sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 19: Lá Hồng Thư Viết Bằng Nước Mắt

Cơm chiều xong tôi về sạp ngồi hút thuốc nhớ Mai. Không biết nàng được bố trí cho ở đâu. Thì may quá ông Hải Trường Sơn đến. Hải thấy cái đèn pin cổ cụp của tôi máng ở đầu giường thì biết là của tôi nên nói dèm. Không đợi hắn nói tới hai câu, tôi bảo:

- Của xếp cũ tao vừa cho đó, mày cần đi đêm diễn tập thì lấy mà xài.

Hải cám ơn rối rít và lột lấy đeo vào thắt lưng ngay. Hải dắt tôi về nhà. Vừa đi, tôi bảo:

- Tao nhờ mày một chuyện.

- Chuyện gì?

- Mày nói mày có cái thum riêng phải không?

- Đúng.

- Cho tao mượn được không?

Hải biết ngay vấn đề, nên hỏi:

- Để dựng sân khấu hát tuồng Thạch Sanh chém chằn phải không ông nội? Tìm được công chúa đâu mà giỏi vậy?

- Công chúa ở trên Cục Chánh trị xuống đây đánh máy phục vụ hội nghị.

Hải nói quá yêu cầu của tôi:

- Gì chớ chuyện đó dễ ợt. Vợ tôi cũng đánh máy trên văn phòng.

- Ừ coi vậy chớ có lắm kỳ đà cản mũi!

- Tôi hứa với ông là nếu tôi không đưa nàng tới đây cống Hồ được, tôi chịu xử trảm.

- Nàng ta tên là Mai.

- Tôi biết, tôi biết mà.

- Sao mày biết hay vậy?

- Vợ tôi nói bữa nay có cô nào ngộ ngộ lạ lạ ở đâu đến.

- Bây giờ nghe ông nối thì biết ngay là đối tượng của ông chớ nội đây có ai xứng đâu. Nếu không tóc bạc thì cũng loại bần cố hỉ, cù lần, có ai mà xáp với cô ta xứng được?

- Được rồi hễ cô ta tới thì hai vợ chồng cậu dắt nhau đi tiệm mua...

- Mua gan rồng mật gấu gì tôi cũng chạy ra cả.

- Không, tao chỉ cần vợ chồng mày đi mua nước mắm.

- Thứ đó tôi có sẵn ở nhà.

- Mua bằng cái dĩa, hiểu chưa?

Hải thấm ý cười rẻ lên và nói:

- Tôi giao nhà cho ông sáng đêm.

Câu chuyện tới đây thì Hải trỏ tay:

- Cái am của tôi đó.

Hai đứa bước vô cửa. Cái nhà bằng bụm tay giống như nhà chòi của con nít. Thấy một người đàn bà đang ngồi trong bếp hẹp té, không đợi Hải giới thiệu, tôi cất tiếng:

- Chào bà Sáu Vi hai.

Người đàn bà đứng dậy.

- Anh Lôi đây hả? Em nghe anh Hải nói. Sao anh không đến nhà tụi em ăn cơm. Ăn trên cơ quan chỉ có đậu phộng rang với muối. Sao anh gọi em là bà Sáu Vi, tội chết.

- Thì chồng là Trường Sơn, vợ là bà Sáu Vi chớ sao nữa.

Hải cắt nghĩa cho vợ nghe về bí danh của hắn:

- Ông đại tướng lấy tên Trường Sơn nhưng không có vượt Trường Sơn ngày nào, còn tôi lội mòn đầu gối, tôi lấy tên Trường Sơn cũng được chớ sao.

Hải đả thông cho vợ đi móc Huỳnh Mai công chúa. Vợ đi rồi Hải ở nhà mọc đuôi tôm ngay với tôi. Hắn khoe hắn tài giỏi như thế nào mới giành giật được cô lính của ông Chòi về đây xây tổ uyên ương rồi bắt tôi khai trường hợp nào móc được Mai. Hai đứa bù khú được một lúc thì có tiếng giả gạo xa xa của B52. Tôi hói hướng nào. Hải bảo hướng Mặt Trận hay Giao Bưu. Tôi nói:

- Lúc này nó giả đều dữ. Không bữa nào là không có.

- Trước kia, nó giả mạnh nhất vào hừng đông, nhưng bây giờ không giờ giấc gì nữa. Ban ngày không đủ tranh thủ ban đêm, thứ bảy chủ nhật làm nốt.

- Mày trụ hình ở đây lâu quá, không sợ hay sao?

- Ai mà không sợ nó giả, nhưng ông coi cơ ngơi đồ sộ như vậy, nhổ đi đâu?

- Ông Lê Xuân Chôm có dễ chịu không?

- Ổng xuề xòa, không gắt gao, ai nấy cũng dễ chịu.

- Tao biết ổng hồi ở ngoải.

- Ổng là em nuôi ông Chín Hô. Nhờ vậy lên thượng tá mau hơn mấy người cùng ca-líp ổng. Nhưng nay mai ổng sẽ tuột xuống binh nhì là cái chắc.

- Sao vậy?

- Ông rõ quá mà còn hỏi.

- Lại em nuôi con nuôi chớ gì!

- Không, ông này không hát cái tuồng đó. Ổng đi thẳng vô trung tâm điểm thôi.

- Bộ ở dưới này cũng có món đó nữa à?

- Sợ còn đông hơn trên R. Đám thanh niên nghĩa vụ xung phong áo đen từ đồng bằng lên ngang đây bị ổng gạn bắt một mớ ưu tú còn bao nhiêu mới đưa đi phục vụ các cơ quan. Coi bộ ổng hảo ngọt dữ đa!

- Ông nào lại không hảo ngọt mậy!

- Sớm muộn gì cũng lọt hầm chông thôi. Sao ông mới tới mà cũng biết tên ổng là Chôm.

- Tiếng lành đồn xa mà mầy!

- Tiếng lành trên R cũng đồn xa xuống tới đây.

- Tiếng lành gì?

- Đủ thứ!t Nghe ớn thấy mẹ.

- Cái trường này đào tạo tân binh mấy khóa rồi?

- Vài khóa gì đó. Mấy khóa đầu còn đông. Hai năm nay, ban giảng huấn nằm khễnh ăn hút hoặc đi cuốc đất trồng rau muống, su hào.

- Giỡn hoài mày. Su hào đâu mà trồng?

- Có chớ. Ông không thấy đầy rừng gần Trảng Bà Điếc đó à? Tụi này càng vô đông càng khỏe cho mình. Tôi nghe đài Sàigòn nó kêu là Bắc kỳ xâm lược, tôi cười mắc chết. Mấy tháng nay chiêu sinh không có ma nào dưới đồng bằng lú lên nữa.

- Đường dây đứt à?

- Đào tạo bao nhiêu đưa ra ông Sáu Khâm với ông Trăm Truyện nướng hết, nên thanh niên tởn không chịu làm nghĩa vụ quân sự nữa. Ngoài Bắc phải gởi tụi xâm lược vô thay.

- Bậy! Cái đám ở Trong Bà Điếc là Trung đoàn Q16 đã từng đánh Điện Biên đó, không phải lính nghĩa vụ đâu.

Lúc đó thì vợ Hải về tới, không thấy ai đi theo, Hải hỏi:

- Móc hụt rồi hả?

- Bữa nay bận, mai mới được. Tài liệu quá tay, em phải lên làm đêm. Anh ở nhà bắt con gà làm cho ảnh tẩm bổ với.

Cơm xong, vợ Hải đi. Hải vào buồng lấy cho tôi một cái hộp giấy. Tôi cầm lấy xem. Thấy có hình người đàn ông và người đàn bà đứng đâu mặt vào nhau, thì biết là loại chứng minh thư đặc biệt. Hải nói:

- Thứ này của Hồng Kông cũng khá lắm.

- Tao được thằng Quang cung cấp hôm qua rồi. Bộ mày cũng dùng thứ này nữa sao?

- Tôi không dám có con ông ạ. Thấy mấy cô bên K71 mang cái bụng thè lè, mặt mày vàng ngắt ớn quá. Con vừa đẻ ra đã bị sốt rét. Thà tụi mình bị chẳng sao, còn con nít mà sốt run lên, cặp mắt trợn ngược, ngó không đành.

Sáng hôm sau, toàn thể học sinh lên hội trường. Cái này lớn hơn cả hội trường mừng công. Độ chừng 800 nam phụ lão ấu có mặt để nghe Bác nói láo về tình hình nhiệm vụ mới qua mồm mấy tên Bắc kỳ thống soái trong này. Ông Bảy Đậu phổ biến cách học tập mới là không có giảng viên. Học sinh chỉ đọc tài liệu ở tổ, thảo luận, nêu thắc mắc rồi tổ báo cáo lên,.Ở trên sẽ đả thông một lần một.

Sự thực là B52 tới viếng hàng ngày, nay khu này mai khu khác có khi rung rinh cả hội trường nên ở trên muốn rút bớt số ngày học tập. Kéo lằng nhằng không khéo lại lãnh ba-toong vỡ sọ cả đám. Ông Bảy Đậu cho rằng Mỹ vào mạnh để thay quân Sàigòn. Rồi ông lặp lại lời ông Sáu Vi nói ở đại hội mừng công: "Mỹ vào càng đông, chết càng đông. Quân đội nhân dân khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.." Một chữ ông.ta cũng không dám nói khác đi.

Bùi Thanh Khiết, ông thầy giáo làng từng làm Phó phòng chính trị khu 7, ra Bắc được cho làm chủ nhiệm chính trị Sư Đoàn 330, sau đó được đi học Liên Xô, nghe nói đỗ bằng Phó Tiến Sĩ gì đó, rồi về Nam làm phó phòng huấn học Quân Giải Phóng, thành tích dâm ô được ém rất kỹ chỉ có các tên thân cận biết thôi. Ông ta lên lớp phần Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Học sinh vừa nghe vừa ngáp sái quai hàm, chỉ mong cho ông ta chấm dứt để đi uống trà. Phần kế là Phương châm chiến lược chiến thuật do thiếu tướng Trần Độ ngoài Bắc vô lên lớp. Khi nhìn thấy bộ răng bàn nạo của ông ta thì học sinh toàn R mới sáng mắt sáng lòng tại sao ông có cái hỗn danh là Chín Hô. Chuyến tàu vét do Nguyễn Chí Thanh đảm trách. Ông ta được Chín Hô giới thiệu với hội trường là Anh Sáu không có tên Trường Sơn hoặc Sáu Vi gì cả. Ông cũng làm một phát bổn cũ soạn lại của đại hội mừng công vừa rồi: Một đánh một, nắm thắt lưng Mỹ mà đánh. Trong ba ngày đêm liền, có đến 700 học sinh xài hết 7000 La Vạn Linh bổ thận hoàn để chống bệnh đau lưng.

Khi ra hội trường, thằng Hải lôi tay tôi, rỉ tai:

- Tình hình khẩn đến nơi rồi.

- Gì đó mậy?

- Tôi nghe mấy ông Sư mòng xầm xì với nhau.

- Xầm xì giống gì?

- Lớp học phải kết thúc sớm hai ngày.

- Đm. bộ sắp lãnh dưa hả?

- Tụi tôi được lệnh tổ chức chống càn.

- Chống càn gì.

- Có thể nó đánh to..Nó đã ngửi mùi đại hội mừng công rồi chắc.

Tôi đi tìm gặp Năm No. Anh là người Trảng Bàng có người em là Sáu Bụng, nhà ở ấp Chánh xã Lộc Hưng. No Bụng đó là ý nghĩa của tên hai anh em mà ông già đặt cho. Tôi có liên hệ công tác vài lần với Sáu Bụng.

Năm No đang ngồi gật gù nhậu với me mà tôi đốn ở Trảng Bà Điếc và cho anh. Rượu để trong bình toong, không rót ra. Cứ ăn vài mắc me lại tu ngụm rượu. Tôi hỏi:

- Tình hình biến chuyển hả anh Năm?

Năm No nói toạc ra.

- Chuyển con mẹ gì. Nó sắp đánh, mình phải tản ra, không thì chết chùm - rồi ghé tai tôi - Ổng dông rồi!

Tôi biết Năm No đề cập tới ai. Tôi ngẩn người ra một phút rồi hỏi:

- Bây giờ mình tính sao anh Năm?

- Tính mẹ gì được mà tính. Hễ nó đến thì ngay cổ ra chịu. Nó không đến thì cứ lội nước ngược rồi chổng cẳng ngủ.Vậy thôi.

- Tôi sắp về Củ Chi. Anh có nhắn gì với anh Sáu không?

- Nếu chú gặp nó thì bảo nó kiếm cho tôi miếng đất. Nay mai tôi về trồng cà trồng ớt.

- Sao vậy anh Năm?

- Thì đề phòng cụt tay cụt chân vậy mà.

Trời đã tối. Tôi trở lại nhà Hải. Hải nói ngay:

- Hụt rồi thầy ơi!

Tôi choáng váng mày mặt, suýt kêu lên. Vợ Hải móc túi đưa cho tôi một mẫu giấy. Mép phong bì dán cộm mấy hột cơm. Tôi không hỏi gì, biết là của Mai. Tôi xé ra đọc.

Anh thân yêu,

Tình hình động nên sau khi lên lớp, chú Bảy Đậu liền cùng chú Chín Mỹ và chú Năm Danh dắt tụi em trở lại R. Vì quá khẩn cấp nên em không có thì giờ đi tìm anh nữa. Đành gạt nước mắt mà rời địa điểm với mấy lời ngắn ngủi gởi lại anh. Em cắn môi mà lê ngòi bút trên trang giấy. Em rất lấy làm sung sướng được anh yêu. Và tuy chưa thành vợ chồng, em tự xem em như đã là vợ của anh rồi. Hôn anh vô tận.

Huỳnh Mai

Chữ nhỏ rứt viết trên giấy pơ-luya hồng nhạt. Đọc xong, tôi ngẩn ngơ. Vợ Hải nói:

- Nay mai còn gặp mà anh. Tôi với anh Hải cũng trải qua năm cơm bảy cháo rồi mới thành.

Tình yêu có trải qua gian nan mới có giá trị. Đó là công thức muôn thuở, nhưng mới vừa gặp lại phải chia tay. Tôi mơ màng, xốn xang tấc dạ. Tôi có linh tính đây là lời vĩnh biệt của Mai. Tôi lạnh lùng nói với Hải:

- Thôi tao trở về lán nhe!

- Ở đây làm ba sợi đã thầy. Con gà hôm qua còn đó.

- Để tao về coi đoàn có quyết định gì không?

Nói vậy rồi tôi lủi thủi ra đi. Về đến nơi thấy Năm No vẫn còn cù cưa với bình toong nước ngược nhưng mâm nhậu thì mở rộng hơn với nhiều người lạ và khách của buổi trà hôm trước Tôi ngồi vào mà không uống hớp nào. Anh Sáu Bưng chánh ủy công trường 9 ngồi bên cạnh tối hỏi:

- Nghe chú em nói về pháo nên tôi tìm đến đây. Sao, chú nhắm có về với tụi tui được không?

- Dạ còn tùy ở trên, nhưng bây giờ tôi phải về I/4 nhận công tác.

- Cha cha, bắt hụt con cá này thì uổng lắm.

Năm No mắt đỏ lừ, nhìn tôi:

- Ê, mày có biết tiếng Lang sa không mày nhỏ?

- Dạ cũng nói được quọt quẹt.

- Hôm trước có con đầm già tới thăm Bộ Tư lệnh công trường, con mẹ nói xù xì xục xịt ba cái gì, tao cũng gật đại. Chạy tìm một thằng để phiên dịch mà không ra.

Tôi cười ngất:

- Chắc là bà Ri-fô tức là chị Chín Hồng, người ốm ốm cao cao chừng năm chục tuổi chớ gì.

- Hỏng chừng đâu đó. Mặt nhăn như da ổi không biết tuổi tác bao nhiêu.

Bữa sau phái đoàn do Ba Hải lãnh đạo gồm Tám Tiên, Thu Mai và tôi kéo trở ra, qua chòi sản xuất, Sáu Thiệt cho biết ông Bảy Đậu dẫn Mai đi thẳng về Tà Bon trong ngày. Tôi dắt cả đoàn trở ra chợ Long Hoa mua đồ đạc cho đầy bòng và được bà má của cô Hai Phi thưởng cho một nồi cháo gà giằn bụng. Cả đoàn chia tay nhau, ai về cơ quan nấy.

Tám Tiến bắt tay tôi thật lâu, đi chung với nhau một đoạn đường rồi mới xa nhau. Anh ta nói giọng xúc động.

- Không biết mình còn gặp nhau nữa không?

Tôi gượng gạo vuốt.

- Bao giờ về được Rạch Bà Đặng mình sẽ chèo xuồng trên sông Trèm Trẹm hứng mát.

Tôi tắt một hơi ra Trảng Mua gần lộ 22 rồi từ đó đi thằng đến cầu Cần Đăng, cuốc hơn một tiếng rưỡi nữa tới xóm Mới. Dù không thân, tôi cũng đi thằng vào văn phòng của bà Út Tức mà trước kia tôi đưa Bùi Khanh đến xem mặt trong lần thực tập DKZ ở nền đồn Bổ Túc.

Tôi gặp thằng Hùng ở đây. Hắn nói ngay:

- Tôi biết trước khi dông, thế nào anh cũng ra đó xúc một số lớn hàng hóa, nên tôi nhắn cô Phi.

- Ừ nó bảo tao rằng mày về đây.

- Còn cái rờ-moọc đâu rồi?

- Về Tà Bon.

Hùng vỗ đùi dậm chân.

- Thầy thiệt, mồi kề miệng lại để sẩy.

Tôi chống chế gượng gạo:

- Rồi cô ta trở xuống.

- Dễ gì! Thôi để tôi kiếm mối khác cho.

- Cô em nuôi của mày thành phần đó không hầu đâu.

- Không! Ai lại làm mối cho thầy chỗ đó.

- Không đó thì đâu?

Hùng nháy nháy về phía bà khu ủy đang nấu nước rồi nói to và lôi tôi đi ra sân:

- Ra đây, cho tôi thỉnh thị thầy vài ý kiến về cuộc chống càn sắp tới. Đây là chị nuôi của tôi. Thầy phải giúp đỡ chị về hoạt động ở ấp chiến lược.

Ra đến gốc cây hắn nói ngay:

- Ông thầy làm khu ủy viên đi!

Tôi gạt ngang:

- Bậy hoài mậy!

Hùng cười khẹc khẹc:

- Bả chê Bùi Khanh ít tình cảm, Bùi Khanh chê bả chính trị khô khan. Vậy là độ đó không có đá chọi gì hết. Bả lại khoái thầy cơ đấy!

- Mày nói chuyện trên trời dưới đất không hà.

- Tôi coi chưa coi cẳng rồi, độ này thầy ăn trùm.

Tôi gạt ngang, nói sang chuyện tình hình:

- Nước tới trôn rồi mày tính sao?

- Tính gì được mà tính. Nếu nó đổ chụp thì mình còn đánh đấm được, đằng này nó rắc bom mà là bom B52 thì mình cua tay chớ có cách gì?

- Tao phải về trường gấp.

- Để làm gì? Lệnh trên cho học sinh mãn khóa sớm tản đi hết rồi. Bây giờ chỉ còn đàn bà con nít cũng đang lui ghe.

- Dù sao tao cũng có trách nhiệm.

- Thầy cứ ở lại đây với tôi. Coi như công tác của thầy đã hoàn thành, thầy đang trên đường về chẳng có ai bắt lỗi thầy được! Trước khi chuồn về đây, tôi đã làm một bòng đầy. Hai thầy trò mình hát chập hát chèo vài ba ngày liền cũng không hết. Nếu nó đến thì mình chết no, còn nếu nó không đến thì mình sống... cũng no phè. Mình cũng phải yêu cuồng sống vội như tụi Sàigòn.

Hùng lôi tôi vào, nói oang oang với bà khu ủy viên vẫn còn ngồi ở bếp nấu nướng.

- Ông anh của tôi vừa chỉnh huấn về, bà chị có gì đãi ổng không?

- Cậu có gì không?

- Tôi thì dư xăng, nhưng tôi muốn bà chị đãi ổng cơ! Ổng sẽ có nhiều liên hệ với chị sau này đấy!

- Tình hình động đến nơi, cậu ở đó mà lề mề.

Hùng cười hí hí rồi hỏi:

- Mấy ông du kích áo cứt ngựa của chị đâu, kêu chúng vô đây cho tôi bố trí kế hoạch.

- Tụi nó đi ruồng ngoài ấp chiến lược, chiều mai hoặc sáng mốt mới về.

- Vậy chị có đứa nào ở nhà để sai bảo không?

- Có một mình thằng Trứu thôi.

- Còn mấy cô tóc kẹp?

- Mấy đứa đó trên khu bắt đi công tác thành hết rồi.

- Xí! Cái mặt bơ bơ ra ngoài đó đạp bể bánh tráng của người ta chớ công tác thành gì?

Hùng quay sang tôi:

- Thầy coi quân đội nhân dân của mình tiến nhanh tiến mạnh lên chính qui hiện đại ghê chưa?

- Thôi mày ơi! ở đó mà múa rối.

- Thằng Trứu này là một trong đám du kích bộ hạ của chị tôi. Tụi nó mặc áo cổ vuông màu cứt ngựa nên bà con trong xóm gọi chúng nó là lính cứt ngựa. Ở ngoài Bắc làm lính chánh quy, nhưng vô đây thì làm chính rùa. Từ một đơn vị lớn hóa thân thành du kích. Cái trung đoàn cứt ngựa ở Trảng Bà Điếc nay mai rồi cũng ra du kích ban đêm đi rình mò ngoài ấp chiến lược thôi. Mới vô chưa ăn cỗ nhớn còn gáy dữ lắm: "Các ông vào rãi phóng Miền Lam". Để xem bị một trận rồi còn phỏng rái nữa không? ‘

- Mày để cho cái miệng mày kéo da non chút Hùng.

Hùng nhìn tôi nháy nháy và nói với chị Út:

- Em giao anh cho chị đấy nhen.

Út trừng mắt có vẻ vừa hài lòng, vừa bất mãn với cách nói năng của thằng em nuôi trời đánh.

- Cậu đi đâu?

- Đi đâu không biết đi đâu. Thôi, em lặn anh chị nhé!

Út nói ngay:

- Anh về đây lâu mà không mấy khi liên hệ công tác với tụi này. Bộ ở nhà giặt tả cho con hả?

Thằng Hùng vừa sấp lưng đi, quay ngoắc lại:

- Tả gì mà giặt. Ổng lên trên R con gái Sàigòn bu, ông phủi không kịp đấy.

Nói xong đi thẳng.

Văn phòng của bà khu ủy viên núp dưới tàng cây rậm. Bên cạnh là một cái hầm vĩ đại xây bằng cột nhà và nắp đất dày hơn thước tây, miệng hầm có bậc chắn đề phòng bom bi. Út mới trên ba mươi nhưng bị coi như bà già trầu. Dưới trướng bà khu ủy viên này có cả một đám nam nữ lâu la.mười bảy, mười tám tuổi và một tiểu đội em nuôi cỡ Hùng. Ở trên giao cho bà cai quản cái quận Tân Biên (do họ đặt ra) gồm vài xóm lèo tèo mấy cái nhà một vùng đất hoang dọc biên giới Việt Miên mà Sàigòn không để ý. Ngoài ra còn một đội xe bò tân lập ngày ngủ đêm thức để chở gạo cho R. Họ sống trong những lều trại dựng tạm ỡ ven rừng như một bầy chuột mà cuộc sống may rủi được đếm từng ngày. Đáng lý ra họ đã chuồn mất về vùng tự do để sống bằng nguồn lợi của chiếc xe bò đem lại, nhưng họ không được chánh quyền quận cho phép. Họ ở lại để phục vụ cách mạng với tiền công rẻ mạt. Nếu họ trốn đi, chánh quyền sẽ giữ bò và xe của họ. Nhưng cũng đã có nhiều người bất chấp bỏ cả bò lẫn xe để làm lại cuộc đời ở một nơi khác tự do hơn. Trận bom vừa rồi đã cho chúng tôi thịt bò trong tô phở ở tiệm ông Hai Hẹ trong chợ Long Hoa và đã làm tê liệt đội ngũ vận tải của bà khu ủy.

Chỉ còn có hai người trong nhà, út lườm tôi, nói trỏng:

- Bộ chê con lộ ủi này sao mất biệt mấy tháng nay?

- Bận quá chị Út! Lần này tôi tới đây để...

- Bàn công tác hả? Để đó đít Tôi còn nhiều kế hoạch lắm.

- Không, tôi không có công tác như ông anh tôi đâu, tôi đến từ giã chị đấy.

- Bỏ tiếng chị được không?

- Bỏ thì bỏ, nay mai tôi không còn ở đây nữa.

Út lườm yêu.

- Đi đâu?

- I/4.

-Đi làm gì xuống đó.

- Đội pháo Đồng Dù.

- Bộ ở dưới thiếu người hả? Từ rày bỏ tiếng chị nghe!

- Ai biểu ăn trầu coi già ngắt.

- Tui muốn tui già để những con quỉ không có gắm ghé.

Tôi biết mà vẫn hỏi.

- Quỉ nào?

- Ghét lắm mà cứ áp áp vô.

- Tôi đi bây giờ.

- Sao vậy?

- Đuổi tôi tôi đi chớ sao.

- Ai đuổi anh.

- Anh nào?

- Tôi biết hơn tôi một tuổi. Tôi điều tra mấy cậu ấy rồi.

- Vậy mà tôi tưởng Út gần bốn mươi.

- Tôi muốn người ta tường tôi bốn lăm cơ.

Út bảo tôi đi mua hàng với nàng. Nàng đi trước, tôi lẽo đẽo đi sau, cách xa ra, còn nàng thì cố đi chậm lại cho gần, rồi thốt nhiên nàng nói:

- Đi vầy người ta tường mình là...

Tôi vừa hỏi vừa bước tới gần nàng.

-...là gì?

- Gì thì biết ấy!

Nàng ngoẻn môi cười khoe những chiếc răng đều như hột bắp còn sót ít vết cổ trầu, đôi mắt long lanh.

Tôi cúi xuống hôn khẽ trên môi nàng. Nàng gục vào ngực tôi, hai tay quấn ngang lưng tôi. Tôi chờ đợi cái cử chỉ ấy nhưng vẫn bất ngờ. Tôi hôn trên tóc nàng và bảo:

- Có người đi tới.

Nàng vừa buông tôi ra, vừa thì thầm:

- Người thì người. Em sợ gì ai?

Từ phút này trở đi nàng Út nói chuyện huyên thiên. Nàng bảo tôi một cách ngọt ngào:

- Em đi mua con gà tẩm bổ cho anh. Bộ làm việc dữ lắm sao mà mắt sâu má hóp vậy. Nè, đến nhà má, em giới thiệu là anh chú bác....

- Chú bác lật, bạn dì xeo hả?

Nàng đập vai tôi.

- Quỉ nà! Nói là anh tập kết mới về ghé thăm em nghe. Anh mà tuyên bố với em thì em hổng có cho anh làm động móng tay. Một mình em nuôi anh cũng đủ. Anh chịu hôn?

Tôi cười:

- Thôi đi bà nội! Bà trù tôi thành thương binh cụt tay què giò ngồi một chỗ hả?

Út lườm yêu muốn tôi hôn Tôi ôm ngang eo ếch nàng lôi nhanh qua lộ rồi đi sát mé lề đề phòng có máy bay thì lủi.

Quảng đường này không xa chỗ đoàn xe bò ăn bom là mấy. Ban ngày vẫn có đầm già liếc xéo liếc ngang. Út dắt tôi vào một lùm rậm. Tôi la lên:

- Vô đó làm gì.

- Quán ở trong này. Xóm nhà má cũng ở trong này. Trước kia ở ven lộ có nhiều khách hơn, nhưng bây giờ khách toàn cắt rừng nên quán cũng tản cư vô rừng.

Quẹo vô một khúc, đến một cái chòi xệu xạo, thấy có một nhóm đàn ông ngồi bó rế bộ mặt buồn nghiến. Thấy Út đến, một người đàn ông bịt khất khăn đầu rìu đơn đả:

- Chị Út! May quá ai đưa chị tới đây.

Một người ở trần, tóc tai xụ xộp, nói giọng thảm thiết:

- Bò xe tiêu hết, bây giờ đi cày cần cụp bắt kỳ đà. Chị mua cho vài con đi!

Tôi ngó theo tay người đàn ông. Một cái rộng bằng nứa trong đó nằm im mấy chú bò sát đen thui. Út bảo:

- Sao không đem ra đường cái cho bộ đội họ mua.

- Bây giờ còn sớm họ chưa có ra.

Người bịt khăn nói:

- Bây giờ tụi tui muốn xin chị Út cái giấy.

- Giấy gì mà xin.

- Giấy đi ra ngoài đó sinh sống.

- Ai đi cứ đi chớ tôi không có quyền cấp giấy.

- Chị không cho giấy thì mấy ông du kích bắt lại tụi tôi còn nguy khốn nữa.

Út nạt:

- Cái ông Tư Ó này có tư tường giao động lâu rồi. Phục vụ cách mạng chưa được một năm đã muốn chạy về thành.

Người đàn ông kia thấy bị quở nên nói lãng:

- Anh Út đi công tác mới về hả chị Út.

Út cự nự:

- Đây là anh... chú bác của tôi ở ngoài Xã Hội Chủ Nghĩa mới về chớ anh út nào? Nói lãng dang chưa?

Tôi thấy bà khu ủy sắp đổ quạo bèn đỡ lời:

- Người ta không biết, em bắt lỗi sao được. Kỳ đà bán bao nhiêu một con, để tôi mua.

Người đàn ông mừng húm đáp.

- Cả thảy là bốn con, tôi biếu không một con cho chị Út đem về nấu cháo xé phay hay cari đãi ông anh một bữa, tôi chỉ ăn tiền ba con thôi.

Út bảo tôi:

- Anh đứng đó, tôi lại quán mua đồ gia vị rồi trở lại. Anh đừng đi loanh quanh vướng lựu đạn gài nghe anh.

Nói vậy rồi biến đi. Các bà các cô gớm lắm. Thằng Tư Linh đã bấm đúng mạch mấy cô mấy bà hết ráo! Họ thờ chủ nghĩa hiện sinh không phải chủ nghĩa Mác. Con bé Là đã từng khoanh vòng phép cho tôi trước quán bà Sáu Tiệm ở Củ Chi như thế. Tôi móc tiền đưa cho Tư Ó và hỏi:

- Sao mấy chú lớn tuổi hơn lại kêu cô ấy bằng chị?

- Bả thích làm lớn.

- Ừ, bả là bà lớn... ở đây chớ còn gì nữa.

Một người đàn ông ngậm tăm nãy giờ bật ra tiếng nói.

- Nhất bả nhì trời đó ông ơi!

Tư Ó xua tay không nhận tiền. Tôi hỏi:

- Sao bán mà không lấy tiền?

- Tiếng rằng bán thôi, chứ không lấy tiền của bả. Bả bảo nhớ đó rồi lần sau trả.

- Lần sau là lần nào?

- Ông cán bộ coi như trả tiền rồi là xong. Thì nói quách cho ông cán bộ hiểu. Đây là lo lót bà lớn để bà cho cái giấy. Trước đây, hồi còn bò còn xe thì lo lót để bả giảm bớt phiên canh ở nhà đánh-xe kiếm ăn, còn bây giờ cả xe lẩn bò tan tành hết rồi, lo lót để xin cái giấy.

- Các chú không đi được sao?

- Du kích gác ở gần mõ Công khít lắm. Hễ ai ra đó lớ quớ là bị bắt đem về phạt. Mõ Công là ấp chiến lược gần thị xã Tây Ninh ấy mà. Mấy ông nhà mình hồi chánh phần lớn bằng ngã đó. Vừa rồi có một ông to...- Tư Ó nói đến đó rồi ngưng, đưa mắt nhìn quanh - Tôi nói cho ông biết ông kín miệng dùm nghe. Bả mà hay được tôi nói là tôi đi tù.

- Nói đi tôi bảo đảm!

Tôi nghi là Ba Chí ở trường Pháo Binh của tôi. Có thể ông trung úy này lắm. Tư Ó tiếp:

- Một ông to dắt vợ ra Tây Ninh thật.

- Ờ, tưởng chuyện gì chớ chuyện đó thường thôi. Có gì mà ở tù. Mà kỳ đà sống lâu không? Tôi muốn đem về cho mấy người bạn tôi.

- Ối, ông khỏi lo nó sống thiên niên. Cần bẫy sập gãy xương sống vẫn sống nhăn.

- Nghe nói ăn thịt kỳ đà xui ba năm có không chú?

Tư Ó đáp:

- Cũng có thể có mà cũng có thể không. Tôi không dám nói chắc. Tụi tôi đi gài kỳ đà sau khi bò và xe bị bom chớ phải trước kia đâu.

- Để tôi bảo cổ cho mấy chú giấy về trong đó làm ăn.

Cả bọn sụp lạy tôi. Tôi xua tay:

- Mấy chú đừng làm vậy. Cán bộ địa phương lắm khi làm sai chánh sách.

Tư Ó nói:

- Tụi tôi, đứa nào cũng con cái cả bầy. Chúng nó đã về ngoài đó, bọn tôi ở trong này ngày đêm muốn khóc mà khóc không ra tiếng - Chú bảo tôi - ông có muốn đi quán thì theo con đường mòn này đi chừng trăm thước rẽ trái là đựng. Không có lựu đạn gài, hầm chông gì đâu. Đường trống mà! Ở sau quán có bụi sả, nhưng bà chủ chỉ chọn mặt mới cho, không phải ai xin cũng được. Ông nhớ xin bả tờ giấy dùm, tụi tôi đội ơn ông lắm..


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx