sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 01

Chương I: VÕ SĨ ĐẠO, MỘT HỆ THỐNG ĐẠO ĐỨC

Võ sĩ đạo là loài hoa cố hữu của đất nước chúng tôi, giống như hoa anh đào là biểu trưng của Nhật Bản. Hoa này cũng không phải là vật mẫu khô cằn của đạo đức cổ xưa, được giữ trong bảo tàng cây cỏ khô của lịch sử. Hiện tại, võ sĩ đạo vẫn là đối tượng sống động của sức mạnh và vẻ đẹp trong lòng chúng tôi. Và tuy không hiển hiện thành hình thành dạng, võ sĩ đạo vẫn toả hương trong không gian đạo đức và ngày nay vẫn tiếp tục cảm hóa sâu đậm chúng tôi. Môi trường xã hội sinh đẻ và nuôi dưỡng nó đã tiêu mất từ lâu. Nhưng giống như những ngôi sao xa xôi ngàn xưa mà nay tuy không còn thấy nữa, vẫn tiếp tục chiếu sáng trên đầu chúng ta; ánh sáng của võ sĩ đạo, đứa con của chế độ phong kiến, đã vượt qua thời đại để còn tiếp tục soi sáng con đường đạo đức cho chúng tôi. Thật thú vị cho tôi được khảo cứu vấn đề này bằng tiếng mẹ đẻ của Burke (chính trị gia kiêm nhà văn của Anh quốc 1729-1797, ND), người trước đây đã có lời ai điếu cảm động nổi tiếng, khi kị sĩ đạo, mô hình võ sĩ đạo ở châu Âu, bị chôn xuống huyệt trong lãnh đạm của người đời.

Buồn thay, khi một học giả bác học như Tiến sĩ George Miller vì thiếu kiến thức liên quan đến Viễn đông, đã không ngần ngại khẳng định rằng “Kị sĩ đạo, hoặc một chế độ giống như thế, không hề có ở những dân tộc cổ đại và cũng không có ở Á đông hiện đại”. (Trong “History Philosophically Illustrated”, 3rd ed. 1853, Vol.II.p2) Tuy nhiên sự dốt nát này có thể tha thứ được vì tác phẩm của Tiến sĩ tốt lành này đã được in lần thứ ba vào năm Đô đốc Perry[1] gõ cửa quốc gia bế quan tỏa cảng của chúng tôi. Mười mấy năm sau, Karl Marx bằng cách viết trong “Tư bản luận”, đã kêu gọi độc giả chú ý đến ý nghĩa đặc biệt của chế độ phong kiến hiện chỉ còn sống sót ở Nhật Bản trong việc nghiên cứu những định chế chính trị và xã hội của chế độ phong kiến khi chế độ phong kiến của chúng tôi sắp cáo chung. Cũng giống như thế, tôi muốn khuyến khích những nhà nghiên cứu lịch sử và luân lý Tây phương hãy nghiên cứu võ sĩ đạo ở Nhật Bản hiện nay.

[1] Mathew Calbraith Perry: Đô đốc Perry đã dẫn hạm đội Đông Ấn của Mỹ đến Nhật vào năm 1853, đưa thơ của Tổng thống Mỹ yêu cầu Mạc phủ Nhật Bản mở cảng biển thông thương.

Nghiên cứu lịch sử nhằm so sánh chế độ phong kiến giữa Âu châu và Nhật Bản, so sánh kị sĩ đạo với võ sĩ đạo, đúng là một đề tài hấp dẫn, nhưng bài viết này không có mục đích đi sâu vào vấn đề này. Điều tôi muốn nói ở đây thứ nhất là gốc và nguồn của võ sĩ đạo; thứ hai là đặc tính và giáo dục của nó; thứ ba là sự cảm hóa của võ sĩ đạo đối với mọi người; thứ tư là ảnh hưởng liên tục và lâu dài của nó. Điều thứ nhất sẽ được trình bày một cách ngắn gọn, nếu không thì độc giả sẽ bị dẫn vào ngõ hẹp quanh co trong lịch sử Nhật Bản. Điều thứ hai sẽ được nêu rõ hơn về cách suy nghĩ và cách hành động của chúng tôi, đây là điều mà các nhà nghiên cứu luân lý và phong tục quốc tế quan tâm vào bậc nhất. Phần còn lại sẽ được trình bày tùy theo mức độ cần thiết.

Chữ võ sĩ đạo trong tiếng Nhật mà tôi đã tạm dịch là Chivalry, về ngữ nguyên, có nhiều hàm ý hơn chữ Horsemanship (thuật cưỡi ngựa, tinh thần thượng mã, ND). Võ sĩ đạo có nghĩa đen là đạo (con đường) của võ sĩ, đạo mà võ sĩ cần phải giữ trong đời sống hằng ngày cũng như trong khi thi hành chức vụ. Nói một cách khác, đó là nguyên tắc của võ sĩ, là nghĩa vụ của giai cấp võ sĩ. Vì có ý nghĩa như thế nên tôi muốn được phép dùng nguyên ngữ “võ sĩ đạo” ở đây. Dùng nguyên ngữ còn có một lí do tiện lợi khác. Vì đây là một giáo huấn độc đáo khác thường, nó đã tạo ra nhân cách và lối suy nghĩ hết sức đặc biệt, lại có tính địa phương rất mạnh, nên cần phải đưa tính đặc dị của nó ra phía trước. Kế đó, về ngôn ngữ, vì đây là tiếng nói mang nặng đặc thù dân tộc tính nên một dịch giả thật giỏi đi nữa cũng khó tìm ra được một dịch ngữ tương ứng. Vì thế không nên tìm kiếm một dịch ngữ không tương ứng để rồi mãi không bằng lòng. Tiếng Đức, chữ “Gemuth” có ai dịch thật đúng được không? Có ai không cảm thấy có sự khác biệt giữa chữ Gentleman trong tiếng Anh và chữ gentilhomme trong tiếng Pháp?

Như đã nói ở phần trước, võ sĩ đạo là qui phạm đạo đức của võ sĩ, võ sĩ được chỉ dạy và bị đòi hỏi phải tuân thủ. Nhưng đây không phải là qui phạm thành văn. Có đi chăng nữa, nó cũng chỉ gồm có một vài cách ngôn được truyền miệng hoặc được truyền lại từ ngòi bút của một vài võ sĩ hoặc một vài học giả nổi tiếng. Phần lớn đó là qui phạm không lời và bất thành văn, nó là luật pháp được khắc trong con tim của võ sĩ, chính vì thế cho nên càng thực hành, nó càng có hiệu lực mạnh mẽ. Nó không phải là tư tưởng được sáng tạo bằng một cái đầu ưu tú, cũng không phải là thứ được tạo ra dựa theo cuộc đời của một nhân vật nổi tiếng nào đó. Nó từ từ phát triển và được hình thành dần trong cuộc sống của võ sĩ qua hàng chục, hàng trăm năm. Địa vị của võ sĩ đạo trong lịch sử đạo đức có lẽ cũng giống như địa vị của hiến pháp Anh quốc trong lịch sử chính trị. Nhưng võ sĩ đạo không có gì để so sánh với Magna Charta[2] (Đại hiến chương, ND) hay với Habeas Corpus Act[3] (Sắc lệnh bảo hộ thân người, ND). Thật ra, luật nhà võ (Buke Hatto) (năm 1615, ND) được công bố vào đầu thế kỉ thứ 17. Luật này có 13 điều, chủ yếu qui định những việc liên quan đến sách lược hôn nhân, thành trì, liên minh v.v. và những qui chế đạo đức tuy cũng được nói đến nhưng rất sơ sài. Vì thế chúng tôi không thể chỉ ra rõ được là ở đâu và vào lúc nào, để có thể nói rằng “đây là nguồn gốc của nó”. Bắt đầu được ý thức trong thời đại phong kiến, cho nên về thời gian, có thể nói võ sĩ đạo đã phát sinh cùng lúc với chế độ phong kiến. Nhưng chế độ phong kiến là chế độ được đan bằng nhiều đường chỉ (quan hệ, ND) dọc ngang, và giống như thế, võ sĩ đạo cũng chia sẻ tính chất phức tạp đó. Chế độ phong kiến ở Anh quốc được cho là đã nẩy nở trong thời đại bị Normandie[4] chinh phục. Ở Nhật Bản có thể nói rằng chế độ này được sinh ra khi Yoritomo (1147-99) giành được bá quyền, tức khoảng cuối thế kỷ 12. Tuy nhiên, cũng giống như những yếu tố xã hội của chế độ phong kiến ở Anh quốc đã có từ xưa, trước khi bị vua William chinh phục, ở Nhật Bản, mầm mống của chế độ phong kiến cũng đã có trước thời kỳ nói trên khá lâu.

[2] Magna Charta (Đại hiến chương): được công bố vào năm 1215 ở Anh Quốc, buộc nhà vua phải hủy bỏ một số quyền hạn và phải tôn trọng thủ tục pháp luật. Bản hiến chương này là bước đầu dẫn đến việc thành lập hiến pháp về sau.

[3] Habeas Corpus Act (Sắc lệnh bảo hộ thân người): Sắc lệnh cấm việc bắt bớ, bỏ tù trái phép.

[4] Vào thế kỉ thứ 11, Hầu tước William xứ Normandie (miền bắc nước Pháp) đã chinh phục Anh quốc, lập ra vương triều Norman. Chế độ phong kiến của Anh quốc bắt đầu từ đó.

Ở Nhật Bản cũng như ở châu Âu, khi chế độ phong kiến được chính thức thành lập, giai cấp võ sĩ chuyên nghiệp tự nhiên trở thành có thế lực. Họ được biết với cái tên “samurai”, chữ này giống như chữ cniht (knecht, knight) trong tiếng Anh xưa, có nghĩa là vệ sĩ hay người tùy tùng, có tính chất giống như soldurii được Caesar[5] nói là có ở địa phương Aquitania, hoặc giống như comitati mà theo Tacitus là bộ hạ của tù trưởng người German vào thời ông ta; hay, để đối chiếu với nhân vật ở đời sau, có thể gọi họ là milites midii thấy trong lịch sử trung cổ ở châu Âu. Tiếng Hán - Nhật “buke” (võ gia) hay “bushi” (võ sĩ) cũng thường được dùng để chỉ những người này. Họ là giai cấp có đặc quyền, bản chất là những người thô bạo, lấy chiến đấu làm nghề nghiệp của mình. Giai cấp này bao gồm những người được gạn ra một cách tự nhiên từ những người táo bạo, can đảm nhất trong một thời kỳ lâu dài luôn có chiến tranh, trong thời gian đó quá trình gạn lọc diễn tiến, kẻ yếu đuối, hèn nhát bị loại bỏ, chỉ có những “kẻ thô bạo, đầy nam tính, có sức mạnh như dã thú” theo như lời của Emerson (nhà văn, nhà thơ người Mỹ 1803-82, ND), còn sống sót đã tạo ra những dòng họ và giai cấp “samurai”. Những người này với tư cách giai cấp samurai có đặc quyền và danh dự lớn lao, tự giác với trách nhiệm của mình. Họ cảm thấy sự cần thiết phải có một tiêu chuẩn hành động chung, nhất là đối với kẻ có lập trường luôn phải chiến đấu, và lại là thành viên của những dòng họ khác nhau. Giống như y sĩ, dùng đạo đức nghề nghiệp để hạn chế cạnh tranh, hoặc như luật sư, phải ra trước hội đồng thẩm vấn trong trường hợp vi phạm điều lệ của hội; võ sĩ cũng thế, họ cũng cần phải có những qui ước để kiềm chế nghiêm khắc những hành động phản đạo đức.

Tỉ dụ như cách nói “đường đường đánh nhau” có dấu hiệu đạo đức hết sức phong phú nằm trong cách diễn tả sơ khai có vẻ man rợ và trẻ nít đó. Phải chăng đây là đạo đức căn bản cho cả văn lẫn võ. Chúng ta cười những ước mơ có vẻ trẻ nít của cậu bé người Anh tên Tom Brown[6], rằng cậu ta muốn “để lại cho đời sau tên mình như là một người không bao giờ ăn hiếp trẻ nhỏ, hoặc không bao giờ quay mặt đi khi gặp kẻ mạnh” (tưởng chừng như là ta đã qua rồi cái tuổi có những ước mơ đó). Thế nhưng, phải chăng ước mơ này chính là nền móng để cho những kiến trúc đạo đức vĩ đại có thể được dựng lên trên đó? Nói rộng hơn, những tôn giáo ôn hòa, yêu hoà bình nhất, chắc sẽ tán thành uớc mơ của cậu bé này. Mơ ước của Tom là nền tảng trên đó Anh quốc vĩ đại được xây dựng lên, và không cần phải mất thì giờ để khám phá ra rằng võ sĩ đạo cũng đứng trên một nền tảng không thua kém gì. Những tín đồ Quaker[7] cho rằng chiến đấu thì dẫu là tấn công hay là phòng thủ đều là xấu xa và tàn bạo, thế nhưng chúng ta vẫn có thể nói giống như Lessing (nhà văn, triết học gia người Đức 1729-91, ND) rằng “chúng ta biết rằng khuyết điểm dẫu có lớn lao nhưng đức hạnh của chúng ta đã nẩy mầm từ đó”. Đối với những người thật thà, lành mạnh, từ “nham hiểm” và “nhút nhát” là những tiếng có tính sỉ nhục nhất. Cuộc sống thời ấu thơ bắt đầu với những khái niệm như thế đó. Võ sĩ cũng giống như thế. Tuy nhiên, khi sinh hoạt trở thành rộng lớn hơn, quan hệ với xã hội nhiều ra, người ta sẽ tìm sự thừa nhận từ quyền uy cao hơn và tìm đến những nguồn gốc hợp lý hơn để chứng minh cho lòng tin lúc thiếu thời, để thỏa mãn và phát triển hơn nữa. Nếu mục đích chỉ nhắm vào những lợi hại quân sự mà không có một qui chuẩn đạo đức cao hơn làm nền tảng thì lí tưởng của võ sĩ chắc đã rơi vào một chỗ nào đó xa xôi đối với võ sĩ đạo. Ở châu Âu, đạo Cơ Đốc đã diễn giải một cách nhân nhượng có lợi cho kị sĩ đạo. Tuy nhiên đạo Cơ Đốc đã đưa được những yếu tố tâm linh vào kị sĩ đạo. Liên quan đến việc này, nhà thơ Lamartine (người Pháp 1790-1869, ND) đã nói “Tôn giáo cùng chiến tranh và danh dự là ba linh hồn của một kị - sĩ - cơ - đốc hoàn hảo”. Ở Nhật Bản, cũng có một số yếu tố là nguồn gốc của Võ sĩ đạo.

[5] Ceasar (102 trước CN-44 trước CN): Quân nhân, chính trị gia lỗi lạc của La Mã. Ceasar là nhà độc tài đã chuyển Cộng hoà La Mã sang thành Đế quốc La Mã.

[6] Tom Brown: Nhân vật chính trong tiểu thuyết “Tom Brown chơi bóng bầu dục ở học đường” của nhà văn Thomas Hughes.

[7] Quaker: Tổ chức tôn giáo được thành lập ở Anh vào thế kỉ thứ 17, có chủ trương ôn hòa và chân thật.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx