sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tango Trần - Yêu Đôi Khi Không Lời

Gió lùa về se se lạnh, cái rét đêm chuyển mùa đông xuân xứ này hẳn rõ hơn nơi nào hết. Trên đoạn đường nhỏ men đến nhà cô Tịnh, giữa màn đêm yên bình nghe thật rõ tiếng lách tách rả rích cả đêm mưa. Lách cách, ô cửa sổ cứ kêu rên khó nhọc mỗi khi mưa gió làm gầy guộc thêm tuổi tác của ngôi nhà ven biển. Tường Lam nhỏm dậy, rón rén bước từng bước thật khẽ để không làm cô Tịnh thức giấc. Cô rót một cốc nước sắn dây còn ấm, bước đến bên cửa sổ vừa hé mở, nhìn ra màn đêm tờ mờ sáng và ngẫm nghĩ. Vậy ra mình về miền biển này đã được ba hôm rồi. Khí hậu duyên hải vào lúc thời tiết chuyển mùa thì dù sớm trời hay tối đêm, Tường Lam đều phải mặc áo khoác len dày, loại mà cô vốn tưởng chỉ có đi Đà Lạt mới phải đắp vào người. Trời độ sáu giờ sáng, trên mỗi ngóc ngách từ con đường đến những khu vườn đều còn lóng lánh màu sương, Tường Lam đã theo cô Tịnh ra biển. Cô hứng thú với lao động thường ngày của người dân vùng biển cả, cô quan sát mọi người cùng hô hào nhau kéo từng mẻ lưới thật to lên nền cát trải dài. Không khí sớm mai nơi đây thật ồn ào và nhộn nhịp, chợ ven biển buổi sáng luôn tấp nập dân địa phương buôn bán hải sản tươi sống, những cần xé to nào mực nào tôm. Tường Lam giục cô Tịnh mua những con hào thật to còn mình thì tha hồ gom vào túi ni lông những con tôm càng to hơn hai ngón tay cái trong khi chúng còn nhảy lạch bạch trên mâm.

Quá ngọ, Tường Lam muốn theo cô Tịnh ra xưởng nước mắm thay vì ở nhà một mình. Tường Lam sống ở nước ngoài học tập nhiều năm nên với cô tất cả mọi thứ nơi đây thật gần gũi, con người thì bình dị, khác cái phố thị Sài Gòn ngột ngạt. Những gì cô trông đợi nhất ngày về lại là những điều khiến cô không vui. Tường Lam từ nhỏ sống với bà nội, sau khi bố và mẹ cô ly thân, bà nội muốn giải tỏa căng thẳng tranh giành quyền nuôi con giữa họ nên đã quyết định nuôi nấng cô đến khi cô có thể tự đưa ra lựa chọn cho riêng mình. Nguyện ước của bố Tường Lam là con gái mình sẽ phát huy sự nghiệp mà ông gây dựng bấy nhiêu năm qua. Thế nhưng vừa xuống sân bay, thấy ngột ngạt bởi nhịp độ quá dày đặc của Sài Gòn, cô bèn xin phép về thăm cô Tịnh vài hôm rồi mới quay về thành phố tiếp nhận công việc. Xưởng nước mắm của cô Tịnh khá nhỏ, nơi đây chỉ cung cấp nước mắm cho dân địa phương, cô Tịnh nói hai phần ba cư dân Hòn Rơm - Phan Thiết là mối ruột, xưởng luôn đảm bảo sản xuất đủ để cung cấp nước mắm trong hàng tháng ròng cho họ, nghe đến đấy Tường Lam rúc rích cười hỏi, thế con nên để chữ “nhỏ” trong ngoặc kép cô nhỉ? Cô bé là thế, trong mắt cô Tịnh thì Tường Lam vẫn bé bỏng tinh nghịch như ngày nào.

Cô Tịnh chỉ cho Tường Lam xem họ làm thế nào để sản xuất ra một chai nước mắm nhĩ nguyên chất, cô xin cô Tịnh cho phép mình làm thử, đoạn đứng huơ tay múa chân, lúng túng nhìn cô Tịnh chỉ và giải thích cách làm. Bỗng cô xoay người sang một bên và vô tình đụng cái rầm phải một anh chàng lực lưỡng đang khuân thùng các tông to trên vai. Tường Lam luống cuống xin lỗi nhưng anh ta đã bước đi một mạch. Cô quay ngoắt lại nói riêng với cô Tịnh.

- Sao mà anh ta im thin thít không phản ứng gì hết, cháu xin lỗi mà cứ cúi mặt lầm lì đi một mạch, cháu đâu cố ý.

Cô Tịnh chỉ cười Tường Lam trẻ con thế.

- Nhân công họ lo làm việc nên không để ý cháu va phải đâu.

Tường Lam không để ý lúc bấy giờ khóe miệng cô Tịnh cười rất tươi. Tham quan xưởng của cô Tịnh xong thì trời đã xế chiều. Từ chỗ này băng qua đường lộ về hướng bờ biển mà ngắm mặt trời lặn thì còn gì bằng. Tường Lam xin phép cô Tịnh đi dạo một vòng biển. Tay cô tung tăng đôi dép lào, thong thả từng bước đếm ngược, cái cảm giác bước lùi khó hơn bước tới rất nhiều nhưng đó lại là điều thú vị, con người thích làm cái khó, thích được thách thức, những điều đó cuốn hút họ hơn những thứ dễ dàng và sẵn đó. Sầm! Lại một lần nữa, cô đụng trúng anh chàng to cao ban nãy chỗ xưởng nước mắm. Cô lại lúi húi xin lỗi, lúc này thấy anh chàng đứng yên không di chuyển, cô mới ngẩng đầu lên. Chao ôi, quả trứng muối tròn vo màu cam đang lửng lơ đường chân trời giáp với biển, sắc trời hoàng hôn hửng vàng ráng chút ánh xanh. Cô tròn xoe mắt tận hưởng quang cảnh trước mắt, cô từng nghĩ một ngày nào đó sẽ có một người dắt tay mình bước đi trên bãi cát dài rồi vòng tay ra sau lưng ôm lấy mình đứng ngắm hoàng hôn. Con gái thì mơ những điều lãng mạn, còn với ai đó đang đứng cùng cô, hoàng hôn chỉ là dấu hiệu một ngày đã tàn. Tường Lam nhắm mắt lại để hít thở khí trời, khi mở mắt ra thì cô chỉ còn thấy bóng dáng anh chàng kia tan dần trên mặt cát mênh mông.

- Hôm nay cô cháu mình có khách! Cháu phải ngoan ngoãn đừng có trẻ con đấy nhé.

Tường Lam cười xòa.

- Cô sẽ nở mày nở mặt cho xem, cháu đã lớn rồi mà.

Tối đó người ghé qua dùng cơm là mẹ con cô Dung, bạn hàng xóm thân thiết của cô Tịnh, hai người luôn giúp đỡ cô Tịnh những hôm cảm mạo trở trời, cô Tịnh thương Tường Lam như con gái ruột thì cũng xem Thường Xuân như con trai của mình. Thường Xuân là một cậu trai to cao với vóc người vạm vỡ, đôi tay rắn chắc rất hợp với nước da ngăm bánh mật, Tường Lam dù muốn hay không cũng phải thừa nhận anh chàng khá điển trai. Còn Tường Lam thì khá nhỏ con, gương mặt bầu bĩnh với ánh mắt biết cười, nhìn cô, dẫu ai đó đang bực tức gì đi nữa thì cũng phải dịu đi phần nào. Mọi người dùng cơm tối và nói chuyện rôm rả, chỉ có Thường Xuân là trầm lặng ít nói. Cô cạy miệng cả buổi, anh chỉ trả lời được mấy từ Đặng Thường Xuân và cảm ơn. Tường Lam chưa kịp đứng dậy dọn dẹp thì anh đã gom chén bát nhanh nhảu, thoáng chốc tất cả được gói gọn trong đôi tay và thân hình to lớn của anh. Tường Lam hỏi cô Tịnh, anh ta có vẻ tường tận mọi ngóc ngách trong nhà cô nhỉ. Cô Tịnh nói mấy tháng trước mình bị tiền đình phải nằm một chỗ tịnh dưỡng, suốt mấy tháng trời Thường Xuân vừa xoay xở việc ở xưởng vừa lo cơm nước cho mẹ rồi chạy ngay sang nhà chăm sóc cô. Tường Lam gật gù, cảm giác của cô về anh cũng rất tích cực mà cô chẳng hiểu vì sao.

Cô Tịnh đến sát bên Tường Lam khoác thêm cho cô một chiếc áo ấm. Cô thở dài, thời tiết bây giờ thật khó đoán, đã vào mùa xuân mà mưa bão vẫn hoành hành.

- Khuya này có người quen đánh xe về Sài Gòn, nhờ cô chuẩn bị sẵn mấy thùng nước mắm ngon. Khổ nỗi cứ để Thường Xuân ngủ lại xưởng nhiều đêm liền chờ những người khách quen ghé lấy hàng, mà ở xưởng những ngày này rất lạnh, không biết thằng Xuân nó có đủ ấm mà ngủ được không.

Tường Lam buột miệng hỏi cô Tịnh.

- Sao Thường Xuân không có cha? Hoàn cảnh anh ấy có giống con không cô?

- Cha của Thường Xuân mới mất năm ngoái thôi, trước đây cả nhà hắn đều giúp việc ở xưởng của cô. Thường Xuân đi nghĩa vụ về từ năm ngoái, nghe cô Dung nói trước đây hắn vui tính lắm và luôn làm cả tiểu đội cười quên luôn một ngày nặng nhọc. Nhưng khi hắn về được tròn tháng thì cha hắn đột ngột mắc bệnh gan rồi qua đời vài tháng sau đó. Từ nhỏ người ta đã gieo vô đầu hắn là hắn khắc cha nên từ ngày cha hắn mất, hắn ít nói hẳn, nụ cười cũng biến mất, hắn chỉ phụ việc ở chỗ cô chứ không có đi đâu hay gặp gỡ ai.

Tường Lam ngớ người khi nghe hoàn cảnh của Thường Xuân. Cô Tịnh phải lay vai gọi cô vào rửa mặt. Ngày hôm sau, cô Tịnh cho Thường Xuân nghỉ ở xưởng để đưa Tường Lam đi chơi.

- Trời hôm nay nắng đẹp anh Xuân hén, mấy ngày nay em về ở đây mưa cả ngày đêm. - Tường Lam hứng thú dang đôi tay đón lấy những hạt nắng đang chiếu vào người.

- Ừmmmm.

- Sáng giờ mình đi được Lầu Ông Hoàng với vườn thanh long rồi. Giờ mình đi hướng này là ra đâu vậy anh?

- Đồi cát.

- Em xem hình trên mạng rồi, nó đẹp và to lắm phải không anh?

- Ừmmmm.

- Từ sáng tới chiều đi chung với anh chẳng khác nào em đi một mình. Anh nói thêm vài từ nữa thì có phải mất tiền không, sao anh tiết kiệm lời nói vậy. Rồi lúc cô Tịnh đau ốm, anh xoay xở cái xưởng thế nào, bán hàng cho khách anh cũng câm như hến vậy à, anh chỉ được cái to khỏe để khiêng vác thôi sao?

Thường Xuân vẫn giữ thái độ im lặng.

- Anh dẫn khách đi tour như vậy thì không làm hài lòng các cô ở nhà đâu nhé, em về chuyến này rồi đi biết khi nào về lại…

- Xin lỗi... được rồi anh sẽ trả lời những gì anh biết.

- Thế giờ mình đang ở đâu, với lại còn bao lâu thì tới đồi cát?

- Đoạn này còn ở khu Hòn Rơm, có nhiều khách sạn lớn, đẹp lắm, còn hai mươi phút nữa mới tới Đồi Cát.

Tường Lam lẩm nhẩm, hóa ra cũng có tiến bộ đấy chứ.

- Đến rồi đến rồi anh Xuân, có phải cái cồn cát cao màu vàng cam ở đằng kia không anh?

- Ừ, nó đấy. Anh chẳng thấy nó to gì cả.

- Lát anh gửi xe rồi leo lên đó với em được không? Em nghe nói người ta có trò trượt cát vui lắm, mà em sợ nên anh phải bảo vệ em an toàn như đã hứa với cô Tịnh đấy nhé.

- Ừ, em đã nói vậy thì anh phải theo thôi, thưa madam.

Tường Lam có chút ngạc nhiên, anh còn biết nói đùa, nói tiếng Pháp nữa chứ, vẫn còn chưa đến nỗi tự kỷ nặng. Cô cười xòa.

Tường Lam và Thường Xuân rất mau chóng bắt được nhịp cùng nhau. Họ hì hục leo lên đỉnh một ngọn đồi cao, chọn cái mặt cát hơi là rồi bước từng chân xuống đụn cát vàng ấm nóng, bước tới đâu, cát vàng lấp cả bàn chân, đổ cả người họ xuống lún cát dày. Tường Lam nhảy cẫng lên la to, vui quá anh Xuân ơi, lại đây leo tiếp bên ngọn kia kìa anh, để coi ai nhanh hơn nha. Cô lấy đà bước một cách nặng nề trên các ụ cát có sẵn dấu chân của những người đi trước đó, tưởng chừng leo lên dễ dàng lắm nhưng thử rồi mới biết nó mệt thế nào. Cô leo lên đến nơi thì thở hì hục, trong khi đó Thường Xuân bước từng bước vững chắc, tấm lưng anh che rạp mặt cát theo ráng chiều. Trong ánh mắt cô ngay lúc này là hoàng hôn đẹp nhất, ánh chiều tà với hình ảnh một người đàn ông đứng sừng sững, những hình ảnh thoáng qua ngỡ như trong giấc mơ cô nhiều năm rồi. Tỉnh lại đi nào, mày đang nghĩ cái gì thế hả Tường Lam. Cô chạy về phía Thường Xuân, lục trong túi có chiếc máy chụp hình đưa cho anh.

- Anh chụp cho em nha, anh đứng yên để em chụp một tấm làm mẫu trước.

Thường Xuân theo hướng dẫn của cô đứng nép một bên khung hình, xa xa phần còn lại là bóng chiều với mặt trời đỏ rực. Tường Lam thích thú với bức ảnh đã chụp, cô đưa máy cho Thường Xuân, bảo, anh phải chụp giống y hệt tấm kia đó nhé. Họ cùng nhau trượt xuống con dốc đồi cao nhất, trời bắt đầu sụp tối, anh đề nghị chở cô về không mọi người ở nhà lại lo lắng. Cô đồng ý hơi miễn cưỡng vì trong lòng niềm vui còn phơi phới. Suốt chặng đường về, cô lại là người không nói gì, Thường Xuân chỉ nghe tiếng cười khúc khích khi cô xem lại những tấm hình trong máy

Hôm sau, mới năm giờ sáng Tường Lam đã dậy rồi, cô Tịnh biết hai đứa đi chơi rất vui nên đã cho phép Thường Xuân đèo cô đi thêm một ngày trước khi cô về lại Sài Gòn. Lần này Tường Lam nói muốn đi ra biển chỗ người ta gọi là Mũi Kê Gà. Thế nhưng thực tế thì cô bắt Thường Xuân đèo mình ra tận biển Ninh Chữ, quãng đường khá xa, nhiều lần cô hỏi Thường Xuân, anh có mệt lắm không, hay mình dừng lại đâu đó uống nước nghỉ một chút rồi hãy đi tiếp nhé. Anh vẫn ráng chạy thêm một quãng xa để tìm một chỗ quán võng tươm tất mới dừng lại. Cô gọi món nước uống có tên là dừa ba nhát. Trời khá nóng nên thứ nước mát lạnh ấy thật làm người đi đường thấy tươi tỉnh hẳn. Họ lại tiếp tục lên đường, lưng áo anh ướt đẫm mồ hôi, cô tự thấy mình dường như khá liều lĩnh khi đòi đi ra cái chốn Ninh Chữ ấy. Cô dậy sớm quá nên bắt đầu buồn ngủ, vài lần cô giật mình khi gục trên vai anh, có lúc cô ngủ gục đến muốn ngã sang một bên, Thường Xuân phải buông một tay lái để chỉnh đầu cô ngay ngắn lại trên vai mình, anh bối rối chẳng biết gọi cô dậy thế nào khi cô cứ mặc kệ anh. Giấc ngủ đã chiến thắng. Thật mừng vì cuối cùng họ cũng đến nơi, anh thở phào nhẹ nhõm khi thấy cô được an toàn, Thường Xuân lâu rồi không cười, mà nay nụ cười phớt nở trên môi anh, bởi một cô bé đáng yêu đang ngủ gục trên tấm lưng anh ngon lành. Cô nhỏm người dậy, vươn tay vươn vai sau một giấc ngủ ngon. Cô mở choàng mắt lắc mạnh vai anh, tới rồi đẹp quá đẹp thật đó anh. Cô vội tháo bỏ đôi giày bata vướng víu chân, chạy một mạch xuống biển, ngồi trên bờ ngắm mọi người đang vui chơi, ngắm một cô gái mái tóc bị gió cuốn rối tung. Anh có đổi hướng nhìn sang bất cứ đâu, khi ngoảnh lại vẫn dễ dàng nhận ra cô gái với mái tóc dài bồng bềnh, Tường Lam. Thường Xuân nằm sóng soài trên bãi cát, mặc trong đầu đang dệt nên những ý nghĩ mông lung. Trời về chiều, vốn nhiều kinh nghiệm sinh sống ở biển, anh đoán sẽ có mưa nên hối thúc Tường Lam lên xe vềlại Hòn Rơm. Cô hằn học nói trời đang đẹp thế này mà sao về sớm thế. Anh một tay gom hết những món đồ linh tinh trên bờ biển, một tay nắm chặt tay cô bước đi thật nhanh. Thường Xuân vừa chạy được nửa chặng đường thì trời chuyển mưa, một đoạn lâu mà không có chỗ trú, càng không có chỗ bán áo mưa. Anh dừng lại, khoác cho cô chiếc áo da của mình, nhìn cô ướt đẫm anh càng thêm lo lắng. Thường Xuân dặn kỹ cô phải ôm anh thật chặt, anh sẽ cố chạy nhanh một chút nhưng phải chắc tay lái vì đường rất trơn. Tường Lam cả người bắt đầu thấm nước mưa, toàn thân lạnh cóng, Thường Xuân lại chạy nhanh nên cái lạnh càng cắt da buốt thịt. Cô nghĩ đến anh, tấm thân anh chắn cả màn mưa phía trước cho cô, có mỗi một chiếc áo khoác anh cũng nhường cho cô, chắc anh đang lạnh lắm. Thường Xuân bấy giờ tự nhiên cảm thấy vòng tay Tường Lam đang siết thật chặt lấy anh, anh lo lắng.

- Tường Lam, em không sao đó chứ?

- Em không sao, em nghĩ ôm chặt một chút anh sẽ đỡ lạnh thôi, anh cứ tập trung chạy xe đi nhé.

Cô trả lời để anh yên tâm. Đến đoạn đường có nhà dân, anh ghé lại một cửa hàng tạp hóa mua cho cô một cái áo mưa tiện lợi, chỉ có một cái, hai người nhường qua nhường lại chẳng ai chịu mặc, thấy vậy cô bán hàng cho hai đứa mượn cái áo mưa của mình, cô ấy nói, nhìn bọn trẻ bây giờ yêu nhau thật đáng ganh tỵ, hai đứa cứ giữ lấy áo mưa của cô mà chạy về không khéo cảm hết cả bây giờ. Thường Xuân nhìn Tường Lam, ánh mắt chạm phải nhau lúc đó về sau ai là người có thể quên?

Về đến nhà, cô Tịnh vội vàng lấy khăn cho Tường Lam lau khô người, lại nấu nước ấm và chuẩn bị sẵn một cốc nước chanh nóng cho cô tắm gội tránh nhiễm cảm. Thế nhưng đến tối thì Tường Lam sốt cao, cô Tịnh lo lắng nên gọi bà nội xuống đón cô sớm. Nửa đêm, Tường Lam vẫn còn mơ màng trong giấc ngủ với cái đầu nặng trịch, cô chỉ nhớ mình còn nghe thoáng tiếng bà và mẹ nói chuyện với cô Tịnh. Ngày hôm sau khi thức dậy, mất vài giây cô mới nhận ra mình đang ở trong phòng riêng, bên trong một ngôi nhà to lớn, cao đồ sộ ở Sài Gòn. Cô nhấc máy gọi cô Tịnh hỏi thăm Thường Xuân có ốm giống cô hay không, cô Tịnh nói Thường Xuân không sao cả, cô chỉ dặn dò Tường Lam giữ gìn sức khỏe. Tối hôm mưa gió đó, khi chiếc xe bốn bánh lăn dần trên con đường lớn, mẹ của Thường Xuân cũng ở trong nhà cô Tịnh, họ lặng lẽ trông theo bóng chiếc xe khuất dần sau ngọn đèn đường rồi nhìn nhau không ai nói một lời.

Ba tháng sau…

Công việc của Tường Lam ở công ty của bố đã đâu vào đó, cô tận dụng hai ngày cuối tuần để về Hòn Rơm thăm cô Tịnh và mẹ con cô Dung. Thế nhưng khi ghé qua nhà cô Tịnh, Tường Lam không thấy cô Tịnh ở nhà, giờ đó chắc cô đang ở ngoài xưởng nước mắm. Tường Lam ghé ngang nhà Thường Xuân thăm cô Dung, trong nhà bấy giờ chỉ có một cụ già, cụ bảo cả nhà cụ dọn về đây được hai tháng rồi, chủ nhà trước đây đã dọn đi. Mọi thứ như chao đảo trước mắt Tường Lam. Những cảm xúc ngày đó vẫn còn trong cô, một người đàn ông bình dị đã che chắn cho cô, người cô tìm kiếm cảm giác được bao bọc và chở che, giờ đây anh ở đâu, Thường Xuân…

Tường Lam phóng lên xe, nhờ bác tài chở ra xưởng của cô Tịnh. Vừa thấy cô từ đằng xa, cô Tịnh hít một hơi thật sâu rồi hồ hởi chào Tường Lam, nhưng không để cô kịp nói gì, Tường Lam đã hỏi vội vàng.

- Cô Tịnh ơi, gia đình cô Dung dọn đi đâu rồi cô?

- Cô Dung có họ hàng ở Sài Gòn nên hai mẹ con lên trên thành phố để đi làm phụ giúp công việc cho họ.

Tường Lam lại hỏi tiếp, cô có biết địa chỉ hay cách liên lạc nào với họ không, thỉnh thoảng con có thể ghé thăm cô và anh.

- Lần trước Thường Xuân đưa con đi chơi về thì con bị sốt rồi về lại Sài Gòn, Thường Xuân nó cũng sốt cả tuần mới khỏi. Cô cũng không biết vì sao họ lại muốn dọn đi. Lần đó cô đi lên thành phố thăm con, về đến đây thì thấy người ta đã dọn nhà tới, cô cũng không biết họ dọn đi đâu vào khi nào.

Tường Lam ngồi phịch xuống ghế, cô cũng không biết vì sao cứ mỗi khi cô trông mong một điều gì đó, kết quả lại luôn khiến cô đau lòng.

Hai năm sau…

Cuộc họp đến đây là kết thúc, tôi cảm ơn tất cả các cô, chú, anh, chị đã nỗ lực hết sức vì sự thành công và phát triển của công ty. Theo kết quả cuộc họp, tôi sẽ ký đơn thăng chức đội trưởng và quản lý trưởng theo danh sách được bầu từ các khu vực. Các cô, chú và anh, chị có thể ra về.

Tường Lam ra khỏi phòng họp, trên tay ôm cả núi giấy tờ, đột nhiên một cảm giác kỳ lạ khiến cô xoay người về hướng cầu thang thoát hiểm, cánh cửa còn đang đẩy qua đẩy lại chưa kịp vào khớp, cô xoay người sang thì đụng phải chú Huy, vừa là phó giám đốc vừa là thân tín của ba cô. Đống hồ sơ rơi xuống đất, chú vội nhặt lên hộ cô, rồi nói:

- Tường Lam, hết quý này chú muốn về hưu sớm, đã có người thân tín để ứng cử vị trí của chú, chắc chắn sẽ phối hợp tốt với cháu. Hồ sơ của cậu ta chú sẽ chuyển cho cháu vào tuần sau nhé.

- Chú sắp xếp để cháu dùng bữa với người được chú đích thân đề bạt nhé.

- Được thôi, cậu ấy đang trong ngày phép, đầu tuần sau chú sẽ sắp xếp để chú cháu mình cùng nhau ăn tối.

- Dạ, cháu chào chú ạ, cháu chuẩn bị về thăm cô Tịnh đây, chú có nhắn gì cho cô ấy không?

- Chú vẫn biết cô khỏe là tốt lắm rồi cháu ạ, cháu đi vui nhé!

Mọi người đều quý trọng và công nhận tài năng lãnh đạo của cô giám đốc trẻ, cô gái ấy vừa được vinh danh Doanh nhân thành đạt Nguyễn Ngọc Tường Lam. Thành đạt không phải điều cô mong chờ nhất, hai năm trôi qua, mỗi khi được nghỉ ngơi, cô đều nhờ bác tài đưa cô ra Hòn Rơm, Ninh Chữ. Vài lần trong số đó, đoạn đường lất phất mưa bay, thấy vài cặp đi xe trên đường ướt sũng vì mưa, người con trai cởi áo khoác mặc thêm cho cô gái, bụi từ đâu lại lọt thỏm vào mắt cô.

Có phải chỉ cần con người không ngừng hy vọng, họ sẽ chờ đợi được điều kỳ diệu? Tường Lam chạy ngang qua xưởng cô Tịnh, hai cô cháu ngồi một lát nói chuyện vui thăm hỏi mọi người ở nhà Tường Lam, cô Tịnh bảo, con ra biển một chút cho thoải mái rồi hẵng về, mai con lại phải đi làm, con giữ sức khỏe nhé, cô sắp xếp lúc nào rảnh sẽ lên chơi lâu với con. Tường Lam thả bộ dọc bờ biển, cô vẫn thích cảm giác bước từng bước ngược. Bỗng sầm, cô đụng phải một thân hình to cao vạm vỡ, cô xin lỗi rối rít, chợt cảm nhận một hơi ấm quen thuộc, cô ngước mặt lên nhìn, phía trước là mặt trời hột vịt muối to tròn, cô vẫn đang nhắm mắt lại và...

Có một bàn tay nhỏ bé lọt thỏm trong một bàn tay vạm vỡ, nắm chặt quá thì sợ em không quen, nơi lỏng thì không đủ để chúng ta hiểu nỗi nhớ dành cho nhau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx