sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 20: Ăn Thịt Kỳ Đà Xui Hay Hên?

Tôi đến quán không gặp Út ở đó. Một cô gái có da có thịt mặc áo bà ba đen mốc mốc, mặt tròn trịa vui vẻ hỏi:

- Anh là anh Út hả?

- Tôi là anh của cô Út chớ không phải anh Út. Bộ cô ấy nói tôi là anh Út hả?

- Không! Ấy là em bói thế thôi.

- Sao dám bói vậy?

- Ở đây hễ đàn ông dắt đàn bà đi toòng teng vậy là bồ bịt vợ chồng thôi chớ không ai khác. Ví lại trông anh cũng xứng với chị quá hà!

Cô nhìn cái rộng kỳ đà và kêu lên:

- Anh không sợ xui hả?

- Tôi không tin dị đoan.

- Mấy ông bộ đội ăn dữ lắm! Nhứt là mấy ông cứt ngựa.

- Ông nào mà ông lính cứt ngựa.

- Mấy ông nói tiếng trọ trẹ ở lềnh trong rừng, anh không biết à?

- Người ta ở ngoài Bắc mới vô đó, phải giúp đỡ họ như tình cá nước.

- Bộ mình oánh không lợi Mỹ sao phải kêu họ vô vậy?

- Vô đông đánh thắng mau hơn.

- Mấy ổng dùng mìn đánh cá dưới suối dân xe bò sợ lộ ăn bom, tản cư hết ráo.

- Còn mấy ông đằng chòi kia kìa chớ đâu mà tản cư hết ráo.

- Mấy ông đó bị bom ăn hết xe và bò nên đang rầu thúi ruột ở đó chờ ngày vô thành.

Nét mộc mạc của cô gái làm cho tôi nhớ đến Bảo, em vợ của Trần Bá Xài. Không phải Xoài ở Miền Tây Nam Bộ. Hồi đó tôi mới hai mươi ngoài, trẻ quá: Tôi vừa ra trường Lục Quân xuống công tác ở trung đội của ông. Ông ta là một người Bắc rất đặc biệt. Thấy tôi dễ thương mặt mũi coi cũng được lại có chữ (chuyên trách dạy văn hoá cho trung đội). Một hôm ông bảo tôi về nhà ông già vợ chơi. Tôi ngồi xuồng theo ông..Về tới nhà gặp lúc gia đình có đủ mặt. Ông nói oang oang: "Bố a, bố, con dắt thằng này về gả cho con Bảo đó. Nó được lắm". Ông già cười và nhìn tôi: "Hễ mày chấm thì tao chấm!" Bá Xài kêu: "Bảo đâu, ra coi chồng em nè!" Cô Bảo trốn biệt trong buồng, chỉ có bà Xài ló ra. Bà ngó tôi rồi bảo: "Chú này coi được đến!" Thế là gia đình nhận tôi là người nhà.

Lúc gần tập kết, tôi đến gia đình Bảo ăn ở như con trong nhà, trừ chuyện chăn gối với vợ tôi. Bá Xài là người Ninh Bình nhưng không chịu tập kết. Ông ta đúng là một loại Hoàng Thọ ở miền Đông. Chỉ khác một điều là Bá Xài không chọc phá phụ nữ như Hoàng Thọ và vợ con đàng hoàng. Ra trận Bá Xài hét xung phong và bay tới trước. Lính nào nhút nhát về nhà ông bảo: đánh giặc dzậy không được nghe chú em! " Gặp tôi ở Bến Chắc Băng ông bảo: " Ra ngoài đó ăn cái đếch gì Quê tao, tao biết. Đói thấy bố cho coi". Tôi nói: "Ráng chịu đói hai năm rồi về ". Ông xùy một tiếng rồi quát: " Mày tin thằng đế quốc à?" Tôi nói tôi tin Trung ương chớ. ông vùn vằn: "Nhưng Trung ương lại tin thằng đế quốc nên mới hứa hai năm. Để rồi mày coi!" Và ông nhất định không đi mặc dù lúc đó ông là đại đội phó.

Tôi về Nam gặp nhiều người ở miền Tây lên hoặc trên đường về đó, tôi đều nhờ tìm dùm gia đình Bá Xài nhưng đều không có hồi âm. Tới bây giờ tôi vẫn còn yêu cái anh Bắc Kỳ lạ kỳ đó. Chao ôi chiến tranh làm tan nát đất nước bằng bom đạn. Còn tập kết làm tan nát tim người bằng những lời hứa hão. Nếu không có tập kết thì bây giờ tôi và Bảo đã con đùm con đeo.

Từ sau mối tình hụt đó, tôi cứ hụt luôn cho đến vừa rồi: Huỳnh Mai. Tôi đang đứng ngơ ngẩn dưới bóng cây thoáng nhớ dĩ vãng thì có tiếng nói sau nhà đi tới. Cô gái ngó ra và bảo:

- Má tôi với chị Út. Chị ấy nài má tôi con gà mái.

- Úy! gà mái để nuôi đẻ trứng chớ đem ăn thịt sao?

Út đi tới tay cầm mấy tép sả và mấy củ nghệ còn tay kia xách con gà xoè cánh la quác quác. Nàng cười phấn khởi:

- Má cho anh đó. Má nói anh lội Trường Sơn gian khổ má cho anh để bồi dưỡng.

- Má có mấy con gà để má nuôi cho vui nhà vui cửa. Anh có rộng kỳ đà đây mà.

Nàng không trả lời tôi mà bảo cô gái:

- Tám! vô lấy cho chị một gói bún, hai cái củ hành Tàu, một gói trà và hai hộp sữa. Ghi sổ cho chị nghe em. Kỳ sau chị trả luôn một thể. À quên hai gói cáp tăng nữa.

Cô Tám ngoan ngoãn lấy hàng bỏ vào một cái túi ni lông (chắc chắn hàng hoá lẫn chiếc túi này đều từ Sài gòn ra đây, chứ không phải của trong vùng giải phóng 3/4 đất đai của ông Thọ) buộc lại cẩn thận.để trên bàn rồi lấy tập sổ nợ ra, lật từng trang, đến chỗ chị Út thì dừng lại. Tôi nhìn vào thấy đặc nghẹt từ đầu đến cuối trang. Nhưng chưa hết, Tám phải dỡ sang, vẫn chưa dứt.

- Đâu em cộng thử coi chị thiếu bao nhiêu rồi.

Tám cầm cây bút nguyên tử hí hoáy một hồi rồi ngẩng lên nói:

- Nhiều quá, em cộng lâu lắm mới xong.

Tôi bước lại cầm tập vỡ lật xem thử. Thì ra bà khu ủy chiếm gần hết nửa tập giấy. Hàng hóa đủ loại, đủ giá được hài ra lễnh nghễnh như một bầy bò tí hon ngay hàng thẳng lối sửa soạn vào chuồng. Tôi hỏi nàng:

- Em mua hồi nào mà thiếu ấp lẫm vầy nè!

- Thì từ hồi em về đây tới giờ.

Có lẽ nhìn cặp mắt phiền trách của tôi, nàng hơi sợ, nên vội đính chánh:

- Nhưng đâu có phải một mình em dùng.

- Không dùng sao mua?

- - Mấy ổng đi qua đây...

Tôi cắt ngang.

- Ổng nào?

- Còn ổng nào nữa. Hội nghị năm bảy ngày, ưu điểm liền liền cũng bắt em mua ghi sổ, một ông đi lẻ tới đây than tới cơn ghiền đòi vài ba rê thuốc Gò, em cũng phải chạy cho ra, vài ông muốn UTQ cũng bắt em tìm cho được. Không mấy ngày là em không có khách. Tiền thì mấy ổng có phát cho đâu. Em toàn ăn chực ăn nhờ mua chịu mua thiếu. Nếu không đến quán này thì đi đâu?

Tôi nhìn qua suốt lượt, tính nhẩm hơn một ngàn đồng. Tôi bảo Tám:

- Anh trả cho chị một nửa trước, kỳ sau anh sẽ trả tất.

Bà má mừng ra mặt, nhưng không nói gì. Còn Tám thì lắc đầu, cười giả tạo:

- Không sao đâu anh cứ để đó, chừng giải phóng rồi trả cũng được mà!

Tôi rút tờ giấy 500 đặt trên bàn. Đây là tiền của thập phương cúng chùa. Của thiên trả địa. Chẳng sao. Má vui vẻ:

- Cô Út ở gần đây, gấp gì!

Tám xếp sổ lại và nói:

- Anh Út... ủa, anh có đi đâu, ghé qua quán em nghen!

Út lườm.

- Ảnh không có rảnh mà đi đến đây! - Nói xẳng xong, lại dịu giọng. - Em có rượu không..

- Má còn một lít để dành cho mấy ông Tư Quảnh và Ba Tô Đê gì đó.

Út bảo:

- Kệ mấy ổng! Mấy ổng thì cũng ghi sổ thôi chớ tài ba gì. Đưa đây cho chị. Rượu có đúng chữ không hay lạt nhách kháp bằng khoai lang như ở ngoài Bắc?

- Sao bà biết chuyện đó nữa bà nội?

- Cũng mấy ông cố về trong này tà loa cái miệng cho tụi xe bò nó cười xã hội chủ nghĩa chớ ai.

Trên đường về tôi cằn nhằn:

- Em làm vậy mất nhân tâm hết. Mấy người đánh xe bò...

- Nhân tâm gì tụi xe bò.

- Em nói vậy, lập trường để đâu?

- Người ta đi chống Mỹ rần rần, còn đám này ở nhà núp né để kiếm lợi.

- Em nói vậy mà không sợ mất quan điểm nhân dân sao?

- Cái đó em cũng học hoài, nghe cũng hay nhưng nếu ở đây mà mình xuôi chiều theo họ thì Cách Mạng chết ngay. Quận Tân Biên này sẽ không còn một người dân, Cách mạng lấy đâu mà dựa. Anh cũng biết, nếu em không cho du kích canh gác ở gần Mỏ Công thì đám xe bò này đã ra Tây Ninh hết rồi.

- Vợ con họ đã ra ngoải rồi phải không?

- Sao anh biết?

- Thì họ nói chớ. còn sao nữa.

- Cái đám này không chịu tuân kỹ luật. Em đã cho chúng nó học tập rồi. Bảo công tác vận tải là công tác vinh quang. Nếu không có gạo bộ đội và cơ quan sẽ chết đói. Họ đều thấm bài và giơ tay tán thành hết cả rồi, bây giờ than vãn với anh. Em phải cho cái đám này học tập thêm mới được.

Tôi thấy tội nghiệp nàng Út, một con người có một địa vị quá cao mà không hiểu gì hết, cả chính trị lẫn nhân tâm. Ở ngoài Bắc thì mắc cái bịnh thành phần. Trong cải cách toàn là đề bạt vượt cấp. Những ông trung đội trưởng cố nông lên tiểu đoàn phó, hoặc chánh trị viên tiểu đoàn. Đứng nói chuyện trước đơn vị không ra tiếng, lên giảng bài càng tệ hơn. Về trong này cũng lại thấy cái bịnh đó lan tràn. Một khu ủy viên như bà Năm Đang ở Củ Chi, chưa đủ lại thêm bà Út này. Khu ủy là một tổ chức đảng chỉ dưới Trung ương thôi. Nó nắm mọi công tác Quân, Chánh, Đảng của 8 tỉnh của cái gọi là khu 4, gọi theo bí số là I Bốn. Bí thư khu ủy đầu tiên của khu này là Trần Bạch Đằng, sau này là Võ văn Kiệt (ủy viên Trung ương kiêm Bí thư khu ủy). Bà Út này là một ủy viên trong cái khu ủy đó thì thử hỏi quyền hạn mênh mông tới đâu. Và bà ta được cắt cho làm chủ tịch cái huyện Tân Biên bây giờ còn không trên hai trăm dân, thì dân nào lọt qua nổi cái lưới sắt của bả? Tôi bảo:

- Em phải nhìn thấu tâm can họ chứ không nên chỉ thấy sự vỗ tay, giơ tay mà tường rằng họ tán thành. Miệng hoan hô mà bụng hô hoán đó em ạ.

- Ba cái đám này nếu ra ngoải thì cũng đánh xe bò thôi, giỏi lắm là chạy xích lô chớ làm gì được? Ở trong này phục vụ cách mạng chẳng vinh quang hơn sao? Không thấy bác sĩ kỹ sư ở ngoài Sài gòn còn vào đây phục vụ cách mạng đó à?

- Được mấy ngoe?

- Em không biết nhưng mà có thì thôi.

- Đó là loại trí thức cò mữa. Chúng nó nghe hơi nồi chõ tướng sắp ngồi vô mâm cao cỗ đầy rồi nên nhào vô đây kiếm chác huênh hoang chớ chẳng phải giác ngộ giác nghiếc gì.

Út cười:

- Anh chê quan điểm nhân dân của em, còn quan điểm nhân dân của anh thì sao?

- Em không có dự đại hội mừng công nên không thấy sự tẻng tuồng của họ. Họ tưởng họ được trọng vọng lắm. Chẳng ngờ vô đây bị ông Sáu Vi mắng như tát nước vào mặt mà ngồi im rơ như gà chết.

- Có vậy nữa à?

- Đi với đảng, trí thức bị sĩ nhục vô cùng. Anh ở ngoài Bắc anh biết mà. Đảng mượn trí tuệ của họ để lót đường chiến thắng thôi. Chiến thắng xong a lê ra ngoài hè ngồi chơi. Anh biết ông Bạch, ông Thuần bị đối xử ra sao mà. Để rồi em xem đám trí thức hùa này cũng sẽ lãnh cái số phận đó thôi.

Út ngó nhìn tôi, tròn xoe đôi mắt:

- Sao chuyện gì anh cũng biết hết vậy?

- Anh đi chỗ này chỗ nọ thấy nhiều chuyện. Dân Nam Kỳ mình còn một cái tai nạn riêng nữa. Đó là nạn Bắc Kỳ đỏ, đỏ đít.

- Anh nói gì vậy?

- Em biết lính Q16 đóng gần Trảng Bà Điếc chớ gì. Để rồi em xem, đám lính cứt ngựa này, nếu tên nào còn sống sót cũng làm quan to cả. Còn anh và em chẳng được xơ múi gì sau khi giải phóng. Cũng giống y như sau ngày ký kết hiệp định Giơ-neo vậy. Khi cần ngực đỡ đạn, cầm đầu đội bom có dân Nam Kỳ. Chiến thắng rồi lon gáo ai mang, ghế cao ghế thấp ai ngồi, chớ dân Nam Kỳ không có mó được đâu. (sẽ trở lại cái đám tàn quân này)

Út nhìn tôi càng tròn xoe đôi mắt. Tôi tiếp.

- Anh đánh giặc xong lần này là về vườn trồng cây nuôi cá, chấm dứt cách mạng luôn.

- Anh nói thiệt à?

- Nói chơi làm chi bà khu ủy!

út kéo vai tôi thật đau, bảo:

- Vậy sao còn lội Trường Sơn chi cho mệt?

- Ở ngoài còn mệt hơn lội Trường Sơn em ạ!

- Anh chỉ đâm hơi không hè. Người ta bảo bà Hồ thị Bi ra ngoải được Bác Hồ cưng lắm.

- Ừ, cưng lắm!

- Bà ấy được Bác Hồ cho ăn cơm chung mâm một tuần hai ba lần, bác Hồ còn thưởng huân chương cho mấy cái liền. Bác Hồ còn khen bả là con gái của Thành Đồng Tổ Quốc, có không?

Tôi gật. Út tiếp:

- Đến nổi chị Út Tịch ở trong Trà Vinh mà bác còn gởi áo lụa tặng. Có không?

- Ừ có, có hết. Bà Bi có thành tích kháng chiến tư thời anh Ba Tô Ký mới cưới vợ hồi 1947 tới bây giờ. Bả được phong chức đại úy rồi lên thiếu tá.

- Ghê vậy à.

- Nhưng đã trên năm mươi mà chưa ai dám mó tới. Cái mặt bả như miếng cau khô, còn thân hình như con cá hô. Ngực đeo huân chương đỏ nghế, em có mê không.

- Không! em không mê đâu.

Tôi tiếp:

- Còn bà Út Tịch ở Trà Vinh được bầu là dũng sĩ diệt Mỹ toàn Miền nam. Bả bỏ bầy con đói ở nhà để đi lùng diệt Mỹ. Và cuối cùng đã rửa chân leo lên bàn thờ bỏ con mồ côi bỏ chồng ôm cột nhà kêu trời không thấu, em có thích được làm bà Út... Tịch không?

Út lắc đầu nguầy nguậy.

- Thôi đi Em không chịu đâu.

- Vậy chịu gì.

Ú nhìn tôi tình tứ, mắt long lanh.

- Em chỉ thích...

Trong giây phút ấy, tôi thấy Út trở lại con người bình thường của nàng. Tôi khẽ hôn lên má nàng. Nàng chìa má khác Thấy nàng vui vẻ, tôi bèn nhân dịp tốt, uốn nắn luôn:

- Em nên trả hết số nợ cho bà má đi. Để vậy khó coi lắm. Người ta buôn bán cần vốn.

Út lại sòng sọc nhìn tôi vì cái lập trường bị chạm. Nàng vênh váo:

- Đó là con buôn. Mình phải dứt khoác như vậy mới đối xử đúng chính sách.

- Chính sách gì?

- Chính sách đối với con buôn. Đó là hạng người bóc lột như địa chủ.

- Thương buôn không phải là dân Việt Nam à?

- Em được học về giai cấp rồi. Thương buôn là tư bản nhỏ. Khi nó làm giàu nó sẽ trở thành tư bản lớn, bọn cá mập. Vậy mình phải chặt vi lột vảy nó ngay từ bây giờ.

- Ừ lột được hai cái vãy của nó là con gà này và cuốn sổ nợ kia phải không?

Út tịt luôn, không nói nữa. Tôi bảo:

- Anh đi nhiều nơi, anh thấy nhân tâm không còn ngã về chúng ta nữa. Họ muốn xa lánh chúng ta, vì đi theo chúng ta lúc nào cũng sợ bom đạn và bị chúng ta bắt nạt. Hồi kháng chiến chống Pháp, bộ đội đi tới đâu dân mần heo mần bò đón rước linh đình tới đó, có đâu mà ăn muối ở ngoài rừng như bây giờ. Nhờ sự tin yêu đó mà ông Tô Ký đầu đã hai thứ tóc mà cưới được cán bộ PNCQ 18-20. Dân là nước, quân là cá. Quả thời đó có đúng, còn bây giờ...

- Cũng cá nước chớ không à. Má và con Tám thương em lắm, không cá nước thì sao được vầy.

- Ừ cũng nước nhưng nước sôi, cũng cá nhưng cá luộc.

Út gạt ngang:

- Thôi anh đi, nói toàn chuyện bất mãn không hè!

- Đó mới là lót lòng sơ sơ chưa phải bữa ăn chính.

Về tới nhà, tôi bỏ rộng kỳ đà xuống đất, Út treo con gà lên nhánh cây. Một cậu bé mặt vàng khè, bạnh ra như phù thủng chạy ra nhìn tôi trân trối. Tôi cũng nhìn cậu ta. Út hỏi:

- Anh muốn ăn kỳ đà hay ăn thịt gà trước anh?

- Có một con bị bẫy đập gảy xương sống của ông Tư Ó biếu, nên làm trước để nó chết.

Út dẫy nãy:

- Bộ anh trả tiền ba con kia hay sao?

- Vậy em bảo anh giựt của người ta à?

- Em đã nói thằng cha Tư Ó là cầm đầu nhóm xe bò bất mãn đó. Anh làm vậy từ rày trở lên, nó được mợi em phải trả tiền kỳ đà cho nó.

- Vậy lâu nay bắt ngang của người ta à?

- Em cho nó nghỉ gác, chỉ đánh xe bò còn muốn gì nữa.

Thấy cậu bé nhìn tôi trân trân, Út bảo:

- Anh của tôi ở ngoài xã hội chủ nghĩa mới về đó. Hôm nay tôi đãi ảnh một bữa. Cậu bắt con kỳ đà làm lông đi rồi đem vô cho tôi xào nấu.

Cậu bé "vâng" làm tôi nhận ra cậu là người Bắc. Cậu mở nắp rộng nắm đuôi con kỳ đà bị thương ra ngoài, tôi đậy nắp lại và hỏi:

- Em biết làm không?

Út nói to:

- Nó làm hoài thôi anh đừng lo.

Tuy Út nói vậy, nhưng tôi vẫn theo thằng bé ra bờ suối:

- Em vô đây hồi nào?

- Dạ mới đây thôi.

-Bộ sốt hả?

- Dạ em sốt cách nhật. Hai ngày một cữ.

- Chưa cắt được à?

- Dạ chưa? Lại thêm chứng phù. Anh coi chân em nè.

Cậu bé đưa ngón tay vào bàn chân trái rồi rút tay lên

- Ăn ba cái thịt này càng hại.

Tôi thấy một lỗ.

-Đúng là bệnh thũng đến nơi.

Bỗng cậu nói:

- Em có gặp anh ở ngoài Bắc.

- Ở đâu?

- Ở thị xã Sơn Tây. Tại nhà ông chủ tịch thị xã.

Tôi sực nhớ ra:

- À phải! Tôi có đến đó.

- Em đến chơi, gia đình hỏi anh đâu lâu quá không thấy tới.

Tôi cười:

- Hồi đó tôi cũng gấm ghé định cấy su hào rồi chớ!

- Chị ấy tên Oanh phải không anh?

- Đúng.

Út ra thềm nhà gọi. Tôi vào. Nàng bảo:

- Anh coi đủ mọi thứ chưa?

- Bộ em tính nấu kỳ đà hả?

- Tùy anh. Ăn rồi rủi có chuyện gì xui xẻo anh đổ thừa cho em.

- Hồi lội Trường Sơn anh cũng gặp kỳ đà. Cả đội làm thịt đắp đầu gối xong rồi đi khoẻ ra phết, có thấy xui xẻo gì đâu.

- Anh lấy thịt kỳ đà đắp đầu gối thật sao?

- Đã bảo vậy mà còn hỏi.

- Đắp vậy một chút rớt làm sao?

Tôi cười xòa:

- Cái cô khu ủy này khờ quá đi. Nói vậy chớ ai mà đắp? Cũng như mình nói đội pháo, đội bom chớ có ai đội bao giờ đâu.

- Sao không có. Nó rãi trên đầu như rãi lúa cho gà vịt ăn không đội là gì.

- Em có đội lần nào chưa?

- Sao mà không có. Cả chục lần rồi.

- Vậy đầu em cứng quá hả. Đội bom mà cái đầu còn nguyên. Nay mai chắc còn đội mạnh hơn nữa!

- Sao vậy?

- Mỹ vô.

- Vô Đồng Dù em biết rồi. Anh về Củ Chi gian nan lắm đó.

- Ở đây cũng có khoẻ gì?

- Bây giờ còn hơi yên yên, nhưng chắc vài ngày nữa tình hình sẽ động liên tục. Tụi nó cho một lữ đoàn đến Tây Ninh rồi.

- Do đó anh phải về Củ Chi gấp gấp. Nếu không nó cắt đường không có lối về.

- Anh định ở luôn dưới đó hay sao?

- Anh đâu có định được việc gì cho anh đâu.

Út đã làm xong con gà. Nàng bảo:

- Để con kỳ đà ở đây cho chúng nó. Anh với em ra phía sau này chút.

- Ở đây có sẵn bếp còn đi đâu nữa?

- Anh vào chỉ cách em làm một ít bảng thuế.

Tôi đoán là không phải thuế má gì. Nàng dư biết tôi là con nhà đánh đấm, biết quái gì mà làm thuế. Nhưng tôi cũng phải đi theo cho đúng khẩu hiệu cá nước chi tình.

Nàng bảo cậu bé mọi việc, cuối cùng còn dặn:

- Có ai đến tìm, nói chị Út sáng mai mới về nghe cưng! Chị xuống văn phòng nhờ ông anh chỉ cho mấy công tác quan trọng!

Nói xong, Út quảy ba lô, tay xách giỏ trầu tay xách con gà và các thứ lặt vặt vừa mua ở quán. Nàng dắt tôi theo đường mòn đến một ngôi nhà nhỏ khuất phía sau. Vừa bước vào tôi hơi ngạc nhiên: Đúng là một cái nhà xinh xắn có đầy đủ tiện nghi. Nàng cười, nhìn tôi một cách tình tứ:

- Anh muốn làm chủ cái nhà này không, em cho anh đó.

Tôi ứng khẩu đáp ngay:

- Làm chủ của chủ nhà mới thích chớ làm chủ cái nhà thì không thích.

Út trừng mắt:

- Ừ thì làm chủ ai cũng được.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx