sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4/4

Hình ảnh của thi sĩ Hoàng Hôn đã theo tôi vào giấc ngủ, theo tôi vào lớp học. Tôi mỏi mệt đến rã rời. Giờ toán của thầy Cương tôi không thu nhận được một định lý nào vào óc. Giờ văn, vốn là giờ hứng thú đối với tôi, bây giờ cũng trở thành nguội lạnh. Ðầu óc tôi lãng đãng. Hồn tôi mải mộng mơ ngoài cửa lớp. Tôi lơ đãng nhìn những chú chim sâu rít rít chuyền trên những cành cây trong sân trường im ắng. Và tôi nghĩ đến thi sĩ Hoàng Hôn. Tôi tưởng tượng ra cảnh chàng dệt nên những vần thơ gửi tặng tôi:

“Sáng trăng sáng cả đôi đàng. Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”.

Chao ơi cảnh đó thật êm đềm và nên thơ biết mấy. Và tôi mải đắm chìm trong mộng tưởng

- Em bệnh hở, Tường Vi?

Tôi giật mình. Cô Huyền đến bên tôi tự bao giờ. Tôi ấp úng:

- Thưa cô, không ạ!

- Thế mà cô ngỡ em bệnh. Dạo này trông em xanh quá. Em có mất ngủ không?

- Thưa cô không!

- Hay em “To be”?

Tôi đỏ mặt:

- Thưa cô em vừa “bị” tuần rồi.

Kiều Anh ngồi bên nhanh nhảu:

- Thưa cô. Vi bị suy tim ạ.

Cô Huyền nhìn tôi:

- Em bị tim à? Phải chửa trị sớm nghe em. Ðể lâu ngày nguy hiểm đó.

Tôi đỏ mặt ngó Kiều Anh: Con nhỏ thật vô duyên. Mắc mớ chi hắn mà hắn châu mỏ vô chuyện người ta. Lúc tôi định giải thích thì cô Huyền đã lên bục giảng. Và tôi chợt ân hận. Khi không tôi làm cô phải bận lòng. Cũng tại vì thi sĩ Hoàng Hôn. Nhớ chàng, không, quyết là không nhớ chàng. Tôi nhủ thầm. Và tôi nhìn lên bảng cố tập trung vào bài giảng của cô Huyền.

Cô Huyền giảng về dòng văn học lãng mạn. Giọng cô trong và sắc. Cả lớp im lặng, ngồi theo dõi từng lời cô. Cô thật tuyệt vời. Những bài văn khô khan, cứng nhắc trong giáo trình, nhờ cô khéo léo kết hợp sự hiểu viết sâu sắc về văn học cộng với sự rung động và niềm say mê của cô, đã trở thành tươi mát, sinh động. Chúng tôi yêu cô cũng vì thế...

Cô bảo: “... Các em phải biết yêu tiếng Việt. Một ngoại ngữ các em không rành không ai chê cười nhưng tiếng mẹ đẻ của mình, mình đọc sai, viết sai, đó mới là điều đáng chê trách. Một nhà văn nước ngoài đã không ngớt lời ca tụng tiếng Việt. Ông ta bảo: “Nghe người Việt nói mà có cảm tưởng họ đang hát. Và không một nước nào có được một ngữ âm như thế. Một người nước ngoài còn biết tôn trọng yêu mến như vậy, huống chi chúng ta... Các em biết ai là tác giả những câu thơ này không?

“Nằm trong tiếng nói yêu thương

Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời

Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi

Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con

Tháng ngày con mẹ lớn khôn

Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông, cha

Ðời bao tâm sự thiết tha

Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ...”

“Nhà thơ Huy Cận đó... các em nói yêu nước ư? Ðược thôi. Nhưng yêu nước mà không rành tiếng mẹ đẻ. Vứt đi các em ạ! Cô không muốn kể ra đây những thí dụ dùng sai ngữ pháp của một số học sinh. Có thể vì các em đó coi thường tiếng Việt, vì mải chú trọng đến các môn khác. Riêng cô, cô chỉ muốn sau này, dù là một nhà bác học nổi tiếng hay một kỹ sư lừng danh, các em phải rành tiếng Việt trước đã. Cô nhớ, hồi cô còn nhỏ, thầy giáo dạy văn của cô, lúc ra đề bài tả lao động của người cha, đã vô cùng buồn phiền khi cómột học sinh viết: “Ba em đi cày mệt trí”. Từ đó thầy bỏ sức ra kèm cặp cho cả lớp môn văn thật công phu tỉ mỉ. Sau này cô khá le6n môn này cũng nhờ thế...”

Tôi như uống lấy những lời của cô Huyền. Tôi thấy yêu và kính phục cô quá. Cô dã chinh phục được đám học trò con gái chúng tôi, những tay được mệnh danh là nghịch ngợm, phá phách như quỷ sứ.

Ngoài những tiết bài phải giảng, cô thường dành những phút cuối giờ để kể cho chúng tôi nghe những cuốn sách, những bộ phim cô dã xem. Cô phân tích tính cách từng nhân vật, nêu rõ nội dung cũng như ý nghĩa cho chúng tôi.

Cô bảo: “... Nhu cầu của con người không phải chỉ ăn, mặc, ở, mà còn phải giải trí. Nhưng giải trí thế nào để được ích lợi về mặt tinh thần đó là điều cần xem xét. Ðọc một cuốn sách hay, xem một cuốn phim tốt, tâm hồn các em sẽ được nâng cao, đời sống tự nhiên có ý nghĩa làm ta thêm tin tưởng vào con người vao xã hội... Cô rất buồn khi thấy hiện nay người ta cho chiếu video tràn lan. Video đã đánh bật những phim ảnh có giá trị nghệ thuật. Ðó là chưa kể video sex, đúng là một đại họa cho tuổi trẻ các em. Cô sợ một ít em sẽ tò mò. Nguy hiểm lắm các em ạ! Ðừng đùa với thuốc độc nghe các em. Vì k inh nghiệm là gì? Là những bài tập cho các em làm trước rồi sau đó mới rút ra bài học. Và một số'' em khi có kinh nghiệm thì đã hoàn toàn sa ngã. Vì vậy, các em nên “kính nhi viễn chi...”

Ðụng đến phim ảnh, Kiều Anh ngứa ngáy giơ tay phát biểu:

- Thưa cô, thế chúng em phải coi những phim gì ạ?

- Các em nên coi những phim tình cảm nhẹ nhàng, phim hài hước hoặc những phim có nội dung nhân bản sâu sắc. Một phim có giá trị là, sau khi xem xong, nó còn để lại trong ta một ý nghĩa, một bài học rút ra cho đời sống thực tế. Hồi ở tuổi các em, cô rất thích xem những phim do quái kiệt Louis de Funès, một diễn viên hài có tiếng của điện ảnh Pháp đóng. Những phim đó, bây giờ, thỉnh thoảng chiếu lại, các em nên đi xem.

- Thưa cô, thế còn cải lương? – Thục Nguyên rụt rè đứng lên.

- Cô chưa có dịp coi cải lương nhưng theo cô, đây là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời. Các em biết nghệ sĩ Thanh Nga chứ? Ðó là một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn. Tiếc là cô chết quá sớm. hôm cô mất, cả một biển người theo sau linh cữu đưa cô đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nói như thế cũng làm một trả lời em Thục Nguyên về giá trị nghệ thuật cải lương, phải không các em?

Tôi thấy mắt Thục Nguyên đỏ hoe. Từ lâu, Thanh Nga là thần tượng của Thục Nguyên. Hồi Thanh Nga bị bắn chết, Thục Nguyên khóc suốt mấy ngày. Bây giờ nghe cô Huyền nhắc lại thần tượng mình, Thục Nguyên ngậm ngùi xúc động. Tôi thấy Thục Nguyên đưa khăn lên thấm nước mắt.

- Thưa cô, thế còn sách báo? – Tôi đứng lên hỏi.

- Cô rất buồn khi thấy người ta in bừa bãi, vô trách nhiệm một số sách vụ án và phụ trang tình yêu. Nhờ đánh vào thị hiếu tầm thường củ một số đọc giả, sách báo bán chạy. Nhưng các nhà văn nhà báo đó đâu biết rằng họ đã đầu độc tâm hồn một số lớn độc giả. Cô rất uất ức khi đọc phải một cuốn sách vụ án, trong đó, tá giả đã khai thác tận cùng thể xác người phụ nữ. Cô sẽ viết bài gửi cho tuần báo “Tuổi Mộng”, với tư cách là một nhà giáo, để phản đối những tác giả nói trên.

Chúng tôi vỗ tay rào rào. Tôi hỏi tiếp:

- Thế chúng em phải đọc sách báo gì, thưa cô?

Cô nhìn ra cửa lớp, ngẫm nghĩ:

- Sách báo lứa tuổi các em còn thiếu trầm trọng. Lâu nay, hầu như người ta quên đi món ăn tinh thần này cho các em. Vì thế mới sinh ra chép tay. Như “cô giáo Thảo” chẳng hạn. Còn các phụ trương tình yêu, thực chất chỉ là thương mại, câu khách bằng cách phô đùi, khoe thân thể phụ nữ, còn nội dung thì nhảm nhí, rỗng tuếch. Cô có người anh bà con, hiện là phó giám đốc nhà xuất bản “Văn Chương”. Có dịp cô sẽ đặt thẳng vấn đề này với anh ấy. Phải kêu gọi các nhà văn viết cho lứa tuổi các em...

Chúng tôi lại vỗ tay. Cô Huyền thật tuyệt vời. Tuyệt vời như cách đây hai năm cô đã can đảm từ chối sự bảo lãnh của gia đình sang Pháp. Sự kiện này, báo chí thành phố đã đăng bài phỏng vấn và giới thiệu về cô, một dạo.

Bây giờ tôi vẫn còn nhớ, hôm đó, để trả lời cho học trò về lý do ở lại của mình, cô đã nói trong nước mắt: “... các em a, con người sống không hẳn vì nghề mà vì nghiệp. Nghiệp có thể là “nghiệp chướng”. Nhà văn chẳng hạn, họ thường sống nghèo, nhưng họ vẫn miệt mài sáng tác. Các em đọc Vũ Trọng Phụng chưa? Vũ Trọng Phụng chết lúc hăm bảy tuổi vì lao phổi. Ông chỉ mơ ước một ngày có được một lạng thịt bò tẩm bổ để đủ sức viết. Ấy thế mà có được đâu. Vậy mà nhà văn vẫn cứ viết. Và cho ra đời những tác phẩm tâm huyết. Một nghệ sĩ cải lương lúc về già, bệnh nặng, khi được đưa đến đứng bên cánh gà, ông khỏe lại ngay. Tất cả cũng vì cái nghiệp. Như cô, dù với đồng lương ít ỏi, đời sống chật vật khó khăn cô chưa hề có ý định bỏ nghề. Mỗi ngày, cô thèm hít thở không khí của lớp học, của sân trường, của sách vở. Và vì thế cô đã từ chối sự bảo lãnh của gia đình. Gia đình cô giận cúp luôn “viện trợ”. Nhưng cô không buồn. Cô muốn ở lại với các em, với Ðất Nước, dù biết rằng đất nước còn nhiều khó khăn vất vả. Con thảO không ai chê cha mẹ nghèo, phải không các em?... Có em nào đã đọc qua “Quốc văn giáo khoa thư”? Quốc văn giáo khoa thư có kể một câu chuyện: Một người đi du lịch xa, lúc về nhà, bà con đến thăm hỏi. Ông đã đi nhiều nơi, đã thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy theo ông nơi đâu là đẹp hơn cả? Ông ta trả lời: Chỉ có Quê Hương là đẹp hơn cả. Ðúng thế các em ạ... Dòng sông, con đò, cây khế, cầu ao, lũy tre làng, hương bưởi ngát trong vườn... Những cái đó quyện lại thành mùi Quê Hương, làm sao quên được, phải không các em...?”

Và chúng tôi đã vỗ tay rầm ran như pháo.

Bây giờ cô Huyền vẫn dũng cảm và tuyệt vời như ngày nào. Tôi mặc cho những ý nghĩ lan man trong đầu óc. Chợt, chuông reo báo giờ tan học. Tôi đứng lên. Cô Huyền dã xuống đến bên tôi từ lúc nào:

- Em có chuyện gì phải không?

- Dạ!

- Hôm nào rảnh, em ghé nhà cô chơi. Mình sẽ nói chuyện với nhau nhiều nhé!

- Dạ, em cảm ơn cô.

Tôi cảm động đến rưng rưng nước mắt. Rồi tôi đâm ra giận mình: Không dưng để ý chi đến thi sĩ Hoàng Hôn để bây giờ thêm rắc rối cuộc đời. Và tôi quyết tâm quên đi thi sĩ Hoàng Hôn. Nhưng sự quên lãng nào đâu phải dễ dàng như tôi tưởng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx