sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 53: Đẩy Chồng Đi Dân Công Để Ở Nhà Ve Vợ

Tôi về nhà, không khí vắng hoe. Tôi gọi thằng Đỏ, Ba Thu đều không thấy. Tôi cởi súng vất lên bàn mắc võng nằm bẹp dí, không buồn cục cựa nữa. Tôi đâu có trách nhiệm gì trong cái chết của Hai Giả nhưng tôi vẫn thấy ân hận trong lòng. Sao lúc Năm Lê quyết định cho Hai Giả đi Thủ Đức tôi không có ý kiến gì hết? Đại khái như đưa ổng ra các tiểu đoàn bộ binh hiện đang cần đơn vị pháo trợ chiến, hoặc cùng lắm trả về U80 cho ông Tư Khanh. Một trong hai trường hợp này khả dĩ cứu ổng khỏi cái chết quá ư nhanh chóng, bất ngờ.

Tôi cũng đâu có ý tranh giành chức vụ trưởng ban H6 này. Đây là một chiếc xe bò bể nát chớ đâu phải một chiếc Volga mới... mà ham. Hơn nữa từ xưa tới nay sở trường của tôi là huấn luyện sĩ quan pháo binh chớ không phải chỉ huy đơn vị pháo. Chỉ huy pháo như cái H6 này là sa lầy chớ có gì khác!

Ở trên ác quá. Giết một đại úy pháo binh bằng tay địch. Nói cho công bình, Năm Lê không có ý định đưa Hai Giả đi xuống vùng xôi đậu đó. Sĩ quan pháo binh đi xuống đó làm cái gì?Năm Lê là nhà quân sự thiên về kỹ thuật hiện đại chứ không thích cái gì cũng nhân dân chủ nghĩa. Du kích thì xài hầm chông lựu đạn súng trường, còn sứ dụng cối 81 thì không được nhưng cái gì cũng do Chính ủy quyết định mà ông Tư Trường là bí thư khu ủy kiêm chính ủy quân khu thì chỉ là lãnh tụ công đoàn, một phát súng ngắn cũng chưa từng bắn.

Quyết định thi hành kỹ luật và đưa Hai Giả đi Thủ Đức là do Tư Trường ký. Thì cũng như quyết định mở cuộc tổng tấn công Mậu Thân vậy. Cứ ra lệnh còn hậu quả thì kẻ ra lệnh đâu có gánh chịu mà lo. Hai Giả chết vì sự ngu xuẩn của một tên đạo đức giả. Trời phạt nên sau này hắn đạp mìn tan thây

Tôi buông cả hồn lẩn xác vào một vũng mông lung, mong khi thức dậy, cái khối buồn tan đi ít nhiều.

Vừa chợp mắt thì nghe tiếng léo nhéo ở miệng hầm. Tôi biết là Mười ẵm bé Hoàn đến với lý do là con nhỏ nó đòi đi, em dỗ nó không được. Từ sau hôm ấy thỉnh thoảng Mười lại bế con tới ở chơi một lúc rồi để con bé ở lại với tôi, nàng ra về để có lý do trở lại rước con mà gặp tôi lần nữa. Mười ra vào dễ dàng vì nhân viên của tôi cũng thông cảm với cái anh chàng thủ trưởng của họ ba mươi bốn tuổi đầu lội khắp từ Bắc chí Nam mà vẫn chân không.

Mười thả con xuống đất và bảo.

- Ba con kìa.

Mười nói câu đó với tất cả tình cảm. Còn tôi thì dường như đã gần thành bố đứa nhỏ trong tình cảm rồi. Mười bảo con:

- Con ở đây ba dạy cho học nghe! Bữa hôm qua con mới vẽ được có một chữ thôi.

Mười nhìn tôi âu yếm.

- Anh dạy cho con nữa đi.

Nàng vừa ra miệng hầm thì quay lại.

- À, em quên! Anh đừng đi đâu, có người muốn gặp anh. Kìa Hoàn, hôn ba đi con?

- Ai đó? Thôi đi tôi mệt lắm, để cho tôi nghỉ.

- Anh ở đó rồi biết.

Tôi tìm tập vở và lấy bút nguyên tử cho Hoàn. Tôi dạy nó hai tiếng Việt Nam theo bài nhạc Bình dân học vụ của Lưu Hữu Phước:

- Vơ- iệt Việt Nờ- am nam, Việt Nam là nước của tôi. A à ó ò í tờ vui quá!

Con bé nhìn miệng tôi và hát theo tôi. Con bé xinh xắn và trắng tươi giống hệt mẹ. Giá vợ con tôi là Mười và Hoàn thì đẹp biết mấy. Những mảnh mộng đời tưởng sắp trở thành sự thực lại cứ trôi đi đâu đâu Sao tôi không dám quyết định đi cho rồi? Tôi giữ mãi tình tôi với Thu Hà không phải vì Thu Hà hơn tất cả mọi người con gái tôi gặp sau này. Kẻ được cái này người thiếu cái kia, không ai hơn ai hoàn toàn, nhưng Thu Hà có một điều mà không nàng nào có được. Đó là bàn chân của nàng dính đất cát của xứ sở tôi và mùi hương tóc nàng thoang thoảng gió mang hồn dòng sông Tân Bửu. Yêu Thu Hà, tôi có cả quê hương tôi trong nàng. Chúng tôi sẽ nói với nhau suốt đời về những tên chợ tên sông tên làng tên ấp mà hai đứa cùng biết hoặc đã cùng đến với nhau thuở nhỏ. Một nhà văn Pháp đã viết một câu quá sức đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc:

Tôi lội một ngàn cây số Trường Sơn có phải để giải phóng miền Nam hay để gặp lại mẹ cha và mảnh đất Nam kỳ yêu quí? Không thể nào thống kê được bằng tỷ số bao nhiêu phần trăm cái này bao nhiêu phần trăm cái kia, chỉ biết rằng có những anh chàng sĩ quan đi nửa đường bỗng được lệnh đi xuống khu sáu, đã chống lệnh và đi tuốt về Nam. Bây giờ tôi sẽ làm gì với cái H6 xộc xệch này trước thằng Đồng Dù và thằng Trung Hòa sừng sỏ như vậy? Mười tám khẩu DKZ khiêng bằng tay, di chuyển bằng chân người chọi với cà nông 155-175 và trực thăng đủ loại. Thân xác con người đứng bên nòng pháo chỉ là hạt bụi mà thôi.

Tôi hỏi bé Hoàn:

- Ban đêm có cà nông thụt con sợ không?

- Mới đầu khóc giờ hết rồi.

- Con nghe nổ mà không sợ à?

- Con ở trong hầm đâu có sao.

- Ban ngày con chơi ở đâu?

- Ở trong nhà. Lâu lâu má mới cho ra sân. Má dặn hễ nghe cụp cụp thì phải lủi vô hầm.

- Cụp cụp là gì?

- Cụp cụp gần là pháo Đồng Dù, cụp cụp xa là pháo Trung Hòa.

- Trong sân có bị trái pháo nào không?

- Trong sân chưa có, chỉ có sau nhà và ngoài vườn chết ba cây quít.

Tôi viết mười chữ Việt Nam bằng bút chì rồi bảo nó đồ lại.

- Con học thuộc bài này ba phóng bài khác cho con. Con học mau thuộc thì ba thưởng kẹo.

- Má biểu con ở trong này với ba.

- Ba bận công việc lắm. Con phải ở với má. Để má ở một mình có pháo thụt má sợ.

Con bé nghênh mặt:

- Má lớn rồi mà sợ gì? Con còn hổng sợ nữa?

Tội nghiệp! Con nít coi chiến tranh như một trò vui vẻ.

Vừa đến đó thì Mười trở lại với một người đàn bà ẵm con. Đứa bé rất bụ bẫm còn mẹ nó thì cũng đẹp xấp xỉ với Mười nhưng gương mặt có vẻ đôi chút thành thị. Mười chỉ tôi và nói:

- Anh Hai đó. Nói gì thì nói đi!

Tôi ngồi dậy, hỏi Mười:

- Ai vậy em?

- Chị Út ở gần nhà em. Chỉ muốn em dẫn chỉ tới chỉ có chuyện cần thưa với anh. Đó, thưa gì thưa đi chị Út!

Mười cười hí hí rồi lui ra. Đến mé hầm còn quay lại.

- Hoàn, con ở học với ba nghe!

- Có chuyện gì vậy...

Tôi chưa kịp nói hết câu thì Út đã cướp lời:

- Kêu em bằng em đi anh Hai.

- Ừ được, có chuyện gì vậy út? Bộ lính của anh đào mì hay bẻ dừa gì nhà em hả?

- Đâu có chuyện đó anh Hai. Em có một việc muốn thưa với anh Hai.

- Em cứ nói đi.

Út ngồi lặng thinh, thỉnh thoảng ngó sang bé Hoàn ì ạch đẩy cây bút trên mặt giấy. Út nói dèm:

- Phải con em lớn em cũng gởi nó cho anh dạy.

Tôi nghĩ thầm: nàng này chắc cũng có chồng đi Bình Giả Phước Long không về được Mười giới thiệu đến xin con nơi ông Thiên Lôi chớ gì. Khổ thật. Đàn bà con gái từ R xuống tới Củ Chi đều ham con. Họ sợ không có con trước khi chết. Từ Huỳnh Mai đến bà khu ủy, từ cô xã đội phó đến Chia, Ua rồi Mười. Và bây giờ lại đến nàng này. Chiến tranh do bọn đầu bò Hà Nội gây ra đã biến miền Nam này thành một Tây Lương Nữ Quốc tân thời, mà Củ Chi có lẽ là tiêu biểu.

Út ngần ngại một hồi rồi nói sang chuyện gia đình, nhà cửa. Nàng khoe:

- Em có đứa em gái đi văn công R.

- Làm gì?

- Nó là đội viên của ông đờn cò Phạm Sang. Lần đó có một ông nhạc sĩ xuống đây công tác, nghe nó ca vọng cổ hay nên bắt nó về R luôn. Nó hơi rỗ hoa mè, nhưng dặm mặt rồi lên sân khấu nó ăn đèn lắm không thấy rỗ đâu.

- Cô em tên gì?

- Ở nhà nó tên Mót, má em đặt em là Út, đến chừng có nó đặt là Út Mót, nhưng lên văn công R nó đổi ra là Thiên Lý thiên lót gì đó. Anh ở trên không nghe cái tên đó à anh Hai?

- Có xem văn công nhưng không để ý.

- Nó ngộ hơn em nhiều. Phải anh gặp nó coi!

Tôi lại nghĩ thầm: chắc cô này muốn tôi làm em rể đây chắc. Bỗng nhiên nàng nói:

- Chồng em...

Nàng òa lên khóc.

- Chồng em đi dân công hả?

- Ảnh trốn ở nhà.

- Rồi sao?

- Nhưng cô Hai Xót bảo: nếu anh không đi dân công thì em phải đi đấu tranh chánh trị. Không ai được quyền ở nhà cả vợ lẫn chồng như vậy.

Út vừa chùi nước mắt bằng tay áo vừa tức tưởi nói.

- Ở ngoài quốc gia người ta đâu có làm như vậy. Nếu đi lính thì vợ con có lương. Nếu chết thì có tiền tử tuất. Em không phải phân bì so đo nhưng chồng em ở nhà thì cũng đi đào hầm chớ có ở không đâu. Có mấy công ruộng bên An Thành lúa chín rồi mà không đi gặt được.

Tôi hơi nóng, quát.

- Rồi em muốn gì, nói quách nghe coi!

- Để em thưa hết anh nghe. Cô Hai Xót bảo không có con nhỏ mà không đi đấu tranh thì cổ nguých ngang. Cổ bảo đẻ cho lung rồi lớp bồng lớp dắt không có đấu tranh gì được hết. Ba sắp nhỏ không dám chống mà cứ trốn. Cổ bảo ông ấp đội truy bắt để đưa đi dân công. Em biết đi ngoài miệt đó, mười người không về người nào. Ông ấp đội được lịnh cổ càng làm lung. Bề ngoài thì làm vậy nhưng bề trong thì em biết hễ ba sắp nhỏ đi khỏi nhà là ông tè vè đến. Ba sắp nhỏ hiện còn ở đây mà ông còn be be nữa là!

- Ông ấp đội nào kỳ cục vậy?

- Ông Tám Lù đù con bà má Hai chớ ai.

- Thì cô báo với ông Ba Xây chớ cô nói với tôi làm gì.

Nàng làm thinh, chỉ thút thít khóc. Giống y như tình trạng nông thôn miền Bắc từ khi có cái vụ đi Giải Phóng miền Nam. Dân thường thuộc giống đực từ mười tám đến bốn mươi lăm tuổi trở xuống bị đẩy vô Trường Sơn. Ở nhà mấy ông chi ủy, xã ủy đảng ủy, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã tha hồ giúp đỡ đồng chí mình. Những tên già dơ mang thẻ đảng vừa ve vãn vừa o ép cả nữ thanh. Kết quả vô cùng rực rỡ là thai nhi được sản xuất càng đông để dùng vào việc tẩm bổ cho đám lưu manh mang cái tên rất đẹp: Ban Chấp hành trung ương đảng.

Ở miền Nam này cũng y như vậy. Không có tên chi ủy, bí thư nào từ tỉnh đến quận mà không phạm tội dâm ô với nữ cán bộ hoặc vợ đồng chí mình. Phạm rồi thì đổi công tác và được đề bạt cao hơn. Một tên ấp đội mà đã biết giở ngón đó rồi thì thử hỏi tỉnh ủy quyền hạn mênh mông vô tận còn làm tới những gì nữa. Bà khu ủy viên chủ tịch quận Tân Biên trên Tây Ninh đã thủ thỉ mét với tôi:

- Mấy ông khu ủy viên ông nào cũng mò tôi cả.

Riêng ở Củ Chi này càng rõ ràng hơn. Ngài thiếu tướng Tư lệnh học tập ông đại tướng bần cố nông, cũng quơ dì Ba của cô xã đội phó mà tôi được ông cậu Tám xác nhận thêm lần nữa ở bữa tiệc nhà Sáu Phấn vừa rồi. Bọn cộng sản là một lũ bất lương và chính chúng đã đào tạo một bầy bất lương mang áo đạo đức. Chúng nó vừa hà hiếp vừa bóc lột dân còn quá cha hội tề trước kia nữa.

Út quệt nước mắt, mếu máo:

- Em muốn anh cứu chồng em!

Tôi nổi nóng quát:

- Cứu cách nào? Nói đi cứ vòng che hoài vậy?

- Anh làm ơn thu ba sắp nhỏ vô cơ quan dùm em.

Tôi cười ngất:

- Chỉ có vậy mà cứ loanh quanh.

- Dạ em sợ anh rầy.

- Chú út đâu rồi?

- Dạ ở đằng nhà chờ em xin anh.

Tôi đứng dậy bước ra hầm, quát:

- Đỏ đâu. Mày chạy lại nhà thằng ấp đội, kêu nó lại đây. Táo cần chút việc gấp!

Út hoảng hốt đứng dậy, run lặp cặp, miệng méo xệch khóc không ra tiếng. Hồi lâu mới nói được.

- Anh Hai kêu ông bắt chồng em hả anh Hai. Tội nghiệp con em rồi nó sẽ như con Hoàn anh Hai ơi.

- Cô ngồi.xuống đó đi, đừng đi đâu.

Tôi bỏ ra ngoài kiếm nước uống giằn cơn giận. Dân chúng sống giữa bom đạn chết như nháy mắt lại còn bị quấy nhiễu như thế này bảo sao họ không ra ấp chiến lược. Một khi đã ra được ngoài đó, chẳng có ai còn trở về.

Chập sau ngài ấp đội đến. Tôi bảo ngay mấy chuyện rồi cho về. Xong, tôi vào hầm bảo Út:

- Em về bảo chồng em mai đến công tác.

- Dạ!

Nàng ngơ ngác như không hiểu. Tôi nhắc lại:

- Kể từ hôm nay, chồng em là nhân viên cơ quan H6 của anh...

Nàng sụp lạy tôi. Tôi bảo:

- Đứng dậy.

Nàng đứng dậy nhưng đè đầu đứa bé trên tay bảo:

- Lạy cậu Hai đi con. Cậu Hai cứu ba con đó.

- Thôi lạy lục gì! Anh sẽ giao cho nó làm trưởng tổ tự túc của cơ quan. Đi chài, đi trồng rau cải, đi tìm ruộng cấy lúa cho cơ quan. Hằng đêm được ở nhà, đi làm không phải đến cơ quan chỉ cuối tuần mới sinh hoạt với anh em và báo cáo công tác với cậu quản lý.

Út Vẫn còn như mơ, lắp bắp:

- Anh nói thiệt hả anh Hai.

- Tôi là thủ trướng một cơ quan, tôi có đủ quyền hạn thu nhận người.

- Ba sắp nhỏ không phải làm lý lịch hả anh Hai?

- Không cần. Tới giờ này mà vợ chồng còn ở đây là đủ chứng minh rồi. Mấy ông ban tổ chức đào bới gốc rể từ đời ông cố ông sơ của người ta, nhưng chính mấy ông đó lại khai láo lý lịch của mình. Ngoài ra người khác khai láo mấy ổng cũng biết đâu mà mò. Khai lý lịch là một hình thức nói láo hoặc lừa bịp.

- Em sợ cơ quan không nhận vì bà cô em có chồng đại úy Sài gòn.

- Đại tướng anh cũng thu được.

Út cười như nắng hé sau trận bão. Nàng ngượng ngùng thủ thỉ với giọng thân mật:

Anh Hai à! Nhờ anh mà... ba sắp nhỏ khỏi đi Phước Long.

- Nhờ chồng em mà cơ quan có tôm cá ăn.

Út tỏ vẻ e thẹn, ngập ngừng:

- Em muốn trả ơn anh chút được không?

Tôi hơi ngạc nhiên nhìn nàng và tự hỏi: trả ơn? Cách gì? Giọng nàng run run mất tự nhiên:

- Con Mười nó nói... anh cho... cho nó một đứa...

Tôi bật trả như máy.

- Không! không! Cô Mười khác, em khác! Đừng tưởng anh chụp giựt bốc hốt như mấy người kia.

Út khựng lại nhưng nét mặt càng tươi bùng lên, nàng nói:

- Anh quả thật là một người nhơn đức. Em xin lỗi anh.

- Đứt họng hả?

Tôi nghĩ thầm: em mà chưn trơn thì anh Hai để một quả là đi đứt chớ đức gì.

- Không phải chuyện đó đâu. Em muốn kêu con Mót trên R về...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx