sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 35: Lính Cò Mửa Của "Q" Hai Chòi - Nữ Kiện Tướng Đào Đất

Đến đứng bóng thì đi ngang nhà mủ. Nhà mủ sơn trắng là một toà nhà lớn của sở cao su Phú Hoà, trải qua bao nhiêu trận mưa bom pháo vẫn còn đứng đó trơ trơ. Cái nóc chòi cao trên đó treo cái chuông dùng báo giờ giấc cho phu cao su. Bây giờ rừng cao su hoang tàn, phu phen biến mất nhưng cái chuông vẫn còn. Tuy nó không còn khua ngân như hồi trước nhưng ai đi qua cũng lấy làm ngạc nhiên. Là hỏi tôi tại sao Mỹ bỏ bom dở vậy?

- Hình như hồi năm ngoái em đã hỏi và anh đã trả lời câu hỏi của em rồi mà! Không phải Mỹ ném bom dở đâu. Cầu Hàm Rồng mà còn bị nó đánh hỏng kìa em! Tàu chạy trên sông Bến Thủy nó vẫn ném bòm chìm kìa em! Đánh sập cái nhà mủ này có khó khăn gì. Nhưng nó để đó để làm điểm, hiểu chưa. Nếu san bằng nó rồi thì không có gì để làm điểm tính toán cho vùng lân cận.

Tôi đã từng leo lên đỉnh núi một ngày của con đường Trường Sơn. Từ trên đỉnh núi cao ngó xuống các con đường mòn, các dòng suối lấp lánh ánh nước ngoằn ngoèo giữa muôn trùng rừng xanh trải phía dưới tợ những con rắn bạc, xanh, đỏ, tím, vàng bò trên tấm thảm thiên nhiên xanh rờn. Nơi khúc uốn éo của con rắn bạc, lấp ló những mái nhà, có làn khói mỏng như tơ lơ lửng bay giữa khoảng không xanh biếc. Đó là những bản làng của các sắc dân, quanh năm đàn ông chỉ có cái khố, đàn bà con gái cởi trần hở ngực, con nít trần truồng chạy nhảy như dê trừu.

Với cái nhìn bằng mắt thường từ trên cao ngó xuống mà còn trông rõ mồn một. Tôi mới nghiệm ra rằng với những bức tường trắng và mái ngói đỏ của mấy cái nhà mủ cao su Hố Bò, Phú Hòa này rõ ràng là những vật chuẩn rất tốt của những tên phi công ngồi trên máy bay quan sát chỉ điểm hay bọn khu trục, phản lực ném bom qua những ống kính quang học tinh vi nên nó mới còn hình thù đứng sừng sửng giữa những khu rừng cao su cháy vàng trụi lá với những lỗ đạn trọng liên chi chít như mặt rổ sảo. Nếu cần phá hủy thì nó chỉ cần hai trái hỏa tiễn của đầm già cũng đủ phá tanh banh rồi. Tôi nhìn bốn bức tường loang lỗ đầy dấu vết đạn nổ, cắt nghĩa những điều tôi biết cho cô em xã đội nông dân. Em nhận ra lý lẽ nên đáp nhỏ.

- Ừ he. Vậy mà lâu nay em cứ chê thầm tụi Mỹ bom dở.

Phía sau triền suối cây cối ngã ngổn ngang. Tường ngôi nhà mủ bị mảnh bom đạn xuyên lốm đốm như tàng ong một mảnh tường sập cho thấy chiếc thang gác bên trong còn nguyên. Ba người đi nhanh qua khu nhà mủ, theo triền dốc. Độ nửa tiếng đồng hồ thì đụng một vườn tre trúc bên bờ suối. Là bảo đây là đầu xóm Phú Hòa. Dọc theo bờ thấy có mấy tấm bảng tử địa cắm ở mối đường vào nhà, toàn là những ngôi nhà vô chủ hoặc sụp đổ. Có cái chỉ còn trơ lại cái nền nhà, chứng tỏ gia chủ đã rời nơi đây từ lâu. Vùng này dù không cấm bảng tử địa thì tự nó cũng là khu tử địa rồi.

Đang đi bỗng Là dừng lại trỏ bên lề đường. Tôi ngó theo. Cái vĩ tre che miệng hầm chông bị đất nặng đè sụp phân nửa để lòi những cây chông tua tủa. Là hỏi tôi:

- Anh biết cái gì không?

Tôi giả đò không biết.

- Không!

- Hầm chông diệt Mỹ đó ông thầy pháo.

Chú Tư cũng đừng lại quan sát. Chú than thở:

- Mấy đứa nó bỏ phế như thế này có ngày giết mình.

Là bĩu môi:

- Chuốc cho tốn tre, ngồi mỏi lưng cho được cái gì. Đào đào lấp lấp, đổ bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu năm nay có làm trầy da thằng nào? Có dính mấy ông bộ đội thì có. Ừ, mấy ổng đói, hay sục sạo vô vườn kiếm dừa kiếm chuối để rồi bị lọt cho coi. Ủa, mà bị lọt rồi chớ gì mà sợ.

Chú Tư động lòng trắc ẩn vì câu nói đâm thẳng vào chủ trương làm hầm chông mà chú là người ra lệnh thi hành kinh nghiệm thời kỳ chống Pháp. Chú nói:

- Tao cũng nghĩ là tụi Mỹ cũng như tụi Tây. Giỏi lắm thì Mỹ thả bom nhiều hơn Tây chút đỉnh thôi chớ có khác gì. Hồi chín năm vùng này ăn hút khỏe ru, đông bào có biết trái bom nào, tao có biết mặt thằng Tây mồm ngang miệng dọc ra sao. Chẳng ngờ bây giờ Mỹ có bỏ bom bắn cà nông hàng ngày. Rồi còn xe tăng, chụp dù, nhảy cóc nữa. Bởi vậy hầm chông và lựu đạn gài mất tác dụng.

- Cháu cũng từng làm hầm chông hồi 1950 khi đi công tác ở Phú Hữu tỉnh Cần Thơ. Du kích thời đó làm chông có mũi bằng thiếc gọi là chông đội nón sắt hễ Tây sụp hầm bị chông đâm, rút chông ra thì cái đầu thiếc ở lại trong thịt, nó sẽ bị phong đòn gánh mà chết.

- Rồi có dính thằng nào không?

- Chẳng dính mạng nào cả, rút cuộc ông xã đội đi o mèo đêm khuya lại bị sụp. Từ đó danh từ sụp hầm chông có hai ý nghĩa.

Là xía vô:

- Bây giờ ở đây cũng vậy. Mấy ông cán lang bang bị kỷ luật, người ta không nói bị kỷ luật mà nói sụp hầm chông. Đó là trường hợp lẹo tẹo với con gái. Còn lẹo tẹo với đàn bà có chồng đi công tác xa thì gọi là sụp hầm hom.

Chú Tư trỏ tay phía trước mặt:

- Đây là xóm ngoài của Phú Hòa. Dân còn bám trụ chút ít.

Là đớp ngay:

- Bây giờ không còn ai đâu chú! Chú Ba Cứng là người gan lỳ nhất, nhưng vừa rồi cũng đã đưa gia đình ra ấp chiến lược Cầu Ván.

- Ủa thằng Ba Cứng xã đội trưởng Phú Hòa đã ra ấp chiến lược rồi à?

- Mới chừng vài ngày đây thôi. Bộ chú không hay thiệt hả?

Chú Tư vỗ đùi kêu:

- Vậy nó gặp tao nó khoe nó sẽ cùng đám du kích bám trụ chơi Mỹ tới gáo!

- Ổng lùa cả trâu ra ngoải rồi. Nghe nói gia đình được phát tôn cất nhà. Chú đi đánh xe mướn trong vùng quốc gia.

- Tụi lính không bắt tội gài lựu đạn làm hầm chông gì của nó à?

- Cháu hổng biết, nhưng nghe mấy bà đi chợ về nói có gặp chú, chú nhắn thăm bà con mạnh giỏi.

Chú Tư Thiên làu bàu:

- Cái thằng! - Một chập lại nói - Mẹ! ba cái ấp chiến lược này hại thật. Phải phá cho tan thì mới đánh Mỹ được, nhược bằng cứ để nó phô trương như vậy mình bị nó hút hết dân.

- Ở đó mà dân. Mấy ông cán to cũng chạy ra đó rồi. Có một ông thượng tá mùa thu.

Tôi chột dạ:

-Vậy nữa à?

Là không đáp mà trỏ vào khu rừng chồi ở sau lũy tre, nói nhỏ với tôi:

- Ở đó có một khúc địa đạo chừng ba bốn chục thước. Tụi Phú Mỹ Hưng của em phối hợp với tụi Phú Hòa đào để phục kích tụi Sài gòn, nhưng ở đây đất thấp, không đào sâu được có lẽ bây giờ đã sụp rồi. Anh nhớ nghe. Sau này có thắt ngặt thì vô đó trú đỡ. Để bận về em ghé vào chỉ nắp cho. Nhưng em không bảo đảm có xài được hay không?

- Vậy thì đào làm gì?

Là trợn mắt:

- Em đã bảo với anh rồi. Thời buổi B52 và xe tăng này không ai dám chui xuống địa đạo nữa. Ở dưới xã Trung An ấp Bào Trân bị lấp cả hầm chết mười mấy cán bộ, ở đó đất thấp họ làm gáy hầm cạn xợt. Người ta giấu không nói ra, chỉ phổ biến bằng công văn mật đến cấp ủy thôi. Em không là cấp ủy nên chỉ nghe lóm. Anh muốn chắc hỏi chú Tư kia cà.

Tôi vừa nghe chuyện vừa ngó vào vườn. Ở đây nhà cửa còn nguyên. Nhà ngói nhà lá còn san sát với nhau. Mùi cát khô bốc lên trong nắng gắt. Vài tiếng gà gáy trưa văng vẳng gợi lên cái không khí của thôn xóm ruộng rẫy yên lành thời não thời nao xa lắc xa lơ. Một nỗi buồn man mác dậy lên trong lòng kẻ lữ thứ xa quê quán đã hai mươi năm.

Câu hát từ thời trẻ thơ mà tôi thường nhại đi nhại lại, không biết của ai (giờ thì đã biết) bỗng nhiên làm run run vành môi và xốn xang tấc dạ.

Là dừng lại ở một mối đường và nói với chú Tư:

- Cháu đến nơi rồi. Chú đi chiều về qua nhà chị cháu ăn cơm với anh Hai nghen chú.

- Ờ nếu tao còn sống thì tao về, chớ có đi đâu mà bây sợ? Tao qua Sa Nhỏ gặp thằng Út Chạy một chút. Nó chạy không có ai tìm nổi. Rồi phải qua Bàu Sỏi gặp con Siêng nếu hổng gặp hai đứa đó thì tao phải tuốt tới Ràng tìm thằng Hai Đời, chiều tối mới về tới.

- Ở Sa Nhỏ pháo thường bắn buổi trưa lắm, chú coi chừng.

- Nó bắn thì nó bắn, mình đi thì mình đi chớ coi chừng gì được mà coi?

Chú Tư xách cái rựa ngoéo lủi thủi đi trên đường với cái bóng thu gọn di chuyển trên mặt đất. Là dắt tôi vào nhà, đi ngang qua chuồng trâu ngay sát lộ. Mùi phân trâu khô bốc lên nồng nặc trong nắng trưa càng gợi lên trong lòng tôi những cảnh sinh hoạt đồng quê thuở thiếu thời mò cua bắt ốc cỡi trâu nghênh ngang ngoài ruộng. Cái chuồng trâu bây giờ không còn trâu, không còn nghe tiếng trâu thở phì phì, tiếng móng trâu dậm cộp cộp trên mặt đất.

Trong cái chuồng đặt nghẹt những người. Súng ống, thắt lưng, bình toong treo đầy trên những cây ngáng. Chung quanh chuồng trâu võng xanh treo làng khang giữa những cây cau cây mít. Hồi kháng chiến chống Pháp không có cái kiểu đóng quân lạ lùng này. Bộ đội đi đến đâu dân nhường nhà cho ở và ngã bò vật heo ăn uống tiệc tùng. Bây giờ bộ đội nhảy tới đâu dân phóng mất hết, nên bộ đội ở ngoài rừng và gạo mua từng lít. Đến muối tìm cũng khó.

Tôi đang đứng nhìn cây ớt hiểm trái chín đỏ rực cao ngang ngực. Có lẽ nhờ phân trâu mà nó cao lớn như vậy. Bỗng một tiếng gọi to:

- Ê! Út Là! Vô đây biểu coi!

Chà, ai mà lớn lịnh dám bảo bà xã kiểu đó. Tôi vừa nghĩ bụng, thì Là bảo tôi:

- Mấy ông ôn địch đại đội 1 của Tiểu đoàn Quyết Thắng đó anh Hai!

Vừa nói Là vừa đi thẳng vô chuồng trâu. Hai ba ông bộ đội đang nằm võng bỗng ngồi bật dậy, đưa tay chào, cười toe toét Là quạt ngay:

- Nè ông Bính, chưa tối mà ông cho treo võng tùm lum như vậy rồi còn đánh tu-lơ-khơ, uống trà vặn đài oang oang, hổng sợ đầm già nó liếc thấy nó kêu pháo Đồng Dù dập nát xóm Phú Hòa này sao?

Một ông cao cao gầy gầy mặc đồ tê-tô-rông màu xám áo bỏ ngoài, gãi gãi đầu:

- Cô em không phải lo, tụi nó đang bận rộn bên Tam Giác Sắt An Thành An Điền, chưa có rảnh qua thăm mình đâu. Em tới thăm tụi anh thật là phước đức.

Là gạt phắt:

- Ai đi thăm mấy ông. Tôi đi tìm hai chị em Năm Biền và Sáu Trọng. Mấy đứa nó có trỏng không?

Ông Bính, người lùn lùn mặc quần tiều lòi bộ giò chân lư, nhảy lên cây ngáng thò đầu ra hỏi nhỏ Là:

- Cô em đi với ông kẹ nào vậy?

- Anh Hai tui ở ngoải mới gia chớ ông kẹ nào?

Ông cao cao diễu cợt:

- Quê rau muống hả chú?

- Không! Nhà Bè, Phú Mỹ.

- Tưởng chú mày đẩy cây thì bị tôi cho lọt mương rồi. Ê! biết tui là ai không? ‘

Thấy người cao niên hơn mình, tôi đáp:

- Dạ không.

- Tôi làm lơ xe đò cho ông Đực Lớn, em của Hai Qui ở Phú Mỹ hồi trước đây nè.

- Tôi quê... ên rồi.

- Gặp bà con mà hổng nhận ra sao?

- Dạ tôi đi hồi mười ba tuổi, nay đã hai mươi năm rồi làm sao nhớ nổi a... a... chú?

- Tầm bậy, kêu tao bằng dượng mới đúng. Dượng Chín nghe chưa cháu! Chín Nữa là tao đây.

Người tự xưng là Chín Nữa chui ra khỏi chuồng trâu đến sát mặt út Là, nom vào bảo:

- Nè, cô xã đội, cô đừng có nhận diện tầm bậy nghe! Tôi biết rõ ông này là ai mà. Ổng có mấy đứa em, hỏi tui nè. Anh Hai nào của cô mà nhìn lãng dang vậy cô em?- Rồi Chín Nữa nhắc gốc tích một hơi - Bà già của ổng vợ tôi kêu bằng chị. Vậy ổng phải kêu vợ tôi bằng dì lớn có đúng hông con nhỏ..Vậy ổng phải kêu tôi bằng Dượng là đúng rắc-lơ-măng-te rồi! Cô có muốn kêu tôi bằng Dượng thì tôi cho kêu chớ anh Hai tui, anh Hai túi gì!

- Anh hai túi!... - Bính Chân Lư chêm vô - Túi sau là túi tương lai. Túi trước là túi anh Hai gởi về há há...há. Vậy cũng đáng kêu là anh Hai... tui chớ.

Chín Nữa gắt:

- Đừng có nói giỡn kiểu đó. Nó là cháu tôi.

Là được trớn xô một phát, Bính Chân Lư suýt té ngửa. Bính gượng đứng lại và vớt vát:

- Ỷ cháu dâu ông nên nó dám đánh bộ đội của ông thấy chưa ông Chín.

Chín Nữa tiếp:

- Tôi thấy là nhận ra ngay, nhưng để coi nó có nhận ra tôi không. Nó giống ông già như cắt mặt để qua. Ảnh chỉ lâu nay bặt tin nó, tưởng nó chết lâu rồi. - Chín Nữa quay sang Là - Cô xã đội có muốn gặp chị em con Biền thì vô ngay trong nhà. Chị em nó mới đi ruộng về. Còn anh Hai của cô thì để ở đây cho tôi nói chuyện một chút.

Tôi bảo Là:

- Em đi giải quyết công tác đi. Để anh ở lại hỏi thăm ba má và bà con.

Là ngúng nguẩy:

- Tôi gởi anh Hai lại đây, chút nữa tôi trở ra rước.

- Ai mà ăn thịt ăn cá gì đâu mà sợ!

Một ông cho miệng vào.

- Rủi sẩy mất, tui thế thân được không?

Là bỏ đi thẳng. Được một quảng, quay lại dặn tôi:

- Đừng có bỏ đi như hồi nẵm vô quán bà Sáu Tiệm nghen!

Bính Chân Lư chống nạnh và hất mặt lên:

- Để đó tui giữ cho, không có cô nào xớt mất đâu!

Chín Nữa dắt tôi ra gốc rơm trải một manh đệm rách. Hai dượng cháu ngồi bên nhau tựa lưng vào gốc rơm tâm tình. Một chập, bảo phông lông:

- Đứa nào ở trỏng chạy ra tiệm mua mấy cái tép mỡ nghe bây.

Vừa nói vừa móc tiền từ sắc-cốt. Một cậu liên lạc chạy ra. Chín Nữa dặn:

- Chạy qua quán Hai Trâu bắt một gói cáp tăng. Một vài xấp bánh tráng... à quên. Đứa nào giỏi chân chạy vô xóm ruồng mua vài con gà. Nhậu tép mỡ xong, chiều ăn thịt gà. Bữa nay chắc tụi nó tha Tào, mình cho khói lửa ngập trời tới khuya. Tôi cho ông bạn trẻ của tôi lết một bữa.

Quay lại tôi, Chín Nữa hất hàm:

- Về đây làm gì?

- Dạ nghe nói ở trên bảo về đây phụ với H6...

Chín Nữa vỗ đùi:

- Vậy là mày! Tao tường ai chớ. Hỗm rày nghe đồn trên R cho một sĩ quan trung cấp pháo binh xuống quân khu, phụ trách cái H6 thay cho Hai Giả. Mày hơn tao xa. Tao ham vui bỏ nghề xe đò vô trong này mấy năm chẳng có làm được con mẹ gì hết. Làm trật nghề cái gì cũng trớt da me. Tao mới quyền Trung đội trường hè! Thằng trung đội trưởng mới vừa bị pháo Trung Hòa chặt đứt hai chân tối hôm kia, tao vừa lên thay. Khiêng nó vô Xóm Chùa cho Tám Lê băng bó, đại đội mới di quân vô trong này tối hôm qua.

Hỏi phăng gốc tích, tôi mới hay vợ Chín Nữa là cô giáo làng có tiệm may ở chợ Phú Xuân, bà con xa xa với má tôi. Tuy vậy gặp nhau trên xứ lạ quê người, hơn nữa, trong khói lửa thì cũng còn hơn ruột thịt. Bính Chân Lư là đại đội phó (mà tôi không biết, cứ tưởng là lính đơ đềm củi bặp) đem ra một bình toong, bảo:

- Bắn sẻ trước đi, chốc nữa tép mỡ về sẽ xung phong.

Chín Nữa rót trà ra đít bình toong, hai dượng cháu uống chung. Chín Nữa hỏi:

- Mày đã có gì chưa?

- Chưa, dượng ơi! đi hoài làm sao quăng neo được.

- Mày được tiếng cách mạng lâu năm, nhưng coi kỹ lại, thua tụi cùng lứa tuổi với mày xa! Ở nhà bây giờ đứa nào cũng vợ con đùm đề, đứa có năm, sáu xe đò chạy đường Phú Xuân Sài gòn, đứa là chủ nhà máy xay lúa, tệ lắm cũng có tiệm quán tạp hóa. Hừ, thằng em trai mày không mần ăn nhưng cũng là đại úy Thủy Quân lục chiến. Mày hay vụ đó chưa?

- Dạ chưa?

Tôi né ngang. Chín Nữa ngó quanh rồi nghiêng qua rỉ tai:

- Đừng có dại mà khai ra lý lịch nghe! Người ta biết cái là nguy to. Nhưng tao đây, tao có vợ là cô giáo, mà tao khai là vợ bần cố nông. Khai thiệt là hết có làm quyền Trung đội trưởng này được.

Hớp miếng trà rồi Chín Nữa hỏi gặn:

- Mà mày không có khai, thật không??

- Dạ không có khai đâu, dượng ạ!

- Họ mà biết được là họ sẽ bảo mày móc nối làm một cú như Phùng Văn Mười là mệt cho mày và cả cho em mày lắm đó.

Tôi thấy nao nao trong bụng, đau nhói trong tim. Em đại úy. Anh cũng đại úy. Một xanh, một đỏ chọi nhau về chủ nghĩa về ý thức hệ. Ai thắng ai thua, cha mẹ cũng phải mang sầu. Chín Nữa cứ triết lý miên man:

- Thời buổi này quan cũng như lính cũng chẳng làm gì cả. Một cái cụp là xuôi tay. Thua mấy thằng thương buôn, lơ xe đò, đạp xích lô... Dốt vậy mà khỏe ra, kiếm ngày nào ăn ngày nấy không sợ làn tên mũi đạn rủi may. Hồi nhỏ mày học giỏi nhất làng Phú Mỹ. Vậy mà hổng chịu học luôn. Bây giờ cũng là người này người nọ với người ta. Chịp! Chịp... Mấy ông nội đại úy thiếu tá của mình về đây cũng nhờ vào cái túi áo khỉ của vợ ở Sài gòn đem đút lót chớ tài ba gì. Tao sợ ở ngoài đó bị bắt lính hổng dè vô đây cũng bị lính bắt nhưng ở ngoải đi lính có xe cộ, có lương mỗi tháng, vô đây toàn xài lô-ca-chưn còn lương thì trớt he. Tháng nào cũng phải thông cảm với ở trên. Đã vậy còn cái nạn tử vô địa táng nữa chớ. Tụi Đồng Dù dữ dằn gấp trăm thằng Sài gòn. Bắn nó một phát chim sẻ, nó trả hỏa một ngàn cà-nông, bắn nó rơi một con cá rô nó rắc tám đợt B52. Hồi 62 tao ăn dầm nằm dề ở Xóm Dược Xóm Thuốc Hố Bò.

- Dạ mấy chỗ đó cháu có biết hồi năm ngoái.

- Năm ngoái là hết vui rồi. Tao có nghe mấy thằng nhà báo vô quay phim. Còn cái gì mà quay. Chắc là ở trên cho nó quay ba đứa con gái dũng sĩ chớ gì.

Tôi hơi nhột trong bụng nên làm thinh. Lòng ủ ê chán chường không phấn khởi nôn nao như hồi còn lội Trường Sơn.

Chín Nữa bảo:

- Mày nên móc gia đình sớm sớm đi! Không nên chần chờ một ngày nào. Nhớ... - Chín Nữa lại ngó quanh rồi nói - Nhớ đừng có cho ai biết em mày làm đại úy nghe chưa?

- Dạ!

- Con nhỏ này thì cũng được, chỉ hơi dốt chút thôi! Ối mà mày cũng đừng nên bắt chước lấy vợ hay chữ như tao. Về nhà nó biểu gì cũng phải nghe.

- Dạ, cháu đâu có định gì. Chân ướt chân ráo mới xuống đây được má Hai nhận làm con nuôi để lấp khoảng trống đứa con bị tử trận hồi 46 khi đánh đồn Bến Súc.

- Xí! Mấy thằng cha Tô Ký Hai Bứa ngông cuồng đào hầm không tới đâu lại đánh làm chết lính.

- Tôi nhớ bà ngoại với cậu Tám tôi quá trời.

- Bà ngoại và cậu Tám đều qua đời hết rồi! Chết nhiều lắm! Tao không muốn kể ra. Rồi cũng chẳng làm gì. Tới phiên mình. Sợ không toàn thây, không mồ mã, không cả hương khói.

Chín Nữa nói phăng phăng như nước chảy, lúc nghiêm trang, lúc cà rởn, nhưng xuyên qua câu chuyện tôi nhận thấy một sự chua chát, tiếc rẻ.

- Bây giờ mày về được gặp lại má mày thì chẳng khác nào bà ngoại mày vậy. Bả giống y bà ngoại chẳng khác một nét nào.

Các cậu đi quán lo đồ nhậu tới. Ông Bính đã cho trải đệm và lá chuối thành một mâm dài ở giữa chuồng trâu. Tất cả mồi và rượu dọn ra. Một chú bé vô nhà mượn mấy cái ly cối.

Chín Nữa ra góc chuồng trâu hái một vốc ớt hiểm đem vô vừa ngồi vừa nói:

- Mời hết nam phụ lão ấu xáp vô. Nó chơi phản lực mình cũng phải nhậu phản lực. Lơ mơ không kịp đó: Đứa nào giỏi giò chạy vô kêu con xã đội với hai đứa kiện tướng ra đây nhậu luôn. Tụi con gái này coi bộ mạnh dạn hơn lính của tao.

Ba cô con gái kéo ra. Ông Bính bảo:

- Ưng đứa nào thì ngồi gần đứa nấy!

- Tui chẳng ưng ai hết.

- Ừ hổng ưng thì ở vậy, chết không biết mùi đời.

- Hổng ưng mơi mốt kiếm không ra con trai phải quơ đàn ông ba bốn lửa cho coi.

- Đại đội đông như vầy, có ba đứa sao đủ?

- Đứa nào chịu thì cho tuyên bố trước.

- Lấy cái chuồng trâu này bao ni-lông động phòng luôn.

Vừa ăn vừa nói vừa uống. Mạnh ai nấy nói nấy ăn nấy uống. Không mời ai, không ai nhường ai và không ai nghe ai. Có thể một trái 175 ly rơi giữa mâm là quân dân bay như bụi. Chuyện đó đã xảy ra ở Củ Chi này rồi.

- Sao gọi là kiện tướng mà không gọi là dũng sĩ.

Bính Chân Lư buột miệng hỏi.

- Dũng sĩ là khi nào bắn chết năm thằng lính Mỹ. Còn kiện tướng thì chỉ đào đất giỏi thôi.

-Vậy chị em bây có đứa nào được đeo huy chương kiện tướng chưa?

Năm Biền đáp.

- Được rồi! Cả hai chị em tôi.

- Kiện tướng thiệt hay giả? Đừng có làm kiện tướng kiểu con Chín Nhan ở bên Lộc Thuận xứ Trảng Bàng nghe.

Sáu Trong trỏ tay qua phía bên kia bờ suối:

- Nhà nó ở bên đó. Cái nhà ngói ló nóc trong lùm tre. Hổng biết kiện tướng đó ra ấp chiến lược Cầu Ván lập quán chưa?

Bính Chân Lư nói:

- Con nhỏ đó xúc được mấy ki đất mà lên chức kiện tướng? Đào hầm, móc địa đạo chớ có phải làm kẹo đậu phộng hay tráng bánh tráng đâu mà lên kiện tướng mau vậy?

Năm Biền nép vào vai cô xã đội cười sục sục:

- Vậy mà có người mê mới lạ chớ. Hồi trước tôi thấy chiều nào người ta cũng lội suối qua đó, xách nước tưới rau tưới cải dùm để có dịp nói chuyện với cô kiện tướng coi bộ mết lắm.

Chín Nữa cười:

- Người ta mê mết cái chỗ khác chớ phải mê cái kiện tướng hay sao.

Bính Chân Lư bị móc trúng hang cua nên ra miệng:

- Đó là công tác dân vận thôi mà. Hề hề... chớ tôi đâu có ý gì!

Sáu Trong cắt ngang:

- Tại sao dân lại giận bỏ ra tuốt ngoài ấp chiến lược Cầu Ván vậy?

- Tại sao ai biết tại sao, muốn biết thì phải hỏi cô xã đội kìa.

- Nếu tôi là người ta thì bây giờ chiều chiều tôi cũng lội qua suối chổng khu mà hú ra ấp chiến lược để cho cô ta động lòng mà quay về.

- Hồi nẵm thì tôi còn dám chớ bây giờ qua đó lớ huớ là bị cá nhái xúc về Đồng Dù ngay.

Năm Biền vẫn chưa buông tha:

- Anh Bính có nhắc gì chị Bính, ủa chị Chín, tôi chịu khó đi ra Cầu Ván nói dùm cho chớ để bây giờ tôi thấy anh cứ đứng bên bụi ớt ngó qua bên kia suối hoài hà! Tôi sợ cây ớt giống của tôi rụng hết trái!

- Không có rụng đâu! Ớt đó sẽ trở nên ngọt ngay như đường phèn vậy. Phải không ông Bí... inh?

Bị Chín Nữa bao vây, Bính bèn phá vòng vây bằng cách xoay lại chị em Năm Biền:

- Mất mục tiêu xa, tôi quay họng súng tấn công mục tiêu gần đó.

Mọi người cười ngã nghiêng, chị em Năm Biền bị pháo bất ngờ, lúng túng. Bính tiếp:

- Tôi oánh luôn cả hai đồn một lúc cho mà coi.

Cả mâm rượu la ầm lên khoái chí, vì thủ trưởng của mình chuyển từ thế thủ sang thế tấn công. Bỗng cô xã đội kêu lên:

- Cái gì đen thui trong tép mỡ vầy nè?

- Đâu, cái gì đen thui?

Là giơ miếng tép mỡ lên. Chín Nữa không nhìn nhưng vẫn nói:

- Đó là ba cái lông heo chớ gì. Cứ việc nuốt càn đi. Miểng bom trong cơm tao ăn còn không mắc cổ, sá gì ba cái thứ lông đó.

Tôi quay sang hỏi Chín Nữa:

- Năm ngoái tôi về Củ Chi lần đầu, tôi cũng có nghe đồn cô kiện tướng Chín Nhan. Cô ta là ai vậy dượng?

Chín Nữa đang nhai tép mỡ bèn trỏ tay sang Là. Là háy tôi rồi nói:

- Anh muốn biết sao không hỏi bà Nhã Nam hồi nãy? Em kể tiểu sử vắn tắt của cổ cho anh nghe. Ngồi cho vững để khỏi té ngửa. Cô ta bán quán. Lúc đó trường tân binh của ông Hai Chòi và ông ba Râu đóng gần quán của cổ.

Chín Nữa xen vào:

- Cũng dân mùa thu của mày.

- Cô Nhan đi mua đồ ngoài thị trấn về bán. Nhờ đám tân binh mà bà má của cổ làm giàu nhấp nháy. Bả có ý định bắt rể một trong hai ông mùa thu quá lửa này..

Bính thêm:

- Phải nói thế này mới đúng dư luận. Trường Tân Binh đó là nơi chiêu tập thanh thiếu niên từ 15-16 đến 19-20. Lớp 19-20 thì R bắt hết để bổ sung cho hai công trường 5 và 9 của ông Sáu Khâm và ông Năm Truyện. Còn lớp 15-16 thì bỏ lại cho khu mình dùng. Con nít mới lớn lên không vác nổi thùng đạn đại liên, ra trận thì không dám ngóc đầu lên, còn đi tải gạo, ba chục lít đã thở hò he. Do đó tụi tôi gọi là lính cò mửa và cho về nhà hết rồi.

Chín Nữa cười:

- Ông nói sự lích tại sao người ta nói Q Hai Chòi kìa.

Tôi nghĩ thầm: lại cũng chữ "Q" của ông Bảy Rừng Sát nữa rồi. Bính tiếp:

- Đó là bí hiệu kiểu H5, H6, nên trường của Hai Chòi mang tên Q1, trường ông Ba Râu mang tên Q2 và do sự muốn bắt rể của má cô Nhan mà bà con chế diễu rằng má cô Nhan muốn bắt Ql lẫn Q2. - Bính gật gù thích thú - Hai chàng Sơn Tinh lẫn Thủy Tinh đua nhau thi tài nhưng rốt cuộc nàng Công Chúa lại dông ra ấp chiến lược theo lính Quốc Gia.

- Tại sao vậy? - Tôi hỏi.

- Tại vì lúc đó ông Hai Tốt Trưởng ban Tài chánh của khu ẵm cả chục triệu nhảy ra Sài gòn. Ở trong này lính đói. Lính đói thì hà hà, Q3, Q4, QIO cũng teo nữa là Ql, Q2. Bà quán thấy không nên để cho cô con gái kiện tướng mình phí sức rót trà châm rượu cho Sơn Tinh Thủy Tinh nữa nên bay ra thành tìm Sơn Tinh Thủy Tinh Quốc Gia. Bởi vậy nên bây giờ Hai Chòi thì dẹp Chòi còn Ba Râu thì rụng râu.

-Ông kể chắc còn thiếu! - Là đâm hơi - Phải chi ông nghe bài báo của nhà báo trứ danh Nhã Nam phát thanh trên đài Giải Phóng kìa mới đã đời. Bài đó tên là Kiện tướng Áo Hồng nghe mà rùng mình rỡn ốc. Tiểu đoàn 14 Tây Ninh bảo là Kiện tướng thổi phồng. Chuyện Q hai Chòi và Q Ba Râu dài lắm. Nhưng tôi chỉ nhắc thêm một điểm nữa thôi. Đó là thanh niên thanh nữ vô trường, học thì ít mà bắt cặp nhau giỡn hớt thì nhiều. Cho nên dân không để ở trong nhà. Họ phải kéo ra đóng trại ngoài rừng Lộc Thuận. Họ khuyến khích bà con ở vùng Cỏ Ống và Rừng Tre đào địa đạo theo kiểu kiện tướng Chín Nhan. Tức là đào cạn xều. Chỉ một trận mưa là sụp tiêu hết.

- Hầm gì dễ sụp vậy? - Tôi gặn hỏi.

- Hồi nãy em đã nói rồi. Cái gáy hầm phải dầy ít nhất là chín tấc hoặc một thước. Nhưng tụi lính cò mửa chỉ đào 6-7 tấc là trổ ngang. Chỉ mưa một trận lớn, nước ngấm là sụp tuốt không cần gì phải xe tăng càn.

Thấy mặt trời đã xế qua, Là giục:

- Thôi đi về, anh Hai! Mình về còn phải ghé qua thằng Tư Ếch bàn chuyện hầm hố. Mấy đứa này trốn công tác, chui kỹ như ếch, phải moi dữ mới ra. Do đó em phải tìm lâu lắm mới được. Anh coi, một cái hầm quan trọng như vậy một mình em đào sao thấu.

Năm Biền nói:

- Hồi trước chỉ là kiện tướng đứng miệng thí, kéo hai trăm ki. (ki chứ không phải kí, mỗi ki nặng chừng ba chục kí). Bây giờ chỉ bị cụp xương sống nên không đứng nổi mà cũng không đào nổi nữa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx