sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 67: Chiếc Thắt Lưng Mỹ - Vành Khăn Tang Việt Nam..

Sự hoang vắng lan đần khắp Củ Chi sau trận khai quang Crimp, với hàng ngàn dân bị xúc ra ấp chiến lược, nhiều khúc địa đạo bị phá, nhiều nơi bị lộ, mộ dân mã lính mọc lên đó đây thương binh chật binh xá. Những bề bộn đổ nát sau một trận ruồng dọn hoài không hết. Nó cứ lòng thòng như nỗi ngao ngán thất vọng của người dân. Cuộc chiến tranh này có mòi vô tận. Nhà cửa, ruộng nương, cuộc sống của người dân trở thành mục tiêu tàn phá của súng đạn hai bên. Mỹ phá có chu kỳ, du kích phá triền miên. Thử xem một nhà nông không cày được ruộng vì trực thăng soi. Thử nhìn một con trâu chết vì lựu đạn gài của du kích v.v... Người chủ ruộng bị xúc ra ấp chiến lược được cho tôn làm nhà, gạo ăn thuốc men, nhưng đó không phải là tất cả. Còn nếu ở lại, Việt Cộng lùa họ xuống địa đạo như cá, nếu cuộc ruồng kéo dài năm bảy ngày thì mạng họ sẽ ra sao? Từ hai phía người dân như cá bị cặp gấp kê trên lửa. Cả hai bên chỉ nghĩ đến chiến thắng mà không cần đếm xỉa đến thân phận con người.

Chúng tôi dọn dẹp nhà cửa cho má Hai, chuyển lúa thóc ra ngoài, đắp cao những nấm mộ và cúng kiến, như những đứa con trong gia đình. Nhà Sáu Phấn bây giờ cũng vắng hoe. Chú Tám định chở lúa của Mười đi bán dùm rồi ra Phú Hòa Đông ở luôn. Chú Tám đã đóng xong chiếc ghe nhưng vợ con đã bị xúc ra ấp chiến lược nên không có ai dùng phải kêu người tới bán rẻ. Y không thể ở nhà mà không có vợ con. Chị Sáu có nhắn về cho chồng biết chị đã bán được con heo nái và bầy heo con. Đó là vốn liếng cắc củm bấy lâu nay của chị.

Sáu Phấn nhờ anh em tới khiêng tủ ghế thảy xuống mương để khi hòa bình rồi có xài. Nhưng anh chết trong cuộc hội nghị tham mưu quận đội gần mười hai người ở tại Bến Mương, đâu có trở lại mái nhà xưa. Vợ góa con côi giống y như trường hợp Hai Giả. Rồi đến Tám Mang, cô mụ kiêm thợ may, dẹp tiệm. Bà già cô ra Trung Hòa tá túc với người em còn cô dính lem lem với giải phóng không dám đi theo. Cô ở lại xin đầu quân vào H6 làm chị nuôi, nhưng được vài tuần thì Sáu Phấn bảo như vậy không tiện. Nên tôi phải thương lượng với phòng y tế quận nhận cô vào công tác. Tôi phải chở cô đến. Dọc đường cô cằn nhằn:

- Anh Hai không để ý gì đến em hết á!

- Em có chồng rồi, anh đâu dám!

- Em đâu có hứa gì với ai....

Trước khi chia tay nàng cũng như nhiều nàng khác muốn anh Hai giúp đỡ...

Biết bao công việc đa đoan, việc lớn việc nhỏ, việc nước việc nhà, vui buồn lẫn lộn, hạnh phúc và đau khổ... Ngày này qua ngày khác đến, đều một công thức như nhau.

Lụi hụi mà tôi về H6 đã được một năm. Tết sắp đến. Đây là cái Tết thứ mười tám tôi không được lạy bàn thờ ông bà. Tên lính Lê Dương dẫn xác đi khắp Việt Nam, trừ mảnh đất chôn nhau cắt rốn thì không về được.

Năm 1966. Hai chục năm chẵn. Rượu đào đâu? Thành công đâu? Còn xa nhau bao nhiêu năm nữa. Tết sau là tết nào? Cái Tết ngày mai ăn khỏi trả tiền chăng? Rõ cù lần! Cách mạng khởi đầu là mặt trời. Dần dần trở thành mây đen và bây giờ thành địa ngục. Lộ mặt tất cả:

Hồ: Ác;

Đảng: Cướp;

Cách mạng: Rỡ;

Giải phóng: Ngu.

Tuy mùi cháy khét còn nồng nặc nhưng ai còn sống cũng chuẩn bị ăn Tết như thường. Một hôm Sáu Phấn đến gặp tôi với nét mặt phấn khởi:

- Thầy hay tin gì không?

- Tin bả được heo hả?

- BBC cho hay Tết này ngưng bắn 24 tiếng. Tôi đến cho thầy hay liền để mình chuẩn bị kế hoạch ăn Tết!

Tôi lơ đảng đáp

- Ngưng 24 tiếng thì làm được cái gì?

Việt Cộng lợi dụng ngưng chiến để chuyển quân, tiếp tế vũ khí chuẩn bị chiến tranh. Đó là cái mừng của chúng chớ chẳng phải chúng thực tâm muốn có một bầu không khí yên ổn để dân chúng ăn Tết. Ai mà quên được cái chết Mậu Thân 1968?(Tôi sẽ kể tới đó.)

Bây giờ thi hành lịnh ngưng chiến chúng cũng kèm theo một chỉ thị kêu gọi toàn dân toàn quân đề cao cảnh giác!

Nhiều người gởi bánh tét, bánh phồng đến ủy lạo H6. Bà Hai ở Ngã Ba Sòng, nhạc mẫu của thằng Chi cho cô Chạnh đem vô một gánh bánh tét và gạo nếp như đem trả của cho đàng trai. Hội Phụ nữ Quận do Tám Phụng đại diện đến cho mắm muối, bòn bon thèo lèo. Các nàng dũng sĩ cũng đến chúc mừng ông thầy pháo.

Tôi bảo Năm Dị sang nhà má Hai đốt nhang cúng vái trước những ngôi mả mới. (Bàn thờ đã ngâm dưới ao.) Sáu Phấn đại diện H6 đi thăm mả thằng Chi, thằng Đức và vô C5 ủy lạo thương binh.

Tôi nằm nhà lắc lư trên võng và ăn bánh phồng bánh tráng với thằng Đỏ. Tôi không muốn sang nhà má Hai để trốn những hình ảnh đau lòng. Trước khi đi Thiên Lý có yêu cầu tôi giúp nàng mở cửa mả cho má, anh chị và cháu bé của nàng. Nàng ngất xỉu mấy lần. Khi tỉnh dậy nàng nói:

- Em nhờ anh săn sóc mộ má, anh chị và cháu. (Nàng không dùng tiếng "của em") ở ngoài đó em sẽ đi chùa và làm tuần bách nhật.

Bây giờ sang đó, cảnh vắng người buồn không chịu nổi nên tôi không đi. Tôi yêu Thiên Lý như một tia chớp lóe lên rồi tắt, yêu cả những ý tưởng căm ghét cách mạng của nàng. Đời này ai có chân lý và tình cảm riêng tư nấy. Từ nay tôi sẽ đau đớn mỗi khi nhớ nàng. Sao chúng tôi không thành chồng vợ được? Tôi không có cách gì cầm nàng ở lại. Hay chính tôi cũng tán thành hành động của nàng? Tôi không biết. Nhưng khi nàng đi rồi thì tôi chỉ tiếc vì đã để mất một người con gái đẹp yêu mình chứ không ân hận vì đã giúp nàng đi thoát.

Tám Đột không hay biết gì về kế hoạch bí mật của tôi nên sau khi tôi trở về, gặp lại anh ta không hạch hỏi. Nhất là tôi thay mặt Thiên Lý bảo: "Ngôi nhà nàng giao cho công an quản lý." Mồm con khỉ đột dù to mấy cũng bị trám dễ dàng.

Nhiều người say. Dân say, anh cũng say, nhà cửa của mình mà những tên cha chài chú chóp nào ở đâu kéo tới đánh nhau rồi cho mình hai chữ bình an trong 24 tiếng? Vậy mà mừng húm. Hồi chín năm vui lắm, liên hoan có cả múa lân vui mút mùa, đâu có hạn chế như bây giờ. Nhưng nghĩ cho cùng nếu tôi còn ở ngoài Bắc, thì hoặc ở Ba Vì, hoặc ở Lam Sơn Tết rưới nước mắt, lấy rượu làm vui có hơn gì ở đây? Nông trường Lam Sơn có mười ngàn lính cuốc đất uống rượu bằng hai triệu dân Thanh Hóa thì ngẫm ra câu Dụng tửu quân giải phá thành sầu cũng hữu lý lắm vậy.

Bây giờ anh chàng Huế Nghệ Năm Dị lâm vào cảnh của dân Nam kỳ trước đây ở ngoài Bắc. Hắn uống rượu như nước. Mặt đỏ như gà chọi, cất giọng mỉa mai:

- Hồi trước khi các ông buồn, các ông thường ngâm câu:

Bây giờ tôi thấy câu đó thắm thía vô cùng và xin đối lại:

Tôi cạn ly với hắn và nói:

- Bến Mương này thiếu gì đàn bà giá. Ai biểu ông trung với nước hiếu với dân hoài chi rồi la!

- Thằng nhỏ có hai nhiệm vụ chiến lược, bây giờ cái nhiệm vụ quan trọng nhất lại không làm được mà cho làm nhiệm vụ thứ hai! Khẹc... khẹc...

- Tụi tôi mười năm, ông chỉ mới chịu hai năm thôi mà!

Bỗng thằng Đỏ từ đâu chạy về cấp báo:

- Anh Hai! anh Hai!

Mọi người nhảy dựng lên, tưởng Mỹ tới. Thằng Đỏ nói cà lăm:

- Thím Hai... thím Ba tới! Có... chị Ba nữa.

- Thím Hai thím Ba nào?

Thằng Đỏ đến rỉ tai tôi. Tôi đến miệng hầm nhìn ra thấy một tốp đàn bà con nít đi hàng ngang, đầu người nào cũng quấn khăn trắng lốp. Vợ Hai Giả, vợ Ba Thanh! Chết rồi! Tôi muốn chui trốn để khỏi đối diện với hai bà vợ tử sĩ này. Cho đến nay tôi vẫn còn cất cái sắc-cốt của Hai Giả dưới hầm, và vụ anh bị khui hầm cùng với Ba Thanh vẫn còn được giữ kín. Hầu như không ai còn nhắc tới Hai Giả và Ba Thanh đi công tác ở Dĩ An nữa. Chính tôi cũng quên đi. Hôm nay lại bật ra.

- Mấy bả đi tới kìa!

Thằng Đỏ như hiểu tâm sự tôi. Nó nhìn tôi lo lắng và bảo:

- Em ra nói anh đi vắng được không anh?

Bất giác tôi xua tay:

- Không! Để anh gặp, mấy bả có chửi thì anh chịu.

Các bà đã tới nơi. Thấy bếp đang lên khói, các bà quẹo xuống đó. Thu báo cho tôi. Tôi cho mời mấy bà đến hầm làm việc của tôi. Năm Dị, Thu và mấy cậu khác thấy khách đến thì nhường chỗ cho các bà ngồi.

Người đàn bà trạc bốn mươi tự giới thiệu là vợ Hai Giả, giới thiệu luôn vợ Ba Thanh và các bà khác. Chị Hai nói:

- Nhân dịp ngưng bắn, tôi đem sắp nhỏ vào thăm... cơ quan. Còn cô này là người có chồng ở công trường 9 gốc Bến Mương vừa hi sinh, nên đi với tôi cho có bạn.

Tôi nói ngay:

- Tôi là người thay cho anh Hai. Rất tiếc chị vô mà anh Hai lại đi công tác xa....

Vừa nói tôi liếc nhìn các bà và mấy đứa trẻ. Những chiếc khăn tang trắng chứng tỏ họ đang chịu tang. Tôi thầm nghĩ. Nhưng tôi cũng cố chối. Ngồi hầm này vừa chứng kiến những giọt nước mắt lâm ly bây giờ lại ngập màu trắng của những chiếc khăn tang buồn thảm. Tôi ngỏ lời mời khách ở lại ăn Tết, nhưng chị Hai nói:

- Chị em tôi muốn mời Ban chỉ huy đến nhà chị Chín Kiểu dùng một bữa cơm đạm bạc!

Tôi nghe nguy cơ sắp đến rồi. Như vậy là bà lớn biết gốc của bà nhỏ. Các bà đánh ghen và muốn có sự chứng kiến của cơ quan mà tôi là người chịu trách nhiệm chăng?

Đầu năm xui thật. Tôi làm mặt tỉnh nhận lời:

- Dạ! Hổng mấy khi chị Hai vô thăm, đáng lẽ anh em chúng tôi phải đến đó chớ đâu dám nhọc lòng chị, mấy cô và mấy cháu mời. (vợ Ba Thanh chừng hăm lăm; còn cô có chồng lính công trường 9 chừng hai mươi tuổi.)

Nghe tôi nói, phái đoàn đứng dậy kiếu từ. Đối phó với các bà còn mệt hơn thảo kế hoạch pháo kích Đồng Dù. Nhưng đã trót thì phải trét. Tuy làm gan mà bụng dạ rối bời. Tôi tự đặt ba giả thuyết: Thứ nhất: Hai bà đánh nhau to. Giả thuyết này có khả năng nhất. Tôi sẽ tùy cơ ứng biến. Thứ hai: Chỉ khẩu chiến sơ sơ. Tôi sẽ dùng lý luận ba phải xử chìm xuồng. Thứ ba: Hai bên hòa thuận với nhau! Khả năng này chắc không có. Tôi vừa đi ra đường thì đụng Năm Tiều.

- Ê! ngưng chiến 24 tiếng mày định triệu tập hội nghị ve chai chưa thằng cu?

- Rối như tơ vò đây bác nó ơi!

Tôi thuật chuyện vợ Hai Giả vô cho anh nghe. Anh đã vô đế ở đâu rồi, hơi thở nặc men cay, nghe tôi nói anh la luôn:

- Đù mẹ mấy thằng chánh trị. Chánh trị cái con mẹ gì kỳ vậy. Chồng người ta chết cả năm nay không có giấy báo tử Làm ăn cái kiểu đó, coi không được.

Tôi bỏ nhỏ:

- Anh Năm Lê bảo tôi cho bà lớn lẫn bà nhỏ của ảnh hay, nhưng tôi ngại quá, tôi ém luôn.

- Mày ngại, để tao nói cho!

Tôi mừng như vừa chiến thắng một trận giặc lớn. Năm Tiều hâm hở đi trước. Tôi theo sau. Vào đến nhà tôi mới bật ngửa ra. Nhang đèn trên bàn thờ sáng choang. Khói bay xốn mắt. Nhìn lên bàn thờ thấy đến ba tấm hình: Hình chồng trước của chị Chín Kiểu đứng nghiêng và hình Hai Giả với Ba Thanh chụp chung. Chị Hai, chị Chín, chị Ba mắt đỏ hoe.

Vậy là họ biết cả rồi. Năm Tiều vọt miệng nói ngay:

- Chú Hai Giả và chú Ba Thanh hi sinh ở Dĩ An, nhưng Hai Lôi sợ ba thím buồn hai chú nên giấu để lựa cơ hội sẽ nói ra chớ không phải ém luôn.

Vợ Hai Giả vốn quen với Hai Tiều trong những lần trước chị vào thăm chồng, nói:

- Dạ, ba sấp nhỏ hi sinh hôm trước thì hôm sau tôi hay liền nhờ người cậu của nhà tôi làm ở Sở Hỏa Xa cho tin. Ngoài ra mấy ông Phượng Hoàng có đem mấy tấm hình cũ (chị trỏ lên bàn thờ) cho cậu tôi nhìn.

- Chết chưa! Tụi nó biết gia đình thím hả?

- Dạ vì trong ba lô có giấy tờ nên mấy ông coi và tìm ra. Nhưng mấy ông không làm khó dễ gì."Chúng tôi không thù người chết. " Mấy ông nói: "Tụi Đại Hàn gặp miệng hầm là ném lựu đạn liền, nếu đụng Mỹ thì chồng chị chỉ bị bắt đưa ra Côn Đảo thôi."

Tôi và Năm Tiều sững sờ. Vậy mà lâu nay cứ giữ bí mật. Hai đứa đốt nhang vái. Năm Tiều còn pha trò:

- Mày chết dưới hầm mà còn sống lại được là nhờ thằng Hai Giả với thằng Ba Thanh phù hộ đó. Mày phải xá bàn thờ tụi nó đi!

Tội nghiệp chị Chín, hai đời chồng, một thời chống Pháp, một thời chống Mỹ. Cả hai đều yểu mệnh. Đứa con của Hai Giả có với chị mới một tuổi mà đã quấn khăn tang. Riêng chị Hai thì được hai đứa con trai, thằng Nhơn mười hai tuổi, thằng Nghĩa bốn tuổi. Chị nói:

- Thằng Nhơn ra đời hồi ảnh đánh trận Trảng Bom bị thương về nhà dưỡng bịnh. Còn thằng Nghĩa thì ảnh ngoài Bắc về mấy năm nó được mấy tuổi.

Năm Tiều sẵn trớn nhắc chuyện đánh Tây hồi trước còn tôi thì nhắc kỷ niệm ở Hà Nội, chiều thứ bảy nào hai đứa cũng đạp xe qua cầu Ái Mỗ ra thị xã Sơn Tây uống bia, đôi lúc hứng ra luôn Hà Nội coi hát bóng.

Chuyện gì rồi cũng qua. Hai người đàn bà cùng mất chồng thấy không còn lý do để ghen nên (bên ngoài) đối xử với nhau rất thuận thảo. Thức ăn đầy tràn nhưng tôi và Năm Tiều nuốt không vô. Thấy cổ họng nghèn nghẹn, nói năng thèn thẹn nên chỉ uống rượu suông rồi từ giã ra về. Về đến nhà, Năm Tiều kêu đói. Sẵn AK treo trên vách anh xách ra làm nửa loạt và xách hai con gà tự túc của tổ nuôi quân đem vô bảo:

- Mày kêu tụi nhỏ xé phay đem lên làm sương sương rồi tối sẽ tính.

- Anh nổ súng vi phạm lệnh ngưng bắn đó!

- Cái đếch! Mình lòn về Nam bằng đường Trường Sơn còn không sợ vi phạm lại sợ bắn mấy phát AK? Tao hỏi mày: ông Sáu Vi ngồi một đống trên R đó, có vi phạm không? Vi vi cái củ... chi tao nè! - Được trớn Năm Tiều ria luôn - Cái 1 sự mình đi về đây, ở đây, mặc quần áo quái gở như thế này và đánh trận này trận kia có phải là vi phạm không?

Tôi lặng thinh. Nỗi buồn xa quê xâm lấn tâm hồn hai thằng Lê Dương tha hương đã hai chục năm, gia cư bất biết. 1 Năm Tiều bỗng nhiên thở dài:

- Thằng Hai Giả chết lãng nhách, cũng vì sự phân công không hợp lý. Nó chết bỏ lại hai con vợ và một bầy con nít. Con nhỏ Văn công của mày giải quyết có ổn không?

- Chúng tôi giúp đưa cổ ra Đồng Lớn để chuẩn bị biểu diễn.

- Thằng! Mày nói gạt anh Năm hả Lôi?

Liệu bề chối không khỏi ông Phó ban Tác Huấn, tôi khai thiệt. Anh gục gặt đầu:

- Bỏ thì thương vương thì tội. Tao biết hồi nó nhảy cóc nhảy nhái ở đoàn Văn công của thằng Năm Sang. Nhờ nó có giọng ca thiên phú nên được bắt về R.

- Tội quá anh à!

- Ừ thì tội! Nhưng mày phải giấu nhẹm nghe. Mấy thằng xã ủy hay được thì nguy to.

- Nó lại thù tập thể của nó anh à!

- Tại sao?

- Nó gọi R là Rợ.

- Chắc mấy thằng chú, bác nó mò nó và hứa cho vô đảng chớ gì. Chú khác với chó có một chữ u và dấu nặng thôi. Đâu đâu cũng vậy chớ không riêng gì R.

- Nếu có thì đó cũng là việc nhỏ. Vấn đề là nó nhận xét đám Ba Kê hách dịch. Lúc nào cũng làm như ta đây là đàn chị. Nó bảo thằng Thanh Hùng và con Ngọc là đồ ngu, và nó cũng ngu tuốt. Nó có gặp Lưu Hữu Phước và mấy chú mấy bác văn nghệ sĩ lớn. Chú bác nào cũng nhếch nhác ích kỹ và ti tiện so bì từ hột đậu phộng trở lên. Lại còn có chế độ trung táo đại táo nữa. ở rừng với nhau là gian khổ đáng lẽ phải chia xẻ nhau từng miếng khô từng vắt cơm chớ đâu có bắn được con khỉ về giao cho nhà bếp, thịt nạc dành cho trung táo xương quăng cho đại táo gặm. Cùng chống Mỹ mà ngồi riêng mâm, ăn riêng khẩu phần coi thiệt mọi rợ.

Năm Tiều gạt ngang:

- Thôi bỏ đi mày. Bây giờ để tao trải bản đồ ra mình xem các cụm quân Mỹ và bàn thảo kế hoạch. Tụi nó làm cái kiểu này chưa có rút đâu.

Năm Tiều rút bản đồ trong xắc-cốt ra trải lên bàn. Hai thằng mọp đầu vào nghiên cứu. Năm Tiều lấy bút chì đỏ khoanh vòng mấy điểm nói:

- Độ chừng mười ngàn quân tham chiến. Mẹ, nó chuẩn bị đưa thêm linh nên mới làm hung vậy. Nó có hai điểm xuất phát:một là Phú Lợi, hai là Đồng Dù. Đù mẹ, chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ nó vây kín Hố Bò và Bến Dược. Nó đánh có diện có điểm đúng bài bản ghê, mày thấy chưa. Diện là Củ Chi, còn điểm là Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây. Ở Phú Mỹ Hưng nó đào xới Hố Bò Bến Dược. Người ta bảo nó dùng chó đánh hơi, nhưng đâu có. Nó chỉ bới ở những vùng nó nghi ngờ là gặp. Điểm thứ hai là An Nhơn Tây, trọng điểm là Bến Mương và Trại Bà Huệ. Nó đánh tiêu căn cứ tụi thằng Tám Giò và Một Sơn và H6 mày nữa. Cơ giới, không quân, thủy quân, lục quân của nó triển khai nhanh chóng và phối hợp nhịp nhàng. B52 rải thảm, phản lực bắn phá, trực thăng tỉa. Đất còn nghi ngút khói là trực thăng đã thả bộ binh, thủy quân lục chiến đã lên bờ. Xe tăng từ Đồng Dù thọc vào Xóm Đưng rồi chia làm hai mủi chĩa thẳng vô Bà Thiên và Xóm Mới. Rồi từ Xóm Mới đánh thẳng lên Bào Đưng, từ Bà Thiên đánh lên Bến Mương trong lúc đám xe tăng trên Hố Bò chia làm sáu mũi như bàn tay sè chụp, đánh cùng một lúc sáu mũi, mũi một đánh Sở Cao su Phú.Hòa, mũi hai đánh đồn điền Simma, mũi ba đánh Trại Gian Bầu, mũi bốn gặp mũi từ Xóm Mới đánh lên, ở Bào Đưng, mũi năm đánh xuyên đồn điền Solirenes thẳng tới Cổng Bông Giấy, mũi sáu đánh thẳng Xóm Thuốc. Nếu không nhanh chân các ông như mình bị xe tăng cán nhẹp ruột. Cùng một lúc với các mũi tấn công của xe tăng và bộ binh, B52 rải thảm ở An Điền bên kia sông Sài gòn vùng cực nam Củ Chi, và Trảng Cỏ vùng cực bắc Củ Chi. Vậy là tụi mình bị nút kín trong cái ve ba-xị-đế. Nó để một cửa thoát cho mình là Quốc Lộ 1. Nhưng nếu láu táu thì bị hốt ngay vì đó là cái hom chứ không phải là cái lỗ rách của chiếc giỏ.

Năm Tiều nhìn tôi. Có lẽ ông Phó ban Tác Huấn bị ở trên xạc cà rây nên đổ quạu với tôi. Tôi cười giả lả:

- Thắng lợi của ta kỳ này là các chả chạy thoát, thắng lợi của H6 là thằng Tư lịnh pháo chết đi sống lại, thắng lợi của đội dũng sĩ là con Út Nhỡ quào rách mặt một thằng Mỹ.

- Địt bà thằng đài giải phóng và đài Hà Nội, lúc nào cũng cười lính Mỹ gà tồ ra trận chưa rành động tác cơ bản. Tao đã nghiên cứu nhiều trận rồi, tao muốn bịt mồm mấy cái đài này lại, để nó tuyên truyền láo toét, thanh niên mình ham đầu quân giết Mỹ, đến chừng đụng trận nó bắn không ngóc đầu lên được rồi mất tinh thần bỏ về nhà hết ráo. Tao nghe có một buổi phát thanh về Nam, đài Hà Nội dám nói đại khái như thế này: linh Mỹ nghe quân ta nổ súng thì đâm đầu chạy, còn một số khác thì giơ súng lên, từ từ ngồi xuống lăn qua như học ở trường, rồi mới lắp đạn. Đạn lắp xong thì quân ta đã tới kêu giơ tay lên!

Năm Tiều cười mũi:

- Bởi vậy cho nên trận nào quân ta cũng diệt cả trăm, bắt sống cả chục Mỹ. Mẹ kiếp bắt sống Mỹ còn dễ hơn bắt cá trong giỏ, ai nghe mà chẳng ham.

Tôi đưa đà:

- Bởi vậy cho nên thằng giết kịch bất lương tên là Nguyễn Vũ mới viết ra cá i kịch Mượn Mỹ diễn ở đại hội Mừng Công trên R có đám trí ngủ ở Sài gòn vô coi. Chúng tưởng đó là thật nên nhào vô kiếm chát rần rần. Có hai ba con đĩ lũng nữa.(Bây giờ mấy con này đã biết mình ngồi phải cọc thì quá muộn)

- Quăng tụi đó xuống Củ Chi này vài bữa tiếp tay bắt Mỹ với đám con Bảy Mô để trở thành dũng sĩ! Tao mà biết đài giải phóng ở đâu thì tao đến tao dộng bá súng vô miệng tuị đó cho gãy răng.

- Không phải tụi đài giải phóng nói ẩu, cũng không phải thằng Nguyễn Vũ viết càn như vậy đâu anh Năm, đó là do Trung Ương chỉ thị.

Năm Tiều vỡ lẽ ra bèn khom xuống bản đồ lằm bằm:

- Nhưng nói cho cùng mình cũng không trách được tụi thằng Ba Châm, Út Lịa, Bảy Nô không đánh được trận nào.

- Tai hại nhất là cái kho của Bảy Hót bị hốt sạch.

- Đù mẹ ai ngu quá, giao cho cái thằng tên Hốt làm hậu cần nên bị hốt sạch.

- Vậy ông phó tư lịnh của mình tên Phón thì sao?

Năm Tiều bật cười. Tôi tiếp luôn:

- Còn ông phó ban tác chiến và huấn luyện khu thì lại tên Tiều. Chẳng trách gì lính tráng lẫn cán bộ chạy tuột dênh chỉ còn có cái quần tiều.

Năm Tiều cười hô hố rồi hết quạu luôn. Anh xếp bản đồ nhét xắc-cốt rồi ngồi lắc lư, cái đầu vuông như cái gối đệm:

- Năm nay là năm Ngọ cho nên mình chạy là phải. Mình còn mặc quần tiều là quới lắm nghe mậy. Năm tới mặc xi-líp lội sông Sàigòn cho coi.

Tiệc dọn lên. Hai thằng Lê Dương, một già, một sồn sồn ngồi cạp giò gà nhậu rượu đế. Đột nhiên Năm Tiều hỏi:

- Hồi ở ngoải mày có ra Hà Nội ăn Tết lần nào không?

- Năm 62, năm con trâu già.

- Có gì lạ không?

- Có ba cái đèn xanh đỏ quanh bờ hồ và ở trên đầu Tháp Rùa. Và nghe pháo chuột nổ trên đài, nghe thơ chúc Tết của Bác vào lúc giao thừa nữa chớ!

Năm Tiều đang bưng ly rượu bỗng buông xuống bịt mũi:

- Thôi, thôi mày đừng nhắc tới thơ của ổng. Hôi ê lắm! Chỉ có ba thằng triều đình và đám rau muống xực được thôi. Tao không bao giờ nghe.

- Sao vậy cha? Thơ của bác đọc vào giờ thiêng liêng mà không nghe thì phí của giời quá!

- Thơ trật vần nghe chối tai còn hơn heo kêu.

Tôi rót rượu cho anh và nói:

- Anh ở đây với tôi nghe pháo chuột nổ và thơ bác!

- Ngày mai yên ổn, mày không có kế hoạch gì sao? Tao định về nhà thăm vợ.

- Vợ nào?

Năm Tiều cười phì, nhìn tôi:

- Cái thằng! Vợ còn hỏi vợ nào?

- Tôi hiểu anh mà anh Năm! Há há!

Năm Tiều bị tôi điểm trúng yếu huyệt làm thinh. Tôi rủ anh đi Hố Bò. Anh gật. Tôi nói:

- Nếu Mỹ rút thì bà Sáu Tĩnh trở về rồi. Anh không lên tụi em nuôi vịt xiêm Q16 chốt mất.

- Q16 vô rồi, thế nào cũng có cu 17 cu 18 xuống cho mày coi. Toàn là cu, cu bầy!

- Tiện dịp tôi hỏi thăm cái hầm ông Ba Xu tôi đào hồi năm ngoái với cô Là.

- Mày mà đào hầm! Có em mày mới đào phải không? Nhưng ông cấm lính chui hầm sao ông lại đòi hầm?

- Hầm chớ không phải địa nghe cha non!

- Địa là tía của hầm, hầm là con của địa. Ổng bảo chịui xuống địa là mất tính chiến đấu, sao ông lại đòi hầm để chui?

Năm Tiều quăng cái xương gà một cách giận dữ - Bây giờ tao mới hiểu. Các ông ra kỹ luật là để cho người khác chớ không phái để mấy ông thi hành, rõ chưa? Tao vô đảng mấy chục năm đâu có thấy thằng ông nội nào có vợ bé mà bị kỷ luật? Kể cả đồng chí Tổng bí thư Lê vòi đi khắp nước mà Hồ chủ tịch có rầy rà gì không? Thậm chí thảy năm, bảy lỗ một lúc cũng cứ là lãnh tụ như thường. Gần nhất là các tên R, rồi ở ngay bên cạnh mình là Năm Lê, vợ lớn làm rùm beng nhưng ban tổ chức Trung ương có dám làm gì mấy chả không? Nhưng hễ tụi mình ngủ với đàn bà góa thì bị kỷ luật sắt Một đại úy chết lãnh nhách. Hai người đàn bà góa, một lũ con nít bịt khăn tang trong ngày Tết vì mất cha mất chồng là do kỷ luật sắt mà ra đó mày ạ!

Năm Tiều ngưng ngang nốc hai ba hớp rượu giằn mạnh ly xuống bàn và tiếp:

- Tao nói thiệt với mày. Gặp mặt mấy bả trước bàn thờ Hai Giả tao muốn chui đi cho đỡ nhục. Vậy chớ bây giờ một ông kẹ nào chui vô cái địa đạo của bà Chín Kiểu thì mọi sự êm rơ thôi, chẳng có kỷ khỉ gì cả.

Năm Tiều vừa dứt lời thì liên lạc hỏa tốc đến. Tôi cầm thơ xem, không biết của ai. Mở ra thấy chỉ có một dòng:

Tôi đưa cho Năm Tiều xem. Năm Tiều liếc qua rồi bảo:

- Ông kẹ gọi chắc bảo mày giàn trận mới. Thôi đi đi. Tao về thăm cái lọp nhà... Coi nó xệu xạo vậy chớ bỏ lâu không thăm cũng có thằng rình, đổ mất. Ba cái pháo chuột, năm tới nghe.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx