sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 74: Kim Anh - Nàng Tiên Bên Lề Cuộc Chiến

Hai đại đội do Tư Nhựt dẫn đi đến Tân Qui bằng con đường gập ghềnh xa: toàn những cây cầu khỉ cheo leo, khiêng vác súng nặng té lên té xuống, trấn nước cả người lẫn súng. Nhưng điềm gở báo trước sự thất bại thảm hại của trận đánh này, Tổ trinh sát tiểu đoàn đụng biệt kích Mỹ. Tưởng rằng chúng đã rút hết về ở sở cao su Bà Hộ dè đâu còn nín lại hai chiếc xe tăng phục kích tại Mội Nước Nhỉ, đường 15. Hai trinh sát viên bị bắn chết dọc đường. Tư Nhựt bảo khiêng giao cho địa phương rồi tiếp tục hành quân.

Hai đứa đó là thằng Ức nhà ở đồng Lớn, đứa kia là thằng Lợi, em trai của dũng sĩ Bảy Nê. Tội nghiệp thằng Ức ham súng, mới mười sáu tuổi, đầu quân mới được ba ngày. Cái tuổi đến nhà trường lại bị tung ra chiến trường chết oan uổng. đó không phải là lỗi của Ba Thâm mà là tội của tụi Hà Nội. Hàng vạn thiếu niên đã bỏ mình như thằng Ức. Út Sương C trưởng C3 đi sau tôi thở dài:

- Chắc chết tôi quá anh Hai!

- Gì vậy?

- Lần này về Đồng Lớn, ghé quán má thằng Ức, tôi biết ăn nói làm sao đây?

Tôi lặng thinh. Trong đầu tôi hiện lên cái nghĩa trang ở Ngã Ba Sòng với những nấm mộ nhấp nhô chỉ có những đoá hoa mắc cỡ tô điểm. Cái mả thằng Chi chưa cháy hết nhang nay lại thêm hai thằng bé. Sau trận Tân Qui này không biết nghĩa trang này sẽ đặc thêm bao nhiêu.

Trong bụng tôi lại gợn lên một nghi ngờ. Sao ở ngoài quán Sáu Khuân lẫn trong bếp ông Năm Lê, người ta đều biết bô đội đi đánh Tân Qui? Làm sao đánh được khi địch đã hay? Tuy vậy tôi vẫn tiến tới và đã cho Ba Quyết đi tiền trạm. Ba Quyết là anh ruột của Sáu Quăn. Cô nàng đã lần bắt cóc tôi ra họp xã ủy ngoài rừng lúc tôi đi nghiên cứu trận địa pháo kích Trung Hoà và Đồng Dù. Ba Quyết có vợ và có một thằng con trai rất kháu. Hắn là một tay súng dũng cả. Đáng lẽ hắn được đề bạt lên C phó, nhưng vì tính nóng nảy nên cứ ở lỳ chức B trưởng. Ra trận đứa nào không xung phong hắn đánh và xách đầu phóng tới. Nhưng trong công tác thì hắn là một cán bộ rất đáng tin cậy.

Đến Mội Nước Nhỉ, chỗ hai cậu trinh sát vừa bị bắn chết, tôi đã ngửi thấy mùi thuốc TNT trong không khí. Cũng may Tư Nhựt cho lượm xác và tẩy vết máu, nếu không bộ đội đi qua thấy sẽ mất tinh thần làm sao đánh được giặc? Đêm nay không nghe tiếng pháo, nhưng sự im lặng này còn đáng sợ hơn là tiếng súng vì tôi biết đó là sự im lặng của bầu không khí bị nén, rồi sẽ nổ ra.

Tôi gặp Tư Nhựt D trưởng lần đầu tiên ở đây. Hắn không có vẻ gì xúc động khi nghe báo tin hai trinh sát viên bị phục kích. Âu đó cũng là một đức tính tốt của một người chỉ huy. Lắm lúc phải lạnh như tiền để tránh sự xao xuyến cho đơn vị. Tư Nhựt bảo tôi:

- Chín Câu xui xẻo quá! Mình ở đây nghỉ rồi mai họp trung đoàn.

Tôi hỏi:

- Hai Phái (chính trị viên D) đâu rồi?

Tư Nhựt cười nhếch mép, ló cái răng vàng ở góc miệng:

- Ổng đang thả dê đâu đó không biết.

Tôi nghĩ thầm:

- Quái lạ! Sắp xuất trận thì ông D phó chết. Trên đường ra trận hai trinh sát viên bỏ mình. Còn ban chỉ huy tiểu đoàn thì mỗi kẻ một nơi!

Vào nhà dân nghỉ ngơi, Tư Nhựt tâm sự với tôi:

- Kỳ này mình tấn công cấp trung đoàn nhưng phương tiện chỉ huy hẽo quá thầy.(Tư Nhựt gọi tôi bằng thầy mặc dù tôi là Tham mưu trưởng D). Không biết rồi ông Ba Châm chỉ huy các cánh ra sao.

Tôi mới về không rõ hiện tình của Trung đoàn. Đúng ra từ trước tới nay nó chưa phải là một Trung đoàn về mặt vũ khí, phương tiện thông tin lẫn quân số. Nó chỉ là một sự tập hợp đầu gà đít vịt của ba tiểu đoàn non nớt về mặt quân số và vũ khí mà thôi.

Tôi đáp lấy lệ:

- Chắc là ở trên đã lo cả rồi. Mình chỉ chịu trách nhiệm cánh mình thôi.

Tư Nhựt hỏi:

- Thầy có quen với ông Năm Tiền sao tôi nghe ổng nhắc tới thầy luôn?

- Tôi biết ảnh hồi chín năm. Lúc đó tôi mới mười sáu tuổi. ảnh chỉ huy đại đội thuộc Trung đoàn 308, còn tôi chỉ là lính lải ở Trung đoàn 300.

Tư Nhựt nói:

- Ổng là anh nuôi của tôi. Ổng là Lê Minh Tiền, còn tôi là Lê Minh Nhựt. Thực ra tên cúng cơm của tôi là Lê Văn Luông.

Tôi lại hỏi Tư Nhựt:

- Kỳ này U của ông Bảy Nô có phối hợp với tiểu đoàn mình không anh Tư?

-Ổng đâu có thích ông Bắc kỳ Châm. Hai ông ấy như nước với lửa. Ổng chỉ hứa tối mai lúc mình nổ súng thì ổng sẽ cho D7 đột nhập chợ Phú Hoà để kiềm chết và thu hút một phần các họng pháo mà thôi.

Rồi Tư Nhựt cho trinh sát dắt tôi đến một cái nhà gần đó nhưng không vào, lại bảo:

- Mấy ổng ở trong đó, thầy vào đi!

Tôi ngó vô nhà trống vách thì thấy cái đầu bạc thì biết là Ba Châm, nhưng sẽ chỉ huy trận đánh này. Kế đó là Út Lịa và Hai Phái, ngồi giữa Ba Châm và Út Lịa là một cô gái đầu quăn đang cười ngã ngớn với các chú bác. Tôi hỏi cậu trinh sát, cậu đáp với giọng không phấn khởi:

- Đó là cô Kim Anh, con của má Hai. Hai mẹ con đang làm công tác gì quan trọng lắm trên R. Hỗm rày bữa nào tôi cũng thấy cổ đạo xe ra chợ Phú Hoà Đông. Chắc mấy ổng nhờ làm chuyện gì. Thầy vào đó thì biết. Cỡ tụi tôi cổ đâu có thèm ngó.

- Chắc là thứ dữ.

- Cô ta làm em nuôi tất cả mấy ông lớn ở đây. Chị Bảy Nô ghen muốn sập trời. Thôi anh vô để mấy ổng đợi và hư tiết canh hết.

Tôi bước vào thì thấy đủ mặt bá quan văn võ. Có cả Bảy Nô và Tám Thiệt, chính trị viên D7 của Bảy Nô. Hai ông này là cột chèo với nhau nhưng không phải lấy hai chị em mà là...hai mẹ con. Út Lan là vợ của Bảy Nô, còn Tám Thiệt lại cuỗm má Út Lan. Cho nên lính bảo: ông dê trưởng là rể ông dê chánh. Toàn dê.

Đã nghe mùi mỡ hành bay từ sau bếp bay lên tới trên này.

Cuộc bàn cãi về trận đánh kết thúc rất nhanh. Không có ý kiến gì trái ngược. Rồi Bảy Nô nói:

- Bữa nay vợ tôi đãi mấy ông một bữa tiết canh.

Hai Phái buột miệng:

- Tiết canh xui bỏ mẹ, lại tiết canh!

- Nhưng đây là tiết canh của chị Bẩy không phải của Chín Câu!

Ba Châm cào cào mấy sợi tóc loe hoe trên cái đầu hói, cười:

- Vái trời bữa tiết canh hôm nay cho trót lọt!

Năm Tiều đập vai Bảy Nô:

- Vợ mày mà đãi tiết... canh ai ăn thì ăn chớ tao không dám.

Bảy Nô phản ứng:

- Chắc ông thích tiết canh của bà Hai Nguyện phải không?

Cả bàn cười rần. Bảy Nô lại tiếp:

- Tiết canh của bả có rắc đậu phọng dòn dòn, dĩa to bằng hai bàn tay xoè.

Cả bàn lại cười to hơn nữa.

Hai Nguyện là vợ bé của Năm Tiều. Năm Tiều có hai con đã lớn, nhưng lúc Năm Tiều ở ngoài Bắc không biết hiền thê bị con ong bầu nào bé cái nhầm mà khi đức lang quân phản hội cố quán thì bà có thêm một thằng con trai năm tuổi. Năm Tiều không bỏ mà cũng không ở hẳn. Cứ đi đi về về thăm con nhưng đồng thời nại cớ để qui thêm một bà để lau colt chùi súng cho ông. Lính cười ông lâm cái cảnh con vòng con cởi thì ông cười hề hề:’Thời buổi chiến tranh này, sống chết nhấp nháy, vui được ngày nào hay ngày nấy.’ Cấp trên thấy ông đã già, vả lại vợ ông cũng xé rào nhà nên cũng làm lơ cho ông.

Út Lan nhỏ hơn chồng chừng hai chục tuổi. Không rõ chị yêu Bảy Nô ở chỗ nào. Có lẽ cây súng đeo tòong teng đó chăng? Đàn bà con gái mấy ai hiểu nổi. Thấy mấy cha già chế diễu, chị bèn ra miệng:

- Tiết canh của ai chớ của tôi thì hên và bổ lắm. Mấy ông bạc đầu ăn một dĩa tóc đen lại liền! Còn đi ra trận thì oánh đâu thắng đó!

Đám trẻ cười, nhưng không dám cười lớn tiếng, chỉ liếc nhẹ Năm Tiều và Ba Châm. Năm Tiều gỡ gạc:

- Nếu vậy thì sao thằng Nô tháng nào cũng ăn mà đầu nó cứ bạc ra như lông chó cò vậy hả bà dê trưởng?

Ba Châm phản công tiếp:

- Tại nó ăn không đủ liều lượng nên tóc nó chưa đen.

Bà dê trưởng nổi cáu nhưng cố dịu giọng:

- Mây ông không ăn thì thôi!

Rồi quay sang tôi:

- Anh Hai xuống phụ em bưng lên. Anh đừng có bắt chước mấy ông già đó tối ngày cứ tu ba cái đế mà xuống dốc.

Năm Tiều lại bắt mánh:

- Tu đế mới lên tinh thần chớ... hả mày Nô?

Út Lan đã quay lưng đi xuống bếp. Năm Tiều rỉ tai Bảy Nô:

- Mày có nghe câu này không? L.. rằng l.. chẳng sợ ai - Rồi nói to lên - chỉ sợ thằng say rượu...hé hé...

Tôi bị chỉ định làm phụ bếp, nên đi ra sau tiếp tay với chị Bảy.

Chị hỏi ngay:

- Anh có nghe tin con Mười không?

- Dạ không?

- Nó lấy sĩ quan Sàigòn rồi!

Tôi chống chế:

-...à!..Tôi có nghe chuyện đó! Nhưng tôi nghĩ cũng phải thôi. Đàn bà không có đàn ông, ở một mình sao được, nhất là ở giữa chợ.

Tôi nghe đau điếng trong lòng, nhưng cố giữ bình tĩnh, nói đỡ gạt cho qua.

- Anh không nên bi lụy vì nó! Đàn bà là vậy hết thảy...

Rồi đột nhiên chị nói to lên:

- Tôi đây cũng vậy nữa là nó!

Tôi nhìn chị, không hiểu chị muốn nói gì. Chị tiếp ngay:

- Tôi cũng chán đời lắm, anh Hai ơi! Anh Bảy có tôi bên cạnh kè kè đây mà ảnh cũng quơ quạng bắt hụt cô này cô nọ hoài hoài. Anh thấy con nhỏ đầu quăn đó không?

Tôi bưng ngay mâm tiết canh lên bàn rồi không trở xuống nữa. Vì cảm thấy bà dê trưởng sắp mở màn.... Không khéo ông dê trưởng nổi cáu thì hỏng bét. Đàn ông là vậy. Mình có mèo thì được nhưng vợ mình thì không được ngó ông nào.

Bàn nhậu vui vẻ. Mấy ông thần vừa ăn vừa khen tiết canh của vợ Bảy Nô ngon. Còn tôi làm thinh cứ nốc rượu hết ly này đến ly khác, đến mức tôi uống như nước lã. Tôi cảm thấy buồn tình... đời.

Bảy Nô khuyên tôi:

- Mày không nên buồn! Đàn bà nay thằng này mai thằng khác. Mày ra trận nó còn vái cho mày cum để nó kiếm cây pháo mới. Con Mười đã có con còn mày là trai lơ mà! Các bà hĩm ở Thanh Hoá còn ngon hơn con nhỏ đó nhiều. Mấy con dũng sĩ không bằng nó hay sao mà mày buồn?

Năm Tiều bảo:

- Thây kệ nó. Cho nó uống say để nó quên đời. Vua chúa ngày xưa xiêu thành đổ quách cũng vì mỹ nhân. Thằng này cũng không thoát khỏi cửa tò vò đó.

Bỗng nghe tiếng véo von ngoài cửa:

- Chị Bảy, ở đằng này có đế không cho em mượn đỡ một chai. Ở đẳng hết cạn rồi! Mấy ổng hò hét dữ quá!

Tôi nghe tiếng quen quen bèn ngó ra. Chập chờn trước mắt tôi một mái tóc quăn. Tôi vẫy tay:

- Quắn! Em đi đâu đây?

- Em đi phục vụ các anh chớ còn đi đâu nữa. Em vừa gặp anh Ba (Quyết) em!

Rồi nàng sà đến bên tôi. Vợ Bảy Nô bước lên thấy tôi đang nắm tay cô gái bèn nạt:

- Con nhỏ này đi đâu tới chỗ người lớn uống rượu?

Năm Tiều cười khè khè:

- Nó đem tiết... canh lại cho thằng Lôi nhậu, mắc mớ gì mà bà dê trưởng cự nự?

Tôi lôi tay nàng vừa nói vừa hát lan man:

- Quắn, ngồi xuống đây uống với anh một ly coi nào... Tân Qui! Tân Qui về đi thôi. Địch Trương Lương nghe gió âm thầm than. Tân Qui nơi đó mồ chôn ai. Tân Qui ơi chờ ta xuống nơi tuyền đài....

Khi tôi tỉnh dậy thì thấy một vầng ánh sáng lờ mờ gần mặt. Tôi không biết đây là dương gian hay âm phủ bèn đưa tay quờ. Thì ra không phải là ánh sáng mà là vách mùng. Tôi nghe như vừa chết chìm mới được vớt lên xốc nước. Tôi nhớ nàng Thiên Lý trầm mình dưới rạch Bến Mương. Chắc cũng như thế này. Tôi nôn oẹ nhưng không ói ra gì hết. Tôi nghe cả người ê ẩm cổ khô rát mà lòng thì não nề vô hạn. Đột nhiên tôi nhớ thời còn thiếu nhi đi theo đoàn Tuyên Truyền của E300. Một lần đoàn đi ghe băng qua cửa sông Soài Rạp bị tàu bắn chìm. Mấy chục đứa chết. Vài ba đứa nhờ ghe thương hồ cứu sống sót. Trong đó có tôi. Lúc đó, khi mở mắt ra thì tôi có những cảm giác in hệt như trong lúc này. Tôi cố gắng cất giọng kêu mà mí mắt nặng nề nhắm khít:

- Thuận! Cho anh miếng nước!

Không nghe tiếng, chi thấy mơ màng một vật gì mềm mại đụng vào da mặt. Tôi cố đưa bàn tay lên xua đi. Tôi lại nghe cườm tay tôi bị bóp chặt và tiếng thỏ thẻ:

- Anh Hai đã bớt chưa?

Tôi cố mở mắt. Một mái tóc quăn đang nghiêng xuống mặt tôi. Cái bóng in trên vách mùng rung rinh. Tôi khẽ kêu:

- Quắn! Em giúp anh đó hả Quắn?

- Dạ, em là Quắn đây.

Tôi hồi tỉnh lại dần và chợt nhớ ra giọng nói là lạ không phải của Quắn - em Ba Quyết ở Dân Hàn. Rồi tôi ngửi thấy mùi thơm của tóc như mùi tóc của các cô nữ sinh bên kia sông Sàigòn.

Tôi lại kêu:

- Khánh hả em!

- Dạ, em là Khánh đây. Anh nằm nghỉ đi, đừng lo gì hết.

Trong im lặng vang lên tiếng muỗi vo ve, tôi lại nghe giọng nói không phải của Khánh. Cái giọng kia lại thỏ thẻ:

- Thằng Thuận về bên văn phòng tiểu đoàn. Nó nhờ em săn sóc anh đây.

Bây giờ tôi biết không phải Quắn cũng không phải Khánh. Tôi cố ngóc dậy. Nàng đỡ tôi ngã vào vai nàng bằng một cử chỉ âu yếm, không phải bình thường. Vốn là kẻ đa tình, nhưng không phải là mù quáng, nên tôi giật mình tỉnh táo trở lại để nhận ra đây là đâu và nàng là ai? Mớ tóc quăn loà xoà quẹt nhẹ trên mặt tôi làm cho tôi càng tỉnh hơn và nghe rờn rợn khắp châu thân.

Phải chăng đây là Liêu Trai Chí Dị, con yêu hiện lên ăn ở với chàng thư sinh? Phải chăng đây là gia đình bà goá phụ cùng ba người con gái xinh đẹp chận đường cám dỗ thầ trò Tam Tạng ở lại cùng họ hưởng lạc? Nàng lại thỏ thẻ:

- Em không phải là Quắn cũng không phải là Khánh nào hết.

Tôi sực nhớ ra buổi nhậu nên hỏi:

- Đây là đâu?

- Đây là nhà má Hai, còn em là Kim Anh con của má Hai. Lúc nãy em thấy mấy ổng nói xầy quá nên em bỏ về. Chập sau cậu trinh sát đưa anh lại đây nhờ má em săn sóc.

- Tôi nằm giường ai đây?

- Giường của em. Má ở dưới hầm ngựa đây này!

Kim Anh gọi má chớ không nói má em. Chạy đàng mồ mắc đàng mả. Sao đàn bà con gái cứ săn đuổi tôi và toàn những chuyện bất ngờ không vậy? Tôi đã tỉnh giấc Nam Kha. Tôi đã nhận ra nàng Kim Anh tóc quăn, da trắng, môi đỏ, tay ngà lúc nãy. Tôi bảo:

- Để tôi về văn phòng, kẻo sáng thấy cảnh này mấy ổng bảo tôi hủ hoá.

- Hủ lu gì! Mấy ổng còn tổ trời kia, phê bình ai?

Ngần ngừ một giây Kim Anh bảo:

- Anh còn yếu không đánh trận được đâu. Anh nên ở nhà dưỡng sức. Giặc giã còn hoài chớ đâu phải hết mà anh hối hả.

- Không được đâu em!

Tôi nói với giọng cương quyết rồi cố ngóc đầu dậy khỏi bờ vai mềm mại và thơm phức của nàng. Nhưng da thịt đàn bà hay dính với da thịt đàn ông. Tóc đàn bà tuy nhuyễn vậy mà buộc chân tráng sĩ dễ dàng, những ông cán to cán nhỏ bỏ đảng rời đơn vị về nhà làm ruộng, vui thú điền viên?

Nàng không cản tôi nhưng bảo:

- Anh ở đây chút xíu rồi em đưa cho về. Ngồi đó nghen.

Tôi có phải sắt đá đâu mà không vâng lời. Nàng đi một chút, đúng một chút rồi trở lại với chén cháo còn bốc hơi.

- Anh ăn đi cho khoẻ. Hồi hôm anh uống hết cả rượu Phú Hoà Đông kia đấy. Say rồi lại còn kêu:"Muời ơi! Mười hỡi, em bỏ anh sao!"

Tôi hơi xấu hổ vì nàng đã biết được tẩy của tôi. Nàng là con gái. Còn Mười đã qua một đời chồng. Nàng biết nàng đang có tôi trong tay.

- Chim đậu không bắt để bắt chim bay!

- Anh đâu có bắt chim chóc gì đâu?

Tôi lua xong chén cháo thì nàng lấy hai viên aspirin đưa cho tôi. Những ngón tay trắng và nhọn đặt hai viên thuốc cũng trắng vào lòng bàn tay đen sì, sần sùi của tôi như một búp măng bên cạnh một rễ cây gìa cỗi, làm tôi suýt rụt tay lại. Nàng quay lại rót nước trà đưa tôi.

Ôi! Hai viên thuốc của nàng tiên ban cho thật là kỳ diệu. Nàng vén mùng rộng ra rồi ngồi bên mép giường bảo tôi như ra lệnh:

- Anh quay lưng lại em cạo gió cho!

Nói xong nàng nắm hai vai tôi xoay qua và vén áo tôi lên. Tôi nghe mùi dầu Nhị Thiên Đường bát ngát. Rồi những phát cào từ vai xuống tận lưng quần, cả hai bên bắp thịt nuộc lưng. Nàng vừa kéo áo tôi xuống vừa ra lệnh:

- Quay lại!

Nàng lại tiếp tục cạo gió ở cổ, bắt gió hai bên màng tang và giật gió giữa trán. Nàng lẩm bẩm:

- Gió ra bầm đen hết trơn!

Tôi nghe khoẻ người trở lại, định xin bà cho con đi nhưng nàng lại bảo:

- Anh nằm xuống đắp mền lại cho mồ hôi ra, ủa mà quên...

Nàng chạy đi rồi trở lại với nồi nước xông. Tôi bị trùm kín mít như Thái Thượng Lão Quân nhốt Tôn Hàng Giả trong lò Bát Quái. Nhưng cái lò của Kim Anh thì thơm bát ngát lá ổi, lá sả và rau húng. Có cả mùi dầu Nhị Thiên Đường nữa. Tôi tưởng tôi cũng tan theo khói.

Nàng giở mền ra. Mồ hôi tuôn như suối khắp người tôi. Tôi có cảm giác tái sanh. Tôi khác hẳn tôi lúc nãy. Tôi nói:

-... Tôi có lỗi với... cô!

- Xin đứt anh tiếng cô! Anh không có lỗi gì! Chắc anh lấy làm lạ phải không? Nhưng em thì không lạ với anh đâu. Đố anh biết em là ai?

Tôi lắc. Nàng kê má vào mặt tôi, giọng tự nhiên:

- Anh hôn em đi, rồi em nói cho nghe.

Tôi muốn hôn nàng tự nãy giờ nhưng nghe nàng bảo thì tôi làm bộ e dè. Nàng cười khoe hai hàm răng ngọc, giọng nhõng nhẽo:

- Không hôn không nói đâu.

Nhớ lời cậu trinh sát với tôi lúc nãy, tôi bắt mối, hỏi:

- Em làm liên lạc hợp pháp cho cơ quan nào hả?

- Anh ở trên R về đây phải không?

- ờ!

- Anh có dự lễ mừng công đoàn 69 ở R phải không?

- Phải!

- Anh đọc diễn văn phải không?

- Ủa sao em biết hết vậy, bộ em có mặt ở đó à?

- Em không có mặt nhưng em rước mấy ổng bả vô khu. Rồi sau đó nghe đài Giải Phóng. Ai không biết anh là ông anh hùng!

- Vậy làm sao em biết mặt anh?

- Trường pháo của anh đóng gần cơ quan ông Ba Đình phải không? Đó là cơ quan B6. Anh lui tới đó hoài mà!

Tôi mơ màng đáp:

- Ờ! ông Ba Đình ở ban Binh Vận R.

- Em còn biết các chị Tiến, Huê và cả chị Mai Khanh nữa. Chị Mai Khanh có tâm sự với em. Hà hà... Lần đó anh nấu nước xông cho chị, bây giờ em thay chỉ trả ơn lại cho anh.

Tôi giật mình thon thót. Sao nàng biết cái tẩy đó của mình vậy? Tôi hỏi trớ ngang:

- Phải ông Ba Đình người Bắc không?

Nàng kể lể:

- Ổng làm trưởng ban chống càn liên cơ quan, sau khi B52 rắc bom gần đó. Ông Ba là thủ trưởng của em và má em! Hồi năm 60 má em đi liên lạc thành cho ông Tư Hoan.

- Tư Hoan nào?

- Ông Trần Bạch Đằng, bí thư khu ủy khu IV. Khi ổng rời khu IV ổng giao co má em công tác với ông Ba Đình. Ổng có xuống nhà này. Ổng với má em đi cặp như vợ chồng, có thẻ bọc nhựa lận lưng ai mà biết cho nổi. Ông Ba Đình thấy em bèn tỉ tê má em cho em công tác, ổng cung cấp tiền ăn và tiền di chuyển. Công việc dễ ợt. Chỉ cầm lá thư giao cho người khác hoặc nói miệng ba cái bí số gì đó mình phải học thuộc lòng. Có khi một tháng mới đi một lần. Khoẻ như vậy mà có tiền xài, nên má em nhận luôn. Vậy thôi chớ em đâu biết gì khác.

- Bao lâu rồi em không gặp ông Ba Đình.

- Từ sau ra trận ăn hụt B52 không biết ổng đi đâu, còn em cũng không có trở lại đó nữa mà cứ ở đây nhận công tác... Thôi, vậy anh đủ hiểu cái gốc của con nhỏ này rồi. Đừng hỏi thêm em khai lộ bí mật, phạm kỷ luật. Thôi, hôn em đi.

Nàng ép gò má nàng vào mặt tôi. Tôi hít một cái thật sâu vào phổi. Nàng nói trúng phóc không sai chút nào. Ba Đình là một lão già năm mươi tuổi, mang kính trắng nói năng rất bặt thiệp. Cơ quan ông ta đóng ngay sau lưng trường pháo của tôi, ở sát mé sông Vàm Cỏ Đông để được nhờ sự che chở chống biệt kích. Một lần tôi và Tư Thịnh, Ba Ân sang đó công tác, lão mời uống ca-cao và hút Ruby Queen. Tôi cấp cho cơ quan lão nửa tiểu đội súng trường. Một lần khác khi đi đốn cây cất nhà, tôi tạt vào đây xin nước uống, bất ngờ gặp nhân viên của ông ta chỉnh huấn tài liệu Trung Ương, tôi thấy có nhiều người mà người nào cũng che mặt bằng một miếng vải có khoét hai lỗ mắt rồi đội nón lên. Kẻ thì bới tóc, người lại kẹp đuôi gà, toàn giới nữ. Tôi hỏi:

- Hồi đó em có che mặt không?

Tôi đã dắt các bạn đi quá xa trận Tân Qui rồi chăng? Sự thật thì nó chẳng hấp dẫn chút nào so với mối tình Liêu Trai này. Nàng đáp:

- Ai cũng bịt hết. Không ai biết ai. Để rủi có bị bắt thì không khai báo được.

- Có ai bị bắt không?

- Bị thiếu gì!

- Bị bắt nữa à?

- Lần đó em được lệnh vô Chợ Lón gặp một bà sồn sồn nấu bếp cho một ông tướng Sàigòn tên là bà Phi Yến. Nhà có con chó tây sủa to làm em giật mình. Em mắng chó bằng mật hiệu: "Đừng có sủa! Đừng có sủa, nghe không?" hai lần. Thế là có một bà rước em vào dẫn ra sau bếp. Em đưa cho bà ta bức thư.

- Thư em giấu ở đâu?

Kim Anh đập vai tôi, liếc nhanh:

- Hỏi tới nơi à! Lúc đó cảnh sát xét và chiêu hồi như ông Hai Tốt tài chánh Quân Khu chận đường nhìn mặt dữ lắm. Lôi thôi là bị thộp ngay thôi, cho nên em phải giấu...trong một chỗ đặc biệt.

- Trong đòn bánh tét hả?

- Không! Đó là thường.

- Trong gót giày?

- Xoàng lắm!

- Trong đầu tóc?

- Kiểu đó bị bắt cái một!

- Vậy ở đâu?

- Ở trong chỗ... không thể nói được. Thôi mà đừng có điều tra em nữa!

Nàng chúi mũi vào mặt tôi. Tôi ôm cổ nàng. Chúng tôi hôn nhau. Tôi thủ thỉ:

- Anh biết rồi. Và chỉ có anh biết thôi!

- Anh quỉ nà. Anh nghịch lắm!

Nàng cắn khẽ gò má tôi và chuyển sang chuyện khác:

- Em tưởng anh là quân nhân thì cứng cỏi lắm nào dè cũng mềm như...

Vừa nói nàng vừa ép cặp vú sữa vào ngực tôi và ôm quàng lấy tôi. Tôi đâm rợn người, tự nhủ: hay con nhỏ này chơi trò đòn xóc hai đầu móc ruột mình đây?

Tôi đẩy nhẹ nàng ra và hỏi:

- Sao em biết anh mềm. Em không thích mềm, vậy chắc thích sự... ngược lại.

Nàng đỏ mặt, trông xinh quá:

- Anh quỉ thiệt. Nói năng cũng nghe ghét ghê. Em để ý anh lâu rồi. Mấy cô Huê, Tiến đều có chồng. Bà Mai Khanh chồng chết, có con lớn gần bằng em rồi. Hiện giờ bả là cộng tác viên đắc lực của ông Chánh ủy Tư Khanh ra vô thành như đi chợ... Anh đi đâu cũng quến đàn bà con gái.

-Không vậy thì sao em yêu anh?

- Ơ ơ.. ai nói với anh vậy?

- Cái gối, cái mùng, cái viên aspirin, nồi nước xông và...

- Ờ đúng, em yêu anh thiệt. Rồi sao?

- Đâu có sao!

Tôi phóng tay vào cặp gò nổi của đất Củ Chi anh dũng. Nàng kêu ớ ớ vài tiếng rồi im hẳn. Tôi đã khoẻ, tinh thần Đồng Khởi lên cao vót, định đi đến cao điểm cuối cùng, nhưng nàng chặn tay lại, rên rỉ:

- Khoan đã anh ạ!

- Biết còn gặp lại nhau nữa không?

- Em yêu anh trong hồn em!...

Tôi ém miệng nàng bằng một cái hôn. Nàng sắp xuôi tay bỗng vùng dậy:

- Coi chừng, má nghe hết rồi...ừ... ừ.. mà má cũng thương anh nữa... ơ... ơ... bả như vậy mà mấy ổng cáp với ông Bắc kỳ Châm. Má em là chủ đồn điền cao su còn ổng là dân cạo mủ. Chủ đồn điền đi tái giá với dân phu à?

- Thôi để anh về văn phòng lo công việc.

- Em không muốn anh đi trận này đâu.

- Em đâu phải là cấp trên của anh.

- Cấp trên cũng tùy, có nhiều ông ngu bỏ mẹ. Đánh trận nào cũng bỏ xác, tụi Sàigòn bêu rêu khắp chợ Phú Hoà, Trung Hoà.. nhiều xác nằm bên lề đường hai ba ngày không ai lấy. Nhất là sau trận Cây Trắc.

Trời sáng lúc nào không hay. Bộ đội đã rí rố ngoài đường (vậy mà gọi là bí mật kế hoạch đó). Bắt đầu hành quân. Các ban chỉ huy D họp lần nữa để nghe Út Lịa phổ biến kế hoạch lần chót. Út Lịa là Ef nhưng có văn hoá hơn Ba Châm Et. Ba Châm nói không rành và chỉ hướng trên bản đồ còn trật.

Tôi thả trinh sát đi trước còn tôi đi sau cùng. Năm Tiều đi theo tôi một quảng xa. Anh tỉ tê dặn dò:

- Mày đừng có vì con nhỏ đó mà liều mạng ở chiến trường nghe mậy!

- Con nhỏ nào? (tôi tưởng anh nói Kim Anh)

- Con Mười, em vợ thằng Sáu Phấn ở Bến Mương trúng hôn? Nó lấy chồng sĩ quan thây kệ nó. Mày còn thiếu gì. Con nhỏ này nó cũng mết mày rồi đó.

Tôi lắc đầu:

- Thôi anh ơi! Tôi hết muốn rồi|

- Giởn hoài mầy tụi. Tao mà còn trẻ được như hồi chín năm thì tao bán trời không mời thiên lôi. Hồi đó tao làm đại trưởng thì cũng như mầy bây giờ vậy thôi nên tao thông cảm với lính. Nó rủi có nhảy dù đứt dây tao ngó lơ cho hết thảy, kẻo ngày mai nó chết, không biết mùi đời, tội nghiệp!

Đi một quảng xa nữa anh ngó dáo dác, thấy đứt đuôi đơn vị hơi xa, anh bảo:

- Kỳ này cẩn thận nghe.

- Anh có gì bảo tôi không?

- Thằng Châm nó tính chơi mầy đó.

- Em biết anh Năm à! Nhưng ổng là cấp trên.

Năm Tiều ngẫm nghĩ một hồi và tiếp:

- Nó không cho mầy đánh chính diện mà cho cánh phụ, mày biết chi không?

- Để em đội pháo chớ gì anh Năm!

- Bộ binh còn tránh né, phản công được nhưng pháo bắn mà mình đang rút lui thì chỉ có một cách là đội nó mà thôi. Bình Dương sẽ câu qua cả ngàn trái cho mà coi. Cả pháo nòng dài 155 nữa.

Vừa đến đó thì nghe văng vẳng phía sau:

- Anh Hai! Anh Hai!

Tôi quay lại thì thấy mái tóc bồng bay trong gió.

- Nữa rồi, dưng dưa hồi hôm chưa đủ, bây giờ còn chạy theo dưng dừa... nạo.

Năm Tiều vỗ vai tôi:

- Đánh mạnh rút nhanh nghe! Đi cho khoẻ!

Rồi quay lại. Kim Anh thở hổn hển:

- Mấy ổng bảo mời anh trở lại chút.

Tôi quát.

- Sao không bảo trinh sát mà bắt em chạy vậy?

- Trinh sát đi tiền trạm hết rồi.

Tôi nghe có lý nên dừng lại. Nàng đưa tôi một gói ni-lông trong đó có hai ổ bánh mì thịt, nói là của má bảo chạy theo đưa cho anh. Rồi dắt tôi đi:

- Mấy ổng đã ra khỏi văn phòng và đóng dã ngoại ngoài rừng kia cà!

Rồi nàng rẽ ngang băng xuống dốc đi vào một sở cao su mới lớn lá xanh non tươi, mát mẻ. Một lúc nàng dừng lại. Tôi không thấy ông nào hết bèn tỏ vẻ bất mãn. Nàng hồn nhiên vỗ ngực:

- Ông này nè! Không bằng mấy ổng sao? Hà hà... em gạt anh đó. Ông Ba Châm, Út Lịa còn ở đằng nhà cà rề ba cái đế.

Tôi cau có:

- Đang hành quân, lại bị em làm trở ngại, mất thời giờ.

Nàng ghịt tôi vào gốc cây cao su như trói và bảo:

- Xí! Em không muốn anh đi trận này đâu. Mấy đêm trước em nghe cú kêu ngoài vườn sau nhà em.

- Nó kêu mặc kệ nó chớ!

Nàng tát khẻ vào má tôi:

- Anh không biết! Má bảo cú kêu là điềm gở. Nó báo hiệu trong nhà sẽ có tai hoạ. Bây giờ anh là rể trong nhà, đi trận má lo lắm. Mấy ổng nhậu, nói oang oác lộ bí mật hết. Anh giả bệnh ở lại đi cho má yên tâm và em sẽ không phải khóc...

- Không được đâu em! Làm vậy mất cả uy tín với anh em. Sau này chỉ huy ai?

- Chú Năm Tiều nói với má sợ anh thất tình mà liều mạn.

Tôi gở nàng ra:

- Anh không phải là loại nhưng mê muội đến hủy hoại thân mình.

Nàng tò vẻ suy nghĩ một chút rồi bảo:

- Ừ! thôi cũng được nhưng anh phải hứa rằng anh yêu em!

Nàng lại quấn tôi rồi chúi mặt vào ngực tôi mà hôn tôi như điên.

- Anh! Anh là người yêu lý tưởng của em. Em không muốn rời anh một phút nào. Anh đừng quên em nhé. Em sẽ nghỉ công tác ngoài đó để về trong này đi bên anh luôn. Anh chịu không?

Đến đây thì tôi phát sợ.

- Không được đâu em. Về trong này bom đạn em không chịu nổi. Anh không muốn em phải chịu nhọc nhằn nguy hiểm như anh.

- Đó mới là tình yêu thực sự.

Nàng nói một hơi dài như tiểu thuyết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx