sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 65: Lá Thư Của Người Đàn Bà Yêu Gã Lê Dương

Chúng nó nơ sạch kho gạo của ông Bảy Hốt ở Hố Bò. Chúng chở bằng trực thăng về cho dân ấp chiến lược (ở trong này mới bị xúc ra), kế đó chúng đụng kho quân trang ở Bến Dược, rồi kho y tế ở Bàu Đưng và kho vũ khí ở Lộc Thuận. Bản tin chiến thắng của cô Nhã Nam bỏ sót mấy vụ này. Quân Mỹ càng moi càng gặp của quí nên chưa chịu rút. Ban đêm cụm lại ban ngày bung ra. Tiểu đoàn 8 của Năm Thủ (Cao Hoàng Thủ sau này về thay tôi) nổ được năm, sáu quả pháo như ru cho Mỹ ngủ ngon hơn.

Trinh sát mon men lại gần cụm Bàu Đưng nghe các em Sàigòn nói mi-cơ-rô ỏm tỏi. Các em đòi theo Mỹ vô oánh thấy mẹ mấy thằng Việt Cộng. Mấy cậu về thuật lại, ai cũng tức nhưng không dám bắn. Nếu nổ một phát là nó quạt cho nửa giờ và câu vài trăm trái pháo.

Từ sau ngày hai vợ chồng Út chết, cơ quan buồn hẳn đi. Đám trẻ con mặt mày dàu dàu không dám trửng giỡn nhu trước vì sợ pháo lẫn xe tăng. Mấy cái bàn máy đánh chữ bỏ luôn dưới hầm nên không còn nghe tiếng lọc cọc vui cửa vui nhà. Nói chung mọi người sống trong bầu không khí chuẩn bị chạy. Vợ Sáu Phấn bị xúc, mấy đứa nhỏ nheo nhóc ở với chú Tám Cần. Sáu Phấn cố cầm chú ở lại chăm sóc nhà cửa nhưng coi mòi chú đã chân trong chân ngoài. Dân không dám ở lại với giải phóng nữa. Nói cho cùng thì ai cũng sợ chết. Cho nên đào địa để trốn. Nhưng trước cái chết của gia đình má Hai và của tôi, thì địa đạo trở nên một điều ghê tởm.

Mấy ông già ghềnh khu ủy đã qua bên kia sông ăn hút không nhắn một lời. Có vẻ mạnh ai nấy tẩu.

Một buổi chiều Mười tới. Nàng nói ngay với tôi:

- Em phải đi tìm con mới được. Vắng nó ba ngày em chịu hết nổi rồi.

- Ừ, em đi thì đi.

- Có ai nói gì anh không mà coi bộ anh buồn vậy?

- Vui sao được mà vui em?

- Anh xuống địa mà còn lên được thiệt là may hết sức.

Tôi nói cứng:

- Bộ ai xuống đó cũng chết hết sao?

- Không phải chết hết nhưng mà có nhiều người xuống rồi không thấy lên.

- Sao em biết gỉỏi vậy?

- Ông Tám Đột lại nhà anh Sáu Phấn với ông Sáu Bửng, bí thư xã, ba người bàn với nhau về vụ địa đạo. Ông Tám Đột nói ông Ba Xây bị bắt thiệt rồi.

- Chuyện đó đúng. Có người bị bắt chung với ổng chạy thoát về nói lại cho anh.

- Ai vậy anh?

Tôi thuật lại vụ Út Nhỡ quào mặt thằng Mỹ rồi chui mất cho Mười nghe, Mười cười:

- Em hổng tin mấy cô dũng sĩ đó đâu.

- Sao vậy?

- Mỹ gì khờ như vậy. Trước kia có lần em đi chợ, em gặp một thằng mặt như có cô hồn, em bước chân nọ đá chân kia, bụng run muốn chết. Từ đó em nghỉ đi luôn.

Tôi hỏi:

- Mấy ổng bàn vụ địa điếc ra sao?

- Anh Sáu em nói kiểu này thì phải dời tức tốc, sợ ông Ba Xây dắt Mỹ về.

- Có vụ đó nữa sao?

- Có chờ sao không anh? Ở ngoài Ràng đã bị rồi mà. Không ai ngờ nên bị dính hết.

- Còn ông Tám Đột và ông bí thư nói sao?

- Ông Tám Đột nói là ông Ba Xây không có đầu hàng Mỹ dễ dàng như vậy đâu. Ổng nói ông Ba Xây vô đảng hồi trước hoà bình lận. Nhưng anh Sáu em nói vô hồi nào thì vô chóo Mỹ nó cho uống nước hoá học là khai hết. Ông bí thư phụ hoạ với ông Tám Đột nói thằng Xây là xã đội, nó dư biết trong mình gài mìn và lựu đạn tùm lum, nếu nó dắt Mỹ về thì Mỹ để cho nó đi trước thế nào cũng đạp mình hoặc lựu đạn banh xác trước. Nó đâu có dại.

- Rồi anh Phấn nói gì nữa?

- Anh Sáu em nhứt quyết phải dời và còn kêu ông gì hiện ở hầm trong nhà ông Ba Xây phải dời đi nữa! Thằng chả không dẫn Mỹ vô thì chỉ cho máy bay bỏ bom rồi làm sao?

Tôi giật mình tự nhủ: có lý nào Năm Lê chưa biết Ba Xây bị bắt? Mười tiếp:

- Ông Tám Đột nói từ rày ổng sẽ không dùng cái đường Thống Nhất nữa.

- Đường Thống Nhất nào?

- Thì cái đường anh chui xuống rồi chết ngộp ở dưới đó chớ còn đường Thống Nhất nào nữa?

- Sao ông ta tin tưởng Ba Xây không dắt Mỹ về mà ổng lại bỏ con đường đó?

Mười ngập ngừng hồi lâu mới nói:

- Em đã biểu là có nhiều người xuống rồi không lên nữa ma!

- Bậy nào!

Mười vỗ vai tôi:

- Thiệt! Hổng tin anh gặp ông Tám Đột hỏi thử coi. Một con chó chết sình ở dưới sông còn thúi lên tới trên này huống chi người ta.

- Sao em biết có người chết ở dưới đó?

- Em nghe ông Tám Đột nói chớ sao nữa. Ổng tới xin mấy cái đinh dài đóng ghe của anh Sáu em để khoá nắp hầm lại luôn.

- Chuyện gì em cũng biết hết.

- Em còn biết đường Thống Nhất có mấy ngách trổ ra đâu và dài bao nhiêu nữa.

- Dài bao nhiêu?

- Không quá 500 thước.

- Sao chắc vậy?

- Anh Sáu em chỉ huy lính đào phối hợp với xã đội mà. Chú Hai Giả cũng có đem lính đi đào mấy lần. Như vậy ông Tám Đột mới cho lính của anh chun chớ tưởng khi không mà ổng cho à! Trời ơi! Thằng cha đó ghê lắm!

- Ghê làm sao?

- Thôi, em không có dám nói đâu. Bà Sáu Bầu phải để cho ổng ở trong nhà mà êm rơ đó! Chị Sáu em biểu anh Sáu em có muốn chui hầm thì đào riêng mà chun, chớ đừng có chun với mấy ông đó. Thấy chưa, nếu ảnh chun vừa rồi thì cũng như anh. Mấy thằng cha đó làm hùm làm hổ bắt dân chun chớ mấy chả đều có hầm riêng hết á. Từ rày có gì...

- Thôi từ rày anh không chun nữa. Em định đi tìm con mấy ngày thì về?

Mười lặng thinh, chốc chốc lại thở dài, rồi lắc đầu nhìn tôi:

- Chắc em không còn gặp anh nữa quá!

- Sao vậy?

- Ở trong này sao được mà ở. Em chông chênh một mình khó quá hà anh à. Lâu nay sở dĩ em còn nắm níu lại đây là vì em thấy con Hoàn nó mến anh, em đi không đành. Người lớn thì dễ chớ con nít đòi thì khó từ chối lắm. Kỳ này chị Sáu em bị xúc ra ngoải chắc chỉ ở luôn. Thế nào cũng mang tiếng chồng giải phóng mà vợ quốc gia, nhưng mà hoàn cảnh như vậy biết làm sao bây giờ? Đất đai của ba má em để lại cho hai chị em đã bán trước chớ để tới bây giờ đâu có ai mua n ữa. Hai chị em đã tính hết rồi.

Mười ngưng một lúc:

- Để em dọ ngóng thêm coi con ở đâu, nếu vài ba bữa nữa mà không có tin gì hết thì em phải đi.

- Ừ, em ở luôn ngoài đó cho khoẻ.

- Anh sợ mang tiếng vì em phải không?

- Em mang tiếng vì anh thì có, chớ anh sợ gì? Nhưng anh không muốn cản em. Ở trong này không ổn. Lại nữa con lớn rồi mà không có trường học. Còn em thì còn trẻ đẹp. Em phải lấy chồng. Thiếu gì người theo em, em vẫy tay là họ tới chớ gì.

- Đã một đời chồng rồi em ngao ngán lắm.

- Một đời hay hai đời ba đời gì em cũng phải lấy chồng. Em không ở vầy hoài được đâu.

Mười mếu máo như trẻ con:

- Sao anh không về sớm sớm để em gặp anh?

- Bây giờ gặp rồi cũng như không! Mình yêu nhau thôi chớ có sống với nhau được đâu.

- Sao anh nói kỳ vậy? Người ta đeo anh nhiều quá phải không?

- Không đâu em! Em lầm rồi. Anh chưa bao giờ trao trái tim cho ai trọn vẹn nhanh chóng và hoàn toàn như đã trao cho em.

- Vậy em còn lấy chồng làm gì nữa?

- Chồng là một chuyện, còn yêu lại là một chuyện khác em à. Lấy anh rồi em sẽ hết yêu anh.

- Bộ anh có bà nào ngoài Bắc mà anh giấu em hả? Hổng chừng có một bầy con nữa đó!

- Lính Lê Dương mà vợ con đâu sớm vậy? Vợ anh là em, con anh là bé Hoàn chớ còn ai nữa. Em không nghe anh xưng ba với con sao?

- Sao nãy giờ anh không hôn em vồ vập như mọi lần?

- Vì ngồi cách nhau...

- Có hai tấc mà cách gì? Thôi, anh lại ngồi đây cho gần em đi anh, để mai mốt còn xa nữa!

Tôi ngồi sang cạnh Mười:

- Nè, hôn đi, giận hả?

- Không giận hờn gì hết, nhưng buồn.

- Vì sao?

- Vì anh sắp rời đơn vị này, vùng đất này và... em nữa!

-....

- Anh đi đâu?

- Đời thằng lính Lê Dưong, người ta khiến đâu đi đó. Xin lỗi em nghe, anh sắp bận công tác rồi. Anh có hẹn nên phải đi. (Tôi phải cho Năm Lê hay vụ Ba Xây bị bắt.)

- Hẹn gì? Anh từ chối không được sao? Em không cho anh đi. Em muốn anh ngồi đây với em tới sáng.

- Không được em à!

Tôi đứng dậy hôn trên má Mười. Mười không nói gì nữa. Da mặt lạnh ngắt. Tôi lấy hết can đảm, lùi ra quơ súng nịt vào và bảo.

- Anh đi nghe. Tới giờ rồi.

Mười vẫn ngồi yên, cơ hồ không cảm xúc. Mắt nàng long lanh. Tôi quay lưng bước đi một quảng lại trở lại hôn nàng. Đáng lẽ hôn môi không hiểu sao tôi lại hôn trán. Tôi đi xa còn ngó lại. Nàng vẫn ngồi đấy. Nàng có biết đâu niềm đau nỗi khổ của tên Lê Dương được một người đàn bà yêu, tình yêu say đắm hơn tất cả các mối tình trước đây của hắn gộp lại, nhưng số của hắn là lê dương cho nên thân phận hắn phải nổi trôi và không định cư được ở một trái tim người đàn bà nào, dù là người đàn bà yêu hắn nhất.

Tôi đạp xe một hơi lên hầm. Trời đã ngọ mặt. Tôi gặp Tám Nghi đang lọ mọ kéo mấy cái chà tre rắp cửa. Tôi nói:

- Ba Xây bị bắt rồi, hay chưa?

- Ơ kìa, mày đã cho thằng Đỏ vô cấp báo rồi, quên hả? Từ rày có tới đây phải kêu người ta ra rước, đừng có xông đại vô nghe mày! Ổng sai gài lựu đạn và mình hai vòng rồi đó.

- Công việc quá lu bu, tao lộn hồn lộn vía. Sao còn ở đây?

- Ổng bảo để khu ủy đi trước rồi ổng sẽ dông sau!

- B52 quất trúng quân y của quận Bến Súc hay C3 của Tám Lê mầy biết không?

- Biết rồi! Chạy đàng mồ mắc đàng mả!

Tôi muốn trở về gặp Mười. Không biết hồi nãy sao tôi không bảo Mười ngồi chờ. Mà cũng phải, đi công việc biết có về sớm được không mà bảo người ta chờ? Chờ một cái gì không đến.

- Thôi coi như ổng đã hay tin Ba Xây rồi, tao về nhá.

- Mày vô đi, ổng đang cần gặp mầy đấy.

Nói xong Tám Nghi dắt tôi lách qua con đường mới vào ngỏ mới, cái gì cũng đổi chỗ hết.

- Mày ngồi đây nghe, tao vào tâu, bệ hạ có cho thì mới vào chầu được.

Tôi sốt ruột muốn trở lại với Mười. Tôi như thấy vẻ mặt âu sầu của nàng, hờn dỗi trách móc, nhưng một công việc chết sống như thế này, tôi không thể phó tách cho thằng Đỏ được. Biết vầy thì mình đã ở lại với Mười tới sáng chớ vô đây làm chi? Tám Nghi trở ra:

- Sửa lại áo mão rồi vô chầu, bạn!

Tôi theo ánh đèn pin (cái đèn quáu tôi cho hắn thì phải) vào tận cái ngách sau cùng. Năm Lê pha trò mở đầu câu chuyện.

- Sao? Mày thấy âm phủ có vui không?

- Dạ.. anh Năm cũng hay chuyện em chết dưới địa à?

- Tao còn biết mày nhờ hửi "bia" mà sống dậy nữa.

Tôi cười hồn nhiên khi thấy nét mặt chì của xếp mình tươi tắn. Anh là người đánh Tây ngon như rau, lính phải kêu anh là ông Thần Núi (lấy tiếng từ Sơn Tiêu). Đáng lẽ anh càu nhàu hay hạch hỏi chuyện này kế hoạch nó, nhưng anh cứ đùa:

- Chai bia đó khui còn bọt không mậy? Hà hà... Mày đi đâu cũng gặp số may.

Thấy anh vui tôi cũng đối đáp gọi là:

- Dạ cũng đại khái vậy anh Năm à!

- Chai này khác chai kia chớ chú em!

Rồi anh bắt qua chuyện tác chiến với giọng nghiêm trang:

- Mình không nên chạy bỏ dây. Mình ở đây thì dân bị xúc còn về, nếu mình đi thì mấy thằng mặc áo bà ba mang guốc vông (huyện ủy) này hút gió không kêu ngay, vì không có mình dân sẽ không về. Dân không về thì quán không bán, gạo không có xe bò chở, nước mắm cũng không có mà húp nữa là nhậu nhẹt hàng ngày! Tụi D8, D7, Đ không thấy D nào làm được cái gì! Mày có gặp thằng Châm, thằng Nô, thằng Thủ thì bảo là tao không có bảo tụi nó liều mạng nắm thắt lưng (có lẽ anh sợ phạm húy nên nói né qua) đừng có liều mạng làm tiêu hao lực lượng. Còn vấn đề của mày, mấy chả muốn đưa mày ra chỉ huy tiểu đoàn thép Củ Chi. Tao bảo con nhà pháo không làm vậy được. Hiện không thể có hai thằng như mầy ở quân khu này. Nhưng mấy cha mặc áo bà ba mang guốc vông quyết định chớ không phải tao, cũng không phải ông Ba Xu, nên nếu mày rời H6 về chỉ huy D thép thì chớ có trách tao.

- Dạ, em đâu có trách gì anh Năm! Thượng cấp đặt đâu em ngồi đó.

Tôi mong ổng ngưng câu chuyện để vọt về, nhưng ổng lại lấy úych ky và kêu Tám Nghi đem tôm khô ra nhâm nhi. Tôi ngồi uống rượu mà không biết mùi gì.

Xong tiệc, tôi ngó đồng hồ. Đã quá mười giờ. Tám Nghi đưa tôi ra ngõ. Tôi hỏi:

- Bữa trước mấy cha lủi đâu?

- Ngách đặc biệt. Chỉ tao với ổng thôi.

- Không thông ra đường Thống Nhất chớ?

- Không có thông đâu cả. Địa đạo mà chui như bầy vịt thế kia chém chết cũng ăn hoá học. May mà mày nhờ thùng bia nà! Hề hề...

Tôi vọt lên xe, đạp bán thân mẹo dậu. Pháo sáng của Dakota mắc quanh các cụm quân ở Bàu Đưng, Bàu Lách, Rừng Lộc Thuận đẹp như sao sa. Tôi về tới hầm, quăng xe đạp nhào vô. Trên băng một người con gái đang ngồi. Tôi ôm lấy hôn tràn lên mặt và thầm thì:

- Anh xin lỗi em nghe! Anh bỏ em anh đi em ngồi một mình. Từ rày anh không đi như vậy nữa. Anh từ chối tất cả. Em đã nấu gì cho con ăn chưa?

Tôi có thể nhai ngấu nghiến nàng ra như một miếng cá chiên dòn. Nhưng bỗng tiếng cười vang hầm. Tiếng cười không phải của Mười. Cô gái hỏi:

- Thủ trưởng đi đâu lâu vậy?

- Mấy tiếng mà lâu?

- Bốn tiếng! Mấy anh trinh sát đi kiếm thủ trưởng tự nãy giờ.

- Tôi đi tìm một người chớ có cần ai đi kiếm tôi đâu.

Tôi cảm thấy chới với như người chết đuối vừa vớ được cái bập lá vuột mất. Đầu óc tối đen. Hồi lâu mới bật ra câu hỏi:

- Mười về lâu chưa Thu?

- Chỉ mới vừa đi.

Tôi vội nhảy lên quất đèn pin theo và gào lên:

- Mười! Mười!

Trả lời cho tôi là tiếng của tôi vang đi dội lại trong đêm. Dakota lại ném pháo sáng. Một chiếc Mohawk bay dọc rạch Bến Mương chụp hình nghe ầm ầm. Thu quát:

- Anh Hai vô mau.

Tôi vừa bước xuống hầm thì Thu trao cho tôi một gói giấy nhỏ rồi bỏ đi như ghen tức.

- Của chị Mười đó, không phải của em đâu.

Tôi cầm lấy cái gói còn ấm hổi mà bàng hoàng. Tôi không kịp đốt đèn. Cứ soi pin tay mở cái gói. Tiền và một bức thư. Tôi ném xấp tiền lên bàn và nằm vật ra võng tay soi, mắt đọc. Cho đến bây giờ gần ba mươi năm, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn mường tượng nét chữ và nhớ cả bức thư như một bài học thuộc lòng.

Chữ của nàng chân phương tròn trịa không thiếu nét. Chữ Đ ở đầu thư viết theo kiểu học trò nhà quê lớp ba.

Thôi vậy là trọn một cuộc tình. Nàng đã tặng tôi cả trái tim. Tôi cũng dâng nàng trọn vẹn, những cái hôn thực của da thịt lẫn mơ.

Tôi nhét lá thư vào túi áo đặt tay lên ngực như ôm một con chim trời sợ nó bay mất, như ôm một tấm huy chương của tình yêu, như ôm vết thương của chính mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx