sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 17 (Hết)

Chương XVII: TƯƠNG LAI CỦA VÕ SĨ ĐẠO

Ít có so sánh lịch sử chí lí giữa kị sĩ đạo của Âu châu và võ sĩ đạo của Nhật Bản. Nếu những gì xảy ra trong lịch sử sẽ được lập lại, thì số phận của võ sĩ đạo chắc chắn sẽ giống hệt như số phận của kị sĩ đạo. St. Palaye cho rằng vì đặc biệt và có tính địa phương nên kị sĩ đạo đã suy vi. Dĩ nhiên những lí do này không thích ứng với điều kiện của Nhật Bản. Thế nhưng, những lí do rộng lớn hơn và tổng quát hơn trong thời trung cổ và hậu trung cổ đã khiến kị sĩ và kị sĩ đạo dần dần diệt vong, chắc chắn cũng là nguyên nhân đang dần dần làm võ sĩ đạo suy vi.

Sự khác biệt rõ ràng giữa kinh nghiệm lịch sử của Âu châu và của Nhật Bản là ở Âu châu khi kị sĩ đạo bị chế độ phong kiến dứt sữa, và được giáo hội Cơ đốc nuôi nấng, kị sĩ đạo đã có một đời sống mới. Ngược lại, Nhật Bản không có tôn giáo to lớn đủ để nuôi nấng võ sĩ đạo. Vì vậy khi mẹ đẻ, tức là chế độ phong kiến mất đi, võ sĩ đạo bị bỏ lại thành cô nhi, phải tự mình lo liệu. Tổ chức quân sự ngày nay với đầy đủ trang bị có thể đặt võ sĩ đạo dưới sự bảo hộ của mình, nhưng như chúng ta biết, chiến tranh ngày nay hầu như không có chỗ để võ sĩ đạo tiếp tục lớn mạnh. Thần đạo, vú nuôi của võ sĩ đạo khi còn thơ ấu, nay đã già. Thánh hiền của Trung Quốc cổ đại lần lần nhường chỗ cho những trí thức mới lên, kiểu như Bentham và Mill[1]. Những lí thuyết đạo đức có khuynh hướng khoái lạc được phát minh và đưa ra dùng, theo gót khuynh hướng bài ngoại và háo chiến của thời đại, được nghĩ là theo đúng yêu cầu ngày nay. Nhưng ngay ngày nay chúng ta chỉ nghe có những tiếng nói chát chúa vọng lại qua những cột báo hạng nhì.

Nhiều thế lực và quyền lực đã cùng nhau dàn trận chống lại võ sĩ đạo. Ông Veblen nói: “Dưới con mắt của những người mẫn cảm, sự suy vi của lễ nghĩa - hay nói một cách khác, sự tầm thường hóa đời sống - trong gia cấp lao động, đã trở thành một trong những tệ hại chính của văn minh đương đại”. Trào lưu không ngăn cản nổi của chủ nghĩa dân chủ đắc thắng, không cho phép hình thức hay hình thái nào của liên hiệp độc lập về tinh thần tồn tại. Và võ sĩ đạo lại là một liên hiệp độc lập về tinh thần, quyết định đẳng cấp và giá trị của tính chất đạo đức, do những người độc chiếm kho vốn liếng về văn hóa và trí tính, tổ chức. Vì thế trào lưu của chủ nghĩa dân chủ, một mình nó cũng có thể làm chìm mất mọi dấu tích của võ sĩ đạo. Những thế lực hiện tại của xã hội không dung dưỡng tinh thần giai cấp hẹp hòi, và kị sĩ đạo, như Freeman phê bình sắc bén, là một tinh thần giai cấp. Xã hội hiện đại, nếu muốn tiến đến một sự thống nhất nào đó, sẽ không thể chấp nhận “bày ra những nhiệm vụ hoàn toàn có tính cách cá nhân dành cho lợi ích của giai cấp đặc quyền (trong “Norman Conquest”, vol. V, p.482)”. Thêm vào đó là sự phát triển của giáo dục phổ thông, của kĩ thuật công nghiệp, của giàu sang và đời sống đô thị, - giờ đây, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng những lằn chém sắc bén nhất của samurai, những mũi tên nhọn nhất bắn từ những cây cung mạnh nhất của võ sĩ đạo, tất cả đều trở thành vô dụng. Quốc gia được xây dựng trên hòn đá “danh dự”, được danh dự bảo vệ - không biết nên gọi bằng cách nào đây, “quốc gia danh dự” hay là “quốc gia anh hùng” theo như cách gọi của Carlyle? - quốc gia này bây giờ đang nhanh chóng rớt vào tay của những luật sư chuyên cãi bướng, và những chính trị gia miệng lưỡi được võ trang bằng võ khí lí sự cùn. Một tư tưởng gia vĩ đại, liên quan đến Theresa[2] và Antigone[3], đã nói: “Môi trường sản sinh ra những hành vi mãnh liệt của họ đã vĩnh viễn mất rồi”. Câu nói này cũng có thể nói được đối với võ sĩ đạo.

[1] Bentham và Mill: Jeremy Bentham (1748-1832) là triết gia chủ trương chủ nghĩa thực dụng. James Mill là người cộng tác và là thư kí của Bentham.

[2] Theresa (1515-82): Thánh Theresa, người đã tận lực trong việc cải cách tu viện.

[3] Antigone: Con gái của vua Oidipus xứ Thebai. Vua cha vì bị mù nên đã bị cướp ngôi. Antigone đã cùng cha phiêu lãng ra nước ngoài. Khi cha chết, Antigone đã trở về Thebai. Anh của Antigone là Polynices với sự trợ giúp của lân bang, đã đánh Thebai để giành lại ngôi vua, nhưng đã bại trận và bị giết. Antigone đã lén vua chôn thi thể anh mình nên bị buộc tội tử hình. Antigone đã xin vua Creon chôn sống mình cùng với tro xương của người anh.

Ôi! Đạo đức của võ sĩ. Ôi! niềm kiêu hãnh của võ sĩ. Đạo đức ngày xưa được đón tiếp vào thế gian bằng tiếng trống tiếng kèn, giờ đây có số mệnh phải biến mất như “tướng cũng mất, và vua cũng mất”.

Nếu lịch sử có thể dạy cho chúng ta mọi điều thì lịch sử sẽ nói với chúng ta rằng quốc gia được kiến thiết trên đạo đức thượng võ - dù đó là quốc gia đô thị Sparta, hay đế quốc La Mã đi nữa - không bao giờ tạo được một “đô thị vĩnh viễn” trên trái đất này. Bản năng đấu tranh có trong con người, có tính phổ biến và tự nhiên, dầu có sản sinh ra những cảm tính cao thượng, hay những đức tính ra vẻ nam nhi, cũng không thể hình thành một nhân cách trọn vẹn. Còn có một bản năng khác thần thánh hơn núp dưới bản năng đấu tranh - đó là tình thương. Thần đạo, Khổng Tử, Vương Dương Minh tất cả đều dạy điều đó rõ ràng; nhưng võ sĩ đạo và tất cả những hệ thống đạo đức của hình thái vũ lực khác vì phải đối phó với những vấn đề thực tế trước mắt nên thường quên đi việc cần phải xem nặng vấn đề tình thương một cách thích đáng. Đời sống đã trở nên rộng lớn hơn trong thời gian gần đây. Ngày nay, điều đòi hỏi chúng ta phải chú ý là sứ mệnh cao cả hơn, rộng lớn hơn sứ mệnh của võ sĩ. Với cách nhìn rộng lớn về cuộc sống, với sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân chủ, với sự hiểu biết tốt hơn về quốc gia khác, về dân tộc khác, tư tưởng nhân đức của Khổng Tử - chắc cũng cần phải thêm tư tưởng từ bi của Phật giáo, phải không? - sẽ nhân rộng ra, đi đến khái niệm về tình thương của Cơ đốc giáo. Con người đã vượt qua thần dân, tiến đến địa vị của công dân; không, còn cao hơn công dân nữa - là con người. Dẫu có những đám mây chiến tranh đang bao phủ nặng nề trên khắp bầu trời, nhưng tôi tin rằng những cánh chim của thiên sứ hoà bình có thể quạt tan chúng. Lịch sử của thế giới xác nhận lời tiên đoán “kẻ ôn hòa sẽ thừa kế trái đất”. Quốc gia bán chác quyền được hưởng hòa bình của trời cho, rút lui khỏi mặt trận công nghiệp hóa để chuyển sang hàng ngũ xâm lược, thật sự là đã làm một cuộc đổi chác chẳng ra gì.

Tình trạng xã hội đã thay đổi nhiều, không chỉ phản đối mà trở thành thù nghịch đối với võ sĩ đạo. Đúng đây là lúc cần phải chuẩn bị một đám tang danh dự cho nó. Khó nói rõ khi nào võ sĩ đạo sẽ chết mất, giống như đã không biết rõ nó được sinh ra từ hồi nào. Tiến sĩ Miller có nói “kị sĩ đạo đã chính thức bị bãi bỏ vào năm 1559, khi hoàng đế Henri thứ hai của Pháp bị giết trong trận đấu võ”. Với Nhật Bản, sắc lệnh “bỏ phiên lập huyện” (bãi bỏ lãnh thổ của lãnh chúa, thành lập đơn vị hành chính mới là “tỉnh”, ND) được ban bố vào năm 1870 là tín hiệu đánh dấu sự cáo chung của võ sĩ đạo. Năm năm sau, sắc lệnh cấm mang kiếm đã rung chuông tiễn đưa thời đại cũ đi, thời đại của “ân điển không phải trả tiền, quốc phòng với giá rẻ, bảo hộ tình cảm ra vẻ nam nhi và việc làm anh hùng”, và là hồi chuông chào đón thời đại mới vào, thời đại của “những nhà ngụy biện, những kinh tế gia, và những kẻ tính toán”.

Có người bảo rằng Nhật Bản thắng chiến tranh với Trung Quốc (chiến tranh Nhật - Thanh) được là nhờ có súng trường Murata và đại bác Krupp; cũng có người nói chiến thắng này là thành quả của hệ thống trường học cận đại. Nhưng những điều này không đúng được phân nửa sự thật. Có bao giờ một chiếc đàn dương cầm, cho dầu nó đã được những tay nghề khéo léo như Ehrbar hoặc Steinway làm ra, cũng không thể diễn tấu hay ho những bài Rhapsody của Liszt hoặc những bài Sonata của Beethoven mà không cần bàn tay của người diễn tấu? Hoặc, nếu súng có thể thắng trận thì tại sao Louis Napoleon lại không có thể thắng Prussia với những cây súng Mitrailleuse của mình, hay người Tây Ban Nha với những cây súng Mauser lại không thể thắng người Philipine chỉ được vũ trang bằng những cây súng Remington cũ kỹ? Không cần phải lập lại câu nói quá xưa - chính tinh thần đã tạo ra hoạt lực, và những dụng cụ tốt nhất cũng trở thành vô ích nếu không có tinh thần. Súng và đại bác tốt nhất cũng không tự mình bắn được; hệ thống giáo dục hiện đại nhất cũng không thể biến kẻ nhút nhát thành anh hùng. Không! Kẻ thắng những trận đánh ở Áp Lục Giang, ở Triều Tiên, ở Mãn Châu là hồn ma của cha ông chúng tôi, đã dẫn dắt chúng tôi và đánh nhịp trong con tim chúng tôi. Những hồn ma này là những vong hồn hùng dũng của tổ tiên chúng tôi, đã không chết mất. Đối với những người có mắt để nhìn, họ hiện lên rõ ràng. Một người Nhật có tư tưởng tiến bộ nhất đi nữa, khi bị cào da, sẽ lộ nguyên hình là một samurai. Danh dự, dũng cảm và những đức tính khác của võ sĩ là di sản vĩ đại, như giáo sư Cramb đã diễn tả thích đáng là “tài sản mà chúng tôi chỉ được quyền gìn giữ, nó là bổng lộc vĩnh viễn của tổ tiên đã mất và của con cháu về sau mà không ai có thể cướp mất được”. Vì thế sứ mệnh hiện tại của chúng tôi là giữ gìn di sản này, không để tinh thần cổ lai mất đi, dẫu chỉ một chữ hay một nét; và sứ mệnh trong tương lai là mở rộng phạm vi ứng dụng tinh thần này vào trong mọi hành động, mọi quan hệ của đời sống.

Hệ thống đạo đức của Nhật Bản phong kiến đã sụp đổ thành tro giống như những thành quách và vũ khí của nó. Nhưng, có dự đoán rằng hệ thống đạo đức mới sẽ nổi lên như chim phượng hoàng, dẫn dắt Nhật Bản đến con đường tiến bộ. Và dự đoán này đã được chứng minh bằng những việc xảy ra trong nửa thế kỉ vừa qua. Tôi tin rằng sự thành tựu của lời dự đoán này vừa là điều mong muốn và cũng là điều có thể thực hiện được. Nhưng không nên quên rằng chim phượng hoàng được sinh ra và bay lên từ đóng tro tàn của mình, nó không phải là chim di cư, cũng không phải nó bay bằng cách mượn cánh của kẻ khác. “Xứ trời ở trong lòng ngươi”. Xứ trời, không phải là chỗ đến được bằng cách lăn xuống núi, dẫu núi có cao mấy, và cũng không thể đến được được bằng cách vượt qua biển dẫu biển có rộng mấy. Kinh Coran có nói “Thượng đế ban cho mỗi dân tộc một đấng dự ngôn (đấng tiên tri) nói tiếng của dân tộc đó”. Những hạt giống của xứ trời có ở trong lòng người Nhật và được người Nhật hiểu rõ, đã khai hoa trong võ sĩ đạo. Nhưng buồn thay, trước khi kết trái đầy đủ, giờ đây thời đại của võ sĩ đạo lại sắp chấm dứt. Và chúng tôi quay sang mọi hướng để tìm kiếm những nguồn khác của vẻ xinh tươi và sự sáng chói, của sức mạnh và sự an ủi, nhưng giờ đây không tìm ra được thứ nào có thể thay chỗ cho võ sĩ đạo. Triết lí được, thua của những người theo chủ nghĩa thực dụng hay của những người theo chủ nghĩa vật chất được những người cãi bướng mất hết nửa linh hồn yêu thích. Cơ đốc giáo là một hệ thống đạo đức khác duy nhất, đủ sức đương đầu với chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa vật chất. Nếu đem việc này ra so sánh, phải thú nhận là, võ sĩ đạo giống như một tim đèn cháy lờ mờ sắp tắt. Nhưng đức cứu thế đã tuyên bố là không dập tắt nó mà sẽ quạt cho nó thành lửa. Giống như những nhà dự ngôn tiền nhiệm Hebrew, đặc biệt giống với Isaiah, Jeremiah, Amos, và Habakkuk, võ sĩ đạo đã đặt trọng điểm ở hành vi đạo đức của những người thống trị, cũng như công chức và của dân tộc. Ngược lại, đạo đức của Cơ đốc giáo hầu như chỉ đặt trọng điểm ở cá nhân và những gì liên quan đến tín đồ nên phạm vi ứng dụng trong thực tế sẽ rộng lớn hơn khi cá nhân chủ nghĩa bành trướng thế lực, với tư cách là một yếu tố của đạo đức. Cái gọi là đạo đức chủ nhân có tính tự kỉ trung tâm của Nietzsche có nhiều điểm giống với võ sĩ đạo, nhưng nếu tôi nghĩ không lầm thì đó là một hiện tượng có tính quá độ hoặc là sự phản động nhất thời đối với cái ông ta gọi, với sự méo mó bệnh hoạn, là đạo đức nô lệ có tính khiêm tốn và tự kỉ phủ định của người Nazarene.

Cơ đốc giáo và chủ nghĩa vật chất (kể cả chủ nghĩa thực dụng) - hoặc, tương lai sẽ đưa chúng về lại hình thái cũ xưa hơn của chủ nghĩa Hebrew và chủ nghĩa Hy Lạp hay không? - hai chủ nghĩa này sẽ chia thế giới ra làm hai. Hệ thống đạo đức nhỏ hơn sẽ liên kết với một trong hai để tồn tại. Võ sĩ đạo sẽ liên kết với bên nào đây? Trong võ sĩ đạo, không có một giáo lí hay một hình thức nào cần phải cố thủ, vì thế một ngày nào đó, thực thể của nó có thể sẽ biến mất. Giống như hoa anh đào, rơi rụng theo luồng gió đầu tiên buổi sáng. Nhưng sự tiêu mất hoàn toàn nhất định không phải là số phận của nó. Có ai dám nói chủ nghĩa khắc kỉ đã mất rồi không? Là một hệ thống, đúng là nó đã mất, nhưng nó vẫn còn sống như một đức tính. Sức mạnh và sức sống của nó vẫn còn thấy được ở mọi ngõ ngách của đời sống - trong triết học của những quốc gia phương Tây, trong pháp luật của thế giới văn minh. Không những thế, nơi nào con người còn phấn đấu để nâng cao mình lên, nơi nào mà linh hồn còn cố gắng để làm chủ thể xác, thì ở đó chúng ta sẽ thấy qui luật bất diệt của Zeno còn hoạt động.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. – gác nhỏ cho người yêu sách.]

Là một qui định luân lí độc lập, võ sĩ đạo có thể sẽ tiêu tan, nhưng sức mạnh của nó sẽ còn mãi trên trái đất. Trường dạy về vũ dũng, về danh dự công dân có thể sẽ bị phá hủy; nhưng sự sáng chói và vinh quang sẽ vượt qua đổ nát để tồn tại lâu dài. Giống như hoa anh đào, tượng trưng của võ sĩ đạo, dẫu có bị gió bốn phương làm rơi rụng, nó sẽ ban phước cho con người với hương thơm của nó, làm đời sống con người phong phú hơn. Ngàn đời sau, khi tập quán của nó bị chôn vùi và tên tuổi của nó bị quên lãng, “đứng lại mà ngắm” sẽ thấy mùi hương của nó bồng bềnh trong không khí trên ngọn đồi xa xôi mút mắt, như câu thơ của một thi sĩ Quaker.

“Du khách cảm mùi thơm

Không biết từ đâu đến

Dừng chân bên mé lộ.

Trời cao, một lời nguyền”.

HẾT

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên

Du Ca – Mint

(Duyệt – Đăng)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx