sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5

Tư Linh vừa đạp ký cách vừa kể chuyện địa phương cho tôi nghe một hồi rồi bảo:

- Ở đây mày phải bám thổ địa đừng có đi lêu bêu mà mang khốn!

- Tao đâu có dám đi đâu.

- Biệt kích nó đánh bạt mạng cô hồn lắm nghe cha non! Ba cái mớ lý thuyết Luận Trìì Cửu Chiến, dao mổ bò giết ruồi, vãy chài nhanh, công đồn đả viện... gì gì của trường lục quân tụi mình ở Miền Tây hối nẵm lạc hậu đã đành, mà các thứ của chuyên gia Liên Xô dạy cũng không có tác dụng gì ở chiến trường này hết!

Tôi nói:

- Tao cũng đã thấy phần nào.

- Biệt kích thời Pháp không giống với biệt kích Mỹ Ngụy đâu. Bây giờ bộ binh chúng nó đến trong vòng mười lăm phút. Pháo bắn trong vòng hai phút.

- Hồi ở ngoài Trường Sơn tao đã nghe mấy cậu giao liên rỉ tai rồi. Nào là Bủa Lưới Phóng Dao, Phượng Hoàng…...

-... Vồ mồi, Cọp đen, Cọp xám, Trâu khùng, Trâu điên hầm bà lằn. Thứ nào cũng ác cả. Không biết có bao nhiêu hội nghị cấp ủy xã, huyện, cả khu ủy đã bị chúng giết và bắt sạch. Mày phải xin một cận vệ mới được!

Tư Linh đã đem gởi thằng cận vệ ở một nơi nào đó rồi chở tôi đi nhắm tình hình các xã. Dấu xe bò cắt trên con đường dứa hầu như bằng phẳng trở lại chứng tỏ khá lâu không có xe đi trên những con đường này nữa. Tư Linh đạp rất khỏe. Theo như y nói thì tôi chỉ là con nhái bén so với cái cây thịt của ông giáo sư Liên Xô. Cho nên y vừa đạp lúc lắc vừa tán liên miên. Y bảo:

- Cơ quan lúc này chẳng có việc gì làm đâu. Nấu được bữa cơm ăn đã mệt nhừ rồi còn sức đâu nữa mà phục vụ cách mạng. Bữa nay tao đi vài nơi để kiểm tra công việc và gây cơ sở địch vận thêm. Tao sẽ cho mày biết một số địa đạo hầu sau này mày cần thì có. Mày nên nhớ là không có ông bà du kích nào cho mày xuống địa đạo đâu.

- Sao kỳ vậy?

- Có gì mà kỳ! Vì địa đạo rất ngắn không đủ hơi cho du kích thở lấy đâu cho mày?

- Vậy mà tao tưởng là cô xã đội nói giấu. Vì theo đài Giải Phóng thì địa đạo Củ Chi “thôn liền”...

-... thôn liền thôn, xã liền xã chớ gì. “Thôn liền là thiên l... “ Địa đạo chỉ bằng cái thẹp l... của con nít thôi. Không có cái nào chứa được mười người. Mà có chứa được cũng không ai dám xuống.

- Lâu nay tao cứ tin đài Giải Phóng nên khi được điều động về đây tao thấy đời khỏe ru như cu bà bóng!

- Mày tưởng là dân Củ Chi lùa cả trâu bò xuống hầm. Dân làng ùn ùn xuống địa đạo như đi chợ chớ gì. Nghe mấy ông nội đó mà bán lúa giống hết cha non ơi! Không có địa đạo nào dài tới hơn trăm thước. Và không có cái địa đạo nào có đến mười người chui xuống. Đó là sự thực. Thằng nào ngoan cố gân cổ lên mà cãi với ông, ông sẽ trỏ “kẹc” vào mồm nó ngay. Kể cả những thằng xã đội Bí thư ở các xã từ cái xóm Hố Bò này xuống tận Phú Hòa Đông. Thằng nào dám bảo xã tôi có địa đạo thôn liền thôn xã liền xã đâu xin cho tao biết! Đm. Nói láo dây chuyền. Để tao kể cho mày nghe. Đây không phải là chuyện bí mật cái khỉ khô gì, nên tao nói hết: Hổng chừng tao biết còn ít hơn thằng quận trưởng Củ Chi hoặc thằng đại sứ Mỹ ở Sàigòn. Đây: Phú Hòa Đông có chừng chục rưỡi thước, Nhuận Đức cũng cỡ đó, có thể khá hơn chút vì Nhuận Đức là xứ của con Bảy Mô, dũng sĩ diệt Mỹ. An Nhơn cũng có kha khá. Ở đây có thằng ma cà rồng Bọ Chét tới công tác rồi đòi gái. Tao và xã ủy phải đi tìm,làm vỡ lỡ cả xóm. Chi uỷ địa phương phải đứng ra giàn xếp! Ê cái mặt quốc tế quá trời đi.

- Có vụ đó nữa à!

- Ối giao ồi! Có chớ. Mấy thằng cha nhà văn trên Rờ đâu không xuống đây tao cho một bao đề tài.

- Để tao rủ một thằng cha quen xuống nghe!

- Ừ cho nó nếm mùi địa đạo Củ khoai.

- Rồi bây giờ ông nội chở con đi đâu đây?

- Chịp, tao cho mày gặp con dũng sĩ ở Gót Chàng, tên là Bảy Mô. Dân địa chủ nghe, không phải bần cố như Nguyễn thị Chiên hay La văn Cầu đâu đấy! Mày thấy là mày “hít” liền. Tụi “đội nữ” đang bình bầu chiến sĩ thi đua đặng lên R dự đại hội toàn miền.

- Còn Năm Cội và Tư Gừng ở đâu?

- Để thong thả rồi tao phụ nhĩ cho mày nghe về cái “đội nữ” này. Nói tóm lại một câu: đội này do ông Tám Quang nhà mình dựng lên và sơn phết nặng về phần trình diển hơn là giết giặc.

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là như cái kiểu chiến sĩ thi đua ngoài miền Bắc ấy mà. Ông chiến sĩ Nông Nghiệp không biết cấy lúa ra sao, còn bà thợ dệt thì chưa hề ngồi trên máy dệt. Đội nữ này cũng gần như vậy. Tụi nó để dành cho nhà báo chụp hình. Vừa rồi ông giáo sư Liên Xô quay phim dữ dội nhưng không bằng thằng Bọ Chét. Bây giờ để tao cho mày gặp thì mày tha hồ điều nghiên cô ta.

- Đường còn xa không?

- Mày cứ ngồi khỏe re như bò kéo xe đi. Tao đạp chút nữa là tới.

Được một lúc tôi thấy con lộ đứt ngang, trước mặt và hai bên lề đường cây cối ngã liệt địa, cả một khoảng trống bùn sình bất ngờ trải ra trước mặt. Linh nhảy xuống xe và hất hàm:

- Mày biết cái gì đó không?

Tư Linh vác xe đạp lên vai đi loanh quanh theo đường mòn lởm chởm cành cây gạch đá và rải rác có vài mảnh bom sét nhô lên từ một vũng nước bùn đỏ chạch.

Tôi buột miệng thốt:

- Đúng là đất sét thành bùn!

- Ăn thua mẹ gì! Còn nhiều nơi văng cả địa đạo cơ! Đây là đường 15. Mấy năm trước còn xe lam vô chợ An Nhơn. Dưới sông tàu chạy, trên bờ xe lam, vui lắm. Nhưng bây giờ “Dưới sông tàu chạy trên bờ B52.” Đấy mày là con “nhà pháo”, mày xem dùm cái lỗ bom tấn kia rồi phán đoán: Có địa đạo nào chịu nổi không? Thấy cái bãi đất sét thành bùn này rồi, mày có còn dám mon men chui hầm nữa không?

Hai đứa vừa lội vừa luồn và leo qua những thân cây đổ một quãng xa mới đến đầu đường nguyên. Tôi bảo.

- Đưa em “lái” anh đội về nhà cho!

- Có mời anh đội “xơi nước” không?

Hai đứa cười với nhau, vuốt mồ hôi rồi lại tiếp tục cưôc hành quân bằng xe đạp. Tôi đèo Tư Linh. Tôi nói.

- Bỏ lâu quá suýt quên!

- Còn cái vụ kia bỏ lâu mầy có quên không?

- Hì hì! Chắc mày quên rồi hả?

Tư Linh không trả lời, đưa tay vuốt lưng tôi bảo:

- Chóng ngoan em yêu anh đội. Há há... Ba ván liền không bỏ ván nào!

- Bây giờ chắc hết nổi rồi bác nó ơi!

Chập sau tới chợ. Hãy còn khá sầm uất. Người qua kẻ lại nhớn nhác... Dường như ai cũng cố mua bán cho nhanh để rời khỏi khu tử địa này. Tư Linh có vẻ rành sáu câu nên bảo tôi đạp thẳng đến một mái nhà lụp xụp ở dưới một tàng me xanh nhưng một bên đã bị cháy sém. Sân chợ bị cày lên như những lỗ chân trâu. Nhiều vách phố vỡ nát. Dấu đạn chưa cũ lắm. Tư Linh lủi vào quán trước và nói:

- Có phở cháo gì không chị Bảy?

- Không có gì hết chú ơi! Nó bắn quá trời đi, nấu nướng sao được.

- Chi còn kháp rượu không?

- Còn chút đỉnh.

- Ảnh có về không?

- Ối! Tôi mong ảnh đừng có về nữa.

Tôi bước vào. Người đàn bà nói chuyện với Tư Linh trạc ngoài bốn mươi, đang mang bầu. Bên trong có vẻ một cái quán nhưng lạnh lẽo. Tôi và Tư Linh ngồi vào chiếc bàn mốc meo ở góc nhà. Tư Linh hỏi:

- Có gì bỏ bụng đỡ đỡ được không chị?

- Có ba con khô cá đuối thôi.

- Có hột gà hột vịt gì không chị?

- Không có chú ơi! Nếu chú muốn có mồi thì qua bên quán con xẩm kia kìa. Hôm qua máy bay bắn chết con bò của ai. Nó mua mão để xẻ bán. Chắc bữa nay còn nhiều.

- Bò xe hả chị?

- Bò cày.

- Trời đất, lấy gì làm ruộng.

Tư Linh chạy vọt đi. Người đàn bà hỏi tôi:

- Chú ở ngoải mới về hả?

- Dạ! Sao chị biết?

- Thì ở đây toàn là "mùa thu" thôi chớ có ai đâu khác.

- Bộ ảnh cũng ở ngoải về hả?

Người đàn bà ngập ngừng không đáp rõ lời. Trông vẻ mặt bà chị buồn rợi. Tôi đoán chắc ông anh đã hi sinh nên không hỏi nữa. Tư Linh trở về, tay xách xâu thịt đỏ tươi đưa cho chị:

- Chị làm dùm đi. Bậy bạ món gì cũng được không cần kỹ lắm. Nó có bắn, hầm đâu chị?

- Chỉ có một cái trong buồng.

- Vậy khách đến ăn nửa chừng nó đến rồi làm sao?

- Thì né qua né lại đỡ vậy. Mai mốt tôi ra ấp chiến lược nên không sửa sang gì cho lắm.

Tư Linh hỏi.

- Bỏ ảnh ở lại trong này sao chị?

Người đàn bà không đáp xách xâu thịt đi vô bếp. Tư Linh nói vói theo:

- Có gì nóng nóng không chị?

- Có.

Tư Linh rỉ tai tôi:

- Ông Bảy Huyền Mùa Thu nhà mình vừa bị khai trừ vì bà này đấy. Ổng có vợ ở thành lại nói với bả là chân trơn. Hai bên cụp nhau. Bà vợ ở thành vô. Đụng đầu. Vậy đó. Tình Ca muôn thuở vẫn là Hận Ca. Hận Ca trở thành kỹ luật Trường Ca. Mỹ chưa đánh mình đã té.

Chị chủ nhà bưng đĩa thịt xào hành ra. Mùi hương bốc thơm ngát tôi ngạc nhiên:

- Củ hành Tây hả mậy?

- Không! Củ hành Tàu, ủa củ hành Trung Quốc!

- Ở đâu mà có?

- Ở đâu cũng có trừ Hà Nội! Chị làm ơn đi tìm dùm một cây vừa cay vừa ngọt được không chị?

Người đàn bà vọt đi ra cửa trước. Tư Linh đưa đũa chén cho tôi:

- Làm lần đi! Ở đây lắm ông nội văng ống điếu dữ lắm! Bởi vậy tao mới dắt mày đi dạo sơ vài ba mối coi chỗ nào được là cưới quách. Danh chánh ngôn thuận, C. thằng nào nấy vuốt. Thế là êm. Để nhảy dù đứt dây rơi sao rơi gáo hết.

- Tao phải chờ gia đình vô mới được.

- Má Hai đi rước không xong, làm thế nào?

- Tao đang khổ tâm không biết tại sao gia đình dời lên Sàigòn. Má Hai lên Sàigòn mà lại không tìm gặp.

- Không có gia đình thì cơ quan thay mặt cũng được chớ gì. Thời buổi chiến tranh này đâu có ai đòi hỏi phải có đủ cha mẹ đàng trai. Để coi, rồi đây cái vụ ông Bảy Hốt với bà Sáu Tiệm sẽ nổ ra không nhỏ.

- Tại sao?

- Tiền bạc lằng nhằng, quan hệ lem nhem. Con người chỉ có hai cái khoản đó thôi. Bởi vậy tao cấp cho mày chứng minh thư liền da. Đám mình không thằng nào là không giắt trong bóp vài cái. Tao đã bảo mày là thanh nữ thanh niên ở trong này bây giờ yêu vội sống cuồng còn hơn Sàigòn nữa là khác. Tại sao? Chết chóc hằng ngày. Thanh niên thì đi dân công và bộ đội. Có đi mà không có về. Thằng chồng con Lụa đi ra tận Bình Long, nghe nói ngũm rồi, nhưng xã giấu. Còn con gái thì ở lại chống Mỹ bằng súng trường bá đỏ để trở thành dũng sĩ, nếu không thì thăng thiên. Một số khác nhảy ra ấp chiến lược sống rất khỏe. Đi may mướn lệu hệu một ngày cũng kiếm trên năm trăm đồng, may cho quân nhu chỉ được hai trăm.

Tư Linh thở dài, nhưng đưa đũa gắp liền liền. Hắn gầy nhưng ăn khỏe, nhậu khỏe, hút cũng khoẻ. Hồi trước ở Miền Tây lúa gạo nhiều hắn ăn một mình nửa soong cơm lớn. Anh em gọi hắn là Tạ Hầu Đôn. Còn hút thuốc thì hễể ai mở bọc ra là hắn rề lại miệng hỏi tay quơ, lại còn rút vài điếu vắt mép tai để về nhà hút.

- Mình ngồi ở đây chỉ cách các bót ngụy Trung Hòa bảy cây số, bót Phú Hòa Đông tám cây, cách Đồng Dù mười cây, cách bờ sông Sàigòn chừng tám trăm thước. Ông Bảo chánh ủy F330 về làm chánh ủy I/4 này, chưa đến nơi đã bị biệt kích bắn chết ở khúc trên Hố Bò một chút.

Tư Linh ném một miếng bầy nhầy xuống đất và nói:

- Cái Đồng Dù rất nguy hiểm. Tao không nói cái nguy hiểm bom pháo đâu, nhưng là cái nguy hiểm về tinh thần. Mày có biết là hàng ngày có trên ba trăm thanh niên, phần lớn là đàn bà con gái đi vô làm công cho nó không? Từ quét nhà quét bếp giặt quần áo, giặt ra trải giưồng đến thơ ký đánh máy thông dịch, thượng vàng hạ cám không thiếu thứ gì. Ban đầu chỉ thường dân đi thôi, sau đó đến con em cán bộ rồi bây giờ đến cả nữ cán bộ cũng quăng ba lô đi làm sở Mỹ. Từ năm trăm đến một ngàn đồng một ngày, khỏe quá mà, không đi sao được! Ở ngoài khu ăn bom ăn đạn mà chẳng được con mẹ gì lại nay chuốc chông, mai đào địa đạo, mệt bỏ cha. Họ đi là phải. Ngoài lương lãnh bằng tiền mặt hằng ngày còn những thứ lương khác, mày hiểu không? Cao hơn cả lương chính thức!

- Là cái thứ lương gì?

- Lương này này! Mày không hiểu nổi đâu. Nữ du kích, thanh nữ, vợ con cán bộ vô làm trong đó đều mang đồ về bán thả ga. Ngoài ra còn mang bệnh phong tình.

Tôi la oai oái. Nhưng Tư Linh vẫn cứ bình tỉnh tán tới.

- Bởi vì các anh mũi lõ chìa đô la ra là mắt chị em nhắm lại thôi, thế là đưa cái đế cối ra cho chúng nó dập. Để bù lại các cô các bà mỗi ngày đi làm ra cổng nơ theo vô số “chiến lụy phẩm”. Đồ hộp đủ loại, xà bông thơm, xà bông đánh răng, bi-đông, dây thắt lưng, bút bi, kiếng mát, giày dép, mùng mền, vải vóc cả thuốc men. Penicilin còn mang ra được nữa là các thứ tẹp nhẹp như át-pi-rin hay kí-nin. Quán bán các thứ đó dựng ngay ở trước cổng Đồng Dù.

- Tụi Mỹ không nói gì à?

- Nó là thằng thừa mứa các thứ đó. Trong thùng rác của nó cũng có thịt hộp và thuốc men vải vóc. Người ta làm giàu vì rác Mỹ ở đây mày ạ! Ai cần những thứ đó? Chính tụi mình! Chừng vài tháng nữa mày sẽ thấy là trong người mày toàn là đồ Mỹ như tao bây giờ. Từ quần áo, súng, bi đông, thắt lưng, ba lô, xà bông, bàn chải... đều made in USA cả. Thậm chí đến gạo thịt mình ăn cũng của Mỹ. Để hôm nào mày về cơ quan, tao sẽ cho mày coi những thùng mỡ vĩ đại, năm thằng ăn một tháng không hết. Ngoài ra còn những thùng dầu ăn của dân Mỹ tặng không dân Việt Nam mà mình mua một lúc cả xe xích lô ở ngay vĩa hè chợ Củ Chi mày ạ. Đó là sơ sơ ba điều bốn chuyện như vậy đó để ông bạn nắm được tình hình trước, khỏi phải ngạc nhiên khi thấy chuyện trái tai gai mắt.

Hai đứa phá gần hết dĩa mồi thì chị chủ quán về tới. Chị mua được một chai rượu rất đẹp. Tư Linh kêu lên:

- Đúng rồi! Ở đâu vậy chị? Anít mà đi với thịt xào hành thì chỉ có lết thôi.

- Của cô Xẩm Lai. Bên đó bây giờ món gì cũng có. Có cả sách vở nữa. Tôi có mượn một cuốn về buồn buồn xuống hầm đọc chơi đây nè.

Tư Linh vừa khui rượu vừa nói.

- Cuốn gì vậy, đưa tôi coi!

Tôi đưa tay nhận quyển sách. Bìa sách rất đẹp. Tựa sách màu xanh nổi bật lên nền xám Buồn Nôn, ở dưới, trong dấu ngoặc có dòng chữ La Nausée, tôi ngó lên đầu sách Jean Paul Sartre. Tôi không biết ông tác giả là ai và sách thuộc loại gì.

Đã trên hai năm trời tôi không có đọc sách.

Tư Linh liếc sơ rồi hỏi chị chủ quán:

- Sao chị mượn sách này? Đây là sách phản động số dách.

- Nó bảo hay lắm. Tôi tưởng chuyện Tàu nên cầm về. Vây để tôi trả mượn cuốn khác.

- Để tôi mượn!

Tư Linh vừa nói vừa rót rượu ra một cái ly cối và cười hề hề.

- Ở đây không có nhâm nhi nghe chú em. Hễ uống là “cấp tập” không có nã cầm chừng.

Chúng tôi uống rượu với nhau cho tới đúng trưa. Vừa định rời quán thì thấy người ta rải rác đi xuống bến đò. Tư Linh bảo:

- Con đầm già trên Dầu Tiếng sắp xuống thăm chúng mình. Nó đi trước, phản lực theo sau. Đây là giờ tàu chạy. Chắc nó đã đỗ trên Bến Dược cho nên ở đây người ta xuống bến chờ.

Tôi dớn dác nhìn Tư Linh vì khu chợ phơi lưng trần trụi quá và bến tàu lố xố những người. Tư Linh xua tay trấn tỉnh tôi:

- Không sao đâu. Nó còn “nuôi” cái chợ này và Bến Dược để thả gián điệp ra vào.

Tôi ngó qua khung cửa quán. Quả thật chiếc L19 đã lù lù lượn vòng trên mặt sông. Nó nghiêng qua liếc lại và sà xuống ngọn cây. Tôi hỏi.

- Mình không khìa được nó à mày?

- Lệnh khu ủy cấm ngặt không cho lính xuống bến sông và bắn máy bay dọc bờ sông.

- Sao vậy?

- Nếu bắn, máy bay sẽ bỏ bom tàu sẽ ngưng chạy, bọn mình chết đói nhăn răng. Trên Bến Dược có một ổ tiếp tế của mình đặt ở nhà mụ Sáu Tiệm, còn ở đây cũng có một ổ tao không biết đặt ở đâu. Đó là huyết mạch của mình.

Đột nhiên chị chủ quán la lên:

- Trực thăng xúc!

Tôi và Tư Linh chưa kịp hỏi trực thăng xúc là trực thăng gì, xưa nay chưa từng nghe cái tiếng lạ lùng đò, thì chị run run nói:

- Mấy chú chạy đi.

Tư Linh nghễnh cái cổ cò ra xem rồi nói:

- Nó đi về hướng Trung Hòa và Gò Nổi dưới mà chị!

- Nó xúc dân ở Lô 6 đổ vô ấp chiến lược Trung Hòa.

- Sao chị biết?

- Nó xúc từ hôm qua mà. Nó rải truyền đơn kêu gọi, người ta đi chậm nên nó đem trực thăng xúc cho mau.

- Chà! Có cái vụ đó nữa ta!

- Người ta đồn nay mai nó sẽ xúc các xóm Bàu Lách, Bàu Trăn, Gò Đình, Bàu Tròn đổ vô ấp chiến lược Cây Bài để che đạn cho Đồng Dù đó hai chú ơi! Rồi lần lần nó sẽ xúc tới đây chớ không khỏi đâu.

- Chị cứ để cho nó xúc đi, ra ngoải móc lại với tụi tôi.

- Như tôi bây giờ đi cũng dở mà ở cũng không xong, không biết tính lẽ nào.

Nhậu ba sần rồi, Tư Linh cười hô hố, bảo:

- Nóng xong, tới lạnh. Đằng cô xẩm có nước đá không chị?

- Thiếu gì! Cà rem còn có!

Nhậu xong Tư Linh thanh toán mọi món tiền đút nửa chai Anít còn lại vô ba lô rồi hai đứa ngất nghiểu dắt xe đạp đi. Tư Linh nói:

- Mày thấy chiến trường này phức tạp chưa. Đâu phải đội B52 giỏi mà thắng được. Nó còn đánh tâm lý. Mỗi người dân ra ấp chiến lược đều được phát gạo và tôn để cất nhà. Ở với mình, mình bắt đóng thuế nông nghiệp cong xương sống, bò xe của người ta muốn mua giá nào được giá nấy, vợ con người ta muốn mò chừng nào mò. Bà này là nạn nhân của một vụ bịp mùa thu. Còn một vụ nữa, cũng mùa thu. Ông này có vợ ở ngoài thành nhưng lại cũng thiếm xực con gái chủ nhà đóng quân, bị bắt được. Cơ quan bắt phải cưới.

- Sao lại kỳ cục vậy?

- Thì vậy mới khoái. Đã có vợ ngoài thành. Ở trong này cơ quan lại cưới vợ cho nữa. Bởi vậy kỷ luật sắt thành kỹ luật chuối! - Tư Linh tiếp - Tao biết mày về đây thế nào cũng mần cái Đồng Dù một vài phát coi cho đẹp, nên bữa nay tao cho mày xem cái chỗ này. Sớm muộn gì mày cũng tới đây lập nghiệp và có thể xây tổ uyên ương. Chợ An Nhơn này trước đây ăn đạn trực thăng hàng ngày không hiểu tại sao hơn một tháng nay nó không bắn nữa. Tao nghi là nó để đó, lâu lâu hốt một cú tản gà cho coi.

Quả y như rằng khi đến quán cô xẩm thì thấy có khách đến uống nước đá lai rai. Tư Linh reo lên:

- Cô Bảy Dũng sĩ đó hả?

- Ai vậy?

- Anh Tư nè, quên rồi sao?

- À anh Tư, anh đi đâu lọt xuống đây sao không ghé nhà em chơi?

- Thì bữa nay ghé đây. Sầu riêng có trái chín chưa?

- Có rồi! Anh vô em đãi anh một bụng!

- Thiệt nghe! Xứ anh sầu riêng măng cụt thiếu chi, nhưng cả chục năm nay toàn ăn trong mộng. - Quay sang tôi, Tư Linh vui vẻ cười: - Tôi có ông thầy đây xin giới thiệu với cô luôn thể. À mà thôi để uống nước đá cho thông cổ cái đã rồi về nhà sẽ hay. Cô Bảy uống nước đá gì, chanh hay xi-rô? Thôi cho luôn ba ly chanh đi cô em! Ủa, hai ly chanh, một ly xí muội, nghe tiểu muội!

Cô xẩm cười khoe cái lúm đồng tiền trên gương mặt no tròn trắng trẻo không có vẻ ăn với cảnh chiến khu chút nào. Uống xong, Tư Linh móc túi trả tiền. Bảy Mô kêu lên:

- Ý chết! Anh Tư đừng làm vậy. Ai lại để khách bao chủ nhà?

- Thôi được rồi, để kỳ tới chủ nhà sẽ bao lại khách.

Tư Linh nói rồi dắt xe đạp đi. Tôi và nàng dũng sĩ lót tót theo sau. Tôi phóng câu hỏi làm quen.

- Nhà chị gần đây à?

Bảy Mô nũng nịu phản đối.

- Anh đừng kêu em như vậy!

Trong bụng tôi có phần phấn khởi. Cô dũng sĩ trông như là học sinh thành. Da trắng như bông bưởi, môi son, tay đánh đòng xa dịu dàng, chân bước khoan thai. Tóc còn ướt buông xỏa sau lưng, hình như cô mới gội đầu nên thơm ngát, hai tay áo ngắn để lộ hai cánh tay dài trắng như lõi chuối, tấm lưng thon thon. Chưa hai mươi tuổi vậy mà kêu tôi bằng anh. Tôi bèn sửa lại ngay cho hợp tình:

- Nhà em ở gần đây á?

- Dạ ở trong xóm Bưng. Mời anh vào chơi. Ý chết anh có bận gì không?

Tư Linh đang đi ở phía trước bèn dừng lại bảo:

- Bận thì lúc nào các anh chả bận nhưng hôm nay có việc nên anh Tư tìm em nhờ giúp dùm. Chưa đến nhà đã gặp ở đây, thiệt là may. Xin giới thiệu luôn. Đây là ông bạn thân của tôi từ hồi chín năm. Bây giờ về thay cho ông Hai Giả và Sáu Phấn chỉ huy H6 đấy.

Bảy Mô hơi giật mình. Tôi biết Tư Linh chỉ đoán chừng vì chưa có quyết định chính thức, nên nói đỡ:

- Chưa chắc đâu ông bạn ơi!

Bảy Mô nói:

- Bác Hai Giả và chú Sáu Phấn lúc trước đóng ở Bến Mương gần nhà em. Anh có quen với bác Hai và chú Sáu không?

Tư Linh nói tướp:

- Ông này là thầy của hai ông ấy.

Bảy Mô tròn xoe đôi mắt nhìn Tư Linh bảo:

- Về môn pháo, ông ấy là thầy tất cả không riêng gì hai ông đó thôi đâu. Nay mai rồi cô cũng là học trò của ổng mà!

Bảy Mô đỏ ửng má, lí nhí.

- Dạ! Em quên hỏi anh thứ mấy?

- Thứ hai.

- Anh Hai chưa có chị Hai, cô Bảy nó có thấy chỗ nào được, giúp đỡ cho anh Hai chút.

- Anh Tư phá em hoài!

Nhà Bảy Mô to lớn, nền gạch cột căm xe đen mun chưa bị bom đạnh. Nóc ngói rêu phong như nóc chùa. Ngôi nhà ẩn náu trong một vườn cây um tùm gồm dừa, cau, vú sữa, cam, quít và sầu riêng. Mùi sầu riêng chín lan ra tận ngõ làm khách tha phương ngây ngất.

Nhường cho nữ gia chủ đi lên phía trước vài bước để bước lên thềm. Tư Linh thầm thì với tôi:

- Mày cơi có thua gì Nữ học đường không?

Bảy Mô bước vào mở cửa cà cất tiếng lảnh lót:

- Mời anh Tư và anh Hai vô nhà.

Tư Linh dựng xe đạp ngoài thềm. Chúng tôi bước lên tam cấp rồi vào bên trong. Không khí mát lạnh vì những tủ cẩn, lư đồng và những tấm liễn sơn son thếp vàng bóng dợn. Bảy Mô từ trong nhà đi ra. Nàng đã thay chiếc áo dài tay màu cánh dán tay bưng dĩa đựng quả sầu riêng.

Tư Linh xua tay pha trò.

- Ôi chao! Không nên "nàm" thế! Không nên "nàm" thế!

- Mời hai anh dùng đỡ một trái trước.

- Chà sầu riêng nở gai nứt vỏ rồi. Nếu cô không ràng lại thì đi hơi hết. Xứ tôi là xứ sầu riêng mà. Tôi đến đây lần này là lần thứ mấy rồi hả cô Bảy’?

- Em đâu có nhớ.

- Anh thấy là nên đem ra ngoài vườn, chỗ cái mội nước trong veo có tấm ván hắc ngang ngồi ăn coi cá đớp dưới lá sen cho khoẻ đồng thời anh nhìn lại vườn sầu riêng cho đỡ nhớ nhà, được không cô Bảy?

- Dạ được chớ. Tùy ý anh. Anh ăn hết trái này rồi ra vườn hái trái khác.

- Ủa nhà đi đâu vắng hết vậy cô Bảy?

- Ba em đi ngoài ấp chiến lược Cây Bài thăm bà con.

Tư Linh nhìn tôi ý nhị: "Thấy chưa mày? Một nguồn suối mà rẽ hai dòng đấy."

Tư Linh khui sầu riêng. Quả sầu riêng loại nhất, gai nở đều không lép múi nào, bột mịn như nghiền. Tôi vừa ăn vừa ngó quanh. Tôi chỉ thấy có một vết đạn bên chái nhà. Tôi tìm xem viên đạn xuyên những đâu thì bắt gặp một chân bàn thờ chấp bằng thanh tre. Tôi thấy đau nhói như chính mình bị thương. Chiến tranh ác thật không để yên cả người chết. Tư Linh vụt hỏi.

- Trong nhà có nón thiếc không cô Bảy?

- Dạ không. Để làm gì vậy anh?

-Để anh mượn đội đi ra xem vườn chút.

Bảy Mô cười, cái miệng móm duyên giờ này tôi mới được nhìn rõ.

-Ối! Của người ta trồng mẫu này qua mẫu khác kìa mới dùng nón thiếc. Chớ còn của em có vài chục gốc đâu cần phải đội nón thiếc mới dám ra vườn.

- Bộ cô nói đầu tôi đội B52 mấy keo rồi sầu riêng rụng không lủng hả? Này cô Bảy! Cô đừng có vứt vỏ sầu riêng nghe?

- Để làm gì anh?

- Để tôi phơi khô rồi đem nghiền ra bột gởi ra miền Bắc cho tụi Nam Kỳ hửi.

- Em tưởng để vài miếng treo dưới giường cho rệp hôi ổ đi hết chớ!

Bảy Mô đi vào buồng một thoáng rồi trở ra đưa cho Tư Linh một chiếc nón sắt Mỹ. Tư Linh leo lên:

- Chiếc nón dũng sĩ này chắc em lượm được trên xác Mỹ hả?

- Em gởi mua ngoài Đồng Dù chớ trên xác Mỹ gì!

Tư Linh nói rồi đội lên đầu, cười:

- Tôi cũng muốn trở thành dũng sĩ mà sợ cô Bảy chê không nhận! Nè, cô Bảy nên học thêm một luôn pháo kích nữa đi.

- Em lấy gì mà pháo?

- Xin ông Tám Quang trang bị cho súng cối tay.

Nét mặt cô gái trở nên buồn buồn.

- Tụi em đâu có điều động nổi. Đội bây giờ bỏ về nhà bộn rồi, đâu còn nhân lực để khiêng vác.

-Ủa sao vậy cô Đội phó?

- Em không biết.

- Cô có báo cáo lên chị Năm Đang chưa? Chỉ là khu ủy ‘viên trực tiếp với các cô, xin là được chớ gì!

- Dạ, để thong thả rồi tụi em tính tới.

- Bả lúc rày chuyên môn "ngồi thum".

- Nhiều người nữa chớ không riêng gì chị Năm đâu anh

Tư Linh ngoặc ngang:

- Hầm cũ còn không Bảy? Có bị chụp bất ngờ cho hai anh chui với nghe.

- Dạ được. Nếu nó chụp em nhường cái đó cho hai anh. Em có cái khác.

Tôi hỏi Tư Linh:

- Bộ khu ủy đi chĩa cá ven sông sao mà "ngồi thum"?

Tư Linh lắc đầu:

- Không phải "ngồi thum" như ở miền Tây đâu. Ngồi thum ở đây có nghĩa là tối ngày không dám rời khỏi miệng hầm, ngồi co ro trong bụi chờ nhảy dò là chui. Mày hiểu chưa? Dân yếu bóng vía thời buổi này chuyên môn ngồi thum.

Tư Linh nói xong đưa tay lên miệng mút từng ngón và ngó tôi.

- Trái sầu riêng này đáng giá ngàn vàng. Thầy Hai ăn một múi chắc nhớ đời hả thầy Hai. Hé hé... Để tui ra vườn tui coi có trái nào rụng không, nếu có, tôi hú thì ra nghe!

Tư Linh bỏ tôi và cô dũng sĩ ở lại một mình. Tôi chưa biết chuyện gì thì Bảy Mô bảo:

- Hồi nãy em ra bến đò đón chị Năm em mà gặp hai anh rồi quên mất.

- Chị Năm nào?

- Em thứ bảy, chị ấy thứ Năm. Anh Năm em đi giải phóng đánh trận Bình Giả hồi đó tới giờ mà không có tin tức gì hết.

Tôi nghĩ thầm:

- Đi Bình Giả và Đồng Xoài kể như "cúng cơm" rồi. Trên đường Trường Sơn tôi đã gặp một Trung tá sống sót từ trận Pleime mhất trí vì đội quá nhiều B52.

Nhưng nơi gượng:

- Ở ngoài đó khó có thư từ về trong này lắm. Các đơn vị đánh Bình Giả đang dưỡng quân trên bờ sông Be. Ít bữa sẽ có thư về chớ gì lo gì mà lo.

Bảy Mô tiếp:

- Chị Năm ra ấp chiến lược ở lâu rồi. Nhà bên anh Năm em ở Trung Hoà. Còn ba em ra ấp chiến lược Suối Cụt nên em kêu chỉ về ở đây coi nhà để em đi công tác.

- Tôi ở trên R nghe danh đội nữ này tôi phục lắm

Bảy Mô cười nửa miệng. Tôi hỏi:

- Em đã diệt được bao nhiêu tên Mỹ rồi?

- Dạ em không biết.

- Anh nghe nói là tiêu chuẩn của dũng sĩ là diệt năm tên Mỹ.

- Bắn thì có bắn, nhưng làm sao mà đếm được hả anh?

- Vậy thì làm sao mà báo công?

- Báo công thì ở trên làm chớ tụi em đâu có làm.

Tôi đã từng biết trường hợp một anh du kích ở Sóc Trăng tên là Sơn Ton, người Miên lai trở thành anh hùng quân đội do tài báo công của ông Trưởng ban Thi Đua Trung Đoàn, bây giờ nghe Bảy Mô nói, tôi biết có "vấn đề" nên không hỏi tới nữa. Thấy trên bàn có một tập nhạc in rất đẹp và trên vách treo một cây đàn măng-đô, tôi hỏi:

- Em thích bản gì nhất?

- Bản gì em cũng đờn, nhưng không thích bản nào hết.

- Nhạc Sài gòn có hay không’?

- Em hổng biết. Anh muốn biết thì đờn thử.

Chao ôi, ở giữa vùng đất bom đạn bời bời lại có một cô gái như thế này ư? Chẳng khác nào một làn nước mát giữa sa mạc. Hồi mười sáu tuổi khi tôi đi kháng chiến, ở vùng Giồng Luông, tỉnh Bến Tre có một ông điền chủ làm thơ Đường luật. Ông tiếp đãi cán bộ như thượng khách. Cô con gái của ông lại chơi đờn măng-đô tuyệt hảo. Do đó, ngôi nhà nguy nga của ông lúc nào cũng dập dìu tài tử giai nhân trong đó có cả Trần Văn Trà, Diệp Minh Châu nhưng không ai lọt vào mắt xanh của cô cả. Lúc đó tôi hãy còn thiếu nhi ham đờn nhưng chưa biết thường thức sắc đẹp giai nhân.

Bây giờ tôi đã trưởng thành và tái ngộ cảnh cũ ở đây chăng? Tôi lần dỡ tập nhạc và thấy nhiều bài hát lạ lẫn quen: Hồn Vọng Phu, Giọt Mưa Trên Là, Dứt Đường Tơ...

- Em thích bài nào?

- Bài nào em cũng thích cả. Hồn Vọng Phu thì nét nhạc rất dân tộc, còn Giọt Mưa Trên Lá thì có tính chất tôn giáo.

- Tác giả bài Giọt mưa trên Lá từng đi kháng chiến chống Pháp rồi bỏ về thành. Hồi kháng chiến ông làm nhạc rất hay. Đâu em đờn nghe thử coi.

- Em đờn dỡ lắm. Em nhường anh đờn trước.

- Ngón tay anh cứng ngắc cứng ngơ. Hai mươi năm ôm đạn, vác súng, bóp cò, đâu có biết nắn phím đờn là gì.

Bảy Mô cầm đàn nhưng còn nói dè:

- Mấy tháng nay em đâu có mó tới. Đờn rùm lên không nghe được tiếng pháo đề-pa để mà chui.

Bảy Mô vừa so dây vừa nói:

- Em đờn trật anh đừng cười nghe.

Những ngón tay trắng nhưng trầy trụa của cô gái chạy trên.phím đàn. Tiếng đàn dội trong ngôi nhà cổ kính. Nhưng tôi không để tâm mấy. Tôi nghĩ: tất cả những cái này đều sẽ bị tiêu diệt hết. Còn chủ ngôi nhà này, sau giải phóng sẽ bị mang ra đấu như những địa chủ yêu nước miền Bắc trong cải cách ruộng đất. Nếu qua khỏi hai cái ải tù tội và máu lửa thì sẽ không lọt cái "ải giai cấp", cái ải khốc liệt nhất của người đi theo cách mạng.

Bỗng có tiếng la to vọng vào. Bảy Mô ngừng tay, hốt hoảng:

- Gì như có tiếng báo động đằng xóm vậy? Coi chừng đổ chụp.

Một tiếng hú tiếp theo. Tôi bảo:

- Chắc anh Tư lượm được sầu riêng.

Bảy Mô buông đàn trên bàn và đứng dậy bảo:

- Mình đi ra vườn ăn sầu riêng tiếp đi anh.

Tôi đi theo Bảy Mô, lòng miên man suy nghĩ. Tôi chợt nhớ Thu Hà ở Bình Long. Bây giờ nàng đang sốt. Nước da vàng ẻo. Cặp mắt ướt núp sau gốc cây bàng lăng vẫn dõi theo tôi. Lời hứa còn vẳng bên tai.

Thấy mặt mũi tôi không sáng sủa, Tư Linh hỏi:

- Đờn bản gì đó?

- Hòn Vọng Phu. Cô Bảy đờn, không phải tôi. (Trước mặt Tư Linh tôi gọi Bảy Mô bằng "cô ").

- Sao không đờn bản Giải phóng Miền Nam cho giựt gân?

Tư Linh hai tay xách cuống hai trái sầu riêng cỡ lớn nhất chín nứt vỏ. Mùi hương bát ngát mơ say.

- Nếu tôi không hái thì sóc ăn hết.

Ở góc vườn gần mội nước có một cái bàn mặt đá cẩm thạch và mấy chiếc ghế đai. Tư Linh để hai trái sầu riêng lên đó rồi quay trở lại vườn. Hắn bảo hắn đi lượm thêm vài trái rụng. Bảy Mô kể tiếp câu chuyện về chị Năm Mai:

- Chỉ nói chỉ về thăm nhà chớ không ở trong này được vì chỉ có cháu bé. Chị bảo Ngụy nó cho dân biết là hiện nay Mỹ đang thi hành kế hoạch xúc hết dân ra ấp chiến lược để vùng ven sông Sàigòn từ ấp Sóc Lào của quận Trảng Bàng đếnn Bến Cỏ trở thành vùng oanh kích tự do của máy bay Mỹ. Do đó ba em mới ra ấp chiến lược. Cái bàn này ở trong nhà khiêng ra đây để rủi nhà cháy thì còn chỗ dọn cơm ăn.

- Gì mà bi quan dữ vậy em?

- Em không bi quan đâu, nhưng chiến tranh thì phải đề phòng. Anh biết không? Có một gia đình chết sạch trong nháy mắt. Ngay trong xóm này và mới cách đây vài hôm thôi. Một anh con trai đánh trận bị thương nằm bên Quân Y xá ở Bưng Còng vừa lành về thăm nhà. Ông già bà già mừng quá mần thịt con gà mái đẻ nhậu. Nữa chừng hết rượu, ông bảo thằng em xách chai đi lại quán đong thêm. Khi trở về ở giữa mâm cơm lúc nãy là một hố pháo. Cả nhà bay mất không còn hốt lại được tô thịt.

- Trái pháo mù!

- Nó có mắt chớ anh. Nó không nổ ngoài đất trống.

Tư Linh trở lại với hai trái sầu riêng vừa lượm được. Cả khách lẫn chủ vừa thưởng thức trái chín vườn nhà vừa nói chuyện lan man. Một chập, Bảy Mô hỏi Tư Linh:

- Anh có gặp chú Tám Quang không?

- Có, cô cần gì?

- Khó nói quá hà.

- Cứ cho anh biết, anh sẽ trình bày với ổng.

Ngập ngừng một chập, Bảy Mô nói:

- Em sợ em không đi dự đại hội chiến sĩ thi đua trên R được.

- Sao vậy? Đó là vinh quang của em mà em không nhận à?

- Em thật tình không dám nhận..

- Trời đất. Cô nói gì vậy cô Bảy? "Dũng sĩ diệt Mỹ" là danh hiệu chói lọi như mặt trời mà chê... ê?

- Em không dám chê, nhưng làm sao em nhận được.

Tư Linh nói một mạch để thuyết phục theo kiểu đả thông của cấp trên:

- "Trung với Đảng, hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Nhưng Bảy Mô vẫn ngồi trơ trơ không tỏ vẻ xúc động chút nào. Đợi cho Tư Linh "đả" xong, Bảy Mô nói:

- Em không hiểu tại sao chú Tám Quang lại "chỉ định" em là dũng sĩ diệt Mỹ?

- Vì em chiến đấu giỏi chớ sao.

- Chị Nê, chị Nhỡ, chị Bê hơn em nhiều. Riêng chị Nê đội trưởng thì hơn em rất xa. Chỉ bị thương mấy lần và một lần gỡ lựu đạn gài của mình nổ bị cả chục vết thương, Đen cả chân tay mặt mày. Em mà đi đại hội còn chỉ ở nhà thì cả đội cười em chịu sao nổi.

- Em là đội phó, phải làm gương.

- Em được đề bạt lên chỉ huy mấy chị kia em cũng thấy kỳ kỳ rồi. Nhưng mấy chị phục tùng, không nói gì nên em cũng cố gắng, còn vụ đi đại hội thì chắc là... Anh về thưa dùm chú Tám như vậy. Anh có gặp cô Năm Đang thì nói giùm từ ngày em bị bom dập, em ho ra máu luôn nên ở nhà hốt thuốc Bắc uống. Bây giờ em không xuống hầm bí mật được. Hễ xuống hầm xong khi lên là khạc ra máu liền. Hễ đổ chụp thì em phải chạy.

- Như vậy, bỏ đội nữ cho ai chỉ huy?

Bảy Mô làm thinh một chốc rồi đứng dậy nói:

- Để em vô nhà làm xôi sầu riêng cho mấy anh ăn.

Tư Linh xua tay:

- Thôi, thôi cô Bảy! Hai anh có công tác khẩn, phải đi ngay bây giờ nè.

Bảy Mô đi vô nhà. Tư Linh nháy nháy tôi. Tôi hiểu y làm bộ từ chối vậy thôi chứ chẳng có công tác gì gấp. Bảy Mô cũng thừa hiểu sự từ chối đó có nghĩa gì. Đợi bóng hồng khuất dạng, Tư Linh hỏi tôi:

- Cậu xem có được không?

Tôi ngần ngại một hồi rồi kể qua về vụ Thu Hà ngoài Phước Long. Nghe xong Tư Linh bảo:

- Chim đậu không bắn để bắn chim bay.

- Tao đã hứa với người ta rồi. Có trao kỷ vật nữa!

- Mày thiệt!

- Tình cảm đến có ai ngăn được?

- Thì bây giờ cũng "tình cổm" thôi. Mày đã dạo nhạc chưa?

- Tao bỏ đờn lâu quá rồi, ngón cứng nên không muốn đờn.

- Không! Tao nói là "dạo nhạ"c kia kia.

- À!...Không? Tao chỉ hỏi chuyện đời sống trong khu với nàng thôi.

- Đời sống cái con khỉ. Chỗ này tốt đấy. Mày không thể chùng chình lâu được. Mai mốt nó trở cờ kêu bằng "chú" ‘ thì mày hết tấn công "các cháu" được đấy. Hơn nữa tình hình biến động thì mày chỉ còn có nước "hốt ổ" thôi. Thân phận tao như vầy nên gặp các em tao đành phải đàng hoàng, chứ nếu tao mà được tự do như mày thì tao "lấy họng" hết ráo... ‘Chỗ này xứng lăm! Tao coi giò coi cẳng rồi. Cả hai đều tiểu tư sản hơn nữa gia đình nó cần một nơi để nương tựa. Nó nghe bọn mình kể chuyện đấm đá ngoài kia, nó sợ cho bố nó. Mày vô cái là ngon ơ. Tao để ý thấy nó gọi mày bằng "anh" và xưng "en" ngọt.

- Cô ta biết gì về tao mà ngọt?

- Thì tao đã giới thiệu mày vậy là rõ rồi. "Chưa có chị Hai.. Thầy tất cả. Mày sẽ thay Hai Giả và Sáu Phấn". Nhưng tao cũng nói thêm, mày phải tỏ ra văn minh, chớ có giơ cái lập trường bần cố nông của cải cách ruộng đất ra là hỏng bét. Nó biết đờn măng-đô, thấy chưa? Ngoài ra cũng rất "gác máy bay!"

- Để tao tính.

- Tính gì nữa mà tính? Vừa rồi, có thằng Quân ở tiểu ban Văn Nghệ Khu cũng tò vè dữ lắm nhưng nó không thích nên thằng kia xuống đây lần nào cũng bị mấy cô du kích chế diễu: "Muốn người ta, người ta không muốn. Xách cặp dừa đi xuống đi lên!" nên rút êm lâu rồi.

Bảy Mô từ trong nhà đi ra tay ẵm đứa bé, cùng với một người đàn bà. Bảy Mô vừa đi vừa reo:

- Chị Năm em về nè.anh Tư, anh Hai!

Tôi nhìn hai chị em sánh đôi nhau đi dưới nắng trưa nhung lụa phất phới, giữa hai hàng cam bưởi mà tường mình lạc lối đào nguyên. Cả hai đều đẹp, nét đẹp trong sáng khoẻ mạnh rất Nam Kỳ.

Bảy Mô để đứa bé đứng xuống đất và bảo:

- Chào hai cậu đi Liên. Đây là cậu Tư còn đây là cậu Hai!

Năm Mai cũng vui vẻ và duyên dáng chào chúng tôi rồi bảo bé Liên:

- Con hỏi hai cậu xem có gặp ba con ở đâu không chỉ dùm con. - Chị quay lại bảo em - Mô vô quậy cà phê sữa cho hai anh dùng! Tèng ơi! hai anh ơi, tụi Mỹ nó đang rãi thuốc độc đuổi dân trong này ra ấp chiến lược làm hàng rào chung quanh Đồng Dù bao che cho nó.

- Sao người ta đồn nó xúc dân?

- Còn một số cứ rị gốc cây ở lại hoặc bị xúc ra ngoài rồi lộn trở về nên nó ném mấy thùng gì bốc khói vàng vàng. Ai thở trúng thì chảy nước mắt và nhảy mũi liền liền, không làm ăn gì được nên cuối cùng phải cuốn gói bỏ đi. Gia đình nào ra đó cũng nhận được thịt hộp, vải vóc xà bông và gạo. Tèng ơi! ăn xài ngoả nguê không hết lại đem đi bán. Họ bảo: cứ ở ngoài này chừng nào giải phóng hãy về.

Có tiếng Bảy Mô gọi từ trong nhà. Chị Mai dắt con chạy vô. Tư Linh cười bảo tôi:

- Mày thấy tinh thần đồng bào cao ghê chưa?

- Ừ cao thật! Ăn đồ Mỹ nhưng vẫn chống Mỹ thả cửa!

- Và ở với Mỹ chừng nào giải phóng thì về! hề hề! Nhân dân ta rất anh hùng! 1 Còn nhân dân Miền Nam thì anh "rũng" tuyệt "rời", "oánh" Mỹ tới gáá.. áo!... Nhưng mà hỏi nhiệt mày nghe! Mày có dính ăn đính thua gì với cô đại học con gái ông Tướng râu kém chưa?

- Chưa có gì!

- Vậy thì tội gì mà ôm càng tôm hoài?

- Để suy tới nghĩ lui chớ may.

- Tao coi "độ" này mày ăn trùm rồi đó. Cô dũng sĩ coi mòi cảm ông thầy pháo? Còn cô gái ấp chiến lược mới ra đó, mây coi có kém gái Hà Nội sợi lông... mày nào không? Được chứ hả? Nè, tao bảo nhỏ điều này, nếu nó yêu cầu mày đờn thì nên làm mấy bản SUN SET IN VIENNA, ONE DAY, BẾN YÊU ĐƯƠNG, CON THUYỀN KHÔNG BẾN, đừng có đập bài XUỐNG ĐƯỜNG, CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC nó không có rung rinh trái tim đâu nhé. Đồng ý chớ? H hì. Thôi thà gật đi cho tao lo nhanh nhanh. Mày mũi tao lái, hò dô ta này đôi ta cùng chèo. Chiếc ghe này...

- Mày định gì hả thằng quỉ?

- Đây là phương án dự bị. Phải điều nghiên chờ thời cơ thuận tiện sẽ xuất quân! Thời buổi này phải sống theo thuyết hiện sinh. Tụi Sài gòn cũng vậy mà mình cũng vậy. Mày suy nghĩ cái giống gì đi nữa thì cũng không có sâu bằng cái hố bom đìa và sắc bằng mảnh đạn cà-nông hết cả. Ở Sài gòn hiện giờ đang hát bài Que Sera Sera và đọc quyển Buồn Nôn của Paul Sartre như điên.

- Nó có nội dung gì?

- Đại khái cuộc đời chỉ là sự rủi may. Và càng sống càng không hiểu con người sống để làm gì. Tại sao lại có sự hiện diện của con người! Rủi may! Đúng lắm, nhất là ở đất Củ Chi này! Tao càng suy nghĩ càng không hiểu tại sao mình lại phải như thế này và tại sao thằng Mỹ lại vô đây để làm gì?

Tôi quát:

- Thôi mày đừng có "xét lại"!

- Hề hề...ề!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx