sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 12

Dịp may hiếm có! Mại dô! Triều đình phong kiến tái sinh trong cục R! Xem chơi không tốn tiền! Nhờ cái dịp may này mà tôi được đi vào tận sào huyệt của cái gọi là hang Pắc Pó của Bộ chỉ huy Giải phóng Miền Nôm, một tổ chức gồm toàn Tướng Bê Ka chỉ huy, còn dân Nam Kỳ thì chỉ hỗ trợ giúp vui. Thực quyền nằm trong tay đám tướng Bắc Kỳ. Tiếng rằng Trần Văn Chè là tư lệnh quân giải phóng nhưng hắn bị hai tên Bê Ka Trần Độ và Lê Trọng Tấn cặp sát sườn không nhúc nhích được. Nên nhớ rằng bọn Hồ Cáo không bao giờ tin dân Nam Kỳ. Khi cần bộ ngực chịu chơi của dân Nam Kỳ thì họ Hồ trương ra nào là "Thành Đồng Thành Đá", nào là "Anh dũng đi trước về sau", nào là "Nam Bộ ở trong tim tôi"v.v...nhưng trên thực tế thì Hồ ta sợ dân Nam Kỳ trở cờ. Mà dân Nam Kỳ trở cờ thì hỏng to: Mất miếng thịt nạc chúng nó thèm thuồng mấy chục năm chưa ngoạm được. Thứ nữa, dân Nam Kỳ mà trở cờ thì dân Bắc và Trung Kỳ cũng quay mũi dáo đâm hông Bác. Cho nên dân Nam Kỳ trước sao sau vậy vẫn bị dân Bắc Kỳ cai trị mút mùa. Bây giờ sáng con mắt rồi. Nhưng đã muộn: Nền thống trị Bắc Kỳ đã thiết lập ở toàn cõi Nam Kỳ!

Sau khi hướng dẫn đoàn DKZ bắn thử ở Bổ Túc, tôi bất ngờ bị ông Trưởng Phòng Chính Trị U80 (tức là Bộ Tư Lệnh Pháo Binh R) xuống tận trường xách cổ lên R dự lễ mừng công pháo kích sân bay Biên Hòa.

Số là 30-10-1964 Tiểu đoàn trưởng Huỳnh Thanh Đồng đem pháo 40 ly Nhựt, Sơn pháo 75 và DKZ làm được một cú. Nhưng sau khi pháo xong, thì cả Tiểu đoàn đi đâu mất biệt không về được U80. Trong lúc đó thì Mặt trận Giải Phóng đã được thành lập được bốn năm mà không có mần ăn ra trò trống gì ngoài mấy cái khẩu hiệu rổng 3/4 và 4/5 trên đài Giải phóng, nên người ta dùng vụ pháo kích này để rêu rao. Nhất là lấy le với đám trí thức u mê ở Sàigòn mới được khiêng bằng võng cói ra khu giải phóng. Chốc nữa tôi sẽ điểm mặt từng tên cho độc giả xem chơi. Bầu cua cá cọp có đủ, âm binh ma quỷ không thiếu mặt nào.

Nhưng cái đơn vị lập "chiến công" kia đã không có một mống về được cho nên ở trên phải thộp cổ những tên ở nhà ấn vào những vị trí vinh quang đó. Cộng sản làm như thế là chuyện thường. Chúng có thể dựng một tên tù có án hiếp dâm con nít lên thành chủ tịch Mặt Trận thì ba cái tên anh hùng cóc nhái này nặn ra có khó gì.

Ngoài ra cũng còn một tiêu chuẩn khác là mặt mũi bọn này phải coi cho được, không có vẻ lâu la rừng rú hoặc bần cố hỉ lộ liễu (đế chinh phục tụi Sàigòn mà!). Ngó đi ngó lại thì chỉ có Lôi này thôi. Lôi được giao nhiệm vụ hết sức thiêng liêng là Đại diện cho Đoàn Pháo binh giải phóng 69 nhận huân chương quân công hạng ba của Hà Nội! (có tréo cẳng ngỗng chưa?)và phát biểu ý kiến luôn trước quan khách.

Trung tá Ba Hải, trưởng phòng chính trị U8O chịu trách nhiệm dắt đoàn "Anh hùng pháo binh" chúng tôi là một tên Huế Nghệ, tiếng nói nặng chình chích. Hắn bảo tôi:

- Công việc cấp bách lắm! Cậu vừa đi vừa viết cái diễn văn nghe.

Tôi phân bua.

- Tôi có biết gì về trận đánh đâu mà diễn văn, đồng chí!

- Đại khái là "vì nhân dân quên mình, quyết tâm giải phóng Miền Nam, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng?" Cứ thế mà làm không sợ trật.

Tôi cười cắt ngang.

- Đánh bại chớ sao lại đánh thắng?

Ba Hải bực mình gắt.

- Ừ, thì đánh thắng đánh bại gì cũng được. Cậu có văn hóa khá, cậu cứ mần đi.

Thế là đi. Dọc đường, Ba Hải còn ghé lại đoàn 69 để bắt thêm hai ông trợ lý Tham Mưu và Chính Trị nữa ghép vào cho thành đoàn "Anh hùng pháo kích" đi nhận huân chương. Đó là Tám Tiến và Thu Mai. Tám Tiến là dân Bạc Liêu có vợ ở Rạch Bà Đặng gần chợ Thái Bình (nằm trên ven sông Trèm Trèm). Còn Thu Mai là dân Eo nhưng không hiểu tại sao lại lọt vô trong này. Anh chàng lại không thích ai nhắc gốc Eo của y.

Đi một quảng đường tôi đã làm quen và chọc ông bạn Eo.

- Sao anh lấy tên kỳ vậy?

- Chịp! Ở trong đơn vị có một ông tên "Thu"‘ nữa. Ông ấy là dân Mùa Đông nên để phân biệt, anh em gọi ổng là Thu Đông còn tôi là Thu Mai. Rồi anh em nói lái là Thai Mu...

Tôi cười nói

- Nấu một nồi chè đi rồi tôi đề nghị ông Ba Hải đổi tên luôn trong chuyến đi này.

Tám Tiến thiệt tình:

- Ổng đổi rồi đó chớ!

- Đổi ra gì?

Tám Tiến nói một cách nghiêm chỉnh.- Mai Thu!

Cả ba cùng cười.

- Mai Thu là Mu Thai thì cũng như Thay Mu có khác gì!

Thu Mai cũng cười theo nhưng còn phụ họa:

- Tôi không théc méc gì, nhưng thực ra có mu đâu mà thay!

- Tại vì mình là những tên ăn trộm nên mới phải thay tên đổi họ, chứ nếu đàng hoàng thì mắc gì phải thay?

Ba Hải nói một câu rất thất chánh trị. Có lẽ ông nhận thấy điều đó nên nói lướt.

- Thôi, mình cởi tuột quần dài rồi lội suối đến trạm 66 sẽ tròng vào cho đúng lễ nghi!

Tôi hỏi:

- Trạm 66 nào?

Ba Hải giọng tức bực.

- Muốn vào R của các chả, phải qua cái trạm ôn dịch này. Nó xét còn ngặt hơn trạm 66 đường Lý Nam Đế và Phan Đình Phùng ở Hà Nội. Do đó tụi này gọi là trạm 66 chứ thực ra nó chẳng có tên.

- Vậy nữa!

- Chớ sao! Sắp tới Tà Bon, các đồng chí sẽ thấy tụi vệ binh mặt rằn ra chận đường và vạch kẽ từng kẹt của mình ra cho mà coi.

- Nghe đồng chí nói, tôi giật mình. Tôi đã đến trạm 66 Bộ Tổng một lần trước khi về Nam. Các ổng bảo cho tôi đi tàu lặn về Bến Tre hoặc Trà Vinh rồi đổ bộ lên bờ biển. Sau đó lội về R chỉ mất vài tuần lễ. Nhưng nằm chờ đến ngày cuối cùng các ổng lại bảo đường dây bị đứt nên tôi phải cuốc bộ. Không được bồi dưỡng như các ông bà đi Nam.

- Bồi bao nhiêu rồi vô đây cũng tiêu hết thôi.

Đây là Phum Tà Dath cửa ngỏ trạm 66 - cách Kà Tum nằm trên đường đá đỏ TL4 về hướng đông bắc khoảng năm cây số đường chim bay.

Từ trạm 66 phải lội qua một bàu nước tới gối khoảng ba cây số chếch về hướng Tây Bắc mới đụng nhánh suối Tà Bon, từ Suối Mây chảy lên. Suối Mây chảy qua quốc lộ 22 có cầu gọi là cầu Cần Đăng. Cái hang Pắc pó của lũ chồn Bắc Kỳ nằm dựa lưng vào biên giới Miên dọc theo ngọn suối Ta Bon có đường đá đỏ chạy dọc theo biên giới phía Nam, cách đồn điền cao su Minot khoảng mười cây số đường chim bay về phía Bắc. Lũ trộm cướp bao giờ cũng tính đường thoát thân cho nên xây nhà cửa ở đây. Nếu nghe hơi hám gì lạ thì chúng vọt qua ngay đất Miên bất chấp Công Pháp Quốc Tế.

Rừng cây cổ thụ bạt ngàn. Đất nước ta thật vô cùng hùng vĩ và giàu có nhưng cả bọn tham nhũng xanh lẫn tham ô đỏ tàn hại sạch sành sanh.

Khi đi qua lộ ủi Trần Lệ Xuân, Ba Hải trỏ tay và bảo:

- Con lộ đất đỏ này mới làm xong để cho mụ Lệ Xuân khai thác gỗ vùng này. Các ông thấy cây cối không? Ở đồng bằng mình mấy nhà giàu cất nhà phông tô nền đúc thì phải mua loại cây đó. Nó gọi là gõ (ngoài Bắc gọi là gụ) cam xe, cà chất để làm cột. Nó chắc như sắt không mọt mối nào ăn nổi. Mỗi một cây cột giá cả chục ngàn đồng. Vậy nên mụ Lệ Xuân cho làm con đường này để đốn cây về bán.

Bỗng Tám Tiến kêu to:

- Cái gì nghe ù ù như phản lực vậy?

- Cái gì đâu?

Cả đám đứng nép vào gốc cây, ngước cổ nhìn. Chẳng thấy phản lực gì cả.

Ba Hải kêu lên:

- Mòng voi! Đậy tai bịt mắt lại.

Bọn này không hiểu gì ráo. Ba Hải quát lần nữa. Nhưng muộn rồi. Một đàn mòng đen như một vết khói đáp tới. Cả bọn bị đánh la ơi ới. Đứa ôm đầu chạy, đứa gục vào gốc cây phủi lia lịa. Chập sau, đàn mòng tản đi hết. Kiểm điểm lại, không có đứa nào bị thương. Ba Hải cười hú vía:

- Đám mòng voi này dữ lắm. Nó gặp người là xông tới chui vào lỗ tai, lỗ mũi, miệng mắt, chỗ nào có lỗ thì nó chui cắn bất kể. Còn đáng sợ hơn vắt Trường Sơn nữa.

Thu Mai cười khẹc khẹc:

- Thì ra nó thích lỗ! Kể ra chúng nó cũng không.

Tôi nói:

- Có lẽ nó theo trâu ở dưới đồng bằng lên đây rồi sinh sản thêm.

Tám Tiến phản đối:

- Nếu vậy thì kêu là mòng trâu sao gọi là mòng voi?

Ba Hải giải thích theo tuồng bụng:

- Nó lên đây hút máu voi nên mới to con vậy đó. Đây mấy ông coi. Voi con nào con nấy cao hơn hai thước. Tôi đã từng thấy cả bầy trăm con chạy rung rinh cả mặt đất.

Tôi hỏi:

- Sao anh biết nó cao hơn hai thước tây?

- Đây kìa, các ông xem bùn dính trên thân cây. Đó là dấu voi cạ chớ ai móc bùn trét lên đó làm gì. Còn muỗi nữa. Muỗi vùng này cũng to con. Tụi này đặt là muỗi voi.

- Chắc muỗi này cũng ở dưới đồng bằng theo bà Lệ Xuân lên đây. Vậy đổi tên là muỗi Lệ Xuân.

- Cái con mẹ đó nghe nói đẹp lắm sao ta?

- Ai có gặp đâu mà biết!

- Xấu đẹp gì cũng dzậy thôi, Mỹ nó quơ hết rồi!

- Bữa nào mình ra lộ ủi phục kích bắt mụ ta về lớp làm tái, lớp xào ròn xơi một bữa cho thoả mãn dân cày.

Xế chiều chúng tôi đến trạm 66 Bộ Tổng R còn phải qua một lộ trình gồm có ba tiếng đồng hồ lội nước quá đầu gối hoặc tới bụng mới tới nơi. Tôi vụt hỏi Ba Hải:

- Các chả ở thế này không sợ đổ chụp sao anh Ba?

- Gì mà sợ?

- Trống trơn, không có hầm hố, công sự chiến đấu gì ráo.

- Cậu nói phải đó. Nhưng mấy chả đâu có dại. Bốn hướng đều có canh gác và báo tin bằng điện thoại. Trên ngọn cây có những chuồng cu ngó xa cả chục cây số.

- Theo kiểu "sân trông" thời đầu kháng chiến chống Pháp hả?

- Cũng vậy thôi, nhưng hồi đó canh giặc đi bộ còn bây giờ canh giặc đi máy bay. Hồi đó ngó bằng mắt trần bây giờ ngó bằng ống dòm. Ngoài ra còn có một điếm canh ở sườn núi Bà Đen, cậu hiểu không? Tụi nó đóng đồn trên chót núi chớ từ nửa lừng trở xuống đâu có chiếm được gì. Mình nằm ở đó, xe chạy dưới tỉnh lộ mấy chiếc loại gì biết hết ráo. Hễ có xe nhà binh di chuyển hàng đàn trên tỉnh lộ 4 hướng về Phú Khương thì chúng nó báo về. Từ thị xã đến Phú Khương cũng mất một tiếng. Các chả cứ thong thả nhảy qua biên giới vuốt râu, ai làm gì ai?

Tôi nói:

-Nhưng căn cứ này không chắc bằng chiến khu Giồng Dinh của Nguyễn Bình thời kháng chiến chống Pháp. Giồng Dinh bao quanh là nước với bùn, sau lưng cũng dựa vào biên giới Miên, nhưng thời đó Pháp không có trực thăng và B52.

- Ối, chuyện đó là chuyện số mạng thôi, làm sao mình chống được mà lo!

Dứt lời, Ba Hải chỉ cái nhà nhỏ trước mặt bảo:

- Các cậu vô đó nghỉ ngơi hút thuốc ăn trầu gì tùy ý, tôi vô báo cáo với văn phòng thường trực của trạm 66.

Tôi ngó quanh. Cỏ rác đã dọn sạch trơn như ở vườn Bách Thảo. Tôi buông ba-lô ngồi lên giường bện bằng thân cây không róc vỏ và buộc bằng dây mây còn tươi. Điều đó chứng tỏ rằng mấy cái giường này mới được dựng lên để tiếp khách đến dự đại hội mừng công đoàn Pháo Binh 69.

Một cậu thanh niên mặt non choẹt xanh như lá, từ phía sau ló đầu ra hỏi như gắt:

- Các anh về dự lễ chiến thắng Biên Hoà hả?

Thu Mai chỉ gật. Sự có mặt của chúng tôi làm đứt đoạn ván bài tú lơ khơ của họ, nên họ không niềm nở mặc dù họ biết rằng chúng tôi là những người quan trọng (vào đây phải từ đại úy trở lên). Tôi định lấy chai thuốc rượu ngâm bao tử nhím của thằng Cử cho hôm trước ra bóp chân thì Tám Tiến đưa cho tôi chai dầu Nhị Thiên Đường có nút vặn màu đen (không phải nút bằng mốp dễ gãy vỡ hồi thuở nhỏ tôi thường thấy bà ngoại tôi lấy móc tai cạy ra).

Thấy tôi không dám thoa chân, Tám Tiến bảo:

- Mày cứ xài tưới đi, tao còn thiếu gì. Vợ tao lên kỳ rồi đem cho tao mấy lố.

- Sang vậy à?

- Ở quê tao bây giờ bà con giàu lắm. Mày biết Rạch Bà Đặng ở gần chợ Thái Bình mà Lôi!

- Chợ này có tiệm hủ tiếu chú Xồi, có bàn ping pong, có con xẩm lai rất xinh.

- Rạch Bà Đặng, vợ tao nói bây giờ nhà cửa chẳng thua thị xã chút nào. Ai cũng sắm được đuôi tôm, radio nghe vọng cổ tối ngày sáng đêm. Vài ba nhà hùn tiền lại mua máy cày làm ruộng. Mọi người đều lên trung nông cả rồi. Xứ Bắc Kỳ ở đó mà đấu đá!! Vợ tao nói người đi xuồng dưới rạch ngó lên cũng biết là dân giàu quá cỡ. Quần áo phơi ngoài sân phất phới lãnh mỹ-a, lụa là xanh đỏ chớ đâu có như ngoài Bắc váy vá chằn vá đụp nhuộm củ nâu dày mo. Tội nghiệp đồng bào mình ngoài đó vô cùng.

Tôi quát:

- Nè, "kéo con rít" cái miệng lại nghe cha!

- Kéo con mẹ gì, ai lấy thúng úp voi được mà lo! Một trăm thằng kéo chỉ một thằng không là đổ bể ra tùm lum rồi.

Ba Hải trở lại bảo:

- Được rồi. Ở trong đó vừa điện ra xác nhận năm anh hùng của đoàn 69 đến dự lễ.

- Năm ông anh hùng nào?

Ba Hải trừng tôi:

- Chậc, khổ quá! Vô trong đó đừng có hỏi kiểu trật bàn đạp đó nữa nghe cha!

Tôi bị trừng nhưng còn ráng hỏi:

- Ở đây có điện thoại à? (Ba Hải lại trừng)

Chúng tôi đến phòng thường trực. Vừa đút đầu vô thì nghe chuông điện thoại reo. Một cậu mặc áo thung ba lỗ bốc máy:

- Alô... dạ. Em cho vô liền. Dạ... vô ngay cho kịp cơm chiều - (Anh này tên là Tám Nghĩa)

Tám Nghĩa vừa gác máy quay lại chúng tôi:

- Ở trỏng đang chờ. Vô đó có ưu điểm. Vật heo vật bò mấy ngày nay. Bệ hạ xuống chiếu cho thần dân ăn nhậu ba ngày ba đêm.

- Lễ lớn dữ vậy sao?

- Cả ngàn người lận. Có văn công. Có tụi Sàigòn vô đông lắm.

Chúng tôi lại đi tiếp. Băng qua một cái hồ nước cạn, lội theo ven bờ có mọc những cây vông đồng đỏ ối. Những con cò con diệc trông thấy người cất cánh bay sập sận, giống như ở Tháp Mười. Cảnh tượng làm tôi nhớ nhà nhớ đồng bằng đứt ruột đứt gan.

Tám Tiến vẫn chưa chịu dứt mạch câu chuyện Rạch Bà Đặng. Anh ta tiếp:

- Tôi trông riết chiến tranh kết thúc để về nhà ăn một món. Biết món gì không?

- Món dây lưng rút!

- Món đó xơi rồi.

- Xơi từ hồi còn ở ngoài Thanh Hoá Cống Bàn Thạch hả?

- Thứ dây đó thì ngon thiệt, nhưng ăn một miếng rơi một sao, ăn hai miếng rơi hai sao, ăn ba miếng đi tù! Tôi về được nhà là bảo vợ tôi nấu một nồi khoai lang Dương Ngọc ăn với mắm lóc. Một tay cầm củ khoai, một tay cầm con mắm, cắn bên này một miếng, cắn bên kia một miếng, ăn hết nồi khoai và hủ mắm mới đã. Xong rồi biết hút thuốc gì không?

- Thuốc Craven A.

- Bậy nào! Thuốc "xiêm mẵn" ở Vĩnh Long. Mà phải vấn với giấy quyến.

- Thằng cha này nhớ những thứ ác ôn không he.

Thu Mai xen vào hỏi:

- Thuốc xiêm "mẽn" là thuốc gì?

- Là thuốc xiêm mẵn chớ thuốc gì là thuốc xiêm "mẽn" cha?

- Nó ra làm sao chớ?

- Nó vàng ngậy sợi nhỏ rứt, hút thơm khói và đằm lắm chớ không gắt như thuốc Gò Vấp và hỗn như thuốc "Nào"! Đấy, còn théc méc nữa thôi en hổng en tét đèn đi ngủ

Cả bọn cười vang rừng. Tôi thấy tri âm với anh chàng quê Rạch Bà Đặng nên lại gợi mạch chuyện:

- Quê anh ở Bà Đặng à?

- Không, ở Vĩnh Long. Tôi là lính 307 mà. Hồi ở Miền Trung xuống Miền Tây tôi ghé lại đây rồi mắc gốc luôn gỡ không ra, chớ không phải dân Rạch Bà Đặng.

- Vậy cha có đánh trận thứ ba chớ!

- Có! Hồi đó ông ở đâu?

- Tôi vừa ra Lục Quân Trần Quốc Tuấn, thực tập ở đại đội địa phương Bạc Liêu của Lê Quốc Sĩ.

- Vậy hả? Lê Quốc Sĩ là em Lê Quốc Sủng đại đội trưởng tiểu đoàn 402 Trung đoàn Tây Đô, em của Lê Quốc Sản trung đoàn trưởng Trung đoàn Hải Ngoại. Ông Sản có vợ là bà Minh chuyên môn mặc đồ Tây và cầm súng ra trận với chồng như lính.

Đang đi bỗng Tám Tiến dừng lại rỉ tai tôi:

- Ổng về làm Tư Lịnh I/2 nghe nói cum rồi.

- Thiệt hả? Tôi có nghe đồn nhưng không biết có thật không?

- Bị xe lội nước rượt chạy không thoát.

- Chịp! Trận thứ ba ác quá. Đại đội 932 của ông Sĩ đánh chung với tiểu đoàn 307 tôi. Hoả lực yếu nhưng sợ mất mặt nên cố xung phong cho kịp tụi này. Ác cái nữa là đụng tụi BMEO. Cánh mình chết trăm rưỡi chẳn. Chưa bao giờ tụi này chết nhiều như thế. Một trăm năm chục cái mả ở Vàm Cái Nước ai đi qua nhìn thấy cũng rớt nước mắt. Dân Miền Trung tôi bỏ xác khắp Miền Tây. Trận Bảy Ngàn Ô Môn, trận đánh đồn thứ ba, trận đánh Ba Gà Mổ trên đường Cà Mau, Bạc Liêu, trận phục kích trên đường Tác Vân Cà Mau.

- Còn Huỳnh Thanh Đồng ở đâu?

- Cùng quê với Bùi Khanh! Cái thằng cha không biết mắc cỡ.

- Sao vậy?

- Hôm hai đứa đi Tà Păng móc vợ. Tôi thấy vợ tôi thì chỉ ngoắc thôi, còn Đồng thì nhào tới. Cây đòn dài dưới đò vừa phóng lên bờ là ổng chạy xuống đò ôm lấy bà vợ ẵm lên luôn. Bả mắc cỡ dãy dụa suýt chút nữa hai người văng luôn xuống sông Vàm Cỏ.

- Mười năm xa cách nhớ quá mà, chịu hổng nổi nên mới làm vậy... Đó, bây giờ nó đi pháo kích sân bay Biên Hoà cả tháng chưa về tới. Sống chết ai biết? Mà mình đi lãnh huân chương và đọc diễn văn, khoe chiến công nghe vỗ tay.

Ba Hải chỉnh ngay:

- Đó là sự phân công của cách mạng chớ phải mình muốn mà được đâu!

Chẳng bao lâu chúng tôi tới khu hội trường và nhà khách. Hội trường rộng lớn nóc ba tầng, cột to thằng không bào láng nhưng rất suông, cây cột vỏ trơn tru. Nóc lợp bằng lá trung quân ghép lại rất đều như vảy cá màu nâu xa trông như ngói cũ. Bên trong có những dãy băng đóng bằng gỗ xẻ không bào. Sân khấu rất lớn. Hội trường có thể chứa cả ngàn người. Chỉ có một tầng nhưng rộng không kém rạp chiếu bóng Tháng 8 là rạp lớn nhất Hà Nội.

Người liên lạc trỏ dãy nhà có gần cả chục cái, bảo Ba Hải:

- Đồng chí muốn chọn cái nào thì chọn. Khách chưa có ai đến cả. Để tôi đi báo ban tiếp tân.

Ba Hải dắt bọn tôi đến cái nhà cuối cùng gần giếng nước. Vách nhà làm bằng phên nứa đập dập kẹp rất kỹ. Bên trong cũng vách nứa, nhưng hổng chân, ngăn ra thành phòng, mỗi phòng có một cái giường và kệ để đồ lặt vặt. Chung quanh nhà sạch láng như khu khách sạn ở bờ biển Sầm Sơn. Một công trình như thế mất bao nhiêu nhân công? Và bao nhiêu người đã bị cây đè chết hoặc gãy tay gãy chân? Sở dĩ tôi tự hỏi như thế là vì dọc đường Trường Sơn tôi đã từng gặp những đội công binh Nam Kỳ mở đường bằng bộc phá bị nổ tan xác và bị thương cụt tay cụt chân rất nhiều. Kể ra ăn cướp cũng gian nan chứ không phải dễ như người ta tưởng.

Chúng tôi rất thích nằm giường, bởi cái lưng cong ôm sát võng đã lâu quá rồi, nhờ mấy tháng ở trường được nằm giường, cái lưng đã ngay trở lại, bây giờ lại gặp giường này thì thiệt là đúng mốt.

Ba Hải chiếm một cái gần tôi. Hai đứa vừa rút thuốc ra hút vừa tán chuyện khào. Ba Hải nói:

- Giường này có bà xã thì đóng thuế nông nghiệp mới thoải mái.

- Ông có rước bả vô được đâu mà đóng?

- Tình trạng của tôi giống như các cậu hồi ở ngoài Bắc.

- Hồi ở ngoài Bắc thì cũng như về đây chớ có khác gì.

- Kiếm chưa được mối nào à?

- Chưa!

- Tôi coi bộ ông Tư râu quặp khoái cậu lắm đó.

- Sao anh biết?

- Vừa rồi Sáu Ngọc lên lãnh lương trên "U", gặp tôi y có thuật lại việc ổng uống rượu thuốc với cậu. Nội trong "U" mình có ai được ổng mời như vậy đâu!

Tôi cười:

- Đó chẳng qua là ổng đền ơn cho tôi đã đem tin ngoài Hà Nội về cho ổng. Hơn nữa tôi có giúp ý kiến cho cấp ủy giải quyết vấn đề của ổng một cách ổn thoả.

- Vấn đề gì?

- Anh không biết à? Không biết thì thôi, tôi không nên nói.

- Không nói tôi cũng đoán ra! Thì cũng loanh quanh hai cái "ô" đó thôi. Chắc ổng muốn bắt ông làm rể đó!

- Bộ ổng cho tôi làm bạn cột chèo với ông cán bộ cải cách điền địa à?

- Cậu lo gì. Lập trường của ổng có " rư " để bao trùm cho sinh mạng chính trị của cậu. Nếu thằng nhóc con nào có bà con trong ngụy quyền thì kể như hết ngóc đầu lên. Như thằng Chung Tấn Quyền vậy. Người ta nghi nó là cháu của Chung Tấn Cang. Mãi tới năm nay mới được về Nam nhưng không được thăng cấp.

Tôi cười:

- Nếu tôi có bà con hoặc em út đi lính Sàigòn thì có được làm anh hùng thay mặt đoàn 69 được không?

- Cái đó tôi không quyết định được!

Vừa đến đây thì có một người đàn ông mặc đồ bà ba lụa đen bước vào tự xưng là người trong Cục Tuyên Huấn và bàn công tác với Ba Hải:

- Tôi ra đây đưa cảm tưởng cho đoàn 69. Đồng chí nào đại diện pháo binh đâu?

Ba Hải trỏ tôi. Ông "Tu Hú" (tiếng gọi mỉa mai Tuyên Huấn) nhìn tôi rồi nói ngay:

- Đây là bài của đồng chí. Nên học thuộc lòng đi. Để ngày mai lên sân khấu khỏi bị khớp.

Ba Hải nói:

- Cậu này là giảng viên trường pháo Bộ Tổng ở Sơn Tây đó ông nội. Học trò của cậu từ trung úy lên tới đại tá đó. Ông Chánh ủy U80 từng bị cẩu khỏ đầu... già.

- Thế à? Tốt lắm nhưng dù sao cũng phải đọc đi đọc lại cho làu để đọc không vấp.

Tôi nói:

- Dạ ở trên "U" đã chuẩn bị bài sẵn cho tôi rồi.

Ông Tu Hú xua tay quả quyết:

- Không được đâu. Cảm tưởng của tất cả mọi người lên sân khấu ngày mai đều là do Cục Tuyên Huấn viết cả. Việc này do ông Chín Vịnh giao cho chúng tôi làm. Như vậy mới tránh khỏi loạc choạc, ông nói gà bà nói vịt, có tụi trí thức Sàigòn nó nghe nó chê mình.

Tôi chưa hề đứng lên phát biểu cảm tưởng với ai cả, lần này được phát biểu thì đã có người viết dùm. Tôi biết cái lối đó rồi, nhưng vẫn còn ráng hỏi:

- Vậy bài của "U" bỏ hay sao đồng chí?

- Bỏ, bỏ hết! Đến nổi mấy ông kỷ sư, bà bác sĩ gì gì, ông nhà sư nhà văn ngày mai xin phát biểu nhưng ở trên chỉ cho một bà và một ông thôi. Nhưng cảm tưởng của họ tôi đang cầm ở đây nè. Chốc nữa tôi sẽ phát cho họ và dặn họ không được đọc thêm bớt chữ nào.

Được trớn ông Tu Hú giơ xấp pơ-luya trong tay rung lên rẹt rẹt:

- Cảm tưởng của ông Thọ tôi cũng có ở đây. Ở trên đã duyệt hết cả rồi. Chỉ cần đọc thôi. Trong mấy chục cái cảm tưởng ngày mai, chỉ có cái của đồng chí là quan trọng nhất. Chốc nữa tôi đưa đồng chí lên hội trường để thực tập.

Tôi hỏi:

- Thực tập cái gì?

- Ấy là đọc thử trước để tôi chỉ cho đồng chí chỗ nào phải lên giọng, chỗ nào phải xuống giọng, chỗ nào phải ra điệu bộ.

Tôi chợt nhớ hồi kháng chiến chống Pháp, mấy đứa con gái trong "Ban Rùm Beng" của trung đoàn 300 mỗi lần lên sân khấu đều được các anh lớn dượt trước rất tỉ mỉ. Tôi nói:

- Không sao đâu, mấy vụ đó để tôi lo.

- Tôi phải giúp đồng chí!

Thấy tôi muốn sần sượng, Ba Hải nhỏ nhẹ với ông Tu Hú:

- Đồng chí ấy đã từng lên sân khấu hồi thời kháng chiến chống Pháp đấy, vả hiện giờ là cây ăn nói thuyết trình trước đám đông mà!

Ông Tu Hú nhất định không nghe:

- Đành rằng như vậy nhưng ngày mai quan trọng lắm. Lỡ có sơ sót tôi bị khiển trách. Ngay cả ông Thọ là trí thức cỡ bự mà tôi cũng sẽ rà đi rà lại cho chắc ăn.

Đến đây ông ta nói nhỏ:

- Ngày mai có cả một ông ngang với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đấy chớ không phải chơi đâu. Lại có một điều này rất quan trọng, tôi đề nghị các đồng chí đặc biệt chú ý cho. Đó là sẽ có nhà báo Sàigòn. Thế nào họ cũng tò mò tìm đến phỏng vấn đồng chí. Vậy các đồng chí chớ nên đi lại nhiều trong khu vực khách khứa. Rủi họ hỏi nhiều việc lộ bí mất, các đồng chí không thỉnh thị kịp mà trả lời thì hại lắm. Đó là kỷ luật ở trên đặt ra chớ không phải của chúng tôi.

Ba Hải vẫn mềm mỏng:

- Vâng, chúng tôi xin tuân thủ kỷ luật ạ!

- Các đồng chí không nên cho ai biết các đồng chí là ai. Chúng tôi sẽ giới thiệu các đồng chí ở đoàn 69 vừa lập chiến công về. Rõ hết chưa nào?

- Rõ ạ!

Ba Hải nhanh nhẩu đáp như muốn chấm dứt mọi sự dặn dò. Ông Tu Hú đưa cho Ba Hải mấy tờ pơ-luya đã đánh máy rồi đi ra. Ba Hải giao cho tôi. Tôi làu bàu:

- Đọc mấy tờ này mà khó như diễn kịch.

Ba Hải làm thinh với sự kiên nhẩn: Chả kịch là gì. Nhưng anh không nói ra.

Ngó qua bên mấy ngôi nhà gần, tôi thấy lao xao những người lạ hoắc. Tôi ra đứng trước cửa ngó tìm người quen. Người thì bận bà ba đen, người chống gậy, kẻ mặc áo thầy tu đen hoặc nâu, có ông xăn quần lên tới gối ló cặp chân trắng lốp như giấy. Có ông lại đội nón cối và mang kiếng mát, có cả phụ nữ sồn sồn mặc áo xanh quần đen. Riêng một bà thì cười toe toét khoe cái miệng hô hốc như bàn nạo dựa. Tôi quay lại nói với Tám Tiến đứng sau lưng tôi:

- Ê có dân Bến Tre của Bùi Khanh nữa kìa cha!

- Phải bà Định không?

- Không đâu. Đây là tụi trí thức ngoài thành.

- Sao ông biết?

- Coi chân coi cẳng họ thì biết chớ sao.

Bà Hăng Rô chợt nghe tiếng chúng tôi bèn vẫy tay. Tôi vẫy đáp lại. Nhưng Ba Hải gắt khẽ:

- Thôi đi vô các ông con! Mới nghe ông Tu Hú dặn mà đã quên.

Tôi và Tám Tiếng quay vào. Mấy cô mấy cậu phục vụ mặt còn non choẹt bưng mâm qua lại trước nhà, có vẻ như học sinh thành mới nhập môn. Thanh niên xung phong trong rừng đâu có bộ mặt trắng trẻo và lành mạnh như vậy.

Cơm đã dọn sẵn. Ở giữa bàn có một chiếc bình bông cặm nhánh mai vàng. Ái chà! Cái thứ bông này ở ngoài Bắc tìm đỏ mắt không ra, nhưng ở rừng này đốn quăng không hết. Tôi bảo Tám Tiến:

- Bữa nay mình ăn cơm đàng hoàng như ở Phú Gia Hà Nội nghe cha!

- Bò bảy món ở Sàigòn chắc đâu cũng thế này là cùng. Cho bỏ những ngày Trường Sơn cơm thiu muối cục.

Chúng tôi ngồi vào bàn. Tôi hỏi Ba Hải:

- Ăn cơm có được nói chuyện không thủ trưởng?

- Nói nho nhỏ thôi.

Tôi bảo Tám Tiến:

- Thịt heo kho tiêu này chắc là phải do một bàn tay đẹp sáng tác đây hả ông?

- Ừ, nhưng món bò hầm này không phải do bàn tay đẹp. Vì nó chặt khúc "ninh rừ". Cục nào cục này to tổ bố. Tụi mình bốn đứa mà nó cho có ba cục làm sao chia?

- Một thằng phải chịu thiệt thòi cho ba thằng ăn nạc.

- Thằng thiệt thòi là dân Nam Kỳ.

- Bao giờ cũng vậy! Gặm xương của Trung Ương ném cho là cái chắc.

- Không biết chừng nào mình mới được về nhà ăn cơm với vợ con ngồi bàn như vầy.

Thu Mai đâm hơi không kém phần chua chát:

- Miền Nam đi trước về sau. Chừng nào toàn thể đồng bào hưởng hạnh phúc là tới mình lo gì!

Tôi gắp cục bò hầm bỏ vào chén Thu Mai:

- Thưởng ông đó. Đây là củ lẳng bò. Cạp xong rồi bò!

- Răng tôi xệu xạo hết rồi, cạp không đặng, để tôi ăn thịt bò xào măng le dễ nuốt hơn.

Chúng tôi ăn chưa xong thì một cô phục vụ mặc áo sơ-mi trắng tay phùng, quần mỹ-a láng mướt, tóc chải rẽ đường ngôi thẳng tắp như con lộ ủi Trần Lệ Xuân, chân mang dép Thái Lan đem tới một dĩa chuối. Trời đất, chuối xiêm chín vàng tươi, trái mập ú như cườm tay con nít sỗ sữa. Tám Tiến ngó theo cô em vừa đi ra khỏi nhà có vẻ đang mơ mộng. Tôi nói:

- Nè, giống con gái Thái Bình chớ hả?

- Ừ! Mình nhớ quê mình quá đi cha. Mấy đứa em gái của mình hồi tập kết cũng cỡ tuổi cô em. Bây giờ đâu còn... Phải còn tôi bắt cậu làm em rể.

- Hai mươi năm rồi, còn gì được mà còn. Không có gì bền được với thời gian! Nhất là con người. Từ ngày tôi bọc quần áo trong cái choàng tắm của ba tôi đi với ông Tô Ký và ông Trần Đình Xu tới nay đã hơn hai mươi năm mà không về nhà được. Tóc sắp trổ như lúa vôi rồi đó nhưng chưa lần nào nghe được tiếng chim bìm bịp kêu trên dòng sông nước lớn Tân Bửu của tôi. Ông nhắc đến Rạch Bà Đặng hồi nãy làm tôi ứa nước mắt.

Tám Tiến phụ họa:

- Lúa Nàng Tiên Nàng Ớt, gạo Nanh Chồn tôi ăn hồi ở nhà bây giờ còn nhớ mùi thơm. Ra Bắc chỉ nghe nói gạo Tám Thơm nhưng có được thấy mặt nó bao giờ.

- Muốn xơi món đó ông phải đi Mậu dịch Phố Huế! Cơm tấm giò chả!

- Tôi dặn vợ tôi kỳ sau có lên, đem cho tôi một hủ mắm sặc hoặc mắm rô. Mình kho ăn với măng le luộc thay bắp chuối chắc cũng được. Nhưng thiếu rau răm, rau dấp cá!

- Rau húng cây húng lủi nữa chớ!

Ba Hải và Thu Mai ngồi lột vỏ chuối xiêm nhai ngồm ngoàm trào ra cả mép. Ba Hải quệt ngang và nói:

- Quê các cậu lắm thứ này hả?

- Có mà độn vũng.

Ba Hải trợn mắt. Tám Tiến nói:

- Ông vô miệt Thái Bình quê vợ tôi mà coi. Chuối mì vừa bán vừa cho. Khóm Chắc Băng khóm Cầu Đúc ăn ba dao chớ không có gọt xây từng cái mắt đâu.

Cơm no xong nhưng không có "bò cỡi", chúng tôi đành nằm thẳng cẳng ra mà ngủ. Không biết được bao lâu thì tôi bị đập dậy:

- Này, đồng chí gì ơi!

Tôi mở choàng đôi mắt. Thì ra ông Tu Hú. Ông ta đến để tập tôi đọc diễn văn. Tôi nhất định không tập. Tôi chỉ hứa là đọc không vấp và không ra điệu bộ gì hết.

Ông Tu Hú bảo:

- Ở chỗ "quân đội nhân dân quyết tâm nhiệm vụ nào cũng hoàn thành... kẻ thù nào cũng đánh thắng" đồng chí phải giơ tay lên, để ở dưới này mọi người cùng giơ và đứng dậy. Tôi đã phổ biến cho quan khách rồi. Hai bên phải phối hợp cho ăn khớp.

- Đồng chí phổ biến cho cả người ở Sàigòn nữa à?

- Chứ sao?

- Họ nói thế nào?

- Họ đồng ý chớ còn nói thế nào nữa!

- Không khéo họ cười mình chết.

- Dám cười à? Vô đây là như vô rọ rồi, bố bảo cũng không dám cười mình.

Thế là ông Tu Hú không dượt được tôi, ông ta vừa đi vừa 1 lẩm bẩm:

- Để tôi qua bên "lán" Chánh Phủ xem họ đã học thuộc chưa. Ấy mà chết, đồng chí là đại diện đoàn pháo binh phải không&

- Bí số là đoàn 69.

- Quái nhỉ, đoàn gì không đặt lại đặt đoàn 69!

Rồi y bỏ đi thẳng.

Tôi cười thầm. Cái thằng cha Tu Hú này hóm nhỉ! Tám Tiến hỏi tôi:

- Đoàn 69, tại sao y cười?

Tôi không đáp ngay được bởi vì có ông trường phòng chính trị nằm bên cạnh.

Tối hôm sau mới cử hành buổi lễ. Hội trường giăng mắc đầy những khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng choé với hình chủ tịch Mặt Trận Nguyễn Hữu Thọ ở mặt tiền sân khấu to bằng cánh cửa. Còn nhớ sau khi thành lập MTGP, tôi có dịp ra Hà Nội, đi ngang nhà hát lớn tôi bật ngữa khi thấy hình ông ta treo ngang ảnh cụ Hồ. Quái nhỉ! thằng cha căn chú kiết nào đâu vậy? Tôi tự hỏi.

Bây giờ tôi trông thấy lão ta. Không những một mình lão mà cả bầy. Nào là Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát, Dương Quỳnh Hoa, Cao Văn Bổn, Trương Như Tảng, v.v... Cả một bọn theo đóm ăn tàn đông lúc nhúc. Lạ lùng nhất có những nhà tu áo thụng đen đeo thánh giá (Marie Joseph Hồ Huệ Bá). Một tên mặc áo nâu đội mũ ni (Thích Đôn Hậu), một lão râu le the như cỏ chết nước áo dài trắng (Phối đầu sư Phạm Văn Ngởi) và nhiều tên mặt mẹt khác cổ cao nhòng, đầu húi cua hoặc răng vều như Thủ tướng Bắc Kỳ mà tôi không nhớ tên hết nổi.

Nguyễn Hữu Thọ lên khai mạc sau bài chào cờ Mặt Trận Giải Phóng của Huỳnh Minh Siêng. Thọ kính thưa rất lễ phép. Trước nhất là thưa "Vị đại diện chánh phủ Hà Nội" rồi sau đó mới thưa các vị trong ban bầu cua của ông và quan khách.

Bài diễn văn ngắn có trang rưỡi giấy mà ông đọc vấp và ho ba bốn lần, có lẽ vì cảm động quá mức yêu cầu.

Vì là anh hùng nên đoàn chúng tôi được xếp ngồi ghế danh dự hàng đầu. Ngay sau lưng tôi là ông Sáu Vi, ngồi kế ông Sáu Vi là Trần Văn Chè, kế Chè là Độ, kế Độ là Lê Trọng Tấn v.v..... Cỡ Thượng tá, Đại tá ngồi hạng cá kèo. Còn dân Tu Hú, đài Giải phóng, báo Giải phóng, báo Nhân dân Hà Nội (có anh chàng Thép Mới cũng vô đây ăn ké lấy tên là me xừ Chín Hồng Châu) và nghệ sĩ cỡ như Ba Mực (tức là nhạc sĩ Xuân Hồng tác giá Sóc Bom Bo và Xuân chiến sĩ) thì chỉ đứng ôm gốc cột vì là dân dự thính, không phải đại biểu chính thức..

Rõ cái trò đời. Tôi bỗng dưng được làm anh hùng đeo một đóa hoa đỏ bằng cái tô trên ngực. Sáu Vi tỏ ra rất khoái tôi. Suốt buổi lễ ông ta cứ quèo tôi để hỏi chuyện. Cho nên ba ông Trà, Đô và Tán cứ nhìn tôi hoài. Có lẽ các ông ấy muốn bảo tôi: Mày là cái thằng nhãi ranh mà bỗng dưng lại được ổng chú ý vậy. Chúng tao ngồi bên cạnh ổng đây mà ổng chẳng thèm nói tới! Tôi dự lễ mà đít nhấp nhổm như ngồi bàn chông vì sợ trong số quan khách giải phóng có người biết tẩy.

Ớn hơn nữa là ông Đại tướng cũng tưởng rằng tôi là anh hùng thiệt nên cứ hỏi tôi liên tục. Tôi cực chẳng đã phải đặt chuyện để nói cho xuôi. Tôi tha hồ đẩy dóc với cả Đại tướng mà chẳng có tội tình gì. Các ông Trà, Độ và Tấn chơi ông Đại tướng một cú ác thật. Có lẽ ông Đại tướng đinh ninh rằng tôi là kẻ đã từng pháo kích sân bay Biên Hòa và nay mai Đại tướng sẽ báo cáo về Hà Nội cho bác Hồ rõ để bác vui mà sống lâu hơn.

tôi đã từng biết ba cái vụ anh hùng này hồi 1956 rồi. Hồi ở Nam Bộ tập kết ra cũng có cái trò bầu bán và gắn huy chương anh hùng quân đội. Ở Trung đoàn tôi có một anh Miên lai quê ở Sóc Trăng chẳng rõ làm thế nào mà được bác tặng cho danh hiệu anh hùng quân đội. Tên anh là Sơn Ton (bà con với Sơn Ngọc Minh?). Khi anh ta vinh quy bái tổ về đơn vị thì có cả một nhà văn đi theo để khai thác viết tiểu sử của anh ta thành sách để giáo dục quân đội. Khi làm việc, anh ta khai rất tỉ mỉ. Thì ra chẳng có cái gì đáng gọi là anh hùng hết cả. Nhà văn bèn trở về báo cáo với Tổng Cục Chính Trị. Tổng cục cho điều tra. Thì ra ban Thi đua trung đoàn vì muốn đơn vị mình có một anh hùng mà đem cả thành tích của huyện Long Phú trong chiến dịch Trung tâm công tác đắp lên cho Sơn Ton. Trách gì anh ta chẳng trở thành anh hùng? Bây giờ lỡ rồi, nếu lột huân chương của anh ta thì bất tiện và bất lợi quá nên cấp trên điều động cho anh ta đi học, rồi đi đâu mất tích luôn không thấy trở về đơn vị nữa.

Lần này tới phiên tôi làm anh hùng rơm chăng? Dù sao tôi cũng là thầy dạy cả đám pháo binh này chứ không phải là hạng cá kèo. Vã lại lệnh vua là lệnh trời nên tôi không dám cãi chứ chẳng phải tôi ham hố gì cái danh hiệu anh hùng... giả.

Sau ông Chủ tịch Mặt Trận, vài ba người nữa lên đọc cảm tưởng, rồi đến tôi. Tôi hùng dũng bước lên chào quan khách và cất giọng rất oai, không khớp như ông Tu Hú lo sợ. Vừa đọc tôi vừa liếc thấy mấy mụ sồn sồn ngó tôi lom!om. Mấy tên mặc áo nhà sư đầu bóng lưỡng thì chậm rãi gật gù. Hóa ra một đám Lỗ Trí Thâm leo cổng chùa vào đây ngã mặn. Chứ không sao lại hoan nghênh kẻ sát nhân như tôi. Cán bộ toàn thứ cao cấp của Cục Tham Mưu, Cục Hậu Cần, Cục Chính Trị ngồi như cá kèo ở cuối hội trường không có dịp ngửi hương phấn của Sè thành se lệ.

Tôi liếc thấy một cô đào hát bóng quen ở Hà Nội. Cô nàng đẹp lắm nhưng tiếc thay cái bông lài đã cặm bãi cứt trâu bây giờ vô đây không biết mần gì mà lại lọt vào hội trường này.

Tôi đọc tới đoạn quan trọng thì lên gân:

- Quân đội là con em của nhân dân, phải tận trung với nước, tận hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng! (sau này chúng tôi nghĩ là: kẻ thù nào cũng "đánh bại" chứ sao lại đánh thắng?)

Tôi biết câu này là do ông Sáu Vi sáng tác nên vừa đọc xong, tôi ngó xuống ngay ông. Ông gật gù và giơ nắm tay lên trước ngực tỏ ý hài lòng, trong lúc hội trường ào ào đứng cả lên vổ tay như sấm dậy.

Mỉa mai thay những tên đặc công đánh trận Biên Hoà sau khi nổ súng rồi bị trực thăng nhảy chụp không có đường rút lui, phải nơ ba cây DKZ 75 lủi như chuột còn kẹt lại ở sông Bé, nghe nói gần phân nửa bị trực thăng bắn chết khi vừa rút ra, còn hai khẩu DKZ rơi xuống sông không mò được. Rõ thật tức cười.

Cộng Sản là bịp. Tất cả đám xôi thịt không phân biệt gái trai già trẻ đều ngồi phải cây cọc Nguyễn Chí Thanh một cách hết sức êm ái nên tha hồ nhún nhảy và vỗ tay.

Khi tôi hoàn thành bài cảm tưởng thì các ông to bà lớn lại một phen đứng dậy vung tay đá chân hoan hô giải phóng anh hùng.

Kế đó là ông Chủ tịch Mặt Trận Nguyễn Hữu Thọ lên sân khấu tặng huân chương Quân Công Hạng Ba cho đội đặc công (gọi là Đoàn pháo 69). Tôi thay mặt đoàn oai vệ lãnh huân chương. Kế đó đến bà vợ ông bác sĩ Phùng Văn Cung trao cờ Luân Lưu (Phùng Văn Cung là tên bác sĩ thiến heo, vô rừng chích toàn gây áp xe cho bệnh nhân). Tôi lại cũng tiến ra thiếm xực luôn lá cờ rồi quay ra trình cho hội trường xem. Bà già cảm động ôm quàng lấy tôi mà hôn. Tôi nghe ớn quá trời vì bả già cóp. Tôi chỉ đáng con bả. Giá được con gái bả hôn thì đã hơn.

Hội trường lại cảm động quá xá ngán. Mấy ông phó nháy chớp lia, mấy ông phó nhòm thì quay ống kính theo tôi bấm máy chạy rè rè.

Tôi la74m liệt oai phong bước xuống sân khấu đến ngồi vào ghế của mình. Ông Đại tướng chồm lên vỗ vai tôi, gật đầu, rồi đưa tay ra cho tôi bắt:

- Cậu khá lắm! Quân đội phải thế.

Phần lễ chính thức tới đó coi như chấm dứt để bước sang phần văn nghệ do đoàn Văn Công Giải Phóng của chị Ba Thanh Loan phụ trách. Trong lúc ngồi xem, ông Đại tướng cứ hỏi chuyện tôi hoài. Ở trong rừng thiếu chất tươi, được xem mấy em văn công ỏng ẻng một đêm còn hơn uống thuốc La Vạn Linh Bổ Thận nhưng bị ông Đại tướng chiếu cố không ngừng nhưng tôi không dám chuồn đi chỗ khác.

Ông vốn là người "đi sâu đi sát" với lính nên hỏi về tổ chức của đoàn, làm sao đột nhập vào vùng tạm chiếm, vấn đề chuyên chở nòng pháo, vấn đề rút lui... Chẳng lẽ mới nhận huy chương đó, bây giờ lại nói "không biết gì". Tôi bèn bịa và trả lời xuôi rót nên ông Đại tướng tin tưởng tôi là Đoàn Phó đoàn 69 và đã tham gia trận pháo kích thật. Hoá ra mấy tên đầu bò nhỏ bịp tên đầu bò to. Tôi không ngờ chúng lại thủ đoạn với nhau như vậy. Do cái loại báo cáo tô hồng này mà cải cách ruộng đất bét nhoè ra rồi lão Hồ mới hay. Nhưng Sáu Vi không dừng lại ở những nét chung chung đó. Ông ta đi sát đáy quần chúng hơn nữa.

- Anh em ăn có no không?

- Đủ no. (Gạo mục và đói thấy mẹ. Trồng khoai sắn tự túc Mỹ đánh tan hoang hết).

- Có trộn khoai sắn không?

- Dạ không (Không trộn khoai sắn nhưng ăn khoai sắn vì không đủ cơm gạo).

- Mỗi tháng khẩu phần bao nhiêu?

- Dạ ba chục lít chẳn. ( Lắm lúc không có lít nào. Ở Cú Chi đôi khi phải đi ăn chực trong Ấp Chiến Lược hoặc trong xóm)

- Tiền thức ăn bao nhiêu, có tạm đủ không?

- Dạ, tám cắc cho sơ cấp và lính, một đồng hai cho trung cấp (Sự thực ít khi lãnh đủ).

- Không được, phải hủy bỏ ngay chế độ đó. Phải đồng cam cộng khổ mới có tình cán binh. Sinh hoạt phí có phát đều không?

- Dạ có! (Không mấy khi có)

- Anh em có thắc mắc không?

- Dạ không ạ. (Anh em chửi cha mấy thằng quản lý tham ô thôi chứ không thèm thắc mắc)

- Anh em có ra Ấp Chiến Lược mua sắm không?

- Dạ đơn vị cấm ngặt ạ! (Sự thực thì cán bộ ăn hút mê man ngoài Ấp Chiến Lược lấy vợ luôn ngoài đó

- Chế độ sinh hoạt đoàn đảng có duy trì tốt không?

- Dạ có! (Sự thực thì chỉ họp để thi hành kỷ luật các ông dâm ô ngoài ra ai cũng ớn hợp).

- Có kết nạp đoàn viên đảng viên mới không?

- Dạ có! (Sự thực thì không ai vô đoàn, còn đảng viên thì bị khai trừ nhiều hơn kết nạp).

- Anh em Miền Nam về được quê hương có phấn khởi không?

- Dạ phấn khởi lắm. (Mừng thấy cha nữa là khác! Xin vái cả mũ bác Hồ láo toét)

- Đồng chí có gia đình chưa?

- Dạ chưa! (Làm sao cưới vợ được mà có?)

Ông ngưng một chút để cho tôi coi Văn Công. Tưởng lạ gì ai dè đánh Mỹ của các Dũng sĩ Củ Chi. Nào là Bảy Nê, Bảy Mô, Út Nhỡ, Tư Gừng, Năm Cội, v.v... Đến màn "Mượn Mỹ" (tôi đã kể ở trước) tôi mắc cỡ quá chừng. Vì sự thực không có gì hết ngoài cái tổ chức gọi là "Đội Nữ" (gồm toàn nữ du kính các xã) nhảy cóc nháy nhái võ trang bằng súng trường bá đỏ đâu có làm ăn được gì. Lúc đó tôi đã chỉ huy đơn vị võ trang của quận, quân số được một Tiểu đoàn, sau đó quân số leên đến ba Tiểu đoàn lấy tên là Trung đoàn Quyết Thắng cũng do tôi chỉ huy. Đội nữ này nặng về biểu diễn hơn là chiến đấu. Nó do Tám Quang Trưởng phòng chính trị Quân khu đỡ đầu nên rất "nỗi tiếng". Chính nhiều lần tôi cho đội này đi chiến đấu chung với chúng tôi trong những trận nho nhỏ để tập luyện họ, tôi biết rất rõ họ đâu có diệt được tên Mỹ nào, thế nhưng ông "kịch tác da" Nguyễn Vũ đã đưa mấy cô này lên sân khấu như những dũng sĩ. "Mỗi cô đã diệt được năm, sáu tên Mỹ".

Ông Đại tướng thích thú cười ha hả, ông bảo mọi người ngồi quanh ông:

- Mỹ vào đông, Mỹ càng chết đông. Ta phải nắm thắt lưng chúng mà đánh.

Rồi ông lại hỏi:

- Ta lấy mấy chống một Mỹ?

Tướng Trà ứng khẩu đáp.

- Dạ một chống một ạ.

- Không! Một chống hai nó! Ta không sợ Mỹ chút nào!

Mọi người tỏ vẻ phục lăn ông Đại tướng, gật đầu hưởng ứng. Ông Đại tướng khen dồi:

- Thành đồng phải thế! Thành đồng phải thế!

Khi vở kịch "mượn Mỹ " chấm dứt ông lại hỏi tôi một loạt nữa.

- Cậu có gặp mấy nữ dũng sĩ này ở Củ Chi k!lông?

- Dạ có gặp luôn ạ.

- Có đúng như trong vở kịch không?

- Dạ đúng, nhưng vở kịch còn kém so với thực tế.

- Là thế nào?

- Dạ đội nữ anh dũng nhiều hơn. Vở kịch không diễn tả được cảnh trực thăng bắn.

- A đúng, cái đó thì khó đem lên sân khấu. Mỹ có vẻ khờ lắm phải không?

-Dạ không!

- Sao tôi nghe đài Giải Phóng nói thì tôi mường tượng đó là những thằng người làm bằng sáp hoặc bột.

- Dạ tôi chưa bắt được thằng nào nhưng máy bay của nó thì rất... ác.

Tôi không dám đẩy cây với ông Đại tướng về cái khoản "Mỹ khờ" vì tôi đã đánh với nó nhiều trận. Phải nói khi xáp chiến thì 50/50 nhưng khi ta rút lui thì nó cho trực thăng truy kích gây số thương vong gấp năm, mười lần tại trận địa.

Hết vở "Mượn Mỹ" tới vở "Gái Bán Bar hay "US go home" cũng của Văn Công Giải Phóng. Con dào hát bóng Hà Nội đóng vai gái bán bai. Lính Mỹ đến ăn nhậu và bị dán truyền đơn ngay cả trên lưng mà không hay. Con nhỏ mặc váy ngắn rà rê với tên Mỹ. Cặp chân trắng nõn suông như ống chỉ, cặp mông ngún nguẩy làm tướng tá tao nhân mặc khách đều mê tơi, nhưng ông Đại tướng lại quèo tôi hỏi tiếp:

- Này đơn vị bộ binh mỗi khẩu súng trường được bao nhiêu đạn? Du kích được bao nhiêu?

- Dạ súng trường 100, tiểu liên 150-200, trung liên 500-600. (Tôi trở lại miếng đẩy cây lúc đầu)

- Còn pháo?

- Dạ nếu 105 ly thì 10 quả. Cối 120 ly cũng cỡ đó. DKZ75 cối 81, 10-12 quả.

- Đạn 105 vác cách nào?

- Dạ thì Thanh Niên xung phong vác theo bộ đội.

- Làm sao vác nổi.

- Dạ hai người một quả thay phiên nhau.

Ông ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi tiếp. Các ông Tấn, Độ, Trà ngồi trơ trơ đó, sao ông không hỏi mà cứ hạch mình. Có lẽ bị một vố Cải Cách Ruộng Đất rồi ê càng, bây giờ bệ hạ không dám nghe các ông bà trung gian tâu lên nữa. Nhưng gặp tôi quả là xui xẻo cho ông. Tôi tô hồng còn quá cha trong CCRĐ.

- Đơn vị cậu mỗi ngày sốt rét bao nhiêu. Có sốt ác tính không?

- Dạ chừng một vài người thôi. (Sự thực trên 2/3)

- Ngoài sốt rét ra còn bịnh gì khác nữa không?

- Dạ phù thủng, kiết lỵ, quáng manh, gan, lá lách, dạ dày, sốt ác tính cũng bộn bàng. (Sự thực thì toàn đơn vị ốm đói)

- Nhiều vậy sao?

Tôi tiếp tục đẩy cây thoa mỡ bò với ông Đại tướng, nên trở cờ ngay:

- Dạ đó là hồi "nẳm" kia, anh em chưa quen nên bịnh nhiều, bây giờ thì không thế nữa.

- Đoàn đồng chí có bác sĩ không?

- Dạ có. (Thực ra là không có. Chỉ có một anh "y tá" vườn biết chích thuốc và băng bó thương binh đế chở đi bệnh xá thôi. Không bệnh xá nào có bác sĩ.)

- Bệnh xá có phương tiện khá không?

- Dạ rất khá. (Sự thực là chẳng có thuốc men gì. Một giáo sư Liên Xô đã vào tham cái gọi là bệnh xá Quân Khu ở Bưng Còng của Tám Lê. Y tá phải biểu diễn một màn cưa chân thương binh bằng cưa sắt như kiểu chín năm chống Pháp. Ông giáo sư lắc đầu méo mặt)

Đấy cái kiểu đi sâu đi sát với lính và dân của ổng đáng cho cán bộ thuộc cấp xanh mặt lắm chớ không đùa đâu. Ba ông tướng ngồi bên cạnh ông nghe tôi trả lời chắc phải nhấp nhỏm như ngồi chông đinh. Biết đâu ngày mai, ông sẽ gọi ba trự này tới mà sạc-cà-rây cho một mách?

Tôi được biết một lần hồi 1960-1961 chi đó, ổng đã cách chức nguyên cả tỉnh ủy Thanh Hóa vì các ông vua con này để gạo mốc ẩm trong kho mà bên ngoài dân đói meo.

Số là ông đang đi đường, xe hỏng máy, ổng đáp xuống ruộng nói chuyện với nông dân và phát hiện ra tác phong quan liêu của tỉnh ủy. Lập tức ông ra lệnh khui kho, đồng thời cách chức mấy ông hoàng đỏ địa phương.

Nhưng vào đây ông không thể sờ đụng thực tế như ở Hợp Tác Xã trên Miền Bắc. Ổng chỉ đi sát tới cây thoa mỡ bò của tên Thiên Lôi này thôi.

Mà dù có sờ đụng thực tế thì ông cũng không làm gì được. Vì ở đây tất cả đều phải giải quyết dưới làn đạn của trực thăng của pháo siêu âm. (Tội nghiệp, ông chi loay hoay cải cách được vài ba chuyện lặt vặt, sửa đối được vài ba cái râu ria của bệnh quan liêu và hưởng lạc của các ông to bà lớn thôi rồi chết!)

Ông ta chết, tướng tá rầu rĩ, nhưng trong lòng họ thì lại mừng rỡ như bầy trâu trên đồng ruộng đã mất con trâu cầm bầy, các con kia đều cùng một lứa.

Hồi đó tôi rất buồn và hoang mang. Nhưng sau khi tìm Tự Do, tôi lại mừng. Vì đó là một sự may mắn lớn cho dân tộc đặc biệt là đồng bào Miền Nam. Tại sao? Xin được nêu lên mấy ý nghĩ của tôi về tên Đại tướng bần cố nông này.

Ông ta là một tên cuồng tín chủ nghĩa Mác lê, cứng ngắt, giáo điều theo kiểu Trung Cộng.

Đó là một con người lạ lùng, ngay cả Võ Nguyên Giáp cũng phải gờm. Ông là con người ít mang tiếng lem nhem nhất trong Đảng (hoặc có mà tôi không biết). Xin nói cho công bằng Nguyễn Chí Thanh không bao giờ mặc quân phục Đại tướng, không mang tiếng đéo bậy như Duẫn, Giáp. Mấy lần ông đến huấn thị chỉ mặc áo sơ mi thường, không có cần vụ đi theo tò tò mang cơm mang nước. Không biết ông học hành tới đâu nhưng bộ dạng của ông giống hệt một anh xã viên hợp tác nhưng nét mặt có phần hung ác, mặt vuông, trán vồ, miệng quai xách. Lão Hồ đã lựa đúng người để đưa vào Nam làm Toàn quyền đỏ khi Mỹ đổ bộ vô Sài gòn. Nghe đồn trước khi vô Nam, ông Hồ đã tiếp riêng Nguyễn Chí Thanh, trước khi chia tay, ông Hồ đưa tặng cho một bao thuốc Con Mèo Đen (Craven A) và bảo: "Vận mệnh Miền Nam là ở trong tay chú." Tại sao Nguyễn Chí Thanh mà không phải Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng hoặc Lê Đức Thọ?

Giáp đã bị rơi đài về ẩn sĩ, học chơi dương cầm ở Hồ Tây một thời gian. Thời gian này lẹo tẹo với bà thầy đờn xinh đẹp, mang tai tiếng cả Hà Nội. Giáp lại còn có đầu óc chính qui hiện đại, muốn biến quân đội thành một quân đội nhà nghề. Ngoài ra tấm thân phì nộn bộ vó tài tử xi-nê Tàu xì của Giáp không thể che giấu được bộ mặt xâm lược của Bác trên đường Trường Sơn. Do đó Giáp không được chọn vào ghế Toàn Quyền Miền Nam.

Lê Đức Thọ thì không biết tí gì về quân sự mà chỉ lý thuyết suông sợ e không điều khiển nổi đám tướng đầu bò như Hoàng Văn Thái, Trần Độ, Lê Trọng Tấn, Đồng Văn Cống, Trần Văn Trà v..v....

Còn Phạm Hùng? Phạm Hùng làm Phó cối cả chục năm, đội đít Phạm Văn Vều, tuy nổi danh là tay xốc vác, phản ứng nhanh, tuyệt đối trung thành với Mác Lê, nhưng lại cũng như Thọ không biết tí gì về quân sự và tai hại hơn nữa là gốc dưa hấu. Nên nhớ rằng bên ngoài lão Hồ làm bộ đặt tay lên ngực và khóc mếu nói "Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi" nhưng sự thực lão chúa ghét và nghi ngờ dân Nam Kỳ. Lão biệt đãi dân Trị Thiên Nghệ Tỉnh, kế đó là dân Rau Muống, Năm Eo, còn dân Dưa Hấu thì đội sổ muôn năm. Do đó dân Nam Kỳ Thành Đồng Tổ Quốc vẫn không được xơ múi gì ráo, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh Tây vác thây ra Bắc để "gặp Bác, bắt tay Bác" (vô khám và bị đày lên núi đốn cúi thì có. Dân Nam Kỳ đã tởn tình yêu của Bác...Cáo chưa?)

Do đó, Nguyễn Chí Thanh là tên trùm đầu đỏ họ Hồ giaocho "nắm vận mệnh Miền Nam trong tay". Hắn vào đây như một Toàn Quyền có quyền quyết định chánh sách mới, thay đổi chánh sách cũ và hành động một cách hoàn toàn độc lập không phải thỉnh thị Trung ương.

Tướng tá, ủy viên Trung ương, dân theo đóm ăn tàn ở Sàigòn "ra khu", tất cả nghe hắn vào thảy đều khiếp vía. Sự có mặt của hắn coi như chấm dứt mọi sự ăn hút cắm câu ăn tiền của đám này.

Vào đến R, hắn thay đổi ngay "chế độ cần vụ" mà các ông to bà lớn ở trong này tự đặt ra cho mình. Với hắn, nói là làm, không có dằng dai chờ đợi lâu lắc.

Trước nhất hắn dẹp bỏ ngay chế độ huynh trưởng. "Anh Ba, anh Sáu" quen miệng gọi nhau rồi dần dà trở thành nề nếp gia đình hồi nào không hay. Kế đó, hắn sắp lại ba hệ thống quân dân chánh Đảng mà hắn cho là trống dành xuôi kèn thổi ngược cho ăn-giơ với nhau. Kế đến hẳn nói rõ cho bọn xôi thịt Sè goòng rằng đây là công cuộc cứu nước chung, không ai được từ chối hoặc được biệt đãi hơn ai. Mấy ông bà sồn sồn, mấy tên nhà tu nhảy rào, mấy lão thầy chùa lỗ mũi trâu, mấy xừ kỹ sư ba xạo, mấy gã văn sĩ và trí thức tịt ngòi, mấy anh tư sản "yêu nước" không có đồng xu dính túi thảy đều ngơ ngáo nhìn anh Sáu Vi có bằng nửa con mắt.

Đây là do "chánh sách dụ dỗ, tâng bốc" của Năm Quang tức Trần Bạch Đằng từ trước tới nay. Do cái chánh sách này mà mỗi ông bà "trí ngủ " Sài gòn có cả tiểu đội hoặc bán tiểu đội phục vụ. Chúng sống như tiên. Có lẽ ở thành, chúng nó cũng không được như thế. Tối rượu sâm banh sáng sữa bò đều đều. Giải phóng quân phải giặt quần áo cho các mụ là thường, nói gì chuyện nấu bếp rửa chén, xách dép?

Riêng cặp uyên ương Dương Quỳnh Hoa và Hai Nghị cần phải có chỗ làm tình nên giải phóng quân phải nai lưng ra đốn cây cất nhà dừng vách bốn phía và làm phòng "tân hôn" cho chúng nó ra rít với nhau, trong lúc Giải Phóng quân thì ngủ võng muỗi cắn sốt rét thấy mẹ, còn ăn uống thì muối và gạo ẩm muôn năm.

Trịnh Đình Thảo đi đâu thì Giải phóng quân phải khiêng như quan thái thú đi kiệu ngày xưa. Chuyện phục dịch cái đám "trí thức" này không tả xiết.

Nhưng dưới trào của Dại tướng bần cố nông thì tất cả đặc ân đều bị cắt hết nhưng chúng đều xuôi râu xếp giáp không dám ho he. Hắn tuyên bố một câu xanh dờn thẳng mặt họ rằng:

- Các vị ra đây tiếp tay cứu nước, dân tộc ghi công. Nhưng trong lúc tình thế khó khăn này chúng ta phải cùng chịu gian nan như nhau, cán bộ cũng như chiến sĩ, trưởng cơ quan cũng như anh nuôi chị nuôi không ai được biệt đãi hơn ai. Nếu các vị không chịu đựng nổi, chúng tôi sẵn sàng và vui vẻ để các vị trở về sống tại cuộc đời cũ đáng hổ thẹn như những ai còn ngủ mê kia!

Bố bảo thằng nào dám phản ứng? Về lại Sài gòn ư? Có mà uống mật gấu mới dám? Do đó thời kỳ này Lữ Phương (Thứ trưởng bộ Văn Hoá sau này) được đưa về tiểu ban Văn Nghệ R. Công việc văn hóa duy nhất là nghiên cứu cách làm cho mấy con gà tự túc của hắn đẻ... trứng vàng. Còn Thanh Nghị chẳng biết viết lách gì thì được ở trên phát cho một chiếc xe đạp phế thải để chạy lọc cọc lán này qua lán khác.

Riêng bên quân sự thì cán bộ từ Đại tá trở xuống không được phép có cần vụ. Tướng chỉ được một. Còn từ Thượng tá trở xuống thì phải ôm AK (kèm K54) để chiến đấu khi có biệt kích tấn công bất ngờ. Lê Đức Anh đã đóng lon thiếu tướng thừa lệnh Sáu Vi khui kho súng AK phát cho mỗi cán bộ dân quân chánh đảng răm rắp.

Có một cú Sáu Vi chơi rất ngoạn mục. Cả dân R ai cũng biết và tán nhuyễn ra cười ngã nghiêng trong lúc uống trà. Đó là vấn đề ông trời con Tư Huệ, chánh ủy kiêm tỉnh độ trưởng Tây Ninh.

Tư Huệ trong kháng chiến tên là Nguyễn Việt Hồng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 300. Những năm 60-64, Tư Huệ sống như vua. Vợ chồng y có một Tiểu đội phục vụ. Ở rừng mà xa hoa hơn ở ngoài thành. Nghe Sáu Vi đến, Tư Huệ trà nước tiếp đãi anh Sáu rất đặc biệt. Anh Sáu không màng. Tư Huệ đem các món ngon vật lạ mua ngoài vùng "Ngụy" ra đẵi anh Sáu, anh Sáu cũng không ngó tới. Tư Huệ tưởng anh Sáu tới để thăng cấp cho mình, bèn than phiền rằng: "Các đồng chí dưới cấp tôi được đi tập kết, từ ngoài đó trở về đồng chí nào cũng trên cấp tôi. Tôi lãnh cấp Đại tá thì hơi hẹp bụng nhưng Trung tướng thì hơi cao!" Ý anh Tư nhà mình đòi một sao với cành dương liễu như Lê Đức Anh.

Anh Sáu bảo ngay:

- Cấp bậc chỉ là tượng trưng cho tinh thần chiến đấu không phải nấc thang để bám lấy mà hưởng lạc...

Anh Sáu đã tụng cho một hồi. Tư Huệ hết ý kiến.

Mấy hôm sau, Ban chỉ huy Tỉnh đội Tây Ninh được lệnh "đi nghỉ mát". Riêng Tư Huệ Đại vương thì từ giã hoàng hậu trở về R làm lâu la dưới trướng của lũ đầu bò Bắc Kỳ.

Đau đớn thay!

Tất cả các cơ quan R đều hả hê và tỉnh Tây Ninh được nhận một Ban chỉ huy mới là Ba Tới và Hai Dương. Ngoài ra ông "xã đội" Kà Tum tức là Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Một có công từ thời chín năm ở mặt trận Rừng Sát, sau 55 phải trốn chui trốn nhủi trong rừng, sau Đồng Khởi rút về Kà Tum thành lập lực lượng võ trang và trấn giữ vùng này suốt năm năm (Đúng ra là QLVNCH coi như đồ bỏ không thèm để ý) nay lại được Sáu Vi cất nhắc cái vù.

Nghe đâu Sáu Vi phong cho Đại tá, nhưng Một không nhận, chỉ xin một trăm AK để cấp cho bọn lục lâm để chốngcác đồng chí Khơ-me đỏ quen thói ăn cướp hoa mầu của rẩy mình.

Với sự cải cách của Sáu Vi, các cơ quan R đã được giãn chính nhẹ nhàng. Đám cò ke lục chốt gom lại lập được một trung đoàn bổ sung cho Công trường 9. Hắn còn tống cả Trung đoàn Bảo vệ Căn cứ R của Tám Lê Thanh ra Công trường 5 và thuyên chuyển Lê Thanh về I/4.

Các độc giả hẳn còn nhớ trong cuộc chiến tranh Bắc Nam, tức chiến tranh ý thức hệ Quốc Cộng, cũng còn được gọi là chiến tranh chống Mỹ, có một "bà Thiếu tướng" không?

Đó là bà Nguyễn Thị Đinh, dân Bến Tre, hồi chín năm chống Pháp làm đoàn trưởng phụ nữ Tỉnh. Chính Sáu Vi cất nhắc bà Định một cách bất ngờ.

Trong một cuộc họp gồm toàn thể bọn xôi thịt Sè-goòng, bọn đầu sỏ các Tỉnh, bọn Tướng đầu bò Bắc Kỳ, Sáu Vi đã tuyên bố quyết định đề bạt "đồng chí Ba Định" giữ chức "Phó Tư lệnh Quân giải Phóng Miền Nam."

Các tên đực rựa, các mụ nái sề mang danh trí thức tiến bộ yêu nước của Miền Nam, các tên lưu manh đội lớp thầy tu, các tên khoác áo cà sa mang dép râu dùng cánh sen che bộ mặt đỏ loét, các tên luật sư thất nghiệp, các tên viết văn tịt ngòi, có cả tên can phạm hãm con nít được xách đầu lên ghế chủ tịt Mặt Trận nữa v..v... Tất cả, tất cả, đều gục mặt không dám ngó lên.

Bọn này tưởng Sáu Vi sẽ cất nhắc chúng nó vào ghế cao chức lớn, nào ngờ hắn lại cho một mụ đàn bà chữ không đầy lá mít ngồi trên đầu chúng.

Có thể điều này làm cho chúng bất mãn kinh hồn. Bằng chứng là sau Tết Mậu Thân một trong những thành viên Trung Ương của Mặt Trận là kỹ sư Hồ Văn Bửu đã dông về thành thú tội với chính phủ Sàigòn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx