sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tình Yêu Thời Thổ Tả

GIỚI THIỆU

Tình yêu thời thổ tả là câu chuyện tình say đắm giữa một người đàn ông tên Phlorênhtinô Arixa - con một bà bán hàng vặt, với một người phụ nữ tên Phecmina Đaxa - con một nhà buôn hãnh tiến, giàu có mới phất nhờ ăn cắp và gian lận. Khi mới lớn lên, họ yêu nhau nồng nàn nhưng không lấy được nhau vì họ quá trẻ, không có kinh nghiệm sống cũng như nghị lực lớn để chiến thắng quan niệm môn đăng hộ đối trong hôn nhân. Hơn năm mươi năm, họ sống xa mặt nhưng không cách lòng với bao sóng gió cuộc đời. Phecmina Đaxa nhẫn nhục sống làm vợ - một thứ đồ trang sức và một nàng hầu - của bác sĩ Ucbino Đê la Cadê, một thân hào đầy thế lực của giới thượng lưu. Phlorênhtinô Arixa vì thất tình nên một mặt lao vào làm giàu bằng mọi thủ đoạn, cả tốt lẫn tàn nhẫn, để trở thành chủ hãng tàu thủy như điều ông ta mong ước và mặt khác, để thỏa mãn nhục dục, ông ta lao vào “chơi gái” đủ mọi hạng: gái chưa chồng, gái muộn chồng, gái chê chồng và chồng chê, gái nạ dòng và cả gái tơ, nhưng không lúc nào không mơ tới Phecmina Đaxa và chỉ chờ ngày Đê la Cadê chết để nối lại quan hệ với nàng. Dịp ấy đã đến khi cả ông lẫn bà đã ngoài bảy mươi tuổi. Bằng sự từng trải của mình, bằng địa vị xã hội đã đạt được, cả hai nối lại tình yêu và trở lại yêu nhau đắm đuối như lúc trước. Nhưng vì đã quá già nên hai người đã không đủ sức thắng nổi những định kiến, thành kiến của xã hội hủ lậu từng bóp chết mối tình đầu của họ. Và thế là họ trốn lên tàu thủy và chỉ hai người sống với nhau trên chiếc tàu treo lá cờ vàng - dấu hiệu có người bị bệnh thổ tả - chạy ngược rồi chạy xuôi trên dòng sông Măcgơđalêna - dòng sông của Đêmôcrit.

Có thể nói, Tình yêu thời thổ tả là một bản cáo trạng đanh thép đối với một xã hội hủ lậu dựa trên sự đánh giá con người không bằng phẩm giá người mà bằng số của cải anh ta có được. Nó đã bóp chết bao mối tình trong sáng và tươi đẹp. Muốn có tình yêu và hạnh phúc tình yêu, con người nhất thiết phải được giải phóng khỏi xã hội đó. Nhưng tác giả đã không dừng lại ở chỉ một thông điệp này, ông còn đi xa hơn nữa khi nói rằng: Tình yêu thời thổ tả là sự suy nghĩ về tình yêu của con người ở mọi lứa tuổi. Con người không chỉ yêu nhau khi đang độ thanh xuân, khi đang ở tuổi tráng niên mà còn yêu nhau khi đã tóc bạc răng long và chính ở tuổi này, họ yêu nhau chân thực hơn và vì thế cũng da diết hơn, si mê hơn.

Với Tình yêu thời thổ tả, tình yêu đích thực là chiếc chìa khóa vàng giúp con người mở cửa tâm hồn mình, để hòa vào nhau, đến với nhau trong cuộc đấu tranh chống lại nỗi cô đơn muôn thuở. Đồng thời, với nụ cười hóm hỉnh, dường như tác giả Marquez muốn cảnh tỉnh những ai đang đùa cợt với ái tình, đang lợi dụng tình yêu để thỏa mãn nhục dục của mình. Những người đó hãy nhận thức về nỗi cô đơn vì sớm muộn gì thì nó cũng nuốt chửng họ sau khi nhục dục đã được thỏa mãn...

Tình yêu thời thổ tả chính là thứ tình yêu thủy chung, tình yêu trong sáng nhất. Chứng kiến mối tình của Phlorênhtinô Arixa và Phecmina Đaxa, độc giả mới hiểu được rằng: Trong tình yêu chỉ tồn tại duy nhất thứ gọi là tình yêu, còn tất cả những điều thuộc về xã hội, với những quy tắc, lý thuyết, dư luận… và ngay cả thời gian cũng đều trở nên vô nghĩa. Tình yêu bất tử là một tình yêu, mãi mãi vẫn là tình yêu. Cuộc sống chóng tàn, hữu hạn nhưng tình yêu là một ngọn nến cháy mãi, vô cùng. Câu chuyện Tình yêu thời thổ tả vẫn còn mãi trong cuộc đời này chỉ đến khi nào tình yêu kết thúc, nhưng có thể chắc chắn một điều là, tình yêu không bao giờ có điểm dừng lại, cũng giống như tình yêu của hai nhân vật chính trong câu chuyện của Marquez...

Tình yêu thời thổ tả được xuất bản năm 1985 và được tạp chí New York Times đánh giá là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, là “tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim”.

Ngoài ra, tác phẩm này cũng đã có mặt trong danh sách 100 tác phẩm văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha xuất sắc trong hai mươi lăm năm qua, theo bình chọn của tạp chí Semana của Colombia năm 2007.

Tình yêu thời thổ tả được Gabriel Garcia Marquez viết ngay sau khi ông đoạt giải Nobel văn học năm 1982 với cuốn Trăm năm cô đơn. Nội dung của tiểu thuyết này dựa trên chính chuyện tình yêu của cha mẹ Marquez. Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim với nhan đề Love in the time of Cholera.

TÁC GIẢ

Gabriel José García Márquez (6 tháng 3 năm 1928 - ) là một nhà văn người Colombia nổi tiếng. Ông còn là nhà báo và một người hoạt động chính trị.

Nổi tiếng với các tiểu thuyếtTình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos del cólera), Mùa thu của vị trưởng lão (El otoño del patriarca), Tướng quân giữa mê hồn trận (El general en su laberinto) và hơn cả là Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad), García Márquez là một đại diện tiêu biểu của nền văn học Mỹ Latinh. Tên tuổi của ông gắn liền với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. García Márquez được trao Giải Nobel Văn học năm 1982.

Gabriel José García Márquez sinh tại Aracataca, một thị trấn bên bờ biển Caribê, thuộc miền Bắc Colombia, trong một gia đình trung lưu mười một người con mà ông là con cả. Cha của Marquez là Gabriel Eligio Garcia, một nhân viên điện tín đào hoa có nhiều con ngoài giá thú cả trước và sau khi kết hôn. Mẹ của Marquez là bà Luisa Marquez. Gabriel García Márquez lớn lên, những năm tháng đầu tiên trong một đại gia đình, ông ngoại là Nicolas Marquez, một cựu đại tá theo phái tự do từng chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Một ngàn ngày, bà ngoại là Tranquilina, cùng nhiều bác, dì...

Sau thời gian tuổi thơ, ông cùng cha mẹ chuyển đến Sucre, nơi cha của ông có một hiệu thuốc và hành nghề chữa bệnh bằng liệu pháp vi lượng đồng căn. Năm 1936, Marquez được bố mẹ gửi đến Barranquilla và Zipaquirá học phổ thông. Tới năm 1947, García Márquez tới Bogota, thủ đô của Colombia theo học tại Đại học Quốc gia Colombia và bắt đầu tham gia viết báo cho tờ El Espectador và bắt đầu những tác phẩm văn học đầu tiên gồm 10 truyện ngắn nổi tiếng. Năm 1948, ông cùng các sinh viên thủ đô tham gia biểu tình phản đối vụ ám sát Jorge Eliecer Gaitan, một chính khách tiến bộ, ứng cử viên tổng thống Colombia.

Sau khi học được năm học kỳ, García Márquez quyết định bỏ học rồi chuyển về Barranquilla thực sự bước vào nghề báo và viết tiểu quyết đầu tay La hojarasca (Bão lá). Ông cũng tham gia vào "Nhóm Barranquilla", một nhóm gồm các nhà báo xuất sắc và, thông qua họ, García Márquez bắt đầu tiếp xúc với các tác giả về sau có ảnh hưởng mạnh mẽ tới ông: Franz Kafka, James Joyce, đặc biệt là William Faulkner, Virginia Woolf và Ernest Hemingway.

Năm 1954, Mutis, một người bạn, thuyết phục García Márquez trở lại Bogota tiếp tục làm báo và ông đã có một số phóng sự nổi tiếng. Năm 1955, García Márquez đến Thụy Sĩ làm đặc phái viên của tờ El Espectador. Sau đó ông tới Ý tham gia học tại Trung tâm thực nghiệm điện ảnh rồi sang Paris, nơi García Márquez nhận được tin tờ El Espectador bị đình bản và nhận được vé máy bay về nước. Nhưng García Márquez quyết định ở lại Paris và sống trong điều kiện vật chất rất khó khăn. Trong thời gian này ông viết cuốn tiểu thuyết Giờ xấu (La mala hora), đồng thời tách từ cuốn này viết nên Ngài đại tá chờ thư (El coronel no tiene quien le escriba). Cùng với người bạn thân Plinio Apuleyo Mendoza, García Márquez tới một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và viết nhiều thiên phóng sự về các quốc gia này.

Năm 1958, sau hai tháng ở London, García Márquez quyết định trở về châu Mỹ vì cảm thấy "những điều huyền thoại đang bị nguội lạnh" trong tâm trí. Ban đầu ông ở tại Caracas, thủ đô Venezuela, và làm cho báo Momentos cùng Plinio Apuleyo Mendoza. Chứng kiến vụ đảo chính chống nhà cầm quyền độc tài Perez Jimenez, García Márquez bắt đầu có ý định viết về các chế độ chuyên chế ở Mỹ Latinh. Trong một lần về thăm Barranquilla, García Márquez cưới Mercedes Barcha, người ông đã yêu từ trước khi sang châu Âu, sau đó họ có hai con trai: Rodrigo sinh năm 1959 và Gonzalo sinh năm 1960. Cũng ở Caracas, ông viết tập truyện ngắn Đám tang bà mẹ vĩ đại (Los funerales de la Mamá Grande).

Năm 1960, ngay sau khi Cách mạng Cuba thành công, García Márquez tới quốc gia này làm phóng viên cho hãng thông tấn Prensa Latina và làm bạn với Fidel Castro. Năm 1961, ông tới New York với tư cách phóng viên thường trú của hãng Prensa Latina của Cuba. Sau đó ông quyết định tới cư trú ở Mexico và bắt đầu với điện ảnh bằng việc viết kịch bản phim. Trong khoảng thời gian từ 1961 tới 1965, với văn học, García Márquez không sáng tác một dòng nào, hậu quả của "tâm lý thất bại" với các tác phẩm trước đây.

Từ đầu năm 1965 viết tác phẩm quan trọng nhất của mình: Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad). Sau 18 tháng đóng cửa miệt mài viết, khi tác phẩm hoàn thành cũng là lúc tình trạng tài chính gia đình đặc biệt khó khăn. Để có tiền gửi bản thảo cho nhà xuất bản Nam Mỹ ở Argentina, García Márquez đã phải bán nốt những vật dụng giá trị trong nhà. Năm 1967, Trăm năm cô đơn được xuất bản và ngay lập tức giành được thành công lớn, được cả giới phê bình và độc giả mến mộ. Sau đó García Márquez tách từ Trăm năm cô đơn một sự kiện và viết thành tiểu thuyết ngắn Truyện buồn không thể tin được của Erendira và người bà bất lương (La increíble y triste historia de la cándida Eréndira y de su abuela desalmada).

Từ năm 1974, García Márquez sống ở Mexico, Cuba, thành phố Cartagena của Colombia và Paris, tham gia các hoạt động chính trị với tư cách một nhà văn nổi tiếng. Năm 1975 ông viết Mùa thu của vị trưởng lão (El otoño del patriarca) và năm 1981 cho ra đời Ký sự về một cái chết được báo trước (Crónica de una muerte anunciada). Cũng năm 1981, ông bị chính phủ bảo thủ Colombia vu cáo là đã bí mật cung cấp tài chính cho phong trào du kích cánh tả M-19, García Márquez phải sang sống lưu vong tại Mexico trong tình trạng thường xuyên bị đe dọa ám sát.

Năm 1982, Viện hàn lâm Thụy Điển trao Giải Nobel Văn học cho García Márquez. Trước đó ông cũng được chính phủ Pháp tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh. Năm 1985, García Márquez xuất bản cuốn tiểu thuyết lớn tiếp theo của ông, Tình yêu thời thổ tả (El amor en los tiempos del cólera), lấy cảm hứng chính từ mối tình của cha mẹ ông. Năm 1986, García Márquez vận động thành lập Quỹ Điện ảnh mới của Mỹ Latinh và trực tiếp thành lập Trường điện ảnh San Antonio de los Banos ở Cuba, nơi hàng năm ông tới giảng dạy một khóa ngắn về viết kịch bản.

Năm 1989, García Márquez viết Tướng quân giữa mê hồn trận (El general en su laberinto), tiểu thuyết lịch sử về Simon Bolivar, một người đấu tranh giải phóng các nước Mỹ Latinh. Năm 1992, ông viết Mười hai truyện phiêu dạt (Doce cuentos peregrinos), một tập truyện ngắn dựa trên các sự kiện báo chí. Năm 1994, ông cho xuất bản tiểu thuyết Tình yêu và những con quỷ khác (Del amor y otros demonios), lấy bối cảnh là thành phố Cartagena và tình yêu giữa một thầy tu ba mươi tuổi và con chiên là một đứa trẻ mới mười hai tuổi.

Cuối năm 1995, một nhóm bắt cóc đã thực hiện vụ bắt cóc Juan Carlos Gaviria, em trai cựu tổng thống với điều kiện là García Márquez phải lên làm tổng thống. Năm 1996, García Márquez hoàn thành cuốn Tin tức một vụ bắt cóc (Noticia de un secuestro), một thiên phóng sự được tiểu thuyết hóa về vụ những kẻ buôn lậu ma túy bắt cóc mười người, trong đó có tám nhà báo.

Năm 2002, mặc dù sức khỏe yếu, García Márquez đã hoàn thành cuốn hồi ký đầu tiên Sống để kể lại (Vivir para contarla) về 30 năm đầu của đời mình, trước khi tới châu Âu lần thứ nhất. Tháng 10 năm 2004, García Márquez xuất bản cuốn Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (Memoria de mis putas tristes).

Những tác phẩm đã được xuất bản ở Việt Nam:

- Ngài đại tá chờ thư - NXB Văn Học 1983.

- Ngài đại tá chờ thư (tập truyện), Nguyễn Trung Đức - Phạm Đình Lợi - Nguyễn Mạnh Tứ dịch, NXB Văn Học, 2001.

- Người chết trôi đẹp nhất trần gian, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Hải Phòng - NXB Đồng Nai, 1987.

- Giờ xấu (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Thanh Niên, 1989.

- Giờ xấu (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 2001.

- Tướng quân giữa mê hồn trận (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học - NXB Hội Nhà Văn, 1990.

- Tướng quân giữa mê hồn trận (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1999.

- Mười hai truyện phiêu dạt (tập truyện), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1995.

- Mười hai truyện phiêu dạt (tập truyện), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 2004.

- Tình yêu thời thổ tả (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, 1995.

- Trăm năm cô đơn (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức - Phạm Đình Lợi - Nguyễn Quốc Dũng dịch, NXB Văn Học, 1986.

- Trăm năm cô đơn (tiểu thuyết), Nguyễn Trung Đức - Phạm Đình Lợi - Nguyễn Quốc Dũng dịch, NXB Văn Học, 1993.

- Tin tức về một vụ bắt cóc (tiểu thuyết), Đoàn Đình Ca dịch, NXB Đà Nẵng, 1999.

- Những người hành hương kì lạ (tập truyện ngắn), Phan Quang Định dịch, NXB Thanh Niên, 2002.

- Tuyển tập truyện ngắn, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn học, 1995.

- Truyện ngắn tuyển chọn, Nguyễn Trung Đức dịch và giới thiệu, NXB Văn học, 2008.

- Sống để kể lại (hồi kí), Lê Xuân Quỳnh dịch, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2005.

- Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (tiểu thuyết), Nhóm First News dịch, NXB Tổng hợp TPHCM, 2005.

- Dấu máu em trên tuyết (tập truyện), Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Đà Nẵng, 1997.

- Chuyện buồn không thể tin được của Êrênhđira ngây thơ và người bà bất lương, Nguyễn Trung Đức dịch, in trong cuốn Thời cơ của Matraga, NXB Mũi Cà Mau, 1986.

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Tình yêu thời thổ tả là một trong 10 cuốn tiểu thuyết hay nhất trong thập kỷ 80 vừa qua (theo đánh giá của báo chí Mỹ) đã đem lại niềm vinh quang mới cho nhà văn được giải Nôbel văn học năm 1982 người Côlômbia, Gabriel Garcia Macquez, tác giả của Trăm năm cô đơn, Ngài đại tá chờ thư, Tướng quân giữa mê hồn trận đã được dịch ra tiếng Việt và nhà xuất bản chúng tôi ấn hành, được đông đảo bạn đọc hâm mộ. Ông là người bạn lớn của chúng ta.

Tình yêu thời thổ tả là câu chuyện tình say đắm giữa một người đàn ông (Phlorênhtinô Arixa, con một bà bán hàng vặt) với một người đàn bà (Phecmina Đaxa, con một nhà buôn hãnh tiến, giàu có mới phất nhờ ăn cắp và gian lận). Khi mới lớn lên, họ yêu nhau nồng nàn nhưng không lấy được nhau vì họ quá trẻ, không có kinh nghiệm sống cũng như nghị lực lớn để chiến thắng quan niệm môn đăng hộ đối trong hôn nhân. Hơn năm mươi năm họ sống xa mặt nhưng không cách lòng với bao sóng gió cuộc đời. Phecmina Đaxa nhẫn nhục sống làm vợ - một thứ đồ trang sức và một thứ nàng hầu - của bác sĩ Ucbino Đê la Cadê, một thân hào đầy thế lực của giới thượng lưu. Phlorênhtinô Arixa vì thất tình nên một mặt lao vào làm giàu bằng mọi thủ đoạn, cả tốt lẫn tàn nhẫn, để trở thành chủ hãng tàu thủy như điều ông ta mong ước và mặt khác để thỏa mãn nhục dục ông ta lao vào chơi gái đủ mọi hạng: gái chưa chồng, gái muộn chồng, gái chê chồng và chồng chê, gái nạ dòng và cả gái tơ, nhưng không lúc nào không mơ tới Phecmina Đaxa và chỉ chờ ngày Đê la Cadê chết để nối lại quan hệ với nàng. Dịp ấy đã đến khi cả ông lẫn bà đã ngoài bảy mươi tuổi. Bằng sự từng trải của mình, bằng địa vị xã hội đã đạt được, cả hai nối lại tình yêu và yêu nhau đắm đuối. Nhưng vì quá già nên hai người đã không đủ sức thắng nổi những định kiến, thành kiến của xã hội hủ lậu từng bóp chết mối tình đầu của họ. Và thế là họ trốn lên tàu thủy và chỉ hai người sống với nhau trên chiếc tàu treo lá cờ vàng - dấu hiệu có người bị bệnh thổ tả - chạy ngược rồi chạy xuôi trên dòng sông Măcgơđalêna - dòng sông của Đêmôcrit.

Có thể nói Tình yêu thời thổ tả là một lời cáo trạng đanh thép đối với một xã hội hủ lậu dựa trên sự đánh giá con người không bằng phẩm giá người mà bằng số của cải anh ta có được, do đó nó đã bóp chết bao mối tình trong sáng và tươi đẹp. Muốn có tình yêu và hạnh phúc tình yêu, con người nhất thiết phải được giải phóng khỏi xã hội đó. Nhưng tác giả đã không dừng lại ở chỉ một thông điệp này, ông còn đi xa hơn nữa khi nói rằng Tình yêu thời thổ tả là sự suy nghĩ về tình yêu của con người ở mọi lứa tuổi. Con người không chỉ yêu nhau khi đang độ thanh xuân, khi đang ở tuổi tráng niên mà còn yêu nhau khi đã tóc bạc răng long và chính ở tuổi này họ yêu nhau chân thực hơn và vì thế cũng da diết hơn, si mê hơn. Vậy tình yêu là chiếc chìa khóa vàng giúp con người mở tâm hồn mình để hòa đồng với nhau, đi đến với nhau trong cuộc đấu tranh chống nỗi cô đơn muôn thuở. Đồng thời, với nụ cười hóm hỉnh, dường như tác giả cảnh tỉnh những ai đang đùa bỡn với ái tình, đang lợi dụng tình yêu để thỏa mãn nhục dục của mình. Những người đó hãy coi chừng với nỗi cô đơn vì sớm muộn gì thì nó cũng nuốt chửng bọn họ sau khi nhục dục đã được thỏa. Thiết nghĩ đó là lời cảnh tỉnh mang tính thời đại trong đó bên cạnh những thành tựu vẻ vang chưa từng có mà nhân loại hôm nay đã giành được trên phương diện văn minh vật chất thì chính nó đã thụt lùi so với cha ông mình trên pương diện văn minh tinh thần, chí ít là ở hai điểm hiển nhiên: tinh thần lãng mạn và nỗi thảng thốt trong mối tình đầu.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với độc giả tiểu thuyết TÌNH YÊU THỜI THỔ TẢ.

NXB. VĂN HỌC

“Bởi có nữ thiên thần được tấn phong, đang tiến lên phía trước những nơi này.”

LÊANĐRÔ ĐIAT

Nguyên tác: El amor en los tiempos del cólera

Thể Loại: Tiểu thuyết, Tình cảm, Lãng mạn, Văn học phương Tây

Dịch Giả: Nguyễn Trung Đức

Nhà xuất bản: Văn Học

Năm xuất bản: 2008

Số trang: 535

Khổ sách: 13 x 19 cm

Giá bìa: 64.000 VND

Thông tin Ebook

Đánh máy: Tuấn Hải, Quan Trường, Hải Anh, Hồng Nhung, Khánh Dư, Duyên, Phương Thúy, Mỹ Linh, Bảo Trân, Văn Định, Hồng Nhung, Ngọc Nở, Trịnh Cường

Soát lỗi: Thu Hằng, Thu, Đức Đặng

Nguồn: sgtt.vn

Ebook: daotieuvu.blogspot.com

Chân thành cảm ơn Đào Tiêu Vũ đã cho phép đăng lại truyện này!

Ebook được blog Đào Tiểu Vũ hoàn thành với mục đích phi thương mại, nhằm chia sẻ với những bạn ở xa hoặc không có điều kiện mua sách, khi sao lưu xin ghi rõ nguồn.

Trong điều kiện có thể bạn hãy mua sách để ủng hộ nhà xuất bản và tác giả.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên :

Ariko Yuta – Du Ca – tuongmy

(Tìm - Chỉnh sửa – Đăng)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx