sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 72: Mẫu Tử Trùng Phùng - Anh Em Ruột: Em Quốc Gia, Anh Cộng Sản

Ua đưa tôi về nhà Tám Lệ. Ba Xuyên, một người đàn ông sồn sồn, vẻ mặt khắc khổ, nước da đen đúa chạy ra khi Ua vừa tắt máy xe ngoài sân. Bắt tay tôi xong, quay sang Ua:

- Sao về trễ vậy nhỏ?

Ở ngoài đó bữa nay lộn xộn quá chú Ba.

- Chuyện gì vậy?

- Cọp Đen về đầy Bầu Tre. Thằng Rắc chận xe xét gắt quá Cháu phải chờ cho tụi nó rút mới vọt được.

Ba Xuyên quay sang tôi:

- Bà già xuống rồi. Ua dắt anh Hai qua luôn nhà má vợ Bảy Lập đi cháu.

Ba Xuyên là cán bộ của Sáu Huỳnh chỉ huy cụm quân báo này nên rất nể tôi. Ua nói:

- Để cháu tắm rửa sạch sẽ rồi qua trình diện má cháu luôn thể?

- Mày nói cái gì Ua?

Ua chạy thẳng vô nhà. Ba Xuyên nhìn tôi để tìm câu giải đáp Nhưng tôi vẫn đứng lặng thinh. Ba Xuyên tế nhị nên không hỏi. Anh mời tôi vào nhà cho biết những chi tiết quan trọng về Đồng Dù. Chưa dứt câu chuyện thì Ua đã trở ra với bộ mặt tươi tắn, quần áo khác màu, thơm phức, đứng trước mặt Ba Xuyên:

- Chú Ba cho phép cháu đi bao lâu chú Ba?

- Cháu đưa anh Hai sang đó ở chơi một chút rồi về nhận công tác mới.

Ua đưa tôi theo con đường quanh co qua các nương rẫy tươi xanh. Nàng bảo:

- Ở đây có hai mỹ nhân. Anh gặp người ta phải nghiêm chỉnh nghe. Chị Tám Lệ là cán bộ của chú Ba, có một con rất đẹp không kém Tư Mai đâu. Người thứ hai là Chín Hoà làm cô giáo, em của Bảy Lập, chủ nhà. Anh gặp người ta đừng có ngúc ngắc cái đuôi nghe chưa? Anh léng phéng thì anh chết...

Nàng véo lưng tôi một cái rất đau.

- Còn điều này nữa!

- Điều gì?

- Khi gặp má thì anh phải nói rằng em là vợ anh nghe chưa?

-....

- Nghe chưa?

- Nghe rồi!

- Để cho mấy bà đó dạt ra hết đi đừng có gắm ghé với anh nữa. Nhất là con bé Nga y tá. Cho nó vỡ mộng nghe chưa!

- Nghe rồi.

- Có em, anh mới công tác rất tiến bộ được, còn với con nhỏ đó thì anh ngóc đầu lên không nổi.

Tôi nôn nao gặp lại má tôi. Tôi ra đi khỏi nhà hồi mười ba tuổi bây giờ băm ba. Má tôi chắc đã già lắm. Vừa bước tới giữa sân, Ua đã la lên:

- Má ơi! Má! Anh Hai về tới nè!

Tôi chạy vọt vô cửa. Nhìn thấy... không nhìn thấy gì hết. Chỉ một vầng hào quang. Miệng tôi kho khan kêu lên và nghe tiếng đáp lại:

- Má!

- Con!

Má tôi ôm chầm lấy tôi. Không như ba tôi lúc gặp lại tôi ở quán dì Ba. Ông chỉ đứng lặng im và nói:" Mày đó hả, Lôi?" như không có vẻ gì xúc động. Còn má tôi khóc như mưa. Ướt cả vai áo tôi. Tôi thấy bé trở lại như ngày còn ở nhà. Ba tôi có đôi lần đánh tôi bằng roi, nhưng má tôi không bao giờ.

Phút trùng phùng thiêng liên. Tôi không muốn một tiếng động nào xảy ra. Nhưng....

- Anh!

- Anh Hai!

Má tôi bảo:

- Mấy đứa em của con đó!

Tôi quay lại. Một người đàn ông trung niên bước tới:

- Em là thằng Gấu nè, anh Hai!

Một người đàn bà đứng bên cạnh một người đàn ông khác và một lũ con nít:

- Em là con Sáu nè, anh Hai. Đây là chồng con của em.

Cả gia đình chủ nhà, nhân viên cơ quan đóng ở đây và cô y tá Nga đều có mặt. Má tôi nhìn quanh một thoáng, rồi hỏi tôi:

- Mấy cô ở đây, đứa nào là dâu của má vậy con?

Tôi đang lựng khựng thì Ua bước tiến lên trước nắm tay má tôi, giật giật và dõng dạc tuyên bố:

- Con đây má! Mấy người kia không phải!

- Ủa, vậy sao con?

Má tôi nhìn tôi như hỏi: Vợ gì trẻ dữ vậy con?

Ua như hiểu cái nhìn chất vấn của má tôi, nàng rất thông minh và nhanh nhẹn như một người trải đời, và đáp ngay:

- Vợ chồng không câu nệ tuổi tác má ạ. Miễn yêu nhau thì thôi. Có nhiều cặp vợ chồng rất xứng đôi vừa lứa, môn đăng hộ đối, ruộng đất trâu bò, quan huyện suôi gia với quan phủ nhưng... vợ chồng không yêu nhau má à! Con với anh Hai thương nhau và công tác phối hợp với nhau. Con tìm thấy nơi anh Hai một thủ trưởng dìu dắt con, còn con được anh Hai xem như cánh tay đắc lực của anh. Như vậy thì đúng như lời ông bà mình đã nói: Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn má à?

Má tôi ngạc nhiên trước sự lưu loát của cô bé còn mọi người thì ngẩn ngơ. Những người quen với Ua thì không ngờ cô bé loắc choắc nổi danh cao-bồi này lại khôn ngoan như vậy. Má tôi không nói gì, chỉ nhìn tôi chờ câu trả lời. Nhưng tôi cũng không nói gì. Tôi ở thế kẹt... bốn phía. Càng nhúc nhích càng kẹt nặng.

Thằng em trai tôi vốn là một đại úy Việt Nam Cộng Hòa, thấy thế bèn phá vây cho tôi:

- Thôi bây giờ mời má cùng tất cả bà con dùng bữa chiều. Mâm cỗ đã dọn ra từ lâu rồi chỉ chờ anh Hai về là nhập tiệc Còn việc lớn lao kia má sẽ định liệu sau.

Mọi người quay sang bộ ván đầy thức ăn bày biện rất mỹ thuật. Ắt hẳn có bàn tay đàn bà trong đó.

Má tôi vẫn chú ý đến Ua. Bà hỏi:

- Sao trong khu mà tóc tai con lại quăn queo thế này?

Ua nhanh tay chộp lấy chõm tóc giở tung lên và gật đầu một cái. Mái tóc dài tự nhiên của Ua xõa dài xuống vai. Rồi nàng vén lên chụp cái đầu tóc giả lên.

- Tóc con đâu có quăn đâu má!

Mọi người vui vẻ, kẻ đứng người ngồi. Bộ ván chật nứt, chủ và khách thân mật như bà con lâu ngày mới gặp lại. Ua nói năng duyên dáng hơn bao giờ hết. Tôi thấy rõ nàng lanh lợi hơn lúc tôi mới gặp rất nhiều. Riêng Nga thì buồn xo. Tôi để ý thấy nàng gắp có một miếng thịt nhỏ mà ăn hoài không hết. Còn tôi thì ruột rà như tơ vò. Tôi chỉ gợi chuyện nhà với em trai và em gái tôi. Vừa nói vừa nghĩ kế thoát thân. Chưa thấy tí ánh sáng lóe lên ở cuối đường hầm thì bỗng có tiếng chân người. Tôi nhìn ra thì thấy Ba Hỉ, bí thư xã. Ba Hỉ hăng hái đi vào, phía sau là hai nàng còn trẻ măng. Ba Hỉ hỏi:

- Má chú Hai là ai đâu? Tôi nghe nói bà vừa tới nên đem hai món quà hiếm có cho bà.

Ba Lập hỏi:

- Quà gì? cứ đem vô dọn luôn ra cho bà con dùng luôn một thể.

Ba Hỉ cười:

- Quà này không dọn lên mâm dược. Hì hì!

- Quà gì mà lạ vậy?

Ba Hỉ nửa cà rỡn nửa nghiêm chỉnh nói một hơi:

- Quà này có hai chân hai tay. Nó biết cười và biết khóc. Thưa bác, không nói giấu gì bác và xin bác xá lỗi cho. Đây là hai cô gái. - Ba Hỉ quay lại - Cô áo tím tên là Miền, cô áo xanh tên là Điền. Cô Miền có người anh là nông hội xã còn ba má cô Điền là điền chủ. Cả hai cô chưa quá hai mươi. Đây, bác và anh Hai xem mắt. Bác đành bụng cô nào làm dâu bác thì xã tôi sẽ đứng ra làm lễ tuyên bố. Sẵn dịp bác vô đây, đám cưới xong bác dẫn thím Hai về trình diện bác trai.

Hai.cô thẹn thùng đưa tay che mặt và đứng núp sau gốccột. Má tôi lại nhìn tôi. Trước sự việc bất ngờ tôi càng bị kẹt cứng. Tôi chưa hề quen hai cô. Mấy lần trước liên hệ công tác với Ba Hỉ, anh có hỏi việc vợ con tôi, tôi nói thật tôi còn chân trơn, thì anh bảo: "Để tôi kiếm dùm cho, không đòi đầu heo đầu gà gì hết." Nào ngờ anh làm thật.

Anh đưa đến như vầy, không dò xét trước, rủi ro lỡ duyên người ta rồi ai chịu trách nhiệm. Thằng em trai tôi lại gỡ rối tơ lòng cho tôi lần nữa:

- Trước nhất tôi thay mặt gia đình cám ơn anh đã có lòng tốt đối với anh Hai tôi. Quả là chuyện xưa nay tôi chưa từng biết! Vậy mời anh Ba nhận ly rượu mọn của tôi cái đã, rồi sau đây má tôi và anh Hai tôi sẽ quyết định.

Tôi tưởng nàng Ua nổi khùng lên, nói vung vít bể bạc thì tôi chỉ có nước độn thổ. Nhưng tôi rất đổi ngạc nhiên. Nàng không tỏ vẻ bất mãn gì hết. Ngược lại nàng rất tự nhiên:

- Chà! Bác vô bữa nay gặp chuyện vui quá. Nhưng có nhiều cô dâu ứng thì thế này mà cô nào cũng đẹp chắc anh Hai khó chọn lựa, vậy em đề nghị bắt thăm. Trời khiến sao, anh phải chịu vậy. Anh Hai thấy sao?

Tôi đáp:

- Để má quyết định.

Má tôi rất văn nghệ. Bà nói:

- Bây giờ để má thường các con dâu của má trước đã. Đưa chén đây, má bỏ thịt và bánh mì cho.

Nhưng không thấy chén nào chìa ra cả. Thằng em trai tôi bảo:

- Các chị Hai của con mắc cỡ má à! Má cứ gắp bỏ vô chén mấy chị là được. Bắt đầu từ đâu? Cứ theo thứ tự ABC cho công bình. Chị Điền, chị Miền, chị Nga rồi chị Ua.

Ba Lập lên tiếng phản đối.

- Rồi con Hòa em gái tôi mất chỗ hay sao?

Ua bảo:

- Em đứng chót nhưng quay ngược lại thì em đứng đầu.

- Sao kỳ vậy được?

- Trong quân sự người ta gọi lấy đuôi làm đầu mà.

Má tôi nhìn Ua. Có lẽ bà ngạc nhiên trước sự ứng đáp của con nhỏ tóc quăn. Sợi dây căng thẳng suýt đứt lại tan đi với sự pha trò càng lúc càng ròn rã của mọi người dưới sự dẫn đầu của thằng em tôi.

Tiệc xong, nàng Ua hối hả trở về vì đã trễ giờ phép hơi lâu. Còn các mỹ nhân khác thì lúi húi dọn dẹp giúp chủ nhà.

Tôi đến hỏi thăm má tôi về việc gia đình một lúc và lôi thằng em trai về hầm nói chuyện riêng cũng là chuyện quan trọng nhất của cuộc trùng phùng này.

Lúc tôi về R thay mặt đoàn pháo binh 69R để nhận huân chương, tôi có gặp anh Ba Thành là người bản sở và là thủ trưởng cũ của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Lần đó tôi có báo cáo với anh rằng tôi có một đứa em trai làm đại úy Thủy Quân Lục Chiến ở Sài gòn. Ba Thành bẩm lên trên và ở trên đã cho tôi về Củ Chi công tác đồng thời móc em tôi ra vận động cho nó làm Binh Biến như Phùng Văn Mười ở Bình Dương. Việc này được giao cho Quân báo Chín Lộc mắt toét, người đã từng sang học nghề tình báo ở Liên Xô. Móc tới ngoéo lui cà trật cà duộc gần hai năm em tôi mới ra gặp tôi. Đây là lần gặp gỡ giữa hai anh em ruột rất nguy hiểm cho sinh mạng của cả hai đứa. Có điều lạ lùng là cả hai anh em đều là đại úy cả, nhưng kẻ đứng bên này, người ở bên kia.

Lúc còn nhỏ, ba má tôi thấy nó èo uộc nên gởi cho một nhà hàng xóm nuôi dùm. Nhà này nuôi con rất khỏe và đặt tên con rất oai hùng. Hùm, Cọp, Beo. Tới phiên nó thì lãnh tên Gấu. Còn tôi, má tôi đang đi cấy thì nghe sét đánh thì chuyển bụng. Bà bỏ về nhà và sanh ra tôi, nên bà ngoại tôi bảo đó là nhờ Thiên Lôi nên đặt tên tôi là Lôi. Lôi 33.

- Gấu à! Anh muốn nói với em một chuyện quan trọng.

- Em biết rồi! Có bà gì cứ đến nhà em hoài.

- Ừ chính là vì bà đó mà anh nói với em hôm nay.

- Em không thể làm Phùng Văn Mười đâu anh à.

Tôi vỗ vai nó:

- Đúng! Như vậy anh không cần phải nói gì thêm với em nữa.

- Anh theo lý tưởng của anh, em không phản đối mà cũng không trách. Em có lý tưởng của em.

- Anh cũng không trách mà cũng không phản đối. Có điều là em phải thận trọng kẻo cấp chỉ huy của em hay được thì nguy to.

Đại úy Gấu cười:

- Anh tưởng em đi lén sao? Em xin phép đại tá Trung đoàn trưởng của em đấy.

- Em nói thiệt?

- Đại tá sếp em đã báo cáo lên Tướng Tư lệnh Sư Đoàn và vị Tư lệnh thích lắm.

- Em có giỡn không?

- Không! Em nói thiệt đó mà.

-...nghĩa là sao?

- Ông ấy gọi em lên. Em run quá. Kiểu này chắc mất chức và tù, nhưng không. Tất cả dự đoán của em đều sai.

- Cái thằng!

Đại úy Gấu móc thuốc ra. Hai anh em cùng hút. Trong khói thuốc mịt mù, Gấu bảo:

- Tướng Tư lệnh cho phép em đi thăm anh bảy ngày.

- Thiệt à?

- Nếu không thì sao một đại úy như em lại bỏ đơn vị mà đi được anh. Nói thật với anh, anh đừng buồn nghen! Ổng giao cho em sứ mạng biến anh làm một Phùng Văn Mười trong hàng ngũ Việt Cộng đấy.

- Không thể được!... Em về báo cáo láo với ông ta.

- Không! Em sẽ nói sự thực. Trước khi em đi, ổng còn căn dặn: Cộng Sản là những người cuồng tín và thú tính, khó nói sự thực cho họ nghe. Lại càng khó dùng tình cảm để lay chuyển họ. Vậy nếu không đạt được kết quả chính trị thì coi như cậu đi thăm anh ruột của cậu như những cặp anh em khác cùng hoàn cảnh với cậu trong Sư đoàn của mình mà tôi biết. Điều này càng cho họ thấy rõ chúng ta là những con người quyết tử chống họ, nhưng là những người có trái tim.

Đại úy Gấu phà một làn khói bát ngát. Tôi thầm phục ông tướng đó. Tuy vậy vẫn tìm cách nói quanh, phủ nhận những cái tốt của người khác, như một thói quen của các cấp chỉ huy giáo dục tôi và nay đã trở thành quán tính của tôi, không biết từ bao giờ.

- Ông ta lừa cậu đó. Cậu về mà không kết quả, chắc cậu sẽ không yên thân đâu.

- Ở bên anh chuyện đó đã xảy ra sao?

Tôi lặng thinh. Đại úy Gấu tiếp:

- Tôi sẽ về báo cáo mọi việc như đã thấy, cả việc anh Ba Hỉ tặng quà cho má.

Đêm đã khuya. Hai anh em ngồi bên nhau. Khói thuốc như mây bao bọc hai mái đầu. Tàn thuốc chừng như đã vun thành núi. Tôi muốn nói với em tôi một điều mà không nói được Tôi muốn nhờ em tôi một việc nhưng rồi cũng không nhờ. Việc ấy tôi giấu kín trong tim.

Hai anh em cùng một dòng máu nhưng kẻ bên ni, người bên tê. Gần nhau gang tấc mà xa ngàn dậm, không phải cái xa của mặt trời mặt trăng cả ngàn năm ánh sáng mà là xa cách giữa hai nhịp tim đập.

Tôi vào giăng võng ở miệng hầm. Má tôi đã ngủ. Tôi không muốn má tôi thức dậy. Tôi muốn tôi trở thành tên lính canh cho giấc ngủ của má tôi. Mới đây mà đã hai mươi năm.

Lúc tôi vác nóp đi kháng chiến với ba tôi thì má tôi còn trẻ. Nay má tôi đã bạc đầu, có cháu ngoại cháu nội. Tôi bằng tuổi má tôi thời đó mà chưa có con cho má tôi bồng. Muộn mất hai mươi năm. Ba má tôi muốn đứa cháu đích tôn. Tôi cũng muốn có vợ có con bình thường, hường một thứ hạnh phúc bình thường của những cặp vợ chồng nông dân. Tưởng dễ nhưng lại khó.

Tôi có một ngàn chuyện chứa trong đầu. Chuyện giữa tôi và thằng Gấu coi như đã giải quyết xong. Đường ai nấy đi. Thấy cách suy nghĩ nói năng của nó. Tôi hiểu nó hơn tôi tưởng. Nó không phải là tên lính đánh thuê như người ta thường huấn luyện tôi và rồi sự nhồi nhét đó trở thành nếp suy nghĩ của tôi từ lúc nào không rõ. Bây giờ thì tôi đã hiểu rằng mình lầm.

Còn chuyện vợ con? Đó là cây gươm linh treo lơ lững trên đầu tôi Tôi như một Thúy Kiều. Sống làm vợ khắp người ta. Hại thay! thác xuống làm ma không chồng. Tôi không sống lâu đâu mà hòng vợ con. Bom đạn Củ Chi này không phải như bất cứ chiến trường nào tôi đã từng biết. Không ở đâu cán bộ hi sinh nhanh chóng dễ dàng và nhiều như ở đây. Tôi sống ngày nào may này ấy. Thì vợ, con mà làm gì? Vợ góa, con côi. Nấm mồ trăn trở. Tôi như thấy trước mắt cái gương mặt thằng Chi trắng bệt, xanh như lá. Nó mới hai mươi hai tuổi. Vợ chưa cưới. Vợ cưới rồi có nỗi khổ của vợ cưới rồi, vợ chưa cưới.có niềm đau của vợ chưa cưới. Thu Hà! Gương mặt nàng đầm đìa nước mắt núp sau cây bằng lăng ở Trường Sơn. Hứa đó nhưng chắc gì đã tới đâu. Tôi nghe đầu võng lắc lắc rồi tiếng thầm thì:

- Anh Hai ngủ hay thức?

- Ai vậy?

- Em! Anh ra đây em băng cái móng chân tách cho anh!

Trời! Nga. Từ chiều tới giờ tôi quên khuấy đi nàng Hằng Nga của tôi. Trăng mọc giữa đêm đen và chỉ rọi ánh sáng xuống cho tôi. Bên cạnh một nàng Ua xông xáo, hoạt bát, duyên dáng, Nga chỉ im lặng, một sự chịu đựng vô biên, cũng như nàng đã từng chịu đựng khi tôi băng cái móng chân chảy máu của nàng. Nàng chịu đựng những tai tiếng mà những bậc chú bác kính mến đã vu oan cho nàng vì không được nàng hạ xuống cho cấp anh. Tôi hiểu cái móng chân tách của tôi ở đâu.

Tôi bật dậy đi theo nàng. Trong đêm tối mịt và giữa sự im lặng tuyệt đối, tôi nghe tiếng tim đập và hơi thở của nàng. Tôi ngửi thấy mùi hương của tóc và da thịt trinh nguyên. Nga là một Hằng Nga của gã Thiên Lôi lạc xuống dương trần.

Tôi quơ đụng và nắm cườm tay tròn mát rợi của nàng như đã cầm được hạnh phúc cụ thể vô cùng. Tôi ngoan ngoãn đi theo nàng. Tôi thầm nhủ.

- Coi chừng lại vấp tách móng chân.

Nhưng đi đâu? Ra cái hầm lúc chiều đi ngoài vườn tôi trông thấy. Ngó tìm hầm, đó không những là thói quen của các nhà quân sự mà là thói quen của tất cả mọi người ở đây. Hễ ra khỏi nhà thì dáo dác tìm hầm, hoặc hỏi thổ địa hầm đâu. Hai Giả xuống Thủ Đức chết vì lựu đạn Đại Hàn ngay dưới hầm. Vì đó là cái hầm quốc tế. Ai cũng có thể bị cán bộ địa phương vô trách nhiệm nhét xuống đó.

Cái hầm ngoài vườn là loại hầm tấn tức là hầm có vách đất dày bốn phía chớ không có nắp che trên đầu. Nếu đại bác rơi ngay theo kiểu cò ỉa miệng chai thì lãnh đủ.

Tôi dắt Nga ra đó bấm đèn pin lên. Thiệt là buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Mùng giăng chiếu trải lại có cả một cặp gối, một chiếc rách lòi gòn. Nga mang cả ba lô theo. (Nàng đựng dụng cụ để băng cái móng chân tách của tôi chăng?)

- Em định trả ơn cho anh hả?... Móng chân anh đâu có tách đâu. Chỉ có trái tim anh rách thôi.

- Trái tim anh chỉ còn cái cuống thôi. Còn bao nhiêu thì anh đã cắt ra từng mảnh chia cho người ta hết rồi, chớ có đâu mà rách!

Tôi khẽ vỗ ngực.

- Còn nguyên cho em đây nè Nga à!

- Em không mong nhận được nguyên trái tim anh, chỉ xin được một mảnh nhỏ thì em cũng đủ hạnh phúc lắm rồi.

Tôi sửa soạn tổ ấm xong rồi kéo tay Nga ngồi bên mép chiếu trải dưới đất, không có giường. Tôi vuốt lưng nàng và nói:

- Không rước được má xuống chắc em buồn lắm hả Nga?

- Không có má xuống thì có má lên, em đâu có buồn. Dù sao em cũng có má!

Nga là một người thùy mị thâm trầm khác hẳn Ua sôi nổi liếng thoắng. Nàng nói cười đều chậm chạp nhưng ý tứ được trau chuốc trước khi thành lời. Tôi hỏi tiếp:

- Em thấy má có thích em không?

- Hồi tối lúc anh nói chuyện với chú Năm (Gấu) má kêu em lại nói chuyện tới khuya em mới dọn giường cho má ngủ. Má biểu em nằm với má nói chuyện tiếp.

- Má với em nói chuyện gì?

- Má hỏi thăm gia đình bên em.

- Chuyện gì nữa. Má hỏi thăm chị Ua. Em nói em mới biết chỉ lần thứ nhất.

- Má có nói gì chị Ua không?

- Má nói con gái mà hoạt động thành thiệt là giỏi!

- Má nói có bấy nhiêu thôi à?

- Má còn nói đi như vậy ai nấu cơm cho chồng ăn, có con ai nuôi cho!

Tôi hỏi chơi vậy thôi chớ tôi biết ý má tôi, em trai lẫn em gái tôi ngả về ai. Nếu chọn dâu bất cứ bà già nào cũng ngán nàng Ua hết.

Tôi tưởng cái chuyện Ba Hỉ tặng hai món quà cho má tôi là hi hữu ở thế gian thời này, chẳng dè sau khi mọi người tản ra, vào lúc chạng vạng thì... Ba Hai (ba chiến sĩ) bất ngờ tới. Ba Hai đầu bạc trắng, trước kia từng làm Đại Hương Cả trong làng. Ba nói với má tôi, giọng sang sảng:

- Tôi nghe tiếng chú em này lâu rồi. Nay mới gặp. Hân hạnh hơn nữa là được biết chị là mẫu thân của chú. Vừa rồi chú Ba Hỉ có nói với tôi việc đem hai đứa nhỏ cho chị xem mắt. Chị thương thì nó nhờ, còn không thương thì của đâu còn có đó, không mất mát đàng nào. Riêng tôi cũng có một đứa, tôi muốn chị xem qua. Số là tôi có đứa con gái út đã gã cho thằng Bảy Lập kéo đờn Tây trong Văn Công quận là chủ nhà này. Anh suôi tôi tức là ông già ruột của nó còn một đứa con gái tên là Chín Hòa. Con nhỏ đang dạy lớp bình dân ấp này, dung nhan coi cũng mặn mòi chớ không đến nổi xấu xí chi. Tôi xin mạn phép anh suôi tôi đến đây thưa với chị. Nếu chị cho phép thì mai tôi sẽ dẫn nó đến ra mắt và nếu chị thương thì chắc anh suôi tôi cũng mừng lắm.

Má tôi lấy làm sung sướng thấy bà con thương con mình rất nồng hậu, nhưng bà không biết quyết định như thế nào, đành mượn kế hoãn binh:

- Nó thương ai tôi cưới nấy.

Tôi hỏi tiếp Nga:

- Má có gì về các cô Miền, Điền và Hòa không?

- Coi mòi má thương chị Tám Lệ nhất, ngặt chỉ có con.

Nga khôn khéo loại ra ngoài vòng chiến tất cả các đối thủ bằng một đối thủ của nàng. Nhưng đối thủ này lại có nhược điểm vô cùng to lớn nàng không cần đánh cũng thắng. Làm thế nào bà già cưới đàn bà có con cho con trai mình được? Tôi nói:

- Anh biết ý má thương em nhất chớ chẳng phải cô Tám đâu!

Vừa nói tôi lôi tay nàng ngã xuống gối đầu lên cánh tay tôi. Vẫn biết việc Nga đi với tôi ra đây là nghĩa gì rồi, nhưng tôi không muốn để cho nàng có tư tưởng tôi là nước lớn đối với xứ nhược tiểu. Tôi tiếp:

- Riêng anh thương em nhất!

Vừa nói tôi xoay mặt nàng qua và hôn môi.

- Em thấy chị Ua văn minh quá lại công tác giỏi nữa.

- Nhưng không sánh với em được. Má nói em công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn.

- Mới gặp em sao má biết được?

- Trời! mấy bà già coi dâu tinh vi lắm. Mấy bả chỉ cần xem cái bếp là biết hết.

- Em thấy chị Miền cũng đẹp quá trời.

Tôi nói.

- Đối với anh, không ai bằng em!.

- Anh không sợ Má văn công, Mông y tá sao?

- Ăn không được thì khuấy cho hôi. Đó là tâm lý người đời Cho nên họ phao đồn như vậy.

- Yêu em thì sau này đừng có ân hận nghe ông thầy pháo.

- Tại sao anh phải ân hận?

- Em không biết... Rủi anh nghe về em như thế này mà em ra thế khác thì anh hận chớ sao!

- Thế khác là thế nào? Anh chỉ thấy em như thế này..

- Các chú các bác đến quân y nhiều quá, chú Tư Chuyền phát cáu đòi đuổi em vì em quến khách, lộ bí mật địa điểm. Có lần chú nói thẳng: "Đây là quân y không phải chỗ mấy ông uống trà. Có uống trà thì ra quán Sáu Tĩnh mà uống"‘

- Trong số khách đó có chú Lôi phải không?

- Anh chỉ đến có hai lần. Lần đầu đang ăn khoai mì nấu thì bị chị Là vô kéo về. Lần sau anh vô thăm chiến thương sau trận pháo kích Trung Hòa và Đồng Dù.

- Thôi, anh không vô đó nữa. Từ biệt luôn Quân y!

- Tại sao?

- Vì em ở đây rồi, anh vô đó làm gì nữa. Anh có bị thương thì cũng ráng lết qua Bưng Còng chớ không dám vô C5.

- Có em săn sóc cho anh, không hơn người khác à?

- Đám y tá y tướng của em biết em yêu anh, chúng nó ghen, chúng cưa giò anh bỏ mạng!

- Anh nghĩ chuyện gì đâu không hà!

- Tình đời là thế đó em. Bất tài người ta khinh. Có tài người ta ghét. Anh được em yêu nhưng sẽ bị cả trăm người ghét, cả ngàn người thù.

Nga lặng thinh. Hồi lâu nàng nói:

- Em vừa nghe anh nói một lời quý báu. Nhờ đó em hiểu thêm đời.

Nga mở mắt thau láu ngó tôi. ánh trăng khuya lọt kẻ nóc chòi xơ xác lắp lánh trong mắt nàng. Tôi không ngờ đêm nay chị Hằng trên trăng lại làm cho Nga dưới đất đẹp đẽ bội phần.

Nàng quàng tay vào cổ tôi như vuông lụa phất qua và rủ rỉ:

- Em yêu anh quả là bất ngờ, không suy nghĩ. Kể từ gặp anh đến nay đã hơn một năm rồi. Lúa nào em cũng thầm ước gặp lại anh để nói với anh một lời. Em yêu anh như một người thầy, một người bạn và một người chồng.

Nàng hôn tôi thắm thiết. Cái hôn trút hết những tình cảm đè nén lâu nay. Tôi bảo:

- Em cho anh nhiều quá sợ anh không có gì để đáp lại.

- Anh chỉ yêu em là đủ.

- Anh yêu em suốt đời...

-...suốt đời, không phải chỉ suốt đêm nay nhé.

Tôi hôn nàng như một lời hứa.

- Nhưng em xin anh một điều.

- Em sợ có con?

- Không. Chính là ngược lại. Em muốn có một đứa con với anh. Vì thế lúc yêu, em không muốn có sự ngăn cách nào.

- Em nghĩ rằng anh nghĩ tới ai khác?

- Không! Đố anh biết em muốn gì?

Tôi ngờ nàng ghen với cô nọ nàng kia. Thực ra tôi yêu ai cũng yêu với tất cả trái tim, không nửa vời không lừa lọc nhưng chưa bao giờ tôi hứa sẽ cưới ai. Tôi đang suy nghĩ tìm câu trả lời thì nàng quơ tay vào túi tôi, bảo:

- Đưa em cái bóp của anh coi.

Tôi hiểu ý nàng.

- Anh bỏ trong sắc... Em định xét chứng minh thư nhân dân của anh chớ gì.

Nàng tát nhẹ má tôi, rồi cụng trán tôi, cười rút rích.

Nàng lần tay bấm từng nút áo bóp. Tiếng nút áo bật ra rắc rắc như tiếng pháo tí hơn. Tiếng khua xào xạo của vải vóc làm tôi ngây ngất. Đã nghe mùi da thịt và tràn ngập trong lòng hầm. Nàng lấy trong ba lô một tấm khăn trắng lót trên gối nằm lên, rồi bảo:

- Đêm nay chúng mình thành hôn. Em có lỗi với má vì không thưa qua một lời, nhưng nếu má biết em yêu anh thì chắc má rất vui lòng. Yêu em đi anh, chàng. trai lý tưởng của đời em! Nếu một trái pháo rơi ngay vào hầm trong lúc này em vẫn tìm thấy hạnh phúc chết trong tay anh.

Nàng nói những câu giống như tiểu thuyết. Mà tiểu thuyết thật! Củ Chi này là pho tiểu thuyết đẫm máu và nước mắt hãi hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Chưa một tiểu thuyết nào của nhân loại hãi hùng hơn Củ Chi, hai tiếng Củ Chi. Góa phụ mười tám tuổi. Vợ chồng con cái chết chung một hầm. Đôi tân hôn nhận một món quà bất ngờ trong lúc giao hoan: một quả đạn pháo 105. Đau thương hơn nữa, đôi vợ chồng mới cưới dắt nhau về quê vợ đạp lựu đạn gài, người chồng tử thương!

Nghe đến cái hạnh phúc chết trong tay anh tôi như bị một luồng gió lạnh chạy qua xương sống, sửng sờ. Tự nãy giờ pháo Đồng Dù và Trung Hòa thay nhau nhịp trường canh cho dân Củ Chi ngủ yên hơn ở những nơi khác. Ánh sáng hỏa châu lọt tận góc địa đàng này. Tiếng oanh thỏ thẻ.

- Sao anh ngồi trân trân vậy?

Tôi giật mình đáp như máy:

- Em như đóa hoa đẹp, anh muốn ngắm thật lâu trước khi hái.

Thật vậy, thân hình nàng đẹp như một bức tượng pha lê sợ đụng mạnh sẽ vỡ tan. Ánh trăng mờ chiếu làm cho làn da ngà càng nổi bật. Tôi bắt đầu cúi xuống nụ hồng, nhưng nàng ghì đầu tôi xuống môi nàng, thầm thì:

- Hôn em trước. Em muốn nhận cái hôn đầu tiên của vợ chồng trước khi em...

Tôi không có kiên nhẫn nghe gì thêm.

Chúng tôi đã gặp nhau trong một phút liêng liêng ở đỉnh núi cao nhất của tình yêu. Tôi trong tay nàng. Nàng trong tay tôi. Những phút câm lặng. Những hơi thở và những tiếng tim đập nghe rõ như tiếng trống khải hoàn. Một cuộc chiến chinh, cả hai đều thắng. Đã toại hưởng, tôi vẫn còn say mê nhìn thân thể của nàng lấp lánh trăng. Tôi lại hôn nàng, hôn khắp. Nàng vụt ngồi dậy rút chiếc gối ra như giật mình.

- Coi chừng dính gối người ta biết!

Rồi nàng cầm lấy chiếc khăn trắng nâng lên, đưa cho tôi với tất cả tự hào.

Lúc ba tôi vào thăm tôi ở cơ quan Chín Lộc thì tình hình còn yên ổn, nghĩa là pháo vẫn giã gạo hằng đêm rung mặt đất, nhưng chợ An Nhơn vẫn còn xe nước mía, tài tử giai nhân qua lại dập dìu. Nhưng tôi đã phải gấp rút đưa ba tôi về vì sợ rủi ro thì tôi sẽ ân hận không biết dường nào. Bây giờ tình hình căng lên gấp mười lần. Pháo giả gạo không kể giờ giấc. Ngoài ra biệt kích còn thọc mạnh vào khu, hơn nữa xe tăng càn. Lần này lại có vợ chồng đứa em gái, em trai, cả một gánh nặng, cho nên tôi không muốn gia đình tôi ở lại lâu hơn.

Hai mươi năm xa cách, một lần thấy mặt mẹ và các em, như vậy cũng đủ rồi. Nếu muốn hơn thì biết bao nhiêu cho cùng? Trước khi chia tay với đứa con trai tưởng đã vùi thân nơi nào rồi, má tôi nhờ người đi chợ mua đồ về cúng. Má tôi bảo tôi lạy bàn thờ như thuở nhỏ tôi ở nhà mỗi lần có đám giỗ. Má tôi không vui khi biết tôi luôn luôn xông pha lằn tên mũi đạn. Má tôi bảo:

- Họ có làm gì mà con giết họ? Má ở nhà mấy chục năm nay đâu có ai động đến gia đình mình.

Thằng em tôi nhìn tôi. Tôi cũng nhìn nó trong làn khói hương lờ mờ. Hai anh em ruột nhưng mỗi đứa một đường cùng đứng bên mẹ ruột, còn biết nói năng gì với mẹ và với nhau! Thằng nào cũng có lý tưởng để tôn thờ. Thôi thì mạnh anh anh đi, mạnh em em bước. Má tôi vái cô hồn các đảng và những người khuất mặt khuất mày phò hộ cho tôi, chớ không vái câu nào cho em tôi. Hình như chỉ có tôi mới gặp tai nạn còn em tôi thì không. Má tôi dặn tôi:

- Con là chỉ huy, con đừng đánh lính như ông Tô Ký hồi xưa nghe. Con có thương họ, họ mới thương con. Con có nhớ tích Hán Cao Tổ bị giặc chém mà có người tướng là Kỷ Tín nhảy ra đỡ ngọn giáo không?

Câu dặn dò đó đối với tôi còn thắm thía hơn ngàn lần bài học chính trị của đời tôi.

Rồi phút chia tay phải đến. Tôi đưa má tôi và các em ra đường lớn. Tôi đứng nhìn theo bụng nghĩ thầm không biết bao giờ gặp lại má và các em. Bất thần tôi quỳ xuống đất gục đầu lạy má tôi hai lạy bụng thầm bảo:

- Con bất hiếu xin lạy má đền ơn sanh thành dưỡng dục.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx