sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 27: Giặc Giả Gì "Oánh" Mấy Chục Năm Chưa Dứt!

Đi về phía rừng Bời Lời tôi càng thấy cô đơn. Tôi đi ẩu quá không theo đường dây giao liên mà cũng không mang theo một cậu nhóc để đỡ tay đỡ chân. Nếu tôi bắt thằng Bắc kỳ con đi với tôi thì nó thích lắm (Thay vì ở lại phải xách nước cho bà khu ủy tắm) Và chắc là bà khu ủy cũng cho nó đi ngay để giữ mối dây tình giữa tôi với bà.

Bên này sông Bà Hảo tôi không sợ biệt kích bót Suối Đà nữa, nhưng lại phải căng tai trố mắt ra mà canh chừng máy bay. Một vùng rộng mênh mông đã bị cày láng không còn một gốc cây trải ra trước mặt tôi. Tôi móc súng ra lắp đạn lên cò nhỏ và tìm một mô đất để ngồi, nhưng sực nhớ đến con ve mà nàng Út nhắc hôm nào tôi chỉ đứng tựa vào gốc cây Tội nghiệp thân cây bị một vết đạn xé ra kinh khủng. Nếu có gió to nó sẽ gãy cụp.

Tôi ngoảnh nhìn lại. Rừng cây che khuất bờ sông, nhưng tôi vẫn còn trông thấy người đàn bà đứng đó. Rồi thấy cả Mai Khanh ở ven rừng. Rồi thấy Huỳnh Mai, Thu Hà ở sau thân cây bàng lăng. Tôi giã từ tất cả những gì thân yêu sôi nổi nhất của đời tôi để lăn thân vào gai góc chết chóc.

Bỗng dội lên tâm trí tôi câu nói của nàng Út: "Nếu em có bầu em sẽ về nhà luôn để nuôi con! ". Câu nói đó làm cho tôi xốn xang và thấy thương nàng vô cùng. Nàng như một thứ ngợm bắt làm anh hùng. Đã là anh hùng được tung hô inh ỏi mà vẫn không hiểu anh hùng để làm gì. Và cuối cùng chỉ mơ ước có một đứa con để làm cái cớ bỏ công tác. Không phải chỉ một mình nàng mang nổi ước mơ đó mà Mai Khanh, Huỳnh Mai và những người con gái khác yêu tôi cũng muốn có con. Tôi mới hiểu ra cái tâm lý của họ là họ sợ chết thình lình mà không có chồng có con. Đúng ra, họ muốn sống cuộc sống bình thường: một mái nhà, một cái giường ngủ, một cái bàn ăn và một người đàn ông mà họ gọi là chồng, một đứa bé mà họ gọi là con.

Tôi cũng thế. Tôi ngao ngán đến cực độ cái cuộc chiến tranh này. Ba mươi ba tuổi, chưa già nhưng không phải là trẻ. Người ta nói tuổi tam thập là tuổi lập thân. Tôi đã làm nên trò trống gì ngoài ba cái kiến thức pháo binh. Đi đâu cũng được gọi là thầy nhưng rồi ngó đi ngó lại, đời tư trống không. Bao nhiêu cuộc tình qua là bấy nhiêu chua chát và đau khổ. Ly biệt Thu Hà, vĩnh biệt Huỳnh Mai, tạm biệt Ba Ánh, Mai Khanh, Út...

Một đứa con! Đã từ lâu, từ lâu lắm cơ, tôi cũng mơ ước có một đứa con. Đứa con là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời. Do đó vợ chồng không con đi xin con nuôi. Con người ngày xưa cũng thế mà bây giờ cũng thế. Vua chúa cũng thế mà thường dân cũng thế. Tại sao Triệu Tử Long đoạt ấu chúa? Tại sao Tạ Nguyệt Kiều phải rời cung để về San Hậu thành. Tại sao Quách Hoè ly miêu hoán chúa? Tất cả chỉ vì đứa con. Tôi đã sống trong cảnh gia đình êm ấm, có mẹ có cha, có anh chị em. Cha mẹ tôi chỉ mong tôi lớn lên là cưới cô bạn cùng lớp của tôi cho tôi. Nếu không có cuộc cách mạng tháng 8 thì bây giờ tôi có một bầy con. Nhà cửa chắc là vui lắm.

Tôi rời gốc cây đi theo đường xe bò cắt ngang qua một khu rừng thưa. Đất nhảo quấn vào dép nặng nề, tôi phải lột ra xách tay và lội chân không. Gan bàn chân cứ nhờn nhợn sợ dẫm lên mảnh bom. Ở Trường Sơn mong được đến R. Đến R thì lại ước được về đồng bằng. Thì đây là đồng bằng. Tầm mắt không còn bị chắn ngang nữa, nhưng tâm trí lại nặng nề những ưu tư, những dằn vặt, khổ tâm.

Củ Chi là xa xa kia chứ gì? Cái thân bé mọn này sẽ đem ra đấu với những khối thép khổng lồ trên chiến trường đó: những phản lực thần sấm, B52, những cá nhái, cá rô, đầm già, cà nông đủ cỡ sẽ chĩa vào tôi, trong khi tôi chi có hai bàn tay với một tâm trạng của một An Lộc Sơn trấn nhậm Bình Lư, một An Lộc Sơn rời bỏ Dương Quý Phi với nổi uất ức lật đổ hôn quân chiếm lại người yêu, còn tôi thì mong gì? Bọn râu rìa mặt đỏ từ Hà Nội vào ngập cả Bộ chỉ huy. Làm sao tôi chống lại được dù rằng đã thấy trước đất Nam kỳ sẽ là thuộc địa vĩnh viễn của lũ đầu bò Hà Nội, một thứ đế quốc xâm lăng ngay cả dân tộc mình.

Khu rừng Bà Hảo không lớn lắm. Chỉ lội chừng hai tiếng đồng hồ là ra khỏi. Lần trước đi theo Ba Tố về trường pháo binh tôi đã đi ngang qua đây. Mới đây mà đã một năm rồi. Hồi trước cây lá còn xanh tươi. Bây giờ chất độc đã làm cho nó thành những bộ xương đen nám chơ vơ. Tôi thấy hơi khó thở nên cố vượt qua nhanh. Xóm Lò Than đây rồi. Đường đất cát pha nâu sậm như ở vùng Quảng Xương Thanh Hóa. Tôi bẻ một nhánh cây khô cháy vì hóa học, định sẽ dùng gọt đất dính ở dép nhưng giật mình: không biết chất độc có ăn vào da không, nên quăng đi và tìm nhặt một hòn đá nhưng lại bắt gặp một mảnh bom vùi trong cát. Tôi nhặt lên. Mảnh bom bằng hai ngón tay và dài một gang giống như miếng thịt hai lạng rưỡi mua ở phố Huế Hà Nội. Tôi dùng nó như con dao cạo hết đất ở dép và thọc chân vô. Bước đi nhẹ nhõm.

Xóm Lò Than ngày nay chỉ còn lưa thưa vài mái nhà với vườn tược xơ rơ vài gốc mít vài bụi tre nhưng không cây nào nguyên lành. Năm ngoái khi Mỹ chưa vô thì đây là nơi đông dân cư. Dân làm nghề hầm than để chở ra bán ở Cần Khởi, Rỗng Tượng, Cẩm Giang. Nay họ đã tìm cuộc sống ở ngoài vùng quốc gia. Chủ nhà nào gan lỳ mới còn nấn ná ở đây.

Tôi đi trên con đường xe bò bọc theo ven rừng. Ra khỏi xóm nhà Lò Than thì thấy khu vườn Cần Khởi ở bên kia cánh đồng mênh mông với những mái nhà san sát, ống khói nhà máy bên cạnh những mái ngói đỏ au. Chỉ cách một cánh đồng mà bên kia là cuộc sống còn bên này là cái chết. Tôi có cảm tưởng như đó là dãy phố Khâm Thiên, Ngã Tư Sở Hà Nội. Tôi thấy khát nước nhưng bình toong đã cho rồi. Làm biếng vào nhà dân xin nước nên tôi ngồi phệt dưới gốc cây, không sợ con ve cắn nữa.

Tôi đang hồi tưởng lại cuộc sống hạnh phúc ba ngày với nàng Út vừa vuột khỏi tay thì nghe có tiếng leng keng rồi một chiếc xe đạp từ khúc quanh trước mặt tôi trờ tới. Tôi nghĩ: có lẽ nó bảo mình ngồi xít vô tránh đường cho nó chạy, nên đứng dây sụt vô rừng. Chiếc xe đạp vừa tới thì tôi kêu lên:

- Ê, Lạn!

Người cởi xe đạp đang cụp cổ, nghe kêu bỗng ngước lên.

Tôi trêu luôn:

- Bộ đi thồ heo hay đi đâu mà gấp vậy?

Thằng Lạn - kẻ cởi xe là Lạn - đưa chân lên thắng bánh sau. Chiếc xe vẫn trờ tới trước.

- Ai vậy?

- Hai Lôi nè.

- Trời đất. Anh Hai!

Nó vừa kêu vừa nhảy xuống, hạ chiếc xe xuống đất rồi nhào tới ôm tôi rối rít:

- Anh đi đâu đây. Sao đi có một mình vậy? Đây là khu oanh kích tự do của Mỹ.

- Oanh thì oanh chớ.

- Anh có thấy B52 cày bên kia sông Bà Hảo không? Rùng rợn quá hở anh - Tôi chưa kịp nói gì Lạn đã tiếp - Hàng trăm con gái, thanh niên, xác vùi luôn dưới mấy hố bom đó anh.

- Sao không chôn cất đàng hoàng mà làm gì như nhận mắm vậy?

- Trời! cả hai trăm mạng, mất đầu, mất tay, thịt xương bấy bá. Du kích ở đó phụ cho là phước. Cứ lượm xác rồi tuôn xuống hố bom lắp lại thôi.

Tôi bảo:

- Tối qua anh căng võng ngủ một mình với đống lửa, phía bờ bên kia cách sông vài trăm thước.

Lạn quay mặt lại, cau có giận tôi:

- Anh ẩu quá, chết một mình anh mà còn tội nghiệp người khác.

- Ai?

- Chiều em đưa anh về Trảng Sa thì biết. Thôi, lên xe cho em chở đi ra khỏi nơi đây rồi anh muốn gì sẽ tính.

Vừa nói nó đỡ chiếc xe đạp đậy. Tôi như được gặp tiên. Tôi phóc lên poọc-ba-ga ngồi. Thằng Lạn đạp thật nhanh.

Tôi trêu nó.

- Bộ mày mới đi Liên Xô về hay sao coi bảnh vậy?

- Ừ, em ở Mạc Tư Khoa về đây.

Hai anh em cười xòa. Tôi đưa tay cầm chiếc bình toong đeo bên hông nó, lắc lắc. Nó biết ý, lột ra đưa cho tôi. Tôi nốc một hơi, nhét nút đeo vào vai rồi hỏi:

- Nước nào ngọt vậy?

- Nước sông Bà Hảo chớ nước nào.

- Mày đi tới đó à?

- Trạm trên R đặt ở bên kia sông. Anh đi đường nào mà hỏi vậy?

- Cũng đi đường đó chớ đường nào!

- Sao không chờ giao liên mà đi cu ki như thế này.

- Tao không thấy giao liên đâu hết nên nóng ruột đi bừa.

- Ông nội ơi! Từ rày đừng có đi hoang mang tạc lộ vậy nữa nghen. Đó là tử địa! Bây giờ em đưa anh ra xóm nhà ngồi nghỉ chân chờ em lên giao công tác và rước khách rồi trở về đưa anh đi. Đừng có đi lang bang nữa nghe ông nội! Được không?

- Không có khách khứa gì trên đó đâu.

- Nếu vậy thì để mai em sẽ đi công văn cũng không muộn. - Vừa đạp, nó vừa tỉ tê - Bây giờ găng gấp mười lần hồi anh xuống kỳ trước. Bây giờ mình chỉ còn sống về đêm. Rừng Bời Lời vừa bị B52 vừa bị chất độc. Cơ quan bây giờ như chuột bị cháy nhà chạy tán loạn ra đồng. Thằng Mỹ chơi ác thật anh ạ. Nó vừa mới đến mà tình hình thay đổi hẳn. Củ Chi bây giờ toàn là ở hầm.

Tôi buông một câu ba phải.

- Coi bộ khó khăn nhiều hả?

- Ở Trảng Cỏ bây giờ họp chợ ban đêm, người ta ngồi chồm hỗm ở ven rừng, ở ngoài ruộng. Tối nay em sẽ dẫn anh đi. Cả một cánh đồng, ở chỗ nào có ánh đèn, có tiếng radô thì chỗ đó là chợ. Đủ mặt bá quan hết. Nào hậu cần 83, nào tỉnh đội, tiểu đoàn 14 Tây Ninh, các cơ quan hành chánh, cấp ủy địa phương, rồi một cơ quan quân khu cũng tham gia vô, sau cùng là đám cóc nhái giao liên tụi em - Lạn vừa thở hổn hển vừa khoe tình hình mới - Bây giờ, ló ra một bước là phải coi chừng đám cá rô.

- Là cái gì nghe lạ vậy?

- Là trực thăng quan sát đầu tròn như cái gáo, có khả năng bay đứng một chỗ hay sà xuống ném lựu đạn vô miệng hầm hoặc lính nhảy xuống bắt người rồi tưng lên trong nháy mắt. Bộ ở trển không có loại đó sao anh?

- Không thấy.

- Nếu đi một mình thì anh đi theo đường xe bò, tức là anh phải đi băng qua rừng Bời Lời. Phổi của anh sẽ vỡ ra mất.

- Sao vậy?

- Em đã bảo Bời Lời bị hóa học. Trời nắng mà anh lội suốt bốn tiếng đồng hồ hít thở ba cái thứ đó hỏi phổi phèo nào còn được? Tụi Mỹ này chơi nhiều cú độc hại lắm anh ạ.

- Còn gì nữa?

- Nội cái pháo của nó mình cũng đủ khùng rồi. Em nghiệm ra Thần Sấm bỏ bom là trò chơi. Đầm già vừa bắn điểm là em chạy tuốt ba chục công bề đứng rồi. Tha hồ mày bỏ bom bi bom đìa. Còn thằng pháo, nó nện nghe cái phụt mình có biết đạn rớt ở chỗ nào mà tránh. Tường nó rớt đâu đâu, ai dè nó rớt ngay mâm cơm hay giường ngủ mới bỏ bà chớ. Đồng bào ở Củ Chi bảo pháo là thằng đui. Cứ đập bừa nhưng mình không đỡ được.

- Bộ chú tưởng tôi không biết ba cái ngữ đó à?

- Ý quên, quên, anh là thầy pháo.

- Tao ớn nhất là hóa học. Tao đã từng chạy nín thở qua nhiều khu vực bị rải hóa học rồi.

- Trên R cũng bị à?

- Không! Trên đường Trường Sơn, khi qua hai con đường 13, 14. Y như mình lủi trong khu nhà cháy. Mắt cay xé, mặt nóng bừng, mũi chảy nước. Phải nín thở chạy bạt mạng. Đồ đạc có sút văng ra cũng bỏ không dám dừng lại lượm. Tụi nó mà chơi mình bằng hóa học ở đây tức là nó chiếu cố mình số một đó em. Bây giờ cậu tính về Trảng Cỏ bằng đường nào?

- Em sẽ không qua suối nhánh Bời Lời mà em đi đường suối ông Hùng để xuống Bà Nhã. Em đạp xe trên đường lộ khoẻ re thôi.

Tôi bảo:

- Cậu đừng có khinh thường lính Dầu Tiếng. Chúng thường trà trộn trong dân cạo mũ qua Bến Củi. Chúng thường phục kích trong vườn cao su. Bộ cậu tính đèo tôi nộp cho chúng nó hả?

- Sao anh rành hết vậy?

- Trước khi đi tôi phải hỏi các ông đi I/4 về R chớ bộ nhắm mắt mà đi à? Vùng đó tôi cũng biết hồi chín năm.

- Anh tin em đi. Mới vừa rồi, em đèo ông Tám Thanh (Quân báo I/4) đến làm việc với ông Ba (Quân báo cục R)cũng bằng con đường này. Bữa nay em sẽ đưa anh đến trạm nghỉ ngơi rồi mai em sẽ đưa anh xuống I/4. Tình hình lúc này găng lắm. Anh không nên đi một mình nữa. Cá rô nó rỉa mình hằng ngày đấy. Rủi bị thương làm sao?

- Tao biết tình hình găng nhưng không ngờ nó găng đến thế.

Tôi trỏ tay về bên phải hỏi:

- Xóm nào vậy Lạn?

- Đó là Truông Mít phía quốc lộ I. Đường đó đi xuống đụng Trảng Bàng.

Lạn chạy bon bon như bay. Quả không hổ danh thằng Lạn. Có lúc nó chạy trên đường ngoằn ngoèo trong rừng chồi, có lúc nó phóng qua đồng trống. Qua những khu vườn thấp nó khom mọp xuống như cua rơ đến nước rút. Một lúc, đến bờ suối, nó bảo:

- Đây là suối ông Hùng - rồi dừng xe lại giục - Qua mau anh!

Rồi vác xe lên vai. Tôi vọt nhanh qua suối. Lại phóng tiếp. Chập sau đến một xóm nhà. Nó bảo:

- Đây là xóm ông Hùng! Trước kia có quán bán hủ tiếu. Thời ông Diệm có xe hơi đi Dầu Tiếng chạy qua con đường này. Từ ngày Đồng Khởi, đồng khô luôn.

- Mày nói điên cái gì vậy Lạn.

- Em nói thiệt mà! Bà con bảo thế đó. Số là mình phục kích xe đò bắn chết lính lẫn dân, rồi đốt xe. Cho nên con đường này bỏ hoang cho tới bây giờ. Tuy vậy chủ xe vẫn phải đóng thuế cho cả hai bên. Từ ngày Mỹ vô, vùng này và bờ sông Bà Hảo bị chụp mấy lần tiêu hết.

Qua mấy cái nhà có vẻ ủ rủ, tôi thấy trước hàng ba treo vài nải chuối hoặc một xâu bánh ú. Tôi hỏi:

- Đói bụng chưa Lạn?

Lạn vẫn đạp trối chết và đáp:

- Đói nhưng không ngừng xe được đâu anh. Nó chụp bất tử lắm.

- Bộ nó biết đường dây của mình à?

- Biết tỏng đi rồi!.. Du kích ở đây còn có hầm hố lẫn hầm bí mật để chui. Còn mình như cá thòi lòi không hang, lớ ngớ là bị nó tóm gọn thôi. Mới vừa rồi một đoàn cán bộ từ R xuống. Các ông các bà từ rừng xuống thấy quán xá thì khoái bèn ghé lại ăn hút và căng võng ngủ phè phè. Sáng không chịu thức dậy. Thình lình một bầy cá nhái tới đổ quân...ụp hết ráo. Lớp bắn chết lớp bắt sống. Mấy chục.

- Không chạy kịp à?

- Nó không dọn bãi như thường lệ nên đâu có biết mà chạy. Do đó bây giờ, đi qua xóm này không ai còn dám nghỉ chân nữa. Chỉ còn vài cái quán mà cũng thập thò chớ không dám mở to như trước. Vì nếu mở to thì cán bộ đi vào. Hễ thấy đông là nó chụp. Tụi nó có điệp viên nằm đâu đây anh ạ.

Tôi sực nhớ vụ Cọp ba móng ở khu 7 hồi chín năm. Chúng ngụy trang bằng áo da cọp, đào hang nằm trong rừng. Cán bộ đi qua nó ám sát và lấy tài liệu. Tụi Mỹ này còn lắm ngón nghề hơn thế nữa. Bỗng nghe tiếng động cơ. Tôi bảo:

- Nó tới kìa. Đ... bà, tới nhanh thế!

- Kệ nó, mình đã lọt vô rừng rồi.

Bầy trực thăng bay thấp. Tôi nhìn thấy những cái đầu đội nón sắt qua cửa sổ. Lạn bảo:

- Bây giờ ở dưới này tụi nó đổ chụp như cơm bữa, hơi đâu mà lo. Hễ nó đổ thì mình chạy, có chỗ chui thì chui, không có chỗ chui thì lũi, không khỏi thì bị bắt. Cần nhất là nếu liệu chạy không khỏi thì đừng có chạy nó bắn chết. Thế thôi.

- Tụi này đi hướng nào vậy?

- Củ Chi đó.

Lạn vẫn thuyết trình liên miên:

- Ở dưới đó bây giờ dân đi ra ấp chiến lược hết rồi. Ai còn ở lại thì giỡ nhà để xây hầm. Làm gì cũng ở dưới hầm. Ló lên mặt đất là sợ pháo. Pháo ác lắm anh ơi. Lần trước anh về nó cũng đã ác rồi. Bây giờ gấp trăm. Nó có thứ pháo gì bắn đạn tới mình nổ rồi mới nghe tiếng đề- pa vậy còn tránh né làm sao được.

Tôi biết đó là pháo nòng dài siêu âm 175 ly, nhưng không nói ra. Lạn chạy một lúc nữa thì bảo:

-Đây là thuộc đất Bà Nhã. Đó anh coi có đúng như lời em nói không. Tất cả đều điêu tàn. Rừng cao su bỏ hoang mấy năm nay bây giờ lại ăn bom lẫn chất độc. Mấy ông tiểu đoàn 14 của tỉnh Tây Ninh và Hậu Cần 83 bấy lâu nay trú ngụ trong đó, bây giờ hết ở được rồi phải ra ngoài dân. Dân bỏ đi hết rồi, mấy ổng cứ vô nhà ở đại.

Lạn trỏ tay về phía trước:

- Chạy thẳng chừng vài cây số nữa là tới bờ sông Sài gòn.

- Vậy tới Củ Chi rồi sao.

- Cũng gần. Nhưng ở đây còn thuộc Tây Ninh. Anh coi đó ruộng ở đây thuộc loại đất tốt nhưng dân đi hết, cỏ lác lên ngập đầu.

Chạy một lúc nữa thì đến một xóm nhà nằm lẫn trong vườn cây xanh tươi không có dấu vết bom đạn. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì Lạn bảo:

- Đây là vùng rìa của tụi nó, máy bay pháo đều không đánh. - Rồi Lạn dừng xe lại - Mình xuống nghỉ chút rồi đi Nếu có lính rượt thì mình lũi vô rừng cao su bên kia đường. Tụi nó không đuổi theo kịp.

Từ lúc vào đường Trường Sơn đến nay, đây là lần đầu tiên tôi được đi giữa một xóm nhà nguyên lành, tuy không an ninh lắm cho mình, nhưng cũng thấy thảnh thơi, cái thảnh thơi phút chốc của một tên đạo tặc dừng chân bên chiếc quán bên đường uống nước nhưng mắt láo liên sợ làng nước đuổi bắt.

Lạn rẽ vào một lũy tre rồi đến một khu vườn rất đẹp. Thoạt nhìn tôi biết đây là một cái quán cóc. Phía trước bắc một cái băng dài. Lạn chạy rà tới bên chiếc băng rồi nghiêng xe cho tôi xuống. Lạn vừa dựng xe xong thì một bà cụ đầu bạc bước ra, miệng móm mém nhai trầu. Bà cụ làm tôi suýt kêu lên Bà ngoại! Đây cũng là lần đầu tiên tôi được gặp một bà cụ xứ tôi từ sau tập kết đến giờ. Một bà cụ ăn trầu với gương mặt hiền đức. Lạn trỏ bánh ú và chuối, hỏi:

- Bánh cuối này bán sao má?

Bà cụ bảo:

- Chuối bán theo nải, tùy nải lớn nhỏ còn bánh thì năm cắc một cái.

Tôi hỏi:

- Nhưn ngọt hay mặn vậy bác?

- Mặn có, ngọt có.

Tôi nói:

- Vậy bác để cho cháu một xâu mặn một xâu ngọt và hai nải chuối to trái nhất.

Lạn trố mắt:

- Ăn gì hết anh Hai.

Tôi lại hỏi giá thuốc rê vàng tươi như thuốc xiêm mạng Cao Lãnh để trong thùng kiếng. Bà cụ không nói giá mà bảo:

- Thuốc này mấy chú bộ đội kén lắm mà cũng phải khen. Chú em rứt thử một điếu hút rồi biết. Tôi không có tiên triền đâu!

- Vậy bác gói cho cháu hai rê với hai ngọn giấy huyến.

Mua xong, hai anh em ngồi trên băng lột lá bánh ú ăn.

Tôi nói với bà cụ:

- Bánh này bác gói hay đếm lại của ai mà ngon quá. Nếp dẻo mà nhưn cũng vừa ăn.

Bà cụ đáp:

- Con gái tôi nó gói? - Bà nhìn tôi và tiếp - Chú kia thì tôi quen mặt, còn chú em đây thì tôi mới gặp lần đầu.

- Dạ cháu mới tới đây bác ạ!

- Bộ chú ở ngoài Bắc mới vô hả?

- Dạ không, cháu ở đây.

- Tôi nghe tiếng nói pha của chú thì tôi biết. Tôi cũng có thằng con đi ở ngoải mà sao không thấy về. Bộ đội đi qua đi lại đây hoài mà tôi không thấy nó.

- Dạ chắc ảnh sắp về rồi đấy bác!

- Nghe nói hai năm tôi mới để cho nó đi. Hai năm gì lâu dữ vậy!

Tôi làm thinh. Bà cụ tiếp:

- Phải nó ở nhà thì bây giờ tôi đã có một bầy cháu nội rồi.

Vô tình bà cụ lại khêu động mối thương tâm trong lòng tôi. Tôi đã về đây mà không làm sao cho ba má tôi được một đứa cháu. Chiến tranh đã phá tan hết mọi thứ, từ ngoài mặt đất đến trong lòng người.

Ăn xong, chúng tôi chưa kịp xin nước uống thì bà cụ đã đem ra một tô nước mưa. Cái tô Ông Rồng to sao mà giống cái tô ở nhà tôi để dành uống nước mưa, úp lên nắp mái đầm. Một bác nông dân lực lưỡng làm đồng mệt thì uống mới hết một tô.

Tôi ực một nửa, còn một nửa đưa cho Lạn. Lạn uống xong trao cái tô lại cho bà cụ. Bà cụ tính tiền. Tất cả mất mười tám đồng. Bà cụ bớt cho năm cắc nhưng tôi đưa luôn tờ giấy hai chục (của bà khu ủy mới cho). Bà cụ thối lại, nhưng tôi bảo:

- Cho cháu gởi lại đó khi nào thằng em cháu lỡ đường ghé lại thì bác cho nó bánh ăn.

Nhìn quần áo chúng tôi lấm lem, bà cụ thở dài:

- Giặc giả cái gì mà oánh mấy chục năm chưa dứt!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx