sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Lời người dịch

Lời người dịch

Ngày xưa, Việt Nam chúng ta có phân chia các thành phần xã hội theo “sĩ nông công thương” nhưng không khắc nghiệt đến mức biến thành giai cấp.

Nhật Bản là nước chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, họ cũng có chỗ giống chúng ta, cũng có “sĩ nông công thương” và họ còn có một giai cấp khác ở trên là quý tộc. Sĩ nông công thương ở Nhật Bản là giai cấp, và từ cuối thế kỉ 16 đến thời Minh Trị Duy tân, thành viên các giai cấp theo chế độ cha truyền con nối, không ai được quyền thay đổi thân phận của mình (nông dân hoặc thương nhân dẫu là trí thức cũng không thể trở thành thành viên của giai cấp ”sĩ”).

Chữ “sĩ” ở Việt Nam thường được dùng để chỉ những người trí thức, cả văn lẫn võ, nhưng “sĩ” ở Nhật Bản có thể nói tất cả đều là những người xuất thân từ võ sĩ, họ là giai cấp trí thức đại diện cho quần chúng Nhật Bản. “Võ sĩ đạo” là qui phạm đạo đức của giai cấp “sĩ” này.

Xưa nay, Nhật Bản liên tục du nhập tinh hoa của văn hóa thế giới và liên tục biến những tinh hoa đó thành cái của riêng mình. Và đó là truyền thống của văn hóa Nhật Bản. Do đó, về bản chất những qui phạm của võ sĩ đạo tuy không có gì mới mẻ đối với những dân tộc Á Đông, nhưng qua cách vận dụng, những qui phạm này đã biến thành những cái gì đó có tính cách độc đáo, đậm đà bản sắc Nhật Bản.

“Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản” lần đầu tiên được xuất bản ở Philadelphia (“The Leeds and Biddle Company, Philadelphia” xuất bản) vào năm 1899. Tiến sĩ Nitobe Inazo[1] viết tác phẩm này với mục đích giới thiệu qui phạm đạo đức của Nhật Bản (của giai cấp “võ sĩ”) đến những người Âu - Mỹ. Vì thế các tỉ dụ được tác giả đem ra để so sánh với trường hợp của Nhật Bản phần lớn đều được lấy ra từ kho tàng triết học, văn học v.v. của Âu - Mỹ. Nguyên tác được viết bằng tiếng Anh với cách viết cô đọng, với văn hóa độc đáo của Nhật Bản, nhiều chỗ có cả tiếng La tinh nên rất khó hiểu. Để giải quyết những vấn đề này, ngoài bản gốc tiếng Anh đăng trên mạng, người dịch đã tham khảo bản dịch tiếng Nhật được xem là rất ưu tú của Yanai Haratadao (bản dịch năm 1938). Trong phần dịch thuật, các chú thích của ND (người dịch) được viết bằng chữ nghiêng, nhưng để tránh rườm rà, những chú thích dài hơn được viết ở dưới trang.

Người dịch xin chân thành cảm tạ các bạn trong “Nhóm Dịch thuật Văn học Nhật Bản” đã khổ công kiểm tra, chỉnh lý để bản dịch được hoàn hảo.

Lê Ngọc Thảo

Kuala Lumpur, tháng 6, năm 2007

[1] Nitobe Inazo (1862-1933): Tiến sĩ nông nghiệp, tiến sĩ pháp chính học, tiến sĩ văn học, nhà văn hóa tầm cỡ của Nhật Bản ở cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Sinh ra ở Morioka (vùng đông bắc Nhật Bản) vào năm 1862, sau khi tốt nghiệp trường Nông học Sapporo, ông đi du học ở Mỹ và Đức. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ như giáo sư Đại học Kyoto, hiệu trưởng trường Ikko (Đại học Tokyo ngày nay), Phó Tổng thư kí Hội Quốc Liên v.v. Ngoài “Võ sĩ đạo” ông còn có tác phẩm “Tu dưỡng” v.v. Ông mất năm 1933 ở Canada. (Hình ông hiện được in trên giấy bạc 5.000 Yên của Nhật Bản).

Lời người dịch (cho lần xuất bản năm 2011)

Ngày 11 tháng 3 năm 2011 một trận động đất kinh hoàng 1.000 năm một thuở với cường độ 9 độ richter đã xảy ra ở ngoài khơi vùng biển đông bắc Nhật Bản, thuộc Thái Bình Dương. Đồ đạc văng gãy tứ tung, nhà cửa xiêu vẹo đổ nát. Nhiều người bị đè bẹp, những người may mắn còn sống sót chưa kịp hoàn hồn thì không đầy mười lăm phút sau sóng thần giăng trắng ngoài khơi từng đợt tràn vào, có nơi cao hơn bờ đê chắn sóng gần 20 mét. Xe ô tô ở bãi đậu bị đẩy trôi như đồ chơi trẻ nít. Nhà cửa răng rắc sụp đổ và những người không kịp thời chạy lên những vùng đất cao bị sóng lùa theo dòng nước. Người thoát nạn không kịp mang theo một món đồ gì ngoài manh áo dính thân. Họ lần lượt tụ về những nơi tị nạn ở những vùng đất cao. Bi kịch chưa từng thấy đã được tivi truyền chiếu trước mắt mọi người qua lăng kính của những người vừa thoát nạn.

Trước đó cũng từng có những trận động đất lớn ở Indonesia hay ở Tahiti. Màn ảnh tivi đã cho thấy những cảnh hỗn loạn khi lánh nạn và hình ảnh cướp bóc vì đói khát.

Chắc mọi người trên thế giới đang theo dõi điều gì sẽ xảy ra ở Nhật sau trận động đất kinh hoàng này. Nhưng thật bất ngờ, sau cơn ác mộng, tuy nước mắt có rơi vì bị mất người thân, bị mất nhà cửa nhưng không có cảnh la gào thảm thiết, không có cảnh hỗn loạn xảy ra. Hình ảnh cướp bóc vì đói khát cũng không có. Một ngày sau đó, hiện trên tivi hình ảnh những người lánh nạn xếp thành hàng dài trước cửa hàng thực phẩm với số lượng hàng hóa ít ỏi còn sót lại, đợi đến lượt mình. Có người đến lượt mình thì hàng đã hết. Họ chỉ lắc đầu tủi cho số phận không may của mình. Chính phủ và các cơ quan từ thiện đã hành động nhanh chóng trong việc chi viện, nhưng không thể nào đáp ứng đầy đủ nhu cầu vì số người bị nạn quá đông. Những người không mua được thực phẩm chỉ được phát một nửa nắm cơm cho một bữa ăn. Những người nhận thức ăn cúi đầu cảm ơn, không thấy ai có lời phàn nàn. Tuy mọi người đều đói khát nhưng có thể thấy trong số người lánh nạn có người đã nhường phần ăn của mình cho trẻ nhỏ và người già yếu. Những hành động của người Nhật đã làm cho cả thế giới kinh ngạc. Điều gì đã tạo nên phẩm chất của người Nhật như thế này?

Không hề đơn giản để có một câu trả lời về hành động của người Nhật. Nhưng nếu bạn có dịp sống ở Nhật Bản có lẽ phần nào bạn có thể hiểu được đây là những hành động tất nhiên của người Nhật. Có thể nói sự trầm tĩnh đáng ngạc nhiên của người Nhật trước thiên tai là một truyền thống. Phải chăng đó là một biểu hiện của đức tính “dũng khí” trong võ sĩ đạo, một đức tính của các samurai xưa. Dũng khí được đề cao và được hiểu (ở trạng thái tĩnh) với nghĩa là lúc nào cũng tỉnh táo, không hốt hoảng sợ sệt khi ra chiến trận hay khi gặp thiên tai.

Bằng cách nào người Nhật có thể tiếp nối truyền thống của cha ông mình khi mà ngày nay từ mẫu giáo cho đến trung học phổ thông, không có môn học nào về thần đạo hay võ sĩ đạo cả. Những ý thức đạo đức ngàn xưa của nước Nhật mà đại biểu là những điều ta có thể thấy được trong giáo huấn hành vi của giai cấp võ sĩ vẫn còn ẩn hiện qua những bài học về xã hội ở học đường hoặc trong gia đình. Tỉ dụ như trẻ em được huấn luyện và được khuyến khích phải hành động hợp với lễ nghĩa (cảm ơn khi được giúp đỡ, xin lỗi khi gây hại hay đã làm phiền người khác, cảm thông đối với tình cảm người khác bằng hành vi giúp đỡ người yếu kém hơn mình v.v.). Những đức tính khác như thành thật (trình báo đến nhà trường hay văn phòng cảnh sát khi nhặt được những vật bị đánh rơi v.v.), hoặc trọng danh dự trong cách hành xử v.v. (không được làm những việc có thể hạ phẩm cách của mình như chen lấn, hoặc không xếp hàng ở những nơi cần phải xếp hàng, v.v.) cũng luôn luôn được nhắc nhở. Mọi hành vi sẽ được những người xung quanh (hoặc ở học đường, hoặc trong gia đình.v.v.) kiểm chứng qua hành động cụ thể của mỗi cá nhân.

Người dịch xin được giới thiệu tới bạn đọc bản tác phẩm “Võ sĩ đạo - Linh hồn của Nhật Bản” của tác giả Nitobe Inazo với mong ước giúp bạn đọc có được một cái nhìn khái quát về ý thức đạo đức và cách hành xử của người Nhật ngày xưa (mà giai cấp “võ sĩ” là đại diện) và qua đó ít nhiều hiểu được ý thức đạo đức và hành động của người Nhật ngày nay. Người dịch xin cảm ơn Công ty cổ phần truyền thông Quảng Văn và nhà xuất bản Thời đại đã có nhã ý giới thiệu bản dịch này đến bạn đọc Việt Nam.

Chiba ngày 23 tháng 3 năm 2011

Người dịch: Lê Ngọc Thảo

Lời giới thiệu (Bản tiếng Anh - 1905)

Thể theo yêu cầu của nhà xuất bản mà Tiến sĩ Nitobe đã dành cho một chút ít tự do trong việc biên soạn lời tựa, tôi hân hạnh được viết một vài lời giới thiệu bản “Võ sĩ đạo” mới này đến các độc giả Anh ngữ trên toàn thế giới. Thật ra, tôi đã quen biết với tác giả trên mười lăm năm, và ở một chừng mực nào đó, tôi có liên quan đến chủ đề của ông ít nhất cũng được khoảng bốn mươi lăm năm.

Chuyện vào năm 1860, ở Philadelphia (nơi tôi chứng kiến việc hạ thủy kì hạm Susquehanna của Đô đốc Perry vào năm 1847) lần đầu tiên tôi được thấy người Nhật và được gặp những người trong phái đoàn ngoại giao đến từ Edo. Tôi đã có ấn tượng hết sức mạnh mẽ về những người ngoại quốc này, nguyên tắc hành xử và lí tưởng của họ là võ sĩ đạo. Sau đó, trong khoảng thời gian ba năm ở đại học Rutgers, thuộc thành phố New Brunswick, bang New Jersey, tôi có dịp sinh sống cùng với những thanh niên đến từ Nhật Bản, tôi đã dạy hoặc quen biết họ như bạn học. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau về võ sĩ đạo và tôi đã tìm thấy võ sĩ đạo là đầu đề hết sức hấp dẫn. Trong sinh hoạt của những người mà trong tương lai sẽ là thống đốc, nhà ngoại giao, đô đốc, nhà giáo, hoặc giám đốc ngân hàng, có mùi hương thật dịu của loài hoa thơm nhất từ xứ sở Nhật Bản xa xôi. Đúng vậy, ngay trong giờ phút lâm chung của ít ra cũng trên một người trong số những người đã yên nghỉ trong những nấm mồ ở nghĩa địa Willow Grove, cũng có mùi hương này. Tôi không bao giờ quên một samurai trẻ, tên là Kusakabe, khi được mời đến chỗ có nghi thức tế lễ cao quí nhất, với hi vọng to lớn nhất, trong lúc hấp hối đã trả lời rằng “Dẫu tôi có biết đến Chúa Jesus của anh, tôi không thể chỉ dâng cho ngài cặn bã của đời tôi”. Vâng, tôi cảm thấy hoàn toàn đồng ý với những gì mà bạn tôi, Charles Dudley Warner đã viết trước đó trong bài “Biện bác giấu diếm của nhà truyền giáo” khi chúng tôi thảo luận về đạo đức và lí tưởng, hoặc trong những lúc nói đùa vui vẻ ở bàn ăn khi so sánh sự vật của Nhật và Mỹ, hoặc trong lúc chơi thể thao, hay “trên bờ đê của con sông cũ Raritan”. Ở một vài điểm, qui phạm về đạo đức và lễ nghĩa tuy có khác nhau, nhưng đó chỉ là khác biệt ở điểm hay ở tiếp tuyến, chớ không phải là khác biệt kiểu nhật thực hay nguyệt thực. Một nhà thơ của họ đã viết - có lẽ cả ngàn năm trước - khi đi ngang qua hồ nước, áo của nhà thơ đã chạm vào một cành hoa làm giọt sương đọng trên đó nhỏ giọt lóng lánh trên tay áo gấm, “vì hương thơm của nó, tôi sẽ không phủi giọt sương trên tay áo”. Thật ra, tôi vui mừng như ếch được ra khỏi đáy giếng, cái giếng chỉ khác với nấm mồ về chiều dài. Vì, so sánh không phải là sinh mệnh của kiến thức và học vấn hay sao? Trong nghiên cứu về ngôn ngữ, đạo đức, tôn giáo, phép tắc lễ nghi, thì đúng là “kẻ chỉ biết một là kẻ không biết gì cả”.

Tôi được đến Nhật Bản vào năm 1870 với tư cách một nhà giáo khai sáng, nhằm giới thiệu phương pháp và tinh thần của hệ thống giáo dục công cộng của nước Mỹ, nhưng tôi hết sức vui mừng vì được rời khỏi thủ phủ để đến Fukui, một tỉnh trong vùng Echizen (vùng đất ở khoảng giữa đảo Honshu, sát liền với biển Nhật Bản, ND), được tận mắt nhìn thấy chế độ phong kiến nguyên chất đang vận hành. Tôi đã quan sát võ sĩ đạo không phải như một sự việc ngoại lai mà ở chính vùng đất sản sinh ra nó. Trong đời sống hằng ngày, qua cha-no-yu (nghệ thuật uống trà, ND), ju-jutsu (nhu thuật, ND), hara-kiri (mổ bụng, ND), qua cách phủ phục lễ phép sát chiếu hay gập mình thật sâu ở ngoài đường, qua phép tắc về đao kiếm và đi đứng, tất cả những cách chào hỏi ung dung và cách thức ăn nói trịnh trọng, những qui phạm về nghệ thuật và cư xử, cùng với việc xả thân của người vợ, của tôi tớ, và của con trẻ, tôi hiểu ra rằng võ sĩ đạo đã thành tín điều phổ biến và tập quán cư xử hằng ngày của tất cả giai cấp thượng lưu sống trong thành thị và ở địa phương. Đó là trường học sống động của tư tưởng và sinh hoạt, ở đó thiếu niên, thiếu nữ đều được huấn luyện như nhau. Tôi đã nhìn bằng con mắt của mình những gì mà Tiến sĩ Nitobe đã thừa hưởng như một di sản, đã hít vào mũi mình và viết về nó một cách tao nhã và mạnh mẽ, với sự am hiểu sâu xa, với cái nhìn rộng rãi, thấu đáo. Chế độ phong kiến của Nhật Bản “đã biến mất ra ngoài tầm nhìn” của người biện hộ tin ở nó nhất và có năng lực giải thích về nó nhất. Đối với ông ấy, đó là mùi hương phảng phất. Đối với tôi đó là “cây và là hoa của ánh sáng”.

Nhờ tôi đã sống dưới chế độ phong kiến, mẹ đẻ của võ sĩ đạo, và chứng kiến cái chết của nó, cho nên tôi có thể trở thành nhân chứng nói rằng tất cả những điều mà Tiến sĩ Nitobe miêu tả, nay vẫn là sự thật về bản chất và những phân tích và tổng quát hóa của ông là trung thực. Với ngọn bút tài tình của mình, ông đã tái hiện màu sắc của bức tranh phản ánh lộng lẫy văn học Nhật Bản trong một ngàn năm. Võ sĩ đạo đã tiến hóa và trưởng thành trong thời gian một ngàn năm, và tác giả đã ghi lại một cách đáng yêu những tinh hoa trang điểm con đường mà hàng triệu đồng bào cao quí của ông ta đã dẫm lên.

Nghiên cứu phê phán chỉ khiến cảm giác của chính tôi về năng lực và giá trị của võ sĩ đạo đối với quốc dân Nhật Bản sâu xa hơn. Ai muốn hiểu Nhật Bản của thế kỉ hai mươi thì cần phải biết cái rễ của nó trong mảnh đất quá khứ. Bây giờ không chỉ người ngoại quốc mà ngay chính người Nhật hiện nay cũng không thể thấy, nhưng nhà nghiên cứu sẽ hiểu được kết quả của ngày hôm nay từ sức mạnh được tích tụ trong những thời đại đã qua. Nhật Bản ngày nay đào lấy động lực cho chiến tranh và hòa bình của mình từ những lớp đất do ánh sáng mặt trời xa xưa tạo nên. Tất cả những cảm giác về tinh thần của những người được võ sĩ đạo nuôi dưỡng vẫn bén nhạy. Cục kết tinh đã tan mềm trong tách, nhưng hương thơm ngọt ngào vẫn tiếp tục làm vui lòng người. Nói ngắn gọn, võ sĩ đạo đã tuân theo điều luật cao hơn do Người mà chính người giải thích của nó đã cung kính và nhìn nhận là Chúa phát biểu - “Một hạt lúa mạch rơi xuống đất, nếu không chết thì cứ nằm ở đó một mình; nhưng nếu chết thì hãy sinh thêm nhiều hạt”.

Tiến sĩ Nitobe đã lí tưởng hóa võ sĩ đạo ư? Tốt hơn là chúng ta nên hỏi, nếu không làm như vậy ông có chịu được không? Ông gọi mình là “bị cáo”. Ở bất cứ giáo lí, tín điều, và hệ thống nào, thí dụ và giảng giải sẽ thay đổi cùng với sự bành trướng của lí tưởng. Sự điều hòa được tích tụ dần và từ từ đạt được. Đó là một nguyên tắc. Võ sĩ đạo không bao giờ tới được mục tiêu cuối cùng. Võ sĩ đạo đã quá sôi nổi, và cuối cùng nó đã chết nhưng chết trong vẻ đẹp và sức mạnh. Xung đột giữa chuyển động của thế giới và chế độ phong kiến của Nhật Bản - cái tên mà chúng tôi dành cho những sự kiện và những ảnh hưởng dồn dập sau khi Perry và Harris đến Nhật - đã không làm cho võ sĩ đạo biến thành một xác ướp, mà vẫn là một linh hồn còn sống. Võ sĩ đạo đúng thật là tinh thần đầy sức sống của nhân loại. Thế rồi cái nhỏ sẽ được cái lớn ban phước. Theo những tiền lệ cao quí của mình, Nhật Bản đã tiếp nhận và sau đó đã đồng hóa những điều tốt nhất mà thế giới cung hiến mà không làm mất cái tốt nhất trong lịch sử và văn minh của mình. Nhờ đó Nhật Bản đã thành nước duy nhất có cơ hội ban phước cho châu Á và nhân loại và Nhật Bản đã đường đường nắm bắt cơ hội này - “phạm vi càng rộng, càng mạnh hơn”. Ngày nay, Nhật Bản không chỉ đem hoa lá, tranh ảnh, và những vật đẹp đẽ khác của mình làm cho vườn hoa, hoặc nghệ thuật, hoặc nhà cửa của chúng ta có được những “trò tiêu khiển trong chốc lát hay là thắng lợi vĩnh viễn”, mà Nhật Bản còn đến với chúng ta với hai tay đầy những tặng vật của khoa học tự nhiên, của vệ sinh công cộng, hay những bài học về hòa bình và chiến tranh.

Luận giải của tác giả trong quyển sách này không phải chỉ là lời biện hộ hay khuyên bảo dành cho bị cáo, mà tác giả còn có khả năng chỉ bảo chúng ta với tư cách là người dự ngôn, là gia chủ khôn ngoan biết nhiều việc mới và cũ. Không ai ở Nhật Bản có thể bằng tác giả trong việc kết hợp nhịp nhàng những giáo huấn và thực hành của võ sĩ đạo với cuộc sống và sinh hoạt, với lao động và công việc, với sự khéo léo của đôi tay và ngòi bút, với canh tác đất đai và khai hóa linh hồn. Là người lớn lên và thành danh trong Nhật Bản cũ, tiến sĩ Nitobe đích thực là một người đã tạo ra Nhật Bản mới. Ở Đài Loan, vùng đất mới của Nhật Bản, cũng như ở Kyoto, tiến sĩ được biết như là một học giả, một người thực hành, tinh thông khoa học tối tân và học thức tối cổ.

Quyển sách mỏng về võ sĩ đạo này không chỉ là một thông điệp quan trọng đến những quốc dân thuộc hệ Anglo - Saxon. Đây còn là một cống hiến đáng chú ý đối với việc giải quyết vấn đề lớn nhất của thế kỉ này - sự hòa hợp và thuần nhất giữa Đông và Tây. Xưa nay có nhiều nền văn minh: trong một thế giới tốt đẹp hơn sắp tới, chỉ nên có một nền văn minh. Danh từ Đông phương và Tây phương, cùng với ý nghĩa đầy ngu dốt và vô lễ đối với nhau, dần dần trở thành những cái của quá khứ. Nhật Bản giờ đây đã dần dần có tác động như một thế lực không thể cưỡng được, một vế trung gian đủ tài năng điều hòa giữa trí tuệ và chủ nghĩa tập đoàn của Á châu, giữa sức mạnh và chủ nghĩa cá nhân của Âu - Mỹ.

Tinh thông học vấn cổ kim, có tri thức sâu rộng về văn học thế giới, tiến sĩ Nitobe chứng tỏ mình thích hợp tuyệt diệu với việc làm này. Ông đích thực là người giảng giải và là người hòa giải. Ông không cần vả lại ông cũng không biện giải thái độ của mình đối với Chúa, người mà ông đã trung thành đi theo từ lâu. Học giả quen thuộc với con đường của Thánh Linh, với lịch sử của nhân loại được người Bạn Tuyệt Đối của con người dẫn dắt, sẽ phải phân biệt đâu là lời dạy của đấng Sáng Lập và những kinh điển chính gốc, với đâu là những thêu dệt thêm bớt của giáo hội, của dân tộc, hoặc để hợp lí hóa. Giáo lí cho rằng mỗi dân tộc đều có “Cựu ước”, theo ám chỉ trong lời tựa của tác giả, là lời dạy của Chúa người đã đến không phải để phá hoại mà là để thi hành trọn vẹn giáo lí này. Ngay ở Nhật Bản, nếu đạo Cơ đốc tháo gỡ hình dáng và bao bì ngoại quốc của mình, từ bỏ việc mình là tác phẩm dị quốc thì chắc chắn sẽ bám rễ sâu xuống lòng đất nơi võ sĩ đạo đã trưởng thành. Cởi bỏ những thứ như dây thắt lưng và quân phục ngoại quốc, giáo hội Cơ đốc chắc chắn sẽ thành không khí, biến thành cái của bản xứ.

William Elliot Griffis

Ithaca, tháng 5 năm 1905


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx