sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tuổi thơ trong chiến tranh - Chương 08

KỲ SANH - MẢNH ĐẤT QUÊ CẰN CỖI...

Mở đường máu tháo chạy xuố

ng Tam Kỳ - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Tín được gần hai tuần, quân ngụy mới hoàn hồn, vội củng cố lực lượng và tổ chức phản công nhằm giải tỏa Tiên Phước cho bằng được. Trước khi xua các sắc lính Biệt động quân, Cộng hòa, Địa phương quân... lấn chiếm từng bước lên xã Phước Tiên, bọn địch dùng máy bay phản lực ném bom và pháo tầm xa nã đạn “dọn đường”.

Thường xuyên chứng kiến bao cảnh đạn bom tàn phá xóm làng trong thời lửa đạn chiến tranh, nhưng chưa khi nào tôi trải qua những ngày tháng kinh hoàng như mùa thu 1972. Khu vực ngã ba bà Xù chẳng còn ai, ngoài gia đình tôi với mấy thầy mấy cô tu hành ở chùa Tế Nam. Quân ngụy phản công, đánh chiếm lại xã Phước Tiên một cách điên cuồng, bạo liệt. Leo tít lên chạc ba cây bút cổ thụ ở góc nổng Chùa, tôi với thằng Cu Đen dõi mắt nhìn về hướng núi Sấu. Máy bay “bà già” chậm rãi quần qua đảo lại trên bầu trời xanh ngắt, trông giống chiếc diều khổng lồ no gió lượn lờ. Rồi bất ngờ nó phóng rốc két “roẻng... ùng... oàng...” và nhanh chóng lảng đi nơi khác. Lập tức một đàn máy bay phản lực ào đến. Chúng bay theo vòng xoắn ốc, ném bom. Mỗi lần chúng chúi xuống, tôi với thằng Cu Đen nhìn thấy rõ mồn một những trái bom đen trũi, to như bắp đùi người lớn, rơi ra. Và khi những trái bom đen trũi mất hút phía bên kia gò đồi thì cũng là lúc những tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Và những cột khói bụi hình chiếc nấm cối bốc cao, cao mãi...

Thằng Cu Đen són đái trong quần khi đàn máy bay phản lực gầm rú mở rộng vòng lượn xoẹt ngang trên đầu. “Về thôi, anh Năm! Em sợ lắm...”. Hắn vừa nói, vừa khều chân tôi để cả hai cùng tụt khỏi chạc ba cây bút cổ thụ, men theo bờ duối dại phía vườn sau chạy về nhà. Bầy quạ sắt bay trên trời cao và thả bom xa lắc xa lơ, tôi không ngán! Chỉ đại bác nã đạn khi màn đêm buông xuống mới làm tôi sợ thót tim! Không gian im ắng. Bất chợt từ xa - rất xa, tiếng đại bác đề-pa “ùm... ùm...” vừa đồng vọng tới đã nghe những quả đạn thon dài xé trời lao đi sát sạt trên đầu. Tiếng đạn đại bác réo thật là khủng khiếp! Nghe như tiếng đập hàng ngàn chiếc thùng thiếc trong cùng một lúc, tạo nên những âm thanh rổn rẻng điếc tai. Lại nghe như tiếng hàng vạn con dao xắt chuối liếc mài trên hòn Đá Dựng dội vào màng nhĩ, khiến ta cảm thấy ớn lạnh sống lưng, bởi đá và kim khí va nhau rờn rợn. Rồi những tiếng nổ “oàng... oàng...” liên tiếp rền vang. Tiếng đất đá bị hất tung lên cao rơi xuống rào rào. Tiếng cây cối bị phạt ngang thân gãy đổ ầm ào. Tiếng miểng đạn bay u u... Khu vực chung quanh ngã ba bà Xù bị băm vằm nát tương. Bọn địch nã đạn lúc xa, lúc gần, chẳng theo một quy luật nào cả! Đang bắn như mưa ở ngõ Đồng Nga, chúng đột ngột chuyển qua xóm Chùa. Đạn nổ tứ tung. Mẹ tôi ngồi trong hầm trú ẩn sợ quá, cứ lầm rầm khấn vái: “Nam mô Quán Thế m Bồ Tát đại từ đại bi... Nam mô A Di Đà Phật...”. Thằng Cu Em, thằng Cu Đen và tôi cũng sợ mất mật, không dám bấm nhau cười rúc rích như mọi khi. Chúng nện pháo xuống xóm Chùa như giã gạo chày ba cả tiếng đồng hồ mới chịu xoay sang hướng Đồng Eo và ngã ba ông Khuyến...

Chiến sự xảy ra cận kề dốc ông Lô. Tôi biết được điều đó là do tiếng súng tiểu liên của hai bên giao tranh quyết liệt. Anh Ba tôi bàn với mẹ: “Tình thế này, chắc vài ba ngày nữa quân ngụy sẽ tràn tới đây. Lúc ấy, nhà mình phải đi Tam Kỳ đế tránh bị tình nghi...”. Mẹ tôi đồng ý. Và gia đình tôi khẩn trương chuẩn bị cho cuộc ly quê bất đắc dĩ. Tranh thủ những lúc ngớt tiếng súng, anh Ba và anh Bốn tôi vác mâm thau, nồi đồng, chén kiểu, bát đĩa, bình trà, lọ hoa... làm bằng gốm sứ có từ đời nảo đời nào đem thả xuống giếng cô Mày, giếng Thầy Năm, giếng Cây Sơn. Cũng cần nói thêm, số của nả này do ông bà nội tôi chôn giấu từ hồi “chín năm” nhằm tránh máy bay oanh tạc, khi thoát khỏi cảnh “ăn nhờ ở đậu” cạnh nhà bà Cả Chững, về lại nơi chốn cũ vườn xưa, ba tôi mới đào lên để dùng. Đúng như anh Ba tôi dự đoán, khoảng mấy hôm sau, lính “Cộng hòa” đội mũ sắt sùm sụp, mang ba lô, súng ống đầy người, kéo vô xóm Chùa đông như kiến cỏ. Chúng bắn chó, ví gà, bắt vịt... giết thịt nấu ăn nhồm nhoàm một cách ngang nhiên vì gia chủ đã vội vã ra đi từ khi chiến sự vừa xảy ra! “Các chú ở nhà tôi thì ở, nhưng đừng có đốt, tội nghiệp!”. Mẹ tôi nói với đám lính “Cộng hòa” tóc tai bù xù, mặt mày hốc hác do thiếu ngủ, trước lúc ly quê. Anh Ba tôi dắt chiếc xe đạp chất đầy đồ đạc lỉnh kỉnh. Anh Bốn tôi nắm theo dắt con trâu Bầy. Tôi và thằng Cu Đen cầm roi lẽo đẽo theo sau lùa. Còn mẹ tôi vừa bồng thằng Cu Em, vừa mang tay nải áo quần. Mặc dù “xã Phước Tiên đã được giải tỏa”, không còn tiếng súng nổ đùng đoàng, nhưng các khu dồn vắng tanh vắng ngắt, tịnh không bóng người!

Cả nhà tôi dắt díu nhau theo đường cái quan lần xuống Tam Kỳ.

Đi bộ rạc cẳng, gần trưa gi đình tôi mới qua Suối Đá rồi đến Kỳ Long. Tại đây tôi thấy mọi người tụ tập rất đông. Họ ở Tiên Phước chạy xuống. Hằng ngày họ rủ nhau ra đường ngồi ngóng xem tình hình đã ổn định chưa để sớm được trở về làm ăn sinh sống. Vừa trông thấy mặt mẹ tôi, gã Xã trưởng Phước Kỳ, hất hàm, gằn giọng: “Sao nhà bà không ở luôn với Cộng sản, còn mò xuống dưới này làm chi?”. Tuy rất bực nhưng mẹ tôi vẫn mềm mỏng trả lời: “Các con tôi còn nhỏ, chạy theo ngõ núi Sấu, đi sao cho thấu? Chạy đi để sống, nhưng như thế, không khéo lại chết bờ chết bụi dọc đường...”. “Thằng Hường nhà bà đâu?”. Gã lại hất hàm, hỏi. Mẹ tôi giả vờ quệt nước mắt, bảo: “Hắn bị Cộng sản bắt rồi, ông ơi!”. “Hừ ! Bị Cộng sản bắt? Nhưng, Cộng sản bắt vô tình hay hữu ý thì chỉ có trời mới biết mà thôi!”. Gã nói móc khiến mẹ tôi nổi đóa: “Ông ăn nói chi lạ? Dân bầu ông làm Xã trưởng để lo cho dân. Cộng sản vừa mới đánh vô, ông đã vội chạy thoát thân, bỏ mặc dân tình nơi hòn tên mũi đạn... Vậy mà bây giờ ông lại mỉa mai... Thằng Hường nhà tôi bị Cộng sản bắt vô tình hay hữu ý thì ông đi mà hỏi Cộng sản, khắc rõ!”.

Thấy mẹ tôi nói có lý, mọi người hùa vào bênh vực. Gã Xã trưởng hậm hực bỏ đi. Gã Xã phó hành chính vội vàng “dĩ hòa vi quý”: “Chị đừng cãi cọ làm chi! Tính ông ấy thích hoạnh họe nơi đông người cho oai vậy thôi!”. Rồi gã Xã phó kéo mẹ tôi ra một góc, nói nhỏ: “Tôi đã làm danh sách cho gia đình chị được lãnh bánh mì, gạo trắng, cá khô... Có cả phần của thằng Hường nữa! Và tôi cũng đã kê khai nhà cửa chị bị hư hại nặng để được Chính phủ cấp tôn hạt mè lợp lại. Sau này ký nhận, chị nhớ chia phần cho tôi với...”. Mẹ tôi gật đầu. Gã Xã phó hành chính cười hề hề mãn nguyện: “Chuyện thằng Hường để tôi lo! Chị yên tâm...”.

Cứ tưởng cả nhà tôi phải nằm bờ ngủ bụi, nào ngờ lại gặp được người quen. Đó là gia đình ông Bốn Thập. Ông làm nghề thợ rèn. Trước đây, gia đình ông ở cạnh ngã ba bà Xù. Năm 1965, Mỹ ngụy dồn dân lập ấp chiến lược thôn Hữu Lâm, gi đình ông chạy xuống Kỳ Long sinh sống. Trong những ngày tá túc ở nhà ông Bốn Thập, mẹ tôi cắt đặt công việc cho từng người. Thằng Cu Đen có nhiệm vụ trông giữ thằng Cu Em. Tôi được phân công chăn dắt con trâu Bầy. Mẹ tôi lo cơm nước. Anh Ba tôi suốt ngày hết nằm lại ngồi bó gối trong căn hầm tối om, không dám ra ngoài vì sợ bị bắt lính. Anh Bốn tôi được giao trọng trách tìm về Kỳ Sanh để báo cho cô Năm và chú Chín tôi ra đưa cả nhà về quê nội.

Nhân đây, tôi xin được nói thêm vì sao tôi lại có thêm một quê nội nữa ở Kỳ Sanh! Ba tôi vốn họ Nguyễn, quê ở làng Đông An, thôn Trung Thành, xã Kỳ Sanh, quận Lý Tín. Theo lời ba tôi kể, ông bà nội tôi có chín người con cả thảy. Ba tôi là con thứ tám trong gia đình. Trong chín người con có bốn người kỳ hình dị tướng. Người con thứ hai da trắng như bạch tạng. Người con thứ ba da đỏ như son. Người con thứ tư da lại đen như nhọ nồi. Và người con thứ tám là ba tôi, ốm o gầy còm, nhưng rất sáng dạ và có trí nhớ tuyệt vời. Cả ba người da trắng, da đỏ và da đen đều mất khi vừa qua tuổi hai mươi một cách kỳ lạ: Lặng lẽ về với đất sau một giấc ngủ trưa! Ông bà nội tôi sợ người con thứ tám cũng từ giã cõi đời nên cho xuống tóc nương nhờ cửa Phật ở chùa Phú Sơn. Tại đây, người con thứ tám - tức là ba tôi, tình cờ gặp gỡ người khách phương xa đến vãng cảnh chùa. Sau khi ngắm nhìn tướng mạo “chú tiểu” kỹ càng, người khách phương xa nhờ vị sư trụ trì liên hệ với mẹ cha để cậu bé được hoàn tục và làm con nuôi của gia đình ông.

Tuy không còn mang họ Nguyễn và sống ở làng Lâm Bình, nhưng hằng năm ba tôi vẫn về thăm nơi cắt rốn chôn nhau của mình. Ông bà nội đẻ của tôi đều đã qua đời từ lâu. Bác Sen - người anh trai đầu của ba tôi, đi tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève - 1954. Nhưng cô Năm và chú Chín - người chị thứ năm và người em út của ba tôi, hiện vẫn làm ăn sinh sống ở quê. Anh Bốn tôi đi ngày hôm trước thì ngày hôm sau trở về. Đương nhiên, có chú Chín tôi và chú Lan - hàng xóm. Chú Chín bảo: “Khi nghe tin chiến sự xảy ra ở Tiên Phước, em và chị Năm đoán chắc thế nào chị cũng dẫn các cháu xuống Tam Kỳ lánh nạn. Em và chị Năm ra đây mấy lần, dò hỏi khắp nơi, nhưng chẳng có ai biết!”. Và chú Chín bảo với mẹ tôi: “Bây giờ em tính thế này! Chị cùng với thằng Cu Em, thằng Cu Đen ra ngã ba Nam Ngãi đón xe đò vô Đông An. Có thằng Lan đi theo dẫn đường, chị khỏi phải lo sợ lạc...! Thằng Cúc Đẹt cùng với em và ông Lan dắt con trâu Bầy đi bộ. Còn thằng Chi thì em đã nhờ nhờ Út Thanh - con ông Cần, lấy xe Honda chở đi. Hắn to con lớn xác, ló mặt ra, bọn quân cảnh đứng gác đầy đường sẽ bắt lính ngay...”.

Hơn một ngày trời cùng với chú Chín và chú Lan dắt con trâu Bầy, khi băng qua đồng, khi lội qua sông, lúc men theo đường quốc lộ, lúc đi lối tắt... đến tối mịt tôi mới về tới nơi. Anh Ba tôi cũng về trước đó không lâu. Anh bảo, anh mặc đồ học sinh - quần xanh áo trắng, cầm mấy cuốn sách trong tay để anh Út Thanh chở đi. Dọc đường, bọn quân cảnh chờm ra, thấy viên sĩ quan “lính chiến Cộng hòa” đeo lon Thiếu úy, súng ngắn bên hông, dáng vẻ phong trần, chạy xe bạt mạng, chúng đâm ngán ngẩm, cho qua! Và nhờ thế mọi chuyện êm xuôi, trót lọt...

Xây đồn lập bót khắp nơi, nhưng chính quyền tề ngụy và đám lính nghĩa quân ở xã Kỳ Sanh không dám bố ráp, hoạnh họe dân lành vì sợ... “mấy ông trên núi”! Địch chỉ kiểm soát ba thôn thuộc khu vực trung tâm xã, còn lại là “vùng xôi đậu”, ban ngày quốc gia quản lý, ban đêm cách mạng điều hành! Ai ngại gian khổ và muốn có nhiều tiền, cứ việc đi lính quốc gia, “mấy ông trên núi” không ngăn cấm. Họ có thể cầm súng cho địch hoặc tham gia chính quyền tề ngụy, nhưng không được tỏ ra hăng hái tích cực trong việc lùng sục bắt bớ các cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm. Còn ai trọng nghĩa khinh tài, chấp nhận mất mát hy sinh, muốn thoát ly gia đình đi kháng chiến, chính quyền tề ngụy cũng làm ngơ, coi như không biết! Hai Huệ - con trai đầu của chú Chín tôi, đến tuổi thi hành quân dịch, thích đi bộ đội hơn đi lính quốc gia. Chú Chín tôi làm bữa cơm liên hoan đưa tiễn đàng hoàng, hẹn “mấy ông trên núi” xuống tận nhà dẫn đi, rồi tung tin bị “Cộng sản” bắt khi đột nhập vô làng!Cái “luật bất thành văn” ấy, có từ bao giờ tôi không rõ. Nhưng tôi biết, kẻ nào không thực hiện điều đó thì phải trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình! Tôi còn nhớ, tại cầu Hào vào đầu năm 1973, du kích Kỳ Sanh đã thi hành bản án tử hình đối với tên ác ôn do quận Lý Tín tăng cường về địa phương. Chập choạng tối hôm đó, tôi đang dắt con trâu Bầy ngang qua đồng Bộng thì nghe hai tiêng súng nổ ở cầu Hào. Và lát sau đám lính nghĩa quân kháo nhau tên ác ôn bị “mấy ông trên núi” “khử” rồi ! Đối với người dân Kỳ Sanh, dù làm ăn sinh sống trong vùng địch hoàn toàn kiểm soát hay “vùng xôi đậu”, dù có chồng con đi lính hoặc tham gia chính quyền tề ngụy, họ vẫn một lòng hướng về cách mạng...

Khoảng hai tháng sau, kể từ ngày cả nhà tôi về quê nội ở với gia đình chú Chín, địch đã giải tỏa xong khu vực trung tâm quận lỵ Tiên Phước. Anh Ba tôi lại được anh Út Thanh dùng xe Honda chở về tận nhà. Mẹ và anh Bốn tôi đi xe đò ra Tam Kỳ rồi cuốc bộ về quê. Ba anh em tôi vẫn ở Đông An. Lúc bấy giờ gia đình chú Chín tôi cũng chẳng khá giả gì! Cả nhà đều trông cậy vào ông. Làm nghề thợ hồ thời bom rơi đạn nổ, chú Chín tôi không có công ăn việc làm thường xuyên, nuôi sống gia đình gồm sáu miệng ăn đã khó, giờ lại đèo bòng thêm gia đình tôi nên vất vả trăm bề. Ông rơi lệ khi thấy “ tôi nhìn thằng cu Huy [44] cùng bạn bè trong xóm tung tăng cắp sách đến trường với ánh mắt thèm thuồng. Ông rất muốn cho anh em tôi đi học song đành chịu vì lực bất tòng tâm. Thằng Cu Em suốt ngày tha thẩn chơi với cái Lê và cu Sơn - con chú Chín tôi, hoặc quanh quẩn bên cô Năm. Còn tôi với thằng Cu Đen thay phiên nhau chăn thả con trâu Bầy. Lúc bấy giờ, thằng Cu Đen đã to lớn hơn tôi. Chẳng biết hắn tập bơi khi nào mà lặn hụp giỏi như một con rái cá. Hắn khoái thả trâu cùng thằng Sự, thằng Dũng, thằng Út Kỳ, thằng Út Quý... để dễ bề lập thành nhóm đánh nhau với bọn trẻ Khương Thọ. Hễ thấy bọn trẻ làng bên, hắn lập tức khiêu khích bằng cách hát nghêu ngao:

Đông An ăn cá bỏ đầu

Khương Thọ lượm mót xỏ xâu đem về... !

Bọn trẻ làng bên cũng không vừa, đáp trả:

Khương Thọ ăn cá bỏ đầu

Đông An lượm mót xỏ xâu đem về... !

Lời qua tiếng lại, rồi hai bên tức máu vượt sông Trầu, choảng nhau! Bọn trẻ Đông An luôn giành “chiến thắng” vì có thằng Cu Đen liều lĩnh cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có lần thằng Cu Đen bị đối phương “tặng một quả trứng gà trên trán”, phải nhào lộn lại bên này sông Trầu và nhanh chân tẩu thoát! Hôm đó là một buổi chiều chủ nhật. Bọn trẻ Khương Thọ được nghỉ học, ở nhà. Chúng bố trí lực lượng mai phục sẵn tại đập bà Nang, rồi cho vài ba đứa vừa ra đồng chăn trâu vừa hát nghêu ngao: “Khương Thọ ăn cá bỏ đầu...”. Thằng Cu Đen vội dẫn bọn trẻ Đông An sang “hỏi tội”, vô tình lọt vào “ổ phục kích” của bọn trẻ làng bên và bị chúng vây chặt lại, ném trái mù u tơi bời, mỗi đứa phải chạy thất tán một nơi ! Và sau “trận thua nhớ đời” ấy, thằng Cu Đen “mất uy”, không còn ham hố đánh nhau với bọn trẻ ở làng bên Khương Thọ...

Do thích chơi với bọn con trai để đầu têu đủ trò nghịch ngợm nên hôm nào thấy bọn con gái lùa trâu ra đồng, thằng Cu Đen tìm cách “nhường phần” cho tôi! Hắn không giả vờ đau bụng thì cũng làm bộ khụt khịt vì... nhức đầu sổ mũi!

Tôi biết tỏng tòng tong hắn chẳng ốm đau gì sất, nhưng cãi không lại, đành phải ra đồng chăn trâu cùng bọn con gái! Cái Hoa con của “ông Hoa nhướng”, cái Nga, cái Nhựt con của “chú Anh cao”, cái Cơ con của “chú Lan vui tính”... đều ngoan hiền dễ thương, không đanh đá chua ngoa. Nhưng đi chăn trâu chung với bọn con gái tôi thấy chán ngấy! Chúng cứ ngồi tụm năm tụm ba, vừa vạch tóc bắt chấy cho nhau, vừa rì rầm trò chuyện và cười rúc rích... Đã vậy, nhiều lúc tôi còn bị chúng sai vằng cách “nhờ cậy” lùa giùm trâu đang đến gần đám khoai sắn ở gò mồ côi giữa đồng Bộng! Đi chăn trâu với bọn con gái, đứng xớ rớ mãi cũng buồn, tôi leo lên những cây duối dại hái những quả chín vàng ươm, to như hạt ngô răng ngựa, để nhấm nháp. Nhưng duối dại ra quả theo mùa, đâu phải quanh năm! Đúng vào lúc vô công rồi nghề khi lẽo đẽo theo bọn con gái chăn trâu, tôi phát hiện ra nhà chú Chín tôi có cả một kho sách cất kỹ trong mấy chục thùng đạn đại liên. Và thế là mỗi khi ra đồng, tôi “thủ” nơi cạp quần một cuôn sách để đọc. Chú Chín tôi có rất nhiều loại sách. Truyện Tàu có. Truyện kiếm hiệp có! Truyện dài Quỳnh Dao có! Truyện thiếu nhi cũng có!

Ngốn hết mớ truyện thiếu nhi như O chuột, Giăng thề, Dế mèn phiêu lưu ký..., tôi chuyển qua đọc truyện Tàu, rồi truyện dài của Quỳnh Dao, truyện kiếm hiệp của Kim Dung... Sở thích của chú Chín tôi là uống rượu, nhưng không hiếu sao ông lại mua sách nhiều đến thế? Tôi đọc ngấu nghiến và nhồi nhét vô đầu óc mình cả một mớ sách...

Cận Tết Quý Sửu - 1973. Anh Bốn tôi tay xách nách mang lỉnh kỉnh quà quê vào biếu cô Năm và gia đình chú Chín tôi. Đồng thời, anh cho biết ngày mai dẫn thằng Cu Đen và thằng Cu Em về trước. Còn tôi sẽ cùng với chú Chín dắt con trâu Bầy về sau. Tôi cảm thấy vừa vui lại vừa buồn. Vui vì sắp được gặp lại mẹ và anh Ba tôi. Còn buồn vì sẽ phải chia xa những đứa con trai con gái đã cùng tôi chăn trâu trên những cánh đồng làng ở Đông An. Và bỗng dưng tôi thấy nhớ con sông Trầu vô hạn. Nhớ những buối sáng nước ròng, cả bọn lội bì bõm, vạch rong tìm bắt những con tôm rảo, những con cá tong, những con cua còng đem nhen lửa nướng ăn. Nhớ những buổi trưa nước lên, cả bọn lại trèo lên cây lộc vừng có cành nhánh chìa ra mặt sông, nhảy ùm xuống nước bơi lội, rượt đuổi nhau, la hét om sòm cả Doi Huệ... Nhớ lan man những tháng ngày sông ở Kỳ Sanh - mảnh đất quê cằn cỗi, rồi tôi lại nhớ về Tiên Phước - nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Tết Quý Sửu này, gia đình tôi sum vầy bên nhau sau gần nửa năm ly tán. Đêm hôm ấy, tôi cứ nằm thao thức mãi và thầm mong cho trời mau


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx