sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 4 - Chương 4

Áo lễ mặc đi chầu:

- Của quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm cũng đều màu đỏ, chỉ lấy thứ hoa lớn hoa nhỏ và thứ không có hoa, còn dây đai thì lấy thứ có nạm ngọc nạm sừng tê vàng bạc khác nhau mà phân biệt cao thấp.

- Sĩ-thứ trong nước thì đội khăn bổn góc đủ thứ màu, mặc áo cổ tròn.

- Tùy-phái để sai bảo trong nha thự thì đội khăn tròn, mặc áo đen.

- Nhạc-nghệ-sĩ thì đội khăn chữ vạn xanh (chữ vạn 卍 của nhà Phật) phụ thêm màn hồng màu xanh ở chỗ vai.

Theo chế-độ nhà Minh, về miếng bổ-phục[311] của quan văn có bài thơ như sau:

一二仙鶴與錦雞

三四孔雀雲雁飛

五品白鷴惟一樣

六七鷺鴛鸂鶒宜

八九品官幷雜職

鷯鶉練鵲與黄鸝

風憲衙門専執法

特加解豸邁倫彞

Nhứt nhị tiên hạc dử cẩm kê.

Tam tứ khổng tước vân nhạn phi.

Ngũ phẩm bạch nhàn duy nhất dạng.

Lục thất lộ uyên khê sắc nghi.

Bát cửu phẩm quan tinh tạp chức.

Liêu thuần luyện thước dữ hoàng ly.

Phong hiến nha môn chuyên chấp pháp.

Đặc gia giải-trãi mại luân di

Dịch nghĩa

1) Quan văn nhất phẩm, nhị phẩm, bổ-tử thêu chim hạc cõi tiên và chim cẩm-kê.

2) Tam phẩm, tứ phẩm, thêu chim công và chim nhạn bay trên mây.

3) Ngũ phẩm thêu chim nhàn trắng, chỉ có một thứ.

4) Lục phẩm, thất phẩm thêu chim cò chim uyên-ương chim khê-sắc thì thích-nghi.

5) Quan bát phẩm, cửu phẩm và các chức quan lặt-vặt.

6) Thêu chim tiêu-liêu chim cút chim thước và chim hoàng-ly.

7) Chức quan phong-hiến[312] ở nha-môn[313] chuyên nắm giữ pháp độ.

8) Thì đặc biệt, miếng bổ-tử thêu con giải-trãi để khác xa với thông-thường.

Về bổ-phục của quan võ có thơ như sau:

公侯駙馬伯

麒麟白澤裘

一二繡獅子

三四虎豹優

五品熊羆俊

六七定爲彪

八九是海馬

花樣有犀牛

Công hầu phò mã bá.

Kỳ-lân bạch trạch cầu.

Nhất nhị tú sư-tử.

Tam tứ hổ báo ưu.

Ngũ phẩm hùng bi tuấn.

Lục thất đinh vi bưu.

Bát cưu thị hải mã.

Hoa dạng hữu tê ngưu.

Dịch nghĩa:

1) Áo cầu của tước công, tước hầu, phò-mã (rể của vua) và tước bá.

2) Thêu con kỳ-lân và con bạch-trạch[314].

3) Nhất phẩm nhị phẩm: thêu con sư-tử.

4) Tam phẩm tứ phẩm thêu con cọp con beo.

5) Ngũ phẩm thêu con gấu và con bi[315].

6) Lục phẩm thêu con cọp con.

7) Bát phẩm cưu phẩm thêu con hải-mã.

8) Hoa-dạng[316] thì có con tê giác.

Sách Đường-thư chép chuyện xưa về Vi-Đan đi sứ nước Tân-la: Hễ đi sứ ra nước ngoài thì được cho phép bán mười chức quan ở châu quận [24a] để lấy tiền, tiền nầy gọi là tiền tư địch quan (tiền làm quà để yết-kiến).

Vi-Đan nói: Đi sứ ra nước ngoài mà không đủ tiền thì xin lên vua, sao lại bán chức quan mà lấy tiền?

Vi-Đan dâng sớ kể rõ các món tiền phải chi-phí.

Vua sai quan hữu-ty cấp cho Vi-Đan.

Sách Sách phủ nguyên quy chép: Vua Văn-tông xuống chiếu rằng: Làm quan mà lẫn lộn vào bọn thợ khách thương thực do việc bán tước. Người đi sứ vào nước phiên, theo lệ cũ, được cho phép hán mười chức quan lấy làm tiền tư địch quan. Việc nầy phải đình-chỉ. Người đi sứ được ban cho riêng năm chục quan tiền, giao cho ty độ-chi cấp phó.

Đời nhà Đường, lương-bổng hằng tháng của quan chính nhất phẩm chỉ có ba mươi quan tiền, gạo lộc điền được chẳng hơn bảy trăm thạch[317], không bằng lương-bổng của quan huyện-lịnh đời nhà Hán Quan huyện-lịnh đời nhà Hán còn được một ngàn thạch.

Đời nhà Đường, lương-bổng của quan tùng nhất phẩm được sáu trăm thạch gạo lộc điền, bằng với của quan gia-lịnh quan thủ-thừa đời nhà Hán, tuy từ xưa trở về sau cân lượng nặng nhẹ không [24b] đồng nhau, nhưng cũng là giảm bớt rất nhiều vậy.

Triều nhà Minh lại thậm tệ nữa, bổng lộc hằng tháng của kẻ bề-tôi chỉ được cấp một thạch gạo, củi than, cỏ cho ngựa đều nhờ vào những lính lệ, cho nên không thể không cho về phân nửa, để lương-bổng còn đủ dùng.

Quan tại kinh-đô đều cũng như thế. Lính lệ cũng thích được trở về làm ruộng. Quan và lính lệ được tiện lợi cả hai.

Thuộc lại tố-cáo quan Đô-ngự-sử Nhan-Hựu với vua Tuyên-tông, nói quan Đô-ngự-sử nhận hối-lộ của lính lệ để được trở về (làm ruộng).

Dương-Sĩ-Kỳ biện-hộ cho quan Đô-ngự-sử, Vua Tuyên-tông mới biết nỗi gian khổ của triều-thần.

Về sau có đặt ra lệ củi than và lính lệ và cho phép thu lấy tiền để thay vào công việc.

Ấm-tự[318] của các quan tuy đã có định lệ, nhưng việc đặc-cách gia ân cũng là để dạy việc hiếu thảo. Đó là đường lối giáo-dục.

Trong niên-hiệu Khai-nguyên (713-741) nhân dịp hai lễ lớn là Tế Hậu-thổ và cày Tịch-điền, vua Huyền-tông xuống chiếu cho [25a] quan Tể-tướng ngoài việc được thăng bậc, ban tước, mỗi vị được một đứa con cho làm quan.

Trong dịp lễ dâng tôn-hiệu[319], vua đã ban ân cho quan về hưu, liệu lường cho tiến bậc cải hàm.

Trong dịp lễ dâng tôn-hiệu, vua đã thương xót đến các quan chức văn võ trong ngoài từ ngũ phẩm trở lên hễ ông cha hiện tại không có làm quan thì được trao cho một chức quan.

Vua Đại-tông (762-779) lên ngôi, xuống xá-thư cho các quan thứ-sử ở các châu được một đứa con làm quan.

Trong lễ Nam-giao, vua xuống xá-thư cho con cháu của các công-thần trong niên-hiệu Vũ-đức (618-627) đời Đường Cao-tổ được một người làm quan, và cho các công-thần trong niên-hiệu Bảo-ứng (từ năm 762) đời vua Đường Túc-tông từ tam phẩm trở lên được một đứa con làm quan, các quan Tiết-độ-sứ ở các đạo mỗi vị được một đứa con làm quan, các quan từ ngũ phẩm trở lên ở các đạo được thăng bậc, các quan Phòng-ngự và Kinh-lược mỗi vị được một đứa con làm quan, các quan lục phẩm được thăng bậc, các trưởng quan ở châu huyện mỗi vị được một dứa con làm quan hàm xuất thân[320].

Vua Mục-tông lên ngôi xuống xá-thư cho các quan văn võ có mẹ, các bà mẹ nầy đều được sắc-hiệu, còn như các bà mẹ nào đã được sắc-hiệu quận phu-nhân rồi, thì sắc-hiệu được ban cho một người [25b] chi thân khác.

Việc ban ân cho các bầy-tôi thật hậu.

Nhà Hán nhà Ngụy trở về sau, riêng hai khoa Tú-tài và Hiếu-liêm (Cử-nhân) được trọng.

Nhà Tùy bắt đầu đặt ra khoa Tiến-sĩ.

Nhà Đường cũng noi theo đó, nhưng đầu đời nhà Đường thì cho quan Khảo-công Viên-ngoại-lang chủ thí. Những vị thi đỗ được cho vào bộ Trung-thư. Giữa đời Đường lại cho quan Thị-lang bộ Lễ chủ thí.

Khoa Minh-kinh[321] cũng như thế.

Đầu đời nhà Đường khoa Tú-tài cũng có, đến giữa đời Đường mới bỏ, rồi lại đặc-biệt xin đặt ra chế-khoa[322] mà tên gọi không đồng nhau so với khoa Tiến-sĩ còn trọng hơn, vì theo chế-độ nhà Đường chỉ cho những vị trúng-tuyển khoa Minh-kinh, khoa Tiến-sĩ là cập-đệ[323], khoa Hoành-từ và khoa Bạt-tụy là xuất thân (ra làm quan).

Những vị cập-đệ (thi đỗ) tuy được ghi tên vào bộ trong Vương-phủ nhưng chưa vào bộ làm quan, phải trải qua cuộc thi của bộ Lại, và được phủ vời đến mới được làm quan. Nhưng khi bắt đầu làm quan, chẳng qua chỉ làm quận-truyền[324] hay huyện-tá, làm lâu mới được bình-thiên[325].

[26a] Người được xuất thân mới được ghi tên vào quan bản mà làm việc công, được thuyên-tuyển thẳng bổ vào chức quán, điện đài-lang, ngự-sử-lang, đường làm quan tiến tới cao vượt.

Ấy, chế-khoa được trọng hơn khoa Minh-kinh và khoa Tiến-sĩ, và xuất thân được trọng hơn cập-đệ.

Từ khi nhà Tống mới bắt đầu sau bằng các nước, tuyển người trấn nhiệm ở châu huyện, mà quan viên không đủ, mới khiến bộ Lễ tiến-cử người hiền tài, những người nầy đều được miễn thi, chức hữu-ty thi-hành việc bổ-thụ[326].

Vua Thái-tông (976-997) đích thân chủ thí cử-nhân. Người đỗ hạng ưu được cho cập-đệ, hạng thứ được cho xuất thân và đồng xuất thân.

Các vị Tiến-sĩ được miễn thi ở bộ Lại và vào thẳng Điện-thí[327]. Như thế đã trở-thành lệ vĩnh-viễn.

Triều-đình mở chế-khoa không thường. Những vị thi đỗ chế-khoa thì tùy theo bậc cao thấp định nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng, tứ đẳng, gọi là đại-khoa, được trọng hơn Tiến-sĩ và Minh-kinh. Vua cũng bất thường hạ chiếu.

[26b] Nhà Đường lấy từ phú mà chọn lấy kẻ-sĩ. Áp vận không câu nệ thứ-tự bằng trắc.

Đầu đời nhà Tống cũng noi theo đấy.

Năm Thái-bình Hưng-quốc thứ 3 (978) vua mới hạ chiếu thi Tiến-sĩ bằng luật-phú, dùng vận theo thứ-tự bằng trắc, mà quan chủ-khảo ra đề và dùng tứ bằng tứ trắc.

Từ đấy cách điệu được chỉnh-tề thật khả-quan (xem) khả-thinh (nghe).

Sách Yến-dực di mưu chép: Theo chế-độ xưa, điện-thí đều có truất-lạc[328].

Lâm thời nhận chỉ của vua, có người trải qua cuộc thi ở tỉnh được trúng-tuyển mà lắm lần bị đánh rớt ở Điện-thí.

Cho nên Trương-Nguyên vì chất chứa nhiều oán hận đã đầu nhà Nguyên, làm mối lo sợ lớn-lao cho Trung-quốc.

Do đó các bề-tôi đưa kiến-nghị đổ lỗi cho việc đó.

Năm Gia-hựu thứ 3 (1058), vua mới xuống chiếu cho những cuộc thi Tiến-sĩ và Điện-thí đều không có đánh rớt. Lệ nầy đến nay không có thay đổi.

Ấy, một kẻ phản nghịch làm giặc đã làm cái lợi cho sĩ-tử đời sau trong thiên-hạ.

[27a] Sách Yến-đàm lục chép: Khoa thi Tiến-sĩ, bổn-triều rất lấy làm trọng, nhưng việc theo cũ đổi mới không giống nhau.

Năm Khai-bảo thứ 6 (973) vua ngự ra Giảng-vũ điện thi lại các Tiến-sĩ. Việc phúc-thí bắt đầu từ đấy.

Việc vua ban thơ cho các Tiến-sĩ bắt đầu từ niên-hiệu Hưng-quốc thứ 3 (978), trong khoa thi năm nầy, Lữ-Mông-Chính thi đỗ.

Việc phân giáp đệ bắt đầu từ niên-hiệu Hưng-quốc thứ 8 (982) trong khoa thi năm nầy Vương-Thế-Tắc thi đỗ.

Việc phân áo bào và cây hốt bắt đầu từ trong niên-hiệu Trường-phù (1008-1017), trong khoa thi năm nầy Diêu-Việp thi đỗ.

Việc ban yến (yến tiệc) bắt đầu từ năm Lữ-Mông-Chính thi đỗ.

Việc ban cho Đồng xuất thân bắt đầu từ năm Vương-Thế-Tắc thi đỗ.

Việc ban Chế-khoa xuất thân bắt đầu từ niên-hiệu Hàm-bình (998-1000), có Trần-Nghiêu-Tư thi đỗ.

Việc xướng-danh (đọc tên) bắt đầu từ niên-hiệu Ung-hy thứ 2 (985), trong khoa thi năm nầy Lương-Hiệu thi đỗ.

Việc di-phong[329], việc đằng-lục[330], việc phúc-khảo (thi lại), việc quải-bảng[331] đều bắt đầu vào khoảng niên-hiệu Cảnh-đức (1004-1008) và niên-hiệu Tường-phù (1008-1017).

Sách Di mưu lục chép: Vua Chân-tông nhà Tống mở khoa thi Tiến-sĩ bắt đầu dùng cách dán tên sĩ-tử trên quyển thi để trừ cái tệ dung túng việc tư riêng (thiên vị sĩ-tử

thân thuộc).

[27b] Trương-Sĩ-Tốn với chức Giám-sát ngự-sử làm quan tuần-bổ[332], nhân việc quan Chủ-ty họ Bạch có người thân thích đi thi xin cho người ấy bỏ ra để tránh việc hiềm-nghi. Quan Chủ-ty họ Bạch không nghe theo. Trương-Sĩ-Tốn bèn tự xin-cho người ấy bỏ ra. Vua Chân-tông cho là phải, bèn xuống chiếu dạy:“Những cử-nhân nào có bà con với quan khảo-thí thì nên thi ở chỗ khác” .

Sách Tùy Đường gia thoại lục chép: Vũ-hậu[333] cho rằng bộ Lại chọn người phần nhiều không có thực tài, bèn ra lịnh ngày khảo-thí phải dán bít tên của cử-tử để chấm bài và định cao thấp.

Việc dán bít tên cử-tử trên quyển bài thi bắt đầu từ đấy, nhưng chưa được bộ Lễ thi-hành.

Còn việc quan khảo-thí phải tránh hiềm-nghi vì có người thân ứng-thí thì bắt đầu từ đời nhà Tống.

Sách Khúc vĩ cựu văn[334] chép: Vua Tống Nhân-tông rất để tâm lo nghĩ về khoa cử, mỗi năm có khoa Đình-thí thì có ra ba đề thi. Có quan Đại-thần tại Vương-kinh và ở châu huyện gần Kinh-kỳ phần nhiều bí-mật [28a] sao trung-sứ đến lấy đề thi. Nhưng như thế cũng nghi ngờ bị tiết-lậu. Như bài Dân-giám là đầu đề về thơ, Nho giả thông thiên địa nhân vốn là đầu đề về luận đều phải đổi lại đến lúc thi, đầu đề về thơ đổi làm đầu đề về luận, đầu đề về luận đổi làm đầu đề về thơ.

Sách Văn-hiến thông-khảo chép: Trong thời nhà Tống, Bổn kinh nghĩa sớ được gọi ở trường thi chẳng qua là chép xuất xứ mà thôi.

Như thí-quyển của Lữ-Thân-Công hỏi:“Tử-vị Tử-Sản hữu quân-tử chi đạo tứ yên, sở vị tứ giả hà dã? ” Khổng-Phu-tử bảo Tử-Sản có đạo quân-tử bốn điều. Bốn điều ấy là gì?

Lữ-Thân-Công kính-cẩn đáp:

其行己也恭

其事上也敬

其養民也惠

其使民也義

Kỳ hành kỷ dã cung

Kỳ sự thượng dã kính.

Kỳ dưỡng dân dã huệ.

Kỳ sử dân dã nghĩa.

Dịch nghĩa

1) Hành đạo sửa mình thì lấy điều cung.

2) Thờ người trên thì lấy chữ kính.

3) Nuôi dưỡng dân-chúng thì lấy chữ huệ.

4) Sai khiến dân thì lấy chữ nghĩa.

Khảo-quan phên lên như sau:

- Hễ thấy cử-tử nhớ thì phê “thông” .

- Hễ thấy cử-tử không nhớ thì phê “bất thông” .

Trong mười điều hỏi mà thông được bốn điều thì được “hợp cách” (trúng cách).

Phép thi đời xưa giản-dị là như thế

[28b] Về nghĩa-lý xưa nay lòng người giống nhau. Nhưng gian-trá phát sinh ở lòng người cũng giống nhau. Nhưng có khi trông đợi sưu-tầm điển xưa, hay noi bước theo tổ-tiên mà vẫn giống nhau.

Xem sách Tống sử tuyển cử chí (sách chép về việc thi cử để chọn lấy người hiền tài đời Tống) thấy chép:

Ở triều vua Tống Lý-tông đề thi ra cẩu-thả và giản-lược, hoặc giữ thiên-kiến (ý-kiến riêng tư thiên lệch) và ức-thuyết trái ngược nhau. Sĩ-tử phải hoang mang không biết theo đường lối nào nữa.

Mà cái tệ của người đi thi thì có năm điều:

1) Truyền nghĩa (truyền phần giải nghĩa cho nhau).

2) Hoán quyển (đổi quyển cho nhau).

3) Dịch hiệu (đổi số hiệu cho nhau).

4) Quyển tử xuất ngoại (quyển thi đưa ra ngoài).

5) Đằng lục diệt liệt (sao chép khinh bạc).

Gián quan đến nỗi phải tâu xin đề-phòng nghiêm-cấm, khiến quan dán bít tên và ghi số hiệu phải niêm-phong cái hòm đựng quyển thi.

Phép soạn hiệu thì một chữ ở trên phải đồng, hai chữ ở dưới phải khác.

Triều-đình phải lập thưởng cách cho ai báo cao bắt được người giấu đề thi, truyền bài viết tháu cho nhau và đội tên người khác vào thi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx