sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 77: Cái Chết Rùng Rợn Của Tên Cướp Đầu Đỏ Bần Cố Nông Nguyễn Chí Thanh: Điềm Gở Mậu Thân

Sau trận Thầy Mười, tình hình trở nên cực kỳ sôi động. Các cơ quan quân khu đều chạy tuột quần qua sông Sài gòn để tìm đất cắm dùi ở Bến Cát, Bến Súc, C khu đói và đau (Đ) cũ. Tôi không gặp lại Năm Lê trước khi anh rời cái chiến luỹMaginot của Xã đội trưởng Ba Xây ở Xóm Bà Huệ. Cô Hiến, cô Thanh nấu bếp và Tám Nghị bị moi hầm bắt ngay ở đó. Tám Quang, cô Thảo cũng dông qua sông không ai tìm được. Mặt mấy ông lớn méo xẹo như những cái lò bị bão. Cho đến giữa năm 67 thì quân khu tả tơi này giải tán để chia thành 5 phân khu, chuẩn bị tổng tấn công Sài gòn vào Tết Mậu Thân.

Ở chương này tôi sẽ kể cho các bạn nghe về sự liều mạng nướng quân của bọn Hà Nội, đặc biệt là cái chết rùng rợn của tên giặc đầu đỏ Nguyễn Chí Thanh, một tên lính không có cấp bậc bỗng nhiên lại vọt lên thành Đại tướng rồi đứng lên đầu cả Võ Nguyên Giáp. Hắn là cháu cưng của Hồ nên Hồ đưa hắn vào Nam với chức Toàn quyền xứ Nam kỳ, tiền trảm hậu tấu, với cái tên ăn trộm Sáu Vi. Sáu Vi có cái bảng mặt vuông như khay trầu, bên má trái có cái sẹo to, có lẽ đó là dấu vết của một thời dao búa. Thợ ảnh chụp để treo trong đám lãnh tụ Hà Nội phải lấy nghiêng 3/4 để dấu cái thẹo đó và chải tóc hắn lưỡi mèo để che bớt cái trán dồ, còn bộ răng như cưa cá mập của hắn thì không sao núp kín dưới cặp môi thâm, dù rất dày, dày như hai múi bưởi của chị em ta.

Trận đánh đồn Thầy Mười đánh dấu một chặng đường lịch sử của Củ Chi: Nó cho biết rằng muốn đánh một cứ điểm do một trung đội địa phương quân phải dùng một tiểu đoàn chủ lực và phải hi sinh trên mười chiến sĩ, 1 Bt, lCt. Như vậy muốn đánh Sài gòn (đánh thôi, chưa nói hạ được) gồm có hằng chục sư đoàn trấn giữ thì phải có bao nhiêu quân đội và hi sinh bao nhiêu? Vậy mà bọn Hà Nội dám tấn công với những lực lượng tập hợp năm cha ba mẹ., rồi đặt ẩu cho những cái tên công trường 5, công trường 7 với sự hợp đồng chệch choạc, sự chỉ huy hầu như không có thì chẳng khác nào vác một cái vỏ trứng chọi vào một tảng đá. Chủ nghĩa Cộng Sản luôn luôn áp đặt và bành trướng. Nhưng bây giờ nó đã teo như mãnh da lừa và nhủn như cái c... c...

Tôi gắt tiểu đoàn chạy suốt không nghỉ. Chạy hộc máu, chạy cháy phổi, chạy bằng chân bằng cả đầu gối và hai tay. Chạy chết. Chạy cho thoát khỏi. Nhưng....ầm... ầm...

Mưa dưa hấu. Không nhiều, ba đợt trải thảm thôi. Tôi bò lên không nhớ mình tên gì, không biết mình còn sống hay chết. Dựa lưng vào gì cũng không biết. Ngủ hay thức cũng không biết. Bỗng nghe tiếng kêu văng vẳng:

-: Thiên Lôi! Thiên Lôi đó hả?

Tôi mở mắt ra thì thấy Tư Linh. Hắn cà gật cái đầu. Hắn thở như trâu cắt cổ. Hai thằng sống sót gặp nhau. Hắn cố nín thở để nói.

- Tin quan trọng.! Tin quan trọng!

- Quan trọng cái đếch!

Tôi quát và lại gục xuống... ngủ tiếp. Hắn rỉ tai tôi. Tôi kêu lên. Hắn lại bảo.

-Thiệt đó mày!

Tôi bàng hoàng sửng sất có đến mười phút mà không biết nói gì, không hiểu gì, cứ ngó hoài vào khoảng không đen đặc.

- Thiệt vậy sao? Thiệt vậy sao hả mậy?

Tư Linh ngồi soải bẹt hai chân ra như hai khúc gỗ, đầu nghẹo sang bên, không đáp. Tôi gắt:

- Sao không thấy ai báo cho tao biết?

Hắn gầm lên:

- Người ta đang dấu. Đù mẹ, báo cho mày?Mày là cái củ gì mà người ta phải báo cho mày?

- Xui quá ta ơi...

- Đừng có lộ ra. mất đầu! Chút xíu nữa anh Ba Xu mình cũng phủi càng leo lên bàn thờ rồi.

- Ở đâu?

- Thì tại căn cứ đường 30 ở Long Nguyên.

- Trời, chỗ đó mà chết thì còn chỗ nào sống nổi!

- Hữu sanh hữa mạng mà mày. Tao bị trực thăng phang biết bao lần, và đội B52 mấy chập mà không sứt tí bòi nào hết. Còn ổng ở hầm sâu tới âm phủ nhưng chừng tới số thì cũng chết..

- Xui quá là xui. Mẹ! Sắp xuất chinh, nguyên soái lại chết, còn hơn cái kỳ bị gãy cụp. Đó là điềm xấu vô cùng.

- Đầu cu ở đó mà văn hoa! Mày biết tụi thằng Hai Ninh ở đâu không?

- Chi vậy?

- Bảo nó điện cho Tư Cường điều động trực thăng vô Mi Mốt.

- Cấp cứu hả?

- Cấp gì được mà cấp?

- Miễng hay sức ép?

- Trúng ngay trên giữa đỉnh đầu.

- Ổng có trối lại gì không?

- Không. Chỉ la một tiếng thất thanh rồi nằm dài, bất tỉnh luôn...

- Chậcc! Khổ quá, ổng ở trên R yên rồi, sao đi xuống dưới này làm gì cho bị vậy?

- Ở trển cũng ăn B52 liên tục nên ổng xuống dưới này chỉ huy và lánh nạn luôn. Không biết lẽ nào.

- Lánh nạn mà lại thọ nạn. Đù mẹ, chẳng ai biết được.

Tên tướng đầu đỏ đi xuống I/4 xem xét tình hình về vụ Tổng công kích Mậu Thân 1968 để bàn với Tư lệnh Ba Định.

Để chuẩn bị cho cuộc tấn công quan trọng này vô số công việc được tiến hành như: giấu kín hằng tiểu đoàn xe thồ trong rừng, mở đường băng rừng và quan trọng nhất là căn cứ cũ Bộ Tư lệnh Nam Bộ hồi chín năm của Trần văn Trà (một tên bất tài nhờ gặp dịp may mà lên đến Trung tướng). Năm 1950 Trà dời về Chiến khu Đ Đất Cuốc, Tân Uyên, Biên Hòa, tại đây Nguyên Bình giao quyền hành lại cho Trà để về Trung ương và chết dọc đường, người ta nghi là Lê Duẫn đã báo tin cho Phòng Nhì Pháp, đem lính commando phục kích.

Năm 1967, Bộ chỉ huy quân Giải Phóng đã biệt phái Trung đoàn Đặc Công-công Binh 429 do Tư Cường chỉ huy, xuống vùng Long Nguyên để thiết lập căn cứ.

Cả đơn vị thay phiên nhau xúc tác ngày đêm không lúc nào ngưng. Những gốc cây rừng to cả hai ba ôm được ngã xuống, cắt mỗi khúc dài sáu thước, bốn năm người khiêng mới xuể, dùng làm đà nắp hầm. Hầm đào sâu ba thước. Kiến trúc theo hình chóp nón với trụ chống đỡ có thể chịu đựng sức ép của B52 và bom từ 200 đến 250 kí-lô nổ trên nắp. Đường kính của các khúc gỗ dùng để làm nắp hầm phải từ hai đến ba tấc Tây. Ngoài ra trên nắp hầm còn có những lớp tre trúc đập dập xấp lớp để cản sức khoan xoáy của bom pháo. Đồng thời cũng có cả nắp đậy để chống bom hóa học.

Lòng hầm gồm có nhiều ngăn: nơi làm việc của Bộ chỉ huy, hầm ngủ của cán bộ, hầm quân y, hầm nhà bếp, hầm lương thực, hầm hội trường, hầm tù binh Mỹ. Đặc biệt có cả máy điện cung cấp điện cho các hầm về đêm. Có thể nói đó là một cái hang Pắc-pó nhân tạo thiết kế hiện đại như một thành phố tí hon dưới lòng đất.

Ở trên qui định là phải hoàn thành trước cuối năm 1967.

Khi hoàn thành xong thì Nguyên Chí Thanh xuống xem qua hệ thống hầm hố này và bỏ mạng tại đó.

Tôi đang ngồi bên cạnh Tư Lệnh cùng dựa chung một gốc cao su ngủ thiếp đi lúc nào không hay thì cậu cần vụ đập tôi dậy. Trời mưa lâm râm càng làm cho cảnh tượng thê thảm hơn là cảnh hai anh Hồng Quân Liên Xô trong Chiến Bại (La défaite) của Fadeev. Thằng Tặng, cận vệ của Tư Linh, giăng võng đã mắc xong. Tôi gọi Tư Linh vào. Thằng Tặng đưa cho hắn cốc nước trà, hắn chỉ hớp mấy hớp rồi nằm vật xuống võng ngáy pho pho. Tôi cũng uống nước, uống hết cả cốc và hỏi thằng Thuận cận vệ của tôi:

- Đơn vị đâu?

- Dạ, không biết.

- Trời đất, sao mày không biết đơn vị ở đâu, hả?

Thằng Thuận bứt đầu bứt tai lơ lơ láo láo. Tôi sực nhớ ra rằng hai thầy trò vừa tách đơn vị đi điều nghiên địa điểm để đặt pháo bắn vô Đồng Dù lần nữa. Dọc đường thì bị B52. May có nó bên cạnh, nếu không, chẳng ai biết tôi ở đâu mà tìm. Và cũng may thần kinh tôi chưa đứt sợi nào, nên tôi chưa quên cái tiền kiếp một giờ trước của tôi. Tôi bảo:

- Em biết chỗ nào còn quán xá gì không?

Thuận gan lỳ theo sát tôi! Nó là cậu cần vụ thứ 5 của tôi kể từ khi chỉ huy Bộ Binh. Cứ mỗi đứa lên vài tháng lại rụng, lâu lắm là ba tháng, nhanh nhất hai ngày. Tôi là kẻ bị đạn chê. Hồi chín năm, Nguyễn văn Trên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 lừng danh toàn quốc gồm toàn lính ác chiến gốc Vĩnh Trà Bến, cũng kể là bị đạn chê như tôi bây giờ. Liên lạc và cần vụ của ông ta hi sinh đến cả chục mạng trong kháng chiến chống Pháp. Nghe tôi hỏi, Thuận lắc đầu:

- Bây giờ không biết ngả nào mà mò nữa anh Hai ạ!

- Lấy đèn pin mà đi.

- Dạ, mắt em sáng còn hơn mắt mễn nhưng bom cày cây ngã bít đường hết, nhà cửa không còn, đâu có chỗ nào để làm mốc chuẩn.

- Anh nhớ hình như đây là ngã ba...

- Dạ đâu để em đi thử.

Thuận vừa bấm đèn, tôi đã quát:

- Đi thầm nó!

Tôi sợ máy bay trông thấy. Giống như tên ăn trộm sợ ánh sáng. Đó là cố tật của Việt Cộng mà. Làm cái gì cũng bịp bợm lén lút sợ người ta bắt gặp. Thằng nhỏ đành phải đi mò.

Tôi lên võng nằm, mệt đừ nhưng không sao ngủ được. Khói thuốc TNT nồng nặc. Tôi cứ ho hoài. Câu hỏi tự nhiên nhá lên trong đầu tôi: Có thể nào xui xêo như thế sao? Hắn chết rồi ai thay? Không có ai bằng ổng. Một con người lạ lùng, một ông tướng mặt sắt. Nghe hắn đến là tướng tá sợ đái trong quần, tỉnh ủy tỉnh quéo mặt xanh như gà cắt tiết. Ngay cả Võ Nguyên Giáp cũng phải nể sợ vì hắn là con người ít mang tiếng lem nhem về đàn bà nhất trong Đảng, hoặc có mà tôi không biết. Xin nói cho công bằng: Nguyễn Chí Thanh không có đ... bậy bạ, không bao giờ mặc quân phục đại tướng hoặc có mà tôi không trông thấy. Mấy lần hắn đến huấn thị chỉ mặc sơ mi thường, không có cần vụ đi theo tò tò mang cơm mang nước. Linh gọi hắn là Đại tướng bần cố nông. Không biết hắn học hành tới đâu nhưng bộ đáng của hắn trông hệt một anh xã viên hợp tác xã nhưng nét mặt có phần hung ác mặt vuông, trán đồ, miệng quai xách. Hồ đã chọn đúng người để đưa vào Nam làm Toàn quyền đỏ khi Mỹ đổ bộ vô Sài gòn. Nghe đồn trước khi hắn vô Nam, Hồ đã tiếp riêng. Trước khi chia tay, Hồ đưa tặng cho một bao thuốc con Mèo Đen Craven A và bảo:

- Vận mệnh Miền Nam trong tay chú.

Tại sao Nguyễn Chí Thanh mà không phải Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng hoặc Lê Đức Thọ? Như đã nói trên, Hồ chọn Nguyễn Chí Thanh rất đúng. Giáp đã bị rơi đài phải về ẩn sĩ một thời gian học chơi dương cầm ở Hồ Tây. Thời gian này lẹo tẹo với bà thầy đờn xinh đẹp, mang tai tiếng cả Hà Nội. Giáp lại còn có đầu óc chính qui hiện đại, muốn biến quân đội thành một quân đội nhà nghề. Cuối cùng là tấm thân phì nộn bộ vó tài tử xi nê Tàu xì của Giáp không thể che dấu được bộ mặt xâm lược của Bác trên đường Trường Sơn. Do đó Giáp không được chọn vào ghế Toàn Quyền đỏ mà là Thanh mặt sắt.

Lê Đức Thọ thì không biết tí gì về quân sự mà chỉ lý thuyết suông sợ e không điều khiển nổi đám tướng đầu bò như Hoàng Văn Thái, Trần Độ, Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Đồng Văn Cống v.v...

Còn Phạm Hùng? Hùng làm Phó cối cả chục năm đội đít "Phạm Văn Vều", tuy nổi đanh là tay xốc vác, phản ứng nhanh, tuyệt đối trung thành với Mác Lê, nhưng lại cũng như Thọ không biết tí gì về quân sự và tai hại hơn nữa là gốc dưa hấu! Nên nhớ rằng bên ngoài Bác làm bộ đặt tay trên ngực và khóc mếu nói " Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi," thực sự bác là chúa ghét và nghi ngờ dân Nam kỳ và biệt đãi dân Trị Thiên Nghệ Tỉnh, kế đó là dân Rau Muống rồi Năm Eo, dân Dưa Hấu thì đội sổ muôn năm. Do đó dân Nam kỳ Thành Đồng Tổ Quốc vẫn không được xơ múi gì ráo sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh Tây, vác thây ra Bắc để "gặp Bác, bắt tay Bác." (vô khám và đày lên núi đôn củi thì có. Dân Nam kỳ đã tởn tình yêu của Bác chưa?) Nói trắng ra, Bác sợ Hùng trở cờ.

Do đó, Nguyễn Chí Thanh tên trùm đỏ họ Hồ giao cho nắm vận mệnh miền Nam trong tay. Hắn vào đây như một Toàn Quyền có quyền bày đặt ra chánh sách mới, thay đổi chánh sách cũ và hành động một cách hoàn toàn độc lập không phải thỉnh thị Trung ương.

Tướng tá, ủy viên trung ương, dân theo đóm ăn tàn ở Sài gòn ra khu, nghe hắn vào thảy đều khiếp vía. Sự có mặt của hắn coi như chấm dứt mọi sự ăn hút, cấm câu ăn tiền của đám này. Vào đến R, Nguyễn Chí Thanh thay đổi ngay Chế độ cần vụ mà các ông to bà lớn ở trong này tự đặt ra cho mình. Với hắn, nói là làm, không có dằn dai chờ đợi.

Trước nhất hắn dẹp bỏ ngay chế độ huynh trưởng. Anh Ba, anh Tư quen miệng gọi nhau rồi dần dà trở thành nề nếp gia đình hồi nào không hay. Nhưng chính hắn lại thích làm huynh trưởng của đám đầu bò. Kế đó, hắn sắp xếp lại ba hệ thống quân dân chánh Đảng, mà hắn cho là trống đánh xuôi kèn thổi ngược, cho ăn rơ với nhau. Tiếp đến hắn nói rõ với mấy bọn xôi thịt Sài gòn rằng công cuộc cứu nước là việc chung, không ai được từ chối hoặc được biệt đãi hơn ai. Mấy ông bà sồn sồn, mấy tên nhà tu nhảy rào, mấy tên thầy chùa lỗ mũi trâu, mấy thằng kỹ sư ba xạo, lũ nhà văng và trí thức tịt ngòi, mấy gã tư sản yêu nước không có đồng xu dính túi thảy đều ngơ ngác nhìn anh Sáu Vi có bằng nửa con mắt. Sợ và ghét chớ không phục! Nhưng chẳng ai dám hé môi.

Tệ hại này là do chánh sách dụ dỗ, tâng bốc của Năm Quang tức Trần Bạch Đằng từ trước tới nay. Mỗi ông bà xôi thịt Sài gòn có cả tiểu đội hoặc một bán đội phục vụ. Các đàn bà như Dương Huỳnh Hoa và chồng là Hai Nghị sướng như tiên. Có lẽ ở thành, chúng nó cũng không được như thế. Tối rượu sâm-banh sáng sữa bò đều đều. Giải phóng quân phải giặt quần áo cho mụ nói gì chuyện nấu bếp rửa chén xách dép? Cặp uyên ương này vì cần phải có chỗ kín đáo để làm tình nên giải phóng quân phải cất nhà dựng vách bốn phía và làm phòng tân hôn cho chúng, trong lúc giải phóng quân thì ngủ võng muối cắn sốt rét thấy mẹ.

Còn Trịnh Đình Thảo thì đi đâu giải phóng quân phải khiêng như quan thái thú đi kiệu ngày xưa. Chuyện phục dịch cái đám trí thức này không tả xiết.

Nhưng dưới trào của đại tướng bần cố nông thì tất cả đều xuôi râu xếp giáp không dám ho he khi bị cắt hết các đặc ân. Ông đại tướng tuyên bố một câu xanh dờn:

- Các vị ra đây tiếp tay cứu nước, dân tộc ghi công. Nhưng trong lúc tình thế khó khăn chúng ta phải cùng chịu gian nan như nhau, cán bộ cũng như chiến sĩ, trưởng cơ quan cũng như anh nuôi chị nuôi. Nếu các vị không chịu đựng nổi, chúng tôi sẵn sàng và vui vẻ để các vị trở về sống lại cuộc đời cũ đáng hổ thẹn như những ai kia còn ngủ mê!

Bố bảo thằng nào dám phản ứng. Về lại Sài gòn ư? Có mà uống mật gấu mới dám!

Do đó thời kỳ này Lữ Phương (thứ trưởng Bộ Văn Hóa sau này) được đưa về tiểu ban Văn Nghệ R và công việc văn hóa duy nhất của hắn là nghiên cứu cách làm cho mấy con gà tự túc của hắn đẻ... trứng vàng. Còn Thanh Nghị thì được ở trên phát cho một chiếc xe đạp phế thải để chạy lọc cọc lán này qua lán khác và bị cả anh nuôi khi dễ như chó. Mỗi khi bưng cơm đến cho hắn, họ ném lên bàn rồi quay đi, không mời một tiếng. Họ cho là tụi này nghe hơi nồi chõ rồi nhào vô một lũ theo đóm ăn tàn, theo voi hít bả mía...

Dưới trào ông bần cố nông cán bộ từ đại tá trở xuống không được phép có cần vụ. Tướng chỉ được một. Còn từ thượng tá trở xuống phải ôm AK (có kèm K54) để chiến đấu khi có biệt kích tấn công bất ngờ. Lê Đức Anh bấy giờ đã đóng lon thiếu tướng, thừa lệnh Sáu Vi đã khui kho súng AK phát cho cán bộ dân quân chánh R.

Có một cú Sáu Vi chơi rất ngoạn mục. Cả dân R ai cũng biết và tán nhuyễn ra cười ngã nghiêng trong lúc uống trà. Đó là vấn đề ông trời con Tư Huệ. Chánh ủy kiêm tỉnh trưởng Tây Ninh. Tư Huệ trong kháng chiến tên là Nguyễn Việt Hồng, Chánh ủy Trung đoàn 300. Hồi chống Pháp, Tư Huệ sống như vua R. Vợ chồng y có một trung đội phục vụ. Nghe Sáu Vi đến, Tư Huệ trà nước tiếp đãi anh Sáu, anh Sáu không màng. Tư Huệ đem các món ngon vật lạ mua ngoài vùng Ngụy dâng đãi anh Sáu, anh Sáu cũng không ngó. Tư Huệ thừa cơ hội anh Sáu đến lều vua bèn than phiền rằng:

- Các đồng chí dưới cấp tôi được tập kết, từ ngoài đó trở về đồng chí nào cũng trên cấp tôi. Tôi lãnh cấp đại tá thì hơi hẹp bụng nhưng trung tướng thì hơi cao!

Ý anh Tư nhà mình đòi một sao với cành dương liễu như Lê Đức Anh. Anh Sáu bảo:

- Cấp bậc chỉ là tượng trưng cho tinh thần chiến đấu, không phải nấc thang để bám lấy mà hưởng lạc...

Anh Sáu đả thông một hồi. Tư Huệ thụt cổ rùa luôn. Đó là mồm mép lãnh đạo Cộng Sản thôi. Thực ra chúng ganh ăn giết nhau như ngóe. Bọn nào giết hai đại tướng Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái và hai trung tướng Đinh Đức Thiện, Trần Bình?...(!)

Mấy hôm sau, Ban chỉ huy tỉnh đội Tây Ninh được lệnh đi nghỉ mát. Riêng Tư Huệ đại vương thì từ giã hoàng hậu để trở về R làm lâu la dưới trướng của lũ đầu bò Bắc Kỳ. Đau đớn thay cuộc đời cách mạng lên voi xuống chó của tên Nam kỳ này. Tất cả các cơ quan R đều hả hê và tỉnh Tây Ninh được nhận một bộ chỉ huy mới là Ba Tới và Hai Dương. Ngoài ra ông xã đội Kà Tum tức là Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Một có công từ thời chín năm ở mặt trận Rừng Sát, sau 54 phải trốn chui trốn nhủi trong rừng, sau Đồng Khởi rút về Kà Tum thành lập lực lượng võ trang và trấn giữ vùng này suốt năm năm (đúng ra Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa coi như đồ bỏ không thèm để ý) nay lại được Sáu Vi cất nhắt cái vù. Nghe đâu Sáu Vi phong cho đại tá, nhưng Một không nhận, chỉ xin 100 AK phát cho bọn lục lâm săn nai săn thỏ kiếm ăn, để ruồng bắt đảng Rồng Xanh, một đám lính bất mãn đào ngũ do một tên Dt lãnh đạo và để chống các đồng chí Khơ-me đỏ thường lẻn

sang ăn cướp hoa màu của rẩy mình.

Với sự cải cách của Sáu Vi, các cơ quan R đã được giảm chính nhẹ nhàng và gom được một trung đoàn bổ sung cho công trường 9. Và đưa luôn trung đoàn Bảo Vệ căn cứ R của Tám Lê Thanh ra công đoàn bổ sung cho Công trường 5, thuyên chuyển Lê Thanh về I/4. Đám này bị nướng sạch với cái tên nghe rất hách "Mũi nhọn 1 và 2."

Các bạn hẳn còn nhớ trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, tức là chiến tranh Quốc-cộng, cũng còn được gọi là chiến tranh chống Mỹ, có một bà Thiếu tướng?

Đó là mụ Định, dân Bến Tre, hồi chín năm chống Pháp làm đoàn trưởng Phụ nữ Tỉnh. Chính Sáu Vi đã cất nhắc mụ Định một cách bất ngờ.

Trong một cuộc hội toàn bọn xôi thịt Sài gòn, bọn đầu sỏ các tỉnh, bọn tướng đầu bò Bắc kỳ, Sáu Vi đã tuyên bố quyết định đề bạt "đồng chí Ba Định giữ chức Phó Tư Lệnh Quân Giải Phóng Miền Nam."

Các tên đực rực, các mụ nái xề mang danh trí thức yêu nước của Miền Nam, các tên lưu manh đội lớp thầy tu, các tên khoác áo cà-sa mang dép râu dùng cánh sen nhà Phật che bộ mặt đỏ, các tên luật sư thất nghiệp, lũ nhà văn tịt ngòi, có cả tên can phạm hãm con nít được xách đầu lên ghế chủ tịch Mặt Trận nữa v.v... Tất cả, tất cả đều gục mặt không dám ngó lên.

Bọn này đứa nào cũng mơ tưởng Sáu Vi sẽ cất nhắc mình vào ghế cao chức lớn, nào ngờ hắn ta lại cho một mụ đàn bà chữ không đầy lá mít ngồi trên đầu chúng. Có thể điều này làm cho chúng bất mãn kinh hồn. Bằng chứng là sau Tết Mậu Thân một trong những thành viên Trung ương của Mặt Trận là kỹ sư Hồ Văn Bữu đã dông về thành thú tội với chánh phủ Sài gòn.

Đường dây hồi ức miên man của tôi bị cắt đứt vì có tiếng chân người đi tới. Tôi chồm dậy như máy, tay chụp vào khẩu K54, quát. Một ánh đèn nhoáng lên rồi tắt phụp. Thằng Thuận đã về.

- Có gì không?

Thằng bé ném một bọc xuống đất, nghe chừng nặng. Nó biết ý tôi nên không bấm đèn nữa. Tôi lấy mũ tai bèo che và móc hộp quẹt bật lên. Thằng bé móc ra và ấn vào tay tôi, nói:

- Cái quán bay đi đâu rồi thủ trưởng! Chi còn có mấy cây cột và xâu bánh này.

Miếng bánh tét đầu tiên nhai trong miệng thiu nhớt, chứng minh lời thằng bé nói. Tôi đập hai thầy trò Tư Linh dậy. Chúng tôi ăn bánh tét phế phẩm uống trà nguội, ăn luôn cả xác trà vì không dám nhóm lửa. Tôi hỏi:

- Tỉnh hồn chưa?

- Ngủ được một phát đỡ quá. Tao ngủ lâu chưa mày?

- Chừng hai tiếng! Nào, mày tỉnh rồi phải không?

- Tao mê hồi nào mà mày bảo vậy?

- Hết mê rồi thì nói lại lần nữa cho tao nghe.

- Nói cái gì?

- Ông Sáu Vi đã chết thiệt à?

- Cái thằng! Mày mê thì có! Tao đã bảo là thằng Ba Tiến hỏi tao con đường đến thằng Hai Ninh để đánh điện cho thằng Tư Cường Công Binh đem máy bay vô sân bay Mi Mốt chở xác ổng về Hà Nội.

- Ba Tiến là thằng nào?

- Là Bí thư của ông Sáu Vi. Trời ơi! Khổ quá sao mày không biết cái giống gì hết vậy?

- Miễng trúng đâu?

- Trúng ngay chóc cái đầu. Thôi đừng hỏi nữa. Bữa nào khỏe tao kể tiếp. Còn nhiều vụ ly kỳ nữa cơ. Bây giờ mệt lắm.... Mà không phải miễng bom.

Hắnchết thiệt rồi! Một chuyện rất thường tình trong chiến tranh. Những cái chết mà chính tôi trông thấy tận mắt chớ không phải bằng báo cáo nhân dân hay bằng cái loa Giải phóng. Ở Trường Sơn chúng nó đem con bỏ chợ thật tình. Không có cách gì để sống ngoài cái sức còm cõi còn sót lại trong người. Tên tướng mặt sắt này đi vào Nam không mất một lạng thịt. Vô đến đây hắn còn chất nhờn đầu gối, lội hết chỗ này đến chỗ khác, chứ đâu có biết đến sự tàn phá của cái vòi bé tí của con muỗi đòn xóc.

Hắn có tiếng là người "đi sâu đi sát thực tế, phát hiện vấn đề rất nhạy bén, giải quyết mâu thuẫn rất kịp thời." Điều đó đã được chứng minh ở sự giản chính các cơ quan R, nhưng nếu hắn lội bộ Trường Sơn thì hắn sẽ thấy rằng tiết kiệm được hai trung đoàn cần vụ và bảo vệ căn cứ R không thấm gì với hàng vạn sinh mạng con người đang sống dở chết dở suốt con đường mòn quái ác mang tên Bác Hồ kia! Tôi gạn hỏi:

- Bị B52 à?

- Chớ còn gì nữa!

- Mà xác còn nguyên à?

Tư Linh gào lên:

- Đừng hỏi nữa. Để tao kể cho nghe. Nghe xong rồi quên đi rõ chưa? Còn các cậu nữa? Không nên nói đi nói lại với ai! - Hắn nghiến răng với hai cậu cần vụ - Tụi bây mà lép nhép cái miệng là bỏ bố nghe con! Chắc chắn ổng chết rồi. Thằng Ba Tiến chạy đi tìm Hai Ninh Phó ban Thông Tin mà không gặp nên hắn theo liên lạc hỏa tốc cùng với đội bảo vệ từ đường 30 chạy về ngang cầu Phố Bình, không biết đường đi bèn lũi đại vào rừng, gặp tao. Trông mặt mũi hắn mất sắc tao hỏi chuyện gì. Hắn bảo ông Sáu Vi đã chết nên chạy đi tìm Hai Ninh để đánh điện về R.

- Thôi vậy là hỏng rồi. Bị có nặng không?

- Căn cứ ở đường 30 chuẩn bị cho chiến trận sắp tới đã bị sụp gần hết. Nhưng ổng không có việc gì. Xong đâu đấy, ổng mới lên miệng hầm, đứng quan sát. Bất thần một nhánh cây gãy phóng xuống ngay đầu ông như búa tầm sét của Thiên Lôi.

- Trời đất!

- Thiệt là kỳ cục.

- Cây gì lại gãy kỳ vậy?

- Thì cây cối trên rừng chớ cây gì!

- Nhưng sao trước đó không gãy lại chờ ông lên mới gãy?

~ Trời ơi! ông nội hỏi những câu như vậy làm sao tôi trả lời. Chậc! Xui quá! Cả nhóm ba bốn người đứng chung quanh đó mà nó lại rơi trúng ngay ông. Thằng Ba Tiến đứng sau lưng ông có mấy tấc, không sao cả. Ổng vừa ngã xuống nó liền xốc ông dậy, nó nói ông đã xụi lơ và không có nói được tiếng nào hết. Ông Ba Xu đứng cạnh cũng không trầy chút da.

- Rồi mày có dẫn cho Ba Tiến gặp Hai Ninh không?

- Có chớ! Hai Ninh điện cho Tư Cường đem xe thồ xuống chở xác ông đi. Cũng may là tụi thằng Hai Ninh bị B52 dập mấy lần mà không chết. Nó cứ bám trụ ở Đường Long nên Ba Tiến mới gặp và cũng may là máy còn phát điện được. - Tư Linh hắc hơi hai ba cái liền — Tư Cường cho tụi xe thồ đến chở đi. Trời đất! thằng Ba Tiến nói là nó phải bó xác ông lại rồi chở bằng hai chiếc xe thồ. Một chiếc thì làm sao mà đi! Ổng đâu ngồi trên poọc-ba-ga được.

- Tao không tưởng tượng được là tụi nó thồ cách nào.

- Có lẽ đã tới Mi Mốt rồi. Ở đó có trực thăng sẽ đưa nhanh về Nam Vang rồi ra Hà Nội. Cấp cứu gì được nữa?

- Đại tướng mà chết lãng nhách.

- Đại tiểu gì thì cũng chỉ một viên thôi.

- Mà ổng đi đâu dưới này chớ?

- Chắc là ổng đi xem tình hình để có chỉ thị cho Quân Nhu. Nhưng thằng Ba Tiến thì bảo với tao là đi lánh nạn. Một công hai việc.

- Trời đất! Lánh nạn gì ở I/4? Bom đạn như vầy mà xuống đây lánh nạn?

- Nó bảo trên R ăn B52 dữ quá, chịu không xuể.

Nguyễn Chí Thanh là ông tướng cao cấp nhất mà tôi được tiếp xúc nhiều nhất. Cho nên khi nghe hắn chết như vậy, nhất là một cái chết không đáng, lúc đó (1967) tôi cũng nao nao trong lòng.

Tháng 4 năm 1964 khi tôi mới về tới U-80 thì được cử lên R để nhận phần thưởng và cờ Lưu Luân của Mặt Trận tặng cho chiến công pháo kích sân bay Biên Hòa. Tôi được tôn vinh như một anh hùng. Sự thực thì tôi không có tham gia trận pháo kích này. Lúc xảy ra trận đó, tôi ở Phước Long với cô em Thu Hà (đã thuật ở phần trước) nhưng vì tôi là thầy dạy pháo cho nên ở trên bắt tôi làm anh hùng ngang. Tôi được ngồi ở hàng ghế đầu. Trong buổi lễ có mặt đông đủ các tướng tá Bắc kỳ: Trần Độ, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn v.v... Nguyễn Chí Thanh đứng lẫn trong quan khách nói chuyện rất hào hứng với đám xôi thịt Sài gòn đang lu bu theo hắn như ruồi bu c... ngựa. Bỗng Trần Văn Trà nắm tay tôi lại bên Nguyễn Chí Thanh và hỏi tôi:

- Biết ông nào đây không?

Tôi rút chân thẳng thế đứng nghiêm theo quân phong quân kỷ.

- Báo cáo Đại tướng...

Ông đưa một ngón tay lên miệng và suỵt:

-B.M.

Da mặt hắn vẫn sạm đen, không có vẻ gì bệnh hoạn. Áo len nâu sậm, cổ cao, tay dài. Hắn đưa tay ra cho tôi bắt và không nói gì. Khai mạc lễ chính thức, tôi đại diện cho đơn vị chiến thắng ở sân bay Biên Hòa bước lên diễn đàn phát biểu cảm tưởng: Kính thưa các đồng chí õm tõi, trong đó có cả đồng chí chủ tịch Mặt trận, Phó chủ tịch Mặt Trận và bà Phó tịch nữa. Đặc biệt là có một cái ông gọi là Maurice Tư Thiên, đại diện Bình Xuyên là cái nghĩa gì, tôi không hiểu được nhưng ở trên bảo là phát biểu là cứ phát ào. Mà thực ra nó có phải là cái cảm tướng của tôi đâu. Từ I/4 lên R, trung tá Ba Hải, trưởng phòng Chính Trị của U80 đã gà sẵn cho tôi rồi. Ban đầu tôi còn từ chối, nhưng Ba Hải bảo:

- Ông Cục trưởng Cục Chính Trị Quân Giải Phóng có biết mặt mày. Tao nghĩ là trong đám đặc công ở R không có thằng nào có văn hóa bằng mày, lại nữa mặt mũi chúng nó trông rất ác tướng không nên ló ra trước mặt đám trí thức thành thị mới vô v.v....

Do đó, cuối cùng tôi phải nhận mần một cái cảm tưởng. Tôi đủ sức mần, nhưng Ba Hải sợ trật đường lối nên thảo sẵn dàn bài cho tôi. Tôi cười cười chấp nhận, nhưng bụng nghĩ có quan trọng mẹ gì. Hồi ở Hà Nội, có nhiều lần thầy Lôi đi với em suốt buổi tối chủ nhật, sáng thứ hai vô trường đâu kịp soạn giáo án mà vẫn cương tuồng bụng re re học sinh từ cấp thiếu úy đến thượng tá ngồi nhóc mỏ cá kèo nghe, sá gì cái cảm tưởng này. Còn khỏe hơn nữa là lên tới R, ông Cục Trưởng Cục Chính Trị Quân Giải Phóng đã soạn sẵn cho ba, bốn trang lâm ly rồi. Cứ đó mà đọc. Ông ta cũng soạn cho bốn, năm người khác trong đó có mấy ông bà trí thức gà mờ ở thành mới vô. Do đó tất cả cảm tưởng trong buổi lễ đều rất ăn khớp với nhau không có điểm nào chệch choạc hoặc râu ông này cắm cằm bà kia.

Tôi được ông Cục Trướng Cục Chính Trị giới thiệu với hội trường như một anh hùng vừa lập xong cái chiến công Biên Hòa. Cả hội trường vỗ tay vang dậy hồi lâu. Tôi đọc cảm tưởng một cách chậm rãi và rất hùng hồn.

Mấy mụ sồn sồn ngó tôi lom lom. Mấy tên mặc áo nhà sư đầu bóng lưỡng thì chậm rãi gật gù. Hóa ra một đám Lỗ Trí Thâm lên cổng chùa vào đây ngã mặn. Chứ không, sao lại hoan nghênh kẻ sát nhân như tôi. Cán bộ đến dự gồm toàn thứ cao cấp của Cục Tham Mưu, Cục Hậu Cần, Cục Chính Trị ngồi như cá mòi ở cuối hội trường không có dịp ngửi hương phấn của Sè thành e lệ. Tôi liếc thấy một cô đào Hát bóng ở Hà Nội. Cô nàng đẹp lắm nhưng tiếc thay cái bông hoa lài đã cặm bãi cứt trâu, bây giờ vô đây không biết món gì mà lại lọt vào hội trường này?

Tôi đọc tới đoạn quan trọng thì lên gân:

- Quân đội là con em của nhân dân, phải tận trung với nước, tận hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành (lặp lại hai lần), khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng! (tôi nghĩ là: kẻ thù nào cũng đánh bại chứ sao lại đánh thắng?)

Tôi biết câu này là do ông Sáu Vi sáng tác nên vừa đọc xong, tôi ngó xuống ngay hắn. Hắn gật gù và giơ nắm tay lên trước ngực tỏ ý hài lòng, trong lúc hội trường ào ào đứng bật lên như đạp phải lửa. Mỉa mai thay những tên đặc công đánh trận Biên Hòa, sau khi nổ súng rồi bị trực thăng nhảy chụp không có đường rút lui, phải nơ ba cây DKZ 25 lủi như chuột còn kẹt ở bờ sông Bé, nghe nói gần phân nửa bị bắn chết, hai khẩu DKZ rơi xuống sông không mò được...

Tất cả đám xôi thịt không.phân biệt gái trai già trẻ đều ngồi phải cây cọc Nguyễn Chí Thanh một cách hết sức êm ái nên tha hồ nhún nhảy và vỗ tay khoái cảm rã rít. Khi tôi hoàn thành bài cảm tường thì các ông to bà lớn động cởn lại một phen đứng dậy vung tay múa chân hoan hô giải phóng quân anh hùng.

Kế đó là ông chủ tịt Mặt Trận Nguyễn Hữu Thọ lên sân khấu tặng huân chương Quân Công Hạng Ba cho đội đặc công (gọi là Đoàn Pháo 69). Tôi thay mặt Đoàn lãnh Huân Chương. Tiếp đến vợ chồng bác sĩ Phùng Văn Cung trao cờ Luân Lưu (Phùng Văn Cung là tên bác sĩ thiến heo, vô rừng chích toàn gây áp-xe cho bệnh nhân). Tôi lại cũng tiến ra thím xực luôn lá cờ rồi quay ra trình cho hội trường xem. Bà ta cảm động ôm quàng lấy tôi mà hôn. Tôi nghe ớn quá trời vì bả già cóp. Tôi chỉ đáng con bả. Giá được con gái bả hôn thì thích hơn.

Hội trường lại thêm một phen cảm động quá sá ngán. Máy ông phó nháy chớp lia, mấy ông phó nhòm thì quay ống kính theo tôi bấm máy chạy rè rè. Tôi nghe cái cục vinh quang chạy lên tận cổ. Tôi dõng dạc oai phong bước xuống sân khấu đến ngồi vào ghế của mình. Ông đại tướng chồm lên vỗ vai tôi, rồi đưa tay ra cho tôi bắt:

- Cậu khá lắm! Quân đội phải thế!

Phần lễ chính thức tối đó coi như chấm dứt để bước sang phần văn nghệ do đoàn Văn Công Giải Phóng của chị Ba Thanh Loan phụ trách. Trong lúc ngồi xem, ông đại tướng cứ hỏi chuyện tôi hoài. Mình ở trong rừng thiếu chất tươi, xem Văn Công được một đêm còn hơn uống thuốc La Vạn Linh Bổ Thận nhưng tôi đâu dám bất mãn với ông đại tướng, cứ phải luôn miệng trả lời. Ông hỏi thăm tình hình của đoàn Pháo 69 mà Cục Chính Trị lếu láo giới thiệu với hắn tôi là Đoàn Phó. Vốn là người đi sâu đi sát với lính nên hắn hỏi thăm tôi ngay về tổ chức của đoàn. Làm sao đột nhập vào vùng tạm chiếm. Vấn đề chuyên chở nòng pháo. Vấn đề rút lui v v Chẳng lẽ mới nhận huân chương đó, bây giờ lại nói không biết gì, tôi bèn bịa và trả lời xuôi rót nên ông ta tin tưởng tôi là Đoàn Phó đoàn 69 và đã chỉ huy trận pháo kích thật. Hóa ra mấy tên đầu bò bịp tên đầu bò. Tôi không ngờ chúng nó lại thủ đoạn với nhau như thế. Do cái loại báo cáo tô hồng này mà Cải cách ruộng đất bét nhèo ra rồi lão Hồ mới hay.

Nhưng Sáu Vi không dừng lại ở những nét chung chung đó. Hắn hỏi sát đáy quần chúng cơ.

- Anh em ăn có no không?

- Dạ no. (Gạo mục và đói thấy mẹ. Trồng khoai sắn tự túc Mỹ đánh tan hoang hết)

- Có trộn khoai sắn gì không?

- Dạ không? (Không trộn khoai sắn, chi ăn khoai sắn vì không đủ cơm. )

- Mỗi tháng khẩu phần bao nhiêu?

- Dạ 30 lít chẵn. (Lắm lúc không có lít nào phải đi ăn chực ngoài ấp chiến lược hoặc trong xóm. )

- Tiền thức ăn bao nhiêu, có tạm đủ không?

- Dạ, 8 cắc cho sơ cấp và lính, một đồng hai cho trung cấp (sự thực ít khi lãnh đủ. )

- Không được, phải hủy bỏ ngay cái chế độ đó. Phải đồng cam cộng khổ. Sinh hoạt phí có phát đều không?

- Dạ có! (không mấy khi có.)

- Anh em có thắc mắc gì không?

- Dạ không ạ. (Anh em chỉ chưởi cha mấy tháng quản lý tham ô và cấp trên hưởng lạc thôi chứ không dám thắc mắc.)

- Anh em có ra ấp chiến lược mua sắm không?

- Dạ đơn vị cấm ngặt ạ! (Sự thực thì cán bộ ăn hút mê man ngoài ấp chiến lược lấy vợ luôn ngoài đó)

- Chế độ sinh hoạt Đoàn Đảng có duy trì tốt không?

- Dạ có! (chỉ họp để thi hành kỷ luật các ông dâm ô ngoài ra ai cũng ớn họp.)

- Có kết nạp đoàn viên đảng viên mới không?

- Dạ có! (sự thật thì không ai vô đoàn, còn đảng viên thì bị khai trừ nhiều hơn kết nạp. )

- Anh em miền Nam về được quê hương có phấn khởi không?

- Dạ phấn khởi lắm. (Mừng thấy bố nữa là khác.)

- Đồng chí có gia đình chưa?

Dạ chưa! (Làm sao đứng lại để cưới vợ được mà có?)

Ông ngưng một chút để cho tôi coi Văn Công. Tưởng gì ai dè kịch Đánh Mỹ của các dũng sĩ Củ Chi. Nào là Bảy Bê, Bảy Nề, Bảy Mô, Út Nhỡ, Tư Gừng, Năm Cội v.v... Đến cái màn Mượn Mỹ (tôi đã kể ở phần I) tôi mắc cỡ quá chừng. Vì sự thực không có gì hết ngoài cái tổ chức gọi là Đội Nữ (gồm toàn Nữ Du Kích của các xã) nhảy cóc nhảy nhái võ trang bằng súng trường bá đỏ đâu có làm ăn được gì. Tôi biết rành mà chúng lại đem diễn láo cho tôi xem.

Ông đại tướng lấy làm thú vị, vừa coi vừa gật gù khen ngợi:

- Thành đồng phải thế! Thành đồng phải thế!

Khi vở kịch Mượn Mỹ chấm dứt ông lại hỏi tôi một loạt nữa.

- Cậu có gặp mấy cô này không?

- Dạ có gặp luôn ạ. (Gặp cả ở dưới hằm.)

- Có đúng như trong vở kịch không?

- Dạ đúng, nhưng vở kịch còn kém so với thực tế.

- Là thế nào?

- Dạ đội nữ anh dũng hơn nhiều. Vở kịch không diễn tả được cảnh trực thăng bắn.

- À! đúng, cái đó thì khó đem lên sân khấu. Mỹ có vẻ khờ lắm phải không?

- Dạ không.

- Sao tôi nghe đài Giải Phóng nói thì tôi mường tượng đó là những thằng người làm bằng sáp.

- Dạ tôi chưa bắt được thằng nào nhưng máy bay của nó thì rất... ác.

Tôi không dám đẩy cây thoa mỡ bò với ông đại tướng về cái khoảng Mỹ khờ vì tôi đã đánh với nó nhiều trận. Phải nói khi xáp chiến thì 50/50 nhưng lúc rút lui thì nó cho trực thăng và pháo truy kích gây số thương vong gấp năm, mười lần tại trận địa.

Hết vỡ tuồng Mượn Mỹ (*) thì tới vỡ Gái Bán Bar hay US go home (*).

Cô đào hát bóng đóng vai gái bán bar. Lính Mỹ đến nhậu và bị dán truyền đơn ngay cả trên lưng mà không hay... Con nhỏ rã rê với tên Mỹ, chân trắng nõn suông như ống chỉ, cặp mông ngún nguẩy làm tướng tá tao nhân mặc khách đều mê tơi, nhưng ông Đại tướng lại quèo tôi hỏi tiếp:

- Này, đơn vị bộ binh mỗi khẩu súng trường được bao nhiêu đạn? Du kích được bao nhiêu?

- Dạ súng trường 100, tiểu liên 150-200, trung liên 500-600. Du kích 100-200. (sự thực du kích đào bom lép nổ tan xác thiếu gì.)

- Còn pháo?

- Dạ nếu 105 ly thì 10 quả. Cối 120 ly cũng cỡ đó. DKZ-75, cối 81 thì 10-12 quả.

- Đạn 105 vác cách nào?

- Dạ thì thanh niên xung phong vác theo bộ đội.

- Làm sao vác nổi?

- Dạ hai người một quả, thay phiên nhau.

Ông đại tướng ngẫm nghĩ một chốc rồi lại hỏi tiếp. Tôi hơi phiền trong bụng vì không được thoải mái xem kịch. Các tên Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Trần Văn Trà ngồi trơ trơ đó, sao hắn không hỏi mà cứ hạch mình. Tôi biết hắn muốn đi sâu đi sát. Bị một vố Cải Cách Ruộng Đất rồi ê càng, Bây giờ không dám nghe các ông bà trung gian tâu lên bệ hạ nữa.

- Đơn vị cậu mỗi ngày sốt rét bao nhiêu? Có sốt ác tính không?

- Dạ chừng một vài người thôi. (Sự thực trên 2/3.)

- Ngoài sốt rét ra còn bệnh gì khác nữa không?

- Dạ phù thủng, kiết lỵ, quáng manh, gan, lá lách, dạ dày, sốt ác tính cũng lai rai.

- Nhiều vậy sao?

Tôi bị ló đuôi, bèn trở cờ:

- Dạ đó là hồi năm kia, anh em chưa quen nên bịnh nhiều, bây giờ thì không thế nữa.

- Đoàn của đồng chí có cứu thương không?

- Dạ có. (Thực ra là không, chỉ một vài anh y tá vườn bắt theo đơn vị băng bó thương binh ẩu tả để chở đi bệnh xá cưa cắt thôi. )

- Bệnh xá có phương tiện khá không?

- Dạ tôi nghe nói khá. (Sự thực chẳng có thuốc men gì. Một giáo sư Liên Xô đã vào thăm cái gọi là Bệnh Xá của Quân Khu ở Bưng Còng. Y tá phải biểu diễn một màn cưa chân thương binh bằng cưa sắt như kiểu chín năm chống Pháp. Ông giáo sư lắc đầu chịu thua. )

Cái tính đi sâu đi sát với lính và dân của ông đáng cho cán bộ thuộc cấp sợ xanh mặt lắm chớ không có đùa đâu. Ba tên tướng ngồi bên cạnh ông nghe tôi trả lời chắc phải nhấp nhổm như ngồi bàn đinh. Biết đâu nay mai ông gọi ba trự này sạc-cà-rây một mách?

Tôi viết chương này để mọi người Việt Nam biết rằng cái chết của tên tướng đầu đỏ báo hiệu xấu cho Tết Mậu Thân thảm bại. Sự thảm bại này kéo theo cái chết của Hồ. Đó không phải là một chuyện thường mà là hình phạt của Thượng Đế ban cho thầy trò tên cướp và bọn lâu la.

Cám ơn nhánh cây rừng có mắt đã hủy diệt dùm dân tộc Việt Nam một cái mầm Staline.

Tôi và Tư Linh ngủ ngoài rừng giữa cái đêm kinh hoàng đó. Đến sáng mới mò đường (mò thật chớ chẳng phải nói đùa vì bom B52 đã thay đổi toàn bộ địa vật). Chúng tôi mò được quán cô Sáu Tỉnh (hoặc Sáu Tiệm). Cô Sáu là người rất mến tôi ngay từ lần đầu tôi bước chân xuống Củ Chi.

Cái quán bay cả nóc chỉ còn một cái chái xiêu xiêu, lòi cả miệng hầm. Bên trong hai ba trự đang ngồi uống trà tán nhuyển về trận B52 và mừng cho sự sống sót của mình.

Thấy tôi và Tư Linh, ông thiếu úy đánh xe bò mừng rỡ:

- Lại đây trụng lòng trà đế quốc vài chung thầy Hai.

- Ê! ổng lên E phó rồi nghe mậy!

- E, Ê gì cũng một viên thôi.

Tôi và Tư Linh sà vào. Khói thuốc thơm mịt trời. Thấy quanh bình trà toàn là những ông kẹ con nên tôi không ngại gợi lại chuyện đêm qua!

- Chuyện đó đã đành rồi t Nhưng đem về tới sân bay Mi Mốt bằng cách nào?

Tư Linh nói.

- Mình chỉ dùng xe đạp thôi chớ xe mô-tô làm sao đèo được? Ban đầu tôi cũng không hiểu thồ cách nào. Vì thồ xe đạp thì chỉ thồ người sống chớ làm sao mà thồ người chết? Nói xin lỗi, chẳng lẽ trói rùn ông lại rồi ràng trê n poọc-ba-ga?

Bảy Hốt hớp ngụm trà và gật gù:

- Đây là nghề của tôi rồi. Để tôi nói cho hai ông nghe. Ba cái vụ Thồ này là gốc từ ngoài Bắc nhất là trong chiến dịch Điện Biên. Ông ba Kiên trung đoàn trưởng Q16 vô hồi nẳm, ổng có phổ biến kỹ thuật thồ, trong đó có cách thồ chiến thương bằng võng ở những đoạn đường phẳng. Chẳng khó khăn gì. Lấy một cái đòn dài buộc vào sườn xe trước luồn tận xe sau.

- Nghĩa là hai xe đạp.

- Ngoài đó gọi là thồ đúp hoặc thồ gia công. Giữa hai chiếc xe ta treo cái võng trên cây đòn. Chiến thương nằm trên võng. Xe chạy êm ru!

Tư Linh nói:

- Nhưng từ căn cứ 30 đến sân bay Mi Mốt đâu có phải gần như hồi Bộ Chỉ Huy đón ổng vô. Ít nhất cũng phải đạp mất một ngày. Đó là nói trường hợp đường suông sẽ, không bom pháo, đổ chụp!

Tư Linh thở dài sườn sượt ra vẻ chán nản cực độ.

- Đù mẹ, giữa trận mạc thì lính lãi cũng một phát mà đại nguyên soái cũng chỉ một phát thôi.

Tôi bảo:

- Nhưng đám ma lính lãi thì chỉ có cóc nhái ễnh ương tiễn đưa, còn Nguyên Soái thì có kèn trống mày ạ!

Tư Linh rút thuốc bật lửa hút mấy hơi dài rồi nói.

- Phải rồi! Nhưng nằm trong hòm có nghe gì? Nhớ hồi ổng mới vô sân bay Mi Mốt, tụi tao đi đón.

- Ủa, mày được danh dự thế à?

- Danh dự gì! Tao đi trong đám bảo vệ, toàn cấp úy trở lên, nhưng đến nơi chỉ đứng xa xa vòng ngoài. Bữa đó không biết được điện hồi nào, mà anh Ba Chè nhà mình hớt hãi tập họp các ông tướng. Chín Vinh, Lê Trọng Tấn và mấy ông Thượng tá Cục Trưởng, Cục Phó B1, B2, B3. Chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ chuẩn bị là cả đoàn xuất phát. Tao còn nhớ ông Ba Chè có chọn tám dũng sĩ khỏe nhất thuộc Bộ Chỉ Huy. Không biết ổng định làm gì. Ổng bảo đi là đi. Cả đoàn vừa đi vừa chạy. Chỉ băng qua biên giới một tiếng đồng hồ là đến sân bay. Đây là cái sân bay của thằng chủ đồn điền cao su chứ không phải sân bay hành khách. Tao là cái thằng cầm đóm điếu nên được phân công đứng sau mấy ông tướng để sai vặt. Chờ chừng mười lăm phút thì trực thăng tới.

Tôi hỏi.

- Từ Hà Nội vào gì mau vậy?

- Không! Từ Nam Vang.

- Ủa, ông đi từ Nam Vang à?

- Chớ sao. Mày không biết ông già Ca Văn Thỉnh làm đại diện của mình đang ở đó à? Mình oánh xí cú mứng nên thằng vua Thổ phải chịu. Nó là học trò của ông Thỉnh ở Chasseloup Laubat mày biết không? Người Á Châu trọng nghĩa thầy trò nên ổng muốn gì cũng được. Nó cho ông tướng nhà mình xuống Mi Mốt bằng trực thăng có khó khăn gì. Ổng bước xuống thang tươi rói, không mất giọt mồ hôi.

- Vậy tao gặp ông trên đường Trường Sơn là nghĩa gì?

- Ổng đi quan sát một vài trạm để đề xuất vấn đề, chỉnh đốn nọ kia vậy thôi. Mày biết ổng mà. Ổng đi đến đâu là thay đổi rần rần đến đó. Ông ba Chè mình giới thiệu qua các ông khác rồi quay lại vẩy tay cho tao. Tao đã được dặn dò kỹ lưỡng, nên thấy ổng vẫy tay là biết thời cơ lập công dâng đảng đã đến. Tao chạy ra sau đuôi máy bay giơ tay ngoắc, lực sĩ chạy tới vòng qua trước cửa. Ông Ba Chè khúm núm:

"Thưa anh Sáu, anh Sáu đi đường xa mệt mỏi, mời anh Sáu lên kiệu."

Tôi gắt.

- Kiệu?

- Ừ, ổng kêu là cái kiệu vì nói võng nghe hèn hạ, hoặc sợ phạm húy của ai đó tao không rõ. Tao thấy ông đại tướng rõ hơn hồi ở Hà Nội. Nước da ổng cũng mầu đồng điếu. Chẳng phải vì ông dầm mưa dãi nắng mà đó là nước da lãnh đạo.Ông mặc áo len màu nâu, quần kaki xanh chân đi dép lốp. Ổng lấy làm ngạc nhiên khi bốn lực sĩ của tao xỏ võng vào đoàn và kề lại trước mặt ông chờ ông bước lên. Ổng xua tay lia lịa:

- Không không có như thế được!

- Dạ dạ...

Ông Ba Chè lắp bắp tiếng được tiếng không. Ông Lê Trọng Tấn cũng phụ họa:

- Dạ mời anh Sáu...

Ông càng xua tay mạnh hơn.

- Không! Không! Tôi còn khỏe, tôi đi bộ được. Chiến sĩ ta lội núi vượt rừng khổ cực, tôi không thể nằm võng cho các đồng chí khiêng như vậy. Đến đổi Bác Hồ đi công tác còn phải xăn quần lội suối... (vài chục thước thôi!)

Thiếu úy xe bò chắn ngang.

- Ổng không nhận thật à?

- Không! Đó là sự thực chính tao thấy. Ổng không nằm võng cho tụi nó khiêng thiệt mà.

Tôi nghĩ bụng:

- Ối! Những chuyện đạo đức như vậy tôi biết thiếu gì. Đó chỉ là một lối mị dân, gạt lính. Bác Hồ đang đi xe hơi, thấy xã viên tát nước bèn dừng lại tát vài gàu (Báo Nhân Dân la ỏm tỏi). Bác về dinh Toàn Quyền uống sâm đặc và hút thuốc Mèo Đen (không báo nào nói), bác đập ruồi (các báo chụp hình đăng lên) nhưng bác giết Dương Bạch Mai tất cả lại câm như hến.

Thì cũng như tướng mặt sắt này giả bộ đạo đức không chịu nằm võng cho lính khiêng, nhưng cứ ba bốn tháng thì mụ sề vác cái bề hê vô trong này phục vụ cho con tì ngẩn của hắn. Ngoài ra các mụ tướng khác cũng tùng dấu theo đó mà vô thăm chồng. Mỗi lần các mụ tới Mi Mốt thì lính khiêng về R còng xương sống, có ai dám nói gì đâu! Và mỗi lần các mụ ra về thì chở theo vô số vải vóc, đồng hồ, bút máy, radio cả xe đạp đem về miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng, mặc dù được vợ thăm viếng như thế, hắn ở trong này vẫn tòm tem như thường! Các bạn hẳn nghe danh anh hùng Nguyễn Văn Trỗi chứ? Tên đặc công đặt bom ở cầu Trương Minh Giảng bị cảnh sát Sài gòn bắt được và đồng bào cầu này gọi là tên ăn trộm gà ấy mà? (vì hắn bị đuổi phải chui trốn trong chuồng gà) Trời có cô vợ xinh xinh tên là Q. Sau khi Trỗi bị xử bắn thì đảng ta ra lệnh cho Mặt Trận rước cô nàng vô khu để "Bác Sáu huấn luyện tinh thần yêu nước cho cháu gái, để cháu gái nối bước theo chồng! " Do đó thị Q. được bác Sáu cho ở chung một nhà để tiện việc huấn luyện, đến nổi ( bọn cần vụ rỉ tai nhau: "Bác Sáu cưng vợ ông anh hùng này quá sá?, Huấn luyện được kết quả 500%. Nên sau đó có tiếng xầm xì: "Bác Sáu gởi bà anh hùng về Sài gòn để nạo."

Chuyện này chỉ có bác Sáu biết. Có lẽ tư tưởng Mác Lê duy vật không cho phép bác dùng chứng minh thư nhân dân.

Chuyện này ít ai hay, nhưng sở dĩ tôi rành là vì chính thằng bạn của tôi tên là thằng T. nó quê ở Gò Công có đi học trường Mác Lê Moscowa đàng hoàng, khi về Hà Nội nó viết cái luận án Phó Tiến sĩ trình Ban Tuyên Huấn Trung Ương bị Tố Hữu ngâm tôm hoặc vứt sọt rác gì đó, nên không được trở qua nữa mà lại bị đưa về Nam. Nhưng cái chức Phó Tiến sĩ hàm của hắn vô Nam thì xài ở đâu? Bèn cho hắn xách dép Nguyễn Chí Thanh. (Tôi có gặp hắn làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn vài trạm. Nguyễn Chí Thanh muốn xem tình hình "mậu dịch bán bằng ba thứ tiền Việt Miền Lào" ra sao chắc. Chỉ được vài ngày thì hắn biến mất. Thì ra hắn tách riêng đi xe hơi.)

Thằng Phó Tiến sĩ đang làm tên nâng cu sửa dế cho ngài đại tướng trong thời kỳ ở R chung với bọn Lê Đức Anh, Trần Độ, Lê Trọng Tấn v.v... Hắn ở một nhà còn thằng bí thư ở nhà khác: Hai cái cách nhau xa xa. Nếu cần, bác Sáu gọi. Kỳ dư thì không được tới chầu.

Bữa đó vì có chuyện gấp nên thằng T vô chiếu triệu mà lại lò dò vô tới. Chuyện không ngờ nó thấy bác Sáu nằm trên võng còn cháu Q thì ngồi dưới đất nhổ tóc ngứa. Nó rình một hồi thì cháu Q được bác Sáu đề bạt lên bụng bác. Chập sau bác Sáu lên giường cỡi áo ra nằm sấp cho cháu Q cạo... gió. Nó chỉ dám ngó có bấy nhiêu thôi vì ngó lâu sợ cụ Hồ nổi giận thì khổ thân! Những chuyện như vậy sống để bụng, chết đem theo mới phải. Nhưng thằng bí thư đã xì ra với tôi trong một đêm ngã mặn ở Tiểu ban Văn Nghệ R. Trước khi kể, nó bắt tôi thề độc "Không được nói với ai!"

Con quỉ đỏ mặt vuông này bị búa Thiên Lôi đả nát sọ là một việc may mắn cho dân tộc Việt Nam vô cùng. Chính hắn là tên có nợ máu trong Cải Cách Ruộng Đất, nhưng hắn là con cưng của lão Hồ nên lão ta đưa tên Hồ Viết Thắng ra đỡ đòn. Nếu hắn còn sống thì dân tộc ta còn phải điêu đứng hơn so với ba tên chăn bò hiện nay nhiều.

HẾT QUYỂN 4


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx