sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

Tư Linh lại đóng vai trò quan trọng trong việc đón tiếp một nhà báo ngoại quốc khác. Cái tiếng Anh tiếng Pháp của nó quả là hữu dụng. Ông Tám Quang ra lệnh đào một số địa đạo dọc đường 15 giữa An Nhơn và Nhuận Đức do đội nữ của Bảy Nê thi công. Từ ngày ông Tám Quang chỉ định Bảy Mô đi báo công trong đại hội chiến sĩ thi đua ở R thì đội trưởng Bảy Nê bất mãn bỏ về nhà. Việc đó kéo theo sự bất mãn của nhiều đội viên và cán bộ khác trong đội cho nên tinh thần chiến đấu của đội sa sút nhiều. Nê ở nhà ít lâu rồi trở lại làm chị nuôi cho tiểu đoàn võ trang của tỉnh. Tôi biết cô gái này. Đúng là một nữ chiến đấu viên dũng cảm và siêng năng lao động. Trong những cuộc hành quân, Nêề thường vác súng và mang một bọc soong chảo sau lưng. Anh em đều cảm mến chị nuôi nhưng không ai tỏ tình với Nê. Đạo đức tính thần rất cao nhưng nhan sắc lại đi theo tỷ lệ ngược. Cho nên đã trên hai mươi lăm tuổi mà Nê chưa biết đến tình yêu.

Bây giờ trở lại vụ đào hầm. Vì đội trưởng Nê ở nhà nên đội phó Bảy Mô được ông Tám Quang đôn lên thay thế đồng thời chỉ định Bảy Mô làm dũng sĩ diệt Mỹ đi hội nghị R bất chấp luôn sự phản ứng của toàn đội. Tám Quang tên thật là Đặng Quang Long, cha mẹ là người Bình Định vô Bà Rịa làm giàu. Quang tập kết mới gắn lon đại úy. Đi học Trung Quốc về lên trung tá. Về Nam làm trưởng phòng chính trị. Năm ngoái mẹ ruột vô thăm cho xe đạp Peugeot, bút máy Parker, đồng hồ vàng và tám chục ngàn "xài đỡ" vì chưa kịp thu lúa ruộng! Bà cụ đi đâu có đày tớ xách dép và quạt hầu. Mặc dù xa cách mẹ già mười năm mới gặp lại nhưng Quang lật đật cho mẹ xuống tàu về ngay hôm sau lấy cớ là tình hình sôi động, nhưng ai cũng biết hắn sợ lộ bí mật lý lịch (Có lẽ y khai là thành phần bần cố nông trong cải cách ruộng đất) sẽ mất chức. Con tư sản địa chủ thì lãnh đạo vô sản làm sao?

Với con mắt của một anh tiểu tư sản, Tám Quang đã nhìn thấy sắc đẹp của Bảy Mô trên cả thành tích của Bảy Nê, Út Nhở và các cô khác. Tám Quang lại dùng Bảy Mô như một hình tượng dũng sĩ giả để biểu diễn thành tích của toàn thể du kích Củ Chi và bịp các nhà báo ngoại quốc. Khi họ cần quay phim chụp ảnh thì Đội trưởng Bảy Nên, Chính trị viên Út Nhở đều mờ nhạt mà Bảy Mô được đưa lên cận ảnh để quay phim. Trong dịp tiếp nhà báo "quốc tế" sắp tới, Bảy Mô sẽ chẳng khác nào một đào hát bóng của chiến khu.

Bảy Mô là chỉ huy trưởng cuộc đào địa đạo hôm nay.

Toàn đội chừng mười ngườì. Chia làm hai toán dưới quyền thống lãnh của ông Tư Linh mà tôi gọi là ông "Tư Lịnh". Không biết ông Tư tâu rỗi thế nào mà ông Tám Quang lại bắt tôi đi nghiên cứu chiến dịch đào đất này. Có lẽ nhà pháo chưa có pháo, chưa có học sinh, còn trường pháo binh thì mới sửa soạn cất nhà. Riêng về nhà pháo thì có mấy cái "khí tài" của pháo binh giấu trong ba-lô để đem về nhà làm ăn, nhưng trước khi lên đường, công an của nhà trường đã moi lấy lại cả. Tôi cãi vã khá gay gắt để giữ lại. Vì tôi biết pháo binh mà không có các thứ "mắt" này thì bắn chỉ gởi đạn về làng mà thôi, nhưng ở trên bảo:"Vào đó sẽ có trang bị mới của Trung Quốc!". May mà tôi còn giữ được bộ thước Tổng hợp của nghề pháo. Ngoài ra chỉ có hai tay không và tuồng bụng. Trong lúc đợi chiêu sinh, tôi đi giúp cho Tư Linh. Đây là một dịp tìm hiểu địa đạo "thôn liền thôn, xã liền xã" của Củ Chi. Ở ngoài Bắc thì nghe chuyện giải phóng Miền Nam thật phấn khởi. Đứa nào đứa này cũng tưởng mâm cỗ đã sẵn sàng, bương về tới là chỉ còn hụ hợ rắc tiêu nêm hành là nhảy lên nhậu. Nhưng khi về đến R thì chẳng thấy gì ngoài rừng xanh và khỉ với lọ nồi, lọ nồi trên ngọn cây và lọ nồi dưới mặt đất, khỉ bốn chân lẫn khỉ hai chân, còn rừng xanh trở thành rừng đỏ vì những trận B52.

Nhưng bụng bảo dạ chắc ở các tỉnh tình hình lạc quan hơn nhiều. Lại thêm nghe đài phát thanh giải phóng đưa tin nên ai nấy phấn khởi trở laị. Riêng tôi được phân công đi vùng đất thép thì theo dõi tin tức Của Chi. Nghe các dũng sĩ diệt Mỹ mà ganh mữa ruột. Bây giờ về đến đây rồi, công tác bắt đầu bằng cuộc tiếp rước nhà báo... ngoại quốc.

Tập trung dũng sĩ diệt Mỹ và du kích xã lại thành một đơn vị để chỉ huy thống nhất quả là một việc thiên nan vạn nan. Nếu đài giải phóng mà chịu khó gởi người xuống đây để mở to con mắt ra mà nhìn thì ắt cái mồm loa của họ phải tốp bớt lại.

Cô dũng sĩ này thì mắc bán quán không bỏ đi được, nàng anh hùng kia thì bận nấu cơm cho cơ quan, anh du kích này bận cán mía, cô dân quân nọ đang mang một "cái bị bất hợp pháp" nên không tiện gặp đồng đội.

Cuối cùng chỉ còn đội nữ của Bảy Mô. Gồm chưa đến tổ rưỡi tam tam. Nhưng việc đã thế thì đành phải thế.

Ông "Tư Lịnh" Tư Linh luôn luôn có sáng kiến. Ông chia ra làm hai, một nửa do đội trưởng Bảy Mô chỉ huy đào ở Đồng Trà Dơ. Cố nhiên là Tư Linh cho tôi đi theo tổ này. Còn nửa kia thì do Chánh trị viên Út Nhở điều khiển đào ở xóm Cây Điệp thuộc xã An Nhơn dưới quyền điều động, chỉ vẽ của y. Y rất sành tâm lý (dân địch vận mà!) nên y cách ly Bảy Mô và Năm Mai trong lúc công tác. Bảy Mô không thể về nhà hằng đêm để hủ hỉ với chị. Còn chị thì cũng không thể bỏ nhà trở vô ấp chiến lược trong khi em bận đi công tác. Như vậy trong lúc thống lãnh tổ dũng sĩ cuốc đất, y có thể chạy tới chạy lui giúp đỡ người đàn bà cô đơn kia. Kể ra y cũng ma lanh dữ dội.

Tôi coi công việc này như đi tắm bể Đồ Sơn nên cứ lên xuống nhà Lụa Là. Má Hai đi móc gia đình dùm tôi không kết quả tỏ ra lo lắng cho tôi. Bà cứ nhắc đi nhắc lại: "Tao tới hai lần đều thấy nhà đóng cửa. Tao đi loanh quanh cả ngày nhưng đâu có dám hỏi người hàng xóm, sợ bị lộ..."

(Tôi đành noi gương bác Hồ: Gia đình tôi là cả dân tộc Việt Nam! Chị ruột tôi đến tôi vẫn không thèm nhìn. Còn ông anh của tôi, tôi cũng không ngó ngàng tới. Thằng "con em" nào "trong gia đình" Việt Nam ngo ngoe, tôi bỏ tù thấy mẹ! Bác Hồ coi gia đình có ra cái cóc khô gì. Còn Bác Tôn ở tù từ hai mưới tuổi đến sáu mươi tuổi, gia cư bất biết, có ai chê trách gì. Mình phải noi gương hai Bác vĩ đại, gác bỏ gia đình để mưu sự nghiệp chung. Nên tôi không nhờ má Hai đi nữa!)

Thấy dũng sĩ và du kích đào địa đạo mà cô xã đội phó cứ ở nhà giúp mẹ bán quán, tôi lấy làm ngạc nhiên. Một hôm tôi hỏi:

- Em không nằm trong đội nữ à?

Là ném trả lại một cách chanh chua:

- Ai mà thèm vô cái đội bá láp đó anh!

Tôi cố giấu ngạc nhiên, bảo:

- Sao em lại nói vậy?

- Nói vậy đúng chớ sao anh. Mấy con nhỏ đó đánh giặc đánh giả gì. Đi đâu cũng nghênh nghênh cái mặt. Bây giờ là đỡ đỡ rồi đó. Hồi mới thành lập còn "le" ác nữa kia. Cũng tại ông Tám Quang tâng bốc, chìu chuộng cấp cho mấy "bả" súng trường bá đỏ, dép lốp, nón sáu múi, bao đạn, nai nịt vô coi cho giống giải phóng quân.

- Hồi thành lập tới giờ thành tích họ cũng khá chớ em!

- Khá gì mà khá. Ừ cũng có khá một chút là hồi chị Tư Gừng làm đội trưởng. Chỉ có sáng kiến phối hợp với anh Năm Cội gỡ cà-nông lép đem gài ở đường làng I gần Bò Cạp làm nổ lật một chiếc xe tăng bị thương hay chết một tên Mỹ gì đó.

- Vậy cũng gioỉ chớ sao em kêu là bá láp.

- Em đâu có nói chị Tư với anh Năm. Nhờ đó đội nữ có lên được một lúc. Anh Năm Cội và chị Tư Gừng được đi R dự hội nghị Chiến Sĩ thi đua. Bà Ba Định giữ chị Tư lại để huấn luyện hay gạc-đờ-co gì cho bả đấy, em không rõ. Nên chỉ có mình anh Năm Cội trở về dưới này. Ảnh được huyện đội đưa vào công xưởng của huyện để sáng chế bom gài xe tăng.

- Công xưởng huyện mà làm bom?

- Có chứ! Tức là đi đào cà-nông lép chở bằng xe bò về rồi cưa ra lấy thuốc nổ!

- Trời đất!

- Bởi vậy nên ảnh bị nổ chết rồi!

- Thế là một cặp dũng sĩ chỉ còn có một.

- Cũng đâu còn.

- Cô Tư Gừng ở luôn trên R à?

- Chỉ về dưới này rồi. Nhưng "bể" rồi.

- Ở trên đó lại được gần bà Phó Tư Lệnh thì học tập được nhiều sao lại "bể"?

- Khó nói lắm anh à. Thôi, anh đừng hỏi nữa.

Là muốn bỏ đi, nhưng tôi cố tìm hiểu thêm tình hình:

- Sao em không ra tiếp địa đạo với các bạn em?

- Ối chời! Ở nhà nghỉ có phải khoẻ hơn không anh? Má em rầy hoài! Mà bảo em đi như con heo "rượng" vậy. Làm cái gì ba thứ địa đạo, hầm chông với lựu đạn gài. Chỉ giết dân thôi. Má bảo em nghỉ cái chức xã đội, ở nhà đi cán mía mướn hoặc đốt than cho má nhờ.

- Má nói tới vậy nữa à?

- Có chớ! Từ hôm đi rước gia đình dùm anh về, má càng rầy tợn. Má quạt thẳng cả mấy ông cán bộ khu và chú Tư Thiên. Má nói: Mỹ nó ở trên đầu mình nó nhảy xuống. Mình gài lựu đạn hầm chông dính ai? Nó liệng bom tấn, địa đạo ở Hố Bò sụp hết, đào nữa làm cái gì mà nai lưng ra đào? Má còn hờn cái vụ đào hầm đánh đồn Bến Súc của ông Ba Tô Ký làm chết anh Điều hồi 46 đó anh ạ. Má định gả em cho một anh đánh xe bò như anh Thơm, ba con Rớt rồi ở nhà làm ăn. Má nói nhiều cái tức cười lắm.

- Má nói thế nào nữa?

- Má nói sở dĩ hồi Đồng Khởi tụi bót An Nhơn chạy là vì bất thần mình "hù" nó, nó hoảng hồn rồi mình la ó, nó tưởng quân mình đông nên nó sợ. Bây giờ nó tỉnh hồn đứng lại rồi, mình hù nói đâu có sợ nữa. Hồi đó mình đưa đội quân đầu tóc ra đấu tranh chánh trị, nó thấy tội nhiệp nên nó đấu dịu, bây giờ nó biết Nga Tàu giúp đỡ mình, có ngoài Bắc vô phụ để đánh nó, nó đâu có nhượng bộ nữa. Hồi đó mình không làm được thì thôi, bây giờ Mỹ vô làm sao mình oánh lợi?

Tôi gượng gạo bảo:

- Em phải giải thích cho má nghe, "uốn nắn" "tư tưởng".

- Em giải thích nhưng má không nghe. Má nói tại miền Bắc vô nê Mỹ mới vô làm tan tành hết nhà cửa. Anh Thơm đi dân công gì cả năm chưa về?

Là không tham gia địa đạo nhưng không cản tôi đi. Buổi tối Bảy Mô kéo quân ra đồng Cà Dơ để khai chiến với đất. Xin thú thật với các bạn khi tôi cuốc nhát đầu tiên thì tôi muốn vác cuốc đập vào cái mồm loa Giải phóng lẫn cái mép dãi Hà Nội. Cách mạng chỉ là một sự bịp. Bảo thằng Hồ Chí Minh, thằng Võ Nguyên Giáp, thằng Lê Duẩn và cả thằng Nguyễn Chí Thanh hiện đang ở R nữa, hãy câm ngay cái mõm. Đừng có sủa bậy, xúi giục dân Nam Kỳ chết vô ích. Ba đời tam tộc nhà chúng nó có sống cả dậy cũng không đào nổi một trăm thước địa đạo mà. Tôi không nói quá đáng đây: Đất cứng như đá. Sức trai của tôi đào cật lực, nửa giờ chỉ được năm ki đất. Đó là đào lỗ như lỗ trồng cây. Xuống chừng sáu tất đất thì đụng nhằm vô số vấn đề. Cuốc không dùng được nữa. Phải dùng vá xắn, phải khom người xuống moi đất đùa vào ki rồi chuyền nhau đi đổ ở xa để phi tang. Không phải bạ đâu đổ đấy, cũng không để cho đất rơi rớt dọc đường. Địa đạo càng phải giữ kín hơn hầm bí mật. Rồi rễ cây bắt đầu lòi ra. Phải dùng dao cứa. Nhưng, bạn nên biết rằng chặt một cái rễ to bằng ngón tay dưới hầm bề kính bốn tấc Tây còn khó hơn bửa một gốc củi già trên mặt đất, vì bạn không thể vung dao tự do như ở trên sân được. Chặt đứt một cái rễ bằng ngón tay mất ngót một tiếng đồng hồ. Nhiều nơi đất cứng phải gánh nước tưới cho mềm để đào dễ hơn.

Tôi hỏi Bảy Mô:

- Sao em không chọn nơi nào gần suối? (Bây giờ tôi gọi Bảy Mô hẳn bằng em)

Bảy Mô nói:

- Tụi em đã nghiên cứu hai ba chỗ rồi anh ạ. Ở trên yêu cầu phải đào gần đường 15, nhưng Hố Bò thì bị B52, còn từ Xóm Thuốc tới Rừng Làng An Nhơn thì đã có địa đạo cũ lẫn mới rồi. Một số bị sụp, một số bị lộ. Mỗi cái chừng vài chục thước. Muốn chứa mười người xuống cho khoẻ thì phải đào một trăm mét. Em chọn chỗ này là đất chưa có dấu. Phía sau là đồn điền Phú Hoà, bên trái là rạch Thai Thai, bên phải là sông Hố Bò. Nếu đào gần mé sông rạch để phi tang đất và múc nước tưới thì đất lại thấp. Ngoài ra còn có một cái lợi khác là pháo Đồng Dù ít bắn mà chỉ bị pháo Trung Hoà thôi. Trung Hoà chỉ bắn pháo 105 hầm có thể ít sụp. Em nói sụp đây là đất bị chấn động sụp chớ không phải pháo bắn trúng mà hầm không sụp đâu. Bị nhểu ngay thì hầm nào cũng không chịu nổi..Hễ lở một mảng thì lở cả địa đạo.

Mõi tay, tôi đưa cuốc cho một người đào tiếp để đứng vào hàng chuyển đất đổ ra xa.

Thấy nhiều tia lửa nháng theo lưỡi vá, Bảy Mô bật lửa soi xuống lỗ:

- Nhiều sỏi qaú! Sỏi cứng nhưng không bó với đất nên nóc hầm hay rã.

Một đội viên hỏi:

- Cô Bảy đã lo nắp sẵn chưa?

- Tôi đã cho người đi liên lạc để mua rồi!

- Mua thứ gỗ mít nghe cô!

- Gỗ mít tới một ngàn đồng một cái, tiền đâu mà mua?

Tôi chen vào:

- Sao phải liên lạc mới mua được, em?

- Mấy ông thợ mộc trước kia ở trong này, nay ra ấp chiến lược hành nghề. Mấy ổng còn nghĩ tình nên đóng nắp hầm lén bán cho mình. Phải là thợ mới đóng được. Vì khi ráp phải thật triến mí. Nếu tay ngang, đóng không khéo, dễ bị phát hiện lắm.

Thấy lỗ rộng toang hoác, tôi nói:

- Miệng hầm mà như vầy thì đâu có khó phát hiện em!

- Đây chỉ là "miệng thí" anh à!

- Nghĩa là sao?

- Mình đào xuống chừng nào đứng dưới đó giơ tay lên không đụng mặt đất nữa thì mới "trổ ngang". Phải đào cho đến phần đất thịt rễ cây ăn không tới. Cái gáy đất phải ít nhất là một thước tây mới bảo đảm xe tăng chạy qua không sụp.

- Trong rừng mà xe tăng cũng vô tới nữa sao em?

- Chỗ nào nó cũng càn hết. Xe tăng, bom, pháo còn nguy hiểm hơn bộ binh.

Bỗng Bảy Mô bắt sang chuyện khác:

- Hồi đội nữ mới thành lập sơ khai là ở tại cánh đồng Chà Dơ bên kia sông Hố Bò, như đội giải phóng quân của ông Võ Nguyên Giáp ở rừng Tân Trào vậy.

- Sao em biết giải phóng quân ở Tân Trào?

- Em đọc sách chớ sao. Hồi đó chị Tư Gừng làm Đội Trưởng. Đội có đến ba chục người. Tập bắn bia ở đây này. Chị Là xã đội phó xã Phú Mỹ Hưng bây giờ, hồi đó bắn bia được điểm cao nhất. Mười phát bắn trúng hồng tâm ba phát. Còn chị Gừng sau đó đánh lật xe tăng, được đi R báo công. Đài Giải Phóng nói liền cả tuần lễ.

- Tư Gừng đâu rồi?

- Bây giờ chỉ ở nhà.

- Tại sao vậy?

- Em không... biết!

Bất cứ ở đâu tôi cũng nghe nói về Tư Gừng một phách đó, nhưng khi tôi hỏi tại sao Tư Gừng không chiến đấu nữa thì ai cũng nói không biết.

Hầm đã sâu ngập đầu. Ki buộc quai mới lôi đất lên nổi. Bảy Mô bảo:

- Thay tay đứng miệng thí và tay đào đi.

Người đứng miệng thí là người mệt nhất vì phải lôi ki đất đầy nặng chừng ba chục kí-lô từ dưới đáy hầm lên. Sau đó mới chuyền cho người đứng kế. Độ vài tiếng đồng hồ thì phải thay người "đứng" miệng thí. Bảy Mô nói:

- Chị Là cũng là người đứng miệng thí cừ khôi nhất, thanh nhiên cũng phải chịu thua, nhưng dịp này chỉ lãng ra.

Đào một chập nữa, hầm sâu lúc đầu người. Bảy Mô bảo:

- Trổ ngang được rồi đấy, bà con.

- Cô Bảy gọn người xuống khoét đi.

- Ừ, đưa cuốc ngắn đây cho tôi. Bây giờ đi chậm chớ không có nhanh như đào miệng thí nữa.

Nói xong Bảy Mô lấy khăn bịt đầu chuẩn bị. Người ở dưới leo lên. Bảy Mô tuột xuống. Tôi bấm đèn pin. Đất cát, rễ cây nham nhở trông thật ê hề. Bảy Mô nhìn lên bảo:

- Đào xong địa đạo thì lấp cái hố này lại cho nên gọi nó là "miệng thí". Cứ đào thí, thí xe, thí chốt, thí cô hồn, thí mạng... anh rõ chữ "thí" chưa?

Tiếng cười gượng gạo của những dũng sĩ mệt nhừ cất lên hiu hắt. Một cô bảo tôi:

- Anh có chuyện gì vui vui ngoài miền Bắc kể nghe động viên chị em tôi, anh Hai! Sao anh hà tiện tiếng nói quá vậy?

- Biết chuyện gì bây giờ?

- Anh có gặp cụ Hồ không?

- Không!

- Có gặp Đại tướng không?

- Không!

- Có gặp trung ương không?

- Cũng không nốt!

- Vậy chúng em tưởng anh gặp cụ Hồ và Đại tướng một tháng hai ba lần.

- Mười năm không gặp lần nào.

- Anh nói thiệt hay nói chơi?

- Nói chơi làm gì cho mất sức khoẻ.

- Vậy sao tụi tôi nghe mấy chú Tám Quang, Ba Kiên kể lại rằng cụ Hồ thương dân miền Nam mình hơn cả dân miền Bắc và miền Trung vì dây miền Nam "đi trước về sau"?

Tôi không biết nên nói sự thực hay nói láo theo kiểu lãnh tụ, chỉ cười trừ:

- Đúng, cụ Hồ thương dân Nam Kỳ nhất! Nhưng vì dân Nam Kỳ tập kết đông quá nên cụ thương không xuể nên cụ cho một nửa lên rừng đốn củi, một nửa xuống biển cạo muối. Hơn thế nữa cụ rất chăm tưóoi cây vú sữa của dân Nam Kỳ tặng hàng ngày. Các cô biết cây vú sữa của dân Nam Kỳ tặng cụ không?

- Có nghe nói.

Bảy Mô ngước lên:

- Chắc mười năm cây vú sữa đã có trái dữ rồi hả anh?

- Không có trái nào hết!

- Tại sao vậy?

- Ai biết! - Tôi tiếp - Cụ Hồ đặc biệt thương người Nam Kỳ mình. Người được cụ thương nhất là một ông nghị sĩ Quốc hội tỉnh Bà Rịa.

- Chắc cụ cho ông nghị sĩ gặp cụ hoài hả anh?

- Không biết gặp hào hay lâu lâu mới gặp một lần. Nhưng một hôm có cuộc khoáng đại Quốc Hội cụ bảo một cô gái tặng cho ông ấy một chai nước ngọt Hồng Hà.

Bảy Mô lại ngước lên, đôi mắt lấp lánh như hai ngôi sao nhỏ dưới đáy hầm:

- Đào đất đang khát nước mà anh nói tới nước ngọt, em đào hết muốn nổi.

Một cô thêm:

- Phải cụ cho mình mỗi đứa một chai trong lúc này thì đỡ khổ quá chừng.

Tôi muốn bật cười. Chúng đâu có ngờ lão già đã bỏ thuốc độc trong chai nước? Hỡi dân Nam Kỳ ngây thơ khờ khạo! Hỡi bọn cán gáo bị lừa đau như hoạn nhưng không dám kêu. Sau mười năm sống dưới sự kềm kẹp và chèn ép của bọn Bắc Kỳ bản xứ, mười năm ròng không dám than van, bây giờ mang một khối hận về nước vẫn không dám thốt ra thực của lòng mình. Đã vậy lại còn đặt chuyện ca ngợi lão ta để bịp dân Nam Kỳ mình lần thứ hai.

Các cô bé ngây thờ Năm Bi, Ba Định, Mười Kiều, Út Tịch nào biết lão Hồ dùng họ như những lá bài để lừa dân Nam Kỳ. Bọn họ được "gặp Bác" được Bác xoa đầu, sướng mê. Mụ Út Tịch ở Trà Vinh được "bác" tặng áo lụa, vinh dự to bằng cái bánh bẻng của con nít, nên hăng say diệt Mỹ bỏ cả bầy con đói ở nhà.

Bọn con gái Củ Chi ngây ngô này có biết đấy là đâu nên liều chết đem tấm thân liễu bồ ra chọi với xe tăng đại bác để được may sau bắt bàn tay nhái của bác Hồ. Thật đáng tội nghiệp.

Tôi thấy không tiện nói ra sự thực cho mấy em nghe. Có thể chúng nó không tin và mình gặp rắc rối, nên tôi chỉ cười vuốt đuôi, đợi lúc có thời giờ nhiều hơn sẽ bảo.

- Cố gắng đi rồi sẽ có nước ngọt của bác Hồ mời.

Bảy Mô thở ào ào như trâu cắt cổ. Tiếng thở dội lên nghe rõ mồn một. Tôi bảo:

- Thôi, đi lên cô Bảy, cho tay khác thay! Lên đây uống nước ngọt.

Tôi vừa nói vừa bấm đèn. Bảy Mô đưa tay, tôi níu và lôi nàng lên. Mồ hôi nhoè nhoẹt đất cát khắp người. Nàng lột khăn rủ lia lịa, đất văng tứ tung. Nàng lau gương mặt lấm lem. Bùn đất làm cho nước da nàng trắng lên. Nhìn nàng, tôi không hiểu vì sao cô bé này bỏ học mà đi đánh Mỹ?

Bỗng có ánh đèn nhấp nhoáng từ phía ngoài đường đi vào. Tất cả đều ngó lom lom theo dõi. Biết chắc là người mình, nhưng ai lại đi thẳng vào địa điểm như thế này. Tôi bảo tất cả tản ra còn tôi núp vào gốc cây móc súng lên đạn và quát:"Ai?"

- Ai, đứng lại! Phải thằng Bảy đó không?

- Dạ, cháu đây chú Hai.

Trước khi đi công tác, tôi và Tư Linh có cho ám số cộng tròn 9 để liên lạc giữa hai toán. Nghe giọng quen đáp trúng ám số, tôi biết là thằng Lẹ, cận vệ của Tư Linh.

Thằng bé đến, nói:

- Anh Tư mời anh về hội ý.

- Có việc gì vậy?

- Anh Tư đi thỉnh thị ông Tám vừa về bảo đi tìm anh ngay.

Tôi về tới nhà má Hai thì gặp Tư Linh ở đó.

Tư Linh có vẻ hân hoan. Tôi đoán không ra việc gì.

- Tao vừa khoèo được một mớ bạc!

- Ở đâu vậy?

- Đố mày ở đâu? Hì hì...ở cái xắc-cốt no phè của ông Trưởng Phòng Chính Trị.

- Ông nội rít chúa đó mà bữa nay xì cho mày à?

Hai đứa ngồi vào chiếc bàn quen, nơi nhậu tôm khô cách đây không lâu. Tư Linh hạ giọng và nom sát mặt tôi, nói:

- Mày phục tao chưa. Ông bê cho tao năm xấp.

Tôi kêu lên:

- Năm ngàn! Thiệt hả?

Tư Linh xua tay và hạ giọng nói luôn:

- Tao biết tiền đó là của bà má địa chủ đem vô cho ổng mà. Tao khều một phát là ổng nhảy nhỏng ngay. Tao nói công việc tiếp khách ngoại quốc quan trọng nếu không động viên đội dũng sĩ tới mức thì địa đạo sẽ không xong. Tụi nó cần một ít để tổ chức cháo lao nước nôi đèn đuốc, dao cuốc, quần áo... Dù gốc eo nhưng ổng cũng thức thời và lém lắm! Tám chục ngàn bạc thành và chiếc Bờ-Rô của bà già đem vô cho, cả khu Tư này đều biết. Gia đình địa chủ là không ổn rồi. Không biết ổng có "ém" thành phần trong chỉnh huấn không? Bây giờ nếu lời ra tiếng vào thì cấp trên nghe thấy! Mày nên biết ông Tư Lệnh Ba Xu của mình là gốc "thầy xu" được coi như lớp nghèo thành thị. Ổng mà hay được ông trưởng phòng chính trị là thành phần địa chủ, lại nhận tiền thu mua lúa ruộng bỏ vô xắc-cốt để tiêu dùng trong cuộc chiến đấu chống Mỹ do giai cấp vô sản lãnh đạo thì rất là không đúng. Vậy nên ổng cần phải đấm mõm em út đồng thời để phi tang số bạc kia, hà hà... Tao khều đúng lúc nên ổng xùy ra ngay. Ổng đã ký rất nhiều hoá đơn ba trợn của tao trong kỳ thằng cha giáo sư Liên Xô. Kỳ này nếu thành công, ổng sẽ lên chưn với cấp trên. Các thứ luật liên quan mâu thuẩn đều thể hiện cả trong đường lối móc hồ bao của tao.

- Tao phục mày luôn.

- Nè, cô Bảy dũng sĩ mày coi có được không? Nếu chưa ưng thì tao giới thiệu một em khác cũng dũng sĩ cỡ cô Bảy. Đó là Ba Cầm ở xã Trung Hưng hiện đang đào đất trong tổ của Út Nhở. Cô ta có một đứa em gái tên là Lan nằm trong ban công tác của tao. Tao "cấy" ngoài Đồng Dù! - Tư Linh hạ giọng - Ở trên cần rủ rê một tên Mỹ về với mình. Cho nên tao mới xài Mỹ Nhân kế. Tụi Mỹ dư tiền nhưng thiếu gái, dại gái. Đưa thứ đó vô là nó hít thôi.

- Để làm quái gì. Bắt được một thằng, nó bỏ bom, nó nhảy dù tìm kiếm hỏng nát cơ sở hết.

- Ậy, kế hoạch ở trên mình phải thi hành. Thằng nhà báo này nó đòi quay phim tù binh. Mình lo quá cỡ nhưng sự thực năm nay có bắt được tên "mẽo" nào đâu. Mày có ý kiến gì giúp tao chút!

Tôi cười:

- Nếu mày muốn pháo kích Đồng Dù, Trung Hoà hay Bến Cát thì tao sẵn sàng, chớ còn cái mục binh vận của mày tao bù trất.

Cô Là đem ra để trên bàn hai chiếc hộp lon rồi trở vào. Tư Linh bảo:

- Thuốc tiên đấy ông bạn.

- Là cái gì?

- Một hộp là nước vôi, một hộp là nước chanh.

- Để làm gì ba cái đó?

- Trị ghẻ xốn!

- Ghẻ xốn là ghẻ gì?

- Nay mai mày sẽ biết! - Tư Linh cởi áo ra đưa lưng đưa ngực cho tôi xem - Mày thấy những vết sẹo thâm đen đó không? Đó là thành tích tao đánh giặc ghẻ xốn.

- Tao chỉ nghe nói ghẻ hờm chớ chưa nghe nói ghẻ xốn bao giờ.

- Ghẻ xốn là đặc sản của địa đạo Củ Chi. Mày chui xuống vài lần rồi sẽ lập thành tích cỡ tao vậy. Nó ngứa ngáy, nhức nhối và chảy nước vàng khó chịu lắm. Nên mỗi lần xuống địa đạo xong trở lên phải phết một lượt nước chanh khắp người, chờ cho nó rút khô rồi phết tiếp nước vôi. Chịp! - Tư Linh kề miệng sát tai tôi- Tội nghiệp mấy đứa con gái. Tụi nó kêu trời dữ lắm. Ghẻ xốn lại ác, toàn mọc ở những nơi hiểm hóc. Con gái Củ Chi này hễ đứa nào chui xuống địa đạo vài lần thì kể như mình mẫy giống lươn bông hết! Đó là lý do cô xã đội phó nín ở nhà.

- Chết chưa!

- Bởi vậy nếu có lấy vợ Củ Chi, khi ấy... đừng có để đèn. Hấc hấc...hấc.

Tư Linh nâng vạt áo lên xỏ ngón tay trỏ thọc vào mũi ngoáy ngoáy rồi đưa cho tôi coi và cười há há:

- Mày coi lỗ mũi tao có như hai ống khói tàu chưa?

- Sao đen ngòm vậy?

- Khi đào vô sâu thì phải dùng đèn. Nếu không, thấy đường đâu mà cuốc? Được đèn cầy thì còn đỡ đỡ, không có đèn cầy, đốt đèn dầu thì cái mũi mày như thế này này - Tư Linh móc viết vẽ trên bao thuốc lá cắt nghĩa - Lòng hầm cao từ tám tới chín tấc, ngồi gần đụng nóc hầm. Nóc hầm hình chóp nón để tránh đất sụp.

- Bề ngang bao nhiêu?

- Bốn tấc là rộng. Nghĩa là muốn qua mặt nhau phải chen vất vả mới lọt.

- Vậy nếu ông muốn qua mặt bà thì làm sao?

- Thì bà phải ngồi nép vào vách cho ông bò qua. Thế này này... Bởi vậy nên mới có vấn đề.

Tôi nghe trong ký ức bật lên chuyện cũ. Tôi hỏi:

- Mày có đi dự đại hội anh hùng Quân Đội ở Câu lạc bộ Quân Nhân Hà Nội hồi 1955 không?

- Chi vậy?

- Để tao nhắc mày nhớ bản báo cao của anh hùng Nguyễn Văn Song dân khu 7 mình.

Tư Linh xì một tiếng rồi nói:

- Tao có đọc trên báo. Mày muốn nhắc cái đoạn ông anh hùng "đào cả cây số địa đạo bằng chiếc lưỡi hái cùng" chớ gì? Tới chết tao còn chưa quên.

- Mỗi lần tao nhớ tới đó, tao cười thầm. Chỉ qua một đêm đào móc. Tao đã thấy thực tế trâu bò và người ngợm "xuống địa đạo" như thế nào rồi. Trâu bò thì chắc bằng con bọ hung, còn người thì bằng chàng nhái.

- Còn dũng sĩ thì nghe lệnh đào địa đạo trốn sạch trơn!

Tôi sực nhớ đến Tư Gừng bèn hỏi Linh. Tư Linh rỉ tai tôi:

- Cô nàng mang "bị" nên "bị" gởi trả về. Tội nghiệp con nhỏ buồn rầu rồi trốn mất tiêu. Vụ đó cả huyện này biết nhưng không ai dám nói ra. Vì cổ là gạc-đờ-co của bà Phó Tư Lệnh. Chẳng lẽ bả lại làm ra dũng sĩ con? Những kẻ đến họp hành với bả là những tên râu rìa mặt mốc nào. Đám cá kèo đâu có tới gần bả được. Cho nên bây giờ ai sửa soạn đi R cũng bị chế diễu! Tội cho cái chữ R trong vần quốc ngữ của ta. Rờ là gì? Rừng rú, rét ru, rầu rĩ râu ria ra rậm rạp, rờ râu râu rụng, rờ rún rún rung rinh hay là rờ......?

Tư Linh cười bảo tôi:

- Mày nhớ mang "chứng minh thư" theo mình luôn luôn nhé é hé...é! Nhớ chưa! Có khi đắc dụng đấy!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx