sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 4 - Chương 3

Năm đầu niên-hiệu [15a] Trường-khánh (821) vua Mục-tông nhà Đường xuống chiếu nói rằng: Ngày mùng 6 tháng 7 là ngày sinh-nhật của Trẫm. Đến ngày ấy các quan và mệnh-phụ[261] phải đến cửa Quang-thuận môn tiến dâng tên họ tham dự lễ chúc mừng. Trẫm ở trong cửa tiếp-kiến các quan.

Đó là bắt đầu đặt lễ-tiết để vua nhận lời chúc mừng.

Triều nhà Minh những lễ-tiết sinh-nhật của vua cũng noi theo đó. Các quan đến chầu mà chúc mừng như trong ngày Tết Nguyên-đán.

Sách Ngọc-đường ký của Chu-Tất-Đại dẫn lời nói của Tiền-Duy-Dần rằng: “Theo quy-chế cũ, các quan Học-sĩ và Đại-phu gặp ngày lễ-tiết sinh-nhật của vua cùng góp 120 quan tiền bày cỗ chay ở trong chùa, đương 50 quan tiền để cùng với các quan Khu-mật-sứ mở đạo-tràng cho các đạo-sĩ cúng sao cầu thọ cho vua” .

Sách Quy điền lục của Âu-Dương-Tu có chép: Sứ thần ở Tam-ban-viện[262] hàng mấy trăm người hàng năm góp tiền nuôi nhà sư dâng hương cầu thọ cho vua, gọi đó là hương tiền (tiền dâng hương cầu thọ).

Người xưa đã có lễ-tiết nầy, đó là tình chí-thiết của kẻ bề-tôi cầu thọ-mệnh cho bậc vua chúa.

[15b] Sách Nhan thị gia huấn chép: Từ đời nhà Hán, nhà Ngụy về sau, người ta gọi là giáp-dạ, ất-dạ, bính dạ, đinh dạ, mậu dạ. Người ta cũng nói nhất-cổ, nhị-cổ, tam-cổ, tứ-cổ, ngũ-cổ. Người ta cũng kêu là canh một, canh hai, canh ba, canh tư, canh năm. Mỗi cách đều lấy năm khoảng thời gian trong một đêm làm tiết mục.

Bài Tây-đô phú cũng chép: Phòng-vệ để nghiêm nhặt việc canh gác chỗ công-thự. Sở dĩ đã như thế là vì giả như tháng giêng thuộc kiến dần thì chiều tối chuôi sao đẩu chỉ cung dần, sáng sớm chỉ cung ngọ. Từ dần đến ngọ là đã trải qua 5 giờ. Nhưng tháng mùa đông mùa hạ tuy lại dài ngắn so le nhau, nhưng thời gian xa rộng, dài thì khoảng 6 giờ, ngắn thì không đến 4 giờ, tới lui thường ở khoảng 5 giờ.

Chữ canh 更 có nghĩa là trải qua, suốt qua, cho nên gọi là năm canh.

Sách Thuyết-phu chép: Vua Thái-tổ nhà Tống nhân lời nói của tiên-ông Trần-Đoàn:“Chỉ phạ ngũ canh đầu” 只怕五更頭” (nghĩa là: Chỉ sợ đầu canh năm), liền ra lịch cho khắp nơi từ kinh-đô đến quận huyện đều phải đánh 6 canh trong một đêm.

Tống Thái-tổ lấy được nước [16a] nhằm năm canh-thân (960), truyền phúc được hơn 300 năm, tức là được 5 lần năm canh-thân (một giáp-tý 60 năm có 1 lần năm canh-thân. 5 lần năm canh-thân tức là 5 giáp-tý. 5 giáp-tý là 300 năm, 60 x 5 = 300).

Thiên Lễ-chí trong sách Tống-sử chép: Khi vua đi tuần thú hay xuất ngoại, Hàn-lâm-viện phải dâng khẩu-lệnh và truyền xin Khu-mật-viện mỗi đêm trích một chữ giao cho quân vệ sĩ hô ứng với nhau để nhận-thức. Từ đấy đời sau bắt đầu đặt ra khẩu hiệu[263].

Chu-Tử nói: “Đời xưa nhà ở không có hành-lang ven nhà. Khi chầu vua thì ba vị quan chức công khanh đứng lộ thiên ở dưới cây hòe, chín vị quan chức khanh đứng lộ thiên ở dưới cây cức. Đương buổi chầu mà gặp mưa liền phải nghỉ.

Sách Thử-phác[264] chép: Theo quy-chế nhà Đường, trời chưa sáng, còn 7 khắc nữa thì đánh một hồi trống, gọi là nhất nghiêm, quan thị trung tâu xin mở cửa cung và cửa thành; còn 5 khắc nữa thì đánh hai hồi trống, gọi là tái nghiêm, các quan đều tụ-tập ở triều-đường; còn 1 khắc nữa thì đánh ba hồi trống gọi là tam nghiêm, quan Thị-trung, quan Trung-thư-lịnh trở xuống đều đến Tây-các đón [16b] xa giá của vua.

Chữ nghiêm 嚴 có nghĩa là nghiêm nhặt cung kính.

Sách Độc-đoán của Thái-Ung chép: Theo chế-độ nhà Hán, khi vua đi tuần thú hay đi săn trở về, các quan công khanh trở xuống đều đứng bày ra nơi đường Đô-đình ở thành Lạc-dương.

Khi vua đi xe đến, các quan công khanh đều bái. Khi vua xuống xe, các quan công khanh thân đến xem nhan sắc vua, rồi vua mới về cung.

Lễ nầy so với đời sau thấy có thân-mật hơn.

Sách Tạp-ký của Giang-Lân-Cơ chép: Tổ-Tử-Dung đời Tống làm quan Phán ở Lễ-viện có nói: “Nay nhạc-khí loại treo lên như chuông khánh thì chỉ nghe tiếng chuông mà thôi, còn những tiếng nhạc khác thì bị lấp không nghe được. Nên bỏ lối đánh liền tiếng để lần lượt lượt nghe được tiếng nhạc khác” .

Than ôi! Nhạc đã không được chỉnh-bị đã lâu rồi vậy.

Vua Thái-tông nhà Đường xuống chiếu dùng giấy bằng gai viết sắc.

Vua Cao-tông nhà Đường, vì giấy trắng nhiều mọt đục, xuống lịnh cho quan thượng thư [17a] thông sức cho các châu huyện đều phải dùng giấy vàng. Còn ty thừa nhận chế cáo của vua phải liệu lường làm quyển trục.

Nhưng sách Lục-điển[265] nhà Đường lại chép: Những sắc thư ban xuống cho các châu huyện đều bằng lụa.

Tờ cáo thân[266] đời Đường lúc đầu làm bằng giấy, dưới thời triều vua Túc-tông thì bằng lụa, trong đầu niên-hiện Trinh-nguyên (785 - 805) thì bắt đầu dùng lăng[267].

Tờ cáo thân của bậc Ngũ-phẩm trở lên thì bằng thứ lăng lạ bông to hay thứ la-phiêu màu tía[268] mà cây trục thì bằng gỗ đàn, các quan tại triều từ Lục-phẩm trở xuống thì dùng thứ trang (?) mà viết và thứ lăng-phiêu bông to, ngoài ra thì dùng thứ giấy lụa họa nhỏ, nhưng thông-dụng là thứ lăng-phiêu màu tía với cây trục bằng gỗ đàn.

Sắc hiệu của các bậc mệnh-phụ[269] được dùng thứ giấy trắng có hoa nhỏ đủ màu, cây trục thì bằng cẩm tiêu hồng nha (ngà voi bọc gấm).

Bộ Lại ban cấp tờ cáo-thân cho các quan tại triều, thì trước hết đòi đương-sự nộp tiền mua gạo keo lụa và trục. Quan nào nghèo không nộp được tiền ấy thì phần nhiều chỉ lãnh sắc điệp[270] mà thôi.

Lưu-Nhạc dưới thời vua Minh-tông nói:“Tờ cáo-thân có [17b] lời khen chê răn dạy của vua, thì há lại có thể khiến đương-sự không được xem lúc ban đầu hay sao? Cho nên kính xin cho quan tại triều trở lên ở kinh-đô thì được cáp-môn-lại tuyên đọc và ban cấp, cho quan ở ngoài thì được bổn-châu-sứ tuyên đọc và ban cấp” .

Nhà cầm quyền lại bàn-nghị về tiền phí mua keo mua trục, xét rằng trong một năm tiền phí nầy chẳng hơn mấy vạn, triều-đình đã ban bổng lộc và tước vị cho kẻ bề-tôi thì không nên đòi tiền phí để mua keo mua trục nữa.

Kính xin: tất cả các quan ở trong triều và ngoài quận hễ được trao chức quan thì được tuyên đọc và ban cho tờ cáo sắc.

Xét rằng: Cáo-thân là lời chế của Tòa Trung-thư ban cho lúc đầu tiên. Sắc điệp là bản sao để làm chiếu-nghiệm của Tòa Trung-thư.

Dưới thời nhà Tống, các quan lớn nhỏ đều có chế từ ban cấp.

Đến đời nhà Nguyên nhà Minh các quan lớn nhỏ đều được trao thẳng cho tờ sắc, các quan thấp hèn thì không được cấp chế từ.

Sách Ký-văn của Trần-Tử-Kiêm đời Tống chép: Chữ khắc ở mặt ấn đời Đường thì nhỏ như sợi tơ sợi tóc, đời Tống thì to như chiếc đũa.

Tôi vin theo sách Thuyết- [18a] phu[271] chép rằng: Ấn đời xưa chế-tạo rất nhỏ cho nên nét chữ cũng bé, cũng như con dấu bằng ngà của tư-nhân đời sau làm rất nhỏ để tiện mang theo bên mình.

Sách Thư-sử của Mễ-Phất đời Tống chép: Chữ khắc ở mặt ấn phải nhỏ, nét vòng quanh mặt ấn phải bằng với chữ khắc. Chữ triện[272] điền vào mặt ấn cũng có phép tắc để noi theo.

Đời gần đây chữ triện khắc ở mặt ấn không theo phép tắc gì hết. Như ấn của Tam sảnh[273], nét chữ triện đều cong lệch trái ngược cho nên từ khi đem dùng thì không có một quan tể-tướng nào là không bị tội.

Ấn của Ngự-sử đài thì lệch về bên trái, chữ sử 史 nghiêng lệch vào trong cho nên từ khi đem dùng ít có quan trung-thừa nào được khỏi tội.

Ấn quan Tuyên-phủ giống như chữ vong 亡, từ khi ấn nầy được đặt ra thì ít có quan tuyên-phủ nào trở về tâu báo công việc được hoàn tất sau khi được phái đi[274].

Ấn của tư-gia có quan-hệ rất nhiều về sự lành dữ.

Đầu thời vua Cao-tông nhà Đường, có lịnh cấp cho các quan ở kinh-đô và chức-sự Tứ-phẩm túi ngư-đại[275] để mang theo bên mình.

[18b] Về sau có chiếu vua dạy quan văn từ nhất phẩm trở xuống đều phải đeo khăn tay, túi đựng con toán và đá mài dao. Quan võ vị nào muốn mang khăn và túi cũng được.

Quan văn quan võ:

- Từ tam phẩm trở lên thì mặc áo màu tía với đai nạm vàng nạm ngọc.

- Tứ phẩm thì mặc áo màu đỏ đậm với đai nạm vàng.

- Ngũ phẩm thì mặc áo màu đỏ lợt với đai nạm vàng.

- Lục phẩm thì mặc áo màu lục đậm với đai nạm bạc.

- Thất phẩm thì mặc áo màu lục lợt với đai nạm bạc.

- Bát phẩm, cửu phẩm thì mặc áo màu xanh đậm với đai nạm thau.

- Dân thường thì mang đai nạm đồng nạm sắt.

Vua Duệ-tông chế định:

- Quan văn quan võ ăn mặc y theo lệ cũ, mang khăn tay và túi đựng con toán.

- Quan võ mang thất sự[276] thiếp-tiếp[277] cho đầy-đủ.

Về đai thắt ở lưng thì:

- Từ nhất phẩm trở xuống, ngũ phẩm trở lên nạm vàng.

- Lục phẩm, thất phẩm nạm bạc.

- Bát phẩm, cửu phẩm nạm thau.

Về túi (đựng con toán...):

- Vị nào mặc áo màu tía thì mang túi nạm vàng.

- Vị nào mặc áo màu đỏ thì mang túi nạm bạc.

Đến vua Văn-tông lại định:

- Nhất phẩm, nhị phẩm thì cho mang đồ ngọc và sừng thông-thiên-tê[278].

- Tam [19a] phẩm thì cho mang sừng hoa-tê[279] và sừng ban-tê[280] với ngọc.

- Vị nào mặc áo màu xanh biếc thì nay cho mặc màu lục.

- Những bộ-hạ khách nữ (?) nô-tỳ thì thông-dụng mặc màu xanh biếc.

- Thường dân thông-dụng mặc màu vàng màu trắng màu đen.

Đầu thời vua Hán Văn-đế có lịnh cho các quan thái-thú ở châu quận làm hổ-phù[281] bằng đồng và sứ-phù[282] bằng tre. Hổ-phù và sứ phù đều được chẻ làm hai mảnh, mảnh bên hữu để ở kinh-đô, mảnh bên tả giao quan thái-thú ở ngoài.

Vua Hán Cao-tổ ban thố-phù[283] bằng bạc cho các quan thú ở quận, rồi lại đổi làm ngư-phù[284] bằng đồng.

Kho ở mỗi châu trong nước có tám cái ngư-phù bằng đồng, một cái to và bảy cái nhỏ hai mảnh phù-tiết bên tả và năm mảnh phù-tiết bên hữu. Mảnh ngư-phù bằng đồng bên hữu, một cái để mãi ở trong kinh-đô, một cái lưu lại ở bổn châu. Cứ đến tháng cuối mùa (như tháng ba cuối mùa xuân, tháng sau cuối mùa hạ, tháng chín cuối mùa thu, tháng chạp cuối mùa đông) thì kho phải báo-cáo bình an vô sự.

Những mảnh phù-tiết bên tả đều ghi chữ hiệu theo thứ tự.

Mỗi khi quan thứ-sử mới đến nhận chức ở quận, sai người đến đương tỉnh xin lãnh mảnh ngư-phù bên tả. Đương ty phúc tâu về triều, nội-khố[285] theo thứ- [19b] tự phát cấp cho mảnh ngư-phù phía tả.

Quan tân thứ-sử đến châu tu-tập các quan-lại, lấy mảnh ngư-phù bên hữu cất trong kho ở châu ra ráp lại với mảnh ngư-phù bên tả, hễ thấy hai mảnh bên hữu và bên tả ăn khớp nhau mới tin thật, liền sai người đem mảnh ngư-phù bên tả nộp trả lên tỉnh để khỏi phải qua lại mệt nhọc và tốn kém.

Đời vua Văn-tông mới bắt đầu có lịnh cho quan mới nhậm chức được tự tiện gởi công văn đến đương tỉnh xin mảnh ngư-phù bên tả đem về bổn quận so ráp đúng với mảnh ngư-phù bên hữu cất trong kho ở quận, rồi sai người nộp lên tỉnh để khỏi qua lại cực khổ và tốn kém.

Đến đời vua Chu Thế-tông bắt đầu xuống chiếu cho các quan mục quan thú ở các đạo, dạy rằng mỗi lần quan chức được bổ-nhiệm hay dời đổi đều đặc-biệt có chiếu-thư, thì còn mượn phù-tiết để làm gì. Ngư-phù bằng đồng cũng được bãi bỏ.

Đời vua Đường Huyền-tông chế định điều lệ bưu dịch (trạm truyền tống công-văn) phải được cấp chỉ khoán (giấy chứng-thực). Thường thường các quan ở ngoài được bổ-nhiệm hoặc nghỉ phép khi qua lại phải được cấp giấy chứng-khoán.

Từ đấy về sau Bộ-binh cấp thẻ bài để di-chuyển theo đường dịch-trạm bắt đầu từ đấy.

Theo chế-độ nhà Đường, các quan văn võ về triều tham-yết:

- Nhất phẩm được 7 ngựa.

- Nhị phẩm được 5 ngựa.

- Tam phẩm và tản quan[286] [20a] được 3 ngựa.

- Tứ phẩm, ngũ phẩm được 2 ngựa.

- Lục phẩm trở xuống được 1 ngựa.

- Quan ở ngoài thành thì không kể vào lệ nầy.

Phụ-nữ từ trước đến nay vốn đi xe, phép nhà Đường dùng kiệu[287] và chế-định:

- Mệnh-phụ ở ngoài, mẹ và vợ của quan nhất phẩm, nhị phẩm, Trung-thư môn hạ tam phẩm được ngồi kiệu trang-sức bằng vàng và đồng có tám người khiêng.

- Mệnh-phụ bậc tam phẩm được ngồi kiệu trang-sức bằng vàng, bằng đồng có sáu người khiêng.

- Mệnh-phụ mẹ hay vợ của quan tại Thượng-thư-sảnh, Ngự-sử đài lang được ngồi kiệu trang-sức bằng thau có bốn người khiêng.

- Mệnh-phụ mẹ hay vợ của quan tứ phẩm ngũ phẩm được ngồi kiệu trang sức bằng đồng bằng đá quý có bốn người khiêng.

- Mệnh-phụ mẹ hay vợ của quan lục phẩm trở xuống được ngồi hề-xa[288] hay kiệu có bốn người khiêng.

- Vợ con của các tư-lại[289] và của người buôn bán không được ngồi hề-xa và kiệu.

- Người già-cả đau bịnh được ngồi xe bọc da và kiệu đâu-lung[290] có hai người khiêng.

Phép nhà Đường hạn chế nghiêm nhặt là như thế.

Bậc đại-thần được ngồi kiên-dư[291] vào điện là có đặc-ân của vua mới được như thế.

Vua Tống [20b] Cao-tông từ khi đi Hàng-châu thấy đường xá bùn lầy mới cho phép các quan thông-dụng kiệu song loan[292]. Đến nay cũng noi theo đó mà có lệ như sau:

- Quan nhất phẩm nhị phẩm thì đi kiệu có tám người khiêng.

- Quan tam phẩm trở xuống thì đi kiệu có bốn người khiêng.

- Dân thường đi kiệu có hai người khiêng.

Theo chế-độ nhà Đường, nhân-dân người nào được tinh biểu[293] tuyên-dương đức hạnh đáng làm gương treo ở cửa, thì ở trước chính-sảnh và chỗ hành-lang có bày cái bình-phong và trồng hai cây ô-đầu[294], cửa chính-môn phiệt-duyệt[295] cao một trượng hai thước. Hai cây trụ cách nhau một trượng, đầu trụ lợp ngói sơn đen gọi là ô-đầu (đầu sơn đen). Xây hai cây trụ khuyết cao một trượng cách cây trụ ô-đầu về phía nam ba thước bảy tấc giáp ngả tư mười lăm bộ, có trồng cây hòe cây liễu thành hàng.

Đời nhà Tấn trong thời Ngũ-đại, những việc dựng hai cây trụ làm cửa ô-đầu ở chỗ chính-sảnh đều không thấy chép.

Nay sách chỉ chép rằng ở trước nhà người được tinh-biểu, lượng đất cho thích-nghi, làm cao ở phía ngoài cửa, chỗ cửa có trồng cây trác cây tiết, phía ngoài cửa ở bên tả bên hữu có dựng một cái đài cao một trượng năm [1a] thước, rộng hẹp vuông vức ngay thẳng xứng hợp với hình-thế của cái đài, lấy vôi phết bốn góc và nhuộm đỏ. Còn những hàng cây thì cứ trồng tùy theo sức mình.

Sách Bạch tục thông điển đời Tống chép: Những tuần viện châu phủ ở các đạo[296] truyền đệ các sắc thư của triều-đình đều có dùng cái mộc-giáp[297].

Sách Ngu-hành chí của Phạm-Thành-Đại chép: Trong khoảng niên-hiệu Thiệu-hưng đời Tống, súy-ty của An-nam và Quảng-tây có dùng hai miếng ván sơn để kẹp văn-thư, có khắc chữ ở trên gọi mộc-giáp.

Sách Hán quan nghi chép: Những chương biểu của

Gián-viện[298] dâng lên đều được đựng vào trong cái túi đen phong kín.

Sách Tống-sử chép: Vua Thế-tông nhà Chu đi đánh giặc ở phương bắc, dọc đường duyệt xét văn-thư từ bốn phương gởi đến, được một miếng gỗ dài hơn ba tấc để trong cái túi da có đề chữ:Điểm kiểm tác thiên-tử (Hãy kiểm-điểm khi làm thiên-tử).

Tôi trộm nghĩ rằng: Những kẻ-sĩ có đạo thuật có tài tiên-tri đã viết thư bỏ vào đấy để đạt [21b] lên vua xem.

Sách Thông-giám chú của Hồ-Tam-Tỉnh chép: Khấu-Chuẩn làm chức tể-tướng Bổn-triều, các chức lại ở sảnh-đường kiêng kỵ tên chuẩn, những chữ chuẩn 準 trong văn-thư đều được viết bỏ phần chữ thập 十 thành ra Đời sau cũng noi theo mà không sửa đổi lại.

Sách Thái-bình quảng ký chép: Trong văn-thư công hay tư những chữ số từ nhất (là một) đến thập (là mười) đầu phải dùng những chữ đồng âm nhiều nét thay vào, như chữ 壹 nhất là một, 貳 nhị là hai, 玖 cửu là chín, 拾 thập là mười. Lệ nầy bắt đầu từ quan Thượng-thư bộ Hộ Khai-Tế đời vua Thái-tổ nhà Minh định ra để ngăn phòng mối tệ của bọn gian lén sửa đổi (như chữ 一 nhất có thể viết thêm một vài nét sửa thành chữ 十 thập, chữ 二 nhị, chữ 三 tam....).

Sách Sách phủ nguyên quy chép: Vua Hiến Văn-đế nhà Ngụy hạ chiếu-thư rằng:Thứ-sử, thú, tể, đáo quan chi nhật ngưỡng tự cử dân vọng trung tín dĩ vi tuyển quan: Ngày quan thứ-sử, quan thú, quan tể đến nhậm chức, mong rằng các vị hãy tự đề-cử những người dân có danh-vọng trung-tín để tuyển làm quan. (Chữ ngưỡng là lời người trên nói xuống kẻ dưới, có nghĩa là mong rằng).

Những chiếu lịnh văn-thư đời nhà Tùy nhà Đường đều dùng chữ ngưỡng [22a].

Nay những giấy trát đến hầu việc thưa kiện cũng còn dùng chữ ngưỡng, như ngưỡng sai lại chuẩn thử: Mong sai chức lại hãy chiếu theo đấy.

Vua Thái-tông nhà Đường ban cho Uẩn-Cổ bó lụa.

Hồ-Tam-Tỉnh chua rằng: Theo chế-độ nhà Đường, hễ ban cho 10 đoạn lụa thì theo suất như sau:

- Quyến 3 thất[299].

- Bố 3 đoạn[300].

- Khoáng[301] 4 đồn.

Nếu ban cho lụa đủ màu 10 đoạn thì theo suất như sau:

- Bố bông 2 thất.

- Trừu[302] 2 thất.

- Mạn[303] 4 thất.

Nếu ban cho khách ngoại phiên cẩm đoạn[304] 10 đoạn thì theo suất như sau:

- Si[305] 1 trương.

- Lăng[306] 1 thất.

- Mạn 4 thất.

- Miên[307] 4 đồn.

Hễ ban cho y-phục mặc theo mùa, có đủ bộ thì ban cho đủ bộ, có một nửa thì bớt không cấp cho.

Trong dịp hội chính đông, vua có lệ ban cho bó lụa tùy theo đẳng cấp có khác nhau:

- Từ ngũ phẩm trở lên được ban 5 thất.

- Từ lục phẩm trở xuống được ban 2 thất.

- Các bà mệnh-phụ thì xét theo phẩm của chồng.

Theo chế-độ nhà Đường:

- Quan từ tam phẩm trở lên thì mặc thứ đại liệu tế lăng và là màu tía.

- Quan từ ngũ phẩm trở [22b] lên thì mặc tiểu liệu tế lăng và là màu đỏ.

- Quan từ thất phẩm trở lên thì mặc quy-giáp hoa lăng màu lục.

- Quan từ cửu phẩm trở lên thì mặc tơ vải tạp tiểu lăng màu xanh.

- Thường dân thì mặc tế lăng và thi bố màu vàng màu trắng.

Vua Văn-tông định pháp-chế về áo bào:

- Quan từ tam phẩm trở lên thì mặc áo bào bằng lăng có thêu con chim công đối nhau.

- Quan ngũ phẩm, lục phẩm thì mặc áo bào bằng lăng có thêu hai cành tréo nhau.

- Quan từ lục phẩm trở xuống thì mặc áo bào bằng lăng có thêu chùm trái mà không có hoa.

Vua Văn-tông lại định pháp-chế về áo sam bố (áo đơn bằng vải):

- Không kể những quan văn võ thường tham[308], các quan tứ phẩm trở lên ở các châu phủ thì thông-dụng áo đơn bằng tơ lụa, không được dùng thứ lăng có hoa.

- Nhà buôn và trăm họ thường dân không được mặc áo đơn bằng lăng là màu.

Theo chế-độ nhà Minh, lễ phục mặc lúc bồi tế của các quan được quy-định như sau:

- Quan nhất phẩm: Áo bào bằng bạch-sa màu xanh, trung đơn[309] đều dùng cổ đen, [23a] có viền, quần bằng lăng đỏ viền đen, miếng tế-tất[310] bằng lụa đỏ, dây đai to màu đỏ màu trắng, vớ trắng, giày đen.

Quan từ nhị phẩm đến cửu phẩm, trang phục cũng y như thế.

Lễ-phục mặc đi chầu trong ngày khánh hội được quy-định như sau:

- Quan nhất phẩm: quần áo màu đỏ, trung đơn, miếng tế-tất, dây đai to, vớ, giày đồng như trên.

- Quan từ nhị phẩm đến cửu phẩm:trang-sức cũng y như thế, chỉ lấy thứ có nhiều hay ít miếng lương-vi trên mão mà phân biệt, dây đai thì có thứ trang-sức bằng vàng, ngọc, bạc, đồng, thiếc, cẩm lăng thì hoa có thứ khác nhau, cái khoen có buộc sợi dây con thì có thứ bằng ngọc, vàng, bạc, đồng khác nhau để phân-biệt cao thấp.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx