáo đi bứt tranh, xin tre lồ ồ, dựng một cái quán nhỏ cạnh lối đi chính xuyên qua làng Hoà Mỹ. Anh hý húi đóng cái bàn bằng tre và cái ghế tựa bằng cành cây. Anh bày lên bàn tất cả những dụng cụ cắt tóc mang theo. Trong số này có nhiều thứ bày cho oai chứ chẳng mấy khi anh dùng đến, như cái bơm nước hoa, cái bàn ủi da mặt chạy điện, cái tông đơ điện… Trước quán, anh chưng cái biển bằng cót, viết chữ phấn: "Hiệu cắt tóc cựu chiến sĩ tự vệ quyết tử Lê Bá Đỡm - Coiffeur de luxe Xê-ca Hoà Mỹ".
Hiệu cắt tóc của anh vừa khai trương, khách hàng kéo đến chen chúc. Ba tháng sau, anh ngã bệnh, mắc chứng ghẻ lở rất nặng. Hai cẳng chân lông lá của anh mụn nhọt, ghẻ lở loét suất từ bẹn đến gót. Anh không đứng được vì hai chân tụ máu càng đau nhức, và ruồi, con bu mắt, xúm vào tấn công các mụn nhọt. Cuối cùng anh phải ngồi, hai chân thọc vào cái bao tải để chống ruồi, bu mắt. Từ đó trong cái hiệu "Coiffeur de luxe" của anh đã xảy ra chuyện ngược đời: Khách cắt tóc phải đứng mà thợ cắt tóc lại ngồi. Và khách phải xoay tròn theo sự điều khiển của anh.
Tư-dát thường khoái những chuyện vui trớ trêu, ngược đời. Nó rất mê cái kiểu cắt tóc của anh Đớm. Theo ý nó đây là hiệu cắt tóc độc đáo nhất thế giới!
Hễ có dịp lên chiến khu là Tư-dát chạy ngay ra thăm viếng hiệu cắt tóc anh Đỡm. Nó nói với các bạn: "Tau ngó anh Trân đại đội trưởng biệt động đánh Tây khét tiếng mà phải đứng nghiêm xoay tròn như chong chóng để cho ông Đỡm ngồi đàng hoàng trên ghế xa lông cành cây, xẻo tóc, tau cười muốn đứt lòng bóng mà chết thôi bay ơi!".
Trước mặt hiệu cắt tóc anh Đỡm là quán mụ Tào. Quê mụ ở Phò Trạch, bị Tây càn đốt hết nhà cửa. Mụ chạy lên chiến khu dựng quán bán quà bánh. Để khoe với anh em bộ đội, mụ là người có lập trường kháng chiến và có chữ nghĩa, mụ làm đôi câu đối dán trước cửa quán:
"Bán cháo, bán chè, không bán nước
Buôn ngày, buôn tháng, chẳng buôn dân"
Anh em bộ đội thích thú tán thưởng câu đối của mụ làm anh Đỡm tức anh ách: "Đàn bà đái không qua ngọn cỏ" - Anh Đỡm thường nói về mụ với giọng khinh khi: "Mụ ta thì chữ nghĩa được mấy hột mà dám qua mặt cái thằng Đỡm ni, nói tiếng Tây làu làu như cháo chảy?". Anh muốn làm một đôi câu đối dán trước hiệu của mình để thi tài với câu đối của mụ Tào, nhưng nghĩ mãi không ra.
Tư-dát do đi lại thăm viếng nhiều nên đã thân thân với anh. Nó lân la tán anh, xin một vài thứ dụng cụ mà anh không cần dùng, định đem về cắt tóc cho các bạn trong đội.
Anh nói:
- Nghe chú em thơ từ chữ nghĩa khá lắm. Chú em cứ làm cho anh một đôi câu đối thiệt hay - Anh hất hàm trỏ sang quán mụ Tào - Cho mụ nớ phải trắng mắt ra, thì xin chi anh cũng cho.
Tư-dát về nghĩ một đêm, rồi ra viết luôn đôi câu đối lên hai cái cột tre trước hiệu cắt tóc:
"Cắt tóc, cắt râu, không cắt cỏ
Cạo mày, cạo mắt, chẳng cạo lòng".
Anh Đỡm thú quá, vỗ đùi đen đét. Anh tặng Tư-dát cái kéo bị gãy mất mũi và con dao cạo mẻ. Tư-dát chưa chịu, nằn nèo anh cho thêm cái "bơm nước hoa": "Câu đối em đối nhau chan chát rứa mà anh cho có con dao, cái kéo loại hai ri, thiệt cho em quá!".
Những hôm đội về tập trung đông đủ, Tư-dát dem đồ nghề ra mở hiệu cắt tóc cho đội. Nó chọn tảng đá ở góc sân làm bàn cắt tóc, và vần một khúc cây làm ghế ngồi. Nó bày đồ nghề lên mặt tảng đá, vai khoác cái bao tải làm áo choàng. Nó hỏi: "Cậu mô muốn cắt tóc, tớ cắt cho. Mà thích cắt kiểu chi cũng được?".
Các bạn nghi ngờ nhìn Tư-dát: "Cậu cắt tóc được thiệt à?"
"Các cậu không tin thì chạy ra hỏi ông Đỡm? ông đã khen tớ là tài cắt tóc của chú mi vô loại nhất nhì Đông Dương!".
Các bạn vẫn bán tín bán nghi nhưng thèm cắt tóc quá nên cũng cứ liều mạng một lần xem sao. Tư-dát bắt khách hàng ngồi thật ngay ngắn lên khúc gỗ, hai tay đưa ra trước mặt để nó khoác áo choàng, nghĩa là quấn cái bao tải đầy bụi và rận vào quanh người. Nó trịnh trọng hỏi: "Quý khách thích cắt kiểu chi? Ca-rê cua? Đơ-mi cua? Móng lừa? hay Phi-lô-dốp?"(1) "Cậu thấy kiểu chi đẹp mà hợp thì cắt giúp?". Tư-dát nâng cằm khách hàng, ngắm nghía cái đầu, tay nhịp nhịp khéo điệu bộ tài ba hơn cả thợ cắt tóc chính hiệu. Và bất cứ khách hàng nào nó cũng dõng dạc tuyên bố. "Đầu của cậu cắt kiểu Phi-lô-dốp là hợp nhất!".
Kết quả là Tư-dát - thợ cắt tóc loại nhất nhì Đông Dương - đã úp lên đầu cả đội mỗi đứa một cái trách đất. Và đứa ít nhất cũng bị sứt vài miếng da đầu, da gáy. Cắt tóc xong, Tư-dát còn xịt nước hoa nghĩa là nước sông Ô Lâu. Xịt vô tóc thì ít mà xịt vô mắt thì nhiều. Các bạn kêu ca phàn nàn, Tư-dát cười hề hề nói:
"Các cậu coi, cắt tóc hiệu ông Đỡm vừa phải đứng nghiêm, lại vừa phải mất tiền mà làm chi được xịt nước hoa hảo hạng như hiệu của tớ?".
Chú thích:
(1) Kiểu tóc để dài của các nhà triết học.
@by txiuqw4