sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 56: Có Máu Mới Ăn Tiền!

Cơm nước xong lên đường. Phái đoàn có quân số một tiểu đội gồm ba thành phần: H6 phụ trách đo đạc để đặt pháo, do Sáu Đức làm tổ trưởng, D8 sẽ đóng vai yểm trợ cho pháo binh do Ba Tố phụ trách, quân đội sẽ liên hệ với du kích địa phương lo vụ hầm hố trong trường hợp bị đổ chụp do ông thổ địa Hai Khởi cầm đầu. Còn tôi chỉ huy chung. Mục đích của cuộc hành quân này là nghiên cứu chiến trường. Mục tiêu chính là đồn Trung Hòa. Sau đó sẽ nghiên cứu Đồng Dù. Vừa qua khỏi trung đội trinh sát thì tôi bị Lam chân đầu:

- Anh Hai cho em đi với.

- Em ở nhà lo sức khỏe cho anh em.

- Không có ai bịnh hết anh Hai ạ. Em muốn về thăm gia đình một chuyến.

- Anh sẽ cho em về phép một tuần lễ. Kỳ này anh đi có nhiều công tác khó khăn, phụ nữ không đi được.

Tôi biết Lam có âm mưu giới thiệu tôi với gia đình, vì chúng tôi sẽ ra Ràng là quê hương của Lam, để ngó ra Trung Hòa. Cho nên tôi cương quyết không cho cô bé đi.

Đi ngang nhà Sáu Phấn thấy y đang lui cui đóng mui ghe. Tôi bảo Sáu Đức trung đội trướng trinh sát cùng tôi ghé lại để dặn dò thêm công việc.

Vừa vào đến nơi, đã nghe tiếng reo mừng của bé Hoàn:

- Má ơi, ba về nữa.

- Ba mày về hồi nào mà nữa?

- Ba con về hồi hôm ngủ với con trong mùng.

Sáu Phấn sợ tôi ngượng nên nạt con bé:

- Đi vô lấy hộp quẹt ra đây cho dượng hút thuốc.

Con bé vừa quay lưng thì vợ Sáu Phấn và Mười đi ra. Mười ẵm con của Sáu Phấn. Con bé được ba tháng trông kháu khỉnh.ra phết.

- Dượng nó có ẵm một chút lấy hên không?

Chị Chín trêu tôi và liếc nhìn Mười. Mười đưa đứa bé cho tôi. Thiệt là sung sướng. Hìmh như lâu lắm tôi không có ẵm trẻ con. Bé Hoàn chạy lại đeo tôi như thường lệ:

- Sáng ngày con thức dậy ba đi đâu mất tiêu.

- Ba đi công tác mà con.

Mười nói, đỏ rần đôi má. Chị Chín nói rướn tới:

- Mai mốt con đừng cho ba con đi nghe!

Sáu Đức liếc tôi cười tủm và bước lại lái ghe ngó qua ngó lại và nói:

- Ghe này mới có một mình anh chèo lái hả anh Sáu?

-Ừ.

Sáu Phấn ngập ngừng y không nói tiếp cái câu mà y đã nói nhiều lần với tôi hoặc với người khác mà muốn thấu tai tôi.Ghe không kén người chèo nhưng người chèo lại kén ghe!

- Hoàn, hỏi ba đi công tác chừng nào về con?

Tôi nói thẳng với Mười.

- Anh đi chừng một tuầ n lễ.

- Anh có đem y tá theo không?

Tôi biết Mười hỏi cấn Lam, nên đáp:

- Toàn là đàn ông. Cả thằng Đỏ anh cũng không cho đi.

Tôi đưa mẫu giấy nhỏ ghi công tác cho Sáu Phấn rồi cùng Sáu Đức trở ra đường. Vì đã định trước hành trình, trạm nghỉ chân nên mỗi tốp cứ tự động hành quân. Khi đi ngang qua ngã ba Bầu Trâm, Hai Khởi tụt lại sau chờ tôi và trỏ vào ven rừng chồi, bảo:

- Trong đó có quán của vợ Năm Trầu, phó ban Hậu Cần quân đội.

Tôi cười:

- Năm Trầu là anh Bay Hốt chớ gì!

- Sao thầy biết giỏi vậy?

- Ở trên Bến Dược thì Bảy Hốt có em nuôi là Sáu Tiệm bán quán, ở đây có Năm Trầu cất quán cho vợ bán cắt họng lính chớ sao. Mao chủ tịch từng nói thằng nào làm quản lý ba tháng đem ra chém đầu không oan chút nào.

- Vậy mà thằng cha này làm Hậu Cần hai năm rồi, có ai sờ tới cái lông chân nó đâu, đừng nói chém. Vợ nó chém người ta thì có. Anh muốn vô coi chơi cho biết không? Vải ni lông giống hệt vải phát cho anh. Còn muối, gạo, khô, đường thì đầy ắp. Vậy mà lính đói trắng dã con mắt.

- Không coi cho đỡ xốn con mắt chú nó ơi.

Tôi và Hai Khởi, Tôn Sứt đi sau cùng. Tôi có ý đem theo Tôn đi kỳ này để bận về ghé xóm bà Tư Bánh Bò cho nó tìm ý trung nhân, chứ thực ra nó không có nhiệm vụ gì ở đây cho lắm. Nhà dân lưa thưa dọc theo hai bên đường. Ngoài ruộng người làm cũng thưa. Hai người du kích từ trong vườn chạy ra chận Hai Khởi, la lên:

- Ông quận, tụi em gác ở đây nên nghe tin tụi lính Trung Hòa thọc vô tới ngã ba Tầm Lanh nhưng không chắc.

Hai Khởi có tính la quát lính, nạt ngay:

- Sao không cho tốp đi trước hay?

- Dạ, tụi em không có quen.

- Chạy theo kêu họ trở lại, mau lên!

Tầm Lanh là một xóm nhỏ nằm giữa Ba Sòng đầu dưới và Đồng Lớn, gần bên Gò Nổi trên. Lính Trung Hòa thường nằm phục kích ở đây. Cán bộ đi lẻ đã bị chúng bắt sống nhiều lần rồi, nên nghe nói tôi bảo Sáu Đức và Tôn lùi lại quán vợ Năm Trầu. Nhưng toán du kích trở lại cho biết đó chỉ là tin vịt. Đoàn đi trước trót lọt, chắc không có lính. Hai Khởi kéo ngọn đi một chút thì tới giữa xóm. Hai Khởi vào một cái nhà và bảo là tìm ấp đội Hai Bụng. Bà vợ mới sanh còn non ngày tháng ngồi trên võng bế đứa con đỏ hỏn, càu nhàu rằng ông Bụng không có ở nhà. Hai Khởi bảo lính vô Tầm Lanh, thì chị nói quát ra:

- Tui có biết ai là ai. Du kích cũng như lính Trung Hòa ông nào cũng mang súng và ăn mặc giống nhau. Chừng nào có phục kích mới biết. Hễ du kích chạy thì có lính Trung Hòa vô còn hễ lính Trung Hòa chạy thì biết là bộ đội tới.

Nói xong chị hỏi tụi tôi đi đâu.

- Đi ra Ràng.

- Đi hướng đó thì dầu lính nằm ở Tầm Lanh cũng không ăn thua gì. Nếu nó ở Tầm Lanh thì sợ nó thụt cối hoặc xả trung liên chứ tụi nó đâu có chạy qua đồng trống mà rượt các anh được.

Thế là chúng tôi tiếp tục đi. Hai Khởi thầm thì với tôi:

- Nhà con bé út Hương của tôi ở đây. Mới mười tám thôi. Coi đặng lắm. Nhưng ông thầy nhớ là đừng có cho tôi lòi cái đuôi rau muống thì hết món ăn.

Đi một chốc, Hai Khởi trỏ vào một cái nhà ngói có vẻ còn nguyên và nói:

- Đây là nhà của Bảy Lập. Thằng này biết kéo cây đờn gió và chơi ghi-ta.

- Đờn gió là đờn gì cha non?

- Là cây đờn xếp ra xếp vô ôm trước ngực như cái máy đánh chữ đó mà.

Tôi ngẫm nghĩ mãi mới biết là cây đờn ắc-coọc, tôi bảo:

- Thì ăn nhậu gì mà nói ở đây.

- Thầy Hai ơi, nó có con em gái tên là Chín Hòa, mới mười chín tuổi rưởi, dạy bình dân cho con nít. Ông già bà già nó còn ở trong vùng "rảy phóng" ta. Thầy vô là nghe cái cụp ngay thôi.

- Ôg điều nghiên kỹ quá, ông tha-mu!

- Mình phải đi sâu vào loòng nhân rân và đi sát cái đáy quần... chúng mà thầy! Hí hí!

Tôi nhìn màu xanh từng cụm từng dãy ở ven đồng điểm những cánh cò trắng chơi vơi trong nắng trưa. Ôi sao mà nhớ nhà nhớ cửa. Ông già vô nói chuyện chưa đâu đến đâu, tôi đã vội vã đưa về. Biết chừng nào phụ tử lại trùng phùng lần nữa. Mười năm, hai mươi năm hay lâu nữa? Sáu Đức vừa đi vừa móc sổ tay ra ghi ghi chép chép và báo cáo với tôi:

- Nếu đặt cối 82 ở đây thì phải bắn mút tầm đạn mới trúng giữa bót Trung Hòa, còn cối 81 thì phải nhích lên một trăm thước đó anh Hai.

Tôi lặng thinh vì tôi nghĩ tới nhiều chuyện khác: nếu đạn biến chất, không đi đúng tầm dự định thì sẽ rơi vào nhà dân, còn bay tới mục tiêu thì chắc gì đã đạt được kết quả? Vì tụi lính đồn thường ở hầm xây bằng bê tông. Bao cát Mỹ tăng cường chừng năm lớp trên nóc. Cối 81, 82 không chết ai.

Tới Bàu Sỏi, Hai Khởi cho toàn đoàn rẽ vào xóm phục kích và cho một tổ đi lên phía trước. Tất cả sẵn sàng chiến đấu. Hai Khởi trỏ về phía Trung Hòa, nói với tôi:

- Cái đồn này có từ thời Pháp tới bây giờ chưa bao giờ vắng lính. Bây giờ nó kiên cố vô cùng. Một trung đoàn đầy đủ binh chũng và quân số chưa chắc hạ nổi. Mình pháo kích có ăn thua chăng chỉ hai trái đầu. Đến trái thứ ba thì tụi nó chui hết xuống hầm. Quanh đồn là đồng ruộng. Mặt tiền là đường số 7. Ấp chiến lược và phố chợ bao che cho nó. Gạo, tôn, sữa, thịt hộp Mỹ đã làm nên một cái quan điểm nhân dân khỏe ru, còn mình chổng khu kêu gào tuyên truyền đe dọa vẫn không giữ được dân.

Trong lúc nhà tham mưu quận đội thuyết trình, tôi rẽ bụi rậm giơ ống dòm lên quan sát. Tôi thấy rõ tên lính ngồi trên chuồng cu đang vặn radio, chắc chắn đang nghe vọng cổ buổi trưa, thấy bùi nhùi kẽm gai từ chân đồi đến chân tường đồn không biết bao nhiêu lớp. Một trung đoàn dốc toàn lực tấn công và phải hi sinh ít nhất là một tiểu đoàn. Tôi thầm nghĩ và đưa ống dòm cho Hai Khởi xem tiếp. Hắn vừa xoay người vừa nói:

- Bắn từ hướng này thì mình không sợ trúng dân. Nếu đạn không bay tới đích thì rơi ngoài ruộng.

- Như vậy lỗ vốn thì pháo kích làm gì?

- Thì thầy bảo ở trên cần có tiếng pháo ta gầm cho chúng nó biết ta chưa chết hết.

Bỗng có tiếng vang từ hàng dừa xóm Tầm Lanh:

- Ê, làm gì đó mấy ông nội con nít?

- Qua đây biểu coi.

- Xung phong băng đồng bắt sống tụi nó bây ơi!

Hụp hụp! Tắc tắc tắc... Trung liên nổ ròn tan. Mấy trái moọc-chê bay rơi trên ruộng nước bắn tung trắng xóa.

- Chạy lùi vô, trong này có chiến hào anh Hai.

Tôi giương AK bấm cò đáp lễ và quát:

- Qua đây mà bắt sống!

Tôi nhắp cò thêm mấy loạt ngắn.

- Ê đụng chủ lực không phải dích-cu bây ơi!

Tắc tắc... tắc... Mấy tốp lính đã lao ra ruộng định băng qua đây dội lại vì mấy loạt AK. Cụp cụp cụp!... Moọc-ta liên tiếp phóng qua rơi ngay trong vùng chúng tôi đang thủ. Tôi cho tất cả lom khom chạy lùi sâu vào rừng. Chỉ vài cái tíc-tắc sau, pháo Trung Hòa lên tiếng. Chúng càng bắn, tôi càng cho đơn vị rút nhanh. May nhờ mấy đoạn chiến hào cũ của D8 bỏ lâu nay, tuy đã cạn nhưng tạm dùng để che thân qua cơn mưa đạn, mà không có đứa nào bị thương. Khi tỉnh cơn ác mộng thì chúng tôi đã thấy mình đứng giữa ấp Ràng. Kẻ mất bi đông, người văng nón, tôi sút một chiếc dép, chỉ còn một chiếc dính chân. Ba Tố xuất hiện vừa thở hào hèn vừa nói:

- Tụi này bữa nay chơi ác bỏ vòi qua tới đây. Tụi du kích Ràng ít dám ló đầu ra vì thường đụng biệt kích thằng trung sĩ Lệnh. Chúng nằm cả đêm ngoài rừng. Buổi sáng tụi du kích lơn tơn xách quần đi "bứt cỏ", thế là đụng đầu, bị nắm chóp hết mấy thằng rồi.

Ba Tố vừa dứt lời thì có tiếng kêu:

-Hầy Hai ơi! Hai Khởi bị thương!

Ba Tố nói tỉnh bơ:

- Đã nói mà! Hễ không có máu là không ăn tiền!

Sáu Đức cười khặc khặc:

- Coi chừng mẹ đĩ ở ngoài Thanh Hóa không ai giúp đỡ!

Hai Khởi đi tới tay bụm mắt, máu rớt qua kẽ tay. Tôi hỏi.

- Có sao không?

- Nó xén cái chóp chân mày mất một phân tây.

Ba Tố cười:

- Chưa sao. Nếu một phân tây chỗ kia thì mới đáng sợ.

Sáu Đức bảo chạy đi kêu y tế xã. Hai Khởi lắc đầu. Tôi xem vết thương chỉ xớt qua tí da nên lấy bông băng cá nhân quấn mấy vòng rồi sai mắc võng cho nằm. Sáu Đức lại cười:

- Để tôi đi kiếm vài con gà về nhậu lấy lại tinh thần.

Hai Khởi trỏ căn nhà và nói:

- Đây là trường bình dân của Ràng do cô Chín Hòa dạy.

- Chết hụt không lo, ở đó mà chín Hoa mười Hóa.

Tuy bị thương nhưng Hai Khởi vẫn lo đầy đủ trách nhiệm của thổ địa. Y ngồi dậy cuốn võng đeo vào lưng rồi dắt cả đám đi sang một xóm gần đó, vào một ngôi nhà ba căn rộng mênh mông do hai chị em làm chủ. Cha mẹ chết vì một quả pháo cách đây vài tháng. Hai Khởi bảo Tôn:

- Chú mày vô đây bắt luôn hai con cá rô mẹ một lượt, chịu không?

- Thằng bị rau muống quấn mà đi đâu cũng trồng sua đủa không sợ trời đánh sao?

Hai Khởi cười hề hề:

- Thiếu chất nhép lâu ngày chịu không nổi bác Ba ơi!

Tôi bảo:

- Coi địa hình thuận lợi thì đo đạc và quan sát nhanh lên đi. Sau đợt pháo, nó có thể gởi bộ binh tới truy nã mình.

Ba Tố trỏ dưới đít ván:

- Ông tham mưu nên xuống đó nằm dưỡng sức! Bây giờ tới phiên tôi làm thổ địa. Vùng này cũng đã từng nhẫm dấu chân của tôi. Ởở đằng sau vườn có một gốc xoài già. Mình leo lên đó bỏ ống dòm sang Trung Hòa thì thấy rõ nồn nội.

- Đây đó cách bao xa?

- Chưa đến hai cây số đường chim bay. Nhưng phải hóa trang thường dân.áo bà ba đen, nón lá vai vác cuốc. Nếu tụi nó nghi ngờ là ăn pháo ngay.

Sáu Đức nói:

- Ở đây tôi cũng đã mò tới. Phải mặc sơ mi trắng, nón nỉ cho giống dân chợ mới che được mắt tụi nó.

Thấy Sáu Đức nói có lý tôi bèn làm theo, nách kẹp ống dòm còn Ba Tố thì làm nông dân. Thế là chúng tôi bước từng bước men ra gốc xoài. Sáu Đức bảo:

- Cứ đi tự nhiên! Làm gì như đạo chích rình nhà vậy?

- Không đạo chích thì là cái giống gì?

Thiệt tội nghiệp cho Quân Đội Nhân Dân Việt Nam anh hùng. Từ khi lọt vào đường Trường Sơn tới nay, và không biết tới bao giờ nữa, chiến sĩ lẫn cán bộ đều sợ bị phát hiện ra là người của Bắc Việt. Tên họ thay đổi, áo quần thay đổi và phong cách cũng thay đổi luôn: anh hùng đổi thành gian hùng, vinh quang hóa ra lưu manh và quân đội vì dân chỉ còn là quân đội ăn cướp của dân.

Tội nghiệp cho quân đội nhân dân anh hùng? Đế quốc Mỹ xâm lược mà chúng đổ quân công khai vào Đồng Dù, máy hay chụp hình rầm trời. Còn ở đây cán bộ không dám ló ra khỏi hầm, và quân đội muốn thấy kẻ địch phải đóng vai thằng ăn trộm gà làm cho cái cục chánh nghĩa treo lủng lẳng ở đâu đó phải thon thót suýt teo mất. Tôi hỏi Ba Tố:

- Có phải Biệt kích của thằng Rắc không?

- Không rõ thầy ạ. Vì tụi nó nhiều loại biệt kích lắm. Nhưng tụi thằng Rắc là nguy hiểm nhất vì nghe đâu trước kia nó là du kích xã Phú Hòa bất mãn cái ông nội gì đó không biết mà nhào ra ngoài tổ chức biệt kích chơi lại mình. Nó không như tụi Mỹ nằm vài giờ mỏi lưng rồi rút về. Nó đem cả cơm nước theo ăn, có khi nó chém vè hai ngày liền. Du kích đi, nó cho lọt. Mình tưởng êm, đưa ông gộc tới là bị nó. Cũng như hồi nãy, thầy thấy không? Có thể nó chỉ rút một mớ còn một mớ ém lại cho nên nhân dân tưởng nó rút rồi.

- Vậy thì nó còn hơn tụi biệt kích Kangoroo trên đường Trường Sơn nữa!

- Ở đây nó còn mặc đồ bà ba nằm trong nhà dân nữa thầy ơi! Mình ở trong kia lơn tơn ra đụng nó là xuôi tay chớ chạy sao thoát.

-Mẹ, cái thứ này nguy hiểm lắm. Hồi tôi ở trên R, gặp mấy cha ở miền Tây lên thuật lại chuyện ở Rạch Giá có một thằng xếp đồn là Một Mun. Nó là Thổ lai...

Tôi ngó dớn dác vì nghe có tiếng cụp cụp không mấy gì hay ho. Ba Tố nghiêng tai nghe và nói:

- Không phải pháo, hình như nhà bên trẻ con chơi đập mo cau hay là đàn bà sãi gạo vỗ đít thúng đít nia. Tôi đã cho cảnh giới hai đầu rồi, thầy cứ yên tâm.

Tôi nói tiếp:

- Nó đen mun làm thiếu úy xếp đồn, nên dân gọi là Một Mun. Cũng gốc du kích không biết nó thù hận gì mà bỏ theo giặc. Nó nghe du kích bắn cạch cạch là xách súng dắt lính đuổi ngay, bắt được bắn liền.

- Thằng Rắc này chơi trò êm dịu kín đáo nhưng độc hơn.

- Mình ngồi lêu bêu thế này rủi nó chụp, chui đâu?

- Chạy thôi! Thầy đi qua mấy cái giếng tôi chỉ lúc nãy, nước lên lé đé miệng giếng. Kiểu đó, đâu có đào hầm được. Bởi vậy du kích tại đây tróc hết, chạy thụt vô Đồng Lớn, Sa Nhỏ lâu lâu mới ló ra một chuyến bắn cắc bùm rồi thụt vô...

Tôi ngồi nghe Ba Tố nói chuyện mà như dưới đít có chông. Mình đã quen sống doanh trại chính quy bên Tàu, ngoài Bắc, về rừng cũng độc lập muôn năm. Bây giờ ra tiếp cận vùng meo, nghe giống như con cua lột. Một cái gai bưởi, thậm chí chiếc tăm xỉa răng, cũng đâm lũng dễ đàng. Giống như tướng Cosaques Bạch Vệ trong Les Chemin des Tourments của A.Tosltoi, từ đồng rộng nghênh ngang bị lọt vào thành phố là cảm thấy chật hẹp khó xoay trở và bị bao vây bởi phố xá.

Sáu Đức dắt về một cô gái mặt rỗ hoa mè, miệng có duyên, tóc bới lủng lẳng sau ót.

- Đây là em Nưa, du kích ấp. Em sẽ đưa đường mình đi.

Nưa hỏi:

- Đi đâu anh?

- Ra mấy cây xoài múc sau nhà, leo lên đó ngó ra ngã ba Tầm Lanh và Trung Hòa.

Nua nhìn cách hóa trang của tôi và Ba Tố rồi gật đầu:

- Ừ làm như vậy mới được. Kỳ trước mấy ông tiểu đàn dìa đây thụt ló thế nào mà nó dùng một trái cối lọt giữa nhà bị thương tám ông bộ đội.

- Chín Nữa bị cú đì-réc! - Ba Tố tiếp theo - May thôi đi chầu Hà Bá rồi thầy ạ!

Nua trố mắt nhìn tôi có ý hỏi thầy gì? Tôi khoát tay bảo đi. Nữa đi trước, tôi và Ba Tố theo sau. Đang đi bỗng Nua quay lại:

- Bộ mấy anh muốn chọc cho nó bắn tan xóm này hả?

Sáu Đức đưa tay vuốt lưng cô em:

- Thôi mà cưng! Nó muốn bắn là nó bắn chớ đâu đợi chọc. Đừng đổ thừa cho mấy anh!

Ba Tố chêm vào:

- Thằng Đực em mày gài trái lựu đạn sét nổ bị thương hai thằng lính nên nó bắn cối trả thù chớ không phải mấy anh chọc đâu! Nay mai quân đội sẽ cho tụi bây vài khẩu pháo để quạt lại tụi nó.

Nua quay lại hỏi.

-Thiệt hả?

Ba Tố trỏ trỏ vào tôi đang đi sau chót. Nua cuốn cặp môi mỏng:

- Hèn chi nghe kêu bàng thầy. Em nghe bà con đồn hồi sáng tụi nó bị thương hai thằng.

Ba Tố nói:

- Tụi anh chơi đó. Nó nghe AK, biết chủ lực, nên rút lui. Nếu nó nghe súng tép thì rượt bắt sống rồi.

Sáu Đức cười mơn trớn:

- Em có chịu học súng cối không Nua? Anh cho một cây bắn... hì hì thích lắm!

- Có đâu mà thích?

Đức tán liên miên làm cô gái mê tít, cứ chốc chốc lại dừng chân hỏi:

- Thiệt hôn, có thiệt hôn?

- Nè, anh nói cho mà rõ. Kỳ này là nện thẳng tay đó. Mà đã nện là thẳng thét, không có oam oam đâu.

- Vậy cho em đi học súng cối đi!

- Các xã cử học sinh tới rồi. Em bảo xã đội giới thiệu em mau mau kẻo hết chỗ.

Bỗng có tiếng chân thình thịch ở sau lưng. Tôi quay lại: Một người mặc quần đùi, chân chữ bát, nịt thắt lưng Mỹ, K54 xề xệ gần đụng đầu gối. Ông ta nhận ra tôi bèn kêu lên:

- Ông thầy pháo! Từ ngày nhậu tép mỡ ở chuồng trâu con Sáu Trong Năm Biền tới bây giờ mới gặp đây.

- À ông Bính. Đi đâu vậy? - Nua quát hỏi - Đi đâu cũng đụng ông!

Tôi nhớ ra là Bính Chân Lư đại đội phó C3 Quyết Thắng. Bính tới bắt tay tôi và tiếp:

- Dượng Chín Nữa của ông bị pháo lũng bao tử nhưng không chết, hiện nằm ở C5 của Tư Chuyền.

Ba Tố hạch hỏi.

- Rồi ông đi theo tụi tui làm gì?

- Tôi đi theo nhìn ké cái chuồng cu Trung Hòa một chút.

Nua ra lịnh:

- Đi thì phải bỏ súng, áo bà ba, nón lá, vác cuốc. Vô nhà làm như vậy mau rồi chạy theo.

Chúng tôi tiếp tục đi theo sự hướng dẫn của cô du kích.

Đến gần cây xoài múc thì mọi người tản ruộng ra làm nông dân. Tôi thấy áo sơ mi trắng và quần dài không hợp thời trang nên chui vô bụi cởi bỏ và phơi lưng trần đi tiếp. Chung quanh cây xoài có nhiều bụi rậm cao khỏi đầu nên việc che tầm mắt lính canh từ chuồng cu bót Trung Hòa rất thuận tiện. Cây xoài này cũng như cây xoài tôi đã từng leo với Năm Cội ở Bàu Chứa hôm trước, nhưng ở đó thì khoảng cách bót Trung Hòa xa gấp ba so với đây.

Muốn đặt pháo phải biết rõ cự ly và mục tiêu căn cứ vào bản đồ pháo binh thật chính xác nhưng chúng tôi không có loại bản đồ đó nên đành phải vác thước dây thước gỗ mà đo như kẻ đạc điền thời Pháp. Vì thế nên pháo kích thường trật mục tiêu, thậm chí giết dân oan uổng. Điều đó không có gì làm lạ. Cộng Sản là chúa làm ẩu vì bất chấp khoa học kỷ thuật. Ba Tố mặt quạu đeo, làu bàu:

- Mình xuất hành không coi ngày thầy Hai ạ, nên mới đụng cú đầu đã hao quân.

Tôi cười gượng:

- Tiền hung hậu kiết, không sao đâu bác Ba nó. Ông coi cho đã đi để về đặt kế hoạch tác chiến. Tôi giao tất cả cho ông và ông Sứt điều binh khiển tướng trận này.

Tôi về nhà thì thấy Hai Khởi đang ngồi trên góc ván, đưa đầu cho một người con gái quấn băng. Cô nàng đứng quay lưng, cái ngực lê la sát mũi anh ta, như cặp mồi nhử con cá thòi lòi. Chỉ cần nhích tới một ly là ngoạm được. Cái mái tóc quăn ngắn để lắp ló da ót trắng ngần. Ba Tố buột miệng nói:

- Ước gì tôi bị thương như ông vậy nghe ông tham mưu.

Cô nàng quay lại khoe nguyên bộ mặt khả ái và nụ cười lúm đồng tiền:

- Bộ thích ăn miểng pháo lắm hả?

Hai Khởi lanh miệng đỡ:

- Ông thầy của anh đó Quắn. Kêu ảnh bằng thủ trưởng nghe em!

Cô nàng nhìn tôi ngạc nhiên một giây rồi quay lại đưa tay vỗ vỗ vai ông thương binh:

- Em đã rắc bột pê-nê-xi-lin, mau lành lắm.

Tôi hỏi.

- Có sao không cô?

- Dạ chỉ ngoài da thôi.

Ba Tố xen vào.

- Chân mày mà trụi hết chắc giống khỉ già lắm!

Quắn cười để lộ hằm răng trắng và đều:

-Dạ, hổng đến đổi đâu.

Hai Khởi quay sang tôi:

- Nhờ thầy quạt mấy loạt AK, nếu không chúng nó dám ùa qua bắt sống tụi tôi lắm.

Hai Khởi giới thiệu với tôi và Ba Tố:

- Cô Quắn y tá (đúng ra là cứu thương) của xã đội Trung Lập. Cô em có tên đẹp lắm nhưng vì tóc quăn nên ai nấy gọi là Quắn.

Hai Khởi bảo Quắn:

- Cô chạy đi kêu ông Ba Bụng hay Ba Hỉ gì cũng được, lại đây cho tôi biểu.

Quắn đáp:

- Có chị Ba Hỉ ở đây nè, anh, ủa chú!

- Mày sửa cái miệng mày được không Quắn. Ai biểu mày gắn quân hàm Chú cho tao đó?

Quắn cười to làm cái đồng tiền lún vô đủ sức chứa một lọ mực tàu của ban tổ chức. Quắn khiêu khích.

- Chú là phải rồi. Sợ lên lon Bác đó chớ!

Tôi ướm thử xem cô bé tặng cho mình cái lon sữa bò gì, bèn nói:

- Cháu biết Út Hương không?

- Út Hương quân trang ở Đồng Lớn chớ gì! À, ủa mà trả chữ Cháu lại cho anh đó!

- Sao lại trả?

- Anh chỉ đáng anh Hai tôi thôi?

Mọi người cười ha hả. Ba Tố nói:

- Đó thấy chưa? Mới thấy mặt đã đặt tên rồi.

- Chớ không phải sao? - Quắn nghênh mặt - Coi ảnh trẻ giống như lính mùa đông chớ đâu có khằn như cán mùa thu mấy chú vậy?

- Thôi chạy tìm đùm ấp đội Hỉ, hoặc xã đội Bụng đi!

Vừa đến đó, tôi ngó ra sân thấy một thanh niên mặc quần trây-di. Tôi giật mình tưởng là lính Quốc gia. Những Hai Khởi ngoắc lia và kêu:

- Hỉ, vô mau!

Người thanh niên rảo bước vô nhà, đưa tay quệt ngang cặp mắt ti hí và hỏi Hai Khởi:

- Anh Hai tìm em có chuyện chi? Em nghe anh bị thương...

- Tôi có lòi phèo không ăn thua gì! - Hai Khởi gạt ngang - Còn ông này mà trầy da là tôi đóng gông hết các cha ấp xã đội Trung Lập Thượng này.

Bà con thấy ông quận bị thương bu tới xem. Ông quận là cán thứ dữ mà nói vậy thì cái ông này quan trọng cỡ nào? Nhất là cô y tá. Cô càng ngạc nhiên hơn mọi người vì cô là người biết cấp bậc trong quân đội. Ấp đội Hỉ đứng không có vẻ gì lo lắng lại còn tự hào:

- Anh Hai đừng lo. Có pháo thì em lấy thân em che cho ổng. Còn nếu tụi thằng Rắc vào, em rượt chạy có cờ cho coi.

Hai Khởi phán tiếp:

- Chúng tôi sẽ làm việc vài ngày tại Ràng. Vậy các anh phải lo cho chu đáo.

Ấp đội Hỉ móc ra gói Capstan hai tay đưa ra mời tôi xong lấy hột quẹt Zippo bật lửa cho tôi hút và tiếp:

- Mấy anh ở mấy ngày cũng được, sứt miếng da em chịu tội.

Cô y tá hỏi Hai Khởi.

- Còn em có công tác gì không anh Hai?

Ấp đội Hỉ hất mặt:

- Cô chạy biểu vợ tôi kiếm vài con gà con vịt gì đó làm sương sương cái đã, rồi công tác gì sẽ tính sau.

- Còn em? - Nua hỏi.

- Cô đi xách vài cây cột đầu vuông về đằng nhà con Mén. Ở đằng đó rộng hơn. Nếu không đủ chỗ thì ta triển khai qua nhà bà má Hai cách đó một bờ dừa, qua lại cũng tiện.

Phân phối công việc xong, Hỉ dắt chúng tôi đi. Ra đến đường thì đụng đầu mấy bà đi chợ về. Ba Hỉ chận lại hỏi:

- Mấy bà mấy cô qua ngang ngã ba Tầm Lanh có nghe gì không?

Một bà sồn sồn đáp:

- Mấy ông cố nội bắn mấy ông cố ngoại tụi tui sợ té đái chớ nghe giống gì?

Ba Hỉ nói trây một cách tự nhiên.

- Đái rồi thay quần chưa? Để vậy khai ngấy đó!

Các cô cười khúc khích lủi nhanh nhưng thấy người lạ thì quay đầu ngó lại. Một bà khác nói đả đớt:

- Tôi vừa đến Tầm Lanh thì thấy tụi thằng Lệnh gút ga Tung òa. Có hai thằng nằm băng-ca, bốn thằng khiêng? - Bà phẹc cổ trầu xuống mé đường, đưa tay chùi tém miệng và tiếp - Tụi nó vừa đi vừa chửi thề om sòm. Một đứa bảo tôi: "Bà về nhắn tụi dít-cu có ngon ra cầu Công Sở hoặc Tầm Lanh chơi một trận, đừng ở trong đó núp núp ống quần đàn bà, tụi tui vô nhai đầu có bữa! "

Ba Hỉ nghênh mặt với Hai Khởi:

- Có giỏi vô đây mà nhai phải không anh Hai?

Ba Hỉ dắt phái đoàn vô một ngôi nhà nền gạch cao vách ván bổ kho lợp ngói kiểu như nhà Bảy Mô ở Gót Chàng và má Hai ở Hố Bò. Tôi nghĩ thầm: Lâu lâu mới thấy một ngôi nhà còn nguyên, nhưng chắc rồi cũng tiêu tan thôi. Bom pháo này có cái gì đứng được. Tôi bỗng nghe xót xa tấc dạ. Nhà cửa tôi cũng như thế này. Tây đốt tiêu hồi đầu kháng chiến. Không biết ba tôi cất lại hình dáng nó ra sao. Tôi đứng trước thềm nhìn ra. Hai Khởi trỏ rặng cây bảo:

- Đó là xóm Dân Hàn gần đường số 7.

Ấp đội Hỉ kêu hai người con gái trong nhà ra giới thiệu:

- Hai đứa này mồ côi. Cả nhà bị một trái pháo chết hết. May lúc đó tụi nó đi vắng nếu ở nhà cũng tiêu luôn.

Rồi Ba Hỉ chỉ dưới đít ván:

- Nó pháo thì mình chui xuống đó. Còn bộ binh vô thì mình chạy thôi.

- Chạy đâu? - Hai Khởi hỏi.

- Chạy trở vô dư xăng mà anh Hai.

Tôi thấy quanh hầm chất bao lúa sơ sài. Ở trong kia hầm hố kiên cố quen rồi, ra đây gặp hầm kiểu này nghe ớn xương sống quá! Thằng ấp đội này có vẻ gan dạ, nhưng không có kế hoạch chu đáo. Tuy vậy tôi cũng làm tỉnh, không hỏi thêm gì nữa. Biết ý tôi, Hai Khởi bảo ấp đội Hỉ:

- Mày ở đây để có gì tao sai khiến nghe!

- Dạ thì tui ở đây chớ đi đâu! Bây giờ để tôi dẫn anh và thủ trưởng ra sau mấy cây xoài già coi cái đồn.

- Tao quan sát ở đằng kia rồi.

- Ấ ra đây coi gần hơn. Nhưng phải thay đồ để che mắt tụi lính gác.

Hai Khởi lấy mấy cái sơ mi trắng đem theo từ nhà cho cả bọn tròng vô. Rồi Ba Hỉ dắt ra sau nhà. Tôi cặp nách ống dòm. Đi ngang chuồng bò thấy mấy cái nón lá và cây cuốc, Hỉ cũng quơ đưa cho tôi. Tôi nói:

- Nông dân gì vác cuốc mà mặc áo sơ mi trắng?

- Ở đây thanh niên làm ruộng cũng xài đồ trắng mà thủ trưởng. Tụi nó cuốc đất xong, liệng cuốc đi chợ uống la de, hoặc nhảy phốc lên xe lam đi Sài gòn chơi đều đều...

- Sướng vậy à?

- Dạ thì tụi nó vậy không hà? Ảnh hưởng sống vội yêu cuồng của tụi Sài gòn hết mà!

Tôi hỏi qua địa đạo:

- Ở đây địa đạo ăn ra ngã nào?

Hỉ nhìn tôi hồi lâu rồi đáp:

- Ở đây đâu có xài ba cái thứ đó thủ trưởng!

- Vậy rồi làm sao chiến đấu?

Hai Khởi đỡ lời:

- Ấp này thuộc xã Trung Lập Thượng. Từ đây đổ ra các xã ngoài quốc lộ I đâu có đào địa đạo được thầy! Toàn chơi hầm nổi.

- Hầm nổi là hầm gì?

- Để chút nữa tôi chỉ cho thầy coi.

- Vậy sao mình cứ nói địa đạo Củ Chi thôn liền thôn xã liền xã.

Hai Khởi cười. Có lẽ da mặt căng đau nên cái miệng méo xẹo:

- Thôn liền thì có. Liền thôn cũng có nhưng xã liền xã thì còn lâu thầy ơi? Đất ở đây chọc mũi dao xuống là nước tràn lên rồi, đạo gì nổi mà đạo.

Hỉ tiếp:

- Muốn làm cái hầm bí mật cũng còn khó thủ trưởng ạ! Phải chọn gò mối hoặc bờ tre, nhưng gặp tháng mưa thì chui xuống nước ngập tới cổ. Túng lắm mới độn thổ.

Đang nói chuyện thì nghe tiếng chân chạy phía sau. Tôi quay lại thấy một cô gái mặc áo lụa trắng: Nưa. Nưa cũng chưng diện coi khá khủm, làm mờ đi cái mặt rỗ hoa mè.

- Anh Hỉ dắt mấy ảnh đi đâu vậy?

Ba Hỉ quát:

- Con quỉ Nưa, tao biểu bây gác phía Tầm Lanh sao bỏ đi đây?

- Có thằng Đực em tui lo rồi!

- Ờ, bây sơ hở là chết đó!

Cô du kích thở hổn hển:

- Mấy anh đi coi trận địa để cối Trung Hòa hả?

- Mày im cái miệng cá tra của mày đi có được không?

- Ừ! Cối đi! Mình không cối nó, nó cũng cối mình. Chậc! phen này chắc tiêu xóm mình hết. Nhưng mà kệ...

Hai Khởi tuy bị thương, cũng cố đưa tay vuốt lưng cô bé:

- Mình không cối nó, nó cũng cối mình. Vừa rồi nó làm mình tiêu một tiểu đội của D8. Lần này mình trả hỏa, không phải vài phát đâu mà chơi nát luôn Trung Hòa lẫn Đồng Dù. Vài bữa nữa sẽ có cối tới tay mấy em.

Nưa cười hắc hắc:

- Thiệt hả anh? Em mà có cối là em quết tụi Trung Hòa này nát như tương.

Hai Khởi hạ giọng, có vẻ bí mật.

- Ông thầy cối kia kìa, ổng... đó?

Nưa chạy vụt lên trước để nhìn mặt tôi, rồi tụt trở lại nói với Hai Khởi:

- Thầy gì trẻ vậy?

- Trẻ thì trẻ, thầy vẫn thầy. ông sẽ mở lớp huấn luyện cối. Em có đi không?

- Ai thèm giới thiệu cho mà đi.

- Để anh bảo Ba Bụng giới thiệu lên, anh nhận cho.

Nưa hỏi tiếp:

- Coi bộ khó quá chắc em không học nổi đâu anh!

Ra đến nơi, cả bọn núp ở bờ tre. Thấy đồng trống tôi bảo đừng leo cây xoài nữa. Rủi tụi nó thấy thì bể hết kế hoạch. Chưa chi đã có nhiều người nghe rồi. Nhất là cái cô du kích này. Miệng mồm chót chết, chỉ lát nữa là mọi việc đều ra đến bót. Tôi lại vô bụi và mở ống dòm ra xem. ở góc độ này địa thế thuận lợi cho việc nghiên cứu lẫn tác chiến. Cái đồn xây cao nhô lên như đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh. Chung quanh, lúp xúp những dãy nhà nằm trong vòng tường trắng. Cái chuồng cu nhô lên nóc đồn như chiếc bánh ú gầy tọp, trong đó hai tên lính ngồi, mỗi đứa ngó một hướng. Hình như có cái radio treo bên cạnh của thằng ngồi phía trái.

Ông Bính vác cuốc ra ruộng đi qua đi lại giả bộ đắp bờ ranh. Nưa la:

- Ông phải đứng một chỗ chớ đi như vậy nó nghi. Nó cũng có ống dòm nữa!

Nói xong Nưa chui vô bụi bảo tôi cho xem thứ. Tôi đưa cho cô nàng và điều chỉnh độ nhìn đùm cho cô. Hơi thở của cô bé thổi vào mặt tôi thơm phưng phức. Cô Quắn không có nhiệm vụ quân sự nhưng thấy ông thầy dễ tính thì cũng nhào vô xin xem cho biết cái chuồng cu. Ba Tố núp sau bụi nghe cô bé nói thì phát cười:

- Chuồng cu không quan trọng, hai con cu ngồi kìa mới quan trọng.

- Anh ủa... chú quỉ nà. Nghiên cứu trận địa còn cà rởn.

- Ai cà rởn gì, cái tháp canh mình kêu là chuồng cu thì hai tên lính ngồi trong chuồng cu là con cu chớ con gì không phải sao?

Chờ cho Nưa xem xong, tôi hỏi:

- Thỏa mãn chưa?

- Được rồi đó thủ trưởng.

Tôi đưa ống dòm cho Quắn. Quắn kêu ngay:

- Rõ quá trời! Sức em vói đụng. Anh Hỉ ơi lại đây tui cho coi ké, đã lắm?

Ấp đội Hỉ cũng là tay nhạy hài hước, nghe Quắn nói, tóm lấy ngay:

- Cho tui xem thiệt không?

-Thiệt. Lại đây tôi chỉ cho xem.

- Cái đó nó biết lâu rồi khỏi cần chỉ! - Bính Chân Lư ngưng tay cuốc quệt mồ hôi trán chỏ mồm vào - Xem mau mau đi để tao còn xem với chứ? Lâu gặp quá sợ quên mất mặt mũi ra sao!

Đám đàn ông cười ré lên. Hai cô mới vỡ nhẽ ra là mấy chú lớn cái đầu chọc mình. Quắn đỏ mặt quay lại chỉ chỏ:

- Chút nữa về nhà bỏ đói cho biết mặt! - rồi nàng tiếp tục dòm. Nàng kêu lên - Trời! thấy rõ quá hà. Dây chì gai mấy sợi đếm đủ. Kìa một thằng lính đeo máy ở lỗ tai. Chắc nó nghe vọng cổ. Mẹ nó sướng như tiên. Quánh với mình mà ngồi trên cao nghe vọng cổ.

Tôi ngồi ở giữa hai nàng. Quay qua bên nào cũng suýt đụng gò má, nhưng mới tới đây, chưa biết tình hình địch ra sao nên chưa dám tấn. Hai cô dành xem lôi cái ống dòm qua lại trước mặt tôi. Mấy cánh tay có vô lỗ mũi tôi cũng đủ vốn rồi. Sợ em út ghen thủ trưởng tốt số, nên tôi đứng dậy thụt lùi ra sau bụi và bảo Tôn Sứt vào giúp đỡ cho các em xem. Cái ống dòm hôm nay được mọi người nâng niu chìu chuộng. Hết các cô đến các chú. Ai cũng được xem qua cái chuồng cu và hai con cu ngồi trong đó vài ba lượt. Xong cả đoàn kéo nhau về nhà Út Mén để ăn cơm. Hai chị em cô có mòi mê giải phóng dữ dội. Hồi trưa khi chúng tôi mới đến thì các cô tóc tai bùm sùm như cây rơm, bây giờ chải rẽ, tém vén khéo rất đẹp. Ba Tố và Tôn Sứt đeo riết không hở chút nào. Vái trời cho họ có độ với nhau để mặt đất Củ Chi bớt sần sùi đau đớn.

Ăn cơm với thịt gà xé phai suông không ai được uống rượu. Cơm nước xong trời đã chạng vạng, rất tiện lợi cho công tác. Tôi bảo ông Bính Chân Lư về xách một tiểu đội ra án ngữ tại ngã ba Tầm Lanh phục kích để tụi này yên tâm đo đạc. Trận địa thứ ba này nằm trong vườn nhà của cô Nưa. Trước khi đi, Bính còn ráng nói móc:

- Ông thày dùng phương pháp hình học tam giác hả? Hễ biết một cạnh và hai góc thì tìm được diện tích chớ gì. Tha hồ mà đo miếng đất của cô Nưa.

Nưa ngây thơ la toáng lên:

- Đất của ba em đâu phải hình tam giác!

Bọn chú lại cười ầm ỉ. Nưa hiểu ra đỏ mặt cúi gằm. Để chửa ngượng cho cô em, tôi hỏi:

- Các em ở ngoài này công tác đều không?

- Dạ khá lắm chớ. Chúng em đi đắp mô ngoài đường số 7, cầu Công Sỡ như cơm bữa. Rồi gài cà-nông lép hoặc lựu đạn ngoài đường.

- Có chết tên lính nào không?

- Lính thì không chết, chỉ chết ba ông lái xe lam với hành khách. Xe bị nổ văng xuống ruộng.

Bính Chân Lư tiếp:

- Xe lam ba bánh chớ không phải xe tăng Mỹ mười sáu bánh đâu nghe thủ trưởng.

Hai Khởi vọt miệng:

- Tôi đâu có phải nhà báo Nhã Nôm nghễnh ngảng nghe rồi phóng đại tô màu.

Nưa dắt vào vườn nhà bằng ngỏ hậu. Tôi bảo hai cậu quan trắc đóng cự ly đường đáy của tam giác. Đường đáy càng dài thì lấy mục tiêu càng chính xác. Một tam giác biết được một cạnh và hai góc kề thì tìm ra được góc đối đỉnh. Từ đó tra bảng Log của pháo binh ra hai cạnh dễ dàng. Hai cậu trinh sát được gởi đi học trên R nên rất rành công việc trắc địa. Chỉ trong vòng mười lăm phút là chúng tôi đã có cự ly mục tiêu Trung Hòa một cách chính xác theo phương pháp đồ giải tam giác lượng nhờ có khí tài phương hướng bàn để đo các góc của các điểm A B C. Cô du kích chỉ tay bốn phía nói tía lia:

- Xa mờ đó là Củ Chi. Vùng ánh điện tỏ là Đồng Dù. Đèn dầu leo lét trước mặt kia là xóm Mồ Côi. Đèn xa mờ chút là Lào Táo. Còn đèn phía bên phải là xóm Dân Hàn.

Bất giác tôi hỏi:

- Còn đâu là Hố Bò, đâu là An Nhơn?

- Bộ anh có quen ai ở đó à?

Hai Khởi vọt miệng:

- Bồ cả đống đó sao không quen!

- Ai vậy?

- Cô đội trướng dũng sĩ.

- À, chị Bảy Mô hả? Chỉ thì xứng với thủ trưởng rồi!

Trời tối chúng tôi đi đứng tự do nên nói chuyện thoái mái. Nưa tiếp:

- Mấy anh lấy con gái ở đâu thì lấy đừng lấy con gái ế xóm Ràng của em nghe.

Tôi bật cười:

- Sao cô nói xấu xóm mình vậy?

Nưa thành thật:

- Em nói thiệt mà. Dân ở đây làm nghề đươn rế, không có ai giàu cả. Ngồi lết cả ngày đít chai ngắt và dẹp dép đâu có no tròn đẹp đẽ như con gái Gót Chàng Hố Bò. Chỉ có một nhà tường gạch là nhà thằng Tẻng. Nó cũng đi du kích. Ông già nó thầu hết rế trong xóm đem ra Củ Chi bán nên có lời. Ngoài ra đều nghèo xơ nghèo xác.

Ấp đội Hỉ dắt chúng tôi về nhà cô Quắn. Y trấn tỉnh chúng tôi lần nữa:

- Ở đây cách đồn chừng cây số ngoài, nhưng tôi cho canh gác kỹ rồi. Nếu có gì thì chúng nó bắn báo động tôi dắt các anh chạy, đừng lo.

Quắn có người anh tên Ba Quyết làm trung đội trưởng của C3 D1 Quyết Thắng nổi tiếng gan dạ. Một lần về phép với hai đội viên, Quyết đã phục kích đánh lấy được một Colt 12 của lính Trung Hòa tại cầu Công Sở trên lộ 7, nhưng biết đem về đơn vị cũng không được phép mang nên lén bán cho ông xã đội trưởng Ba Bụng lấy tiền xài chơi. Trước khi đến nơi, Hỉ dắt chúng tôi ghé một cái quán. Hỉ nói:

- Ở Ràng chỉ có con xẩm lai này là đẹp thôi. Bộ đội dòm dèm dữ lắm nhưng chưa ông nào lọt vô.

Vừa đến thì cửa quán đã đóng. Hỉ gọi to. Một anh chệt sồn sồn mở cửa với nụ cười toe toét dưới ánh đèn dầu:

-Hà hà... mời mấy ông dô nghỉ uống lướcé

Hỉ nói như ra lệnh.

- Cho ít gói cáp-tăng và hai chai anít, một kí khô mực!

Anh chệt quay vô bảo con gái lấy hàng còn mình lăng xăg đem nước ngọt ra khui mời. Hỉ xua tay:

- Mấy ông lớn này không quen ba thứ đó.

- Hà hà... để ngộ khui la-de.

Tôi biết cái kiểu ăn hàng của quân ta ở đâu cũng rập khuôn như bà khu ủy Tân Biên: cứ mua và ghi sổ. Giải phóng xong, trả một lần, nên bảo:

- Chúng tôi không uống bây giờ, để khi khác!

Quả thật cô bé đẹp vô cùng. Nước da trắng như bông bưởi, tóc đen, môi son. Chưa bao giờ tôi trông thấy một cô gái đẹp như thế từ trước đến nay. Ôm hàng trên tay, Hỉ hất hàm với chủ quán:

- Ghi đó mai trả nghé!

- Dạ, hổng có pao diêu mà! Mấy ông công tác gian khổ mới diều chớ!

Chúng tôi quay ra. Nưa có lẽ ghen tức với cô xẩm lai vì những cặp mắt cú quạ các chú xoi mói tận tình, nên nói nhỏ với Hai Khởi:

- Chén kiểu coi trài trài vậy chớ bị mẻ miệng rồi.

Ba Tố hỏi.

- Tại sao vậy?

Hỉ đáp:

- Mấy con nhỏ này thấy nó ngộ rồi ganh, đồn bậy bạ là thằng trung sĩ Lệnh bắt nó vô đồn chớ đâu có.

Ba Tố gắt.

- Thằng Lệnh là thằng nào mà oai vậy?

- Nó cầm đầu nhóm biệt kích Trung Hòa này. Củ Chi có thằng Rắc. Trung Hòa có nó. Hai thằng đều là gốc du kích cả. Bây giờ mang súng lại chơi mình còn ác hơn tụi Sài gòn. Nó hút á phiện. Sáu con vợ. Đi phục kích mình, nó dám ỳ hai, ba ngày liền một chỗ, chớ không có sôt ruột nằm chưa nóng cỏ đất đã rút về như Mỹ đâu. Hồi nãy mấy anh bắn nó bị thương mấy thằng nó rút, nhưng chưa chắc nó rút hết. Nó chơi kiểu nhả bừa, còn nín lại đâu đó.

Tôn Sứt cười khậc khậc và nói tiếng Tàu ba rọi:

- Tôi muốn đụng tụi này phát nữa. Mẹ, nghe nó bắt con xẩm lai bỏ trong lồn (đồn) một lêm (đêm) ngộ tức muốn pể pụng! Con ngái của người ta mà bắt như dậy thì coòng gì!

Ba Tố cũng hùa theo giọng ba tàu:

- Pắt con người ta mà không có hửi dái (hỏi giấy) gì hết. Chừng nào hửi dái mà người ta không có mới pắt

- Người ta không có dái (giấy) thì cũng có cặc (cạc=thẻ căn cước). Ai ở vùng này mà không có dái có cặc. Không cặc xanh thì cũng có cặc lỏ chớ... Pắt ẩu người ta bỏ trong lồn như dạy một lêm chịu sao lổi. Ở ở trong lồn lông người ta, lộn xộn lâu có ngủ yên lược?

Nghe vui, Hỉ cũng hùa theo:

- Cái tụi đó nó hay hửi dái người ta lắm. Gặp ai nó cũng đòi cho coi dái coi cặc. Cặc xanh nó không chịu đâu, nó đòi cho lược cặc lỏ mới cho li. Ai không muốn bị bỏ vô lồn thì phải lóng tiền.

Nưa quát:

- Mấy anh mất quan điểm nhân dân quá trời.

- Nhân dân Ba Tàu hả?

- Ba Tàu thì Ba chớ họ đâu có nói tục tĩu như vậy.

Nhà cô Quắn ở gần đồn Trung Hòa, ớn quá. Nhưng phải đi theo. Quắn chạy ra đón chúng tôi vào. Nàng thay đổi xiêm y trang điểm trông khác hẳn lúc nãy. Tôi hỏi ngay.

- Hầm hố thế nào cô em?

Hỉ nói hớt.

- Có nhưng không bảo đảm như trong Hố Bò An Nhơn.

Vào đến nhà, tôi ngồi không yên, cứ ngó dáo dác. Không khéo lại ra đây nộp mạng cho địch. Hỉ nói cà rởn.

- Hầm ở đây đâm thủng tuốt thủ trưởng ạ!

- Hầm gì mà đâm thủng được chú em?

Quắn bảo:

- Các anh đừng lo. Tụi em ở đây cả đời có sao đâu?

- Tôi hết nhiệm vụ, giao phái đàn lại cho chị nghe.

Nưa nói rồi đi thẳng ra sau bếp. Bà má của Quắn bước ra với vẻ mặt sợ hãi, ngọn đèn dầu đỏ chạch trên tay run run:

- Mấy ông làm tôi sợ hết hồn hết vía. Tôi tưởng tụi thằng Lệnh chớ!

Hỉ đáp:

- Bác coi toàn là AK chớ đâu có AR-15.

- Tao có biết A ka a kiết gì. Thấy súng là tao sợ rồi!

- Tụi thằng Lệnh rượt tụi cháu chạy hoài. Tụi cháu có ngán đâu.

- Mấy đứa bây phải coi chừng cho kỹ. Hổng chừng nó đang ở ngoài bờ mía bây giờ nè chớ chưa có rút hết.

Nghe nói cái chiến thuật biệt kích nguy hiểm tôi hỏi phăng tới. Ông già từ trong bước ra kể tiếp:

- Cái thằng này lợi hại lắm đó mấy chú! Đàn bà con gái đi chợ gặp nó là sợ như chuột gặp mèo, mặt nó có cô hồn. Nó không có tra khảo đánh đập gì hết. Ra vào tự do, nhưng khi đi ngang qua đồn mỗi người phải đứng lại nói cho nó nghe một vài tin tức.

Tôi hỏi.

- Tin gì bác?

- Thí dụ ở trong này có hội họp không, có bộ đội đi tới đi lui không...

- Ăn thua mẹ gì ba cái chuyện vặt đó bác. - Hỉ gạt ngang - Tụi cháu cũng biết cái mánh lới đó, nên bảo bà con cứ nói láo cho nó nghe.

Tôi nghĩ thầm, thằng này rất nguy hiểm. Trong láo có thật. Từ láo suy ra thật. Đó là một ngón tình báo nhân dân của mình mà nó cũng biết sử dụng. ông già tiếp:

- Không biết láo hay dóc nhưng ai cũng phải nói vài chuyện thì nó mới cho đi. Có khi nó hỏi có gặp ông bí thư Đời không? Mời ông ra uống 1a-de với khô mực chơi! Vừa rồi nó pháo một phát ngay trân...

Bỗng ngoài cửa có tiếng chân. Bà má bước ra và kêu lên:

- Vợ thằng Quyết về!

Chị Ba Quyết trạc hai mươi lăm đẹp người theo kiểu đàn bà nông thôn dắt tay một thằng bé con chừng sáu tuổi. Quắn chạy lại ôm nó, hôn chùn chụt:

- Tiến, cháu vô kiếm ba hả? Đây là mấy bác khác, không phải bộ đội của ba cháu.

Thằng bé bệu bạo muốn khóc. Quắn năn nỉ:

- Để cô nhắn ba cháu một mốt về!

Ông già đến bồng thằng cháu nội từ tay cô nó, nói rủ rỉ:

- Thằng cù là lửa này giống hệt cha nó! - rồi quay lại chúng tôi - Tôi có một chút cháu nội đây. Tôi giữ nó như trứng mỏng. Rủi cha nó có...

Bà má gạt ngang.

- Ôông nói dại không hè..!

Chị Ba xách giỏ cá đem thẳng ra sau bếp, nói với ông già:

- Con mới tát đìa được mấy cặp cá lóc cháo và cá trê nàng đem vô ba má uống rượu.

Ông già mau mắn:

- Đem làm luôn cho mấy chú nhậu với ba. Bây giờ có gì bà nó cho dọn ra làm sơ sơ trước đã.

Nhìn sắc mặt tôi, ông già đoán ra sự lo lắng nên nói:

- Thằng Lệnh không đi chập tối, nó có đi thì đi giác khuya nằm luôn tới sáng, sương mù nó lùi lũi trong vườn êm rơ, du kích ra đồng đụng đầu nó, ú ớ hết có chạy.

Bà già hỏi.

- Ông tính làm gì ba con cá?

- Nướng lửa rơm, đừng lột vỏ, ăn ngọt hơn. Ở đây mà chờ canh chờ cháo của bà đắng miệng chết.

Tôi nói:

- Món gì chớ món đó để cháu làm cho!

Tôi nói vậy để ra ngoài bờ cảnh giác. Nếu ngồi trong nhà bị bao là hết phương chạy. Ông già chỉ cây rơm ở góc mương và đưa cho tôi một mớ lụi tre vót thiệt kỹ.

Bên bờ mương cạnh cây rơm đứng ủ rủ một bụi trúc um tùm. Mùi rơm ẩm lẫn hương lá trúc phảng phất trong sương đêm làm tôi nhớ nhà vô hạn. Quắn đem giỏ cá ra cho tôi.

Nàng nói trỏng:

- Đó nướng mấy con thì nướng.

- Cô muốn nướng mấy con?

- Bộ tui là tư lịnh hả?

- Chánh ủy!

- Ừ nhớ nghe, chánh ủy ra lệnh gì, tư lịnh phải thi hành hết ráo.

- Ra thử coi!

Tôi thấy thân mật ngay với cô bé liếng thoắng này. Chắc là tay bướng bỉnh lắm đây. Tôi bảo:

- Vô lấy hộp quẹt đem ra mau đi bà chánh ủy.

- Hút thuốc mà không có hột quẹt trong lưng à?

- Bỏ trong xắc-cếốt ở trong. Vô mang ra đây luôn dùm.

Trong lúc Quắn đi vô nhà, tôi rút rơm chất đống, rồi trút giỏ bắt đầu lụi cá. Quắn vừa chạy ra vừa la.

- Coi chừng nó lóc xuống mương!

- Tôi chụp đầu hết, lóc đi đâu!

- Cá trê trắng đó nghe dượng thằng Tiến!

Quắn bỗng nhiên phóng tiếng dượng vào tôi như một mũi tên. Tôi nhận mũi tên một cách êm ái bất ngờ.

- Dượng thằng Tiến không có ngán cá trê gì hết!

- Làm tàng hoài, nó chém một ngạnh khóc sáng đêm không có ai dỗ đâu.

Vừa tới đó thằng Tiến chạy ra, thở hào hển:

- Ông nội biểu bác vô nhậu gụ.

Quắn cười ngất:

-Bác lát bụi tre, ba con chó què đè cắn bác. Ở đây không có bác nào hết. Chỉ có dượng thôi. Kêu ông này là dượng Sáu (Quắn thứ sáu). Để dượng Sáu nướng cá rồi vô!

Quắn xách khúc củi dừa phện mấy con cá dãy tê tê. Tôi chụp lấy xỏ từ miệng thấu ra đuôi rồi cắm thành hai hàng gần mé ao. Tất cả được chục con. Tôi bảo.

- Chỉ nướng cá lóc thôi. Cá trê đem vô nhà nướng lửa than cho ba nhậu.

- Rể thảo quá ha! - Quắn vừa chất rơm lên vừa nói - Châm lửa đi ông tướng.

Tôi bật quẹt nhưng không châm vào rơm mà đưa cho Quắn. Quắn không cầm lấy mà nắm nguyên chân tay tôi dí ngọn lửa vào rơm. Lửa bùng lên rực rỡ soi gương mặt nàng tuyệt đẹp như trong thần thoại. Nàng vừa nói vừa nhìn tôi tình tứ

- Anh châm lửa... Lửa nhạy quá.

- Đúng ra là do tay em!

Tôi kéo nàng ngã vào vai tôi. Nàng như trái chín mùi, vừa đụng tới là rụng ngay. Tôi hôn lên má nàng. Nàng ôm choàng lấy tôi Tôi đẩy nàng ra:

- Thằng Tiến thấy mét ba chết.

- Ba không có rầy đâu. Ba nói với má, em nghe: "Hồi đó tới giờ có thằng mùa thu này coi được?"

Tình cảm đến thật bất ngờ. Đến rồi mà tôi vẫn còn ngờ. Tôi nhìn ngọn lửa nhảy múa trong mắt nàng vui thiệt vui.

- Sao em thương anh?

- Em không biết. Thấy mặt là thương liền.

- Khổ cho anh chưa?

- Khổ cho em chớ, anh khổ gì?

Chỉ trong vài câu nói tôi biết nàng là cô gái có học khá. Nàng đứng dang tôi ra và bảo:

- Ném thêm rơm vào đi anh.

- Lửa cháy to rồi! Em không... nghe à?

- Sao không! Nhưng đây không phải là lửa rơm đâu. Đây là lửa thần đó!

Có tiếng từ trong nhà vọng ra:

- Cá chín chưa đem vô mau!

Ba Tố bưng ra một cái sàn có lót sẵn lá chuối. Tôi lấy que củi cào than ra. Quắn bảo:

- Chú Ba đi vô lo dọn rau chuối khế bánh tráng ra cho sẵn, hễ đem cá vô là cuốn liền.

Quắn ném rơm thêm vào lửa để tôi thấy đường làm việc. Ba Tố thấy hai anh chị coi bộ chịu đèn nên lẫn đi ngay. Tôi lấy một nắm rơm vo lại cạo than trên từng thân cá, thịt cá nứt ra trắng phau. Mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Trông thấy càng thèm, tôi nuốt nước miếng ừng ực làm Quắn dòm. Tôi nói:

- Anh nhớ mùa tát đìa ở nhà quá em à.

- Đây là nhà của anh rồi còn nhớ đâu nữa?

Quắn như bà tiên của thần thoại đi một bước ngàn dặm vào vòm trời tình yêu. Nàng làm như tôi và nàng đã có gì với nhau rồi. Trong tình yêu người con gái bao giờ cũng bạo dạn hơn mặc dù có vẻ kín đáo. Ở đây nàng đã không giữ gìn ý tứ lại còn muốn cho mọi người biết nàng yêu anh cán Mùa Thu chỉ có thằng này coi được! Bỗng nhiên nàng nói bâng quơ.

- Đất chung quanh đây còn rộng lắm. Ba có thể cất cho mình một cái nhà và chia cho mình mấy công vườn có sẵn cây ăn trái!

Tôi đã cạo xong vẫy mấy con cá sắp vào sàng cho thằng Tiến bưng vào, lũ cá trê còn lại tôi đem rộng ở góc mương. Nàng bảo với theo thằng Tiến:

- Đem ra cho cô cái rổ thưa và cục gạch. Cá trê mà rộng lơ mơ thì hụt ăn. À mà thôi xách vô luôn nướng than vỏ dừa.

Rồi nàng bảo tôi:

- Anh đi lấy cái gào tát nước cho lửa tắt đi.

- Mới nhen lại dập hết à?

- Lửa bên ngoài thì tắt còn trong ruột thì không.

Hai đứa đã làm xong nhưng chưa chịu vô. Nàng bảo:

-Mình ở ngoài này cảnh giác tụi thằng Lệnh.

Sau gốc rơm, chúng tôi dắt tay nhau đến ngồi tựa lưng vào êm như nệm. Mùi rơm làm tôi nhớ lúc còn con nít chơi nhà chòi với đám bạn xóm những đêm đạp lúa trăng tỏa huy hoàng. Mùi hương rơm mới ngào ngạt. Những bó rơm là tổ ấm của chúng tôi. Chúng tôi ăn cơm, làm tiệc giả với vài trái ổi chín, vài trái quít rụng. Chúng tôi làm đám cưới với cô dâu chú rể giả. Chúng tôi uống rượu bằng nước lả đựng trong những vỏ cau tươi và đốt pháo miệng. Chúng tôi nghiêm trang nhập phòng trong lúc không biết vợ chồng là gì. Mơ ước và thực tế của tuổi thơ lẫn lộn như những trang sách quê mùa đượm hồng. Không có ai đọc nó thấm thía bằng chúng tôi, không bằng chữ nghĩa mà bằng kỷ niệm. Để rồi lớn lên, mỗi đứa một nơi. Lòng còn in đậm bóng nhau với những cuộc chơi vô tư đã vụt thành bất diệt. Một cô bạn mắt nai, một nàng tiên môi phượng, những cặp má đào và những lời nói giả làm người lớn. Ước gì còn trở lại được thời con nít.

Quắn hích cùi chỏ vào tôi.

- Anh nghĩ gì mà ngồi im vậy?

- Nghĩ đến ngày mai.

- Ngày mai không ai biết được, chỉ ngày nay mới đáng kể thôi. Ngay cả phút tới đây cũng không đáng kể, chỉ có phút này mới đáng kể thôi.

- Em nói gì vậy?

- Cái chết ở đây đến như đùa bỡn. Anh không thấy đó à? Ông quận chỉ bị sướt chân mày. Nếu viên đạn chệch đi một ly nữa thì cuộc đời ổng sẽ ra sao? Một trái pháo hay một mảnh đạn nhỏ đều làm đời mình thay đổi lớn được cả. Cuộc chiến này để lại quá nhiều trẻ mồ côi và đàn bà góa. Em về đây làm cứu thương xã để ở gần ba má. Vì em biết chắc anh Ba em đời nào bỏ ngũ về nhà và em cũng biết chắc thằng Tiến rồi sẽ mồ côi và chị Ba em sẽ trở thành góa bụa.

- Vậy em không sợ chính em sẽ trở thành góa bụa khi yêu anh sao?

- Có những khúc đường đầy gai góc mình biết trước mà vẫn cứ đi.

Một tiếng kêu vọng ra từ nhà:

- Cô Sáu dượng Sáu ơi, vô ăn cơm!

Quắn ôm choàng lấy tôi hôn một cái dài rồi đứng dậy. Nàng nói như trong sảng sốt:

- Nay mai anh sẽ đứng bên kia lề đường còn em thì đi bên này lề đường. Anh sẽ vẫy tay hoặc giơ một đóa hoa rừng chào, tặng em. Em sẽ vẫy tay đáp lại và sẽ tặng anh không gì hơn một nụ cười. Nụ cười bay lướt qua trong gió. Nhưng không tan. Em sẽ giữ mãi nụ cười ấy và anh là người độc nhất được em tặng cho.

Tôi ngồi điếng người ra nghe như kim chích xuyên tim. Tình mới yêu ly đã biệt, đó là số phận của tôi. Trái tim cứ bị cắt ra từng mẩu vụn cho đến những mảnh cuối cùng. Yêu, yêu mãi rồi chỉ được những biệt ly và ly biệt. Đã ly còn biệt.

Chúng tôi lững thững đi vào nhà. Bữa tiệc cá nướng trui đang vui. Chỉ hai chúng tôi là đau khổ, nhưng cố làm ra bình thường nên không ai biết. Quắn nói trước với ông già:

- Con nghe tiếng động khả nghi nên ngồi nín ngoài gốc rơm rình nãy giờ.

Ba Tố nhìn tôi một cách ý nhị và không nói gì. Ông già bảo Quắn:

- Con ra bàn thờ lấy chai rượu cúng đem vô cho ba. Thứ anít này ngọt quá, uống như ăn chè, nuốt không có vô.

Quắn vừa sắp lưng đi thì có tiếng tắc kè vang lên. Quắn thụt lùi lại kêu.sợ ma. Bà má bảo thằng Tiến đi với cô nó. Thằng Tiến cũng rụt cổ thè lưỡi. Tôi biết ý Quắn, bèn nói:

-Tôi chưa nhậu để tôi hộ vệ cô Sáu cho!

Rồi đi theo Quắn. Khi bước ngang qua bộ ván nhà cầu, Quắn đưa tay vỗ vỗ trên bờ đất cao ngang lưng quần, bảo:

- Đây là hầm của em!

- Hầm gì kỳ vậy?

- Anh đá vào thì biết.

Tôi làm theo lời nàng. Tôi biết ngay đó là bờ đất rỗng ruột. Tôi hỏi:

- Chui vô đó à?

- Chớ hồi nãy ngồi ngoài mương, anh không thấy mặt nước lé đé bờ sao?

- Vậy không có địa đạo gì hết à?

- Ông địa thì có! Đào một lưỡi cuốc là có nước rồi. Địa gì mà địa! Ở ngoài Bàu Tròn Phước Thành cũng vậy thôi, họ cũng chỉ tìm được mô đất, bờ tre để đào. Nhưng tụi lính nó cũng biết rồi. Hễ vô ruồng là nó xóm nát hết.

Ra đến nhà trước. Tiếng tắc kè còn vang âm trong đêm tối Tôi bật hộp quẹt soi cho nàng thấy chai rượu. Nàng nhổ cây đèn cầy trên chân đèn mồi lên, rồi cầm chai rượu rút nút rót ra hai cái chun có sẵn trên bàn thờ. Xong nàng đốt nhang, rồi lầm thầm:

- Hôm nay chúng con thương nhau, xin ông bà chứng giám! - rồi quay lại tôi - Hôn em đi!

Chết chưa. Cô bé lạ lùng thật. Mưu trí của nàng quả là bất ngờ. Tôi chỉ còn biết làm theo nàng chánh ủy. Chúng tôi trở vào. Thằng Tiến lém lỉnh:

- Cô làm gì ngoài lâu vậy? ông nội chờ hoài lạt miệng.

Quắn cũng không kém:

- Bàn thờ ông bà lâu quá cô không có dịp đốt nhang nên bữa nay cô làm việc đó để tạ lỗi với ông bà!

Ông già gật gù:

- Ờ phải đó! ông bà thời buổi này bị bom pháo cũng đi tứ tán hết chớ có ở trên bàn thờ như hồi trước đâu. Lâu lâu được một ngày êm, ông bà mới về chơi.

Quắn được trớn bắt đầu gọi tôi bằng anh Hai.

- Anh Hai thấy mấy tấm hình, ảnh hỏi hình của ai. Con nói cho ảnh nghe từng tấm một nên hơi chậm.

- Ừ! tới năm sáu tấm. Lâu quá không có lau bụi bặm gì.

Chắc ông già đoán biết tim đen chúng tôi, nhưng có lẽ ông thấy anh cán này coi được nên không có vẻ gì không hài lòng. Ông cầm chai rượu sớt vào chiếc nhạo xưa rồi mới rót

- Chú nào muốn uống gắt cổ thì uống thứ này, còn chú nào muốn húp chè thì dùng anít. Có chú nào ăn cay không? Ớt sừng trâu đây! Cắn ngang thì mới ngon. Tôi không thích ăn tương ớt.

Ông nói huyên thiên vừa bẻ cá cho người này người kia.

- Gỡ nạc, gói bánh tráng, rau thiệt nhiều, ăn phải lớn miếng thì mới ngon. Mấy chú cứ coi như đây là nhà mấy chú. Nội cái ruột cá này tôi cũng làm ngót một xị rồi.

Thằng Tiến bẻ cho tôi khúc nạc nung núc trắng phau thơm ngát và nói:

- Cháu cho dượng Sáu cái công dượng nướng nè!

Cả bàn cười ồ: tiếng dượng Sáu của nó bất ngờ quá đổi. Chị Ba đang bưng nước mắm tới rội thêm, hỏi con.

- Ai dạy mày vậy Tiến?

- Cô Sáu chớ ai má!

Quắn xấu hổ cãi ngang.

- Bậy nà, ai dạy mày hồi nào! - Bộ chị xúi nó hả chị Ba?

- Ai mà xúi cô Sáu! Con nít nó thấy gì nói nấy ai mà bụm miệng nó cho kịp.

Ấp đội Hỉ nốc một cái thiệt sâu, khổ rồi nói:

- Ai sao tôi không biết, nhưng tôi tán thành cả hai tay.

Bỗng mọi người ngưng đũa. Có tiếng cụp cụp như pháo đề-pa. Nhìn mặt mọi người nhớn nhác, thằng Tiến cười:

- Không phải hướng này đâu. Nó thụt phía cầu Công Sở.

- Sao cháu biết?

- Nếu đi hướng này, tiếng cụp cụp nghe lớn hơn.

Ba Tố khen:

- Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, thấy không thầy Hai?

Vừa dứt lời thì có tiếng chân đông người ở ngoài sân. Mọi người lại buông đũa. Tiến nhanh chân chạy ra rồi thụt vào.

- Người ta ở đâu đông quá. Không biết có phải là đội quân của bà Năm Đang không?

Tôi đang cố nhìn ra bóng tối thì một cô gái hiện lên: Nưa. Nua nói ngay:

- Anh Hai đâu rồi. Có bà con tới thăm.

Tôi băn khoăn không biết bà con nào ở đây thì một nàng khác bước vào. Lam! Trời đất quỉ thần ơi! Sao lại Lam? Giống y như một màn kịch gay cấn. Rồi hai ba người đàn bà con gái khác đi theo sau. Lam bước tới gần bàn tiệc kêu tôi:

- Anh Hai! Em nè!

Hồn vía tôi lên mây. Lỗ tai tôi lùng bùng. Lam trỏ mấy người phía sau và tiếp:

- Má với chị dâu và em gái của em nè anh Hai! Em móc vô để má và gia đình gặp anh?

Lam chợt thấy Quắn thì reo lên:

- À Quắn, mày cũng đi công tác ở đây nữa à?

Quắn đáp quạu đeo:

- Nhà tao đây chớ công tác gì!

- Rể của má đó má! - Lam cứ tự nhiên nói tới - Má coi cho kỹ đi! ảnh đó má!

Tôi ngẩn ngơ rối rắm. Phải chi nàng gọi anh Hai của con thì tôi còn chối được. Nhưng sao nàng về đây? Lúc xuất phát nàng đòi, tôi không cho kia mà. Nàng đi đường nào và với ai mà đến đây nhanh vậy? Bà má của Lam nói năng rất hồn nhiên với cả bàn tiệc:

- Tôi đưa gia đình đến gặp thằng rể, may lại nhằm lúc gia đình anh chị và anh em nó đang chung vui:. Thiệt là phước đức quá chừng. Vậy sẵn tôi có mua thịt và bánh, xin phép cho tôi dọn lên mâm, trước mời anh chị, sau là các anh em đồng chí của con gái và con rể tôi cùng dùng cho vui.

Ba Tố, Hai Khai và mọi người thảy đều sửng sốt. Tôi bị kẹt đạn, loay hoay không biết ngồi đứng nói năng như thế nào cho phải lẽ. Má quay lại bảo người đàn bà mà Lam giới thiệu là chị dâu:

- Con đem thịt và bánh mì dọn ra đi. Anh em nó vừa tới chắc đói bụng.

Lam trỏ người đàn bà và cô gái nhỏ, nhắc lại:

- Đây là chị dâu thứ sáu và em gái của em. Huệ, Huệ lại đây với chị chút!

Huệ nhỏ nhắn mặt trắng môi son, tóc kẹp. Còn người chị dâu thì trạc tuổi chị Tư Mai, chị của Bảy Mô. Nhìn nét mặt và y phục của người ở vùng tạm chiếm thấy khác dân vùng giải phóng và cách xa dân nông thôn miền Bắc giàu đẹp ba ngàn cây số. Tôi hỏi.

- Huệ có đi học không em?

- Dạ có.

Lam đùn em gái tới.

- Đi lại anh... biểu đi em!

Huệ bước lại gần. Tôi nắm bàn tay dịu nhiễu của cô bé.

- Để em đi mua la de với nước đá!

Nói xong Huệ chạy đi. Bà nói với tôi:

- Má đâu có hay biết gì. Nó về nó hối má, má bô hết công việc chạy ra đây. Gấp rút quá chỉ mua được mấy kí thịt heo quay với chục cặp bánh mì còn chị nó mua được có mấy khúc vải cho con.

- Dạ cám ơn má!

Tôi bị lỡ bộ, ‘không cãi chính được nên gọi má luôn, coi như bà là mẹ chiến sĩ.

- Sao, anh chị bên nhà cũng mạnh há con?

- Dạ, ba má con đều mạnh giỏi! Cám ơn má.

- Má nghe con Lam nó nói vừa rồi con có rước được gia đình vô!

- Dạ thưa, con chỉ rước được có một mình ba con thôi.

- Để rồi nay mai má đi tới thăm cho biết bên con.

- Dạ!

Tôi đành chịu xuôi tay. Cứ mỗi câu nói như một nuộc dây siết chặt thêm. Người chị dâu bảo Lam:

- Cô nói với dượng mời anh em cứ dùng tự nhiên. Thịt quay mua hồi sáng bây giờ da hết dòn rồi. Thấy tôi xách thịt lên xe lam, mấy người lính chọc ghẹo: "Bà nội đi thăm chồng ở trỏng hả? Mai mốt mang cái bụng chành ảnh về đây đẻ cho Quốc gia nuôi! Tụi tui vốn làm mọi cho mấy bà."

Bọn đàn ông chúng tôi đứng dậy nhường chỗ cho khách. Bữa tiệc đông thêm, người đứng người ngồi vui như ăn giỗ.

Sáu Đức liếc tôi ý chất vấn:

- Thủ trưởng vải chài hồi nào mà tài vậy? Tôi ở cơ quan hàng ngày mà chớ có nghe chút xíu động tĩnh gì hết ráo..

Tôi khẽ thúc cài cho bảo im. Thì Ba Tồ lại ứng lên:

- Coi như bữa nay là đám hỏi. Vậy mà thầy kín miệng như mấy ông bà cấp ủy ngồi thum.

Tôi đánh trống lãng:

- Bót Trung Hòa này mọc rễ lâu đời khó nhổ quá!

Sáu Đức gắp miếng thịt đưa cho Tôn Sứt bảo:

- Miếng này hàn cái môi chú lành lại cái một.

Hai Khởi quấn băng trắng trên đầu đang rên, bây giờ mới ra miệng:

- Đạn nó có mắt bồ ạ! Nếu nó đi sâu vô một phân nữa thì ổng không còn cái răng ăn cháo. Còn tôi trở thành dách cô ngạn.

- Như vậy thì khi nhắm súng ông khỏi nheo mắt! - Bính Chân Lư lọt giữa đám này chìm như đá bây giờ mới lên tiếng - Còn ông Tôn thì cười khỏi phải nhếch môi. Này, để tôi kể cho bà con nghe một làn đạn ly kỳ. Anh chàng là lính của tôi. Trận vừa rồi, hắn núp ở gốc cây, vừa la tiến thì một viên đạn xuyên qua hai gò má mà chẳng trúng xương và hai hàm răng còn nguyên. Đơn vị đặt cho hắn là thằng Rộng Họng. Hà hà, còn ông tham mưu này về ghé ông Tư Chuyền cho hai em Nga băng bó vết thương nòng chỉ vài ngày nà nành thôi.

Sáu Đức hỏi:

- Còn cặp chân của ông thì sao cong queo vậy?

- À, tại tôi đội một trái bom tấn đó mà! Hà hà...

Ăn uống no say xong, anh em điệu đàn kéo đi tìm nhà khác nghỉ, để chàng rể bất đắc chí ở lại với gia đình bên vợ. Tôi đành ngồi ngúc ngắc với má, Lam và chị Sáu. Lam rất phấn khởi. Thỉnh thoảng nàng liếc tôi, cái nhìn tràn đầy hạnh phúc và còn hàm ý: "Đó, anh thấy chưa, em nói đâu có đó. Má thương anh lắm... Con Huệ nó thấy anh là mến liền..."

Tôi đâu có ngờ Lam lại bạo phổi như vậy. Quả thật tình yêu vạn năng. Nàng đã đơn thân độc mã ra tận đây như trò chơi. Còn tài tình hơn chúng tôi. Má bảo:

- Nhà có ba đứa, thằng anh nó cũng đi theo ở trỏng, nó không chịu ở nhà. Nó nói để nó đi chống Mỹ cứu nước. Còn con Huệ cũng nhấp nhỏm đòi đi nhưng má bắt ở nhà học.

Má nói xong, bảo chị Sáu vào buồng lấy ra một hộp nữ trang. Má mở hộp đưa cho tôi và Lam hai chiếc cà rá vàng.

- Hai con cất đi, khi nào ở trong đó có điều kiện thì cơ quan làm đám tiên bố cho nếu má không vô được. Bữa nay coi như má đã nhận hai con hứa với nhau rồi!

Xong má còn móc túi lấy tiền xỉa ra cả chục tờ giấy 500 đưa cho tôi. Tôi từ chối, nhưng Lam giật lấy trên tay má nhét vào túi áo tôi và trách:

‘ - Má cho thì cất đi để má giận!

Bữa tiệc hóa thành hai bữa một cách bất ngờ, cá nướng trui cộng thịt heo quay nhưng phải kết thúc một cách nhanh chóng, với lý do "tới giờ của thằng Lệnh cô hồn đi."

Mọi người tản ra ở các nhà khác. Bà má, chị dâu và em gái của Lam cũng tạm biệt tôi và Lam rồi cáo lui. Chỉ còn mình tôi và Lam ở lại trong nhà. Ông già thì vô buồng hồi nào không biết. Chỉ còn bà già ở lại nói chuyện với tôi:

- À, vậy ra chú em đã có gia đình?

-:Dạ... chỉ mới... mới... a..a..

- Dạ mới hứa thôi thưa bác. - Lam nhanh nhảu đáp - Đây là lần đầu tiên má con biết mặt ảnh.

Tôi ngồi chết trân, chỉ đối đáp khi nào bị hạch hỏi. Bỗng tôi nhận ra Quắn cũng vắng mặt từ sau khi Lam đến nhưng không biết là lúc nào. Tôi hoang mang cực độ. Lam thấy tôi lơ láo bèn hỏi:

- Có việc gì vậy anh?

- Đâu có việc gì.

Sự vắng mặt của Quắn rất khả nghi. Tôi biết nàng yêu tôi say đắm, nhưng không vượt qua lễ giáo. Nàng bắt tôi hứa trước bàn thờ ông bà bằng một cái hôn. Hạnh phúc đang trong tay bỗng vuột bay mất, nàng có thể quẩn trí và hành động một cách điên cuồng. Trong kháng chiến chống Pháp tôi đã từng biết một anh chàng bị thượng cấp ngoài Trung ương vô cướp người yêu bèn vọt về thành dắt luôn một đạo quân thủy lục không quân Pháp vào tàn sá t một lô cơ quan đóng cố định như nhà dân. Thiệt hại về tài sản và sinh mạng vô số kể.

Trường hợp nàng Quắn có thể là sự lặp lại chuyện xưa chăng? Tôi hỏi.

- Bộ em có quen với cô... cô Quắn à?

- Con nhỏ đó là bạn học của em hồi ở Q Hai Chòi. Hơn năm rồi mới trông thấy mặt nó, định tâm tình chẳng ngờ ngó qua ngó lại, nó biến mất.

- Nó đi công tác gấp!

Bà má buông một câu lạnh lùng rồi bỏ vô buồng. Tôi cố định thần trở lại và hỏi Lam:

- Em dám vọt về vùng meo à?

- Dám chớ. Em quen đường băng nẻo tắt hết cả mà.

- Không sợ thằng Lệnh à?

- Em nhớ anh, em không sợ thằng nào hết. Nếu em không mạo hiểm thì chừng nào má mới biết mặt anh?

- Tình hình này không nên nôn nóng.

- Em đâu có nôn. Đâu cho rành đó rồi anh đi đâu em đi đâu cứ đi không đeo dính như sâm nữa làm anh mang tiếng.

Vừa đến đó thì Quắn xuất hiện. Lam kêu lên:

- Mày đi đâu mất biệt vậy Quắn?

Quắn vui vẻ:

- Đi công tác gấp của xã ủy.

- Lâu nay mạnh giỏi hả?

- Đều đều - Quắn nói rồi quay qua tôi - Anh Hai Đời, Bí thư xã ủy mời thủ trưởng đến gấp.

- Đi đâu?

- Ở cơ sở xã ủy chớ đâu!

- Bộ tình hình gì biến động sao?

- Em đâu có biết. Anh nai nịch rồi đi mau lên!

Tôi tuân lệnh của cô chánh ủy như máy. Quắn nói với Lam:

- Độ vài tiếng rồi tao dắt trả lại cho nguyên vẹn không sứt miếng da nào, mày đừng lo!

-Đi mau mau về sớm sớm. Khuya rồi!

- Xí, tao dắt đi luôn đó. Được không?

- Được! Tao cho mày đó, con quỉ!

Tôi tạm biệt Lam bằng một cái vẫy tay không nồng nàn lắm. Nàng tỏ vẻ không hài lòng nhưng tôi ngượng không thể biểu lộ hơn nữa. Đi được một quãng, Quắn trỏ tay ra phía ruộng trống bảo:

- Mùa cấy thằng Lệnh thương dắt lính ra núp ở cái bờ dứa đó bắt nông dân vô làm xâu cho bót. Còn con suối kia là từ đâu trên Tầm Đinh chảy xuống Bàu Ràng qua cầu Trung Hưng cầu Dân Hàn rồi cầu Công Sở, tiếp đến suối Gia Bẹ, ăn thông qua suối Bà Cả Bảy dưới Bàu Chứa, rồi nối liền với Rạch Láng The bao bọc cái Đồng Dù.

Nàng nói liền miệng mà như không để tâm vào. Tôi hỏi:

- Vậy không phải vành đai thép của các cô cậu dũng sĩ bao bọc Đồng Dù à?

- Vành đai thép nào? Vành đai ghẻ xốn của bà Út Nhỡ Bảy Nê thì có.

- Anh vừa ở trên R xuống thì nghe đồn vậy nên bảo Năm Cội dẫn cho xem mà chưa có dịp.

- Nếu có dịp thì anh sẽ được xem mấy cái hang ếch. Hồi mới đào thì mấy ông mấy bả còn lúp ló bắn sẻ tụi Mỹ dắt gái ra ven rừng, còn bây giờ thì xe nó ủi láng hết rồi.

- Sao em biết?

- Em đi với đội du kích của ông Ba Bụng phối hợp toàn quận. Trận đó bị xe tăng rượt em chạy văng mất túi thuốc. Anh nghĩ coi địa đạo nào đào băng qua suối qua đồng ruộng được chớ?

- Anh còn nghe đồn miệng địa đạo ăn ra sông Sài gòn nữa kia!

- Sao không nói nó ăn thấu đáy sông Sài gòn qua luôn Bến Cát?

- Cũng có tin đồn đó nữa đa, cô em!

Đi một chập thấy đèn pha bót Trung Hòa lấp loáng trên mặt đường, tôi hơi ngại, nên hỏi:

- Ông Hai Đời ở đâu?

- Ở ngoài rừng kia cà.

- Có hầm ở ngoài hả?

-Em đã bảo là chỉ có hầm nổi thôi, đào hầm ngầm không được! Năm 63, ở dưới Cây Trùm xã Phước Hiệp thằng Rắc đã khui một cái hầm nổi do người ta chỉ điểm. Từ đó tới sau hầm gì cũng bỏ luôn. Nó đến ngay miệng hầm kêu, một ông huyện ủy, hai ông nông hội xã bò ra, nó bắn luôn tại chỗ, lấy một K54 mới nguyên. Đó là Tư Châu, anh ruột Năm Tiều ở tác huấn khu bây giờ. Ổng chết, bả còn bị bắt bỏ tù mấy tháng. Phải bán cái quán chạy lo mới ra được. Hai đứa con của ổng, Năm Tiều dắt đi theo lên đâu trên khu.

Quắn nắm tay tôi chắc cứng. Hai đứa cùng bước trên mặt đường xe bò nhấp nhô chập chờn ánh đèn pha, trật có cái muốn lọi chân. Nàng liên tiếp kể:

- Vậy mà không chịu rút kinh nghiệm. Năm sau, Mỹ vô, cụm xe tăng ở Bàu Trâu. Buổi trưa tụi Mỹ chịu nắng không nổi bèn vô xóm tìm bóng mát. Bỗng một tên nghe tiếng ho sù sụ trong hầm. Nó kêu: "Đi ra! Đi ra mau! Vi xi! Vi xi!" Bà vợ lừng khừng. Tụi nó bèn đem mìn vô đặt và dọa lần nữa. Bà vợ quì gối chắp tay lạy rồi kêu chồng: "Ông ơi ra đi khỏi chết! Không ra nó đánh mình!" Ông chồng và bảy ông nữa chui ra một dây. Sau đó lại tái diễn ở Tân Qui. Ông chồng là cán bộ tác huấn từ An Phú về thăm nhà, bị Mỹ đổ chụp, rượt nà bèn chui hầm. Mỹ theo tận nơi, kêu ra. Ổng cố nín. Mỹ tìm miệng hầm tung lưu đạn. Bà vợ dời về Lào Táo có chồng khác tên là Hai Khuông cũng bị Mỹ đuổi và khui được miệng hầm. Nó đánh mìn. Hốt không được tô thịt. Một năm hai đời chồng. Toàn chết như vậy. Anh có thấy ai như bà đó chưa?

- Sao tụi Mỹ rành vụ khui hầm vậy?

- Nó có người mách. Hầm gì mà nó không biết! Anh tưởng ai cũng mê giải phóng hết sao?

Quắn lại trỏ tay ra đồng:

- Chỗ có ngọn đèn leo lét, đó là xóm Mồ Côi có nhà ông bà già thằng Thẹo du kích. Ông bà ở giữa đồng đặt lọp bắt tôm cá. Hễ tụi Trung Hòa ra là ông treo cái nón lá trắng phếu trên vách chòi, thì mình biết không đi được. Nếu không có cái nón lá thì cứ đi. Nhưng tụi nó cũng nhờ dân mình mách, tụi nó vô chòi gỡ cái nón lá cất đi rồi phục kích. Đằng này lơn tơn đi tới, nó xộp tóc vài ông. Bây giờ hết vụ nón lá rồi.

Đang nói chuyện giặc, bỗng Quắn ngoặc sang chuyện R:

- Anh Hai à! Em muốn hỏi anh chuyện này chút!

Tôi tưởng Quắn hạch tôi về chuyện Lam, nên gạt ngang.

- Không có chuyện gì! Đừng lôi thôi!

- Sao mấy chú mấy bác ở đây hay mò vợ con chủ nhà, làm mất uy tín cách mạng quá hà!

- Ai đâu? Đừng đặt chuyện nói xấu cách mạng nghe cô! Bộ tính lên án tôi đó hả?

-: Anh đâu có vậy. Em nói là nói chú Năm Ngó kia. Chị Ba em về ở lại nhà em gặp lúc ổng đang đóng quân ở đó. Ổng mò. Chị Ba em định la lên. Ba em bảo: "Đừng làm vậy, xấu lá xấu nem, rồi ba thằng Tiến nó về nghe được mà sanh giặc. " Lại còn ông Tư Hải cũng mùa thu, đóng ở nhà chị Tám Phụng. Nửa đêm ông vô buồng bị ông già xách dao xắc chuối chận ở cửa. Ổng sụp lạy ông già và tìm cách gỡ gạt: "Cháu vô đây mượn cái hộp quẹt hút thuốc." Từ đó chị Tám không đi hội họp nữa. Chỉ suýt bỏ luôn công tác phụ nữ. Còn Tư Hải trở thành Từ Hải.

- Tại sao có tên Từ Hải?

- Từ Hải chết đứng, anh không biết tích đó à?

Tôi hơi ngượng nhưng cố gỡ gạt:

- Mấy chú đi xa nhà lâu năm thiếu thốn tình cảm.

Nàng bóp chặt tay tôi.

- Vậy anh không xa nhà lâu năm sạo? Ông già chỉ dữ lắm. Đang đêm mà ổng đốt đuốc vô Bào Trăn tìm ông Năm Tiều. Năm Tiều là dê trưởng, Tư Hải là dê chánh (Nghe Quắn xài danh từ tôi bật cười, con nhỏ lém thật.). Ổng nói thẳng với Năm Tiều: "Làm chánh trị viên mà vậy thì còn cái chánh trị chánh trọt gì hả chú?" Ông Năm Tiều năn nỉ muốn gãy lưỡi, hứa thi hành kỷ luật ông dê... chánh, ông già mới thôi.

Quắn cứ kể chuyện này sang chuyện khác, tôi sốt ruột:

- Gần tới cơ sở chưa? Em đi như vầy phiêu lưu quá? Đáng lẽ anh phải đem cần vụ theo.

- Em thuộc đường và mật hiệu của đại đội ông Bính mà. Em cần vụ không được sao?

Quắn lôi tôi vào một ngả rẽ đến một căn chòi ở giữa một đám rừng chồi.

- Ông Bí thư xã ủy ở trong đó!

Tôi xem đồng hồ đã mười một giờ đêm. Quắn bảo:

- Ổng vừa đi đâu. Anh ngồi trên vạt chờ một chút!

Nói vậy rồi nàng đi thẳng ra sau chòi. Ánh trăng non soi mập mờ qua phên thưa. Một cái bếp tro lạnh ở góc chòi, bên cạnh đó lăn lóc một cái soong móp méo. Bộ vạt như hàm răng rụng đong đưa mỗi khi tôi trở bộ. Nghe nước xối róc rách ngoài sau. Tôi bước lại cửa nhìn ra. Một nàng tiên đang gội tóc bên một khạp nước bể, những làn nước lấp lánh tuôn chảy xuống tấm thân ngà. Thiệt chẳng khác cái cảnh tôi ngồi trên ngọn dừa nhìn xuống một nàng tiên khác không mảnh vải dính da hôm nào. Khi nàng lấy chiếc khăn lông trắng muốt choàng lên và bước về phía chòi thì tôi thụt vào ngồi y chỗ cũ trên vạt làm như nãy giờ không phạm tội trần tục chút nào.

Nàng ngồi bên cạnh tôi. Mùi xà bông thơm lẫn mùi da thịt tỏa sang tôi bát ngát. Nàng nói không chút e dè, nói một hơi không nghỉ như đã chuẩn bị từ lâu:

- Em không phải là đứa con gái lăng loàn đụng ai cũng quơ chụp. Em đã đi học trường tân binh Q Hai Chòi với con Lam. Sau khi mãn lớp, đám con gái được phân công đi các cơ quan. Những đứa đẹp được đưa cho mấy ông lớn làm con nuôi. Em cũng được hân hạnh làm con nuôi một ông kẹ. Chỉ một thời gian, em thấy cái trò chơi con nuôi dơ bẩn đó. Em xin nghỉ phép và ở nhà luôn. Thà ở nhà làm cách mạng mà hay hơn. Em thích cách mạng nhưng em không thể xáp với những cán bộ cách mạng đó. Về đây em cũng đã tiếp xúc với nhiều ông to. Sao họ toàn là những kẻ... hì hì... khó nói quá.

- Còn anh?

- Anh thì khác.

- Mới quen sao biết khác?

- Biết chớ! Em nhận ra người ngay từ phút đầu. Tất cả tâm tính đều hiện trên nét mặt. Em thương anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Giá không có vụ con Lam...

- Vụ gì đâu?

Quắn nhắc lại chuyện xảy ra vừa rồi ở nhà rồi bảo:

- Do đó em không muốn để mất anh hoàn toàn! Em hận vì em không có cơ hội như con Lam. bây giờ đã như vậy rồi, em phải giành lấy được phần nào hay phần nấy.

Nàng lột chiếc khăn lông trải lên vạt rồi ôm lấy tôi mà quật xuống.

- Anh sẽ không bao giờ có dịp yêu em nữa đâu. Anh thuộc về người khác rồi.

Tôi muốn đính chánh nhưng nàng không để miệng tôi thốt ra lời. Nàng vồ vập làm như tôi là con mồi non. Nàng giục giả, khuyến khích, lãnh đạo tôi như một bà chánh ủy.

- Bộ anh sợ cái má văn công, cái mông y tá hả? Y tá nào uống thuốc ngừa thai, nạo thai chớ y tá Quắn này khỏi có bị đâu... Anh thấy chưa... Đó... em vậy đó. Anh tin chưa? Con Quắn này xấu hơn Bảy Mô, Ba Cấm, Tám Phụng, nhưng chưa chắc các bà đó hơn em điểm này. Rồi anh sẽ thấy!

Nàng cầm tay tôi đặt lên những vùng cấm. ánh trăng làm da người con gái thêm mát rợi, làm mắt nàng thêm lấp lánh.

- Em có đôi mắt nai đẹp lắm!

Tôi nhìn xuống mắt nàng. Nàng vít đầu tôi xuống ngực nàng, đè riết rất lâu. Tôi bảo:

- Lửa của anh đâu phải lửa rơm phải không em?

Bộ vạt yếu ớt run suýt đổ bao lần. Chúng tôi nằm yên bên nhau, ngủ. Và thức giấc mơ tiên. Nàng bảo:

-Trời còn khuya, ngủ một giấc nữa rồi hãy về.

Chúng tôi không ngủ. Ai lại có thể ngủ được khi da thịt của hai đứa mọc gai và khiêu chiến nhau ở từng góc cạnh.

- Đừng quên em nhé, đứa em liều lĩnh của anh! Em không tiếc rẻ, không ân hận một chút nào.

(Về sau khi tôi ra chỉ huy Tiểu Đoàn Thép rồi làm Tham mưu trưởng Trung đoàn Quyết Thắng Quân Khu, tôi gặp lại nàng trong mấy tháng liền lúc chiến trận rất ác liệt. Rồi sau đó tôi di quân đi xa, không còn dịp gần nhau và cũng không biết tin nàng nữa.)

Tỉnh giấc lần thứ hai chúng tôi vẫn luyến tiếc cảnh tiên nhưng tiếng gà trần thế đã gáy rộ bên tai. Chúng tôi hôn nhau điên cuồng, đôi môi đôi má không muốn rồi ra nữa. Mắt nàng hoen lệ, giọng rưng rưng.

- Thú thực, em không còn muốn lấy chồng. Có người tới hỏi nay mai, em sẽ...

Tôi vả miệng nàng rồi trám miệng nàng bằng một cái hôn cắn. Quắn đưa tôi về tới nhà đập cửa rầm rầm, quát lạc giọng:

- Lam! tao trả chồng mày đó!

Rồi lẫn đi mất. Tôi đứng chết trân như trời trồng, cảm thấy mình có tội. Tội với ai? Không rõ. Với Thu Hà, Lụa, Là, Nga, với bà khu ủy, Mai Khanh, Thanh Tuyền, Ua, Chia. Hay với Lam đang chờ suốt đêm nay tôi đi họp với xã ủy.

Lạy Chúa. Lạy Trời xin tha tội cho con nếu yêu chân thành là tội...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx