sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thiếu niên ca - chương 02b

Tuy đã canh giữ con đường lên núi bốn mươi sáu năm, nhưng chưa bao giờ Dị Nhân đặt chân lên đỉnh núi, nơi có một miệng hồ đã khô cạn từ lâu. Nơi đó là cấm địa của điện Thần, chỉ có ba vị điện chủ và các vị trưởng tràng mới có thể bước vào trong. Trong bốn mươi sáu năm, Dị Nhân có cơ hội đón tiếp những nhân vật quyền lực cao nhất điện Thần này tổng cộng chỉ có mười lần, mỗi lần không vượt quá ba người. Gọi là đón tiếp, thật ra y chỉ đứng nép sang một bên vệ đường, thành kính chắp tay cúi đầu chào bọn họ. Ngoại trừ Trường Tâm thì không ai nói với y điều gì, không ai thăm hỏi hoàn cảnh của y như thế nào, cũng không có ai nhìn y lấy một cái. Và Dị Nhân cũng hoàn toàn không biết rằng dù chỉ có một người trông coi, nhưng con đường lên núi quả thật là thập tử vô sinh. Lòng hồ trên núi được dân chúng trong vùng gọi là hồ Bạc, vốn chỉ còn tồn tại mơ hồ trong ký ức của những người già lão đã sống cả đời ở vùng núi Khâu Vại. Sáu mươi năm trước, lòng hồ Bạc bắt đầu cạn nước dần, dù cho bao nhiêu mùa tuyết lớn cũng không thể lấp đầy. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy hồ Bạc thì nó đã cạn trơ cả đáy. Thế nhưng giả sử những cụ già ấy đến đây bây giờ, ắt cũng không thể nhận ra hồ Bạc hiền hòa ngày thơ ấu của mình đâu nữa. Bốn phía đáy hồ đã được cào đi tất cả lớp đất trên bề mặt, chỉ còn lại một lòng chảo toàn đá đỏ thẫm, trơ khấc. Từ miệng lòng chảo có năm khe rãnh lớn chạy dọc xuống trung tâm hồ, rộng đến tám thước, sâu đến bốn thước. Hoàn toàn không có bất kỳ dấu vết đào bới nào, mà cũng không có khả năng đưa bất kỳ công cụ đào bới nào lên trên đỉnh núi ba ngàn thước này. Giống như có một bàn tay khổng lồ ụp xuống, cào ra năm đường rãnh giữa lòng hồ vậy. Trên đầu mỗi khe ấy có một bệ đá phẳng cao hơn trượng, tạc thành hình quả trám chìa ra ngoài. Bệ đá không lớn lắm, cũng chỉ vừa đủ cho ba người đứng sát nhau, mũi trám hướng về trung tâm nơi có một tòa tháp đá khổng lồ mọc lên. Tòa tháp có năm mặt, cao đến hơn trăm thước, được dựng hoàn toàn từ đá hộc tảng lớn chưa mài giũa. Chân tháp bị khắc kín bởi những hoa văn kỳ lạ, những hình vẽ thú vật quái dị, những binh khí mang vẻ ngoài tàn bạo. Đứng trơ trọi giữa khung cảnh chỉ toàn đá và sỏi, tòa tháp năm mặt ấy phả ra hơi thở hung bạo tàn ác không gì tả nổi. Đến nỗi nhìn vào nó, kẻ lớn gan thì nhíu mày khó chịu, kẻ non vía ắt phải giật mình thon thót. Thế nhưng vẻ ngoài hung ác của tòa tháp ấy vẫn chưa ghê rợn bằng những thứ mà nó đang kềm giữ. Ở một bên mặt tòa tháp có năm sợi xích vàng khổng lồ tỏa ra kim quang chói lọi dưới ánh mặt trời. Sợi xích lớn nhất ở giữa treo một cái chuông khổng lồ cũng được làm bằng vàng, to đến bốn vòng tay người ôm. Cái chuông vàng ấy đang đè lên một sinh vật nửa rùa nửa rồng, toàn thân phủ kín vảy vàng sắc đỏ. Thoạt nhìn qua thì nó giống một con rùa cực lớn với cái mai tròn, rìa mai nổi lên tầng tầng vân mây. Thế nhưng trên đầu nó lại mọc lên hai sừng tựa như sừng hươu và gắn trên cái cổ dài như cổ rắn là cái đầu như đầu rồng với đầy đủ răng nanh. Bốn sợi xích khác xỏ xuyên từ trên mai xuống bốn chân con rùa lớn, đè nghiến nó xuống đất, cộng với sức nặng của cái chuông vàng trên mai đã kềm chặt không cho nó giãy dụa một phân nào. Ngay cả đầu con rùa cũng bị hai cái đinh vàng rất lớn kẹp chéo lại, đóng xuống nền đá lởm chởm sắc nhọn bên dưới. Ắt hẳn con rùa đã bị kẹp ở nơi này rất lâu rồi, vì những vệt cào cấu bất lực của nó đã nông choèn đi, ngay cả hai dòng nước mắt như rỉ vàng chảy từ cặp mắt to cộ của nó cũng đã khô cạn lại thành một vệt nhỏ tí ti. Lúc này trông nó như một pho tượng đã hóa thạch, nếu thỉnh thoảng không có những đợt run rẩy toàn thân nổi lên thì không ai biết con rùa ấy vẫn còn đang sống, đang phải chịu đựng những năm tháng dài nhất trong kiếp sống ngàn năm của mình. Một mặt khác của tháp đá đặt một cái bể thủy tinh lớn hình tròn chứa đầy nước. Bên trên bể thủy tinh có một cái giá treo kim loại ba chân khổng lồ và vô cùng vững chắc. Ở trên giá treo ngược môt cái đuôi cá lớn hơn thân người, vẫn còn y nguyên vảy cá và vi sau. Gần phần chót đuôi cắm xiên một ngọn lao bạc cỡ bằng bắp chân, đóng dính nó vào giá treo phía sau. Phần đầu con cá chìm hẳn vào trong bể nước, hoặc có thể gọi đó là phần người. Đó là một cô gái có mái tóc màu xanh, hai tay bị trói ngược về phía sau bởi những sợi dây kim loại mảnh như tơ, lấp lóe phản chiếu ánh sáng trong nước. Mái tóc của cô rất dày, rất đẹp, lững lờ trong bể tựa như một quầng lụa mềm xanh thẳm. Cô gái ấy không thể cử động đầu và cả thân người vì một thanh lao bạc khác, nhỏ hơn thanh lao phía trên đã xuyên ngang từ má này sang má kia của cô, bắt chặt vào hai thành bể thủy tinh. Đôi mắt cô nhắm nghiền trên gương mặt bệch bạc, không biết vì thường xuyên ở dưới nước hay vì mất máu quá nhiều. Bên dưới đáy bể nằm đầy những viên ngọc to như quả trứng cút, phản quang sáng lóe lên như những mặt trời nho nhỏ. Con rùa vàng ở kia tên gọi là Long Quy Bát Vĩ, đầu rồng thân rùa, có tám cái đuôi. Là loại dị thú được ghi chép trong Lĩnh Nam Tinh Quái, hành kim, là vật chí cương chí dương trong trời đất. Nó sống ở những vực sâu nhất trong biển Đông, sức khỏe vô địch, mỗi khi đói bụng có thể ăn cả một con cá voi xám. Mỗi một lần lột xác thành công sẽ mọc thêm một đuôi, sau khi phá vỡ được chướng ngại tám đuôi sẽ hóa thành linh. Long Quy Bát Vĩ toàn thân đều là vàng ròng, vốn là một bảo vật hiếm lạ bậc nhất trên thế gian, vô cùng hiếm thấy. Cái chuông vàng đè trên người nó là một trong những bảo vật của thế Thiên, vốn có chín cái treo ở ngoài cửa Nam. Mỗi một cái chuông ấy đều chứa đựng sức nặng của một ngọn Thiên Sơn, một dòng Thiên Hà. Mỗi lần đánh lên thì tiếng chuông có thể xuyên qua năm thế, chấn động sáu giới. Khi động thì nhẹ như lông ngỗng, khi tĩnh thì nặng đến trăm vạn cân. Long Quy có hùng mãnh hơn nữa, cũng không thể giãy thoát khỏi chuông này. Cô gái người cá là một chủng tộc cổ xưa sống ở bờ biển Đông, thường xuôi theo sông Cửu Long vào thăm thú Thang Lâm. Khi dị tộc tràn qua Vân Hoang giết chóc, người dân Thang Lâm bắt đầu nảy sinh sự bài xích với những chủng tộc khác loại với mình. Rất nhiều chủng tộc ôn hòa đã phải chịu cảnh tàn sát trong những cuộc chiến tranh lục địa. Người cá là một trong nạn nhân thê thảm nhất, lúc khốn khó nhất họ chỉ còn lại vài trăm người sống sót. Lĩnh Nam Tinh Quái chép rằng người cá đều là hành thủy, những người có huyết thống thuần chủng được gọi là những đứa con của nước. Tương truyền nếu tu luyện đến mức hóa đuôi thành sóng, hóa vây thành bọt, họ sẽ biến thành Thủy Thần. Nước mắt Thủy Thần, rơi xuống thành ngọc biển, gọi là Hải Tinh Oánh, quý giá vô ngần. Hai ngọn lao bạc đang kềm giữ cô, trớ trêu thay lại là hai bảo vật trấn tộc của người cá. Lao ấy được làm từ loại san hô rắn nhất đại dương là san hô Bạch Ngọc, lại được uẩn dưỡng bốn mươi năm trong lòng loài Trai Cộ tinh khiết nhất. Khi hai ngọn lao thành hình, bốn mươi lăm người cá giỏi nghề thủ công đã cùng nhau dệt một tấm lưới bạc có mắt lưới nhỏ như mắt muỗi để quấn lên lao. Lưới bạc thêu hết ngàn năm lịch sử của chủng tộc người cá, có thể mang lại sức mạnh chấn dòng nắn biển cho hai ngọn lao. Năm xưa trong chiến tranh lục địa, nhờ vào hai ngọn lao này mà bộ tộc họ đã giành được một mảnh hải dương làm nơi sinh sống. Thần khí bộ tộc ngày xưa, nay lại thành vật kềm giữ con dân mình, thật khó mà kể hết những nỗi bi ai lẫn lộn trong đó. So với tình cảnh khốn khổ bên cạnh, một mặt khác của tháp đá lại trông có vẻ yên tĩnh hơn rất nhiều. Đoạn tường tháp ở đây cùng với không gian xung quanh nó khoảng mười thước đều bị bao phủ bởi một làn hơi nước dày đặc, mờ mịt che cả tầm nhìn. Dù hơi nước đang bốc lên cuồn cuộn như vậy nhưng vẫn không ngăn được việc đất đá bốn xung quanh đã bị nung đến trắng bạch ra. Tựa hồ ở đó đang có một cái lò lửa không ngừng cháy đỏ, tỏa ra sức nóng khủng khiếp như vậy. Xuyên qua làn hơi nước mù mịt có thể thấy thấp thoáng bóng dáng một người đàn ông đang ngồi xếp bằng, đầu gục xuống. Trông y có vẻ thoải mái hơn hai người bạn tù của mình rất nhiều, ngoại trừ bị hai sợi dây thép xỏ xuyên qua xương tỳ bà và một cái ống đen thẫm cắm vào ngực trái thì không phải chịu thêm cực hình nào nữa. Thế nhưng kẻ nào có kiến thức, sẽ nhận ra cái ống đen đó và hai sợi xích đều được làm từ huyền thiết vạn năm ở Băng Cực. Đó là một trong những loại vật liệu cứng rắn nhất thế gian, được tôi rèn trong ngọn lửa lạnh ở tâm Băng Cực, dù hàng trăm năm vẫn tỏa ra khí lạnh ngùn ngụt. Chính khí lạnh này và nội hỏa trong cơ thể gã đàn ông ấy đã sản sinh ra làn hơi nước kỳ dị này ở chân tháp. Gã đàn ông tóc tai rối bù này, hơn mười năm trước, người ta gọi gã là Hỏa Thần. Khi ấy gã là trưởng tràng đương nhiệm của Ly Hỏa Mê Quật, một trong những người mạnh nhất mà Ly Hỏa đã rèn đúc ra. Trong vũ lâm giang hồ, có thể để cho đồng đạo chịu xưng một tiếng Thần quả thật không dễ dàng. Trong số hiếm hoi các cao thủ hạng nhất trên đại lục, gã hoàn toàn có thể đứng ở tốp trên. Thế nhưng sau ngày điện Thần đại bại bỏ chạy vào đồng cỏ Kiệt Mã, vài năm sau đó Hỏa Thần cũng biến mất trên vũ lâm. Không một ai có thể ngờ rằng gã đang bị xích ở chân tháp trên núi Khâu Vại này. Đỉnh núi thần bí này hiện nay là cấm địa quan trọng nhất của điện Thần, nơi đang bày ra một trong những trận cổ hùng mạnh nhất năm thế sáu giới, trận Nghịch Ngũ Hành.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx