sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5/12

Vương ngồi chồm hổm ở lan can nhà Lụa. Anh thích ngồi kiểu nước lụt và chỉ cho đám trẻ con chơi giữ hơi được lâu. Trước hết là phải chu miệng ra như là đang chơi u nhưng chưa sử dụng đến phát âm thanh quản, khi hạ được đối phương bằng cách đập vào hắn hoặc khi khều chân cứu được bồ tèo thì giả đò u thật lớn, hễ bị đối phương ôm chặt thì u nhỏ lại như lúc đầu, để chờ thời cơ lôi hắn qua vạch vôi thì áp dụng lối u tru tréo lên. Tắt hơi mà vẫn giữ được hơi. Nghệ thuật chơi u là như vậy.

Thằng Tèo nghe anh kết luận mà khâm phục, nó áp dụng ngay với đám thằng Tí.

Tiếng của Lụa làm Vương quay đầu nhìn.

- Chè chín rồi, vào nhà ăn anh.

Vương nhảy phóc xuống đất, đầu anh gần chạm phần trên cửa ra vào. Nồi chè hột me nghi ngút khói. Giá anh là con gái nhỉ. Yếu huyệt của các cô là ăn chè, kem và trái cây. Còn yếu huyệt của các anh là không hảo ngọt.

Vương kéo chiếc ghế mây. Lụa múc chè ra hai cái chén, cô chẻ mái tóc thề bằng hai sợi thun cột, hai búi đen nhánh lúc lắc như hai cái đuôi gà. Lụa coi dễ yêu quá chừng, cô như một con búp bê biết nói, hình như Ðế đã nói với Lụa như vậy, còn bây giờ thì đó là nhận xét của Vương.

- Anh ăn chè là vì Tiểu Muội đó nghe.

- Em biết mà, anh chỉ thích chất cay thôi.

- Anh không phủ nhận điều đó, nhưng không phải lúc nào cũng chỉ có rượu…

- Ðừng làm thơ nữa, anh sẽ bỏ được.

- Bây giờ anh có làm thơ đâu, anh đang ăn chè mà.

Vương vừa nói vừa húp sùm sụp, anh ho sặc lên vì hơi nóng và vì đường.

- Lạy Chúa!

Lụa lấy ra một cái khăn mặt.

- Hiệp sĩ gì mà như con nít. Hư quá!

Vương không dám trả lời, anh đang phải lo lau miệng mình chứ.

- Em đầu độc thi sĩ phải không?

Anh nói mà mặt đỏ au.

Lụa cười khúc khích:

- Em sẽ đầu độc anh suốt đời.

Chao ơi, em nói gì vậy Lụa, lập lại anh nghe coi, em nói mà trái tim em không hề để ý, em nói như khi lặng yên, em hồn nhiên đến nỗi anh phải suy nghĩ, em có biết nói vậy có ý nghĩa là gì không, là nên vợ nên chồng theo kiểu người lớn đó, suốt đời lận mà, sao miệng em dại dột như thế, em đã vô tình bỏ bùa mê thuốc lú anh rồi.

Lần này Vương ăn say sưa, anh bắt Lụa múc thêm chén nữa, “một lời đã biết đến ta, muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau”, Nguyễn Du căn dặn trong thơ như vậy. Anh thấy lòng mình lâng lâng. Chợt Tiểu Muội hét lên, cô vừa nhận được thông tin bí mật của vua giao liên đường hẻm, cu Tí đang rỉ cái gì đó vào tai Lụa.

- Anh ơi, má đi chợ về.

Trời ạ, tên thi sĩ ngưng bật hồn thơ trong đầu, thoắt một cái hắn phóng qua lan can, thoắt một cái nữa hắn đã luồn qua nhà bà Tư ra đầu hẻm. Người đàn bà hàng xóm vừa nhai trầu vừa lắc đầu.

- Cái thằng, quậy dữ!

Chưa đầy mười lăm phút đâu, một chiếc xe đạp mi-ni được dắt ra chỗ hắn. Ai dắt? Còn ai ngoài Tiểu Muội nữa. Cô lại còn ngồi trên yên sau, bỏ trống cái yên trước. Ai sẽ ngồi?

Còn ai ngoài hắn nữa.

Vương đạp xe như bay. Nắng đổ lửa hay mưa xối xả hay gió gào thét đối với anh đều vô ích, thời tiết tự nó đã mất hết ý nghĩa.

Cô gái ơi, anh nhớ em

Như con nít nhớ cà rem vậy mà

Như con dế trống đi xa

Một hôm nhớ đến quê nhà gáy chơi

Con dế thì gáy một hơi

Còn anh gáy hết một thời con trai

tiếng gáy bò lên lỗ tai

làm em nhột suốt một ngày một đêm

2.

Chiếc xe đạp dừng lại ở một xe nước mía, Vương cảm thấy cần phải dừng lại một chỗ nào đó để tiêu hoá hạnh phúc, dù hiện tại anh có thể chạy xe đạp mi-ni với một trăm cây số một giờ.

Lụa một tay chống cằm, một tay khuấy chiếc muỗng trong ly nghịch ngợm.

- Anh nghĩ gì vậy?

- Anh nghĩ điều em đang nghĩ.

- Nói thử nghe ông thầy bói?

- Sự khủng khiếp của má em.

- Hay, nhưng mà má em có uy chứ?

Lần trước gặp bà tự nhiên anh ngán, bà nói “cậu cứ tiếp tục quan hệ lành mạnh, cháu nó mới mười bảy tuổi”.

- Em sắp mười tám tuổi rồi.

- Còn anh sắp hai mươi bảy tuổi, cái tuổi biết sợ mẹ của bất cứ thiếu nữ nào.

- Ghê nhỉ.

Lụa cong môi.

- Lại còn thiếu nữ nào nữa à?

- Không phải, anh đang nói về má em cơ mà.

Lụa múc nuớc mía bằng chiếc muỗng, cô làm như không nghe anh nói, thực ra lúc này thính giác cô nhạy hơn bao giờ hết.

- Anh sợ bà thật đấy!

- Tại sao sợ?

Lụa chất vấn.

- Bởi bà phúc hậu và ngăn nắp quá, anh chưa xứng đáng đóng vai một gã sư huynh. Anh sống bừa bãi lắm.

- Anh mặc cảm với nghề xích lô chứ gì?

- Còn lâu.

Vương bật cười.

- Anh sẽ gặp mặt bà công khai khi đã có một việc làm chính thức, còn đạp xích lô là một nghề nghiệp bất khả kháng, nhưng nó tạo cho anh tính nhẫn nhục.

- Em tin anh.

Lụa ngó vào mắt Thi sĩ, cô biết mình rất là bé bỏng trước người đàn ông này, hắn có thể bế cô nhẹ tênh như một miếng bông gòn, nhưng nhớ kỹ nghe, bông gòn có thể làm rát tim con người đó, phải vậy không Vương?

Bỗng Vương thoáng một chút đắn đo, anh vừa sực nhớ một điều gì quan trọng.

- Này Tiểu Muội…

- Dạ.

- Anh định nghỉ đạp xích lô.

- Chúa ơi, anh đừng ngán má em nữa. Anh lấy gì để sống?

- Có một cơ quan thương nghiệp đánh tiếng nhận anh về.

- Thôi đi anh, mua bán là chuyện của đàn bà con gái.

- Anh biết vậy nhưng anh không ngồi ở quầy, anh đi làm áp tải.

- Áp tải là gì vậy anh?

- Là là…là giống hai đứa mình y hệt, em là một thứ hàng hóa mà cơ quan anh muốn mua, vậy thì anh có nhiệm vụ đến để đem hàng hóa đó ra khỏi nhà, bất chấp sự ngăn cản của thế lực đáng sợ là bà mẹ. Khi anh đã lôi được em ra quán nước mía là anh sẽ làm tròn sứ mạng rồi đó.

- Anh thiệt là quỷ sứ, sao lại ví em là hàng hóa?

- Tiểu Muội khờ ghê, có một tỉ thứ hàng hóa, kim cương cũng là hàng hóa, em là kim cương bất hoại của đời anh.

Hai con mắt Lụa long lanh như hai hột nhãn, cô nói như đứt hơi:

- Anh lúc nào cũng muốn làm thơ hết.

Ngừng một phút,Tiểu Muội đồng ý:

- Nghề áp tải coi bộ cũng hay, em chịu cho anh làm đó.

- Nhưng anh có thể đi vắng nhiều ngày nghe, lỡ lấy hàng ở tỉnh khác thì sao?

- Không, dứt khoát.

Vị quan toà trong Lụa gạt phăng, cô gõ chiếc muỗng xuống bàn. Kẻ bị cáo Thi Sĩ đứng trước vành móng ngựa, anh chấp nhận sự phán quyết.

- Em là thủ trưởng tối cao, anh xin tuân lệnh.

Sau đó ngôn ngữ trở nên thừa thãi giữa hai người. Vương nắm bàn tay Lụa trong tay mình lúc nào không biết, chiếc xe đạp mi-ni bây giờ có bị ăn trộm cũng chẳng ai thèm đi thưa. Anh rùng mình biến thành nhà thơ hồi nào không hay.

Cô gái ơi, anh nhớ em

Như má lúm nhớ đồng tiền đúng chưa

như cà chớn nhớ cà chua

như da em nhớ da ua ngọt ngào

cái nhớ nhảy qua hàng rào

không thèm đăng ký cứ nhào

xô ra thì thấy không đành

rồi anh ôm lấy rồi canh giữ hoài

con kiến còn nhớ củ khoai

huống chi tóc ngắn tóc dài nhớ nhau…

Buổi chiều thả bài Serenad của Schubert từ căn biệt thự đằng sau xe nước mía. Ai chơi dương cầm tha thiết đến thế, hồn Lụa đã mềm mại như tơ, như Lụa, như tên cô. Cũng may đây không phải là nhà của Nhung, nếu đó là tiếng piano của nàng thì Lụa mắc cỡ chết. Dám hẹn hò với con trai ngoài quán nhé, mười bảy tuổi bẻ gãy sừng nhà thơ thì gớm quá người ơi. Nhung sẽ quở cô như vậy. Lụa biết rành sáu câu mà.

Người bán nước mía có vẻ thông cảm cho mối tình nghèo qua những ly nước mía bình dân. Anh ta nhịp chân hát “nhớ nhớ thuở nào, anh đi làm thuê, em đi gánh rong, đôi ta cùng gặp nhau dưới cầu, dưới ư ư cầu…”

Câu hát làm Vương biến sắc.

- Dạ.

- Anh nhất định nói với em.

- Dạ.

- Anh can đảm nói với em.

- Dạ.

- Anh muốn…

Vương ngập ngừng:

- Anh muốn dừng bước giang hồ.

- Dạ, thì chúng ta đã dừng và uống nước mía.

- Không, ý anh muốn nói cái khác cơ.

- Cái gì hở anh?

Lụa ngây thơ long lanh hai hột nhãn ngơ ngác.

- Là chuyện “người lớn” đó!

- Chuyện…má em chứ gì, không sao, mẹ em hiền lắm.

- Trời ơi.

- Tại sao anh than trời?

- Trời ơi…em không biết gì hết?

Anh đứng dậy trả tiền một cách đau khổ:

- Thôi, tụi mình đi tiếp, anh đói bụng lắm rồi.

- Chiếc xe đạp lại trườn lên mặt lộ, lần này mơ mộng bay mất tiêu, Vương tê tái vì cô bé tuyệt vời của anh quá đỗi trẻ con, nhưng anh yên tâm kiểu khác, anh hiểu rằng cô đã yêu ai thì sẽ yêu đến chết. Cô trong sạch trước mọi ẩn dụ. Cô không là một cái bia tự nguyện cho những mũi tên ái tình bắn đến đó, cô chính là bản thể trinh nguyên.

Nhớ em không biết để đâu

nếu để trên đầu thì tóc che đi

để trong túi áo cũng kỳ

lỡ đi đường rớt lấy gì chứng minh

chi bằng giả bộ làm thinh

hét lên “nhớ quá” một mình nghe chơi!

Bài thơ đã hoàn thành trong vòng vài tiếng đồng hồ, khúc đầu từ lúc Lụa dắt chiếc xe đạp, khúc giữa lúc ngồi xuống uống nước mía, khúc cuối lúc đạp xe không biết để đi đâu.

- Lụa ơi.

- Dạ.

- Cái hẻm vào nhà em giống trái tim con người.

- Sao vậy anh?

- Cái hẻm hẹp là cái cuống nhé, bên trong phình rộng ra như trái tim và chấm dứt. Tim anh đó

- Tim em nữa chứ!

Chúa ơi, sung sướng quá. Vương phấn chấn trở lại, em có phải là trẻ con đâu Lụa, em ăn nói già dặn quá mà, sao em cứ nửa kín nửa hở, em làm anh chết tức tưởi vì suy đoán nghe chưa. Ðừng bày đặt bắt chước Nhung nghe, Nhung kiểu cách học thức, lễ độ một cách kịch tính, cô ta sẽ đầu hàng trước diễn viên xiếc trên dây Khổng Thành Bá cho coi. Còn em, em cứ hiền lành ngoan ngoãn như con nai, cho anh mãi mãi làm một tên thợ săn không bao giờ cầm vũ khí.

Vương chở Lụa ghé mua hai ổ bánh mì thịt, còn dư tiền để uống nước sinh tố buổi tối.

Ở một góc nào đó của đường phố đêm nay, mặc kệ chiến tranh và tù đầy trên hành tinh biến động này, có một gã đàn ông ngồi đọc thơ tình say sưa cho một cô gái mới lớn. Bài thơ mà gã sáng tác lúc không ngừng di chuyển. Hắn đã chọn tựa đề bài thơ đó rồi. Bài mang tựa là “Yểu điệu thục nữ”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx