sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tuổi thơ trong chiến tranh - Chương 02

XÓM CHÙA ƠI! THÔI CHÀO TẠM BIỆT...

Mùa xuân năm 1966. Mẹ tôi đẻ thêm một đứa em nữa. Thằng Cu Đen được “lên chức” anh Sáu, nhưng đồng thời cũng bị tước hết những “đặc quyền đặc lợi” để dành cho đứa út. Thoạt đầu, hắn rất buồn và cảm thấy mình bị mọi người trong gia đình bỏ rơi! Nhưng rồi, cùng với thời gian, hắn cũng quen dần với “ngôi vị mới”. Hắn thường rủ tôi lên cái buồng đất nhà dượng Mày - nơi ba tôi mượn cho mẹ tôi ở cữ, nhằm tránh phi pháo từ Chi khu Quân sự quận Tiên Phước bất ngờ bắn ra, đế xem mặt đứa em út mà hắn đặt tên là “thằng Cu Em”. Hắn thích rò rẫm, sờ mó, thọc léc cho thằng Cu Em cựa quậy chân tay, ngọ nguậy cái đầu tròn như trái bưởi và nhoẻn miệng cười... toe toét!

Mùa xuân năm 1966. Đó cũng chính là thời điểm bom đạn chiến tranh trút xuống xóm Chùa ngày càng ác liệt hơn. Hai anh em tôi không còn được tự do sang nhà cô Sự chơi với thằng Cu Con, hoặc ra hố bà Hạnh, lội bì bõm ở các đám ruộng tìm bắt cá thia cờ đem về nuôi trong những chiếc lọ thủy tinh, mà chỉ quanh quẩn trong sân với con chó Vện, hay ra ngôi miếu hoang cạnh nhà, bứt những cọng rêu mọc trên bờ thành xi măng chơi đá gà. Ba mẹ và các anh tôi không dám cho tôi với thằng Cu Đen la cà khắp nơi như trước nữa. Bởi bom đạn cứ nổ ùng oàng bất kể ngày đêm, lúc ở làng trên khi thì xóm dưới. Bọn địch ở Chi khu Quân sự quận Tiên Phước cứ nã ca-nông vô tội vạ và không tuân theo một quy luật nào cả. Có hôm, chúng bắn vu vơ dăm bảy quả pháo vào xóm Chùa, rồi thôi. Có bữa, chúng khùng lên, nã đạn cấp tập suốt cả giờ liền xuống các khu vực làng Đồng Nga, dốc ông Lô, ngã ba ông Khuyến...

Các chú bộ đội đóng quân ở nhà tôi và nhiều nhà khác nữa trong xóm Chùa đã bí mật di chuyển đi đâu hết. Lính bảo an bắt đầu càn quét ra vùng giải phóng và lùa dân vào trong ấp chiến lược được bọn chúng làm thụt sâu vô sát ngõ nhà ông Bốn Lý. Trước tình hình đó, mẹ tôi lo lắng nói với ba tôi: “Ông tính răng đây? Ở lại bám trụ mần ăn hay là vào trong ấy sống cho yên ổn?”. Ba tôi thở dài im lặng, không nói năng gì! Rồi một đêm khuya, tình cờ thức dậy, qua ánh đèn dầu leo lét, tôi thấy có mấy người đàn ông mặc quần đùi, áo cộc tay đang đứng thì thầm điều gì đó với ba tôi ở góc nhà, cạnh cửa hông. Họ nói chuyện lâu lắm. Tôi nằm nhắm mắt giả vờ ngủ và cố giỏng tai nghe ngóng, xem họ trao đối với ba tôi những gì mà quan trọng thế? Nhưng họ nói nhỏ quá, tôi nghe không rõ! Cuối cùng, tôi chỉ nghe tiếng ba tôi bảo với họ: “Nếu tổ chức phân công thì tôi sẽ đưa gia đình vào trong đó sinh sống. Còn công việc vẫn tiến hành theo kế hoạch. Nơi liên lạc vẫn ở chỗ cũ: Chùa Tế Nam!”.

Bom đạn chiến tranh đã biến một nửa thôn Hữu Lâm thuộc vùng giải phóng thành vườn không nhà trống. Ở xóm Hố Đỉa, xóm Đồng Eo và xóm Hố Tre, mọi người bỏ nhà cửa, ruộng nương vườn tược vào sống nhờ ở đậu bên trong ấp chiến lược. Quạ đen từ các nơi kéo về bay đầy trời, tranh nhau sà xuống ăn xác động vật bị chết thối rữa vì đạn pháo. Xóm Chùa yêu quý của tôi chỉ còn duy nhất các vị sư sãi ở chùa Tế Nam bám trụ lại. Gia đình tôi cầm cự đến mùa hè rồi cũng phải ra đi tản cư. Tôi nhớ hôm đó là một buổi trưa tháng Bảy m lịch. Trời nắng như đổ lửa. Mẹ tôi tay bồng thằng Cu Em, nách kẹp chiếc tay nải màu cháo lòng, đầu đội cái nón mê, chân không guốc dép, quần xắn tới bẹn, thất thểu bước đi. Ba tôi vác trên vai lỉnh kỉnh nào cuốc xẻng, dao rựa, cưa đục... được bó lại thành một bó to. Anh Bốn tôi ì ạch cõng thằng Cu Đen trên lưng. Anh Hai và anh Ba tôi thì cùng nhau khiêng xâu nồi niêu soong chảo với mấy đùm thóc gạo, mắm muối... Còn tôi mặc quần đùi, khoác cái áo bà ba màu cứt ngựa của ba tôi, phủ dài quá đầu gối, cầm dây xích sắt dắt con chó Vện lon ton chạy giữa.

Cả nhà tôi băng qua đồng Gò Dưa, lên ngã ba bà Xù để vào trong ấp chiến lược, bắt đầu một cuộc sống tạm bợ của kẻ tản cư. Hình như con chó Vện cũng linh cảm được cuộc ra đi lần này sẽ chẳng bao giờ có ngày quay về lại nơi chốn cũ nên nó cứ dùng dằng không chịu bước đi. Nhiều lúc nó đứng khựng lại, ngoảnh mặt nhìn ngôi nhà của gia đình tôi, tru lên từng hồi tuyệt vọng. Ba tôi đã bán ngôi nhà tám nhì cho ai đó ở dưới chợ Tiên Bình. Họ đang khẩn trương đốc thúc người làm thuê tháo dỡ đem đi trước khi trời sập tối. Tôi rất buồn. Vậy là nhà tôi giờ đã trở thành nhà của người ta! Và cái xóm Chùa nhỏ bé tựa lưng vào núi Gò Mè từ nay quạnh quẽ, đìu hiu... vì vắng bóng người! Xóm Chùa ơi! Thôi chào tạm biệt...

SỐNG ĐƠN CÔI GIỮA CHỐN... ĐÔNG NGƯỜI!

Thấy gia đình tôi vào trong ấp chiến lược không xin được của ai một mảnh đất con con để dựng tạm căn nhà rội [8] làm nơi tránh nắng trú mưa, bà Cả Chững thương tình cho thẻo vườn nhỏ nằm sát cổng ngõ nhà bà Chánh Vọng để an cư. Bà không ngại đám ngụy tề dòm ngó săm soi vì dám kết thân với gia đình tôi - đối tượng bị bọn chúng tình nghi là “Việt Cộng nằm vùng”. Bởi chồng bà đã mất trong cuộc đấu tranh Cây Cốc [9] xảy ra vào tháng 10.1954. Chạy vạy, vay mượn tứ phương, cuối cùng ba tôi cũng đã cất được căn nhà tranh tre nứa lá làm chỗ cho cả gia đình sớm tối vào ra...

Nhà tôi cách xa hàng rào ấp chiến lược khoảng hai trăm mét và nằm ngay bên cạnh đường cái quan. Trẻ con tại nơi ở mới của gia đình tôi khá đông, song anh em tôi lại không có bạn bè để chơi! Bởi tụi nó hầu hết là con cái của những gia đình có cha làm cảnh sát, ấp trưởng, liên gia, hoặc là đi lính bảo an, lính nghĩa quân, dân vệ... Cậy quyền ỷ thế, tụi nó luôn ăn hiếp, bắt nạt anh em tôi. Tuy mới tám, chín tuổi đầu, nhưng tôi cũng đã ý thức được thân phận, hoàn cảnh của gia đình mình nên luôn tìm cách né tránh, không xô xát với tụi nó mỗi khi có mối bất hòa xảy ra. Nhưng thằng Cu Đen thì lại khác! Hắn sẵn sàng lao vào “oánh nhau” với bất cứ đứa nào dám “cà khịa” với hắn. Có lần, hắn cho thằng “ôn con” của lão ấp phó an ninh kiêm thủ lĩnh “Quần dài đen” [10] của thôn Hữu Lâm “ăn trầu lỗ mũi”. Mụ vợ lão ta nổi đóa lên, chửi gia đình tôi là “đồ tản cư”, là “quân Cộng sản”, vẫn chưa hả giận, mụ ta đào mồ xới mả ông bà tôi lên, chửi. Mụ ta chửi từ trưa cho đến tận xế chiều, mãi đến khi bị khan hơi khản tiếng, mới thôi!

Ba tôi phải hạ mình, tới nhà xin lỗi gia đình lão ấp phó an ninh. Còn mẹ tôi vừa khóc, vừa lôi thằng Cu Đen ra đánh đòn một trận nên thân! Việc trẻ con chơi đùa, khùng lên, nện nhau đến bươu đầu sứt trán là chuyện thường tình. Vậy mà, các bậc làm cha làm mẹ chỉ vì bức xúc đã biến chuyện của trẻ con thành chuyện của người lớn với hậu quả thật là tồi tệ! Và kể từ khi xảy ra “sự cố” đáng buồn đó, anh em tôi chỉ chơi quanh quẩn ở nhà với nhau. Bởi anh em tôi ló mặt đi đâu thì lập tức bọn trẻ con xúm lại trêu chọc: “Ê, đồ tản cư! Ê, quân Cộng sản! Lêu lêu...”. Bọn trẻ bắt chước mụ vợ lão ấp phó an ninh, gọi đùa thế thôi, chứ thực ra tụi nó cũng chẳng có ác ý gì! Thế nhưng, người lớn lại không chịu hiểu một cách giản đơn như vậy. Những gia đình là thường dân, không có người thân đi theo “Cộng sản”, cũng chẳng có cha anh hợp tác với “Chính phủ Quốc gia”, đâm ra ngại ngùng, cảnh giác, không cho con chơi với anh em tôi. Bởi họ sợ liên lụy tới “gia đình Cộng sản”, có ngày bị bắt xuống Chi cảnh sát quận Tiên Phước, bọn quỷ sứ đội lốt người ở đó “tẩm quất” cho một trận thì... khốn!

Sống giữa chốn đông người, nhưng anh em tôi lại cảm thấy hết sức đơn côi! Nơi anh em tôi thường hay lui tới chơi đùa mà không bị “đuổi khéo” là nhà bà Cả Chững và nhà bà Khách. Bà Cả Chững góa chồng, có đứa con trai độc nhất là anh Công, lớn hơn tôi chừng năm, sáu tuổi. Bà Khách cũng góa chồng, có cô con gái rượu là chị Xoài, cùng trang lứa với anh Bốn tôi. Bà Cả Chững tính tình hiền lành, chất phác. Khi bực bội, bà quát tháo ầm ĩ, xong rồi, quên ngay! Tôi với thằng Cu Đen nhiều lần bị bà cầm chổi rượt chạy có cờ vì mải chơi bắn bi, đánh đáo ngoài sân, bỏ thằng Cu Em bò lê bò càng vào bếp hốt tro cho vô hũ muối. Đánh đuổi bọn tôi chạy đi, nghĩ lại, bà thấy tội nghiệp liền dỗ dành tới chơi, đem cho khoai chín, khoai chà [11] để ăn. Bà Khách già hơn, khó tính hơn. Bà ưa cửa nhà sạch sẽ, ngăn nắp. Thằng Cu Em hay nghịch ngợm, phá phách, lại có cái tật xấu là đến chơi nhà bà, không đái thì cũng ỉa. Và mỗi lần như vậy, bà vừa la lối ỏm tỏi, vừa tự tay hốt dọn cứt đái rồi bồng thằng Cu Em ra giếng rửa đít. Mẹ tôi sợ mếch lòng, không cho anh em tôi đến chơi. Bà cười, bảo với mẹ tôi: “Trẻ con rắn mắt, cần phải mắng vốn [12] cho chúng nó chừa, chớ ai nỡ giận! Chị đừng cấm đoán bầy trẻ mần chi...”.

Khi tôi lên mười, gia đình tôi cũng đã yên bề định cư. Mùa thu năm đó, ba mẹ tôi làm giấy khai sinh cho anh em tôi tới trường học tập. Tôi tuổi Hợi - sinh năm 1959. Ba tôi đổi thành tuổi Dần - sinh năm 1962. Tôi đã được anh Hai, anh Ba và anh Bốn dạy cho học lớp vỡ lòng từ lúc còn chạy nhảy lông bông với thằng Cu Đen, gây ra lắm chuyện lôi thôi rắc rối với nhiều gia đình tại nơi ở mới. Nhờ thế, tôi đã biết đọc, biết viết và biết làm bốn phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản. Cho nên tôi được tuyển thẳng vào học lớp Năm [13] tại khu Trường Rách nằm trên đỉnh dốc dài thoai thoải, cách cầu Cây Gáo một quãng ngắn. Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên trong đời được cắp sách đến trường học tập, tôi háo hức lắm! Ba mẹ tôi đã mua sắm cho tôi cây viết lá tre cán gỗ, bình mực tím và quyển vở dày, bìa in hình chiếc xích lô to tổ bố, có người đàn ông ngồi trên yên gò lưng đạp, trông ngồ ngộ. Do ở trong ấp chiến lược, cuộc sống của gia đình tôi quá khó khăn, nên tôi không có quần áo, giày dép, nón mũ mới. Ngày tựu trường, tôi mặc cái quần xà-lỏn đen hin [14], cái áo vải phin cộc tay có hai mụn vá ở hai bên vai, đầu trần chân đất, cùng bạn bè tung tăng đến trường...

Tôi vô cùng sung sướng và hãnh diện vì đã biết đọc thông viết thạo ngay từ khi chưa mài đũng quần trên ghế nhà trường! Bọn trẻ hay trêu chọc anh em tôi là “đồ tản cư”, là “quân Cộng sản” tỏ ra nể phục tôi sát đất. Không những thế, bọn chúng còn tranh nhau cầu cạnh làm thân với tôi không ngoài mục đích sau này được tôi cho... coi theo làm bài tập! Thế có “oách” không ?

CÚ LỪA GIỮA... THANH THIÊN BẠCH NHẬT!

Một buổi sáng tháng Năm.

Đã hơn tám giờ rưỡi mà cổng ấp chiến lược thôn Hữu Lâm vẫn chưa được mở ra cho bà con trong khu dồn lùa trâu bò đi chăn thả và kiểm củi, hái rau... Đám liên gia, ấp trưởng thường bảo với mọi người: “Tám rưỡi sáng: Ra! Ba rưỡi chiều: về!”. Đó là thời gian mở và đóng cổng ấp chiến lược trong ngày. Nu ai đi sớm về trễ, lỡ giẫm phải mìn, hoặc vướng lựu đạn... chết thì ráng chịu, không được kêu ca với “Chính phủ Quốc gia”! Bọn ngụy quân ngụy quyền đề ra quy định nghiêm ngặt và cũng tổ chức thực hiện một cách nghiêm ngặt!

“Chắc hôm nay có chuyện gì không bình thường đây!”. Nhiều người dân đưa mắt dò hỏi lẫn nhau. Ngoài đường cái quan bọn lính nghĩa quân vác súng ống lăng xăng chạy tới chạy lui. Còn đám dân vệ thì vừa gõ mõ, vừa sục sạo vào từng nhà đốc thúc trẻ già trai gái nhanh chóng tập trung ra cổng ấp chiến lược ở trước ngõ nhà ông Bốn Lý. Dân tản cư hình như quá mệt mỏi với cuộc sống giống hệt bị giam lỏng trong một không gian tương đối rộng, quá chán ngán với cảnh chống cằm ngồi nghe người của “Chính phủ Quốc gia” tuyên truyền chống Cộng bằng luận điệu cũ rích: “Mỹ quốc là bạn, còn Nga Xô, Trung Cộng là... thù!”. Họ miễn cưỡng rời nhà ra ngồi tụm ba tụm bảy dọc đường cái quan, nói chuyện tào lao. Bọn lính nghĩa quân và đám dân vệ quát tháo, chửi thề ầm ĩ vẫn không gom được họ lại vạt đất khá bằng phẳng, có cây sưa cao to, tỏa bóng lá xùm xòa che mát rượi. Cuối cùng, bọn chúng chơi trò “chụp mũ” trấn áp, bảo ai không chịu tập trung là theo Cộng sản, mọi người hoảng sợ mới đứng dậy, phủi đít, lững thững đi về phía vạt đất bằng dưới gốc cây sưa...

Tôi lừa được thằng Cu Đen ở nhà giữ thằng Cu Em, lẻn ra sau hè cắm đầu cắm cổ chạy tới nơi và leo tót lên ngồi vắt vẻo trên chạc ba cây dâu đất ở cạnh ngõ nhà ông Bốn Lý từ rất sớm. Khoảng chín rưỡi sáng có hai chiếc xe Jeep mui trần từ trung tâm quận lỵ Tiên Phước chở một mớ lính đứng ngồi lố nhố phóng đến, đỗ xịch bên cổng ấp chiến lược. Gã ấp trưởng vội vàng cầm loa nói oang oang:

- Thưa bà con dân làng ! Hôm nay ấp ta có vinh dự được đón ngài Đại úy Quận trưởng về thăm hỏi, nói chuyện với bà con dân làng. Đồng thời, nhân dịp này, ngài Đại úy Quận trưởng cũng có lời biểu dương khen nsợi ấp ta là “ấp chiến lượt khả xâm phạm”, bọn Cộng sản không bao giờ dám bén mảng hay mon men tới...

Gã ấp trưởng ngừng lời, hắng giọng liên tiếp mấy cái liền, rồi nói:

- Và cũng nhân dịp này, ngài Đại úy Quận trưởng sẽ thay mặt Chính phủ Quốc gia đích thân trao tặng bà con dân làng một sổ lương thực thực phẩm gồm có gạo bao của Mỹ, cá khô của Mỹ...

Đám đông xì xào với nhau:

- Ôi dào! Các ông nói chi thì nói phứt đi, xong, mở cổng ngõ ấp chiến lược cho mọi người đi chăn thả trâu bò, kiếm củi, hái rau...

- Cứ rào trước đón sau, vòng vo tam quốc, ngồi đau cả đít!

Gã ấp trưởng khịt khịt mũi rồi lại đưa loa phóng thanh lên gào lạc giọng:

- Mong bà con dân làng chú ý giữ gìn trật tự! Trước khi ngài Đại úy Quận trưởng nói chuyện, mời bà con xem “Đội tâm lý chiến” biểu diễn một số tiết mục văn nghệ...

Đám lính “tâm lý chiến” đang hóa trang giả làm nông dân, phụ nữ, thanh niên... vội vã tiến vào và dàn hàng ngang trước mặt đám đông hát mấy bài hát ngợi ca “Chính phủ Quốc gia”, ngợi ca “lính chiến Cộng hòa” và các làng định cư ấm no yên bình ở bên trong hàng rào thép gai ấp chiến lược. Tiếp theo, bọn chúng bày trò diễn kịch, đề cao Quốc gia bác ái nhân đạo(?!) còn Cộng sản chuyên quyền độc đoán và tàn ác... Đám đông không có ai đồng tình hưởng ứng bằng những lời hò reo tán thưởng. Gã ấp trưởng sượng sùng, vội dùng quyền uy của mình, ép buộc, nạt nộ, họ mới miễn cưỡng vỗ tay lẹt đẹt để mấy tên làm công tác tuyên truyền ở Chi thông tin - chiêu hồi chụp ảnh. Ngài Đại úy Quận trưởng thấy cảnh biểu diễn văn nghệ của đám lính tâm lý chiến quá ư lố bịch, nhạt nhẽo, nên ra hiệu cho dừng lại ngay. Thay vào đó, y đứng lên nói chuyện với đám đông đang ngồi lố nhố vô tổ chứ. Tôi còn nhớ rõ, y mặc bộ đồ nhà binh cắt may theo kiểu “sáu túi bắt gà” được là ủi phẳng phiu, thẳng nếp. Hai ống quần guộn trong đôi giày da cao cổ. Tay áo xắn lên cao ngang khuỷu. Sáu bông mai vàng chóe gắn hai bên cầu vai. Đầu đội mũ kêpi. Y còn khá trẻ, nói chuyện văn vẻ, nhưng ngắn gọn, súc tích. Đại ý: Hàng rào ấp chiến lược thôn Hữu Lâm được làm hai lớp bằng cọc sắt và dây kẽm gai, lại có thêm tre nhánh nẹp thành tấm áp bên ngoài, vì vậy rất chắc chắn. Giữa hai lớp rào gài dày đặc nào mìn ríp, mìn ba càng, lựu đạn... “Bọn Cộng sản” dẫu có tài thánh cũng không sao đột nhập vào được, bà con dân làng yên tâm vui sống...

Ủy lạo xong dăm câu ba sợi, rồi y mời bà con dân làng cử đại diện lên nhận hàng viện trợ của Mỹ để mấy tên làm công tác tuyên truyền ở Chi thông tin - chiêu hồi chụp ảnh. Chẳng ai chịu đại diện bà con dân làng lên phơi mặt nhận hàng viện trợ của Mỹ cả! Gã ấp trưởng hết chỉ người này đến người nọ, song họ một mực lắc đầu quầy quậy từ chối, chẳng chịu lên cho! Cuối cùng, gã ấp trưởng nắm tay ông già Lũy, bảo: “Đi!”. Ông già khù khờ, điếc lác, ngơ ngác đi theo gã ấp trưởng ra đứng giữa vạt đất trống. Mấy tên ở Chi thông tin - chiêu hồi hối hả bấm máy chụp hình khi ông già Lũy vừa khom người vác hờ bao gạo trên vai (do hai tên lính nghĩa quân khệ nệ bê giữ hai bên), vừa bắt tay “ngài Đại úy Quận trưởng” đang nở nụ cười tươi hết cỡ. Hai tên lính nghĩa quân đỡ bao gạo khỏi vai ông già Lũy thả xuống đất, rồi lại chất lên bao cá khô. “Ngài Đại úy Quận trưởng” lại thân mật bắt tay ông già và ngoác miệng cười nhăn nhở. Đám thuộc hạ lại lăng xăng bấm máy chụp hình lia lịa. Sự việc cứ tiếp tục tái diễn với các loại hàng hóa khác như mắm muối, dầu ăn, bánh mì... Khi công việc trao hàng viện trợ của Mỹ cho bà con dân làng kết thúc, “ngài Đại úy Quận trưởng” vẫy tay chào từ biệt bà con dân làng rồi tót ra chiếc xe Jeep, nổ máy phóng như bay về quận lỵ Tiên Phước. Ông già Lũy cứ nghĩ rằng, những bao hàng ông vác lên thả xuống lúc nãy là của mình nên lọ mọ tới choàng tay ôm giữ lấy. Và ngay lập tức, ông già bị mấy tên ở Chi thông tin- chiêu hồi và đátâm lý chiến đẩy ngã sóng soài. Chúng quát: “Lão già xê ra chỗ khác! Hàng viện trợ của Mỹ, lão vác để chụp ảnh tuyên truyền, chớ có phải cho chác ai đâu ? Mau xê ra để tụi này vác chất lên xe chở về quận...”.

Đám đông phẫn nộ, la ó. Họ nhao nhao bảo Chính phủ Quốc gia lừa bà con dân làng, cho ăn toàn... bánh vẽ! Nhiều người điên tiết, chửi đổng om sòm. Đám dân vệ và bọn lính nghĩa quân ở lại chịu trận đều ê mặt vì ngượng ngùng xấu hổ trước sự việc xẩy ra mà bọn chúng hoàn toàn không ngờ tới. Gã ấp trưởng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đứng chết lặng như hóa đá. Bà con dân làng càng được thể, dấn tới. Họ tranh nhau nói: “Hằng ngày các ông bảo tụi tui rằng, “Đừng nghe những gì Cộng sản nói! Hãy nhìn những gì Cộng sản làm!”. Nhưng Cộng sản chưa hề lừa gạt ai! Ngược lại, Chính phủ Quốc gia đã lừa gạt tụi tui, lừa gạt luôn cả chính các ông nữa! Cho nên, phải sửa câu nói của các ông lại như thế này mới đúng: “Đừng nghe những gì Chính phủ Quốc gia nói! Hãy nhìn những gì Chính phủ Quốc gia làm!”. Bị cấp trên chơi khăm, đẩy vào tình thế “ngậm bồ hòn làm ngọt”, gã ấp trưởng đâm ra hậm hực, bực tức, chửi: “Đ. Mẹ! Mấy thằng cha ở quận thật khốn nạn...”. Bà con dân làng chẳng ai bảo ai, tự động giải tán, bỏ ông già Lũy ngồi bệt giữa vạt đất trống, ôm mặt khóc hu hu: “Làng nước ơi! Ới làng nước ơi! Tôi đã già gần đất xa trời mà vẫn còn ngu để cho lũ con ranh trời đánh thánh vật lừa phỉnh giữa... thanh thiên bạch nhật! Làng nước ơi, ới làng nước ơi...!”.

Bọn trẻ con ập tới vây quanh ông già Lũy khi mọi người phủi đít đứng dậy đi về hết. Đứa giả vờ nhăn mặt, vừa đưa tay quệt nước mắt, vừa cất giọng than van ai oán rồi cười ngặt nghẽo. Đứa bắt chước ra bộ y hệt ông già Lũy, khóc lóc lâm ly, rồi bất thần ngã lăn ra đất, vừa giãy đành đạch, vừa cười khanh khách. Đứa khom người dòm lom lom vào mặt ông già tội nghiệp và hét toáng lên: “Chúng mày ơi! Mồm ông lão không còn răng lợi, khi kêu la cứ há hoác ra trông giống như cái hầm trú ẩn...”. Tôi tụt khỏi chạc ba cây dâu đất, chạy lại nắm t ông già Lũy dắt về nhà. Tôi không hùa với bọn trẻ đang xúm vào “lêu lêu...” ông lão. Bởi lúc đó, không hiểu sao tôi lại thấy thương ông già Lũy vô cùng...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx