sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 31: Những Mối Duyên Và Nợ

-Bữa tiệc thịt chuột nhậu oắc cần câu. Khách vừa ra về tôi mở ba-lô giăng võng ngay miệng hầm ngả lưng ngay.

Lụa la:

- Anh Hai! ngủ đó không được đâu!

Tôi lè nhè đáp và nhắm mắt giả ngủ.

- Chừng nào nó thụt anh phóng xuống!

- Đã bảo không được là không được mà. Nó giã gạo anh không xuống kịp.

- Kệ anh, em đi ngủ với con Rớt đi. Lần trước ở nhà má anh ngủ trên ván gõ với thằng Tư Linh đó, có sao đâu!

- Hồi đó khác, bây giờ khác.

- Cũng Mỹ, cũng Đồng Dù chớ khác cái gì!

- Anh say rồi hả?

Tôi lặng thinh giả ngủ. Lụa đến bên tôi năn nỉ:

- Em lạy anh, anh Hai. Hồi đó nó chưa có pháo siêu âm, bây giờ nó có đủ hết. Nó bắn túm giò chạy không được. Thiếu gì người chết bên miệng hầm rồi đó.

Tôi biết là một tai nạn sẽ xảy đến cho tôi. Tôi cứ nằm lỳ, tâm trí tỉnh queo nhưng giả bộ ngủ. Tôi biết tôi đứng ở bên bờ vực. Tôi cố ghìm tôi lại để khỏi rơi. Mong sao đừng có cơn gió nào thổi ập sau lưng tôi.

Tôi biết tình ý của Lụa và Là. Tôi đã ghì cương con ngựa hoang trong lòng tôi lại bao nhiêu lần rồi. Lần này chưa biết sao. Tôi cố giữ nó lại bằng cách nghĩ tới thằng chồng của Lụa đang đi dân công ở Phước Long. Nếu mình đi như vậy mà ở nhà có thằng...

Tôi lôi cả những bài luân lý giáo khoa thư, những câu cách ngôn học ở trường: Đừng làm việc gì cho người khác nếu mình không muốn người khác làm việc đó cho mình. v.v... Quả y như lời Lụa nói, tôi đang thả hồn phiêu diêu thì nghe giã gạo ình ình. Tôi bật dậy như máy. Lụa gào lên thất thanh: Anh Hai, anh Hai!

Tôi chui tọt xuống hầm nhanh hơn chuột vô hang. Lụa đang ngồi trên giường đầu tóc rối bù. Ngọn đèn dầu rung rinh theo nhịp chày nện. Tôi hỏi:

- Ở đâu vậy?

- Chắc là Gót Chàng.

- Sao nghe xa vậy?

Lựa vừa vén tóc bới lại và nói:

- Có thể là Bàu Lách Bào Trăn gì đó.

- Nó thường bắn lên tới đây không?

- Ít khi! Ở đây thì nằm trong tầm pháo Trung Hòa.

- Trung Hòa chỉ có pháo 105 không đáng sợ!

- Ở đó mà không sợ. Ở Củ Chi chỗ nào nó bắn cũng tới hết. Nó biết giác này xe bò Hậu Cần chở gạo, đuôi tôm Hậu Cần chạy trên sông nên nó bắn dọn đường.

Tôi ngồi ghé lên giường cách Lụa xa xa. Bé Rớt vẫn ngủ say trong một ngách nhỏ. Nó không giật mình. Có lẽ nó đã quen với loại âm nhạc này. Hiệp pháo chấm dứt. Lụa nói:

- Bữa nay nó bắn ít đó anh ạ. Có lẽ nó bắn cầm chừng. Chớ nếu nó thấy cái gì là nó thả cho hai chục phút. Anh cứ khinh thường là không có được.

Lụa nói xong thọc chân xuống đất vô tình để lộ ra mãng chân trắng ngần. Nàng bước xuống và bảo tôi:

- Anh ngủ trên giường đi, để em vô ngách bên cạnh.

- Sao không để con Rớt ngủ giường? Ngủ trong ngách ngộp chết!

- Để nó ngủ giường có việc gì kêu nó không được. Ngủ trong ngách chắc hơn.

- Dì Út nó ngủ ngách nào?

- Nó muốn ngủ ngách nào thì nó ngủ không có chừng có đổi gì. Thôi, anh còn mệt ngủ đi để sáng mai nó chụp có sức mà chạy.

- Ở nhà không có hầm hố gì hết sao?

- Có nhưng ba cái thứ ôn binh đó chỉ có dì Út nó chui thôi, trời biểu em cũng không xuống.

- Gần nhà hay xa.

- Ngay gần miệng đường thoát thân. Để sáng em chỉ cho. Trước nhất anh vô hầm trốn bom pháo dọn bãi. Kế đó anh theo đường nhỏ chui ra rồi xuống hầm luôn. Em ở trên nghi trang cho.

Lụa nói xong bò vô ngách.

- Sắp tới đợt pháo Trung Hòa rồi.

- Sao em biết?

- Đêm nào cũng vậy mà. Có khi Trung Hòa giã trước rồi tới Đồng Dù, có khi Đồng Dù giã trước rồi kế Trung Hòa.

- Em sợ cái nào hơn?

- Cái nào em cũng sợ, chỉ bữa nay là không sợ thôi.

Tôi biết nếu tôi hỏi tại sao thì Lụa sẽ đáp như thế nào nên không hỏi tới nữa. Lụa nằm ló hai chân ra phía tôi. Cái ngách giống như cái hòm bằng đất, nếu ngồi dậy thì đầu đụng nóc. Tôi nằm xuống im lìm cố không nhúc nhích và nhắm mắt để ngủ. Nhưng ngọn đèn dầu đặt trong lỗ khoét vào vách đất như cái hột đậu xanh cứ chớp chớp trong trí tôi. Tôi vô tình nằm trên chiếc gối của Lụa. Một ít hương tóc của người đàn bà còn rơi sót ở đó. Tôi thở thấy rõ. Cái gì của đàn ông thì đàn bà nhạy phản ứng, cái gì của đàn bà thì đàn ông nhạy phản ứng.

Chưa bao giờ tôi gần một người đàn bà mà trong bụng tôi không khỏi phập phồng. Mai Khanh, bà khu ủy... và bây giờ là Lụa. Tôi đã đi đến chỗ meo nhất của miệng hố. Lụa ngồi dậy quơ tay và đụng vai tôi.

- Anh đưa em cái mền.

- Đâu có cái mền nào ở đây.

- Tấm vải dù của anh ở đâu?

- Anh bỏ ngoài võng.

- Để em lên lấy!

Nàng vọt lên rồi trở xuống ngay, nằm im không nói không rằng. Tôi cho là đã qua ải. Lạy trời cho con một giấc ngủ bình thường. Nhưng một chút Lụa lại gợi chuyện. Nàng kể lể:

- Má nhớ anh dữ lắm. Má được thơ anh, ngày nào má cũng ngóng. Chờ hoài không được nên má mới đi qua dì Ba bên Thanh An. Em cũng muốn đi qua bên đó yên ổn hơn cho con Rớt học hành, nhưng em sợ anh về đây không thấy ai hết, bơ vơ tội nghiệp. Anh đi anh vui với bạn bè đâu có biết người ở nhà lo cho anh.

Nàng sụt sịt khóc. Đột nhiên nàng đổi giọng:

- Em còn biết anh ăn cháo gà ở dưới cô Ba Phi nào đó ở Xóm Giữa nữa. Ăn xong ngủ tới sáng mới về. Anh đâu có nhớ ai.

Tôi cãi lại:

- Người ta đồn bậy chớ anh đâu có ngủ dưới ghe ai.

- Còn không có nữa? Không có sao người ta đồn?

- Anh với thằng Hùng ra đó mua đồ.

- Rồi còn cô nào đi theo anh mấy trạm liền mới trở về?

- Người ta đi công tác chớ theo gì anh!

Nàng bắt qua chuyện khác:

- May là trái bom nổ ngoài gốc vú sữa, nếu nó trịt vô chút nữa thì anh về đây đâu có ai mà... mà nấu cơm cho anh ăn.

- Bữa đó em ngủ trên nhà má à?

- Em lên rước con Rớt về rồi bị đầm già bắn điểm kẹt lại trong vòng bom. Để mai dì Út nó về dắt anh lên coi nhà cửa có còn cái gì không? Má tiếc cái nhà, má không muốn đi nhưng em đốc má đi qua bên đó ở cho yên. Ba cây cột kèo cháy dở em gom lại làm được cái hầm này.

Tôi bỗng nhiên cảm thấy mình như người chồng đi xa về được vợ ở nhà kể cho nghe những biến cố gia đình trong lúc vắng mặt. Tôi chép miệng, nói một câu rất chính trị:

- Ở đâu cũng vậy hết, nhà cửa tan nát, cha mẹ xa con, vợ lạc chồng.

Chằng ngờ câu nói lại chọc trúng tim người đàn bà sầu muộn. Nàng òa lên khóc. Tiếng khóc trong hầm chật vang to như trong phòng ghi âm của đài phát thanh. Tôi phải nói tiếp một câu chính trị hơn nữa:

- Chừng nào Mỹ thua, mình mới sống bình yên được.

- Xí chừng nào Mỹ mới thua?

- Em giỡn hoài.

- Mấy ổng có đánh chát gì mà nó thua. Có hồi sau Đồng Khởi Công trường 9 của ông Sáu Nhâm về đây làm được mấy trận rồi sau khi rút về R, ở dưới này êm rơ luôn. Đánh cà trật cà duột không ăn ngọt được cú nào hết. Bây giờ có cái Đồng Dù này mấy ổng cũng biến mất.

- Năm nay mình củng cố lực lượng năm tới làm ăn lớn.

- Anh hăng quá ha! Em nói cho anh biết, ai người ta cũng thả rều, nước tới đâu lục bình tới đó. Một mình anh không đủ đâu. Anh có nghe ông Tư Chuyền than chưa? Quân y mà như vậy, lính làm sao dám xung phong?

Tôi được cơ hội nên rẽ ngang tránh mũi nhọn của người đàn bà. Tôi hỏi:

- Ông ta người xã nào vậy em?

- Hình như Trung Lập hay An Nhơn Phước Vĩnh Ninh gì đó em không rành.

- Sao ổng biết anh về mà tới thăm vậy?

- Giề! Ổng đi đến nhà bà Khỏe chẳng may gặp anh nên lỡ bộ nói vậy đó chớ thăm gì anh!

- Ông ta vui tính và bình dân chớ em!

- Bình dân nên bà Khỏe phá thai mới có một lần thôi!

-Trời đất! Có thiệt hả?

- Kỳ trước anh nhờ bả đi móc gia đình mà bả đi không được là mới phá thai chớ mấy đứa nhỏ nào bịnh!

- Mấy cha nội đó vậy không!

- Ông nào cũng vậy không phải một mình ổng. Bữa nào dì Út nó về, anh bảo kể cho nghe vụ ông Ba Xu.

- Ba Xu nào?

- Tư lịnh của anh chớ Ba Xu nào?

- Chuyện gì?

- Dì Ba mình là mèo của ổng đấy!

- Dì Ba nào?

- Em của má, dì ruột của em chớ còn dì Ba nào? Dượng Ba chết lâu rồi.

Tôi thở dài. Ở trên đó gặp vụ Năm Lê bị bà Hai Mặn cút bắt tại cổng nhà giời, xuống đây đụng ông Ba Xu léng phéng. Vợ con ông ta đùm đề mà ổng cũng léng phéng ư? Những tên tai to mặt lớn là chúa làm bậy nhưng lúc nào cũng lên lớp huấn từ người khác.

Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tôi nghiêng mình qua trở bộ thì đụng một vật gì âm ấm. Tôi mở mắt ra. Ngọn đèn đã biến mất. Hơi thở phà vào da mặt tôi. Tôi nằm nhích ra. Nhưng có tiếng rủ rỉ:

- Em... lạnh... quá hè.

- Tấm đắp của anh đâu?

- Em đắp... cũng khô... ông hế... ết lạnh.

- Em đừng làm vậy con Rớt thấy nó mét má, má rầy.

- Má không rầy đâu! Em biết mà.

- Sao không rầy?

- Ba con Rớt mất tích rồi. Chú Tư Thiên giấu em hơn một năm nay.

Lụa òa lên khóc và ôm chặt cứng lấy tôi.

Sáng thức dậy, tôi ngỡ vừa đầu thai kiếp khác. Tôi không muốn nhớ lại chuyện pháo bắn đêm qua nữa. Tôi đã hèn yếu không cưỡng lại nổi ý muốn nóng bỏng của người đàn bà. Nhưng thôi, 99% tội lỗi của đàn ông là do đàn bà, tôi tài gì. Hơn nữa tôi là kẻ dễ dàng phạm tội. Huống chi đây không phải tại tôi. Có khi không hẳn là tôi mà là phúc. Nghĩ vậy tôi cũng yên tâm.

Tôi thấy hơi lọng cọng như đôi vợ chồng mới ở chung một nhà. Giá con Rớt thức dậy, tôi nói chuyện với nó thì đỡ ngượng hơn. Ngược lại Lụa rất tự nhiên. Nàng khuấy sữa bưng đến cho tôi và nói:

- Anh đừng có khinh thường pháo như vậy nữa nghe.

- Anh sợ hầm chật.

- Mà có chật không?

Tôi đánh trống lãng:

- Để anh đi đằng này chút.

- Đi đâu thì cũng ăn cơm rồi mới đi.

- Đi vô C5 gặp ông Tư Chuyền một chút.

- Em biết anh đi đâu mà!

- Đi đâu?

- Hai con nhỏ đó là đồ yêu tinh chớ không phải đồ tốt đâu. Tụi nó ngủ chung hầm với Tư Chuyền đó. Thằng chả một đứa còn thằng cha Tám Lê bên Bưng Còng một đứa. Bà Thắm ghen muốn hộc máu ra đó. Ai cũng biết bả ghen mà xanh lét như con mắm trở.

- Bà Thắm nào?

- Bữa nào ông Tám Lê qua đây anh hỏi thì biết. Thằng chả dụ khị con Nga nhỏ cho đi học y sĩ. Xí, cái thây thằng chả chưa biết có được y sĩ chưa lại cho người khác học y sĩ.

- Đó là chuyện của họ ăn thua gì tới anh?

- Sao không ăn thua, anh vô đó tụi nó bắt xác anh cho coi. Thời buổi chiến.tranh này, sống chết như nháy mắt, nó gặp anh là nó mết ngay.

- Em làm như anh là... gì vậy?

Lụa xổ một hơi.

- Ừ! để rồi coi! Đố anh khỏi tay hai con quỉ đó. Con gái gì mắc võng trên mình đàn ông. Ngủ như vậy năm này qua tháng khác không bị sao được.

- Võng gì mà mắc trên mình?

- Anh không biết à? Bộ trên R không có vậy sao?

- Trên R thì ngủ trong rừng thôi chứ làm gì có cái vụ chồng lên như vậy.

- Cũng do ba cái vụ pháo bắn mà ra. Không ai dám ngủ khơi khơi trên mặt đất. Dân thì phải ngủ trong hầm. Còn cơ quan phải đào hầm ngoài rừng mà ở. Hầm đào không xuể, phải ngủ chung. Võng giăng hai ba từng, ông từng dưới bà từng trên, vậy đó!

Tôi dã lã:

- Em nói vậy anh biết rồi. Anh sẽ tránh xa ra.

- Anh mà tránh, tránh tới thì có.

- Ừ, thôi anh không đi đâu hết. Anh cứ nằm ỳ ở đây, dì Út nó về anh khai hết.

- Anh cứ việc khai. Anh khai với má luôn đi. Em thách anh đó.

- Nhớ nghe!

Nàng sụt sịt muốn khóc.

- Chớ ba con Rớt như vậy rồi, em thủ tiết với ai nữa?

- Thôi em! đừng có khóc, anh khổ lắm!

- Em biết anh dòm ngó đâu đâu chớ đâu có chịu nhìn cây cỏ dưới chân anh.

Cơm nước xong, tôi nai nịt đi C5, bỏ cái ba lô ở nhà. Vừa ra khỏi cửa là đụng sứ giả của Tư Chuyền: Bảy Phúc tay cầm cái lồng có mấy con chuột cống lông vàng khè.

- Anh Tư, mời anh vô chơi.

Lụa tuôn một hơi.

- Chơi gì mà chơi. Mới hồi hôm không đã sao mà còn kêu réo? Để cho ảnh nghỉ khỏe rồi đi công tác.

Bảy Phúc cười ý nhị:

- Một đêm chưa có đã nên kêu ảnh vô chơi tiếp. Hè hè... Còn một rộng chuột cống trong đó...

- Ăn ba con chuột đó miết trổ phong cùi cho coi.

- Chuột người ta kiếm không ra, chuột gì trổ phong cùi.

- Chuột bị hóa học, chuột ăn thây ma ăn không bị cùi hả? Bác sĩ gì ăn ẩu tả không hè.

Tôi nói:

- Tôi cũng tính đi vô đó để bàn công tác với anh Tư mà còn ngại đường đi, không biết có lựu đạn gài hay không?

- Chỉ ở ngoài đường số 1, Xóm Mới, Gò Nổi mới có thứ đó thường xuyên. Còn trong này chỉ có ba cái hầm chông gài ếch của cô Út Là thôi. Anh nhảy đầm trên đó cũng không sụp

Bảy Phúc để lồng chuột ngoài cửa, bước vô nhà, ngó ngó một hồi rồi bảo:

- Đêm qua pháo thụt anh ngủ đâu?

- Ngủ hầm chớ ngủ đâu mà hỏi kỳ vậy?

- Ờ hầm của chị có nhiều ngách. Tôi biết mà.

- Anh chui vô hồi nào mà biết giỏi vậy?

- Đứng ngoài miệng dòm cũng biết mấy ngách nữa cần gì vô!

Tôi biết cuộc đấu khẩu này có biểu tượng hai mặt và có mòi găng nên hòa giải bằng cách chỉ cái lồng chuột:

- Chuột này mà ăn thây ma à, Phúc?

- Người ta nói vậy thôi, chớ thây ma đâu mà ăn?

- Có chớ sao không. Ông gì ở Bàu Chứa đi làm đồng bị pháo bắn chết hai ba ngày, bà vợ đi thành về mới hay. Ra đến nơi, cái thây bị khoét mấy lỗ. Tôi nghe chuyện đó, mỗi lần thấy con chuột tôi mắc ói.

Bảy Phúc giục:

- Thôi đi anh Hai.

Lụa ném theo.

- Đi một chút thôi à!

- Một chút rồi tôi đem trả lại, còn nguyên không sứt một miếng... da nào!

Lụa hết quạo, cười xòa, khoe hai hàm răng ngà có duyên hết sức:

- Mấy ông tối ngày có môn nói xầy là giỏi! Mà coi kia, con đầm già trên Dầu Tiếng xuống.

Bảy Phúc khom xuống xách cái lồng chuột, nghễnh cổ lên nhìn và nói:

- Nó rà trên sông Sài gòn kệ bà nó, giỏi thì rải hóa học tiếp bên An Điền chớ bên này còn chỗ nào xanh mà rải?

Nói vậy rồi anh em dắt nhau đi. Tôi không nhìn lại, nhưng tôi biết ở sau lưng, Lụa đứng tựa bẹ cửa nhìn theo và tôi biết ở nhà Lụa sẽ làm gì nữa.

Đi dọc đường thì đụng hai con yêu tinh xuống rước. Hồng Nga (tức Nga hai chục tuổi) hỏi ngay:

- Anh tới gia đình con Là hồi nào mà làm con nuôi má hai?

- Năm ngoái.

- Năm ngoái em mới ra khu, đóng ở Phú Hòa.

Tôi hỏi Huỳnh Nga (tức Nga mười sáu tuổi):

- Em học lớp mấy mà bỏ trường đi đây?

- Em học lem nhem không biết lớp mấy nữa!

Hai cô Nga, cô nào cũng được đến, không biết có như Lụa nói hay không? Đàn bà con gái không ai ưa ai cả chị em ruột trong nhà cũng thế. Hễ có dịp là bêu xấu nhau ngay huống chi tình địch.

Đi qua nhà chú Bảy Xe, ra khỏi vườn cao su là ra đụng bìa rừng chồi. Cây thấp nhưng rậm, Huỳnh Nga trỏ tay, bảo:

- Đường này ra Bàu Đưng đi ngang qua đồng Trà Dơ. Chắc rồi sau này thế nào anh cũng có dịp qua mấy nơi đó.

- Em thích nghề y tá này à?

- Em mới ra, mấy chú đặt đâu ngồi đó chớ biết gì mà lựa chọn.

Đang đi bỗng nàng sụp xuống kêu lên.

- Gì vậy?

Bảy Phúc xách lồng chuột đi phía trước, quay lại ngó rồi đi luôn với Hồng Nga không quan tâm. Tôi đi tới hỏi. Nga ngước mắt lên, cặp mắt đen huyền.

- Em đá trúng cái rể cây nó tách móng chân.

Tôi móc trong túi cứu thương cá nhân đeo từ Hà Nội, lấy vải ra quấn mấy vòng. Máu thấm ướt ra tận ngoài. Nga xuýt xoa. Tôi bảo cố đi về nhà rồi băng lại.

- Em hết đau rồi.

Nga nhìn tôi và nói giọng nhỏ rí. Nga đứng dậy đi. Có lẽ chân đau nên Nga đi chậm, cách xa hẳn Hồng Nga và Bảy Phúc. Bỗng nhiên Nga hỏi tôi:

- Sao anh không tìm chị Hai đi? Nhiều ông mới về tới là đám cưới ngay.

- Anh chân ướt chân ráo biết ai đâu! Em làm mai dùm coi.

- Em sợ anh chê chớ có thiếu gì.

Tôi cười:

- Anh thấy có một người đẹp lắm mà không dám.

-Anh sợ ai mà không dám?

Tôi nói ngay:

- Sợ bị thương sơ sơ mà vô bịnh xá, người ta cưa giò anh.

Nga bật cười:

- Người ta đồn bậy vậy chớ ai mà thèm cái ông già dịch đó ông ta có vợ là chị Ba Thắm có hai, ba đứa con rồi. Ai đui mà lủi vô bụi gai đó.

- Sao anh nghe người ta đồn rùm rằng bà Thắm ghen tuột quần tuột áo.

- Bả nghĩ bậy rồi bả ghen chớ ai làm gì chồng bả? Anh mới về mà nghe ai đồn mà lẹ quá vậy?

- Anh cũng không nhớ ai nói với anh.

- Em đâu có phải là người mất trí đâu anh Hai.

- Anh nghe vậy thì anh nói lại cho em biết chớ anh biết em là người có học.

- Sao anh biết em có học?

- Nghe nói chuyện thì biết. Cũng như nghe pháo đề-pa là anh biết pháo gì.

- Em cảm mến anh từ khi nghe tiếng đồn về ông thầy pháo. Quả thật tiếng đồn không sai.

- Anh nhậu nói chuyện tào lao vậy mà cảm mến cái nổi gì?

- Cùng là dân nhậu, nhưng anh khác.

Đi một quảng nữa, Nga nói:

- Anh của em là Năm Hoa ở Tiểu đoàn Quyết Thắng của I/4 này. Ảnh là tiểu đội trường. Ảnh hứa hôn với chị Tám Mang hộ sinh quận, nhà ở Bến Mương.

- Còn nhà em ở đâu?

- Em ở xã Thời Hòa, quận Bến Cát bên đường quốc lộ 13 từ Bình Dương đi lên. Anh Năm em đánh trận Cây Trộm hồi 63 bị thương, cưa hết hai chân. Gia đình chị Tám lãng ra không nói gì đến chuyện cưới hỏi. Thỉnh thoảng em gặp chỉ, nhưng chỉ không nhắc gì đến anh Năm em. Em vẫn thương chỉ lắm. Nhưng tình nghĩa phai lạt như vậy em biết làm sao bây giờ. Em chờ má em đem tiền vô, em đi lên trại An dưỡng ở Lò Gò thăm ảnh. Đời ảnh bây giờ chỉ còn nguồn an ủi là gia đình thôi.

Tôi nói ngay:

- Em thấy không? Đời chiến sĩ là vậy. Khi còn cầm súng chiến đấu thì kẻ đón người đưa, bị thương nằm một đống, cả vợ chưa cưới cũng quay mặt. Do đó anh không muốn làm phiền lòng ai hết.

Nga nói:

- Đâu phải người nào cũng như chị Tám hết, anh!

- Đã đành là người ta vẫn yêu mình đi nữa, nhưng gặp một ông chồng thương tật như vậy thì sống có thú vị gì.

Nga quay sang chuyện móc gia đình:

- Gia đình anh ở đâu?

- Trước ở Long An, bây giờ nghe nói về Sài gòn rồi.

- Anh có muốn móc chung với em không? Em có cây móc ở xóm Ràng xã Trung Lập. Nhưng có chắc là anh về I/4 không?

- Chắc anh về Pháo binh thuộc phòng tham mưu.

- Tham mưu là K10, K20 là phòng Chánh trị, K30 là Hậu Cần của em. Vậy cũng gần. Chừng nào anh có ý định móc thì anh cho em hay.

Nghe Nga nó chuyện tôi thấy nàng có trình độ như Huỳnh Mai. Tôi nói:

- Thấy mặt em là anh muốn hôn. Cho hôn một cái được không? Cho thì lấy, mà không cho thì cũng đừng cự nự nghen.

- Hồi đó tới giờ chưa ai hỏi em như vậy.

- Vậy chưa ai hôn em à?

- Có nhưng họ hôn ẩu. Em tởm lắm. Em đi rửa mặt và lau đi.

- Còn anh?

- Sao anh đòi kỳ vậy?

- Tại thấy thương chớ sao nữa. Phải hôn em được một cái thì hi sinh mới mát bụng.

Nga làm thinh cứ lầm lũi đi. Tôi nhắc lại:

- Có chịu không? Làm thinh tức là đồng ý.

Nga dừng lại chớp chớp mắt:

- Mà anh phải hứa thì em mới đồng ý.

- Hứa gì?

- Hứa là hôn em rồi không được hôn ai khác.

- Nếu anh đã hôn ai khác rồi thì sao?

- Từ đây về trước em bỏ, chỉ tính từ này về sau thôi.

- Vậy... em là gì của anh à?

- Hổng biết nhưng em không muốn anh hôn ai ngoài em.

- Ừ, anh chịu.

- Mà không được đâu, gần tới nơi rồi. Mấy thằng thanh niên thấy nó cười em.

Tôi thấy Nga dễ thương, khôn ngoan và tình cảm rất phải chăng, không xốc nổi như Thanh Tuyền. Huỳnh Mai chết rồi. Có thể đây cũng là Huỳnh Mai chăng? Nga bảo:

- Anh có nghe tiếng đào đất thình thịch trong rừng không? Đó là căn cứ của C5 tụi em.

- Đâu đưa anh vô xem.

Đi theo một con đường mòn mới lởm chởm gai góc và luồn qua những nhành cây thấp. Nga đưa tôi đến một công trường đào đất gồm có bốn mạng. Tôi ngó qua thì thấy đó chỉ là một loại giao thông hào có nắp đậy. Đưa thương binh xuống đây khác nào chôn sống họ? Anh nào đã vô nằm trong cái bệnh xá này trở về chắc không dám chiến đấu nữa.

Tôi bảo Nga dắt tôi đến văn phòng của Tư Chuyền. Tôi biết trước là tôi sẽ liên hệ công tác rất nhiều với cái C5 này nên tôi phải đóng góp ý kiến với ông ta.

Đến một quảng rừng rậm, tôi dừng lại hỏi:

- Bây giờ còn sợ người ta thấy nữa hết?

- Để thong thả đã.

- Treo môi người ta đến chừng nào?

- Anh đã hứa với em đâu mà đòi.

- Ừ thôi anh hứa đó. Chịu chưa?

- Chịu nhưng phải chờ.

- Chờ gì nữa.

- Chờ má anh với má em gặp nhau bàn định mới được. Chớ làm ngang vầy sao?

Tôi nghĩ bụng, cô bé này khó tính chớ nhỉ. Nhưng mà làm sao giải quyết vụ Thu Hà? So với bất cứ cô nào quen với tôi từ trước tới nay, Nga cũng không thua mảy may. Tôi hơi tiếc sao một đóa hồng nhan như thế này lại lăn thân vào khói lửa?

Nga đưa tôi đến một cái hầm vuông dài trên có mái lá che lẫn trong những tàng lá rậm. Tôi bước theo những bậc thang đất đi xuống. Tư Chuyền đã ngồi sẵn ở bàn với Bảy Phúc. Tư Chuyền bắt tay mời tôi ngồi:

- Sáng sáng trụn lòng trà mậu dịch. Chiều chiều súc miệng rượu quốc doanh. Thầy nhớ câu đối đó ở đâu không thầy Hai?

- Câu lạc bộ F330 ở Thọ Xuân chớ đâu.

Tư Chuyền cười, mắt lấp lánh sau tròng kiếng cận thị:

- Mời thầy trụn sơ bộ đồ lòng buổi sáng cái đi!

- Tình hình chắc êm không?

- Không ngày nào êm. Nó không đổ chụp thì pháo, không pháo thì rải chất độc, không rải chất độc thì đầm già bay tìm mục tiêu.

Tư Chuyền rót trà. Hai đứa vừa ăn đường cát vừa uống trà. Cạn chén thứ nhất, tôi nói ngay:

- Không còn cách nào khác để giấu thương binh hả anh Tư?

- Thầy coi đó thì rõ thầy Hai. Ở trên không cho cả nhân công đào đất mà. Vật liệu là cột nhà cháy tụi tôi thu nhặt đem về, cột kèo chủ nhà quăng dưới mương ngâm tôi cho lấy ẩu hết đem vô làm hàm, không cần đếm xỉa quan điểm nhân dân.

- Cây kim sợi chỉ không lấy của nhân dân, nhưng cột nhà thì rút tuốt.

- Chủ nhà thấy mất là biết mấy con quỉ giải phóng chớ ai vô! Chuối non tôi cũng đốn, dừa nạo dừa khô cũng không tha, mít sầu riêng cam quít bẽ tuốt.

- Nhưng hầm hố thế này tội cho thương binh quá anh.

- Tôi phải nhắm mắt làm bừa bất kể lương tâm nhà nghề thầy Hai ạ. Chớ nếu chờ ở trên thì không có gì hết. Hôm qua tôi đã tâm sự với thầy đó. Xin một cái móc tăng để che bụi khi mổ xẻ cũng không có mà! Thầy Hai có tưởng tượng được rằng mổ xẻ không có thuốc tê thuốc mê không?

- Nếu tôi ra đơn vị bộ binh tôi sẽ đưa về đây đào hầm cho anh một thời gian và sẽ nghiên cứu chiến trường đánh cướp một số thuốc men dụng cụ.

- Được vậy tôi phục vụ đơn vị thầy Hai hết mình.

Hồng Nga bưng dĩa khoai mì bốc hơi bước xuống đặt trên bàn:

- Mời chú Tư với anh Hai ăn lót lòng.

Tư Chuyền nói:

- Thầy Hai dùng thử xem có bằng khoai mì Phước Long của ông Ba Cà trồng không?

Nhìn mấy củ khoai nõn nà thơm phức, tôi hỏi:

- Anh có nếm khoai mì của ông Ba Cà nữa à?

- Có thấy nhưng không dám ăn!

- Sao vậy?

- Trong đoàn tôi ăn rồi bị ngộ độc năm, sáu mạng, tôi cứu cấp suốt một đêm mệt muốn chết luôn.

- Tôi ăn no cành có thấy gì đâu!

- Ông có gặp những củ to bằng chiếc gối đệm không?

- Mì gì mà to dữ vậy?

- Đó là những củ bị bỏ quên hai năm không ai đào, ăn như thịt giò voi, không có chất ngọt gì hết, còn lạt hơn củ chuối nữa, nhưng khá hơn đọt cây đớt và lá bép. Cho nên mạnh anh nào anh nấy dồn bao tử. Nhưng loại củ này vô thưởng vô phạt. Còn một loại bị rể tranh mọc xuyên vô rồi trở thành độc địa. Ăn xong ngã ngửa ra, mắt trợn ngược.

- Sao kỳ vậy?

- Đó là hiện tượng rõ ràng. Chỉ biết chữa chạy chớ đâu có thì giờ mà nghiên cứu.

Tôi bẻ miếng mì bỏ vô miệng nhai và nói:

- Mì này không thua mì ở xã Trí Phải Bạc Liêu.

- Ngon thì cũng thấy ngon lắm, nhưng tôi hơi ngại. Như tôi nói hôm qua đó. Sinh vật ở đây đều nhiễm độc. Mình ăn vào không bảo đảm đâu, nhưng đói thì không nhịn được.

Tôi trở lại vụ hầm hố, nói:

- Nắp hầm như thế này may ra chịu được 105 chớ không chịu nổi 155 và 175 đâu.

- Cò ỉa miệng chai thầy Hai ơi! Nếu hầm nào bị pháo trúng lệnh thì đó là trời kêu ai nấy dạ chớ biết làm sao bây giờ.

Tôi bi quan vô cùng, nhưng không biết làm sao cải tiến ngành quân y. Nhớ hồi 47 quân y kháng chiến cũng thiếu thốn vô cùng nhưng thương binh được nằm yên ổn trong nhà, tính mạng không có chông chênh luôn luôn bị đe dọa bởi các thứ như bây giờ.

Hồi trước vẫn có cơ hội để áp dụng khoa học như cấy phi la tốp, như bào chế thuốc chích ngừa bệnh trái mùa, ngừa nọc rắn độc, bào chế vitamine B1, vitamine C, hemogbobine (giống như Hemoglobine Deschiens) còn quân y xá bây giờ cả miền Nam trông thấy mà khóc ròng.

Uống trà xong, Nga dẫn tôi đến xem cái hầm của hai cô Nga. Tôi nhìn thấy mà càng khóc ròng hơn. Đúng là ăn lông chuột và ở hang chuột. Cái hầm sâu ngang đầu người, bề ngang sáu tấc. Võng giăng hai tầng bó chẹt giữa hai vách đất không lắc qua lắc lại được. Tôi bảo:

- Cái nóc thế này chịu nổi đạn gì?

- Chịu nổi đạn gì thì đạn, chớ tụi em không có sức đào nữa.

- Đáng lẽ trước khi đắp nắp, hai em phải lót một lớp ni-lông nước mưa mới không rỉ xuống.

- Ni-lông không có xài lấy đâu lót đất, anh Hai! Mỗi lần anh Tư xin, ở trên trả lời bảo khắc phục! Khắc cách nào?

Để phá tan bầu không khí áo não, tôi hỏi Huỳnh Nga:

- Chân em hết đau chưa?

- Nhằm gì cái vết trầy ngoài da anh Hai!

- Vậy vết trầy ở đâu mới nhằm?

Hồng Nga nói hớt.

- Ở trong tim, phải không em Sáu?

Huỳnh Nga quay lại nhìn Hồng Nga. Hai nàng mỉm cười với nhau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx