sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 50: Người Đàn Bà Đau Khổ Vì Dở Dang Thời Kháng Chiến

Thấy chị Ba khoảng bốn mươi, tôi hỏi Bảy Mô:

- Còn anh Ba đâu?

Mô lặng thinh. Hai đứa đi song song vào nhà. Mô buồn dàu dàu. Tôi nghi là có chuyện gì bi đát. Thì quả như rằng, Mô kể:

- Chị Ba có thương một anh vệ quốc đoàn...

- Thời kháng chiến chống Pháp.

- Thời đó em mới ba tuổi. Còn anh chắc đã...

- Mười sáu tuổi rồi. Anh đang làm mật mã cho quân khu.

- Em nghe chị kể lại anh ấy ở Tiểu đoàn 303.

- Anh biết rồi! Đó là tiểu đoàn đánh giao thông chiến giỏi nhất toàn khu.

- Chị bảo trận Bến Súc hay Bến Cát gì đó, mình thắng lớn, bắt được hơn chục xe GMC chở hàng và thu súng nhiều vô kể. Bộ đội kéo về nhà em liên hoan mấy ngày liền.

- Anh biết rồi. Tiểu đoàn đó do ông Hoàng Thọ chỉ huy. Sau khi Hoàng Thọ bị thuyên chuyển thì Ba Cửu và Ba Vỏ về thay.

- Trận đó anh ấy hi sinh.

- Trời!

- Cho nên bộ đội thì liên hoan mà chị Ba em thì liên hận. Từ đó chị lãnh đạm với tất cả mọi người. Các ông Năm Tiền, Ba Châm, Ba Hải cùng lứa với anh ấy bây giờ là cán bộ tiểu đoàn cả. Các ông ấy tìm gặp chị hoài, nhưng chị bảo là lòng chị đã đóng kín không còn mở ra để đón tiếp bóng hình nào. Tuy bị từ chối thẳng họ cũng vẫn cứ tới lui.

- Em cũng nên khuyên chị!

- Chị Ba, chị Năm, rồi tới em nữa. Toàn lấy chồng bộ đội.

- Anh đã bảo mà!

- Em rầu... cho hai chị quá!

Bữa tiệc xôi sầu riêng và gà quay trở thành buồn tẻ vì có một mối sầu chung lan trải quanh bàn ăn. Tôi thấy buồn nặng trĩu. Xưa nay những danh tướng mấy ai về đã đành rồi, còn lính tráng càng có mấy ai? Tôi từ giã Bảy Mô như chạy trốn một hạnh phúc, thứ hạnh phúc có thể cháy vèo như một chiếc cánh bướm mong manh. Đời thằng lính đầu đỏ này luôn luôn như thế đó. Ngã Ba Gót Chàng - Bến Mương chia tay.

Về đến đơn vị đã có cả chục cán bộ tề tựu san để chào đón thủ trưởng mới: Ba Tố, Ba Đùng, Ba Thu, Sáu Đức. Ba Tố vốn quen tôi từ xưa và từng cụng ly từ Sơn Tây vô tới R, rồi xuống Củ Chi, săn sớm giới thiệu với tôi từng người không theo điều lịnh nội vụ mà theo luật lục lâm sơn trại:

- Tụi bây nhờ hồng phước của chúa thượng nên được ở trên ban cho ông thủ trường này, vừa điệu đàn vừa tài giỏi. Nhậu thì hết chê! Sao không mọp sư phụ đi tụi bây?

Tôi xua tay.

- Thôi anh ba, phá em hoài!

Sáu Đức giơ cái rộng tre nước chảy ròng ròng:

- Tôi có cái này mừng thủ trưởng.

Ba Tố cười:

- Tôm ăn thây ma ở sông Sài gòn đó hả?

- Thứ mồi đó nhậu đế mới bắt.

Tôi đứng ở đây, miệng đối đáp với cán bộ chiến sĩ quyền chỉ huy của tôi mà lòng tôi còn ở lại con suối ngát hương sầu riêng. Tôi đã yêu nàng rồi chăng? Ở Củ Chi, nếu có thì chỉ có nàng, người con gái hợp với tôi nhất. Nàng đang chen lấn trong trái tim tôi với Thu Hà. Mùi xà bông Cô Ba còn thoang thoảng bên tôi. Tóc nàng, vai nàng, áo nàng. Nàng đã lẩn vào trong tôi bằng ngõ mắt và tóc. Tôi chưa hề có cảm giác da thịt khi đụng chạm hay ôm lấy nàng. Tôi chỉ tưởng tôi là thi sĩ đang tựu thành những vần thơ khi gần nàng hay hôn nàng. Mô! cho dù tất cả tình yêu đều phải kết thúc bằng những cuộc ân ái để thỏa mãn thèm khát, tôi chưa bao giờ thấy háo hức khi đụng chạm nàng. Tôi cứ vẫn muốn giữ nguyên nàng như hôm nay bên dòng nước nhỏ gợn rêu xanh, một tấm ván bắc ngang, dưới đáy nước một đôi tình nhân lộn ngược đầu.

- Ơ kìa, ông thầy làm gì đứng ngớ ra vậy.

Một tiếng nào đó vang lên từ đám người. Tôi giật mình đáp như máy:

- Tôi đang nghĩ cách đào pháo lên để bố trí trận địa chơi với thằng Đồng Dù. A nè, tại sao mày tên Đỏ hả?

Tôi tạt ngang có vẻ như lạc đề. Thần kinh đang rung vì một chuyện lại bị giật lại nên hoảng hồn, như súng bắn vậy.

Nhưng Sáu Đức vẫn vui vẻ:

- Nó tên Độ, nhưng cậu Mười Muôn của nó ở trên D14 Tây Ninh xuống đây uống rượu với tôi rồi bảo là ở trên R có ông nào cũng tên Độ ngoài Bắc vô làm tới tướng lận, nên cậu nó bảo sửa tên nó lại. Nhưng văn phòng đã ghi nó trên khắp các giấy tờ là Độ rồi làm sao sửa được nên chỉ sửa chữ "ô" ra chữ "ỏ" là dễ nhất. Còn cái dấu nặng là quẹt ngang là xong. Do đó mà có tên Đỏ chớ chẳng phải nó muốn nó tên Đỏ đâu. Tên gì nghe kỳ cục vậy.

- Ở chỗ chú Chín Lộc có bốn chị em tên rất hay Suối Trong Xanh Biếc nghe cũng hay hay.

Sáu Đức ứng khẩu:

- Vậy cơ quan cũng nên đặt là Thu Đức Đỏ Lòm đi!

- Ba tên đầu thì có nhưng còn tên Lòm tìm đâu ra.

- Thằng Đỏ gánh luôn, thay vì Đỏ thì kêu là Đỏ Lòm!

Thằng Đỏ dẫy nẩy:

- Tui hổng chịu đâu.

Tôi bảo:

- Ở ngoài Bắc người ta thường đặt hiệu tiệm hoặc hợp tác xã bằng chữ đỏ, như Cờ Đỏ.

Xanh biếc thì nghe còn hay chớ đỏ lòm nghe mắc ói quá, em không chơi đâu.

Sáu Đức đưa cái rộng tôm cho quản lý Ba Thu:

- Làm sao nhậu cho oắc cần câu mừng thủ trưởng mới đêm nay thì làm.

Ba Tâm cười nhe hàm răng vàng nghĩnh:

- Để đó tôi tinh, không phải lo.

Thằng Tâm trinh sát viên góp ý:

- Tôi đi quán xách một cây nghe anh Ba, anh Sáu..

Thu Ba, cô bé cấp dưỡng chống chế:

- Mấy anh ăn cơm thì muốn cục chấm muối hòn, còn nhậu một bữa hết cả chục kí tôm. Đưa cho tôi kho ăn hai ba bữa, để mai thấy muối khỏi kêu rát ruột nghen!

Thằng Đỏ bảo:

- Đáng lẽ phải kiếm gà vịt mới phải, tôm nhằm nhờ gì!

Khách khứa bỗng kéo tới chật cả văn phòng, không có chỗ ngồi, chỗ đứng cũng không đủ. Năm Đùng, Út Lộc, Út Chi ở D8 xa mà cũng đến góp mặt. Năm Đùng vỗ vai tôi:

- Từ bữa ở nhà cô Lụa tới nay tụi tôi làm cả chục trận, trận nào cũng nhắc thầy. Pháo Đồng Dù bắn bao nhiêu, tôi chống bằng đế quốc bấy nhiêu. Hội ve chai chống Mỹ sinh hoạt đều chờ thầy. Bữa nay đại hội bất thường mới có tôm chưa đủ. Để tôi đi kiếm thêm vài ký lươn.

Út Chi thêm:

- Có gà giò quơ vài con. Mình phải chơi sáng đêm. Mấy cha Hai Giả và Sáu Phấn đâu có bao giờ hợp rơ với tụi này. Mấy chả chơi toàn mấy bà không thôi!

Quản lý Thu tiếp:

- Hai ổng còn không ăn cơm ở đây nữa là nhậu!

Thu Ba bồi thêm:

- Hai chú cắt khẩu phần, lãnh gạo đem về nhà lâu rồi.

Tôi hỏi.

- Vậy ai chỉ huy cơ quan này, nếu có giặc tới?

-Đâu có ai!

Ba Tố bảo.

- Bây giờ có rồi! Mấy chú khỏi lo. H6 sẽ lên như diều.

Bữa tiệc tan tôi đi theo thằng Đỏ. Kể từ bây giờ nó là bạn chí thân của tôi. Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Tôi ra cái hầm cá trê của nó móc ngoài vườn để nghỉ ngơi. Qua một ngày đi đường và một trận đấu ly của Hội ve chai, tôi mệt. Nhưng cái này không đáng sợ bằng cái buồn. Buồn ghê gớm. Buồn vì xa ông già, vì chia tay với ba người yêu cùng một lúc, buồn vì sự bệ rạc của cơ quan và sự cô đơn.vây riết quanh mình. Không có bạn bè nào chung quanh. Nhậu xong họ về hết rồi. Còvl lại mình tôi như con chim bay giữa cái biển mênh mông với đôi cánh cô đơn nặng trĩu.

- Mày ăn ở như vầy sao hả Đỏ?

- Vậy là sao anh?

- Một cái hầm cá trê với một mớ rơm lót, không có gì nữa hết?

- Còn cái võng với tấm ni lông nữa chớ anh.

Tôi nhìn quanh: vườn hoang. Trước mặt con lộ đất chạy ngang. Nằm gác đầu trên mép võng, có thể nhìn thấy xuyên qua mớ cỏ lưa thưa cao nghệu, đàn bà đàn ông đi qua ngoài đường. Đỏ làm cho tôi chỗ mắc võng để tối ngủ theo kiểu hai tầng. Tôi nằm dưới đáy hầm trên mớ rơm khô có mùi hăng hắc, đưa mắt ngó lên trời. Hoàng hôn ảm đạm. Ráng tỏ rực ở chân trời phía sông Sài gòn. Tôi lấy chiếc khăn lông trắng ra bảo Đỏ nhúng dùm chút nước để tôi lau mặt.

- Nhớ đừng có giặt nghe.

- Sao vậy anh?

- Giặt bay mất mùi xà bông... thơm.

- Ối xà bông thơm thiếu gì, tôi mua cho anh cả lô... ủa ủa hay là anh sợ mất mùi xà bông Cô Ba.

- Cô Ba ở đâu mà mày biết.

- Hồi trưa chị Ba bảo em ra kêu anh vô ăn cơm, em ra vườn gặp anh đang nói chuyện xà bông Cô Ba với chị Bảy.

Đỏ nói đúng, nhưng chiếc khăn này là của Chia tặng "để mỗi sáng anh lau mặt là nhớ em!” Thằng Đỏ lại nói:

- Hôm trước anh Lạn có đến đây.

- Mày cũng biết nó nữa à?

- Biết chớ, ảnh đem công văn khẩn đến đây hoài mà. Ảnh nói là nếu anh có về đây thì nhắn anh chị Lụa chị Là gì đó bảo anh về nhà má ở Phú Mỹ Hưng, có má bên Bến Cát Thanh An về!

- Có nhắn gì nữa không?

- Bảo anh phải về gấp, má không có ở lâu được!

Tôi nói y như với Lụa và Là.

- Về sao được mà về? Công việc mê mê, thì giờ đâu?

- Ai biết đâu nà!

Lại coi mắt! má Ua, má Là, má Mô! Ba bà mẹ đi coi mặt một chàng rể! Tôi không muốn vương mắc trong đám tơ rối mù đó nên hỏi sang chuyện khác:.

- Ông Hai Giả và ông Sáu Phấn không về đây sinh hoạt với anh em à?.

- Sinh gì mà sinh. Ông Hai có xe đạp Bờ Rô của vợ ở Hốc Môn đem vô cho nên ông nhường xe của cơ quan cho ông Sáu rồi. Hai ông có chân chạy nên không ở đây. Ông Hai thì ở riết nhà bà Chín Kiểu, còn ông Sáu thì sáng đạp xe tới chiều đạp xe về. Đó là hồi trước, còn bây giờ cả tuần ổng mới đến một lần.

- Bộ phận trinh sát thì sao?

- Dạ thì chỉ có ông Sáu Đức đó thôi. Còn anh Ba Thanh và anh Mười, tiếng là trinh sát cơ động nhưng sự thật hai ảnh đang đeo sát Út Lành và Út Lan ở ngoài Xóm Chùa.

- Sao mày biết?

- Tôi còn biết nhiều chuyện nữa chớ!

- Gạo muối lãnh đủ không?

- Dạ đủ, ủa mà thiếu nhưng không sao. Vẫn ăn đủ.

- Tại sao vậy. Bộ thắt lưng buộc bụng hả?

- Dạ không phải. Quân số H6 mình 420 kể cả đơn vị, riêng văn phòng 40 nhưng còn có 12 hiện diện, nên gạo lãnh cho 40 họ phát có 15. Như vậy vẫn thừa ba khẩu phần.

- Còn sinh hoạt phí?

- Dạ cũng đủ xài.

Vừa tới đó thì có tiếng trực thăng phía sông Sài gòn. Tôi đứng bật dậy nhìn ra. Trời mờ mờ, mây vằn vện giăng giăng tôi không thấy gì. Đỏ bình tĩnh bảo:

- Anh cứ yên trí đi!

- Yên trí cái gì?

- Nó đi tuần là mình khỏe gà. Nó đi tuần sông đó, anh ạ! Không phải nó đi hứng mát đâu.

Đỏ vừa dứt lời thì một làn ánh sáng từ trên không tỏa ra như hình một cái nơm khổng lồ xé màn đêm chụp xuống mặt đất Tôi hỏi:

- Nó làm gì vậy Đỏ?

- Trực thăng soi đó anh.

- Lạ nhỉ!

- Anh chưa từng bị lần nào à?

- Chưa!

- Tụi nó khôn lắm. Nó biết hậu cần chở gạo qua sông. Nên hễ sụp tối là nó đi soi như mình soi ếch soi cá vậy. Soi đường sông xong nó soi đến đường xe bò. Nhưng mình cũng đâu có dại. Hễ nó soi vừa xong, biến dạng là mình cho đuôi tôm vọt. Có lúc một tuần liền mình không bị soi phát nào, nhưng không hiểu tại sao nó rút kinh nghiệm được. Chắc có lẽ mấy cha nội hồi chánh mách cho nó chớ gì?

- Ai hồi chánh đâu?

- Ông thượng úy Bảy Huyền dắt mèo đi luôn một cặp.Cho nên khi tắt đèn bay đi xa một lúc thì nó quay trở lại. Mình vừa bị dính một phát chìm hai ghe gạo, một ghe súng đạn. Ác thiệt! Cái ngữ trực thăng soi này còn độc hơn cả pháo đó, anh ạ! Sông rộng quá, mà nó bay mau, mình cập bến không kịp. Còn lắm khi nó đáp xuống cả ruộng nữa chớ!

- Ban đêm à?

-Dạ ban đêm ban ngày đều có hết. Nó soi, hễ gặp ai đi đường khúc trống nó đáp xuống hỏi giấy căn cước. Ai có giấy nó không nói gì, ai không có nó xúc luôn về ấp chiến lược.

- Giấy căn cước của ai?

- Của tụi quận Củ Chi cấp.

- Sao kỳ vậy? Dân của mình mà tụi nó cấp giấy căn cước!

- Dạ đâu có biết! Nhưng bà con trong này ra ngoài đó xin giấy đều đều. Nó cấp cho dễ dàng. Đem về trong này họ dấu mấy ông xã ủy. Họ lận dưới lai quần hoặc nhét kỹ trong lưng. Có nhiều người bị xét về nhà không dám ở nữa, bỏ ra luôn ngoài ấp chiến lược. Họ ở đây nhưng bụng lại ở ngoài.

Nghe thằng nhỏ nói, tôi rủng chí. Đó chính là sự thất bại của mình. Cá không có nước, cá lóc trên khô. Một cặp trực thăng bay đi đảo lại hai ba vòng. Nó không bắn. Chắc là.không đụng đuôi tôm vọt qua sông. Tôi thở phào, nằm dài trên nệm rơm. Nó chơi mình nhiều kiểu quá. Bom pháo, sự thường. Chất độc hóa học: cũng còn chịu được. Xe tăng ủi xóm làng: Ta chạy tránh đào hầm khác. Bây giờ chơi tới cái trò soi ếch này. Mình khôn nó cũng đâu có dại. Tôi hỏi:

- Mày có nghe chị Ba nói gì không?

- Nói gì?

- Nói về tao ấy mà!.

- Không!

-Mày giấu hả?

Thằng Đỏ cười hề hề:

- Anh khôn tổ mẹ. Cái gì cũng chận đầu. Nói chơi chớ chỉ khen anh ngất trời thiên. Chỉ bảo em có ông chỉ huy bánh tẻn, còn chỉ có cậu em rể coi được quá chừng. Chỉ bảo lần tới chỉ sẽ đưa má vô coi mặt anh. Anh chịu không?

- Chịu gì?

- Anh làm bộ hoài hè, người ta ưng anh rồi đó. Chị Bảy được biệt hiệu là dũng sĩ toàn miền lại còn biết khảy đờn bài Mùa Xuân Chiến Khu may áo, nghe hay lắm. Chỉ rủ em, muốn học chỉ dạy cho một tuần thì biết. Chỉ có cho em thử mà em bấm cà trật cà duột hoài, rồi em chạy luôn.

Một tiếng từ xa vọng lại.

- Có đồng chí trưởng ban đó không Đỏ?

- Dạ có! - Đỏ đáp xong, quay lại tôi thì thầm - ông Sáu Phấn!

Tôi vừa ngồi dậy thì Sáu Phấn đã đến miệng hầm.

- Trời ơi! Tôi mừng muốn chết. Hôm qua tôi vào trong K20 gặp ông Tám Quang, ổng bảo ông về rồi. Tôi vọt ra đây để hai đứa mình bàn tính công chuyện - Sáu Phấn nói một hơi - Hai Giả làm đơn vị này mang tiếng. Ở trên tưởng là mình bệ rạc lắm. Đâu có gì đến đổi. Bất đồ mấy ổng bảo chơi Đồng Dù vài chục quả thử coi mình có làm được không? Dù hèn cũng thể, dù bể cũng còn kêu cạch cạch chớ đâu có tịt luôn. Thôi bây giờ ông đến nhà, tôi làm bậy vài cây đón gió rồi bàn công chuyện tiện hơn.

Thằng Đỏ nghe nói nhảy lên bờ vác xe đạp chạy tới. Chúng tôi hành quân bằng hai chiếc xe đạp. Theo như ba tôi nói sĩ quan Sài gòn, thiếu úy cũng có xe ieep rồi. Tụi này đã là đại úy ở Hà Nội vẫn cuốc bộ bỏ mạng, bây giờ nhờ ân huệ của đảng nên được xe đạp mà đi. Mô Phật xe của đảng!

Sáu Phấn cũng thuộc nhà pháo nhưng không có học với tôi. Tuy vậy hắn vẫn biết tôi có phép thuật cao cường hơn hắn nên hắn rất nể. Hắn cao lớn người, ngoài bốn mươi, tốt tướng, đặc biệt có cặp mắt lộ, nên có hổn danh là Sáu ốc Bưu.

Sáu Phấn kêu vợ làm cơm. Tôi can. Bà vợ chỉ đem trà và bánh ngọt,. Sáu Phấn thanh minh ngay:

- Ổng là trưởng mà bỏ bê như vậy, tôi là phó thì làm sao được?

- Để mình gặp ông rồi bàn luận.

- Tôi đề nghị ông làm vừa vừa thôi, làm mạnh quá tôi sợ ổng quất ngựa chuối như Bảy Huyền!

- Mạnh hay nhẹ không thành vấn đề, cái chính là làm sao cho ổng thấy trách nhiệm của trưởng ban pháo binh của một quân khu.

- Ổng không chịu đến cơ quan. Còn tôi mà lơn tơn tới nhà ổng thì bả nặng mày nặng mặt. Bả sợ tôi đến rù quến bắt ổng đi kiểm thảo! Bố tôi kiểm ông không nổi nữa là tôi! Ông Năm Lê gọi ổng tới ổng cũng không tới mà!

- Ông Năm cũng không chấp nhất mấy vụ đó đâu!

- Không chấp sao được? Đó là kỹ luật quân đội!

- Tình trạng của mình bây giờ là bán du kích bán chính quy bởi vì mình không đủ điều kiện để thi hành kỹ luật theo chánh quy thì mình phải dùng tình cảm thay cho nguyên tằc.

Sáu Phấn nói ngang ngang với tôi, không xưng hô bằng đồng chí..

- Nếu một đơn vị pháo binh ở doanh trại có đủ quân số và khí tài thì điều lệnh của trên ban xuống ông phải thi hành và lệnh của ông đưa ra các khẩu đội phải tuân theo. Hành quân có quân xa hoặc xe tăng kéo pháo, đâu có tình trạng chôn pháo, đâu có tình trạng cán bộ ở nhà dân mà có vụ này vụ nọ. Mình xét vấn đề phải xét nhiều mặt. Đánh giá con người cũng thế. Cái chuyện vượt Trường Sơn và chịu đựng ở đây mấy năm liền lớn hay là vụ vợ bé vợ mọn lớn?

- Ông nói đúng rồi, nhưng kẹt cái là ổng có vợ. Bả vô đây hàng tháng. Thì ta chỉ nên khoanh tròn ở chỗ đó thôi! Ôngg Năm Lê có tính nóng nảy, la ó hay đập bàn đạp ghế, nhưng tôi thấy ổng đánh giá cán bộ đúng lắm. Cho nên tổ chức đề nghị thi hành kỹ luật cả hai mặt đảng và chính quyền mà ổng chỉ thi hành về mặt chính quyền thôi, nghĩa là điều Hai Giả đi công tác một thời gian cho lắng êm dư luận rồi cho chỉ huy một đơn vị khác!

- Cho đi đâu?

- Chắc đi Dĩ An Thủ Đức để chỉ đạo các đơn vị pháo dưới đó nhằm vào các căn cứ Mỹ.

- Hổng biết ông có chịu đi hay không.

- Để mai tôi gặp ổng thử coi. Riêng các anh em khác thì anh cho hay chiều mai tất cả phải có mặt để họp toàn ban. Anh nào không đến, tôi coi như đào ngũ.

- Về đây chết bom đạn rất đông mà lọt hầm chông phèo ruột cũng không ít.

- Tại mình coi vấn đề đó quan trọng nên xử lý nặng nề chớ nào có đáng gì!

Tôi ngồi uống trà với Sáu Phấn mà tâm sự ngổn ngang. Tôi biết rất nhiều vụ lăng nhăng như thế này của các ông lớn. Từ ông Duẩn trở xuống ông Trà trở lên. Năm 1956 khi tôi ở một đơn vị, Xuân Mai nghỉ phép Hà Nội, tôi có tìm đến thăm bác Ba Lắm là dân Bình Xuyên đi theo kháng chiến từ đầu 1945. Lúc đó tóc bác đã hoa râm. Con người không to lớn nhưng khỏe mạnh gân guốc. Tôi vốn là học trò nhà quê mê truyện Tàu nên nhiễm cái tính anh hùng trong các truyện Tam Quốc, Vạn Huê Lầu... Tôi xem bác Ba Lắm như Tần Thúc Bảo hay Địch Thanh. Bác ra trận không bao giờ nằm. Súng nổ là đứng lên chạy trước. Bác còn bảo lính: "Đứa nào xung phong lên trước chiếm xe địch tao để cho chỉ huy tao. " Đánh giặc chín năm lên chức tiểu đoàn phó. Ra Bắc, cùng cỡ bác lên Trung đoàn phó là bét, bác không nhích được chút nào. Lại còn bị tổ chức ghi trong lý lịch là thành phần lưu manh. Bác bảo: "Tôi không phải là lưu manh. Mà dù tôi có là lưu manh thì hãy xem từ khi tôi vào bộ đội tôi có lưu manl không?" Rồi buồn tình bác bỏ ra dân, lấy một bà tư sản góa chồng (Đây là lần đầu tiên ông lấy vợ, vào lúc gần năm mươi!) Tổ chức lại được dịp nhân lên tội lỗi của bác: phạm lập trường giai cấp. Bác nghỉ chơi với cách mạng luôn và đi kéo nứa mướn bằng xe ba gác ở bến phà Đen để kiếm sống. Khi tôi đến bác đã có một đứa con gái ba tuổi. Tôi nhắc lại chuyện xưa Bác khóc ròng: " Khi cần ngực mình để đỡ đạn người ta bảo mình là anh hùng. Thắng trận xong rồi mình làm thằng lưu manh. Địt mẹ chúng nó, chúng nó lấy vợ địa chủ thì không sao cả, còn mình lấy một bà tư sản phá sản còn có cái nhà rách thì lại bị quy là phạm lập trường giai cấp!"

Hình tượng và câu chuyện của vị tướng lãnh Bình Xuyên không bao giờ phai nhạt trong tôi. Thì cũng gần như vậy cái trường hợp Hai Giả hôm nay. Khi vượt Trường Sơn thì bảo là vinh quang, khi đến Củ Chi thì bảo là Đất Thép Thành Đồng. Lấy vợ bé thì bảo là phạm kỷ luật. Còn Tổng bí thư, chánh ủy Tư lệnh lấy vợ ba thì cái lập trường vẫn cứ còn nguyên con, không sứt mẻ chút nào..

Tôi đứng ở giữa cấp trên và tội phạm, tôi phải hành xử sao đây. Đành rằng tôi không phải là kẻ thi hành kỷ luật y nhưng phải làm sao để y thấy rằng mình không có ham hố gì- - mà lại khổ tâm - vì cái chức trưởng ban H6 này.

Vợ Sáu Phấn một người đàn bà trạc bốn mươi, vóc dáng khỏe mạnh, tay bưng dĩa tôm càng nướng đỏ rực và dĩa rau sống xanh biếc có chuối khế xắc lát rất khéo sắp quanh vành dĩa, đi ra đặt nhẹ lên bàn và nói với chồng:

- Anh mời khách uống vài ly cho vui!

Sáu Phấn cười với tôi:

- Ông thấy tôm con nào con nấy mập ú không?

- Thì hồi chiều cũng làm ở đẳng một chầu rồi.

- Tôm rẻ hơn cá và lươn. Chỉ một trăm một rổ đầy vì sao ông biết không?...Vì nó ăn thây ma, chỉ có tụi mình nuốt mà thôi. Chuột bị hóa học, tôm ăn thằng chổng đều ních tuốt.

- Ở vùng này vườn tược nhà cửa còn được tám chục phần trăm hả ông?

- Nhà cửa cũng xếp lại lấy cây cột làm hầm, còn dân thì rục rịch đi ra ấp chiến lược gần hết rồi. Hạng nhất vùng này là nhà con Bảy Mô, ông già nó có vườn sầu riêng và một trăm mẫu đất, nhà cũng vừa giở.

Vợ Hai Giả ở trong bếp nói ra:

- Anh làm mai cho cô Ba được đó. Chồng chưa cưới của cổ hi sinh hồi kháng chiến cổ thất tình, cổ không tính chuyện chồng con gì hết cho tới bây giờ.

- Bậy nào! Có làm mai thì làm mai cho con em, chớ ông này con trai nheo nhẻo mà.

- Con em cũng đã có chồng có con rồi!

- Con em thứ Bảy dũng sĩ kia chớ không phải con thứ năm. Chắc ổng chưa gặp đâu để mai mốt tôi bàn chuyện công tác rủ cổ lại đây cho ông làm quen. Cặp gà này coi bộ đồng cựa đồng chạng đó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx