sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tuổi thơ trong chiến tranh - Chương 09

HỌC BỔNG KHÔNG CHO CON.. CỘNG SẢN!

Thuở nhỏ, tôi là thằng bé gầy còm nên thường hay đau ốm hoài. Thêm vào đó, dưới thời lửa đạn chiến tranh, ở quê tô

i không có trường lớp để cho con trẻ học hành; hoặc nếu có thì cũng cách nhà quá xa... Thành ra, thời gian tôi cắp sách đến trường học tập vui chơi cùng bè bạn chang được bao nhiêu! Chủ yếu tôi tự học ở nhà. Và người hướng dẫn, kèm cặp cho tôi học là ba tôi rồi các anh tôi. Nhờ gia đình thường xuyên cổ vũ động viên, tôi cũng tự giác học xong bậc tiểu học. Mùa hè năm 1973, tôi nộp đơn thi vào trường Trung học Tiên Phước. Mẹ tôi cứ nghĩ rằng tôi sẽ rớt, vì không mấy tin tưởng vào sức học của tôi. Bởi mẹ tôi thấy thời gian tôi ngồi học bài giải toán ít hơn thời gian tôi cùng bạn bè trong xóm chạy nhảy lông bông... Vả lại, nhà trường chỉ tuyển sinh có bốn lớp 6, với tổng số học sinh không quá 200 em. Trong khi đó cả quận có gần 1200 thí sinh nộp đơn đăng ký dự thi! Một chọi sáu. Đó là tỷ lệ khiến tôi cũng cảm thấy không mấy tin tưởng vào sức học của mình! Nhưng thi không đỗ thì tôi lại phải tiếp tục tự học ở nhà! Như thế, chán không gì bằng! Vì vây tôi quyết tâm với bất cứ giá nào cũng phải thi cho đỗ đế được đi dép săng-đan có quai hậu và mặc đồng phục quần xanh áo trắng cùng bè bạn đến trường học tập... Tôi tập trung ôn thi cật lực. Và qua kỳ thi tuyển, tôi là một trong hai mươi thí sinh được xếp đỗ đầu bảng! Hoàn toàn bất ngờ với kết quả đó, cho nên tôi vô cùng mừng vui sung sướng...

Ngày tựu trường. Tôi được Ban giám hiệu sắp xếp học ở lớp 6/2. Lúc bấy giờ chính quyền tề ngụy đã cải tổ hệ thống giáo dục. Bậc Trung học được bỏ cái đuôi “đệ nhị cấp”. Và lớp 6 cũng không còn gọi là lớp đệ thất” như trước nữa! Giáo sư cố vấn [45] của lớp tôi là cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Khi thi tuyển vào lớp 6, tôi không đỗ thủ khoa hay á khoa, cũng không nằm ở thứ hạng thuộc diện “top ten”, nhưng trong quá trình học tập, tôi lại vượt trội lên trên tất cả. Tôi dẫn đầu lớp 6/2 và cả khối lớp 6 của trường. Thi học kỳ 1, các môn học tôi đều đạt “sơ-mi” với số điểm tuyệt đối 20/20. Nhất là môn văn tôi tỏ ra có năng khiếu đặc biệt. Được giáo sư cố vấn lớp giao làm Tổ trưởng, tôi chịu trách nhiệm chính trong việc viết bài thuyết trình về tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài để tham gia thi Thuyết trình văn học của hai khối lớp 6 và 7 do nhà trường tổ chức. Sau một tuần suy nghĩ và viết, tôi hoàn thành “đề tài thuyết trình” xuất sắc. Và trong cuộc thi, tôi cũng đã thay mặt các bạn trong tổ trả lời khá lưu loát các câu hỏi hóc búa mà Ban giám khảo là các giáo sư giảng dạy môn văn của trường đưa ra và giành giải nhất cho lớp 6/2.

Đúng vào thời điểm ấy, chính quyền tề ngụy Trung ương thực hiện chủ trương “người cày có ruộng” và cấp học bổng cho con nhà nghèo hiếu học nhằm thu phục nhân tâm. Trường Trung học Tiên Phước được phân bổ một suất học bổng duy nhất. Và tôi là học sinh được Hội đồng giáo sư và Ban giám hiệu nhà trường chọn trao suất học bổng đó.

Thầy Võ Du - Hiệu trưởng, cho gọi tôi lên Văn phòng Ban giám hiệu. Thầy bảo: “Em đem tập hồ sơ biểu mẫu này về kê khai đầy đủ, rồi nhờ mẹ cha tới Hội đồng xã chứng thực, đóng dấu. Cuối tuần sau, em nộp cho giáo sư cố vấn của lớp để chuyển cho Ban giám hiệu nhà trường”. Và thầy nói thêm: “Suất học bổng này có giá trị lớn lắm! Em cố gắng hoàn thành các thủ tục càng nhanh càng tốt!”. Kết thúc buổi học hôm đó, trên đường cuôc bộ từ trường trở về nhà, tôi mường tượng gương mặt mẹ tôi và các anh tôi rạng ngời niềm vui khi hay tin tôi học hành giỏi giang, được Ban giám hiệu nhà trường chọn trao học bổng không quên hình dung vẻ hân hoan của thằng Cu Đen và thằng Cu Em lúc đón nhận cái điều quan trọng mà tôi “công bố” với cả nhà! Hai đứa hắn sẽ phải “tâm phục khẩu phục” sức học của tôi. Đồng thời, hai đứa hắn cũng sẽ không dám hó hé so bì, xeo cạy khi tôi lén bỏ học đi chơi, hoặc tối đến chỉ ngồi ê a một lát rồi lẻn lên giường ngủ sớm. Tôi rất khoái với ý nghĩ đó. Và tôi cũng “phổng mũi” lúc nhớ tới thằng Lý, thằng Đào, thằng Khương... Bọn hắn sẽ vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên đến “nghệt mặt” khi được thằng Cu Đen và thằng Cu Em khoe “Anh Năm tao học giỏi vào loại... nhất! Ảnh vừa được nhà trường chọn trao học bổng... Chúng mày thấy có khiếp không?”. Mải nghĩ ngợi lông bông nên tôi không cảm thấy bụng đói cồn cào như thường lệ. Tôi đi bộ một mạch gần năm cây số về nhà giữa trưa nắng chang chang...

Mọi chuyện hoàn toàn không đúng như tôi mường tượng. Thằng Cu Đen và thằng Cu Em chẳng hiểu “học bổng” là gì, vì thế hai đứa hắn bỏ ngoài tai cái điều quan trọng mà tôi “công bố” với cả nhà! Còn mẹ và các anh tôi chưa kịp mừng vui đã vội buồn xo! Mẹ nhìn tôi rất lâu rồi khẽ khàng bảo: “Gia đình ta là đối tượng mà chính quyền tề ngụy ghi vào “sổ đen” theo dõi từ hồi mô tới chừ! Nhà ta không phải là gia đình quốc gia, Hội đồng xã Phước Kỳ không dễ dàng chi chứng thực để cho con được nhận học bổng! Con đừng có trông mong...”. Nghe mẹ nói vậy, tôi tiu nghỉu như mèo cụt đuôi. Anh Ba tôi lên tiếng: “Ông Võ Du - Hiệu trưởng trường Trung học, là một trong những nhân vật chóp bu của đảng phái “Quần dài đen” ở quận. Ông ta không phản đối thì mấy tay Hội đồng xã chắc cũng không đến nỗi hẹp hòi với một đứa trẻ con như thằng “Cúc đẹt”! Mình cứ làm. Được cũng tốt. Mà không được cũng chẳng sao!”. Mẹ tôi không nói gì, chỉ im lặng thở dài. Tôi cũng không còn hào hứng với suất học bổng “có giá trị lớn lắm” ấy nữa. Tôi đút tập hồ sơ biểu mẫu trong kẹt phên chỗ góc bàn học và nhanh chóng quên đi. Một hôm anh Ba tôi hỏi, tôi mới nhớ tới, lôi ra. Anh cẩn thận hướng dẫn tôi điền những điều cần thiết vào chỗ trống, đồng thời kê khai kết quả học tập rồi ghi ngày tháng và ký tên. Xong, anh cười bảo: “Ngày mai, học hai giờ đầu, lúc ra chơi, em xin phép giáo sư cố vấn chạy ù ra Hội đồng xã nhờ họ chứng thực và đóng dấu cho. Chỉ có em đi thì họa may mới được...”. Tôi gật đầu.

Trường Trung học Tiên Phước ở mé sau cái dốc dài thoai thoải và cách trụ sở Hội đồng xã Phước Kỳ khoảng bảy trăm mét. Nếu đi đường tắt bằng cách băng qua các xóm nhà dân thì chỉ cách xa độ nửa cây số. Sáng hôm ấy, giờ ra chơi, tôi xin phép giáo sư cố vấn lớp, đến Hội đồng xã.

Cả “mâm tề” đang đứng trước hiên trụ sở, vừa hút thuốc, vừa nói cười rôm rả. Thấy tôi cầm tập hồ sơ bước đến, gã Xã trưởng hất hàm: “Mày là con cái nhà ai? Tới đây có việc gì?”. Tôi đáp: “Cháu con ông Thái Nguyên Châu và bà Võ Thị Hiền ở thôn Hữu Lâm. Cháu đến nhờ ông chứng thực vào tập hồ sơ này để nộp cho Ban giám hiệu trường trung học Tiên Phước”. Gã Xã trưởng chỉ gã Xã phó an ninh và nói: “Con ông Thái Nguyên Châu thì đưa giấy tờ cho ông này xem xét!”. Gã Xã phó an ninh có nước da đen nhẻm như cột nhà cháy, người ngợm lại lùn tịt, bảo tôi đưa tập hồ sơ. Gã rút xấp giấy tờ đựng trong phong bì ra, nhìn lướt qua một lượt, mặt đanh lại: “Thằng này con Cộng sản! Vậy mà thằng cha Võ Du có mắt cũng như mù, chọn hắn để trao học bổng của Chính phủ Quốc gia! Đúng là chuyện trái khoáy, ngược đời!”. Gã Xã phó hành chính nhìn tôi rồi bảo với gã Xã phó an ninh: “Trẻ con học giỏi, ngoan hiền thì khuyến khích... Hơn nữa, ông Võ Du đã đồng ý thì ông cứ việc bút phê và đóng dấu! Hơi đâu mà câu mâu vặn vẹo với một đứa trẻ con?”. Gã Xã phó an ninh nổi quạu: “Ông bênh vực cho gia đình Cộng sản? Ông nên nhớ, nếu tấn công vào đây lần nữa như năm 1972 thì bọn chúng cũng chẳng tha cho những người ba phải như ông!”.

Không thèm cãi lại, gã Xã phó hành chính cười khẩy, bỏ đi. Gã Xã phó an ninh càng thêm bực tức. Gã xé đôi tập hồ sơ của tôi và nói: “Mày đem mà nộp cho thằng cha Võ Du...”. Tôi nhặt tập hồ sơ bị xé làm hai mảnh và ngó trân trân vào mặt gã Xã phó an ninh. Gã quát: “Mày dám nhìn tao như ơi nuốt sống vậy hả? Cút xéo ngay!”. Tôi chạy về đến trường đúng vào lúc tiếng trống vang lên kết thúc giờ ra chơi. Gặp tôi ngoài cửa lớp, giáo sư cố vấn ngạc nhiên hỏi: “Hồ sơ của em sao lại thế này?”. “Thưa cô! Ông Xã phó an ninh không chứng thực mà còn xé cả hồ sơ... Ổng bảo, học bổng không cho con Cộng sản!”. Giáo sư cố vấn nén tiếng thở dài, an ủi tôi: “Đúng là “phép vua thua lệ làng”! Thôi, nhận được học bổng cũng tốt, mà không nhận được học bổng cũng chẳng sao, em ạ!”. Trưa hôm ấy, tôi về thuật lại mọi chuyện cho mẹ và anh Ba tôi nghe. Anh Ba tôi cười. Còn mẹ tôi thở dài rồi nói: “Mẹ biết ngay mà...”.

NGƯỜI ĐÀN BÀ GIẢ DẠI GIẢ NGY...

Sau sự kiện “mùa thu giải phóng bảy hai”, bà con ở các khu dồn xã Phước Tiên siêng đi lễ chùa Tế Nam

hơn trước. Vào ngày rằm, mồng một, đạo hữu đem bánh trái, xôi chè, gạo nếp... tới chùa cúng Phật rất đông. Chính quyền tề ngụy cũng chẳng cấm đoán nên có không ít người tự nguyện ở lại làm công đức bằng cách phát vườn tược, làm ruộng nương, trồng khoai, tỉa đậu... Bà Hai Xước tuy đã có tuổi nhưng vẫn tích cực giúp nhà chùa nấu cơm, xách nước, dọn rửa chén bát. Bà có người em gái tuổi ngoài ba mươi, mọi người thường gọi là cô Ba Lùng. Tôi không rõ chồng cô Ba Lùng làm gì, ở đâu; chỉ biết cô có đứa con gái cùng trang lứa với anh Bốn tôi, tên Xin, bị thiểu năng trí tuệ, hay cười ngô nghê, nói giọng ồ ề y hệt người già bị viêm phế quản lâu năm. Bà Hai Xước quen thân với mẹ tôi, lúc rảnh rỗi hay tới chơi nhà. Và hai mẹ con cô Ba Lùng cũng coi gia đình tôi như chỗ bà con, vô ra ăn ở thường xuyên.

Cô Ba Lùng nghiện thuốc lá nặng. Lúc nào trên môi cô cũng phì phèo điếu thuốc lá quấn bằng chính lá thuốc màu nâu sậm, to như ngón tay cái, phả thứ khói khét lẹt bay mù mịt. Là người hay chuyện, cô luôn nói huyên thuyên đủ thứ trên trời dưới đất rồi cười hậc hậc nghe như xé vải. Ai cũng bảo cô ruột để ngoài da và có tính khí thất thường. Nói thẳng ra, cô là người đàn bà vừa ngây ngô khờ dại, lại vừa bộc trực, không biết tế nhị ý tứ gì cả! Ghét kẻ nào, nói toạc móng heo kẻ đó, cho dù họ có ngồi trước mặt cũng thây kệ ! Đã thế, cô lại hay lý sự. Cứ cãi lấy được. Cãi đến bao giờ phần thắng thuộc về mình mới thôi! Có lần tôi chứng kiến cô ngang nhiên “đấu khẩu” với gã liên gia trưởng ngay tại nhà tôi. Hôm ấy, gã liên gia trưởng đi quyên tiền mua quà bánh cấp phát cho trẻ con nhân dịp Tết trung thu sắp tới. Cô Ba Lùng cười hỏi: “Ông là liên gia hả? Úi chu cha! Liên gia là ác ôn số một đó nghe!”. Gã liên gia trưởng đỏ mặt tía tai quát: “Cô là ai mà lại dám ăn nói lung tung, coi chừng đi tù mọt gông!”. Cô Ba Lùng sừng sộ: “Bộ ông tưởng tôi sợ đi tù lắm hả?”. Và cô cười toe toét, khoe: “Nhà giam Chi cảnh sát quận tôi đã từng ăn dầm nằm dề ở đó rồi nghe! Và tôi cũng nói cho ông biết, nếu bọn liên gia các ông không ác ôn thì mắc mớ chi bà con lại có câu ca “Bắt được Tổng thống thì tha, bắt được liên gia: chặt đầu!”? Ông trả lời được thì con Ba Lùng này xin chịu thua!”. Gã liên gia trưởng quày quả bước nhanh ra khỏi ngõ nhà tôi, miệng lầm bầm: “Đúng là đi không coi giờ nên mới gặp phải mụ đàn bà dở khùng dở điên...”.

Khác với em gái, bà Hai Xước hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ. Chị Ngôn - con bà, thoát ly đi kháng chiến. Vì vậy, chính quyền tề ngụy nghi ngờ, nhiều lần “Tên sát nhân mắt vằn tia máu” bắt bớ khảo tra bà một cách dã man tàn bạo. Chẳng rõ bọn chúng đánh đập thế nào mà bà đi đứng lom khom như người bị gù lưng. Bà cười bảo với mẹ tôi: “Mấy thằng cảnh sát ác ôn quá chừng! Cứ đánh mỏi tay lại hỏi. Và hỏi đến mỏi miệng lại đánh! Đánh đã thèm, hỏi đã thèm, bọn chúng lại dùng giày da đá vô háng, vô bụng... Nhưng trước sau như một, tôi cứ nói không biết! Bọn chúng đánh miết, giam giữ miết, đâm ngán, buộc phải thả ra...”. Và qua theo dõi, bọn chúng thấy bà chỉ là một lương dân như bao người khác nên cho đi lại tự do. Còn cô Ba Lùng chính quyền tề ngụy hai xã Phước Tiên và Phước Kỳ bí mật điều tra nhưng không phát hiện ra mối quan hệ “dây mơ rễ má” đáng ngờ với các gia đình có người thân tham gia cách mạng. Năm lần bảy lượt vào tù ra khám, cô đâm ghiền ở nhà giam hơn sống lang bang ở ngoài xã hội! Bọn cảnh sát biết thế nên không thèm bắt cô ngồi tù. Là người vô gia cư, cứ tá túc nơi này ít hôm, nơi kia dăm bữa nửa tháng và tự nguyện làm không công cho ai chịu nuôi cơm hai mẹ con cô. Hết ở nhờ các gia đình lính ngụy tại khu dồn Phước Tiên, hai mẹ con cô lại vô ở nhờ gia đình mấy gã Liên toán trưởng, Liên toán phó nhân dân tự vệ ở khu dồn Phước Lộc tại ngã ba bà Xù. Hằng ngày cô theo mọi người ra vùng giải phóng ở bên kia cầu Cà Đong tìm kiếm đồng nhôm phế liệu chiến tranh đem về bán lấy tiền sinh sống. Khi họ không muốn chứa chấp, tìm cách tống khứ đi thì hai mẹ con cô lại đến ở nhà tôi.

Cũng như mọi người, tôi đinh ninh cô Ba Lùng là người đàn bà dở khùng dở điên, dở ngây dở dại. Nhưng thực ra, đó chỉ là cái vỏ bề ngoài mà cô khéo léo tạo ra để đánh lừa thiên hạ mà thôi! Tình cờ tôi biết được điều hệ trọng ấy vào một buổi trưa hè 1974. Từ khu dồn Phước Tiên cô lặn lội tới nhà mẹ tôi thăm chơi. Vừa bước đến ngõ cô cất giọng oang oang: “Chị Hường ơi, chị Hường! Có thương con Ba Lùng thì còn cơm thừa canh cặn mau dọn cho hắn ăn với... Đói quá trời rồi!”. Tiếp theo là chuỗi cười hậc hậc nghe như xé vải. Khi cô Ba Lùng vào nhà khiến tôi nhăn mũi. Mùi thuốc lá quấn khét lẹt trộn lẫn với mùi mồ hôi nách và mùi chua khẳn của chiêc áo lá mà cô đang mặc đã lâu ngày chưa giặt tỏa ra nồng nặc. Dứt cơn ho sặc sụa vì thứ “mùi tổng hợp” do cô Ba Lùng mang tới, bà hàng xóm “cu dê đê” [46] đang ngồi chơi với mẹ tôi, vội đứng dậy cáo lui. Cô Ba Lùng cười hềnh hệch: “Răng chị không ở chơi? Tôi định hỏi chị, nhà có chuyện chi làm cho tôi làm kiếm cơm ăn ít bữa? Xưa rày thất nghiệp, muốn được ngồi tù, nhưng xin hoài mà mấy thằng cha ấp trưởng, liên gia... ở xã Phước Tiên cứ lắc đầu quầy quậy!”. Nghe thấy thế, vừa từ chối “chẳng có việc chi làm” vừa gỡ tay cô Ba Lùng để đi như chạy về nhà. Thằng cu Đen và thằng cu Em xuống dưới ngõ bứt rêu chơi đá gà. Tôi giả vờ nằm ngủ trên chiếc võng đay. Mồm miệng nói cười rổn rảng, nhưng mắt cô Ba Lùng lại quan sát kỹ quanh vườn, quanh nhà. Và khi biết chắc không có ai, cô Ba Lùng nhanh chóng lấy từ dây quai nón cời đưa cho mẹ tôi mảnh giấy gấp làm nhiều bận và một tấm ảnh trắng đen cỡ nhỏ.

Thái độ khác thường của cô Ba Lùng khiến tôi nhớ lại những hôm cô đến nhà mẹ tôi chơi, tới lúc trời chạng vạng tối, nhờ anh Ba tôi đưa qua khu dồn Phước Lộc. Hai cô cháu kẻ trước người sau, vừa đi vừa nói cười rổn rảng. Nhưng đến đoạn đường khuất gần giếng cô Mày, hai cô cháu lại thì thầm trao đổi với nhau điều gì đó có vẻ quan trọng lắm. Tôi bắt gặp nhiều lần do chăn trâu về muộn. Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ là hai cô cháu lầm rầm khấn vái cho đỡ sợ ma khi qua truông vắng. Nào ngờ, xâu chuỗi các sự việc lại, tôi mới biết cô Ba Lùng không khùng mà cũng chẳng điên! Cô làm liên lạc cho cách mạng. Để tránh bại lộ, cô sống lang bang ở khắp nơi trong vùng bị tạm chiếm, tự nguyện làm mướn không công cho những gia đình có người nhà tham gia chính quyền tề ngụy, vừa bí mật khai thác tình hình địch, vừa tạo cho mình những lớp vỏ bọc chắc chắn hơn. Và cô đã qua mặt được “Tên sát nhân mắt vằn tia máu”. Dầu còn nhỏ tuổi nhưng tôi vẫn nhớ “vụ đụng độ” giữa cô với gã tại ngã ba bà Xù. Thấy tính khí cô Ba Lùng hoàn toàn trái ngược với bà Hai Xước, gã nghi ngờ có sự mờ ám vì lý do gì đó. Một hôm gặp cô ở ngã ba bà Xù, gã ách lại khám xét. Cô không sợ đến tái mét mặt mày như gã tưởng. Đứng giữa ngã ba đường, cô vừa lột áo quần vừa la oai oái: “Cộng sản chi cái con Ba Lùng dở điên dở khùng ni, hỉ? Các ông ưng ngó trong ngó ngoài thì nói một tiếng, con Ba Lùng cởi hết cho coi, mắc mớ chi phải giả vờ khám xét để sờ chỗ ni, bóp nắn chỗ tê, cực rứa?”. Rồi cô cười hậc hậc nghe như xé vải... “Tên sát nhân...” và đám tay chân bị một phen bẽ bàng, ê mặt với bà con làng nước...

Không được huấn luyện qua một trường lóp nhưng cô Ba Lùng sắm vai người đàn bà “manh manh chập chập” một cách hoàn hảo. Và bằng sự thông minh tài trí cô đã xử lý ổn thỏa nhiều tình huống “chết người như chơi” để sống “trơi đời” trong vùng bị tạm chiếm mà chính quyền tề ngụy không làm gì được! Khi quê hương Tiên Phước sạch bóng quân thù, cô vào chùa Tế Nam đón bà Hai Xước và hai chị em cùng ghé thăm mẹ tôi. Không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi gặp “cô Ba Lùng dở khùng dở điên”. Bởi sau đó, cô về Tiên Thọ tham gia tấn công đồng cỏ trả lại màu xanh cho mộng đồng đồi nương và chẳng may vướng phải mìn, tử nạn. Năm tháng trôi qua. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi cái dáng người thấp đậm và cái giọng cười hậc hậc nghe như xé vải của cô...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx