sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 58: Lính Bác Hồ Mừng Quốc Khánh Với Thịt Chó

Tình hình biến động càng ngày càng bất lợi cho cuộc hành quân nghiên cứu chiến trường của tôi. Tôi quyết định thay đổi lộ trình, cho về đơn vị một số cán bộ, tăng thêm một số khác và tiếp tục nghiên cứu.

Đến Ngã Ba Cây Trâm cũng còn gọi là Ngã Ba Xe Cháy thì trời nắng rát mặt, Ba Tố đề nghị vô quán bên lề đường uống nước rồi sẽ đi về Hố Bò.

Tôi hỏi chuyện cũ. Ba Tố trỏ vào rừng, bảo:

- Nó nằm trong đó. Chẳng phải là xe tăng thường đâu, M13 đó ông thầy ơi! Tôi về đây thì đã nghe chuyện đó rồi. Nó tam sao thất bổn, chẳng ai rõ gốc ngọn ra sao. Người thì bảo là mình đánh được ở ngoài quốc lộ 1, kẻ lại bảo là do xã đội Phước Thành là binh vận kiểu ở bên Bình Dương. Người ta thêu dệt rằng thằng Hai Đen xã đội trưởng cầm cờ đứng trên nóc xe ra lịnh cho thằng lính bên trong lái về Hố Bò, nhưng tới An Phú thì bị du kích bắn. Nó hoảng hồn quăng cờ nhào xuống đất tưởng gãy cổ.

- Còn thằng lính đâu?

- Ai mà biết được, chỉ thấy cái xác xe nằm trong rừng, bị chôn ngập tới nửa dây xích. Tôi cho lính vác xà beng tới nạy lấy một mớ mắc xích về để trên nắp hầm chống pháo, nhưng không nạy được vì nó liền mí với nhau. Nếu mà mình đem nó về nhà được, đào hầm rồi đẩy nó xuống, mình ở trong như hầm bằng thép, pháo nào bắn nổi?

Tôi nói:

- Vậy tôi nghe đồn rằng mình đã dùng chiếc xe tăng đã làm chỉ huy sở.

Bính Chân Lư cười khoe cả cái bàn nạo:

- Tôi còn nghe đài nói là mình lái xe vô tấn công đồn nữa chớ.

- Đài nào?

- Thì đài của bà Nhã Nam đó chớ còn đài nào. Chính bả đã bịa ra chị Năm Cầu Xe, đài tưởng chị là anh hùng thiệt của đội quân đầu tóc. Cái vụ dùng xe tăng tấn công đồn chắc cũng là do bà nhép đó cho tài liệu thôi. Do đó mà phát thanh rần ì liên tục. Tụi tui nghe muốn khùng luôn.

Tôi nói:

- Sở dĩ tôi hỏi là vì hồi năm ngoái tôi có đưa thằng nhà báo Bọ Chét đến đây quay phim. Tôi có tìm người để giàn cảnh sống như tại trận. Đại khái như là có một số lính Mỹ giơ tay lên đầu hàng trước họng súng của quân giải phóng, rồi một tổ tam tam chế đứng trên xe tăng phất cờ mặt trận. Nhưng tìm không ra Mỹ. Ông binh vận Tư Linh móc hoài mà không được thằng nào hết. Hơn nữa không có ai biết máy móc nên không làm chiếc xe tăng cục cựa được. Chỉ cần nó lăn vài chục thước thôi mà cũng không có cách nào. Cho nên thằng nhà báo chỉ quay cái xác nó và chợ An Nhơn, một vài chiếc xe lam đi đấu tranh chỉnh trị...

Tôi dặn Sáu Đức mấy điểm mang về truyền đạt cho Sáu Phấn để chuẩn bị vào đợt:

1 ) Móc súng lên lau chùi nhưng nhớ chuẩn bị chỗ giấu ngay nếu có đổ chụp đút trở lại.

2.) Liên hệ với Tám Giò lấy du kích tổ chức thành đội để vận tải đạn pháo.

Tôi dặn thêm:

- Tình hình đã meo rồi. Phải hành động càng sớm càng tốt. Khi tôi về sẽ cùng với Ba Tố nghiên cứu phục kích đánh tàu trên sông Sài gòn. Phải hạ được vài tàu, tệ lắm cũng xơi gọn vài chiếc giang thuyền khi nổ súng thì phải đồng loạt để địch không biết chính xác mặt trận chính là đâu! Rồi sẽ liên hệ với Trảng Bàng và Bến Cát. Đề nghị với quân khu cho hai quận đó tiếp ứng, cầm chân bộ binh, bịt họng pháo binh.

Giọng Sáu Đức lạc quan:

- Vậy làm ăn to hả thủ trưởng?

- Chó đạp cũng chết, trâu đạp cũng chết! Nhưng trâu đạp chết vinh quang hơn.

- Còn Trung Hòa định thế nào thủ trưởng?

- Tôi sẽ có đề án chi tiết sau.

Trong bụng tôi rất quyết tâm làm một cú cho nổi đình nổi đám, để chuyển cái thế bị động giành thế quân bình: địch đánh ta mười ta trả lại một, hai cũng được, chớ không để địch đánh mà ta không trả miếng nào. Tôi bảo Lam:

- Em theo Sáu Đức và anh em về cơ quan lo phần việc của em. Anh đã bảo quản lý cho mua bông băng thuốc men. Em về là có sẵn. Em nên soạn sẵn. Anh sẽ xin ở trên cho thêm vài cán bộ của C5 xuống H6, đi theo các khẩu đội ra tận chiến trường.

Lam phụng phịu:

- Xin ai thì xin, anh đừng xin hai bà trời con của ông Tư Chuyền.

Tôi biết Lam không thích hai cô Nga từ lâu, nên bảo:

- Anh không xin đích danh ai hết. Tùy ở trên cho ai thì cho.

- Anh không cho em theo hết chuyến này hay sao?

- Sau đây anh chỉ lấy một vài người để di chuyển cho nhanh. Công tác này liên hệ với các quận Trảng Bàng và Bến Cát em không có nhiệm vụ gì trong đó hết. Em đi Ràng kỳ rồi là...

-... Vô kỹ luật phải không?

- Cũng đâu đó!

- Em cũng biết vậy, nhưng nếu em không liều mạng thì không biết dịp nào má mới gặp được anh và em để quyết định. Về cơ quan, anh cứ tuyên bố trước quân hàng em.là vợ của anh, kỷ luật gì em cũng chịu.

Lam vừa nói vừa móc túi nhái lấy hộp nữ trang mê ra, lấy một chiếc nhẫn đưa cho tôi. Tôi liếc thấy trên mặt nhẫn có chữ L. Trên mặt chiếc kia cũng giống y.

- Em chuẩn bị hồi nào vậy?

- Em nói với má. Má đi ra thợ bạc đặt làm ngay.

- Em làm phiền má quá?

- Má cưng anh còn hơn em. Anh đeo đi!

- Anh không quen đeo cà rá.

- Không quen thì tập. Em cũng có quen bao giờ. Anh đeo, em cũng đeo thì không còn ai dòm dèm gì anh nữa.

- Đàn ông đeo cà rá vàng coi chướng lắm.

Lam bỏ vào sắc-cốt tôi.

- Vậy anh cất đi!

Đến chỗ rẽ, cả đoàn dừng lại. Tôi dặn dò Sáu Đức vài việc nữa rồi chia tay. Lam tỏ vẻ không muốn rời tôi, nhưng nàng biết lần này nàng không thể vô kỹ luật nữa. Tôi hôn Lam. Cái hôn ngập ngừng chưa trút hết điện trước khi tạm xa nhau. Tôi, Ba Tố, Tôn Sứt, Bình Chân Lư, Hùng Cối họp thành phái đoàn kéo về phía Hố Bò. ở đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu trận địa đánh giang thuyền vùng Bò Cạp nơi Là đã dắt tôi đến kỳ trước. Lam đã đi, còn quay lại:

- Anh đi mau mau về nghen!

Đi vô sâu vùng giải phóng, không còn sợ cặp mắt của Trung Hòa, tụi tôi tha hồ nghênh ngang và tán phéc như pháo nổ. Bình Chân Lư tấn công tôi trước nhất:

- Thầy Hai quan trắc trận địa nhanh quá! Tụi tôi chịu thua tuốt.

Tôn Sứt hỏi.

- Anh có bùa ngải gì không? ở trên K vô trong Bộ Chỉ huy, học sinh thành bu một lúc nửa tiểu đội, về trường pháo từ con gái nông dân đến đàn bà góa cũng đeo, rồi bà khu ủy sồn sồn cũng muốn bắt xác. Rồi xuống đây hai ba xôi nhồi một chỗ.

Ba Tố bổ sung:

- Tôi ghé đội dũng sĩ Út Nhỡ, nghe cô nào cũng nhắc anh Hai. Anh Hai xúc toàn cá rô mẹ còn mình lội đục nước không vớt được con lòng tong nào kho quẹt đỡ thèm.

Bình Chân Lư tiếp:

- Đi với ổng, mình lép quá các cha!

Tôi cười:

- Kỳ này hễ chỗ nào có chất tươi, tôi lặn để các ông hoạt nghe! Riêng ông Tôn tôi sẽ dẫn đi coi mắt năm nàng công chúa tuyệt sắc một lúc.

- Tuyệt sắc cỡ bà khu ủy không?

Hùng Cối la lên.

- Ê đừng có đụng tới chị nuôi tao nghe.

- Mày hổng có ai... đụng để giành mày đ... hả?

Tôi can thiệp.

- Đừng có nghi oan cho nó. Nó có em nuôi bán quán bảnh lắm. Lúc nào rảnh rảnh tụi mình lên đó ăn hủ tiếu Tư Hẹ rồi mua kỳ đà nhậu chơi. Ê Hùng, lúc sau này mày còn gặp Tư Ó và tổ xe bò nữa không?

Hùng cười mũi:

- Cả Xóm Mới bây giờ tan tành hết rồi. Mấy cái ghe hàng đậu phía bên kia bờ sông Vàm Cỏ đã lui mất. Cô em nuôi có chồng rồi. Còn Tư Óó đã trốn ra Tây Ninh.

- Sao họ bỏ mày họ đi hết vậy?

- Thì em nuôi sợ anh nuôi trổ mòi chớ còn sao nữa! Một trăm thằng anh nuôi có thằng nào là không ló cựa đâu. Tía nuôi cũng thế nữa là anh nuôi.

- Bà má đi mất là vì chị khu ủy cứ mua đồ ghi sổ dài cả cây số mà không chịu trả tiền nên bả cụt vốn, còn tổ xe bò Tư Ó trốn là vì ở trong này đói quá. Ngoài ra còn ăn bom pháo hàng ngày. Mấy lúc gần đây B26 lại chơi cái trò bom trộm anh ạ.

- Mày có gặp thằng Cử nữa không?

- Nó còn ở trong đó ngâm thuốc rượu bao tử nhím, còn ông Một và bà Một thì vác bàn thờ Phật đi Cao Miên dưỡng lão rồi. Tôi và thằng Cử đưa ông tới Xa-mát. Ổng rưng rưng: "Chúc bây ở lại bình an vô sự! " Bây giờ thì Bùi Khanh thay chân ổng là Xã đội trưởng vùng rừng đó.

Tôn Sứt vuốt đuôi:

- Phải có Bùi Khanh xuống đây thì đủ bộ săn mễn, vui quá!

Tôi gạt:

- Ở dưới này Bùi Khanh chịu không thấu đâu. Thằng Đồng Dù không cho phép mình giăng võng hát hơ hát hà đưa em như ở trên R. Ở trên đó chỉ sợ B52 còn ở đây sợ đủ thứ. Để chú mày sống thêm vài bữa rồi sẽ nếm mùi Củ Chi đất thép thành...

Bính Chân Lư cười hắc hắc và nhại lại:

- Củ Chi đất thép thành đồng, Củ Chi chất nhép đầy đồng.

Còn đang vui chuyện thì ở đằng kia có bóng hai người đi lại một đàn ông một đàn bà. Thì ra thằng Năm Đầu Ban và cô xã đội phó Là. Định bụng sẽ ghé nhà thăm hai chị em nàng kiều Hố Bò, thì lại gặp cô em ở đây. Vừa trông thấy tôi, Là vọt tới và lạ bài hải, rồi nghẹo ngang khóc như con nít.

- Anh Hai! Anh Hai!

Ba Tố cười hô hố:

- Anh Hai có mua kẹo dừa đậu phộng, kẹo xí-cô-la cho cô kìa! Nín đi! Xã đội mà khóc mếu vậy Mỹ nó cười!

- Tui khóc thây kệ tui, ai biểu mấy ông chọc ghẹo!

- Coi bộ tướng cô em giống con sẩm lai ngoài Ràng quá, chỉ khác cái nước da dang nắng thôi..

Là nguýt một cái sập trời, nhưng rất hài lòng vì được khen đẹp như cô sẩm.

- Mấy ông đi đâu cũng phất mùi sua đủa ra nặc nồng. Con Mầu là tư sản đó nghe. Nhảy vô kiếm ăn!

- Nóô tư sản nhưng tía nó bán la de không lấy tiền, là tư sản yêu nước... đá!

Là phụng phịu.

- Lớp học pháo gì chiêu sinh lâu vậy mà không khai mạc?

- Chờ kiếm hầm hố, địa điểm cho bảo đảm rồi mới đám khai chớ. Lơ mơ nó chụp thì chạy vô đâu? Phú Mỹ Hưng của cô đã chọn học sinh chưa mà hối thúc? Chắc xã đội của cô gởi đi đông nhất quận.

Là sìa môi:

- Danh sách thì có cả trung đội nhưng thực tế thì chỉ có tôi và Năm Đầu Ban thôi.

- Vậy các cô Năm Trong, Sáu Biền, Út Nào, Tư Ếch đâu?

- Còn rút trong hang Sa Nhỏ, Bến Chùa, Bến Súc nhưng chúng nó nói Phú Mỹ Hưng đâu có cái đồn nào mà mình phải học bắn súng cối. Cái đó để nhường mấy xã có đồn bót, cho nên thối thoát không chịu đi.

Bình Chân Lư giơ tay ra bộ.

- Đem đòn mà xeo chúng nó!

Ba Tố giải thích.:

- Nói vậy sao được! Nếu tụi Mỹ nó đổ cụm ở Đồng Trà Dơ thì các cô vác súng cối ra phệnh chúng nó có phải là chắc ăn hơn bắn trường bá đỏ không?

Hùng Cối vốn cây hảo ngọt, thấy cô xã đội non mỡn, chưa biết là em nuôi của thầy pháo, nên bỏ vòi:

- Cối bắn giang thuyền hoặc tàu lồng cu trên sông Sài gòn rất hiệu quả đó cô xã đội.

Bính Chân Lư rót thêm:

- Thằng cha này là tay cối thủ 81 đó cô em! Nó sẽ dạy cho cô bắn đìa rét một phát là một chuồng cu lật ngang thôi.

Năm Đầu Ban nhảy cà tưng:

- Vậy học xong, quận cấp cho tụi tôi mấy cây?

- Muốn mấy cây cấp mấy cây. Thứ đó bây giờ mình có nhiều như củi dừa vậy.

Thấy đứng giữa đường hơi lâu, Ba Tố giục:

- Thôi, mình đi vô xóm rồi hãy bàn tiếp, ở đây coi chừng cá rô rỉa.

Thế là đoàn tiếp tục đi. Ba Tố hỏi Năm Đầu Ban:

- Còn thằng Trương thằng Hiếu đâu?

- Hai đứa nó theo dòng họ đi qua Bình Dương rồi.

- Năm Thuận không trở về à?

Là đang đi tụt hậu với tôi, nghe hỏi, vọt miệng:

- Ông nội con ít nói gạt chú Tư Thiên, bảo là đưa vợ con qua Phú An rồi về câu tôm ở sông Sài gòn và tiếp tục công tác, nhưng lặn mất tiêu rồi. Chi ủy viên mà vậy đó.

Ba Tố cười:

- Nếu vậy tôi đề nghị quận chỉ định cô làm xã đội trưởng cho luôn hệ thống với bà Phó tư lệnh miền.

Nàng vừa nói vừa nhìn tôi để thăm dò.

- Tôi lạy mấy ông! Tôi cũng sắp đi Bình Dương ở với má tôi rồi!

Tôi chụp lấy cơ hội, nghiêng qua rỉ tai nàng:

- Em với cô Lụa nên đem bé Rớt qua An Thành làm ăn càng sớm càng tốt. Tình hình sắp tới đây đàn bà con nít chỉ vướng bận công tác chớ không có làm được việc gì đâu!

Nàng tưởng tôi ngăn chặn, chẳng ngờ tôi nói xuôi theo, nên mát mẻ:

- Ừ anh nói vậy mai em đi. Sẵn có ông lớn đây, em giao xã đội Phú Mỹ Hưng lại cho ổng, ổng chỉ định ai làm thì làm.

Tôi vẫn thản nhiên. Còn nàng thì ngó ngang không nhìn tôi nữa. Tôi tìm cách vuốt giận:

- Lâu nay má có nhắn gì về bên này không em?

- Hổng có nhắn gì hết!

- Có ai đi qua bển nói đùm anh kính lời thăm má.

- Không có ai qua bển hết!.

Tôi vuốt lưng nàng, tiện thể ấn nhẹ một cái hôn bên thái dương và rủ rỉ:

- Thôi mà giận gì không biết nữa. Anh nói vậy là anh đã suy nghĩ kỹ rồi. Anh bận lắm, đáng lẽ phải đi sang Trảng Bàng ngay để bàn việc phối hợp vào đợt với bên đó, nhưng anh muốn tạt qua đây để bảo em phải đi sớm. Tụi nó đi hết rồi, em còn ở lại làm gì nữa? Đàn ông con trai mà cũng đã khôn vong tìm đường sông rồi. Em coi ở Xóm Thuốc mấy ông khu ủy còn ở đó không? Họ dông hết rồi. Tụi anh là mình đồng xương sắt mới còn bám trụ ở dây thôi. Anh biết em còn nán ở lại đây là để chờ anh. Nhưng có lẽ mình khó gặp nhau lắm, không gặp nhau nữa là khác. Các đơn vị bộ binh pháo binh du kích ba quận Trảng Bàng Bến Cát Củ Chi sắp vào đợt một lúc. Chừng đó, em muốn đi cũng khó.

Cô xã đội lặng thinh, bước chân nặng nề vất vả.

Tôi thấy thương em vô cùng. Đáng lý nàng đã có chồng, có con như những người con gái bình thường khác trong thôn xóm. Đáng lẽ Lụa có thêm đứa con, và Thơm đánh xe bò kiếm tiền hàng ngày nuôi vợ chớ không phải đi dân công bỏ thây nơi chiến trường Bình Giã Phước Long. Đáng lẽ má Hai không mất anh Điều vì cái trận đánh Bến Súc theo chiến thuật A-thần- phù năm 47 do Ba Tô Ký chỉ huy. Bây giờ má đã có cả bầy cháu nội. Ngược lại, cái gia đình này tan nát vì kháng chiến. Chồng chết, con trai độc nhất hi sinh, con gái góa chồng, con gái út chênh chông...

Nhiều đêm tôi nằm suy nghĩ không hiểu tại sao đám con Huê, con Tiến, con Hiền, con Thảo, bà khu ủy, mấy chị Năm Đang, Hai Xót và vô số học sinh thành như Huỳnh Mai, Chi Trúc, Thanh Tuyền lại bỏ đời sống yên ổn để vào đây sống lăn lóc và chết chóc? Và bị các chú bác cha nuôi chú nuôi mò, tống, hiếp, nhục nhã vậy?

Tôi đã tìm ra nguyên nhân: cái đài_Hà Nội rồi kế đó là cái loa Giải Phóng của tên luật sư mang án hãm con nít. Chúng đua nhau tô vẽ Miền Bác Xã Hội Chủ Nghĩa thành một thiên đường và bôi đen Miền Nam như một địa ngục. Ai mà chẳng mơ Thiên Đàng, trong lúc oái oăm thay chúng mình đang sống trên Thiên Đàng thực sự. Cho nên bỏ thiên đàng thật mà đi tìm thiên đàng giả, để rồi cuối cùng xuống địa ngục. Nhưng đã trễ rồi! Lũ quỉ đỏ đang xẻ thịt nhai xương!

Ba thế hệ thanh niên tươi tốt của đất nước đã bị lừa, bị bán rẻ, bị cho không, bị chà đạp dưới đôi dép lốp đạo đức giả của tên Hồ tặc. Cả tôi nữa, một tên Lê Dương mang một trái tim ê chề đau đớn nhưng tới đây chưa dám vứt súng đi để trở về đời sống bình thường, cứ đeo đuổi theo lý tưởng mà chính tôi cũng không hiểu nó là cái gì, tròn méo, đen trắng ra sao nữa? Bất ngờ cô xã đội nói:

- Bữa nay mấy ổng ăn lễ Quốc Khánh lớn lắm!

- Ai?

- Đám ông Bảy Hốt.

- Bảy Hốt nào?

- Anh quên bà Sáu Tiệm định làm chị nuôi anh rồi à?

Tôi cười:

- Lâu nay anh ở dưới kia không nghe ai nhắc hai cái tên đó.

- Anh mà quên! bà Sáu Tiệm gạ sẽ mua bình toong mới ngoài chợ Bắc Hà cho anh đó!

- Bả mua về bán cho anh chớ đâu phải cho anh. Em cứ buộc anh vô đó hoài.

Là nó lãng ra:

- Bây giờ bả có một lô em nuôi toàn bộ đội miền Bắc.

- Ở đâu có vậy?

- Họ ở đâu trển xuống đóng cùng khắp từ Trảng Cỏ tới Rừng Tre.

Tôn Sứt tỏ vẻ rành chuyện.trên R:

- Mấy ông con đó làm bể Trảng Bà Điếc rồi, bây giờ kéo xuống đây làm cho nát luôn cái Hố Bò nữa! Lúc từ trên R xuống, tôi gặp họ di chuyển qua cầu Cần Đăng. Thấy họ mình nhớ hồi ở Trường Sơn quá!

Tôi hỏi Là:

- Ai ăn lễ Độc Lập?

- Thì mấy ông đó với các ông cơ quan bộ đội đóng ở Phú Mỹ Hưng làm rùm beng đây rồi đố khỏi ăn dưa hấu.

Bính Chân Lư chối bài bãi:

- Ai làm gì làm, tụi tôi không có tham gia nghe cô xã đội.

Là quát:

- Từ ngày B52 cày đường 15 mấy ổng trốn biệt tích đâu có dám ló mặt về đây.

- Người ta bám địch ở vùng meo mới có mần được chớ.

- Ra vùng meo để đeo cô dũng sĩ áo hồng chớ gì?

- Nó ra đó lấy lính rồi, còn đâu mà đeo!

Chúng tôi kéo về thẳng nhà Lụa. Xóm nhà bây giờ đông hơn lúc tôi ghé hồi năm ngoái. Là trỏ cho tôi và bảo:

- Cái nhà mới đó là của chú Hai Bơi, phó bí thư. Chú đi, hai tay cà bơi như hai chiếc dầm nên bà con gọi là Hai Bơi. Chú Hai dời nhà bên Bến được về trong này, một là lánh mặt tụi giang thuyền, hai là giúp chú Tư. Chị Tám, chú Hai Xe đánh xe bò vẫn còn ở đó.

Vài ba nóc nhà mới núp ở ven rừng cao su. Con đường mòn đi vào C5 đã bít ngang. Chắc các cô các cậu đã mở một cửa khẩu khác để lưu thông.

Lụa chảy nước mắt khi nhìn thấy tôi. Nàng mếu máo:

- Tưởng anh quên... con Rớt rồi chớ!

Bé Rớt mắc cỡ đứng nép bên gốc cột chớ không chạy lại ôm tôi như trước. Nó ốm và già đi chớ không thấy lớn lên. Lụa nạt:

- Sao không chạy lại mừng cậu Hai?

Bé vẫn đứng tay cào cào cây cột. Tôi bước lại bế nó lên, hôn nó. Thấy nước mắt ướt gò má thơ ngây tôi cũng nghẹn ngào:

- Nặng quá, bồng hết nổi rồi.

Chốc đây mà đã gần nửa năm, kể từ khi lập hội Ve chai chống Mỹ ở đây.

Tôi hỏi Lụa.

- Có ai làm sao không em?

- Pháo bắn gấp ba lần trước nhưng trời đỡ hết anh ạ.

Là xớt ngang:

- Không ai trầy da, chỉ có nửa tiểu đội du kích chiêu hồi hoặc ra ấp chiến lược chống Mỹ thôi!

Con Rớt chạy vụt ra cửa sau và kêu ré lên:

- Lượm ơi! cậu Hai tao về nè!

Tôi tưởng mình là người xóm này đi xa mới về, buồn bả vô cùng, khi nhìn thấy ngôi nhà xơ xác, trống trơn. Giếng nước vẫn còn đó nhưng giàn mướp hoa vàng năm xưa đã rụi đi từ bao giờ, cái giàn mướp đã sập để cho chiếc gàu nhôm không còn chỗ nghĩ ngơi, phải nằm lăn dưới đất. Con đường mòn dẫn xuống xóm lò đường vẫn phủ đầy lá cao su khô, nâu sẫm rung rung tương tự những cái vãy con rồng chết xững lên mỗi khi có gió lướt qua, như nó muốn bay lên mây mà vẫn bị buộc nằm ở đó.

Từ con đường đó Lụa ở đằng nhà má về nhà gặp tôi một mình khi thằng Lạn đưa tôi tới đây lần đầu. Lúc đó trong nhà đã có hầm. Bây giờ cũng cái hầm đó nhưng nóc hầm đã đắp đất dày thêm gấp đôi. Lụa, Là sống nhờ miếng vườn của má với cây trái còn sót lại sau một trận bom. Nhà má đã cháy khi tôi dự hội anh hùng từ R trở về. Nhà Lụa thì được bom pháo kính trọng hơn nhưng trước sân một hố, bên cửa hông một hố điểm trang cho bức tượng Vọng Phu sống của Củ Chi.

Tôi hỏi:

- Pháo Đồng Dù hay Trung Hòa vậy em?

Là chua chát đáp.

- Trung Hòa chính hiệu, Đồng Dù cặp sườn! Còn một quả bọc hậu nữa là xong cái chiến thuật bủa lưới phóng lao của trực thăng. -Là vừa nói dứt lời thì reo lên - ông thiếu úy xe bò, mau lên, Anh Hai tôi với phái đoàn tới chờ anh nè!

Tư Thêu và một lính mới không quen, khiêng cái đùi bò toòng teng đi vào sân vòng qua cửa hông treo trong bếp. Tư Thêu bảo:

- Cái đùi sau con bò xe nặng quá, coi chừng sập nhà! - rồi chùi tay vào vạt áo đi thẳng lại bắt tay tôi - Anh đi đâu lâu vậy? Tưởng anh trở ra Hà Nội đi Liên Xô Trung Quốc gì rồi chớ.

- Xí Xô, Quốc nhẹp thì có! Đùi bò đâu vậy?

Tư Thêu nghẹo đầu phân trần:

- Ở ngoài kia lái xe có khẩu hiệu Coi xăng như máu, coi xe như con còn tôi chăn bò Coi xe bò như con, coi bò cũng như con. Nhưng pháo nó lại không coi như mình. Nó làm bị thương một con. Trị lâu quá không lành. Tôi thỉnh thị lên K30 xin ông Tư Năng cho làm hàng ăn mừng 2 tháng 9. Ổng đồng ý nhưng bảo làm ra thì bán lấy vốn mua con khác cho Hậu cần tải gạo. Cái đùi này là phần của cho thương binh và nhân viên C5.

- Có phần nào cho H6 không?

- Để rồi em giải quyết cho anh.

Đám con Lượm con Rốt chạy ùa vào bu quanh tôi. Tôi lấy gói kẹo trong sắc cốt ra chia cho chúng nó. Là nạt:

- Anh cưng quá, tụi nó lừng! Đi xuống hầm đánh đủa, ăn kẹo đi, ở trên này cớn rớn người ta không làm việc được.

Ba Tố qua nhà chị Tám Khỏe nãy giờ coi bộ ngọt nước ngọt cái nên im luôn. Bây giờ chị Tám mới qua, gương mặt đỏ rần và hơi xẻn lẻn:

- Cậu Hai mới về hả?

Ba Tố lớn con, râu rậm nên khó xáp với các cô như Sáu Hòa bên Bến Cát, nhưng cỡ chị Tám thì vừa chạng. Mà chỉ đá độ thôi chớ đá ăn bắt xác thì Tố không chịu. Do đó, hắn là kẻ đầu không đội trời chân không đạp đất, cao thì không với tới mà thấp thì chê. Lỡ cỡ nửa chừng. Tôi nói:

- Lâu quá không về Hố Bò, bà con chắc quên tôi hết rồi.

- Ai mà quên cậu. Mấy đứa nhỏ cứ nhắc hoài.

- Còn người lớn thì rủa tôi hả chị’?

- Ai biểu cậu nhấp nhứ hoài không chịu tiến tới.

Ngó dáo dác không thấy Là ở đâu, chị cười:

- Mà coi chừng Tơ xe lộn mối đa nghen!

Tôi bảo:

- Bộ chị nghe cải lương Sài gòn dữ lắm sao biết tuồng đó?

- Ghiền con Lệ Thủy với con Mỹ Châu không nghe không chịu nổi. Mà mắc ba cái cà nông ôn dịch đâu có dám vặn lớn, chỉ ri rỉ thôi, không rõ mấy chữ lìu mùi rệu.

Tôi biết câu nói của chị Tám có ý nghĩa gì nên đánh trống lãng.

- Chị nghe không sợ Hai Bơi và chú Tư Thiên kiểm thảo à?

- Kiểm tôi thì ai kiểm họ? Chú Tư Thiên mê vọng cổ còn hơn công tác nữa. Chú nói, nếu trời sanh tao nhà giàu, tao nuôi một gánh cải lương hát cho một mình tao nghe. Cái Sony của chú yếu binh, chú nghe nhờ của tôi hoài.

Vừa đến đó thì nghe có tiếng ẳng ẳng ngoài đường. Tôi nhìn ra và hỏi chị Tám:

- Ai vậy chị?

- Bắc kỳ xâm lược chớ ai!

- Chị học tiếng đó ở đâu vậy?

- Của mấy ông cán chớ ở đâu!

- Đừng có nói vậy họ nghe họ buồn.

- Mấy ông Năm Đùng Tư Cai ghét đám đó lắm. Các ổng bảo nay mai nó làm cha tụi mình.

Tôi thấy ba bốn anh quần áo cứt ngựa, tóc cắt kiểu su hào, chân đi dép cao su đứt quai hậu, kéo lê lẹp kẹp làm bụi đỗ bốc lên, quẹo vô sân. Hai anh đi đầu khiêng con chó vàng bằng một nhánh cây cong queo. Con chó bị trói giật cánh khỉ, toàn thân quằn xuống lọi hai cánh chỏ và hai chân sau suýt chấm đất, chốc chốc dãy dụa và ngúc ngắc, cái mõm bị khớp kín như muốn kêu oan trong lúc cái vòi nước lại bắn tưới ra sân không sợ kẻ nào cười. Cả hai anh lính mặt mày nửa xanh nửa vàng, răng nhô ra như răng dọc, mồ hôi chảy ròng ròng hai bên thái dương. Anh đi trước trông thấy tôi bèn cúi đầu chào và hỏi:

- Thưa bác, xin bác vui nòng chỉ cho chúng cháu nhà chị xã đội phó ạ!

Ba Tố vừa vô cửa hông bước luôn ra cửa trước đáp liền bằng giọng Bác:

- Các cậu ở đâu mà đến thế?

- Dạ chúng em ở Q 16 ạ?

Thấy Ba Tố đeo K54, cậu bé càng lễ phép.

- Bá cáo thủ trướng chúng em ở Trảng Bà Điếc mới xuống ạ.

Chú Tư vẫy tay:

- Vô nhà uống nước rồi tôi chỉ cho.

- Dạ vâng.

Hai cậu nhanh nhẹn đặt con chó xuống đất và bước vô nhà. Hai cậu đi sau cũng theo chân bạn.

- Chó ở đâu mà có vậy?

- Dạ của bà con cho để ăn nễ độc nập đấy ạ!

Con Rớt đang ở dưới hầm bỗng vọt lên. Vừa đụng đầu khách, nó dội trở lại và kêu ầm lên:

- Lên coi lính vịt xiêm bây ơi!

Lụa quát:

- Đi xuống hầm chơi đi không? Nói bậy bị đòn!

Tôi nhìn các cậu bé mà xót xa. Bác và Đảng ác thiệt. Mười sáu, mười bảy tuổi đang học lớp 8, lớp 9 bị vét sạch đưa vào trường tân binh học cấp tốc ba tuần lễ, ấn súng vào tay lùa vô Trường Sơn đi giải phóng miền Nam. Con không cha già không thương, còn lão Hồ không con nên nên lão không biết công mang nặng đẻ đau của một người mẹ, công nuôi dưỡng của một người cha, do đó lão không coi bọn cháu ngoan bằng những cái rác. Có những đơn vị tôi gặp ở Trường Sơn hoàn toàn không học thao tác súng ống một ngày nào. Vừa hành quân vừa học. Bốn cậu bé này lớn nhất chừng hăm hai tuổi, bé nhất cỡ mười sáu. Những thân hình non nớt đã bị đá tai mèo róc hết thịt, chỉ còn xương và da, áo rộng xùng xình, đáy quần có thể giấu một chú heo con.

Con chó, chân vừa chạm xuống đất đã nhảy còng lên năm sáu cái liên tiếp như một quả bóng nẩy, tỏ vẻ bất bình cực độ và muốn tự giải thoát khỏi sự trói buộc phi lý. Nhưng các chủ nhân của nó nhanh nhẩu bước ra cầm hai đầu cây giở hổng lên. Một anh dọa:

- Chốc nữa ông thiến, cổ thì đánh tiết canh.

Một cậu tiếp theo.

- Thịt thì xào dựa mận cho chúng ông chén mừng Quốc Khánh.

Là bước ra hỏi.

- Các đồng chí tìm nhà cô xã đội để làm gì?

Anh mang sắc-cốt đáp.

- Dạ, chúng em được con chó của ông Ba Nò Rèn mới vừa tặng, ông ấy bảo tìm nhà cô Nà xã đội hay cô Nụa gì đó ở xóm Nò Đường để mua dừa về xào. Dạ nễ độc nập lăm lay chúng em được ăn tươi đấy ạ. Em nà quản ný của đại đội mà chạy thức ăn không ra. Cứ cá mòi hoài rát ruột quá ạ!

Là nẹt ngang.

- Sao không ghé quán bên Bến Dược ăn hủ tiếu? Ở dưới đó mới mọc lên mấy cái quán bán cà phê, có cả tiệm sửa đồng hồ, tiệm may đồ lính đủ hết.

- Dạ ngày tám cắc chỉ đủ mua gạo với mắm muối, nấy đâu hủ tiếu cà phê.

Tôi móc tiền đưa cho cậu ta bảo đi mua thuốc lá trà bánh đem lại niên hoan nễ độc nập rồi tôi chỉ dừa cho mà neo. Cậu bé nhận tiền và biến ngay!

- Em đi qua quán chị Sáu em.

Là hất hàm.

- Chị Sáu Tiệm phải không?

- Dạ, đúng đấy ạ. Em là em luôi của chị ấy.

Ba Tố quát.

- Thôi đi đi cho được việc cha non! ở nhà đại đội đói rã ruột kia cà.

- Vâng! Chúng em đói suốt Trường Sơn có sao đâu! Vô đến đây mới no đấy ạ.

Cậu quản lý vừa ra khỏi cửa, Là đã lườm tôi:

- Em nói có đúng không?

- Đúng cái gì?

- Bà hạm đó nhận làm chị nuôi họ rồi.

- Thì chị ấy thấy các cậu miền Bắc mới vô lạ nước lạ cái nên nhận đỡ đầu như vậy là đúng chớ sao? Đáng lẽ em phải hoan nghênh bả mới phải.

- Xí, anh cũng cứ binh binh bà đó hoài. Lần trước em không có can thì bả làm em nuôi của anh rồi. Bả khôn lắm. Ai có K54 bả mới ngọt, còn lính quèn bả đẽo cho lát da đầu. Cậu này quản lý bả mới nhận làm em nuôi, còn mấy cậu kia có vô được không?

- Dạ không đúng đâu ạ ~ một cậu đáp - Chị ấy thương chúng em lắm ạ. Anh quản lý đôi khi hụt tiền chỉ cũng bán chịu. Còn bán rẻ là phần nhiều. Các tiệm kia không thế.

Là phát cáu đổi giọng.

- Các ông mới tới không biết gì đâu. Nay mai bả cạo cho sạch nhớt rồi bả sẽ xé thịt làm mắm, ở đó mà bán rẻ.

Thấy nhà chật lại đông người, tôi bảo các cậu:

- Nếu nghe pháo đề-pa thì phải chui xuống hầm cho nhanh nghe. Các cậu có thấy cái hố pháo trước sân không?

Cậu cao lớn có bộ mặt dễ thương (tên là Diệu) lắc đầu vui vẻ:

- Thủ trưởng không phải lo cho chúng em.

- Tôi thứ hai, gọi tôi bằng anh Hai cho thân mật, còn mấy cô này là em gái của tôi, gọi bằng chị.

Diệu trở lại câu chuyện bỏ dở.

- Ối giào, anh Hai được về quê rồi đấy nhỉ. Pháo ở đây so với B52 là pháo tép, ăn thua chi. Chúng em đội mấy trận B52 rồi. Nằm dưới làn bom mà tưởng như đưa võng kia mới rủng chí to nòng chớ còn ở đây nó bắn như thế này, em coi như pha.

Ba Tố hỏi:

- Có cậu nào xâm mình Sanh Bắc Tử Nam không?

- Có chứ ạ!

- Tôi hỏi trong mấy cậu ở đây kìa.

- Dạ có một thằng chết dọc đường rồi. Nó xâm trong háng nó kín ghê. Chết rồi vạch ra mới thấy.

Lụa, Là và chị Tám bịt miệng cười khịt khịt. Ba Tố hỏi.

- Sao không xâm chỗ thiêng niêng lại xâm ở chỗ kín?

- Dạ, nó bảo xâm ở chỗ đó mỗi lần đi đồng, xin lỗi các anh chị, thì nó thấy để nhắc nhở nó. Nhưng tội nghiệp nó sốt ác tính chết ở chặng Dakto.

Tôi hỏi:

- Các em ở đơn vị nào ngoài Bắc?

Diệu trỏ hai cậu kia:

- Thằng Luân ở ba-lên-tám (308), thằng Tứ ở F ba ba mươi (tức Sư đoàn 330 của Đồng Văn Cống đóng ở Thọ Xuân Thanh Hóa) còn anh quản lý thuộc sư ba hai nhăm, chúng em được đưa về Q16 thành nập một Trung đoàn. Vô tới khu 6 đánh hai trận Dakto và Daksuk, trung đoàn thiệt hại gần hết, lính còn không được một phần ba.

- Rồi sao vô đến đây?

- Dạ thì ở trên sát nhập đơn vị này vào đơn vị kia nhưng vẫn để trên Q16.

- Các em được mấy tuổi quân?

- Dạ em rồi lớp học từ năm ngoái. Nay được hơn một hai tuổi. Chỉ có anh quản lý là trên ba tuổi thôi.

- Có người yêu hay bồ bịch gì chưa?

Tứ nói:

- Em học lớp 10, con một, bố em bảo học xong lớp 12 thì cưới vợ rồi hãy lên Đại học. Cô nàng là xã viên hợp tác ở gần nhà em. Nhưng đang học thì bị động viên đi giải phóng miền lam. Thế nà nên đường.

Luân lắc đầu:

- Em chẳng có gì hết. Mới để ý qua loa, em định viết thư gởi về mà không biết thư có đến không. Mà có đến chắc người ta cũng không chờ. Có sống không mà chờ? Chờ người không về hoài công vô ích.

Cậu bé triết lý bất ngờ làm tôi xót xa, tôi tạt ngang:

- Nói thế là bi quan, không được cậu ạ! Mình phải sống để chiến thắng thằng Mỹ chớ.

- Dạ vâng.

Cậu biết không nói gì nữa. Có lẽ cậu ta biết thủ trưởng nào cũng như thủ trưởng nấy, đều lên lớp một bài đó thôi. Cũng như tôi và đám "trí ngủ" ở đại hội mừng công trên R vậy. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh huấn thị: Đội bạt bon giành lấy thắng lợi, nắm thắt lưng giặc Mỹ mà đánh. Ở trên R không biết Mỹ miếc ra làm sao nhưng cũng vỗ tay rào rào. Toàn dân đều bị một lũ bịp xua vào chỗ chết mà vẫn ngoan ngoãn nghe theo. Thảo nào một thằng bạn, hình như Tư Linh, không biết có đúng không, từng nói với tôi: "Chủng ta luôn luôn bị những thằng ngu chỉ huy! " Tôi cũng đóng vai một thằng ngu đối với tụi con nít này.

Cậu bé nói tiếp, giọng rất chân thành:

- Đơn vị của em bây giờ năm cha ba mẹ, Ô hợp nạ nùng nắm thủ trưởng ạ! Nhiều núc chỉ huy ra nệnh, nính không thi hành, vì ốm đau, vì nười cũng có, nhưng nười nà chính. Chỉ huy na nớn thì nó bảo nấy ne, còn giải thích thì nó bảo ný lựng nập nờ, cho lên lếu có giặc khó chiến đấu nắm. Hiện giờ thì gần như tê niệt. Nhân dịp mừng nễ độc nập mỗi đứa tìm cách cải thiện một kiểu, thứ gì cũng được, hầm bà nằn. Em thật buồn nòng nhưng không biết nàm sao, nỡ rồi, có muốn nàm bê quay cũng không được nữa.

Tôi không muốn nghe tố cáo, nên cắt ngang:

- Phải mấy em đóng ở Trảng Bà Điếc không?

Luân trả lời một cách vui vẻ.

- Dạ đúng. Tụi em trụ ở đó cũng khá lâu. Thằng nào sống sót vô đến đây đều lên cán bộ trung đội đại đội. Thậm chí lên tới tiểu đoàn. Tụi em tụt hậu nên không được gì hết.

Đáng lẽ em không khui ra sợ làm mất mặt lính Quân đội Nhân dân, nhưng em cũng biết tôi hiểu hai tiếng tụt hậu của em vừa thốt nên em phản tỉnh luôn:

- Em là B quay anh ạ t Còn Tứ và Diệu là B rùa bị bắt trở lại rồi đưa về Ba sáu nhăm B là trường Tân Binh của Giải phóng để xào nấu lại:..

Là kêu lên với tôi:

- Ở Trường Sơn có thịt bò quay và rùa xào sao anh nói với em chỉ có hộp muối đeo lưng’?

Tôi cười hề hề không đáp. Hùng Cối nãy giờ im để quan trắc mục tiêu, bây giờ mới phóng pháo:

- Có cả bê thui nữa cô xã đội ơi!

Là tiếp.

- Hành quân sướng vậy mà còn than! Chẳng hơn tụi em ở trong này chạy ăn từng bữa.

Diệu biết cô gái miền Nam hiểu lầm (cũng như bọn tôi trước đây khi mới nhập cuộc Trường Sơn) nên cười:

- Chị có muốn ăn bê quay không?

- Bê quay ngon hay bê thui ngon?

Hùng Cối nói:

- Làm tới xã đội mà khờ quá cô em ơi? Để tôi giải thích cho nghe. Bê quay là đi B rồi ớn quá, nửa đường quay trở lại.

- B là cái gì?

- A là miền Bắc, B là miền Nam, C là Lào. Đi B là đi Nam. Đi Nam mà trốn quay trở về Bắc gọi là bê quay.

- Còn bê thui?

- Bê thui là lính đi B bị bom napan cháy đen thui, như một số chúng em vừa rồi ở Bào Lách, chớ không phải bò thui đâu chị! Bê thui toàn dân Nghệ Tỉnh. Trận Dakto bị luôn một tiểu đoàn. Thằng nào hụt làm Bê thui thì làm bê quay. Không Bê quay thì Bê rùa.

- Bê rùa tức là sao?

- Tức là đi như rùa, đập bệnh ở lại, đi một trạm nghỉ năm bảy ngày, trạm có giục thì đắp chăn rên hừ hừ giả sốt, hoặc tự bắn vào chân để không đi được.

Chị Tám lắc đầu nguầy nguậy:

- Tèng đéc ơi! Lâu náy tôi cứ tường là vượt Tường Xơn vui lắm!

- Chị ra đó leo núi một ngày thì biết vui cỡ nào.

- Tội nghiệp chưa!

Diệu nói với tôi:

- Mấy thằng Nghệ Tỉnh sống sót được đề bạt vượt cấp lên mặt và đè đầu đè cổ tụi Lam Định Hà Lam Hà Lội chúng em lắm anh ạ. Chúng nó bảo chúng em nhát, bảo mạng lại còn quay, rùa đủ thứ.

Ba Tố hỏi:

~ Mấy cậu ở ba sáu nhăm A được mấy ngày?

- Dạ, chúng em không ở 365A mà ở 365B. A là.trường Tân binh miền Nam còn B là nơi thu dụng lính Bắc. Ối chào, bên B đông phải biết.

Tôi hỏi:

- Vô đến đây còn muốn quay nữa hết.

Cả ba đều lắc đầu:

- Thôi ạ. Chúng em vui lòng Sinh Bắc Tử Nam. Nếu có sống được thì cũng không về Bắc.

- Sao kỳ vậy?

- Ở trong này con nít khui sữa hộp hút đã thèm, quán chị Sáu có cả thùng mua lúc nào cũng có, đường cát thì ối giào, không cần phiếu ghiếc gì ráo, còn ở ngoài ta nâu nâu nính chúng em mua xong hai nạng ngửa cổ trút vô mồm nuôn. Chị Sáu thấy tụi em ăn sữa nhiều quá, chị bảo: "Đem nuộc đi rồi múc từng muỗng như ăn chè đặc vậy. Ăn xong uống trà. Thế là không phải bị Tào Tháo đuổi." Quả nhiên y như rằng. Em xơi một nần cả hộp mà không sao cả.

Vừa đến đó thì cậu quản lý về tới mang một bọc bánh kẹo. Tôi bảo Là nấu nước pha trà rồi bày ra bàn tiệc mừng Quốc Khánh. Khói lửa mịt mù. Các em không dám hút thuốc thơm nguyên điếu, để đem về đơn vị cho anh em hút kiểu thuốc nào. Cậu quản lý bảo:

- Tiệm chị Sáu bữa nay có hàng mới!

- Hàng gì?

- Đồng hồ hai cửa sổ. Chậc! Thấy mà ham. Nó chỉ cả ngày tháng... không phải chỉ có giờ thôi đâu các cậu ạ!

- Cái đồng hồ Liên Xô của anh đổi ở đâu quên rồi nhỉ?

Cậu quản lý la lên.

- Không nhớ ở buôn nào nhưng được một con chó. Vừa ăn tươi vừa làm ruốc. Chết! con Oàng đâu rồi?

Diệu, Luân và Tứ đỗ xô ra cửa. Chỉ còn lại cái nhánh cây cong queo. Con Oàng đã tự giải phóng hồi nào mất tiêu. Cậu quản lý ngoẹo cổ đau khổ:

- Thế có bỏ mẹ không kia chớ? Nhân dân biểu nộ tình cá lước mình nại bỏ sổng mất.

- Chạy đi nùng tí thì được. Em vừa trông thấy nó nằm ở đó mà!

Ba Tố bảo:

~ Không cần phải nùng. Nó ở đằng nhà ông Ba Nò Rèn bây giờ! Chó tìm về chủ chớ đi đâu.

- À đúng. Để chốc nữa chúng em ghé xin nại.

Đám con nít trong hầm ló đầu ra. Tôi ngoắc:

- Ra đây chào mấy cậu.

Chúng nó riu ríu làm theo. Tôi bảo:

- Từ rày không được kêu mấy cậu là lính vịt xiêm nữa nghe!

Cả đám "dạ" rồi rút xuống hầm. Tôi quay lại bảo các cậu:

- Các em vô đây là đất của anh. Nhiều thì anh không lo nổi, chứ một đại đội ăn tươi mừng Độc lập thì anh dư sức.

- Dạ cám ơn thủ chưởng.

Tôi bảo Tư Thêu:

- Cậu còn bao nhiêu thịt bò?

- Còn hai cái đùi trước.

- Để cho tôi. Tôi sẽ mượn người đèo về H6, còn đùi kia tôi tặng.mấy em này.

- Dạ, anh Hai biểu vậy thì thôi, em không bán nữa.

- Em nhớ lại cảnh miền Bắc chúng mình xa quê hương, và cảnh đói khát trên Trường Sơn mà thương đồng đội của mình. Bây giờ mình không còn đói nữa, mình không nên lơ là với đồng đội, em à!

- Thầy Hai chơi điệu thật ta! - Ba Tố nói rồi quay lại các cậu - Thôi, bỏ ba cái món dựa mận đi, theo ông chủ bò lại đằng kia khiêng một đùi về liên hoan độc lập. Thịt chó để nhậu ngày thường chớ ai dùng cho lễ lộc?

Sự giải quyết của tôi làm thay đổi thái độ của mọi người. Chú Tư Thiên hứa cho một lít rượu, chị Tám cho muối, sả, rau sống, còn Lụa thì tặng dừa khô, dừa lạo.

Mấy cậu bé rưng rưng nước mắt. Diệu nói:

- Em vô cùng xúc động và cảm thấy đây là quê hương của chúng em.

- Đơn vị có y tá không?

- Dạ không, mỗi đứa chỉ có mớ băng cá nhân và thuốc kí-nin thôi.

Tôi bảo Tư Chuyền:

- Anh nên giúp đỡ các cậu này.

Tư Chuyền nhận lời ngay. Cậu quản lý nghẹn ngào:

- Em chưa bao giờ gặp một sự đối xử như thế này. Em thấy có nhiệm vụ giải phóng đồng bào:.. (chắc cậu ta định nói là giải phóng Miền Nam ra khỏi sự bóc lột da man của Mỹ Ngụy như đã được học, nhưng cậu ta nhưng kịp thời và nói khác đi). Đơn vị em cũng được bà Phó Tư lệnh ủy lạo một lần ở trên R.

- Bả có đến đơn vị không?

- Dạ bà cho mang quà và thư tới. Bà ấy nhận đỡ đầu đơn vị em. Riêng ông Ba Kiên Trung đoàn trưởng và ông Năm Dũng chánh ủy được bà ấy nhận làm em nuôi.

Luân cười:

- Ông Ba Kiên không biết đã gặp bà chị nuôi chưa, Mong rằng chị em đừng gặp.

Tư hích củi cho vào hông Luân:

- Cậu không nên nói vụ chị em bằng tuổi ra đây.

Luân cãi lại:

- Không, tớ chỉ nói nếu chị gặp em chắc chị chạy không ngó lại... Tại vì mặt mũi ông ta giống y như tướng Lê Hiến Mai Bộ trưởng bộ Điện Lực Thủy Lợi, mắt heo luộc và răng bàn nạo.

Tôi suýt bật cười vì câu nói của cậu bé gợi tôi nhớ lại một nhận định trong cải cách ruộng đất.

Tôi nói với các cậu một cách vớt vát:

- Ông ấy tuy thế nhưng có vợ đẹp ra phết đấy!

Tôn Sứt tự khai khẩu.

- Tại sao vậy ta? Nói vậy sứt mép sơ sơ như tôi còn hi vọng hả thầy?

- Trên quan điểm giai cấp thì cậu cũng đẹp trai như tướng Lê Hiến Mai!

Đám cán bộ cười rần.

Tiệc trà tạm giải tán để chuẩn bị xào nấu cái đùi bò. Tôi bảo Là dắt các cậu đi lên nhà má để bẻ dừa. Nhưng Là không chịu thi hành lệnh, không có lý do gì cả. Lụa bèn nhận lãnh công tác nhưng lại bảo cây câu liêm rớt dưới mương không mò được. Tôi biết ý nàng liên bảo:

- Sẵn dịp anh đi thăm nhà má một chút, để rồi không có dịp trở lại nữa. Luôn tiện hái một mớ vú sữa về tặng các cậu này ăn cho biết mùi trái cây Nam bộ.

Là biết tôi muốn gặp riêng Lụa. Hai chị em đã khua răng sẵn từ trước về vụ thằng anh nuôi này rồi, bây giờ vừa nói không đi chẳng lẽ lại đi nên bực tức nói oang oang:

- Mùa này vú sữa mới có bông anh hái bông à?

Tôi cười rồi đi theo Lụa. Các cậu bé Bắc kỳ lẽo đẽo theo tôi. Luân hỏi xách mé:

- Phải loại vú sữa bác tưới hàng ngày không anh?

- Ừ cây đó!

- Sao ngoài Hà Nội nó không có trái trăn gì hết vậy anh?

- Có lẽ tại trồng nơi sai thủy thổ hay sao anh không rõ.

- Các anh mang ra hồi 54 à?

- Ừ, nếu anh không lầm thì do ông Huỳnh văn Nghệ Tư lệnh chiến khu 7 mang tặng bác cùng với nắm đất miền Nam yêu quí của các anh.

Tôi vô cùng đau đớn khi đứng trước sự hoang tàn của nhà má Hai. Một năm trước đây ngôi nhà ngói ba căn hai chái còn là tổ ấm của một gia đình. Bàn thờ, ván gỗ, bếp núc còn nguyên. Bây giờ trơ lại cái nền. Gia đình ly tán.

Giải phóng!

Ai cần? Đù mẹ bọn tài khôn Hà Nội. Dân chúng đang yên vui no âm dưới bầu trời quê hương. Sau mười năm chiến tranh chấm dứt, người dân tôi đã an cư lạc nghiệp, sung túc phú cường. Thằng Hồ có biết đâu dân miền Nam bị đế quốc bóc lột tận xương tủy mà con nít chê sữa thùng không ăn. Con gái đi cấy mặc đồ lụa. Nhà nào cũng có radio. Đi gặt để radio bên bờ ranh để nghe vọng cổ Sàtgòn. Xe đạp: đồ bỏ! Trong khi miền Bắc Xã Nghĩa ăn độn củ chuối trắng mắt. Ai cần giải phóng mà lại đâm đầu vào? Thanh niên miền Bắc bỏ xác dọc Trường Sơn như rạ. Vào Củ Chi này chết như ngóe. Sang quyển thứ 4 các bạn sẽ thấy các cậu bé này tan xác dưới những trận B52 kinh hồn và mất luôn Q16 sau trận Mậu Thân.

Tôi leo lên cây dừa tôi đã từng leo. Nay nó vẫn còn trái sai oằn nhưng đã bị những mảnh pháo chém ngọt một mé lá. Lụa đứng dưới gốc ngó lên, bỗng buột miệng nói:

- Dì út nó rắn mắt ghê!

Tôi vẹt lá nhìn xuống hỏi.

- Nó lại đến à?

~ Không! ấy là em nói kỳ trước nó dắt anh đi Bò Cạp rồi về ghé bẻ dừa ấy mà!

- Rồi sao?

- Nó về thuật lại với em hết ráo!

Tôi gạn hỏi.

- Thuật gì?

- Nó nói anh leo dừa giỏi ghê. Mới ngó quanh một chút nó đã thấy anh hót lên tới ngọn. Anh ngồi trên tàu lá ngó xuống.

Tôi biết Là đã kể lại cho Lụa nghe việc nàng thoát y trong nhà tắm rồi kêu tôi hỏi: Có dừa nạo không? Nhưng tôi đánh trống lãng:

- Anh leo dừa hơn sóc mà! Hồi kháng chiến anh trốn Tây trên ngọn dừa. Đói bụng anh ngồi luôn bẻ dừa cạp ăn như chuột.

- Không! Em nói cái chuyện con Là nó biểu anh ngó xuống cặp dừa nạo kìa...

- Hì hì, anh không thích dừa nạo, anh chỉ thích dừa cứng cạy thôi

Lụa xấu hổ cúi mặt:

- Anh quỷ nà!

Tôi tiếp:

- Dừa cứng cạy nước cay uống giống rượu áp-sanh pha. Uống rồi hồi lâu, môi còn the the, còn dừa nạo uống chỉ no bụng óc ách.

Bị nói trúng ý Lụa ngước lên, mặt đỏ rần:

- Em mới nghe anh nói là người thứ nhất.

- Còn em? Em thích dừa gì?

- Em hổng biết!

Hai tay tôi níu hai bẹ dừa, chân tôi đạp lia lịa vào buồng dừa khô. Trái rụng đùng đùng lớp rớt dưới mương lớp rơi trên bồ. Lụa ngước lên cười khoe hai hàm răng trắng bóng duyên dáng:

- Anh làm như B52 rắc bom.

Các cậu bé đến vớt lên. Lụa thẻo vỏ buộc chùm từng hai trái một. Tôi tuột xuống. Lụa chạy lại phủi kiến hôi và rác trên tóc trên lưng tôi.

- Anh có trầy ngực không?

- Anh leo đâu có áp bụng vô cây dừa mà trầy. Muốn bẻ dừa không có tiếng dừa rụng anh cũng làm được.

Cậu quản lý thú vị bảo:

- Em chưa bao giờ nghĩ em sẽ leo dừa được!

- Các cậu phải học những gì cần cho cuộc sống và chiến đấu ở đây

Diệu trỏ ra phía sông, lắc đầu:

- Em hãi nhất con sông đó.

Tôi sực nhớ người Bắc bơi lội rất kém. Hồi đóng quân ở Xuân Mai, Hà Đông chúng tôi thường ra sông Bài đánh cá bằng mìn, có khi vớt được cả trăm ký đem cho đồng bào. Nhiều cụ già bảo: "Con sông trước mặt đó nhưng không bao giờ tôi bơi lội."

- Hồi ở Đồng Tháp Mười bị Tây ruồng, Tướng Lê mái Hiên suýt bị bắt ở bờ kinh La Grange cũng vì không biết bơi.Nếu Tây nó đuổi một tí nữa là nó vớ được mẽ to. Mấy ngày sau ông ta còn thất sắc. - tôi tiếp - Các em phải học bơi, để khi cần vọt qua sông. Nên nhớ, không phải bơi mình không mà mang cả vũ khí.

- Ối giáo, chúng em chịu thôi. Hồi đi ngang con sông gì ở khu 6, một thằng trong bọn em chết đuối. Nó lấy ni lông buộc túm ba lô làm phao. Qua được hai phần sông thì chiếc phao xì hơi...

Lụa cho không các cậu bốn cặp dừa, mỗi cậu xách một cặp mặt hớn hở thấy tội nghiệp hết sức.

- Em không bao giờ quên ơn thủ trưởng.

Tôi bảo cậu quản lý đưa bút giấy tôi viết cho ít chữ rồi dặn:

- Cậu đi thẳng con đường này qua Bến Dược hai chị Sáu Tiệm, chỗ làm bò ở gần đó, và đưa mẫu giấy này cho người bán thịt bò. Họ sẽ đưa cho các cậu một đùi.

- Dạ chúng em làm sao thanh toán nổi?

- Cậu viết hóa đơn gởi lên bà chị nuôi của ông Ba Kiên, bả sẽ thanh toán cho. Hì hì... Nói đùa, tôi trả rồi.

Cả bọn cười ngất!

- Thủ trưởng mà chỉ huy tụi em thì tụi em sẽ bớt vất vả!

Nói vậy rồi các cậu chào rất lễ phép, cám ơn Lụa rối rít và kéo nhau đi. Lụa nhìn theo, thở dài:

- Giặc giả gì cứ đánh hoài! Ở ngoài Bắc đâu đâu mà cũng đạp đường vô tới đây!

Rồi quay lại tôi. Tôi vẫn đứng tần ngần. Nàng bảo tôi ra sau vườn giúp nàng khiên một mớ vật dụng về nhà xài. Tôi ngoan ngoãn theo nàng. Cái nhà kho không có vách nằm ở giữa vườn rậm rạp, ván ghế chất chồng ngổn ngang. Nàng lôi mấy chiếc ghế bỏ xuống đất để lấy chỗ ngồi. Nàng nhìn tôi bằng đôi mắt vô cùng bi thiết.

- Anh về chừng nào đi?

- Mai!

- Chừng nào về?

- Không biết được em ạ. Nhưng hễ có dịp thì anh ghé thăm em và con... Rớt.

- Chắc anh không còn gặp em nữa đâu.

Tôi biết nàng sắp nói gì nên chắn ngang:

- Từ đây xuống Bến Mương cũng gần mà! Lúc đầu nhận công tác mới nên bận rộn, nay mai anh sẽ về thăm em và con thường hơn!

Tôi nói tiếng con như đối với bé Hoàn, con của Mười, bằng tình cảm của một người cha.

- Nhưng. em đâu còn ở đây nữa!

- Em đi đâu?

- Ba con Rớt hi sinh rồi, em không về bên chồng mà em sẽ sang bên dì Ba ở với má cho con Rớt đi học. Má chồng em chưa hay chuyện gì hết. Chắc em cũng giấu luôn. Em biết chuyện đó lâu rồi, nhưng em không nói với ai, mà làm bộ vui như thường. - Nước mắt ròng ròng trên má người thiếu phụ - Bởi vậy nên kỳ rồi em mới vậy... với anh, chớ nếu ba nó còn sống em đâu có... - Nàng nghẹn ngào và bắt vạt áo lên lau nước mắt - Em nằm chiêm bao thấy ảnh về hai ba lần, mình mẩy máu me, áo quần tả tơi. Ảnh nói má con Rớt cúng cơm bữa cho anh, rồi biến mất!

Nàng òa lên khóc. Tôi nghe tan nát cả tâm can. Nhưng làm gì bây giờ? Lấy nàng làm vợ? Câu hỏi ấy thường xuyên mọc lên trong đầu tôi, nhưng không bao giờ tôi có ý định sẽ trả lời.

- Em biết anh với em có duyên mà không có nợ. Nếu anh về sớm vài năm thì em đâu có thế này.

- Bây giờ em hãy lo cho con để an ủi đời em.

Nàng ôm choàng lấy tôi và bảo.

- Đó là lẽ cố nhiên rồi. Nhưng em muốn thêm một đứa nữa, để rủi con Rớt có sẩy tay, thì em còn chút con mà em bồng, chớ không chồng mà cũng không con thì sống làm sao? Anh cho em đứa con. Rồi anh đi đâu thì đi, quên em cũng được, em không giận hờn gì hết!

Đây lại là một nỗi đau khổ đành phải chấp nhận của tôi: yêu mà không dám tiến tới. Tôi không thể từ chối một lời yêu cầu như vậy: một đứa con cho người đàn bà góa. Tôi bảo:

- Rồi em mang tiếng làm sao? Miệng đời dị nghị chịu sao thấu, Lụa?

- Em không sợ, miễn có một đứa con với anh thì thôi. Em hứa sẽ không nói con của ai. Em giữ uy tín cho anh phục vụ cách mạng.

Tôi’ hôn rồi yêu nàng. Gái một con đẹp tuyệt trần. Nàng lèo lái tôi qua mọi thác ghềnh để đến nơi mà ngọn suối trắng xóa biến cả trần gian thành mây khói, mông lung đắm đuối giữa đám cây vườn cháy trơ xương đen thui và giữa nắng trưa như thiêu. Chúng tôi dọn dẹp chiến trường, ôm nhau lần nữa định tái xuất quân thì có tiếng nạt vang:

- Bẻ dừa gì? Xí! Bẻ dừa?

Tôi hoảng hồn, nhưng nàng bảo:

- Kệ nó. Em cần cho nó biết là anh thương em.

- Chứ cổ không biết à?

- Biết nhưng chưa thấy. Em muốn cho nó thấy.

- Em liều quá!

- Em còn giữ cho ai? Nay mai em có muốn tìm anh cũng không được.

Tôi ngó chung quanh nhưng không thấy biệt kích đến. Lụa lại thản nhiên gây chiến. Trận đánh kéo dài và ác hệt hơn. Người đàn bà và gã trai lơ cảm thấy chưa bao giờ cuộc trèo núi vất vả và lý thú đến nổi khi lên đến đỉnh thì mấy ngọn tay nàng cào nát cả tấm lưng phong trần của chàng và nàng rít lên như muốn nghiền tan mọi đau khổ cửa đời nàng.

Chúng tôi xách dừa về nhà trước quan khách đông đúc. Hùng Cối lên tiếng trêu trước

- Thầy Hai trèo dừa giỏi ghê! Chỉ một chốc đã bẻ hai ba cặp!

Tôi nhìn thấy nét mặt hầm hầm của Là thì biết ngọn núi lửa này cũng sắp phun, bèn đến để vuốt giận em cưng nhưng chợt thấy một cô gái lạ đang xắc thịt, cái lưng thon thon, mớ tóc đuôi gà bỏ suông trên lưng. Bên cạnh đó là Huỳnh Nga và Hồng Nga.

Tư Chuyền trỏ Hai Khởi, chàng tham mưu, chỉ còn băng keo dán ở trán:

- Bữa nay anh hùng hội cả nam lẫn nữ. Đây, tôi trả ông tha mu lại cho ông thầy pháo.

Hai Khởi nháy tôi hai ba cái rồi đến rỉ tai:

- Đừng có khai vụ mẹ đĩ ngoài Hoằng Hóa nghe thầy. - rồi nói to - Hương ơi, lên đây anh biểu. Sẵn buổi liên hoan quốc khánh anh với em ra công khai cho rồi. Hoạt động bí mật hoài mệt quá.

Cô gái có mớ tóc đuôi gà quay lại nhoài miệng cười rất có duyên rồi tiếp tục làm việc. Hai Khởi tươi tỉnh cười:

- Đáng lẽ tôi phải nín lại xưởng quân trang của nàng vài ba ngày, nhưng nàng sợ vết thương làm độc nên xách tôi vô cho ông Tư Chuyền trị ngay.

Tư Chuyền nói:

- Chút xíu nữa vướng lựu đạn gài ngoại vi C5 đó. Nề tôi dặn, vết thương chưa lành hẳn phải kiêng cữ nghe ông tham mưu, hễ tác chiến là nó làm độc, ở đây khó mua pê-nê-ci lin lắm đó.

Hai Khởi lắc đầu:

- Nhai cơm nó còn động đau muốn khóc đây, làm sao lấy tọa độ được mà pháo chiến?

Chú Tư Thiên bảo:

- Kỳ này nhậu đông hơn kỳ trước, nhưng không phải ăn thịt chuột hóa học, tôm ăn thây ma mà ăn thịt bò của hậu cần. Không biết nó có nhơn tay cho mình vài tiếng đồng hồ để ăn lễ độc lập không?

Tôi kẻo Hai Khởi ra sau vườn ngồi bên cạnh miệng hầm

Hai Khởi nhướng tôi:

- Cấp tập địch có han-ớp (hands up) chưa?

- Ta han-ớp thì có.

- Em xinh mà chị cũng xinh, thầy làm sao xuể? Coi bộ cô em sắp nổi tam bành lên rồi!

- Lý do gì?

- Thầy đi bẻ đào, ủa bẻ dừa hơi lâu!

Bị tấn công tôi quật trả lại để phòng ngự:

~ Bộ định bỏ mẹ đĩ ở ngoài rồi hả?

- Con cái đùm đề bỏ sao được? Nhưng cơn ốc Hương ngon vậy, làm lơ cũng không đành. Còn thầy? Định bỏ tôm càng xanh Bến Mương và Hố Bò để chài con cá mè ở ngoài Ràng hả?

- Đâu có gì mà cậu nói vậy?

- Con nhỏ nó khoe vụ đi họp xã ủy ở ngoài rừng chồi...

Tôi liệu không chối được, nên khai thiệt. Hai Khởi cười hắc hắc:

- Đọ, thầy có thầy không, món lạ kề miệng bỏ sao được. Phải thầy ở nán lại vài ngày nữa cỏ lẽ còn vài ba cuộc họp xã ủy kiểu đó nữa. Hề hề... Hết họp xả ủy ngoài Ràng thì tới họp chi ủy trong Hốc Bò. Họp ở Hố Bò xong về họp ở Bến Mương, họp Bến Mương xong thì kế mít-tin ở Bàu Chứa.

- Sao ông biết vụ Bàu Chứa nữa ông nội?

- Chim cò đều biết nữa là tôi? Theo tôi thầy nên cắm cọc ủa cắm thẻ nhận ruộng cho rồi đi. Sào nào cũng đất màu hơn ruộng ngoài ta cả. Thầy cứ dạ hành tỏ hoài, không ổn đâu Tôi nghe có vụ suýt chạm súng ở quán bà Tư The phải không?

- Ờ có nhưng mà...

- Cô Quắn, cô Ua và cô Là đều ác xiêm lai như nhau, không cô nào kém cô nào. Thầy đã thông nòng rồi thì nạp đạn luôn đi, à mà quên nạp cả rồi! Nhưng thầy đang kẹt vụ cà rá có chữ "L" phải không?

Tôi ngồi ngớ ra. Trong trí tôi hiện lên mảnh trăng lu ở rừng chồi đêm trước... Tôi nhớ cái gốc rơm bát ngát. Từ bờ ao thơm mùi cá nướng đến bộ ván gõ trong gian nhà có tiếng tắc kè, từ chai rượu trên bàn thờ đến căn chòi xã ủy. Tất cả vụt quay lại trong đầu tôi như một đoạn phim ly kỳ.

Tôi bị cuốn hút theo con ma đang đội lớp người hay chính tôi cũng là một con quỉ? Tôi đã phóng mình theo như một mũi lao, không nghe cả tiếng gió rít hai bên thân mình, chưa bao giờ tôi mê dại như đối với nàng. Nàng cũng thế. Nàng không nói hơn ba câu:

- "Em cho anh tất cả những gì quí giá nhất của em mà em gìn giữ lâu nay."

- "Em thấy chết thế này mới đáng chết." (Khi pháo Trung Hòa bắn vun vút qua đầu.)

Rồi thôi. Mắt ngó. Tay chân cũng nhìn, thân thể nói năng, còn miệng thì câm hẳn. Nàng dữ dội hơn cả trong những sách mà tôi từng đọc. Một lần, một lần rồi lại một lần.

Có lẽ Sartres sống lại (hình như năm 64 ông còn hiện sinh) cũng phải sợ hãi khi nhìn thấy cảnh tượng trong căn chòi hoang này. Hoặc ông sẽ hài lòng vì thấy luận thuyết của ông đã thâm nhập vào đời, vào tận những con tim sống trong khói lửa và tù ngục.

Tuy đã thỏa thuê rời rã, nằm bên một nàng tiên, tôi lại nhớ những nàng tiên. Trái tim thằng đàn ông quả là vô liềi lượng. Trong đầu tôi lại chập chờn hình dáng cô sẫm lai tên Mầu ở quán chệt hôm nọ. Nàng quả là một tòa thiên nhiên trời đúc nên chớ chẳng phải tay phàm. Napoléon, theo lý luận của Năm Lê, mới là kẻ sống đầy đủ trên chiến trận và trong cuộc đời ông ta yêu, yêu mãi và chưa hề biết chán. Đến khi bị đày ra Ile d’Elbe hay Sĩ. Hèlène nhưng ông ta vẫn được một cô gái 16 tuổi con của viên giám thị trại tù giam ông yêu. Và trước khi ông ta chết, câu nói cuối cùng của ông ta là: "Tôi chỉ ân hận một điều: yêu đàn bà còn ít quá!"

Còn tôi? thằng pháo binh hạng bét này đã yêu đàn bà đã nhiều chưa để trước khi chết khỏi nói cái câu bất hủ của hoàng đế Nã Phá Luân?

Không biết! Tôi chỉ biết là tôi cũng hiện sinh. Tôi biết chắc chắn Củ Chi đất thép sẽ thành bùn, và thây tôi sẽ tan tành trăm mảnh hoặc sẽ vùi chôn trong một lỗ bom. Một thanh niên ba mươi lăm tuổi chưa vợ và không hề muốn một cô gái nào trở thành góa phụ vì tôi. Ý nghĩ đó dù tôi đã nói ra cho một em nào, hay tôi còn giữ trong đầu, nó vẫn là của tôi.

Tôi kể tỉ mỉi đến mức có thể cho Hai Khởi nghe câu chuyện liêu trai tân thời và kết luận:

- Chúng mình rồi sẽ chẳng có đứa nào an toàn để hưởng hạnh phúc gia đình.

- Quan niệm của tôi khác thầy! Trong chiến tranh ác liệt, ta vẫn tìm cách hưởng thụ hạnh phúc gia đình. Tôi xa vợ con ngoài Bắc vô hạn định, nên tôi tự cho phép tôi lập gia đình trong này. Huống chi là thầy chưa có cái nào? Thầy nên nghe tôi đi. Thầy đang ở giữa trận địa của đội quân đầu tóc nhà: tóc suông, tóc kẹp, tóc bới và bây giờ tới tóc bồng, thầy gật một phát là xong.

- Tôi có muốn đâu, ông coi đó, người ta áp-xô tôi ngay trong nhà người ta.

- Bây giờ tới cặp Thúy Kiều Thúy Vân này nữa, thầy làm sao?

- Làm sao ai biết làm sao, nhưng không phải chỉ có cặp Vân Kiều này thôi.

- Còn ở đâu nữa?

- Gót Chàng. Rồi hai nàng Hằng Nga ở đây nữa!

- Cô Bảy và chị Tư cô ta à? Tư Mai có con rồi mà!

- Ừ thì vậy đó. Kỳ rồi tao đến, nàng bảo con bé kêu tao bằng ba.

- Thằng chồng đi công trường 9 bộ rửa chân lên bàn thờ rồi à?

-Tao nghe đâu vậy, nhưng không tiện hỏi. Ngoài ra cũng có thằng cắm thẻ nhận ruộng rồi nên tao chỉ bủa lưới phóng lao vòng ngoài với cô em rũng sĩ thôi.

- Thằng nào dám nhận ruộng trong vùng đất tôi vậy.

- Ông biết Tư Linh Phó ba địch vận khu không? Nó cũng bị rau muống quấn như ông vậy.

- Đọ thầy thấy cái chánh sách hàng hai của tôi hay không? Lớn nhỏ đều theo cả mà! Từ Tư Khanh, Năm Lê đến Sáu Nam, kể cả Sáu Thọ, Ba Duẫn mà!

- Ông nào cấy su hào ngoài đó rồi, bây giờ về đây thấy cây nhà lá vườn thì tiếc hùi hụi.

- Con bé của tôi mới 19 nhưng găng lắm. Nó bảo phải đảng ủy tới hỏi nó mới đi R.

- Con gái đứa nào không nói vậy, nhưng nếu làm được vậy thì ông Tám Lê đâu có phải bí mật nạo thai cho các cô..

Hai Khởi lắc đầu rồi bắt sang chuyện đánh đá.

- Thầy có chỗ đặt pháo chưa?

- Đã thấy rồi. Đo đạc xong. Tất cả các trận địa đều có xong phần tử mục tiêu.

- Mần thì dễ chui lại khó. Cũng như Tôn Văn nói: "Biết dễ, làm khó" vậy ông thầy ơi!

- Tôi cho bắn một lúc ba khẩu đặt ở ba nơi. Chúng nó sẽ không biết phản ứng phía nào. Thừa lúc thằng lính lên chuồng cu hụp xuống tránh đạn, tôi cho di chuyển pháo qua đồng trống đến gần đồn hơn.

Hai Khởi đập vai tôi.

- Hay lắm!! Hai Giả bó tay là vì không có được cái sáng kiến này. Tôi phục ông là thầy pháo. Nhưng tôi nói ông nghe. Mình nổ xong là nó trả hỏa ngay. Rồi đổ chụp và xe tăng càn tới liền.

- Chuyện đó sẽ bàn với ông Tám Dò sau.

- Các ông nội khu ủy đang ở Xóm Thuốc, nếu mình pháo thì sẽ động ổ, mấy ông la cho coi.

- Đánh giặc mà nghe theo mấy ông đó thì thà ngồi thum cho khỏe gà. Ông Năm Lê ghét mấy ổng lắm.

- Các ông phổ biến nghị quyết thì luôn luôn thừa thắng xông lên, nhưng hễ mình xông lên thì mấy ông lại sợ động đất đai, đau lòng bà thủy.

Tôi tạt ngang:

- Cô bé coi được đến, coi chừng cậu đi theo con đường của Năm Lê, Hai Giả, Tư Khanh. Một là rơi sao hai là lên bàn thờ. Hai Giả xuống đó có hai tuần bị tụi Phượng Hoàng khui hầm. Đến nay ở trên còn nhẹm. Tôi chưa dám cho vợ y biết.

- Tới đâu hay tới đó. Thằng nhỏ có hai nhiệm vụ chiến lược. Ra miền Bắc nó chỉ làm nhiệm vụ chiến lược số 2 còn nhiệm vụ chiến lược số 1 thì lại không làm được. Bây giờ về xứ có địa bàn không lẽ cứ để nó làm nhiệm vụ số 2 như ở ngoài Bắc 8 năm trường?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx