sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13 (Chương Kết): Mưu Thần Chước Quỷ

Bị đánh mạnh vào gáy, Văn Bình vẫn không mê man. Chàng còn tỉnh, nhưng toàn thân chàng mệt rũ như vừa dự cuộc thi chạy dai sức dưới trời nóng, miệng khô ran. Chàng thèm uống một cách kỳ lạ. Tiếng nói trong phòng vẳng ra, nghe rõ ràng:

- Hắn bị ngất không?

Tiếng người phía sau Văn Bình đáp:

- Ngất rồi.

- Khiêng hắn vào trong này.

Đoán trước còn gặp nhiều chuyện lạ nên Văn Bình nhắm nghiền hai mắt, giả vờ mê man. Sự thật đã xảy ra qua phũ phàng vì người đánh chàng không phải là ai xa lạ: chính là Cô Nắc, viên kỹ sư trẻ tuổi, vui tính, hòa nhã mà Kôrênin giới thiệu với chàng. Còn người từ trong nhà nói vọng ra là nhà bác học Vôn Liệt. Hơi nóng của lò sưởi điện trong phòng vặn hết cỡ làm Văn Bình ấm hẳn. Chàng bị ném vào góc phòng, cạnh tủ đựng máy hát. Chàng cố thở rất nhẹ, tay chân duỗi thẳng, cố ý làm cho Vôn Liệt và Cô Nắc tưởng chàng đã bị mê man hoàn toàn. Cô Nắc nói với Vôn Liệt, giọng đắc thắng:

- Đấy, tôi đã bảo mà!

Vôn Liệt chép miệng:

- Tôi đâu có ngờ như vậy. Hắn là bạn tâm giao của tôi từ lâu.

Văn Bình nín thở để nghe. Câu chuyện mỗi lúc một thêm lý thú. À, ra Vôn Liệt đã bắt tay chặt chẽ với địch! Vậy mà trước khi lên đường, chàng lại được ông Sì Mít căn dặn rằng Vôn Liệt là một phần tử chống cộng sản khá kiên trì và sâu sắc. Giá trong lúc này ông Sì Mít có diễm phúc đứng núp bên ngoài nghe Vôn Liệt tâm sự với Cô Nắc thì chắc sẽ phải bực mình. Nhưng ông Sì Mít dại gì đến cái xó lạnh lẽo này?

Vôn Liệt uống một hơi cạn ly rượu, đoạn hỏi Cô Nắc:

- Bây giờ anh định ra sao?

Cô Nắc chỉ Văn Bình nằm dưới đất, hỏi lại:

- Hắn ấy à?

Vôn Liệt gật đầu. Cô Nắc cười ngất:

- Để lát nữa tôi thưởng cho hắn một phát đạn vào óc.

Văn Bình rùng mình. Chàng phải cấp thời thoát hiểm. Chợt … Cánh cửa nhìn ra đường bỗng bị đạp tung. Văn Bình nghe tiếng gọi thất thanh của Lôra:

- Trời ơi! Anh Lý Dĩ?

Lôra đứng giữa khung cửa, mặt tái mét. Nàng thấy rõ Văn Bình nằm sóng sượt trên mặt đất, và Cô Nắc ngồi thản nhiên trên ghế bành hút thuốc lá bên cạnh Vôn Liệt và chai rượu mạnh. Nàng chưa kịp cất tiếng hỏi thì Cô Nắc đã đứng lên:

- Chào cô Lôra.

Cái chào lễ độ của Cô Nắc được kèm theo tiếng xoạch của khẩu súng lục lên đạn. Vôn Liệt chĩa súng vào phía nàng, ra lệnh:

- Mời bác sĩ ngồi xuống cho chúng tôi hầu chuyện.

Lôra run như cầy sấy, ngồi xuống ghế. Cô Nắc hỏi nàng:

- Cô cùng đi với Lý Dĩ, phải không?

- Phải.

- Tại sao đương đêm hắn lại đột nhập vào phòng bác sĩ Vôn Liệt?

- Tôi không biết.

Cô Nắc dằn từng tiếng một:

- Phải! Cô không biết! Cô không biết, nhưng mọi người ở trong căn cứ này đều biết rằng cô là nhân tình của Lý Dĩ.

Vôn Liệt chêm thêm vào, giọng châm biếm một cách chua chát:

- Và cũng là cộng sự viên thân tín của Kôrênin.

Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, Văn Bình suy nghĩ để tìm ra ý nghĩa câu nói đột ngột của Vôn Liệt, thì Lôra quát lớn:

- Các ông không được hỗn xược.

Cô Nắc cười:

- Như thế đâu phải là hỗn xược? Vôn Liệt chỉ nói sự thật. Cô không phải là cánh tay phải của Kôrênin trong căn cứ này là gì?

Lôra bĩu môi khinh bỉ:

- Cảm ơn các ông. Tôi thà chết chứ không chịu quỵ lụy Kôrênin.

Trong phòng, một phút im lặng. Văn Bình nghe rõ tiếng vốt ka chảy xuống ly pha lê, và tiếng Cô Nắc tợp rượu vào họng. Cô Nắc đổi giọng bớt gay gắt hơn:

- Nếu vậy tại sao Lý Dĩ và cô đến nhà Vôn Liệt giữa đêm khuya?

Lôra đáp:

- Tôi không biết. Các anh muốn biết thì cứ hỏi anh Lý Dĩ.

Vôn Liệt đi đi lại lại trong phòng ra chiều suy nghĩ. Bỗng nhà bác học Đức đứng phắt lại, và nhìn chằm chằm vào cái túi vải Lôra đeo trên vai:

- Này Cô Nắc, cái túi gì kia kìa?

Cô Nắc chợt hiểu. Hắn cười gằn với Lôra:

- Túi gì thế?

Lôra làm thinh. Hắn lớn tiếng:

- Cô có chịu đưa tôi coi không? Hay đợi tôi dùng sức mạnh?

Lôra vẫn không nhúc nhích. Cô Nắc tiến lại, giật cái túi khỏi tay nàng. Nàng cưỡng lại. Cô Nắc xô nàng ngã chúi vào đống bàn ghế. Nằm dưới đất, Văn Bình cảm thấy máu sôi lên sùng sục. Vết đau sau gáy đã biến đâu mất. Chàng định vùng dậy, tặng cho 2 gã bất lịch sự kia một bài học nhu đạo về phép đối xử với đàn bà đẹp. Nhưng bản tính chàng vốn dĩ tò mò, chàng lại tiếc không được chứng kiến màn chót của tấn bi hài kịch đặc biệt này. Lôra vùng vẫy, nhưng không gỡ thoát bàn tay thép của Cô Nắc. Hắn ném túi vải lên bàn, rồi lục ra coi. Hắn bỗng thốt 1 tiếng «à». Vôn Liệt hỏi dồn:

- Gì thế?

Cô Nắc rút trong túi vải ra một loạt hồ sơ, và băng nhựa ghi âm. Hắn ngước mắt, nhìn thẳng vào mặt Lôra như dò la phản ứng. Đã sợ, nàng càng sợ thêm: vụ đánh cắp tài liệu tối mật bại lộ, nàng chỉ có một lối thoát là ra pháp trường. Cô Nắc lặng lẽ mở những cuộn băng nhựa ra xem xét hồi lâu. Đứng bên, Vôn Liệt như bị thôi miên. Cô Nắc lắp một cuộn băng nhựa vào máy ghi âm. Máy chạy rè rè, và phát ra âm thanh của Sơn thần Út Tun Tắc. Hết cuộn này đến cuộn khác, Cô Nắc nghe hết mười cuộn, nhưng mỗi cuộn chỉ nghe độ một phút đồng hồ. Trong khi đó, Lôra ngồi yên trên ghế, còn Vôn Liệt thì tiếp tục đốt hết điếu thuốc này sang điếu khác. Cuộn băng cuối cùng vừa được gỡ ra khỏi trục máy, Cô Nắc thở dài nói với Vôn Liệt:

- Anh nghĩ sao?

Vôn Liệt dí tập tài liệu hỏa tiễn vào mắt Cô Nắc:

- Lại còn cái này nữa!

Cô Nắc chuyển sang giọng ngọt ngào:

- Cô lấy những cái này trong hầm, phải không?

Lôra đáp:

- Phải.

- Còn đống tài liệu này?

- Trong tủ sắt của Kôrênin.

- Lấy làm gì?

- Anh ấy lấy, tôi không biết.

Vôn Liệt và Cô Nắc nhìn nhau, thái độ kinh ngạc. Vôn Liệt chép miệng:

- Không khéo mình lầm rồi. Bây giờ đánh thức anh ta dậy, được không?

Cô Nắc xách chai rượu vốt ka còn nguyên lại phía Văn Bình. Hắn nâng đầu chàng lên, đoạn từ từ rót rượu vào miệng trong khi Vôn Liệt đứng nhìn chăm chú. Văn Bình chỉ đợi có thế để tỉnh dậy. Chàng ú ớ, mở mắt, nhìn hai người một cách yếu đuối và mệt nhọc. Cô Nắc reo lên:

- A, anh ta đã tỉnh!

Lôra chạy vội đến bên chàng. Chàng cố gắng chống hai tay xuống đất, ngồi dậy. Nàng suýt soa:

- Anh còn đau không?

Cô Nắc đáp thay Văn Bình:

- Chắc không sao. Anh ấy chỉ bị đánh vào gáy.

- Tại sao lại đánh anh ấy?

- Chúng tôi lầm.

Văn Bình định giả mê thêm một lát nữa, nhưng vì thời giờ gấp rút, chàng đành nắn gáy, thở dài nói với Cô Nắc:

- Suýt nữa tôi mất mạng.

Cô Nắc cười đáp:

- Xin lỗi anh, chúng tôi lầm.

Vôn Liệt nói:

- Tôi mới cần xin lỗi anh, vì tôi tưởng anh là người của Kôrênin sai đến bịp tôi, nên mới ra tay.

Văn Bình tỏ dấu bất bình:

- Anh đã hứa với tôi, anh quên rồi sao? Như anh đã thỏa thuận, tôi đến đây với mục đích…

Chợt nhớ ra là có Cô Nắc, chàng ngừng bặt, đôi mắt nhìn Vôn Liệt dò hỏi. Vôn Liệt khoát tay:

- Anh đừng ngại. Cô Nắc là bạn cố giao của tôi.

Văn Bình hỏi giọng ngạc nhiên:

- Nghĩa là anh ấy cũng…?

Vôn Liệt cướp lời:

- Vâng, anh ấy cùng đi với chúng ta.

Chưa tin, Văn Bình hỏi gặng:

- Đêm nay, anh đâu đã biết tôi tới mà mời Cô Nắc?

Vôn Liệt làm mặt giận, không đáp. Không khí trong phòng có vẻ nặng nề. Cô Nắc nói:

- Thôi, nếu anh không thật lòng tin chúng tôi thì tùy anh…

Văn Bình chống chế:

- Không phải thế, nhưng nếu các anh đặt vào hoàn cảnh của tôi cũng phải băn khoăn. Hồi nãy anh vừa dọa bắn tôi, và đánh tôi bất tỉnh. Lẽ ra tôi phải giận anh mới đúng.

Vôn Liệt bật nghĩ ra:

- Kể ra anh thắc mắc rất hữu lý. Tính tôi hơi nóng nảy, anh tha lỗi cho. Sau khi tiếp xúc với anh, tôi đã bàn luận với Cô Nắc. Chúng tôi trù tính trốn khỏi căn cứ từ 2 tháng nay, nhưng chưa có dịp. Tôi lại nhà anh, nhưng không gặp. Tôi chưa tin anh nên rủ Cô Nắc đến đây. Cô Nắc biết võ nghệ, còn có thể giúp tôi được đôi phần. Chủ trương của chúng tôi là nếu anh không trưng được bằng chứng thật tâm muốn trốn thì sẽ hạ sát anh, đoạn trốn ra trường bay, rồi cướp máy bay bỏ trốn.

Lôra phê bình:

- May quá. Kế hoạch của các anh không khác với kế hoạch của Lý Dĩ.

Vôn Liệt nói:

- Anh định đi đâu?

Văn Bình đáp:

- Tôi định bay thẳng đến Na Uy hoặc Phần Lan.

Cô Nắc băn khoăn:

- Không được đâu, tôi sợ các giàn súng cao xạ dọc bờ biển.

Văn Bình xoa hai tay vào nhau rồi cười:

- Anh yên tâm. Sương mù xuống nhiều, chúng ta sẽ tìm cách bay tránh radar.

Vôn Liệt nhún vai, thở dài:

- Trăm sự nhờ anh cả. Tính mạng chúng tôi từ phút này xin phó thác cho anh. Nếu sẩy tay thì chúng mình chết hết.

Văn Bình xiết chặt bàn tay ấm áp của Vôn Liệt.

Năm phút sau, bốn người ra xe. Xe hơi chạy riết ra trường bay quân sự. Từ biệt thự của Vôn Liệt đến phi trường chỉ phải chạy qua một trạm gác đêm. Văn Bình đã nghiên cứu kỹ càng từ trước. Đêm cũng như ngày, trong trạm đều có ba tên lính, hai ở ngoài, một ở trong văn phòng, liên lạc thường trực với đội bảo vệ trung ương.

Xe dừng trước rào cản. Lôra mở cửa bước xuống trước, nhìn tên lính thứ nhất. Hắn quát:

- Ai đó, đứng lại trình giấy?

Lôra đáp to:

- Nữ bác sĩ Lôra đây.

Tiếng quát thứ hai:

- Xin cho coi chứng minh thư.

Tên lính thứ hai tiến về phía nàng. Ngồi trong xe, qua cửa kính mở rộng, Văn Bình phóng ra một ngọn dao nhỏ xíu. Lưỡi dao trúng vào giữa tim tên lính. Tên thứ nhất chưa hiểu vì sao thì Cô Nắc đã nhảy bổ vào người hắn. Hắn ta cố kêu lên nhưng cánh tay của Cô Nắc đã thắt chặt quanh cuống họng làm hắn hết thở.

Văn Bình rút khẩu súng Nagan trong túi ra, mở cửa vọng gác, bước vào. Tên thượng sĩ ngồi bên máy điện thoại chưa kịp phản ứng thì viên đạn 9 li của Văn Bình nhắm đúng yếu huyệt đã đưa hắn sang thế giới bên kia. Ở bên ngoài, nhiệm vụ của Cô Nắc cũng đã xong. Hai tên lính xấu số được khiêng vào trong vọng gác. Phía trước là sân bay của căn cứ 123. Những ngọn đèn nê ông sáng rực một góc trời. Văn Bình nắm bàn tay Lôra:

- Đi phía nào, hở em?

Lôra lái xe sang bên trái. Bốn người vượt qua khoảng tối, đoạn tiến vào khu chứa máy bay. Lôra đã quen với vị trí sân bay nên lái xe thật nhanh, và tránh khỏi những nơi có thể có người. Nếu không gặp trở ngại vào phút chót thì nhóm Văn Bình có thể rời căn cứ 123 an toàn. Sân bay luôn luôn có sẵn một số phi cơ quân sự được chạy nóng máy, để phòng trường hợp bất thường, có thể cất cánh trong khoảnh khắc. Lôra từng tiết lộ là căn cứ 123 có rất nhiều phi cơ lạ. Giờ đây, được nhìn tận mắt, chàng không ngăn được ngạc nhiên. Trong một dãy nhà cầu dài giằng dặc, thấp thoáng dưới ánh điện xanh biếc, chàng thấy gần 100 máy bay đủ cỡ, to có, nhỏ có, khiến chàng có cảm tưởng là ở tiền tuyến. Vả lại, về phương diện quân sự, bán đảo Tai Mia chính là tiền tuyến của Nga Xô. Từ lâu, ông Sì Mít vẫn hoài nghi Tai Mia là nơi được Nga Xô thiết lập giàn hỏa tiễn nguyên tử, để khi lâm trận có thể bắn vọt sang Bắc Mỹ. Thì nay, chàng đã có cơ hội mục kích tận mắt.

Ngay trước mặt chàng là một đoàn phi cơ Mig 17, 19 mà các phi công Tây phương đã nghênh chiến tại mặt trận Cao Ly. Những chiếc Yak 25 dài gần 17 thước, bay nhanh 1.200 cây số một giờ, cánh sắc mũi tên, bụng mang theo những tên lửa khủng khiếp. Máy bay oanh tạc thì đây có một hàng Ilyushin 28 thiết trí hai đại bác 23 ly và 2 đại liên 12 ly 7 có thể bay cao 15 cây số. Bên cạnh là những chiếc Myasischev 37, bay 1.000 cây số một giờ, và chở bom nặng 4.500 kilô. Nhích sang một chút nữa là chim sắt phóng pháo khổng lồ Tupolev 16 và 95. Nhưng quang cảnh rợn người không phải là những đoàn phi cơ săn giặc và ném bom đầy tử khí này, mà là một dãy hỏa tiễn lấp lánh ở cuối sân bay. Mắt Văn Bình rất tinh nên chàng không thể nào lầm được. Những hỏa tiễn này được chôn ngầm dưới đất, chỉ nhô mũi lên trên, và được che bằng những mái tôn to tướng. Chàng từng ao ước được quan sát các hỏa tiễn của Nga mà chưa có dịp. Theo những báo cáo chàng được đọc thì Nga Xô hiện có 2 loại hỏa tiễn xuyên lục địa mới nhất T2 và T3. Những hoả tiễn trước mặt chàng là T3, thứ lợi hại nhất. Loại này tương tự như hỏa tiễn Titan lớn nhất của Mỹ cũng nặng 100 tấn, cũng bay 10.000 cây số như hỏa tiễnTitan.

Nếu vậy thì…

Suýt nữa chàng kêu lớn. Một tiếng nổ long trời lở đất nổi lên. Cô Nắc quay lại phía chàng:

- Tên đạn T3 đấy, anh biết không?

Văn Bình gật đầu ra vẻ kinh hoàng. Cô Nắc mím môi đoạn nói với chàng:

- Người Mỹ thật dại dột. Anh có biết họ giấu tên đạn nguyên tử Titan ở đâu không?

Văn Bình lắc đầu, tỏ dấu không biết. Cô Nắc đáp hộ:

- Ở rặng núi Montagnes Rocheuses. Còn Liên Xô thì cất trong hầm núi Pamir và Altai. Tên đạn Titan phải bay mất 11.000 cây số mới tới được Mạc Tư Khoa, còn T3 đặt trong căn cứ ở eo biển Béring chỉ cách Cựu Kim Sơn có 4.500 cây số. Chưa đầy nửa đường thôi.

Văn Bình không đáp. Chàng đang mải nghĩ tới chuyện khác. Có ai ngờ được Tai Mia lại là một trong những nơi chứa T3 của Nga Xô? Căn cứ vào độ xa, và hiệu lực, 10 hỏa tiễn xuyên lục địa của Nga Xô đặt trên bờ biển Béring có sức phá hoại tương đương của 40 hỏa tiễn Atlas, hoặc 200 hỏa tiễn Minuteman của Mỹ ở tiểu bang Colorado.

Chuyến này phải báo cáo hết cho ông Sì Mít mới được!

Vôn Liệt hích cùi chỏ vào ngực chàng. Phía trước, hai tên lính bước tới chầm chậm, nói chuyện như bắp rang. Cô Nắc phóng mình ra. Một tên bị kéo ngã. Cô Nắc nhét mù soa vào miệng hắn. Tên thứ hai bị Văn Bình đánh ngã sóng soài trên nền xi măng bóng loáng. Hai phút sau, Cô Nắc và Văn Bình đã mặc binh phục vào người. Lôra và Vôn Liệt theo sau. Cô Nắc cầm súng tiểu liên dẫn lộ, còn Văn Bình đi giữa.

Văn Bình do dự một giây. Cách chàng 10 thước là hai phi cơ đã được đốt nóng, có thể cất cánh bất cứ lúc nào. Phía hữu là chiếc TU.14, bên trong khá rộng, tốc lực 900 cây số một giờ, có thể bay cao 15.000 thước, và hoạt động trong tầm 3.000 cây số. Bên tả là chiếc Yak, chỗ ngồi chật chội, tầm hoạt động ngắn hơn, 1.600 cây số là hết xăng, song lại bay nhanh gần 1.500 cây số một giờ. Chàng ra hiệu cho mọi người trèo lên chiếc Yak (Yak Biowlamp). Văn Bình kiểm soát táp lô. Chàng thấy thùng xăng đầy ắp, máy nóng hổi. Không dám bật đèn sợ bọn lính biết, Văn Bình cho động cơ nổ trong bóng tối. Đội lính tuần còn cách máy bay hơn 100 thước. Tuy nghe tiếng máy bay họ vẫn không nghi ngờ vì trong khi ấy ở đầu kia phi đạo cũng có máy bay cất cánh. Căn cứ 123, đêm cũng như ngày, hoạt động không ngừng. Ga xăng xả đều, Văn Bình cho phi cơ lăn trên thảm bê tông. Qua máy vi âm, chàng nghe tiếng gọi của đài kiểm soát:

- MM.89? MM.89? Ai lái đấy? Ai lái đấy?

Phi cơ sắp rời sân, bên cạnh chàng Lôra thu hình, mặt ướt đẫm bồ hôi tuy trời rét như cắt ruột. Đài kiểm soát phi trường lại thúc giục. Văn Bình đáp liều bằng tiếng Nga:

- Đugátxích đây. Không biết sao mà hỏi mãi?

Người đối thoại im lặng trong một giây. Đugátxích là phó tư lệnh của căn cứ 123. Tiếng nói hồi nãy lại nổi lên:

- Trời xấu lắm! Đợi một lát hãy rời sân! MM.89 bảo là có thiếu tá Đugátxích trên đó, tại sao trong sổ xuất nhập công tác không có? Yêu cầu phúc đáp ngay.

Văn Bình gắt ầm lên:

- Mấy chú làm mất thời giờ quá. Xem lại sổ lần nữa xem.

Lại im. Tiếng của nhân viên đài kiểm soát trở nên gay gắt hơn:

- MM.89, nắng vàng sắp tắt trên biển Láp tếp! Nắng vàng sắp tắt trên biển Láp tếp!

Văn Bình toát bồ hôi. Không tin lời chàng, viên sĩ quan phụ trách đã hỏi mật khẩu liên lạc. Nhưng chàng không cần trả lời nữa. Con chim sắt nặng 23 tấn, dài 23 thước, đã rướn mình rời khỏi phi đạo, vụt lên không trung. Tiếng phi cơ rời sàn át cả tiếng gào mật hiệu qua máy vi âm. Văn Bình nghe hồi chuông báo động của đài kiểm soát. Chiếc Yak đã bay khỏi phi thường. Căn cứ 123 ban đêm từ trên cao trông xuống đen xì như một khu rừng. Ngoại trừ ánh sáng của trường bay, hầm núi và khu cư xá đều không có một ánh lửa. Công cuộc phòng gian bảo mật của Kôrênin quả là đáng khen ngợi. Máy bay lên cao dần dần. Cô Nắc hỏi Văn Bình:

- Họ biết bọn mình trốn rồi, phải không?

Văn Bình đáp:

- Phải. Đài kiểm soát đã thông báo cho Đugátxích biết. Họ chỉ biết một phi cơ Yak bay lên chứ chưa biết có ai ở trong.

Vôn Liệt thở dài đánh sượt:

- Đường tới Na Uy còn xa lắm, liệu mình thoát được không?

Văn Bình đáp:

- Chúng mình còn khá nhiều hy vọng.

Trong máy vô tuyến, chàng nghe rõ mồn một khẩn lệnh của đài kiểm soát cho môht đội Mig 15 rời sân bay đuổi theo:

- Alô, lệnh truyền cho đoàn phi cơ chiến đấu MS. Một Yak BL vừa bị bọn phản động đánh cắp, và bay về hướng Tây dọc duyên hải. Cẩn thận. Chúng gồm 4 người. Đài vô tuyến truyền hình của trạm kiểm soát đã chụp được chúng. Trong số có một người đàn bà, hai nhà bác học bị bắt mang đi. Đội chiến đấu phải chặn chúng lại. Nếu chúng không tuân lệnh quay về thì hãy bắn rớt.

Cô Nắc run run nắm tay chàng:

- Phi cơ của căn cứ 123 sắp cất cánh. Họ quen đường hơn chúng mình, chắc chẳng bao lâu sẽ đuổi kịp. Dọc đường từ nhiều căn cứ khác sẽ có phi cơ bay lên. Bởi vậy, ta không nên bay dọc bờ biển.

Văn Bình hỏi Cô Nắc:

- Anh định bay về phía nào?

- Thẳng về bắc Mỹ.

Cô Nắc đoán đúng mưu kế của chàng. Thật ra, chàng bay về Mỹ nhưng không nói trước cho các bạn đồng hành biết. Vôn Liệt bèn hỏi:

- Bay sang bắc Mỹ dễ không?

Văn Bình nhìn Cô Nắc đợi trả lời. Cô Nắc trải bản địa đồ hàng hải lên đùi, giải thích:

- Nếu chúng ta bay thoát đoàn phi cơ săn giặc của họ thì có thể đáp xuống căn cứ Eielson ở Bắc cực dễ như bỡn. Căn cứ này ở đầu mút tiểu bang Alaska. Cái khó nhất là làm cách nào không bị căn cứ Nôvoya Sibia chặn lại.

Thì đây, trong máy vi âm vang lên lệnh của Đugátxích cho căn cứ Nôvoya Sibia, hòn đảo lớn nhất của bán đảo Tây Bá Lợi Á, thuộc 75 độ vĩ tuyến bắc, và 150 độ kinh tuyến đông:

- Alô, căn cứ 123 báo cho Nôvoya Sibia. Hãy chặn lại một chiếc Yak mang số 89, trên phi cơ là một bọn gián điệp. Yêu cầu báo tin cho mọi căn cứ theo Bắc Băng Dương biết.

Chiếc Yak bay cao trên 7.000 thước. Bốn bề là một vừng sáng trong vắt như pha lê. Văn Bình vẫn xả hết tốc lực. Trong hoàn cảnh này, chàng không tin phi cơ của địch bay kịp chàng. Phi cơ bay trên biển Láp tếp. Văn Bình tránh không tới gần Sibia (1) mà lái về phía Ambaxich (2). Một khi tới đó, chàng có thể vút qua eo biển Bêring, và hạ cánh trên đất Mỹ. Trời đang phẳng lặng đột nhiên tối sầm lại báo hiệu một cơn bão sắp xảy ra. Ở Bắc cực, bão tố thường đến bất ngờ gây nhiều nguy hiểm cho phi cơ. Lôra nhìn Văn Bình, vẻ lo âu hiện rõ trên mặt:

- Gặp bão mất rồi. Liệu đến nơi được không anh?

Chàng xoa đôi vai tròn trĩnh của nàng:

- Em cứ tin ở anh. Thế nào cũng đến nơi. Trời xấu, càng dễ tránh phi cơ khu trục.

Bỗng Cô Nắc la lên:

- Kìa, phi cơ đang đuổi theo ở hướng 9 giờ (4).

Văn Bình chúi mũi phi cơ, bay xà xuống mặt biển đang có sóng dâng cuồn cuộn. Loại phi cơ chàng lái là một trong những con chim sắt bay nhanh nhất của Nga Xô, ngoại trừ Mig 19 và Mig 21, còn không chiếc nào bay kịp nó. Gần đuôi phi cơ có 2 khẩu đại liên đủ sức bắn hạ những kẻ tới gần. Tuy nhiên, mục đích của Văn Bình là lẩn trốn, chỉ khi nào hết đường thoát thân mới nổ súng kháng cự. Đoàn phi cơ theo sau mất hút trong sương mù dầy đặc và đen sạm như buổi hoàng hôn.

Đồng hồ trên máy bay chỉ đúng 6 giờ sáng. Trên môi Văn Bình nở nụ cười khoan khoái. Đêm nay, chàng và Lôra được hưởng một đêm thần tiên trên đất Mỹ. Lôra ngồi áp vào mình chàng, miệng hỏi:

- Hết nguy chưa anh?

Văn Bình đáp:

- Hết rồi. Chúng mình đã vào hải phận Mỹ.

Vôn Liệt tỏ vẻ thắc mắc:

- Tại sao phi cơ của các căn cứ ở dọc đường không theo kịp nhỉ?

Cô Nắc trả lời ngay:

- Đó là công đầu của anh Lý Dĩ. Ngồi xem anh lái, tôi có cảm tưởng anh là hoa tiêu trứ danh, chứ không phải là nhà bác học suốt đời bị giam hãm trong phòng thí nghiệm. Lúc rời căn cứ 123, tôi thấy anh bay sát mặt biển để tránh radar, rồi đến khi có bóng phi cơ đuổi theo, anh ta lại bay cao vút lên thượng tầng không khí trước khi xà xuống nước. Kinh nghiệm này, thú thật tôi là cựu hoa tiêu cũng không bằng.

Văn Bình cười:

- Cám ơn anh quá khen.

Thời tiết mỗi lúc một xấu. Căn cứ vào bản đồ, chàng biết đã bay qua biên giới Nga Xô tiến vào vùng trời Hoa Kỳ. Chàng mở máy vô tuyến gọi căn cứ tiền tuyến Eielson:

- Alô, alô, phi cơ MM 89 gọi Eielson khẩn cấp. Alô, phi cơ Yak MM 89 gọi Eielson khẩn cấp.

Từ xa vẳng lên tiếng trả lời:

- Eielson đây? Bạn cần gì? Bạn đã bay vào không phận Mỹ.

- MM 89 từ bán đảo Tai Mia tới, muốn đáp xuống Eielson.

Im lặng trong 2 phút. Rồi tiếng nói cất lên:

-Yêu cầu cho biết lý do?

Văn Bình nói một hơi:

-Tị nạn chính trị. Trên phi cơ có 4 người: bác sĩ Cao Ly Lý Dĩ, bác sĩ Đức Vôn Liệt, kỹ sư Xô Viết Cô Nắc, và nữ kỹ sư Lôra.

Lại im lặng.

Trong khi ấy, quang cảnh rộn rịp diễn ra tại căn cứ Eielson. Thiếu tướng Hêron, tư lệnh căn cứ, nở nụ cười khoái trá. Ngồi bên Hêron trong đài kiểm soát là đại tá Pít của CIA. Nghe tiếng Văn Bình trong máy vi âm, Pít vụt đứng dậy, bộ mặt xanh tái sau một tuần lễ không ngủ bỗng tươi lên như đứa trẻ được quà của mẹ về chợ. Từ một tuần nay, Pít ngồi suốt đêm trong đài kiểm soát, bên cạnh phích cà phê đặc sịt, và vỏ đạn mọt chê đựng tàn thuốc lá đầy ắp. Từ một tuần nay, nhân viên trong căn cứ sống trong bầu không khí báo động thường trực đợi Z.28 trở về.

Theo kế hoạch đã định, khi Văn Bình vượt qua không phận Xô Viết thì 12 phi cơ SF-10A sẽ cất cánh để hộ tống. S-10A là loại phi cơ bay nhanh nhất thế giới với 2.260 cây số một giờ, và bay cao nhất thế giới với 21.000 thước. Cùng bay lên với phi đội SF là 4 chiếc YF-108 với tốc độ gấp ba bức thường âm thanh.

Thiếu tướng Hêron thở dài:

- Nguy quá, trời xấu lắm. Phi cơ khu trục không thể cất cánh được. Tôi lại lo không biết người bạn của đại tá có đáp xuống đây được không? Phải là hoa tiêu đại tài mới có hy vọng hạ cánh an toàn. Nhược bằng…

- Alô, chúng tôi xin được tá túc chính trị. Trân trọng yêu cầu căn cứ Eielson báo cáo với Hoa Thịnh Đốn rằng Lý Dĩ về chỉ có một mình, còn Katy bị kẹt lại ở Mạc Tư Khoa.

Đại tá Pít dằng lấy máy vi âm trong đài kiểm soát xong chưa nói. Chàng rút túi ra chiếc khẩu cầm, và rồi giữa sự ngạc nhiên của mọi người, chàng thổi một bài ca cũ rích thời tiền chiến của Tinô Rốtsi. Thiếu tướng Hêron đứng dậy, vẻ mặt ngơ ngác. Trên không trung, những nốt nhạc dập dìu tràn ngập phòng hoa tiêu. Cô Nắc trợn tròn mắt:

- Bọn Mỹ này điên hả? Lúc này, họ còn đùa bỡn, và vui thú được ư?

Văn Bình không ngạc nhiên. Tuy vậy, chàng vẫn làm ra vẻ sửng sốt. Trước ngày lên đường, theo lệnh ông Sì Mít, chàng đã thuộc một số bài hát dùng làm mật hiệu. Bài hát của Tinô có nghĩa là «mọi việc đều an toàn». Nghĩa là đại tá Pít vừa báo hiệu cho chàng biết Katy đã được an toàn. Bài ca mới hết một đoạn, đại tá Pít bỗng chuyển qua một bài «cha cha cha» ồn ào. Trong phòng hoa tiêu, Văn Bình mỉm cười hát họa theo. Nghe giọng hát của Văn Bình, đại tá Pít ngưng bặt. Chàng đặt khẩu cầm xuống bàn, mặt đột nhiên tái mét. Thiếu tướng Hêron hỏi:

- Đại tá bị mệt ư?

Pít lẩm bẩm một mình, dường như không nghe câu hỏi của thiếu tướng tư lệnh căn cứ:

- Trời ơi, không khéo Văn Bình chết mất!

Trên phi cơ, Cô Nắc đập vào vai Văn Bình:

- Ồ, anh cũng điên như bọn Mỹ dưới kia sao?

Chàng cười lớn:

- Chúng mình thoát nạn rồi, không điên sao được?

Chàng mở máy «hoa tiêu tự động» mặc cho máy bay tự lái một mình. Sau mấy giờ cầm máy, và một đêm dài mệt nhọc, chàng thèm uống một tách cà phê đặc bỏng miệng. Chàng quay về phía Lôra:

- Thèm cà phê quá! Anh bỗng nhớ tới cà phê em pha trong phòng thí nghiệm.

Lôra nắm chặt bàn tay chàng. Nàng nói qua hơi thở thơm dịu:

- Em yêu anh quá.

Cô Nắc bỗng la lớn:

- Yêu hả? Đã đến lúc chấm dứt trò hề rẻ tiền rồi.

Cô Nắc ngồi bên Văn Bình trên ghế phụ tá hoa tiêu rút ra một khẩu súng bóng loáng, chĩa thẳng vào bụng chàng, nói tiếp, chậm rãi nhưng chắc nịch:

- Hân hạnh chào nhà bác học giả mạo!

- Trời ơi! Té ra anh không phải là nhà bác học Lý Dĩ thật ư? – Lôra kêu lên.

Vôn Liệt rút một khẩu súng khác, nhắm vào ngực Lôra, điểm bằng cái cười ngạo nghễ:

- Cô ả chưa biết ư? Nó là một tên gián điệp Mỹ.

Lôra bưng mặt khóc. Từ vẻ mặt hiền lành của nhà bác học lỗi lạc, Vôn Liệt chuyển sang tàn bạo như kẻ chuyên môn giết người. Quay báng súng lại, Vôn Liệt giáng mạnh vào đầu Lôra. Nàng gục xuống ghế. Một giòng máu chảy ri rỉ xuống trán. Văn Bình ngồi yên, không nói một tiếng. Chàng đang ở trong hoàn cảnh khó xử. Tuy nhiên, chàng không mất bình tĩnh. Chàng liếc mắt nhìn Vôn Liệt, lựa thế chống cự khiến Cô Nắc quát to lần nữa:

- Gián điệp Mỹ, giơ tay lên?

Văn Bình không thể không vâng lời. Vôn Liệt gầm lên trong cơn giận dữ:

- Hừ, cái giận xung thiên này, chúng tao phải nhịn từ mấy ngày nay, bây giờ mới có dịp bộc lộ. Mi tưởng Liên Xô mù mắt, không biết mi là gián điệp trá hình nhà bác học Lý Dĩ hay sao?

Văn Bình nhoẻn miệng cười, thản nhiên như không có chuyện nghiêm trọng xảy ra:

- Sao lại không?

Vôn Liệt thét to:

- Mi đừng nói láo! Sắp chết rồi còn kiêu ngạo! Mi biết số phận mi sẽ ra sao không?

Văn Bình vẫn cười:

- Sao lại không?

Cô Nắc cáu tiết về thái độ bình tĩnh đến ngạo mạn của Văn Bình. Tuy nhiên, là gián điệp chuyên nghiệp, hắn đã dằn lại được. Hắn nói với chàng:

- Là kẻ trong nghề, tôi không muốn để anh chết mà oán thán chúng tôi. Tôi kể lại tuần tự cho anh nghe. Mười phút nữa mới phải cầm lái, và từ bây giờ đến khi ấy, chúng mình còn chán thời giờ tâm sự. Chúng tôi khám phá ra anh là điệp viên CIA mà không bắt, song đã tương kế tựu kế để chơi lại CIA một vố. Dầu sao, chúng tôi cũng nghiêng mũ chào ông Sì Mít và anh vì đã đánh lừa được nhân viên của chúng tôi ở Mỹ.

Văn Bình cười nửa miệng:

- Đánh lừa đại tá RU Sécghi Rômanốp.

Cô Nắc tiếp, giọng kẻ cả:

- Anh quên rằng chúng tôi chỉ lầm trong buổi đầu. Đến khi biết chắc trăm phần trăm Lý Dĩ bằng xương bằng thịt còn ở Mỹ, chúng tôi đã tìm cách quật lại.

Văn Bình nhún vai:

- Anh lầm rồi. Các anh đã bị tôi đánh lừa lần nữa.

Cô Nắc dằn từng tiếng:

- Đừng láo!

Văn Bình gằn giọng:

- Nếu các anh không muốn nghe, tôi cũng xin chiều. Kế của anh rất hay, nhưng chỉ hay khi tôi không biết trước. Nó đã trở nên khôi hài vì thú thật, tôi cũng biết rõ không kém gì các anh. Vì khi tôi bị lộ, ông Sì Mít đã báo tin cho tôi biết để đề phòng.

- Ngụy biện! Báo tin bằng cách nào?

- Kể ra thì không nên tiết lộ làm gì, nhưng tôi tin các anh sẽ mất mạng trên chuyến phi cơ này nên tôi nói hết cho mà nghe: ông Sì Mít đã dùng làn sóng điện của đài Mạc Tư Khoa báo tin cho tôi.

Cô Nắc chép miệng:

-Thảo nào! Thảo nào!

Văn Bình tiếp tục:

- Anh công nhận là đúng chứ? Vâng, tôi đã nhận được mật điện của ông Sì Mít qua một bản tin của đài Mạc Tư Khoa. Các anh tưởng điệu hổ ly sơn thì dễ thi hành độc kế. Ai dè sau khi Katy bị đưa về Mạc Tư Khoa, tôi lại bố trí cứu nàng thoát khỏi, và nhờ nàng chuyển tài liệu về Mỹ.

- Nói dối! Katy còn ở Mạc Tư Khoa, và phút này cô ta đã bị tống giam.

- Các anh giàu trí tưởng tượng quá! Lúc nãy, các anh không nghe bản nhạc khẩu cầm của Tinô Rốtsi sao? Đó là mật hiệu báo tin Katy đã về Mỹ.

- Khá lắm. Khá lắm! Nhưng rồi anh cũng phải chết.

- Chết bằng cách nào?

- Lát nữa, máy bay sẽ đáp xuống trường bay Eielson. Vôn Liệt sẽ tiêm cho anh một phát thuốc vào người. Anh chết tức khắc. Thuốc độc này làm tê liệt thần kinh, không để lại vết tích nào khả nghi. Giải phẫu cơ thể anh, CIA cũng tưởng anh bị tai nạn mà chết.

- Tôi chết, đại tá Pít sẽ không để cho 2 anh yên ổn.

Cô Nắc hé một nụ cười nham hiểm:

- Cảm ơn anh đã nghĩ chu đáo. Nhưng chúng tôi đã nghĩ giùm anh kỹ càng rồi. Trong mấy phút nữa, anh sẽ bị đánh ngất, tôi sẽ ngồi lái và đáp xuống cách nào để cho lửa bốc cháy trong phòng hoa tiêu. Anh sẽ cháy như cây đuốc vì mình được rưới đầy xăng. Tôi và Vôn Liệt sẽ được an toàn và thản nhiên hoạt động trên đất Mỹ.

- Còn Lôra?

- Cũng vậy.

- Các anh đa mưu lắm, nhưng còn để lại một khuyết điểm lớn. Anh Vôn Liệt đóng trò thật khéo, song tôi đã biết từ trước Vôn Liệt trên máy bay này không phải là Vôn Liệt thực thụ.

Vôn Liệt kêu lên:

- Sao? Mi nói sao?

- Nói rằng anh là Vôn Liệt giả hiệu cũng như tôi là Lý Dĩ giả hiệu vậy.

Cô Nắc thở dài:

- Tại sao anh biết?

- Giản dị lắm. Nhờ hai chi tiết cỏn con. Các anh đã khôn ngoan nhưng chưa khôn ngoan hoàn toàn. Trước khi gặp Vôn Liệt giả, tôi đã đến biệt thự của Vôn Liệt thật mấy lần.

- À, ra anh giết hai tên lính?

- Đúng, giết cả Svéclốp nữa. Gặp Vôn Liệt giả, tôi đã kiểm điểm lại cái thẹo ở chân tóc. Hai thẹo này có. Tuy nhiên, nhân vật đóng Vôn Liệt giả chưa thuộc hết vai trò của mình.

Vôn Liệt dơ báng súng định bổ xuống đầu chàng:

- Mi đừng có mà châm biếm! Tao chưa thuộc đoạn nào, thử nói ra coi?

Văn Bình không biến sắc:

- Giết nhau, cứ giết, còn muốn nói chuyện với nhau đúng tư cách của nhà gián điệp chuyên nghiệp thì phải có lễ độ. Ngữ anh được chọn làm Vôn Liệt thì quả là Nga Xô đã hết nhân tài! Đây, tôi nói anh nghe. Vôn Liệt bao giờ cũng đợi hút thuốc hết nửa điếu mới chịu gạt tàn. Lúc này anh mới hút được một hơi chưa có tàn đã gạt, một chi tiết tầm thường nhưng phải khổ tâm luyện tập mới khỏi quên.

Vôn Liệt giả đỏ mặt, ngồi im. Văn Bình vẫn chưa hề buông tha:

- Tặng anh một kinh nghiệm nữa: chân anh cũng đi giày cỡ 42 như Vôn Liệt, nhưng Vôn Liệt bao giờ cũng đóng 3 con cá. Anh còn nhớ sự ngạc nhiên của tôi khi anh trèo lên máy bay không? Vì tôi không nghe tiếng cá giày của anh nện xuống đường. Nghĩa là anh không phải là Vôn Liệt. Cô Nắc cũng không phải là Cô Nắc.

Cô Nắc nhoẻn miệng cười:

- Hoan hô anh. Thôi, thời giờ sắp hết rồi, trước khi anh chết, tôi xin tự giới thiệu: Vôn Liệt đây là nhân viên cộng sự thân tín của tôi. Còn tôi có lẽ anh nên biết tên: tôi chính là đại tá Kimakô của R.U Xô Viết.

Văn Bình nghiêng đầu chào:

- Vạn hạnh, vạn hạnh. Còn tôi tên thật là Văn Bình, người Việt Nam.

Vôn Liệt trợn mắt:

- Có phải Z.28 đấy không?

Văn Bình gật đầu:

- Chánh danh.

Vôn Liệt thét lên:

- À, nếu mi là Z.28 thì mi càng đáng chết hơn nữa. Mi đã dọc ngang ở Đông Âu, Trung Quốc, và Bắc Việt, rõ thật run rủi cho mi hôm nay đến ngày tận số rồi.

Văn Bình bĩu môi:

- Nếu sợ chết thì chẳng ai làm cái nghề này. Tuy nhiên, tôi muốn xin các anh một phút giải bày nữa: tuy bị thất thế, tôi vẫn coi các anh là bọn gián điệp đàn em.

Cô Nắc quay khẩu súng trên tay:

- Hừ, anh bao giờ cũng tự phụ. Anh quên mất rằng đống tài liệu anh mang trong phi cơ về là do chúng tôi tạo ra lừa anh đến lấy.

- Phải, các anh hơn tôi chỗ đó. Vả lại, trong bất cứ một âm mưu nào ai dám tự hào là luôn luôn ở trên đối thủ, phải không hai anh? Song tôi mạn phép được hơn ở hai điểm sau đây. Thứ nhất, tài liệu đáng giá nhất là bản thu thanh của Sơn thần Út Tun Tắc và họa đồ căn cứ 123, thì tôi đã gửi Katy đem về Mỹ. Tôi đã ngấm ngầm thu thanh và chụp hình cho vào ống sáp môi tí hon. Thành ra cuộn băng tôi mang về hôm nay là thật hay giả cũng chẳng quan hệ nào. Và điều thứ hai là vào giờ này, cái hầm chứa vũ khí và tài liệu bí mật nhất của căn cứ 123 đã bị nổ sụp. Vì tôi đã gài lại chất nổ. Vôn Liệt thực thụ cũng chết dưới đống gạch vụn. Chất nổ sẽ làm hư hỏng giàn phóng hỏa tiễn, và căn cứ 123 mà các anh mất bao nhiêu triệu rúp để xây dựng đã tan ra thành tro bụi.

- À…

- Cám ơn các anh đã dặn dò phi đội trên biển Láp tếp đừng bay kịp chiếc Yak mà tôi điều khiển. Nếu quả muốn chặn lại thì khó gì. Nước các anh thiếu gì phi đạn tự động tìm mục phiêu để phá tan phi cơ trên thượng tầng không khí. Tôi sắp chết, tôi xin gửi lại lời vĩnh biệt các anh. Nhưng đại tá Kimakô ơi, tôi chết thì 2 anh cũng chết theo vì trên máy bay này tôi đã cất sẵn một trái bom, hễ đáp xuống đất, bom sẽ nổ tung.

Vôn Liệt nắm tay Văn Bình rung thật mạnh:

- Ở đâu, mi phải cho tao biết? Thôi rồi, mi bịa đặt chứ gì?

Văn Bình mím miệng cười khinh bỉ:

- Tôi không thèm bịa đặt. Thử nhìn ra góc này xem.

Vừa nói chàng vừa chỉ tay ra một góc phi cơ. Kimakô và Vôn Liệt giả cũng nhìn theo phía ngón tay của Văn Bình. Khẩu súng của Kimakô đã để trên ghế, chỉ còn súng của Vôn Liệt lăm lăm trên tay. Tuy vậy, một giây đồng hồ đãng trí của Vôn Liệt đã khá đủ cho chàng chuyển bại thành thắng. Phòng hoa tiêu tuy chật, nhưng chàng cũng hành động được dễ dàng. Trong chớp mắt tay trái của chàng tung lên phía trước trúng khẩu súng của Vôn Liệt. Cùng trong lúc ấy, chàng giáng sống bàn tay vào mặt hắn. Khẩu súng của Vôn Liệt rơi xuống sàn phi cơ. Cú đánh thần tốc của Văn Bình chưa được mạnh nên hắn ngã lật ra sau nhưng chưa bị mê man.

Là tay lão luyện, Kimakô phản ứng nhanh như điện. Hắn nắm lấy khẩu Nagan 9 ly đưa ra phía trước bắt chàng giơ tay. Bỗng «đoàng» một tiếng. Đó là tiếng súng bắn của Lôra. Khẩu súng của Vôn Liệt vì một trớ trêu kỳ quặc đã bay vào tận tay Lôra khi ấy nép mình trong góc phòng hoa tiêu. Nàng chỉ đưa thẳng lên, nã vào người Kimakô. Có lẽ vì cảm xúc, và có lẽ vì nàng chưa bắn thạo nên phát đạn bay vèo qua tai Kimakô cắm phập vào ghế phi cơ. Lôra chưa kịp bóp cò lần nữa thì viên đạn bá phát bá trúng của đại tá RU Kimakô đã bắn vào giữa ngực nàng. Lôra quăng súng, ôm chầm lấy vết thương quá nặng và quẹo đầu xuống. Kimakô định diệt Lôra trước, rồi kết liễu Văn Bình sau, nhưng không ngờ Văn Bình lại nhanh hơn. Mũi súng của Kimakô chưa kịp quay lại, chàng đã ôm chặt lấy cườm tay cầm súng. Một cuộc xung đột khủng khiếp về nhu đạo diễn ra trên chiếc Yak BL bay 7.000 cây số trên không trung Alaska. Phòng hoa tiêu chật chội, 2 nhà nhu đạo thắt lưng đen chỉ có thể giết nhau bằng môn võ bẻ tay, điểm huyệt atémi. Thoạt tiên tay trái của Văn Bình nắm được cườm tay phải của Kimakô. Kimakô bị rơi súng, nhưng trong khi Văn Bình chưa đánh kịp, hắn đã vặn tay từ phải sang trái một phần tư vòng, và phá bật lên. Vừa gỡ được tay phải, Kimakô dùng luôn sống bàn tay này đánh quật lại vào nhân trung Văn Bình trong thế atémi cực kỳ nguy hiểm uraut chi-ken mà người bị đòn dễ bị ngất. Văn Bình đảo người né kịp. Kimakô bèn bắt lấy hai bàn tay của Văn Bình. Bị lâm vào gọng kềm này, Văn Bình liền vận nội công gạt hai cánh tay rộng ra, và trong khi đó dùng bàn tay phải nắm lấy cổ tay phải của Kimakô, rồi cũng áp dụng thế đánh của Kimakô lúc nãy đã gỡ thoát, đoạn bồi thêm một cú atémi bằng nắm tay trái vào khuỷu tay địch. Nếu là người khác thì đã gãy tay, nhưng Kimakô chỉ bị đau nhói. Cánh tay kia không bị đau Kimakô bèn hoành ra, níu tóc Văn Bình. Chàng liền vung 2 tay lên bắt lấy, đoạn lên gối thúc vào giữa ức Kimakô. Chàng nhắm một yếu huyệt gọi là shi-kông, đụng tới là thác. Song Kimakô đã lừa chàng. Văn Bình vừa đưa 2 tay lên, hắn đã chuyển thế, đâm 3 ngón tay vào khoảng giữa lông mày. Văn Bình rợn tóc gáy. Trúng huyệt này, chàng phải chết. Thành ra để tránh độc thủ, cả 2 đều phải nhả ra.

Mấy giây sau, Kimakô lại quấn vào Văn Bình. Hai người bẻ cổ nhau, bóp nhau cho ngạt thở, khóa đầu nhau, nhưng vẫn chưa thắng bại. Văn Bình liền xoay qua môn võ khác. Chàng liền đánh những miếng nguy hiểm nhất mà sư phụ nhu đạo của chàng căn dặn không bao giờ được dùng, trừ khi nào không còn lối thoát khác. Từ xưa đến nay, chàng thường dùng atémi để giải quyết những trường hợp khó khăn, nhưng ít khi hạ độc thủ. Chàng hét lên một tiếng «kiai» thật lớn, đoạn đánh 2 atémi một lượt. Kimakô nhào tránh, và trong né đòn, hắn rút được một khẩu súng khác treo trên vách phi cơ. Ngón tay Kimakô nhấn mạnh vào cò.

Đoàng… đoàng…

Nhưng Văn Bình không bị trúng đạn. Vì người bắn không là Kimakô mà vẫn là Lôra. Nàng nhả đạn vào giữa mặt Kimakô. Kimakô bưng mặt, ngã vật xuống sàn phi cơ. Văn Bình nâng Lôra lên, đặt đầu nàng lên đùi, rồi đóng máy hoa tiêu tự động. Lôra lim dim đôi mắt, giọng đau đớn:

- Anh ơi!

Chàng vuốt má nàng:

- Em yên tâm, gần đến nơi rồi.

Văn Bình lái phi cơ xà xuống mặt biển. Trước mặt chàng thấy một vùng trắng xóa. Bên trên sương mù trắng xóa. Nước biển cũng trắng xóa một màu. Một trận gió tuyết thổi qua dữ dội làm phi cơ tròng trành. Thời tiết đột nhiên xấu hẳn. Chàng gọi cho căn cứ Eielson:

- Z.28 gọi Eielson. Z.28 gọi Eielson cho biết QFE (5).

Tiếng nói từ dưới căn cứ vẳng lên, chứa đầy lo âu:

- Eielson gọi Z.28, tin tức khí tượng xấu lắm, xấu lắm. Một trận cuồng phong đang nổi lên, và kéo về đây.

- Z.28 gọi Eielson. Alô, liệu tôi đáp xuống có được không?

Trong máy vi âm có tiếng thở dài của đại tá Pít:

- Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Phi trường ở đây sắp bị QGO hoàn toàn (6).

- Phi cơ của tôi sắp sửa hết xăng, lại có người hấp hối. Có phương pháp cấp cứu nào không?

Văn Bình vừa dứt câu thì một cơn gió hãi hùng chở đầy khí lạnh Bắc cực quạt vào cánh phi cơ. Trời lạnh buốt xương, chàng vẫn toát đầm bồ hôi. Như người mù lang thang giữa đường đông nghẹt, chàng bay mò mẫm, không nhìn thấy đường, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào…

*

* *

Trong khi ấy, tai nạn hãi hùng xảy ra trên bán đảo Tai Mia. Trong đài kiểm soát phi trường thuộc căn cứ 123, thiếu tá Đugátxích lẳng lặng rít một hơi thuốc lá. Mặt hắn xanh tái, đôi mắt thâm quầng, dáng điệu mệt mỏi sau một đêm dài thức trắng. Máy viễn ký từ 2 căn cứ Ambaxích và Sibia dọc theo Bắc Băng Dương vẫn tiếp tục kêu lạch xạch. Hắn giật miếng giấy vàng ra khỏi máy, nhẩm đọc:

- MM 89 đã vượt biên giới Liên Xô, tiến về phi thường Eielson. Phi cơ của ta bay theo không kịp.

Đugátxích nở nụ cười kiêu ngạo. Tối qua, các phi đội Mig 19 và 21 đã được lệnh rời căn cứ dọc theo biên giới trở về nội địa tham dự một cuộc tập trận, chỉ còn trơ lại những chiếc Mig 15 cũ mèm bay thua Yak BL gần 400 cây số một giờ. Ha ha, nếu tên gián điệp Mỹ này biết sự thật nhỉ? Đugátxích tợp một ngụm cà phê, sửa soạn về phòng để kéo một giấc ngủ bù trừ. Đột nhiên một tiếng nổ kinh thiên động địa vẳng tới. Đugátxích ù tai, vịn vào cửa cho khỏi ngã. Một loạt tiếng nổ khác tiếp theo. Hắn la lên:

- Trời ơi, dưới hầm!

Thật vậy, tiếng nổ đã từ dưới hầm đá phát ra. Trong khoảnh khắc, căn cứ 123 rộng lớn biến thành một đám cháy khổng lồ. Lửa lan vào kho nhiên liệu của sân bay rồi kéo sang giàn hỏa tiễn T-3. Đám cháy bành trướng rất nhanh nhờ những trận gió thổi dốc qua căn cứ. Thở hổn hển, Đugátxích chạy xuống phi đạo.

Bùng bùng… Đoàng đoàng…

Phi cơ bắt đầu nổ tung.

Binh sĩ chạy nhốn nháo. Đội cứu hỏa vừa phóng xe chở tuyết thán khí tới giàn hỏa tiễn thì bị chìm ngập trong biển lửa. Khu hầm đá kiên cố được xây bằng bê tông cốt sắt, và trang bị máy điều hòa khí hậu, tốn công quỹ Xô Viết hàng triệu rúp, chỉ còn lại một đống lửa đỏ ối, cao ngất trời… Như người điên, Đugátxích chạy vội lại một chiếc trực thăng. Đó là chiếc MH NKh (7) được dùng để liên lạc và chuyên chở bệnh nhân. Thần hỏa mới hoành hành trong khu chứa phi cơ oanh tạc và khu trục, còn khu chứa trực thăng vẫn còn nguyên vẹn. Chiếc M-I này có thể bay gần 200 cây số một giờ. Đugátxích có hy vọng thoát hiểm nếu rời căn cứ kịp thời. Những luồng khói màu xanh chở đầy mùi ét xăng, mùi ma dút, và mùi thuốc súng làm hắn nghẹt thở và quáng mắt. Sắp sửa trèo lên trực thăng, hắn giật mình kinh ngạc vì thấy ghế ngồi đã bị chiếm hết, cánh quạt bắt đầu quay tròn, và người lái là một vệ sĩ của đại tá Kôrênin. Hành khách trong trực thăng đều là nhân viên Smerch, trong ban an ninh căn cứ. Đugátxích quát:

- Xuống mau…

Tiếng ồn của đám cháy át hẳn khẩu lệnh của Đugátxích. Hắn nhảy lên trực thăng, giọng dữ tợn:

- Xuống mau…

Trên trực thăng có cả thảy 3, 4 người. Thường ngày họ sợ Đugátxích như cọp nhưng trong phút này, họ đều thản nhiên coi hắn như người lạ. Đugátxích bị một người cản lại:

- Hết chỗ rồi, mời thiếu tá tìm trực thăng khác.

Đugátxích quát:

- Mày xuống, nhường chỗ cho tao.

Hắn không kịp nói thêm nữa. Một trái đấm vào giữa mặt, hắn choáng váng một giây rồi ngã xuống. Trực thăng từ từ bay lên. Một phút sau, đám cháy lan tới chỗ thiếu tá Đugátxích nằm bất tỉnh. Hắn cháy như cây đuốc, quẫy lên mấy cái rồi tắt thở.

Lửa sáng một góc trời.

*

* *

Nhìn ngọn lửa màu xanh đang liếm dần tờ giấy, đại tướng Sêrốp (8) thở dài. Sở phản gián Smerch vừa báo tin Katy trốn thoát. Trong cơn phiền muộn, Sêrốp châm lửa đốt bản phúc trình. Sêrốp là người thích nhìn lửa cháy.

Thiếu tướng Maximôvích của Sở Smerch ngồi yên trên ghế, dáng điệu lo âu. Sêrốp ngẩng đầu lên:

- Đồng chí tìm ra tông tích Katy chưa?

Maximôvích thở dài:

- Thưa chưa. Nửa đêm, cô ta trốn mất, tuy bên ngoài đại tá Rômanốp đã đặt người gác.

Sêrốp bâng khuâng nhìn ngọn lửa:

- Hỏng rồi. Hỏng rồi. Đồng chí liên lạc được với căn cứ 123 chưa?

- Thưa chưa. Không hiểu sao các đường điện thoại và vô tuyến đều không trả lời.

- Hỏng rồi. Mình bị CIA cho vào xiếc. Thiếu tướng còn cách nào báo tin cho Kimakô và Cô Nắc để thoát thân không?

- Đại tướng đừng lo. Theo kế hoạch, tên gián điệp CIA và Lôra sẽ bị giết trên phi cơ, còn Kimakô và Cô Nắc sẽ đáp xuống trường bay Eielson an toàn.

Sêrốp đấm tay xuống bàn:

- Trời ơi, tôi không ngờ thiếu tướng lại ngây thơ đến thế! Mình sẽ mất hết. Mất cả 2 nhân viên có tài. Mất chiếc phi cơ Yak BL. Mất luôn cả tài liệu mật.

Sĩ quan tùy viên mở cửa đưa tận tay đại tướng Sêrốp một mảnh giấy vàng. Sêrốp tái mặt nhìn Maximôvích:

- Căn cứ 123 vừa phát nổ.

Maximôvích khựng người:

- Thưa, có hề gì không?

- Chẳng hề gì cả. Chỉ tan ra thành gạch vụn mà thôi. 100 phi cơ, 25 hỏa tiễn T-2, T-3, 50 nhà bác học.

Mắt Sêrốp tóe lửa như muốn ăn tươi nuốt sống Maximôvích. Chợt nhớ ra, Sêrốp ấn nút điện thoại:

- Alô, liên lạc ngay với A16 ở căn cứ Eielson ra lệnh bắn rớt chiếc Yak của ta.

Trong anh téc phôn, có tiếng trả lời kính cẩn:

- Thưa A16 đã bị bắt sáng nay.

Sêrốp gầm lên một tiếng, hất tung đống hồ sơ xuống đất.

*

* *

Trên không phận Bắc Mỹ, chiếc Yak vẫn bay đều đều.

- Alô, Z.28 gọi Eielson, tôi vẫn tiếp tục bay thẳng… Các bạn hãy tiếp tục theo dõi tôi trên giàn radar… Các bạn đã thấy tôi chưa?

- Chưa. Không thể nào theo phi cơ của bạn bằng radar vì trời xấu đã đánh lạc các làn sóng. Bạn thử phương pháp trắc giác (10) xem. Yêu cầu bạn phát ra một tín hiệu liên tục để ở dưới này chúng tôi theo dõi bạn bằng trắc giác.

Văn Bình làm theo lời dặn. Một phút sau, đài kiểm soát nói tiếp:

- Alô, Z.28, bạn đang bay trên đầu chúng tôi… Trận bão vừa làm đổ ăng ten ILS (11). Hoàn toàn QGO rồi… Phi cơ không được cất cánh hoặc đáp xuống nữa… Tuy nhiên,…

Tiếng nói im bặt. Mặt Văn Bình hơi tái, chàng ái ngại nhìn Lôra gục đầu vào ghế, ngực đầy máu. Nếu không gặp bão, chàng có hy vọng cứu nàng. Bên dưới, một bầu không khí nghiêm trọng bao trùm đài kiểm soát. Đại tá Pít của CIA thở dài nói với viên tư lệnh căn cứ:

- Người vừa nói với chúng ta là một yếu nhân tình báo mà Bạch Cung và Ngũ Giác Đài sẵn sàng hy sinh bất cứ giá nào để cứu sống. Thiếu tướng còn phương pháp cuối cùng nào không?

Vị tư lệnh đứng im một giây, rồi bỗng cầm lấy máy vi âm:

- Alô, Z.28… Thiếu tướng Hêrôn, tư lệnh căn cứ Eielson đây… Bạn yên tâm… Bạn đang bay trên đầu chúng tôi… Giờ đây, yêu cầu bạn lái vòng 230 độ, cỡ nhất (12) sang bên phải… Bạn bay trong 90 giây, giảm sức máy theo đường bay 045… Hạ thấp xuống độ cao 700 bộ (13)…

Nói xong, thiếu tướng Hêrôn ngắc đại tá Pít:

- Đại tá ra sân bay với tôi.

Hêrôn trèo lên xe díp, ra lệnh cho một chiếc cam nhông chứa đầy xăng chạy trước. Trên không phận, Văn Bình nói:

- Alô, Eielson… Đã thi hành chỉ thị… Độ cao 700 bộ, đường bay 045… Chờ chỉ thị mới…

Trong đài kiểm soát, viên phụ tá cất tiếng:

- Eielson gọi Z.28… Hãy vặn mặt vô tuyến của bạn vào làn sóng RANGE… Bạn đã ra đến bờ biển… Bây giờ bạn lái sang phải, đúng 90 độ… Bạn đã lái 90 độ xong chưa?… Bạn đã nghe tiếng «tút tút» của tín hiệu RANGE chưa?

Văn Bình tuân theo như máy. Vừa lái vòng 90 độ, chàng nghe máy vô tuyến phát ra tín hiệu «tè tạch» của chữ N. Tè tạch, tè tạch, tè tạch… Chàng bèn lái sang bên phải chút nữa. Tiếng tè tạch biến mất, nhường chỗ cho tiếng tút tút… tút tút… Văn Bình hạ xuống độ cao 100 bộ. Không gian vẫn một màu trắng xóa. Trong khi đó, xe díp và cam nhông chở xăng đã chạy đến cuối phi đạo. Thiếu tướng Hêrôn ra lệnh cho tài xế mở vòi xăng cho chảy xuống lênh láng thành một vệt dài. Hêrôn nắm lấy chiếc walkie talkie (14):

- Alô, thiếu tướng Hêrôn gọi Z.28… Bạn đừng bay ra ngoài làn sóng RANGE (15)… Hễ thấy dưới này có lửa bùng lên, bạn hãy tắt hết máy. Đám lửa báo hiệu bạn đã tới đầu phi đạo… Tôi sẽ cho bật hết đèn lên cho sáng… Thôi chào bạn… Chúc bạn may mắn…

Thiếu tướng Hêrôn bắn một phát hỏa châu vào vùng xăng ở đầu phi đạo. Xăng bốc cháy rần rần, sáng rực trường bay. Những tia lửa lớn xuyên qua màn sa mù dày đặc. Văn Bình từ từ đáp phi cơ xuống.

Một quang cảnh rộn rịp diễn ra. Xe cứu hỏa và Hồng thập tự rú kèn inh ỏi. Đoàn lính cứu hỏa mặc đồ trắng kỵ lửa phun tuyết thán khí trên sân bay để dập tắt đám cháy do 1.000 lít xăng gây ra. Văn Bình nghe giọng nói quen thuộc của đại tá Pít trong máy vi âm walkie talkie:

- Có hề gì không?

Văn Bình đáp nhanh:

- Không hề gì cả.

Lôra đang rúc đầu vào ngực chàng. Máu vẫn trào ra như suối, nhuộm đỏ áo sơ mi trắng phẳng nếp của nàng. Mắt Lôra lim dim như say thuốc ngủ. Môi nàng mấp máy:

- Katy không là vợ anh, phải không?

Văn Bình âu yếm vuốt tóc nàng:

- Không. Anh đã làm gì có vợ. Nàng chỉ là nhân viên CIA, và anh mới gặp lần đầu.

Lôra thở phào ra:

- Em cứ ao ước…

Chàng cúi đầu xuống hỏi gặng:

- Ao ước gì? Em cứ nói, anh sẽ hết sức làm em vừa lòng… Đừng ngại, y sĩ ở đây sẽ gắp đạn ra cho em. Em sẽ bình phục, chúng mình sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới một chuyến…

Lôra mỉm cười, một nụ cười tươi chàng chưa bao giờ thấy:

- Muộn rồi, anh ạ. Em ao ước anh không phải là Lý Dĩ. Em đã được như ý. Chỉ tiếc không được sống thêm ít lâu với anh. Tay chân em lạnh rồi anh ơi, khí lạnh đã lên tới ngực. Em sắp phải xa anh, xa anh mãi mãi. Đời anh sóng gió, nay nơi này, mai nơi khác, làm gì có tình yêu bất dịch, hở anh?

Văn Bình đau buốt trong tim. Chàng nghẹn ngào hôn lên đôi môi lạnh ngắt của nàng:

- Có, em ạ.

Lôra cười tươi hơn. Văn Bình ôm ghì nàng vào trong lòng. Trời Bắc cực trong suốt như thủy tinh. Trận cuồng phong đã tan hết. Môi chàng vẫn dính môi Lôra. Hơi thở nàng yếu dần. Máy vi âm vẫn vẳng giọng nói vui vẻ của đại tá Pít song Văn Bình không còn nghe được gì nữa. Tuy nhiên, chàng vẫn nghe câu nói cuối cùng của Lôra:

- Văn Bình ơi… anh có nhớ em… không…?

NGƯỜI THỨ TÁM

Chú thích:

(1) Noroya Sibir

(2) Ambachik

(3) Behring

(4) Phi công nhận định phương hướng theo thể thức cây kim đồng hồ. Chẳng hạn, phi cơ bay thẳng trước mặt thì gọi là «phi cơ lạ ở 12 giờ». Còn phi cơ lạ ở 9 giờ, nghĩa là ở bên trái, chệch góc 45 độ.

(5) QFE là áp lực của phong vũ biểu dưới đất (Pression barométrique). Áp lực này được đo bằng milibare. QFE cũng như các danh từ khác trong chương này là tiếng chuyên môn hàng không.

(6) QGO là cấm phi cơ cất cánh hoặc đáp xuống.

(8) NKh nghĩa là Harodno Khozyasitvennyl (kinh tế quốc gia), trực thăng này bay nhanh, bền, lại tốn ít xăng nên mới được gọi là NKh. Đường kính cánh quạt 14 thước, tốc lực tối đa là 185 cây số một giờ. Trực thăng này được chế tạo năm 1944, và xuất hiện tại Ba lan dưới cái tên là SM-I. Anh em của nó MH NKh, MHV, MHM13, M14, và M16 do kỹ sư Mikhai L. Mil phát minh.

(9) Tức Serov, người đã chỉ huy Hồng quân đàn áp cuộc khởi nghĩa tại Hung Gia Lợi năm 1956. Truyện này được viết khi Serov còn là tổng giám đốc Công an Xô Viết KGB.

(10) Trắc giác: gonio. Máy bay phát ra một tín hiệu, đài kiểm soát căn cứ vào tín hiệu này để tìm ra vị trí bằng phép trắc giác. Tưởng cần nói thêm là hoa tiêu bay trên trời và đài kiểm soát dưới liên lạc với nhau bằng những danh từ riêng, chẳng hạn khi dứt lời muốn cho bên kia nói thì dùng chữ «over», còn hiểu rồi thì dùng chữ «Roger», còn nếu phi trường bằng lòng cho đáp xuống thì dùng chữ «clear» nói với hoa tiêu, v.v…

(11) ILS, hệ thống đáp xuống mò, nghĩa là phi công hạ cánh theo chỉ thị của đài kiểm soát, chứ không thấy gì hết. Phi công phải áp dụng phương pháp ILS khi gặp lớp sa mù.

(12) Cỡ nhất: Rate One, nghĩa là lái chậm hơn. Việc lái được chia làm nhiều cỡ: cỡ nhất, cỡ nhì,…

(13) Mỗi bộ (pied – foot) là 30 phân, 700 bộ là 280 thước.

(14) Walkie talkie: máy nói vô tuyến cầm tay.

(15) RADIO-RANGE là một hệ thống tân tiến về không vận giúp phi cơ bị lạc trong sa mù có thể đáp mò xuống đúng phi đạo. Radio-range là một máy phát ra 4 làn sóng gặp nhau theo hình chữ thập. Hai làn sóng tè tạch, tín hiệu chữ N theo morse, 2 làn sóng kia là tạch tè, tín hiệu chữ A. Ở khoảng giữa các làn sóng điện gặp nhau, phát sinh ra làn sóng khác nhỏ khác, nghe tút tút. Nếu phi công nghe tè tạch, tức là ở vào làn sóng chữ N, tạch tè là ở làn sóng chữ A, nên có thể nhận ra vị trí của mình trên không phận. Tùy theo đó, phi công sẽ lái qua phải hoặc trái cho đến khi nghe tín hiệu tút tút là có thể đáp xuống được. Khi phi cơ bay trên đầu máy Radio-range, thường đặt ở trung tâm phi trường, phi công sẽ không nghe thấy gì.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx