sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thơ Và Đời

cover

Tác giả: Sưu Tầm

Thể loại: Tùy Bút

Tình trạng: Đã hoành thành

Chiều thứ bảy tôi vừa rời khỏi công sở về nhà, sửa soạn nhót đi chơi một chút để thư dãn một chút thì bác cả dựng xe trước cửa. Bác còn trẻ mới ngoài năm mươi nhưng dáng đi khòng khòng, cái cổ cứng đơ không cử động được vì vôi hoá cột sống. Lúc bác muốn quay lai đằng sau bác cứ phải xoay cả người trông vừa buồn cười vừa tội nghiệp!

Ngày còn trẻ có lẽ bác là người đẹp trai nhất họ, ấy là bọn trẻ nó nói với nhau như vậy.

Bác có vẻ hơi mệt mỏi cùng với một túi giấy mời của Hội Văn học Việt nam trong tay, chắc vừa đi phân phát rồi tới đây!

Chưa vào đến nhà bác đã hỏi vội :

“ Nhà gì mà tối om thế này” chẳng là tôi vừa tắt điện định đi xong. Tuy nhiên tôi cũng nhanh nhẩu lấp liếm luôn, em vừa ở trên nhà chạy xuống chưa kịp bật điện ạ!

Bác nói tiếp rất nghiêm trọng :” Có cái việc thế này, ngày mai có Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5, anh cho chú thím cái giấy mời để tham dự nhân tiện dự lễ kết nạp vào Hội Văn Học Việt nam của anh”.

Nói xong lại tất bật đi tiếp, cái xe máy bụi đất lặc lè chắc vừa ở quê lên, lại đi từng nhà như thế này thật vất vả quá chừng, chưa kể sức khoẻ không lấy gì tốt của bác.

Tôi chỉ còn kịp nói với theo “ Vâng nhất định chúng em sẽ tới…”

Bác cả nhà em chính là nhà thơ Nguyễn Trọng Khánh - Thái Bình, một trong 40 nhà thơ nhà văn được kết nạp vào Hội Văn Học Việt nam trong năm nay được diễn ra rất trang trọng trong sân Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Tôi nhìn theo cái xe của bác lóc cóc xa dần mà vô cùng khâm phục trước một đam mê nàng thơ của bác chẳng khác gì người ta nghiện nàng tiên nâu. Là một người rất yêu thích thơ văn nhưng để có tình yêu nàng thơ như bác thì quả là quá hiếm trong cuộc đời mưu toan cơm áo này. Thế mới biết để có được những vần thơ các nhà thơ đã phải lao tâm khổ tứ đến nhường nào, bác cả cũng chẳng thoát khỏi cảnh manh áo giá cơm!

Là cử nhân hoá học, là giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia, những học sinh của thành phố Thái Bình qua bao nhiêu thế hệ đều biết tên thầy Khánh. Bác cả đã có những học sinh đạt giải trong những kỳ thi Hoá Quốc tế, thế mà vẫn vậy…anh tôi đã viết rất thật về mình trong bài thơ Đánh mất. Bao nhiêu tiền do dạy học đều đem in thơ để rồi mang tặng bạn bè người thân…để rồi còn lại một cái cổ đau cứng nhắc và mái tóc đã pha sương.

Xin giới thiệu một vài bài thơ của bác cả.

ĐÁNH MẤT

Tôi thẳng lưng

Cứng cổ lại đau chân

Đi làm bằng chiếc xe đạp cũ

Có một lần đèo người yêu

Đi phố

Mải huyên thuyên

Mây gió với nắng giời

Nào ngờ

Đánh rơi tiếng cười đằng sau

Cho người đời

Nhặt được

Thì ra những người nghèo

Lại thường hay đánh mất

HÌNH DUNG

Kính tặng hương hồn cha tôi

Thày đi theo cõi ông bà*

Con hình dung thấy người xa xa dần

Nén nhang cháy đỏ suốt tuần

Con hằng mong ước một lần gặp cha

Cả đời lận đận bôn ba

Đi theo cách mạng vào ra tù đầy

Con hình dung dáng cha gầy

Còng lưng đất nước những ngày khó khăn

Bộn bề công việc quanh năm

Đạp xe tới tận xa xăm khắp miền

Có thời con bệnh triền miên

Đêm khuya ánh mắt cha hiền bên con

Những ngày sương muối trăng mòn

Vào Nam ra Bắc cha còn say mê

Những ngày nắng đỏ đồng quê.

Mẹ,con vui có cha về thương yêu

Bão giông cha chịu đã nhiều

Mắt cười cha dạy con điều vững tin

Chiều nay gió lạnh về tim

Hàng cây cơm nguội lặng im tiễn người

Hà Thành gió xoáy mưa rơi

Cha đi thanh thản một đời trắng trong

Con thầm dày xéo cõi lòng

Ngày cha còn sống không hình dung ra

Hình dung phút bố đi xa

Để được chăm sóc để mà yêu thương.

Tết này là tết bao nhiêu

Mẹ con xin bố chiều chiều về thăm

Bát hương đã hoá mấy lần

Con hình dung thấy cha gần gần thêm…

Nguyễn Trọng Khánh – trích từ tập thơ

“ Hoa đồng tiền Đêm” NXB Hội nhà văn 2005

Viết đến những dòng cuối này mắt tôi cay quá, nhớ đến ông bác, một người vô cùng bao dung nhân hậu, nhớ những buổi gặp mặt cuối năm hoặc mùng Một Tết của đại gia đình. bác như một ông tiên hiền vui cười với tất cả cháu con, không phân biệt dâu, rể, gái, trai, sang hèn. Cả đời mình Bác đã gìn giữ nền nếp gia phong của một gia đình nông thôn Việt nam lấy yêu thương làm nền tảng của Hạnh phúc, lấy Tứ Đức để giáo dục cháu con. Những ngày bác bị ung thư giai đoạn cuối ở tuổi 82, nằm trong căn phòng trắng xoá của bệnh viện Việt Xô là khi tôi chuẩn bị vào viện mổ, bác vẫn gọi về nhà cho thầy u mình và nói rằng chú thím phải lên ngay, nó cần có người chăm sóc. Bác chồng mình là vậy đấy cho nên khi người ra đi là một mất mát lớn trong đại gia đình mình và anh tôi đã viết những câu thơ nghe đến cháy lòng:

Chiều nay gió lạnh về tim

Hàng cây cơm nguội lặng im tiễn người

Hà Thành gió xoáy mưa rơi

Cha đi thanh thản một đời trắng trong…

Dưới mưa xuân lâm thâm của sân Văn miếu Quốc tử giám, Ngày thơ Việt nam lần thứ 5 bắt đầu. Sau lễ thả thơ của các nhà thơ lớn, được nghe đọc thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ, màn múa cờ hoành tráng, thơ Nguyễn trãi, rồi bài hát rất Đất nước do ca sỹ Văn Giáp hát, tôi lại thấy như được sống trong hào quang sông núi với hồn thiêng của những nhân tài qua bao nhiêu thế hệ. Bác cả nhà mình vẫn “thẳng lưng, cứng cổ lại đau chân” lom khom với bao nhiêu hoa của người thân, bè bạn và học sinh đến nỗi không thể nào bê hết được…nét mặt rạng ngời!

Có lẽ đó là hạnh phúc của những thi nhân mà anh tôi hằng đeo đuổi suốt cả cuộc đời như Hàn Mặc Tử, như Trịnh Công Sơn và rất nhiều nhà thơ khác nữa chỉ là để lại cho đời những câu thơ rồi có thể chúng mãi mãi bị lãng quên.

* Quê tôi gọi bố mẹ bằng thày u


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx