sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 16

Chương XVI: TINH THẦN VÕ SĨ ĐẠO VẪN CÒN SỐNG MÃI?

Sự xâm nhập như vũ bão của văn minh phương Tây trên đất nước chúng tôi đã quét sạch mọi tàn tích của qui phạm có từ xưa hay không?

Thật là đau buồn nếu linh hồn của một dân tộc có thể mất nhanh. Nếu quá dễ dàng ngã quỵ trước ảnh hưởng ngoại lai như thế, thì quả thật đó là linh hồn nghèo nàn.

Hình thể tập hợp của những yếu tố tâm lí tạo nên dân tộc tính dính chặt với dân tộc tính giống như “vi cá, mỏ chim, răng của động vật ăn thịt, những thứ không thể tách rời khỏi những loài vật đó”. Trong quyển sách gần đây (The Psychology of People, p.33), đầy những khái quát hoa mĩ và những quả quyết nông cạn, ông Le Bon đã viết: “Những khám phá dựa vào trí thức, là di sản chung của nhân loại, nhưng sở trường hay sở đoản trong đặc tính của mỗi dân tộc là di sản chỉ có ở dân tộc đó. Những di sản này cứng như nham thạch, dẫu có dùng nước rửa ngày rửa đêm hằng mấy thế kỉ đi nữa, cũng chỉ có thể làm mòn được những chỗ gồ ghề ở mặt ngoài”. Đây là câu nói mạnh mẽ và đáng được suy nghĩ nếu thật sự có những sở trường và sở đoản của đặc tính tạo nên di sản riêng biệt cho mỗi dân tộc. Trước khi Le Bon bắt đầu viết sách khá lâu, những học thuyết có tính cách công thức loại này, được trình làng nhưng đã bị Theodor Waitz (học giả về tâm lí và nhân chủng người Đức, 1821-64, ND) và Hugh Murray làm cho cứng họng. Trong quá trình nghiên cứu những đức tính lần lượt được võ sĩ đạo chỉ dạy, chúng tôi đã lấy những điển cố châu Âu ra để so sánh và kiểm chứng, nhưng chúng tôi không thấy có đặc tính nào là di sản riêng biệt chỉ có ở võ sĩ đạo. Đúng là khi những đặc tính của đạo đức kết hợp lại, nó sẽ cho ra một hình thể hết sức độc đáo. Đó là tập hợp mà Emerson gọi là “kết quả phức hợp mà các phân tử toàn là những sức mạnh vĩ đại”. Thế nhưng ông triết gia Concord (ở đây chỉ Emerson vì Emerson xuất thân ở Concord, (tiểu bang Philadelphia Mỹ), ND) này đã không xem đó là di sản riêng của một dân tộc, hay của một quốc dân như Le Bon đã nói, mà cho rằng “đó là yếu tố liên kết những nhân vật có thế lực nhất trong mỗi quốc gia, làm cho họ hiểu nhau và đồng cảm lẫn nhau; và yếu tố đó rành mạch đến độ mọi người không cần phải dùng những phù hiệu kiểu Mason mà vẫn có thể cảm nhận được ngay tức khắc”.

Những đặc tính mà võ sĩ đạo đã đóng ấn lên trên dân tộc chúng tôi, đặc biệt đối với samurai, tuy không thể nói là đã thành “yếu tố không thể thiếu được đối với chủng tộc,” nhưng sức sống mà nó có thì thật rõ ràng. Giả thử cho dầu võ sĩ đạo chỉ là một sức mạnh vật lí, nhưng vận động lượng mà nó tích tụ được trong khoảng thời gian bảy trăm năm qua, có muốn chặn lại gấp cũng không được. Và cho dù võ sĩ đạo chỉ được thừa kế do di truyền đi nữa, ảnh hưởng của nó chắc chắn đã lan tràn rộng rãi. Theo cách tính của M. Cheysson, nhà kinh tế học người Pháp, giả thử trong một thế kỉ có ba thế hệ thay đổi thì “trong mạch máu của mỗi người chúng ta ít ra cũng có máu huyết của hai mươi triệu người sống ở năm 1000 Tây lịch”. Người nông phu nghèo nàn đào xới đất đai, “còng lưng vì gánh nặng của thế kỉ”, có trong huyết quản của mình máu huyết của nhiều thời đại, và hắn không chỉ là anh em của trâu ngựa mà cũng là anh em của chúng ta.

Võ sĩ đạo đã thôi thúc dân tộc và cá nhân chúng tôi bằng một sức mạnh vô hình, khó cưỡng. Yoshida Shoin (1830-59), một trong những người tiên phong oanh liệt nhất của Nhật Bản hiện đại, trong đêm trước ngày bị xử hình, đã ngâm hai câu thơ dưới đây, như một tự thú chân thành của dân tộc.

“Biết việc mình làm sẽ dẫn đến tử lộ.

Hồn Yamato nào dừng lại được đâu”.

Võ sĩ đạo, tuy không được trang bị về hình thức, đã và hiện nay vẫn là tinh thần hoạt động và là động lực của dân tộc.

Ông Ransome (thi nhân người Mỹ, ND) có nói: “Hiện nay ở nước Nhật có ba Nhật Bản cùng tồn tại cạnh bên nhau, - một Nhật Bản cũ xưa chưa hoàn toàn biến mất; một Nhật Bản mới, về mặt tinh thần, chỉ vừa mới được sinh ra; và một Nhật Bản ở thời kì quá độ, đang phải kinh qua những thống khổ quyết định vận mạng của mình”. Nhiều điểm trong câu nói này rất đúng đối với những chế độ cụ thể, rõ rệt, nhưng cần phải sửa đổi đôi chút khi áp dụng vào những quan niệm đạo đức căn bản; vì võ sĩ đạo, kẻ tạo lập và là sản phẩm của Nhật Bản cũ, vẫn là nguyên lí có tính chỉ đạo đối với Nhật Bản trong thời quá độ và sẽ cho thấy đó là sức mạnh tạo ra một thời đại mới.

Những chính trị gia đang lèo lái Nhật Bản trong trận cuồng phong phục cổ vương triều và trong cơn lốc duy tân quốc gia, là những người chỉ biết những giáo huấn đạo đức của võ sĩ đạo. Gần đây có một vài tác giả ngoại quốc đã tìm cách chứng minh rằng những nhà truyền giáo Cơ đốc đã có những đóng góp to lớn trong việc kiến thiết một Nhật Bản mới. Tôi vui lòng trao tặng danh dự cho những ai có danh dự đó; nhưng thật ra khó có thể trao danh dự này cho những người truyền giáo tốt lành. Tôi nghĩ những người truyền giáo nên tuân thủ giáo huấn trong thánh thư rằng “hãy quy danh dự về người khác” thì có lẽ sẽ hợp với chức vụ của họ hơn là mang ra những đòi hỏi không có bằng chứng làm hậu thuẫn. Đối với tôi, tôi tin rằng những người truyền giáo Cơ đốc đang tận lực cho những sự nghiệp to lớn của Nhật Bản trong lãnh vực giáo dục, đặc biệt trong việc giáo dục đạo đức, nhưng những hoạt động về tâm linh tuy đích xác nhưng có vẻ thần bí và vẫn còn ẩn mình trong vòng bí mật của thần thánh. Những sự nghiệp của các nhà truyền giáo chỉ có ảnh hưởng gián tiếp. Không, cho đến nay, hầu như không thấy các nhà truyền giáo Cơ đốc có cống hiến vào việc hình thành tính cách của một Nhật Bản mới. Không, dẫu sao đi nữa, chính võ sĩ đạo, thuần túy và đơn thuần, đã kích thích chúng tôi. Hãy nhìn thử tiểu sử của những nhân vật đã tạo ra nước Nhật Bản mới như Sakuma (1811-64), Saigo (1827-77), Okubo (1830-78), hay Kido (1833-77), và cũng không cần phải nói đến những chuyện do những nhân vật hiện còn sống kể lại, như Ito (1841-1909), Okuma (1838-1922), Itagaki (1837-1919) v.v. các bạn sẽ thấy những người này suy nghĩ và hành động do sự thúc giục của võ sĩ đạo. Henry Norman, sau khi quan sát và nghiên cứu Viễn đông, đã nói rõ rằng Nhật Bản có một điểm duy nhất khác với các quốc gia chuyên chế Á đông là “những điều nghiêm khắc nhất, cao cả nhất, chính xác nhất trong những qui tắc về danh dự mà nhân loại đã nghĩ ra được từ trước đến nay, có uy thế chi phối trong quốc dân”. Đây là câu nói đề cập đến nguyên động lực kiến thiết nước Nhật Bản mới như ngày nay và cũng là nguyên động lực đưa Nhật Bản đạt đến số phận được định trong tương lai.

Sự biến hình của Nhật Bản là sự thật mà tất cả thế giới đều biết. Đương nhiên có rất nhiều động lực thúc đẩy trong việc làm nên sự nghiệp to lớn này, nhưng nếu được hỏi đâu là động lực chính, thì chắc mọi người sẽ không do dự mà bảo rằng đó là võ sĩ đạo. Khi đất nước chúng tôi mở cửa thông thương với ngoại quốc, khi chúng tôi cải thiện sinh hoạt ở mọi mặt, khi chúng tôi bắt đầu học hỏi chính trị và khoa học phương Tây, nguyên động lực mang tính chỉ đạo của chúng tôi không phải là việc khai thác tài nguyên vật chất, cũng không phải là việc làm tăng của cải, và không cần phải nói đó cũng không phải là việc bắt chước một cách mù quáng những phong tục phương Tây.

Người đã quan sát tường tận các dân tộc và chế độ ở Á Đông đã viết:

Chúng ta luôn nghe việc châu Âu đã ảnh hưởng đến Nhật Bản như thế nào mà quên mất rằng sự thay đổi của đảo quốc này là điều hoàn toàn có tính tự phát. Không phải châu Âu đã chỉ dạy Nhật Bản, nhưng chính Nhật Bản đã tự mình học hỏi phương pháp tổ chức của châu Âu, về dân sự cũng như về quân sự, và điều này đã tạo ra thành công cho đến ngày hôm nay. Mấy năm trước đây, người Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu đại bác của châu Âu, giống như vậy, người Nhật đã nhập khẩu khoa học cơ khí của châu Âu. Nói đúng ra đó không phải là ảnh hưởng”. Và ông Townsend (nhà báo, 1831-1911, trong “Asia and Europe”, p.28, ND) viết tiếp, “và nếu không thể nói là Anh quốc đã chịu ảnh hưởng của Trung Quốc vì đã nhập khẩu trà từ Trung Quốc thì tôi xin hỏi những tông đồ, những triết gia, những chính trị gia, hoặc những kẻ giật dây nào của châu Âu, kẻ nào đã cải tạo Nhật Bản?”.

Ông Townsend đã có một nhận thức trác tuyệt rằng nguyên động lực tạo ra sự biến đổi của Nhật Bản nằm trong người Nhật Bản; và nếu ông đi sâu hơn trong việc quan sát tâm lí của người Nhật, với sự quan sát sắc bén của ông, chắc chắn ông sẽ dễ dàng nhận ra rằng nguyên động lực đó chính là võ sĩ đạo. Nghĩa là lòng trọng danh dự đã khiến người Nhật không thể chịu đựng được việc bị coi rẻ như một thế lực nhược tiểu - và đó là động cơ mạnh mẽ nhất. Những đắn đo về tiền bạc hay về công nghệ hóa lần lần được đánh thức trong quá trình chuyển đổi của quốc gia.

Tác động của võ sĩ đạo ngày nay vẫn còn rõ ràng mà người không chú tâm cũng có thể biết được. Chỉ cần liếc nhìn sinh hoạt của người Nhật cũng đã rõ. Nếu đọc những tác phẩm của Hearn (tên Nhật là Koizumi Yagumo, ND), người diễn giải trung thực nhất và hùng biện nhất về tâm tình của người Nhật, thì sẽ biết được rằng những hoạt động trong con tim người Nhật mà ông miêu tả chính là hoạt động của võ sĩ đạo. Lễ nghĩa phổ biến trong dân gian được mọi người biết đó là di sản của võ sĩ đạo, không cần phải nói lại. “Bọn Nhật lùn” (tuy ngày nay đã cao lớn, ND) nhưng có sức chịu đựng về thể xác, có nghị lực và dũng cảm, điều này đã được chứng minh đầy đủ trong chiến tranh Nhật - Thanh. “Có dân tộc nào có lòng trung quân ái quốc hơn người Nhật không?” là câu hỏi được nhiều người hỏi; và chúng tôi có thể hãnh diện trả lời là “Không có”. Chúng tôi phải cảm ơn võ sĩ đạo.

Mặt khác, phải công bình nhìn nhận rằng võ sĩ đạo có trách nhiệm lớn về những khuyết điểm và sở đoản có trong tính cách của người Nhật. Dân tộc chúng tôi thiếu một triết học sâu xa - mặc dù trong lãnh vực nghiên cứu khoa học có một số người trẻ nổi danh trên thế giới, nhưng không có ai có cống hiến trong lãnh vực triết học - vì chế độ giáo dục của võ sĩ đạo lơ là với việc huấn luyện về hình nhi thượng. Cảm giác về danh dự có trách nhiệm đối với tình cảm cực đoan và tính chất dễ trở thành quá khích của dân tộc chúng tôi. Nếu dân tộc chúng tôi có tính tự tôn tự đại như một số người ngoại quốc phê phán, thì đó cũng là do ở sự quá trớn, có tính cách bệnh hoạn của lòng trọng danh dự.

Khách ngoại quốc khi đi du lịch Nhật Bản thường thấy có nhiều người trẻ đầu tóc bù xù, ăn mặc lếch thếch, tay cầm sách hay gậy to, đi nghênh ngang ngoài đường phố với vẻ chẳng để ý gì đến việc thế tục. Đó là thư sinh. Trái đất này quá nhỏ và vòm trời này cũng không đủ cao đối với hắn ta. Hắn có thuyết của riêng mình về vũ trụ và nhân sinh. Hắn sống trong lâu đài lơ lửng trên không trung và thường ăn những câu nói sâu xa về trí tuệ. Ánh mắt hắn sáng ngời ánh lửa của tham vọng; lòng hắn khát khao trí thức. Nghèo túng chỉ là kích thích đẩy hắn tiến tới, của cải trong thế gian dưới mắt hắn chỉ là những thứ trói buộc phẩm tính. Hắn là hoá thân của lòng trung quân ái quốc, là người tự cho mình có trách nhiệm giữ gìn danh dự quốc gia. Hắn là một mảnh vỡ cuối cùng của võ sĩ đạo với tất cả mĩ đức và khuyết điểm.

Ảnh hưởng của võ sĩ đạo vẫn còn mạnh và cắm rễ rất sâu, nhưng như tôi đã trình bày, sự cảm hóa này đã trở thành câm lặng và vô ý thức. Khi những quan niệm mà chúng tôi đã kế thừa bị đánh động, con tim của dân tộc chúng tôi sẽ phản ứng ngay tức khắc, với bất kì lí do gì. Vì thế, quan niệm về đạo đức dẫu có giống nhau nhưng nếu được diễn tả bằng một thuật ngữ mới sẽ có hiệu lực khác hẳn với trường hợp được diễn tả bằng một từ ngữ có trong võ sĩ đạo cũ. Có một tín đồ Cơ đốc xa lánh con đường tín ngưỡng, mục sư đã cố gắng khuyên bảo hắn nhưng vẫn không thể cứu hắn ra khỏi khuynh hướng sa ngã. Khi mục sư nói đến lòng trung nghĩa, nghĩa là lòng thành mà hắn đã thề với chúa quân, hắn đã cải tâm quay về với tín ngưỡng. Chữ “trung nghĩa” đã làm sống lại tất cả những tình cảm cao quí mà hắn có, được trở thành ấm áp. Có một đám học sinh bướng bỉnh ở một trường cao đẳng nọ, đã tiếp tục gây ồn ào không chịu học trong một thời gian dài vì bất mãn đối với một thầy giáo, nhưng những học sinh này đã giải tán với hai câu hỏi đơn giản của thầy hiệu trưởng. “Thầy của các em có phải là một nhân vật có phẩm giá hay không? Nếu phải, các em phải tôn trọng thầy và giữ thầy ở lại trường. Hay, thầy của các em là một con người yếu đuối? Nếu vậy thì việc đẩy một người đang ngã, nào phải là việc làm của đấng mày râu đâu”. Việc phiền hà này bắt đầu từ việc thầy giáo thiếu khả năng về khoa học, nhưng nếu so sánh với vấn đề đạo đức mà thầy hiệu trưởng đã đưa ra, việc đó không còn quan trọng nữa. Sự cách tân đạo đức ở cường độ lớn có thể được thành tựu bằng cách kích thích những tình cảm đã được võ sĩ đạo hàm dưỡng.

Một nguyên nhân của sự thất bại trong việc truyền giáo là phần đông những người truyền giáo hoàn toàn không biết lịch sử của chúng tôi. Có người nói “cần gì phải để ý đến lịch sử của bọn dị giáo”. Kết quả là họ đã tách tôn giáo của họ ra khỏi những cách thức suy tư mà chúng tôi và tổ tiên chúng tôi đã quen thuộc hằng mấy thế kỉ. Chế nhạo lịch sử của một quốc gia à? Họ không biết rằng, quá trình của bất cứ dân tộc nào, ngay những thổ dân lạc hậu nhất không có kí lục ở châu Phi, cũng có một trang trong lịch sử tổng quát của nhân loại, do chính tay thượng đế viết. Đó là trang giấy cũ đầy ám hiệu mà con mắt thông thái có thể đọc và lần mò ra được những dấu tích của ngay cả những chủng tộc đã bị diệt vong. Trong con tim có triết lí và sùng đạo, nhân chủng là những kí hiệu mà thượng đế đã vẽ một cách rõ ràng, bằng màu trắng hoặc màu đen giống như màu da của họ. Nếu cách so sánh có thể chấp nhận được, thì giống người da vàng đã tạo ra được một trang quí báu viết bằng chữ tượng hình bằng vàng. Không cần để ý đến quá trình của dân tộc, những nhà truyền giáo chủ trương rằng Cơ đốc giáo là một tôn giáo mới, trong khi đó, theo tôi, đó chẳng qua là một câu chuyện xưa, rất xưa. Nếu câu chuyện này được diễn tả bằng những từ ngữ dễ hiểu, nghĩa là bằng những tự vựng hợp với sự phát triển về đạo đức của một dân tộc, thì chắc chắn sẽ dễ dàng có được chỗ ngụ trong con tim của mọi người, bất kể chủng tộc hay quốc tịch của họ. Đạo Cơ đốc dưới hình thức Mỹ hay Anh - nghĩa là Cơ đốc giáo mang nhiều không tưởng và thị hiếu của chủng tộc Anglo - Saxon hơn là thánh sủng và sự tinh khiết của đức Jesus - chỉ là mầm cây èo uột khó ráp vào gốc cây võ sĩ đạo. Nhà truyền bá đạo mới có nên nhổ cả gốc, rễ, cành lá để gieo hạt giống phúc âm lên mảnh đất đã bị tàn phá hay không? Phương pháp anh hùng này có thể áp dụng được - ở Hawaii. Nơi đó, một giáo hội có tính chiến đấu được cho là đã thành công hoàn toàn trong việc cướp bóc của cải và tiêu diệt thổ dân. Nhưng phương pháp này nhất định hoàn toàn không thể áp dụng được ở Nhật Bản. Không, đó là phương pháp mà chính đức Jesus nhất định không bao giờ áp dụng trong việc kiến thiết vương quốc của ngài trên trái đất này.

Tôi xin đưa ra những lời nói sau đây của một thánh đồ sùng đạo, đồng thời cũng là một học giả uyên thâm (ông Jowett trong “Sermons on Faith and Doctrine”, ND).

“Người ta đã chia thế giới này ra thành người dị giáo và tín đồ Cơ đốc mà không để ý rằng có không biết bao nhiêu điều thiện giấu mình trong kẻ trước và không biết bao cái ác trộn lẫn với người sau. Họ đem chỗ tốt nhất của mình ra so sánh với chỗ xấu nhất của người bên cạnh, so sánh lí tưởng của đạo Cơ đốc với cái hủ bại của Hy Lạp hoặc của Á đông. Họ không muốn vô tư, ngược lại họ vui lòng gom góp tất cả những gì được xem như là điểm tốt của tôn giáo của họ và tất cả những gì có thể dùng để phỉ báng mọi hình thức của tôn giáo khác”.

Tuy có nhiều lỗi lầm về mặt cá nhân, nhưng có điều không thể nghi ngờ được là nguyên lí căn bản của tôn giáo mà họ tin, có một sức mạnh to lớn mà chúng ta cần phải nghiên cứu khi nghĩ đến tương lai của võ sĩ đạo. Thời gian dành cho võ sĩ đạo hình như chẳng còn bao nhiêu. Có những điềm xấu ở trên không, báo trước tương lai của võ sĩ đạo. Không phải chỉ có điềm xấu, nhiều thế lực ghê gớm đang dần dần có hành động hăm dọa võ sĩ đạo


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx