sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 79: Những "Bàn Cờ Thế" Trên Đất Củ Chi

Sau một thời gian đánh liên tục của tiểu đoàn Quyết Thắng, Quân Khu cho Tám Quang xuống làm một cuộc tổng kiểm thảo những trận đánh điển hình thắng và thua: Suối Cụt Tân Quy, Cây Keo (đồn Thầy Mười). Năm Lê, tham mưu trướng Quân Khu, đáng lẽ phải có mặt nhưng vì "đau xương sống" nên không đến dự. Đúng ra, ông ta ngại ra khỏi hầm.

Ít nhất trong vòng hai năm tôi đến làm việc với ông hai lần trong hầm này (nơi mà xã đội trưởng Ba Xây, ông Xây bị bắt trong cuộc càn Operation Crimp, nhưng Năm Lê vẫn không dời địa điểm). Và vì một lý do ngầm: Năm Lê không ưa cái mép của Tám Quang.

Cuộc kiểm thảo được tổ chức trong vườn chuối sau nhà cô Ba Lợi, có đủ mặt cán bộ tiểu đoàn và đại đội của tiểu đoàn và nhiều tai to mặt lớn của Quân Khu như Ba Hải, trưởng ban tác huấn khu; Ba Kỳ Nam, cấp chính ủy trung đoàn; Út Lịa, trung đoàn phó đang tại chức; Ba Châm, trung đoàn trưởng; Năm Tiều, trung đoàn trưởng cán bộ đốc chiến cố vấn của tiểu đoàn.

Mở đầu, Tám Quang, trưởng phòng chính trị, báo cáo tình hình thế giới, trong nước và Quân Khu. Ông cho biết lão Khơ xét lại đã bị hạ bệ, Kốt-xi-ghin lên, hoàn toàn ủng hộ chủ trương giải phóng của đảng. Cho nên đã có vũ khí mới viện trợ, chấm dứt thời kỳ tiếp trợ bằng những khẩu mút cơ tông "oảnh tầm sào" dựng cao hơn đầu lính ta.

Miền Nam có ba công trường 5, 7, 9, một sư đoàn pháo và một sư đoàn đặc công. Hai sư đoàn Mỹ "Anh Cả Đỏ" và "Tia Chớp Nhiệt Đới" đã có mặt đầy đủ tại Đồng Dù, Lai Khê và Dĩ An. Ngoài ra còn có một trung đoàn thiết kỵ và lữ đoàn Dù 179 tăng cường cho hai sư đoàn này khi có hành quân lớn. Sư đoàn 25 Sài Gòn đã rảnh tay để đánh phá vùng hậu cứ của Mặt Trận Giải Phóng. Cụ thể là hiện giờ nó được rải dài từ Hậu Nghĩa đến Tây Ninh để canh giữ trục quốc lộ I, trong lúc lữ đoàn Dù 173 Mỹ đang thiết lập căn cứ Trảng Lớn dưới chân núi Bà Đen ngay trước cửa ngõ căn cứ của R. Ở trên nhận định rằng sau cuộc hành quân ở vùng Tam Giác Sắt và tả ngạn sông Sài Gòn hồi đầu năm 1966, chúng sẽ mở cuộc tấn công lớn vào căn cứ R trong năm nay.

Do tình hình biến chuyển như vậy, Quân Khu xét thấy các đơn vị cần phải nhẹ gọn để luồn vào đô thị đánh các vùng an toàn của Ngụy. Bộ Tư Lệnh quyết định tạm thời giải tán trung đoàn. Tám Quang không nói ra nhưng ai cũng biết đó là trung đoàn của Ba Châm, một trung đoàn đánh đâu thua đó và chuyên môn bỏ xác lính tại trận. Bộ Tư Lệnh chỉ giữ lại trung đoàn Q16 của R tăng viện cho Quân Khu tức là trung đoàn (của hang Pắc Pó) anh hùng Điện Biên của Ba Kiên và Năm Dũng, và tiểu đoàn Quyết Thắng của Củ Chi, nay được Quân Khu nâng lên thành tiểu đoàn chủ lực cơ động của Quân Khu. Tiểu đoàn này sẽ được đưa vào sát nách Sài Gòn và Q16 sẽ thay thế nó ở địa bàn Củ Chi trong những ngày sắp tới.

Khi Tám Quang dứt lời, mọi người đều im lặng. Không một ai giơ tay lên. Ba Châm ngó xuống. Tư Nhựt và Hai Phái liếc sang tôi. Năm Tiều móc thuốc hút một cách ung dung. Không khí nặng nề bứt rứt vì ai cũng cảm thấy tình hình chẳng sáng sủa tí nào. Tôi nghĩ: tiểu đoàn Quyết Thắng còn quá ư xộc xệch, về mặt chiến thuật, kỹ thuật, quân số và trang bì làm sao luồn vào giữa lưới đồn bót mà đánh địch hữu hiệu? Sợi dây lưng của cô dân công đã giúp chúng tôi thoát nạn ở đồn Thầy Mười là một bằng chứng hùng hồn về sự xộc xệch đó. Một phương diện khác cũng không kém quan trọng, đó là nghệ thuật lẫn phương tiện chỉ huy. Trận tập kích Tân Quy thất bạ một phần lớn là do lỗi ở chỉ huy.

Thấy không ai có ý kiến gì, Tám Quang hỏi thẳng Hai Phái, đảng viên.

Hai Phái đáp xụi lơ:

- Dạ ở trên chỉ đâu chúng tôi đánh đó.

Còn Tư Nhựt gãi đầu gãi tai:

- Dạ, tinh thần chiến sĩ rất cao, ngặt vì vũ khí của ta không đáp ứng nổi cho chiến đấu.

Tám Quang ngắt lời:

- Chiến tranh do đảng lãnh đạo lấy con người làm yếu tố chính. Vũ khí cũng quan trọng nhưng tinh thần quyết định chớ không phải vũ khí. Nếu các đồng chí không có tinh thần quyết thắng thì đã không có sáng kiến dùng sợi dây quần của cô Tân cô... ô... -ông Tám Quang tằng hắng mấy cái liền, nuốt gặng rồi nói tiếp- Các đồng chí đã từng xem phim anh hùng Liên Xô Ma-tơ-rô-rốp, Đồng Tổn Thụy của Trung Quốc và Bế Văn Đàn, Phan Đình Giọt lấy thân mình lấp lỗ châu mai để giải quyết thắng lợi cuối cùng về ta. Những tấm gương đó có nghĩa là gì? Đó là tinh thần quyết định chứ không phải vũ khí. Đồng chí Hai Lôi nghĩ thế nào? Đồng chí đã tỏ ra là một người chỉ huy vừa dũng cảm vừa sáng suốt xin cho biết ý kiến.

Tôi nghĩ: ổng đã nói thế rồi, bố thằng nào dám nói khác, nên gật đầu, nói bọc xuôi:

- Dạ đồng chí trưởng phòng chính trị dạy chí phải ạ!

Tám Quang nói tiếp:

- Tuy vậy không phải là đảng coi thường sinh mạng chiến sĩ (đảng coi chiến sĩ như chó thôi chớ không coi thường). Các đồng chí Liên Xô rất khâm phục chúng ta đã biết khắc phục hoàn cảnh thiếu thốn để đánh Mỹ. Nhưng trong vài bữa nữa, các đơn vị sẽ thấy ông Ba Giỏi, Tám Dương phát cho các đồng chí vũ khí mới của Liên Xô hơn hẳn vũ khí của Mỹ. Hiện trên R mới có chín khẩu, sẽ trang bị cho các đồng chí cả. (chưa tới mười khẩu vũ khí mới, chưa biết là vũ khí gì mà đánh với hai sư đoàn Mỹ tối tân. Vậy là ghê gớm lắm đó các đồng chí "ngựa trời" của Năm Cội, anh hùng diệt tăng của đất Củ Chi ơi!).

Đến phần kiểm thảo các trận đánh, Ba Châm thua me gỡ bài cào. Sau khi Út Sương báo cáo về trận Suối Cụt, y lên tiếng trước nhất:

- Đồng ý là trận Suối Cụt có nhiều ưu điểm, nhưng có một sự vô kỷ luật căn bản.

Mọi người chưng hửng nhìn ông trung đoàn trưởng già (một loại Đạt Đức lão tướng lạc hậu trong kịch Tiền Tuyến của Liên Xô trong thời đánh Hitler. Do đó bộ tổng tư lệnh Hồng Quân đã đưa tướng Cu-nhiếp đến thay thế). Ba Châm nhìn thẳng vào tôi:

- Ai cho phép cán bộ tiểu đoàn ra vùng địch nghiên cứu trận địa?

Tôi giật mình. Không ngờ y vạch lá tìm sâu như vậy. Trận Tân Quy, Ba Châm đã có ác ý cho đơn vị do tôi trực tiếp chỉ huy (C3 của Út Sương) nằm vòng ngoài để đội pháo Bình Dương nhưng tôi bỏ qua, nay y lại bắt tội tôi ra vùng địch.

Nhưng Tám Quang chận ngay:

- Đó không phải là một hành động vô kỷ luật mà là một sự linh động. Vả lại Bộ Tư Lệnh chưa có một chỉ thị nào cấm cán bộ ra vùng địch để thi hành công tác. Hơn nữa, nhờ sự nghiên cứu tận tường nên trận Suối Cụt đã đem lại kết quả tốt đẹp nhất trong các trận đánh địch cụm quân từ trước tới nay. Ngược lại, trận tập kích Tân Quy đã không đem lại tiếng vang là vì sự nghiên cứu còn có chỗ thiếu sót

Tuy vậy lão tướng Ba Châm vẫn còn ức. Ông ta chưa chịu im nên cố bới lông tìm vết để đổ lỗi cho tôi:

- Trong nguyên tắc bố trí hỏa lực pháo binh điều tối kỵ là bố trí "pháo giao đầu" thế mà đồng chí tham mưu trưởng D đã phạm khuyết điểm đó.

Tám Quang biết tâm lý của Ba Châm: ông ta là cán bộ trên tôi ba cấp thời kháng chiến chống Pháp mà bây giờ tôi lại tỏ ra linh động hơn ông. Nên Tám Quang an ủi ông bằng cách vuốt nhẹ:

- Trong chín năm ta có những nguyên tắc không thể đem áp dụng vào thời kỳ này. Hơn nữa, có khi ta lại làm ngược lại. Thí dụ hồi trước ta đóng quân trong vườn và nhà nhân dân, bây giờ nếu ta cứ chui rúc trong vườn và nhà nhân dân thì ta làm mồi cho pháo. Trong lãnh vực pháo binh, đồng chí tham mưu trưởng tiểu đoàn có đủ trình độ để bố trí hỏa lực hợp lý. Qua hai trận pháo kích Đồng Dù và Trung Hòa, kỹ thuật bắn pháo của đồng chí ấy chứng tỏ cho Bộ Tư Lệnh thấy rõ. Và trong trận Tân Quy, pháo binh ta đã không gây thiệt hại gì cho bộ binh ta. Đó là một thực tế chúng ta đều phải công nhận.

Ba Châm đành im.

Sự thực tôi không có thành kiến gì với Ba Châm lẫn Năm Tiều, là hai cán bộ có thành tích chống Pháp. Nhưng bây giờ các ông ấy đã già yếu và không chịu rời bỏ những kinh nghiệm lỗi thời xưa. Thời đó đánh Pháp phần lớn là bằng kinh nghiệm chớ không bằng kiến thức khoa học. Nói vấn đề ra trận, các ông không chạy nổi thì cũng đủ chết rồi. Chạy đua với pháo, trực thăng phải là đám trẻ chúng tôi, còn sồn sồn cỡ Hai Phái, Đoàn Tâm, Út Lịa cũng không kham nữa là Ba Châm. Chẳng những chạy, mà vừa chạy vừa đánh.

Để vỗ an cán bộ, Tám Quang nhân danh Bộ Tư Lệnh khen (miệng) D Quyết Thắng của chúng tôi và nhấn mạnh:

- Quyết Thắng được Bộ Chỉ Huy R công nhận là một trong bốn tiểu đoàn đánh giỏi nhất miền Nam.

Rồi ra lệnh cho ban chỉ huy D đề nghị thăng cấp cho cán bộ và chiến sĩ do y duyệt xét ngay không cần trình lên Bộ Tư Lệnh.

Tan hội nghị tôi về văn phòng với Tư Nhựt và Hai Phái, định bàn việc tổ chức lại tiểu đoàn để đáp ứng nhu cầu mới của chiến trường. Nhưng cơm nước xong, thì nữ phóng...viên tới yêu cầu làm việc với ban chỉ huy để cô ta tường thuật trận Suối Cụt. Tư Nhựt từ sau trận này, tỏ ra điệu đờn với tôi nên nháy tôi và bảo:

- Thầy Hai có văn nghệ hơn tụi tôi, thầy nên tìm chỗ yên tĩnh mà "làm ăn", ủa, làm việc với nhà báo đi! Còn công việc "dê"(D) chúng tôi ở nhà lo thay cho đồng chí.

Tuy đoán mò rằng tôi và cô nhà báo có xăng tăng với nhau từ trước, nhưng Tư Nhựt cũng không biết rằng trong lúc kiểm thảo, tôi ngồi cặp kè với nàng và trao đổi bang giao với nhau cụ thể rồi. Còn Hai Phái thì biết mình không dấm dớ được nên cũng không phản đối.

Ra khỏi văn phòng, tôi hỏi nàng:

- Đi đâu bây giờ em?

- Anh là tham mưu mà!

- Nhưng em là "dê trưởng".

- Quỷ không hà!

Thế là tôi nhảy lên poọc-ba-ga. Nhờ chiếc xe Peugeot còn mới nên nàng phóng một hồi, qua không biết bao nhiêu bãi bom pháo (đi cho thật xa cái thế gian ồn ào này mà), từ Bàu Đưng vô Phú Hòa, tôi bảo dừng lại, nàng đều không nghe, cứ mải miết đạp, qua khỏi Lộc Thuận tới nhà Mủ nàng mới tốp. Trời đã xế dài. Hai đứa vào cái trường học ngả tó ngả xiêu, gần chỗ bãi B52 nơi Tư Linh báo cáo cho tôi cái chết của Sáu Di đêm nào. Nàng ngồi xuống chiếc băng gãy, lột chiếc nón hướng đạo rộng vành quạt lia.

- Anh làm như em là cần vụ của anh vậy.

- Tại sao?

- Em mỏi rụng cả hai chân.

- Thì anh đã bảo dừng lại từ Bàu Đưng kia mà! -Tôi vừa nói vừa sụp xuống bóp chân nàng.

- Em ghét mấy ông "dê" (D) của anh lắm. Thế nào nay mai họ cũng đồn rùm. Anh không nghe ông "dê trưởng" của anh nói hai tiếng "làm ăn" rồi "ủa" sao?

- Anh ấy nói nhầm rồi sửa lại liền là "làm việc", em không nghe à?

- Ông ta cố ý, tưởng em không biết.

- Nào, hết mỏi chưa?

- Còn!

- Chừng nào hết thì mình làm... việc... nhé! -Tôi ngước lên nhìn nàng.

Nàng tát khẽ má tôi:

- Anh nữa! Anh cũng trong ban chỉ huy "dê". Làm vi...ệc!?

- - Thì làm việc với em như em yêu cầu. Chứ chẳng lẽ em làm... việc một mình được?

- Cái miệng của anh có ngạnh. Nói đâu dính đó.

- Dính gì?

- Kìa, mặt anh sao thờ thẫn vậy?

- Tại anh nhớ lúc mới gặp em lần đầu cũng ở vùng này.

- Lần đó anh bị bà xã đội phó nắm hồn thư nên không dám ngó em phải không?

Tôi làm thinh, chỉ cười trừ nhưng hai cái tay không nghỉ và càng lúc càng Bắc tiến.

- Anh không sợ bị trả thù à?

- Ai?

- Bắc kỳ thù dai chớ không phổi bò như dân Nam Kỳ anh đâu.

- Ai thù và thù ai mới được chớ?

- Ông già Kốt-ta-bít đó chớ ai.

- Anh có làm gì ổng đâu mà ổng thù?

- Anh đánh giỏi hơn ổng.

- Ổng còn chỉ huy anh đâu nữa mà thù.

- Ổng gần mặt trời, ổng tâu vô tâu ra, anh biết đâu được.

- Đạn có mắt em à! Những thằng cứ chạy tránh lại leo lên bàn thờ nhanh hơn những đứa liều mạng. Anh cứ kể như anh không sống. Thế là anh yên tâm. Em không thấy người ta lấy vợ rần rần, còn anh thì không sao?

- Ai yêu anh mà lấy?

- Có chớ!

- Ai?

Tôi ngước mất lên nhìn nàng.

- Anh ghê gớm lắm. -Nàng khom xuống ôm đầu tôi.

- Dám lừa em xuống Bến Mương để tập bơi.

- Tập bơi chớ đâu có làm... gì mà em gọi là lừa?

-.. Còn không nữa?

- Sao em biết... mà vẫn để anh lừa?

- Sau lần gặp tại bữa tiệc của Bộ Tư Lệnh ở Xóm Chùa anh còn gặp những ai nữa? Khai thiệt đi, không em vặt tóc anh

- Không có gặp ai hết!

- Anh ngủ ở nhà nào, anh Ba Tố ngủ ở nhà nào, em nói cho anh nghe.

- Thì nhà người ta chỉ có một cái hầm, anh ngủ bên ngoài pháo ăn anh làm sao?

- Anh bị thương mà đi suốt từ Tân Quy về tới đường Một Làng với ai?

- Thì đó là tình cá nước quân dân mà em!

- Tình quân dân ngọt như quả dưa hấu non của cô bé tình báo vậy hả?

- Đó là công tác chớ anh đâu có yêu cầu ai.

- Ứ công tác một mình với người ta trong hầm ở nhà Bảy Sơn, thích nhỉ?

- Chứ việc bí mật không lẽ đem ra bàn giữa gia đình?

- Bí mật nên "xã ủy" mời anh ra chòi họp giữa ban khuya phải không?

- Anh hoàn toàn bị động.

- Vậy mua cà rá trạm chữ "L" là do ai chủ động?

Tôi thấy cô nhà báo thu thập tin tức quá chính xác và đầy đủ nên không chối quanh nữa, mà bịa chuyện: Tuy vậy anh chỉ yêu có một người.

- Người nào?

- Em biết rồi mà còn phải hỏi.

- Nếu người ấy muốn cùng anh thay đổi cuộc sống thì anh nghĩ thế nào?

Không ngần ngại, nàng bật ra câu nói như đã kềm ở môi từ lâu:

- Em thấy em không thể sống ở đây anh à!

Tôi giật mình nhìn nàng trân trân, không ngờ nàng có ý nghĩ đó:

- Nghĩa là sao?

Nàng thở dài:

- Anh thấy chị Hằng có đẹp không?

- Người ta bảo "đẹp như Hằng Nga", mà sao em lại hỏi thế?

- Nhưng em thấy mặt chị ấy rồi.

- Mặt chị ấy ra sao?

- Mặt rỗ nhằng rỗ nhịt thôi anh ạ.

Tôi biết cô nàng ngụ ý:cuộc kháng chiến này mới nghe thì lý tưởng lắm, nhưng đi vào thì vỡ mộng. Cô nàng là sinh viên đại học chắc ăn phải bả ông trí thức Tư Ánh rồi.

Bao nhiêu lửa dậy trong lòng tôi đều hạ xuống tiêu tan trong giây lát. Tôi bảo:

- Mình nên dời chỗ đi em ạ.

- Tại sao?

- Anh có linh tính là giang thuyền thả xuống sẽ bắn lên hủy diệt cái trường học xiêu vẹo còn lại này.

Nàng đứng dậy ôm ghì lấy tôi, thầm thì:

- Nụ cười của em đã rơi xuống lòng sông Bến Mương cho anh rồi, nên anh không yêu em nữa phải không?

- Không phải đâu. Chính vì thế mà anh càng yêu em.

- Hay vì em nói ra ý nghĩ của em?

Tôi lặng thinh. Chỉ hôn khẽ trên trán nàng. Rồi chia tay, không biết đây là người thứ mấy rủ tôi trốn về thành (thay đổi cuộc sống). Từ sau cuộc gặp gỡ này, tôi luôn luôn tránh né nhà báo. Cho đến năm 1992 (25 năm sau) tôi mới trông thấy lại nàng trên báo.

... Ít t lâu sau, Quân Khu đưa một tham mưu phó xuống làm cố vấn cho chúng tôi. Đó là ông Vũ Ba, thời kháng chiến ông đã từng chỉ huy tiểu đoàn ở Thị Vãi, Bà Rịa cùng với Hai Bứa và Ba Ngọt (Nguyễn Chí Sinh). Ông Sinh hiện là cục trưởng cục tác chiến R, người đã từng sang đánh giúp Pathet Lào. Sau này chỉ huy một trung đoàn vào Sài Gòn và bị Nhân Dân Tự Vệ bao bắt ở Gò Vấp vào Tết Mậu Thân ở tại chuồng heo..Và chính ủy Lê Hiền, Lê Hiền sau Cải Cách Ruộng Đất được phong đại tá chính ủy sư đoàn F350 bảo vệ thủ đô Hà Nội.

Thấy tiểu đoàn quá ư vất vả trong chiến đấu lẫn ngày thường, ông bèn đưa ra kế hoạch nghiên cứu trước chiến trường và có sẵn ý niệm bố trí quân, hỏa lực. Vì quân Mỹ cơ động quá nhanh, nên chờ cho chúng đổ quân xong, ban chỉ huy mới họp bàn kế hoạch chiến đấu thì không kịp. Có khi bàn xong, chúng đã rút hay đã thay đổi đội hình. Tôi là người được ông chỉ định đi khắp Củ Chi để vạch ra những phương án cụ thể này, lý do là tôi đã đến nhiều xã và có cảm tình với các xã đội nhất trong ban chỉ huy D.

Tôi sắp sửa lên đường thì liên lạc báo cho biết có hai ông già lem nhem nhưng có gác đờ co có mang AK tới xin gặp ban chỉ huy tiểu đoàn. Tôi không biết là ai, trong bụng sợ tụi thằng Lệnh, thằng Rắc giả dạng đột nhập căn cứ, nên bảo thằng Thuận ra xem xét cho kỹ. Thuận trở vào báo cáo:

- Dạ, mấy ông già khọm và nói tiếng trọ trẹ, lại mặc đồ cứt ngựa, mang dép cao su.

Tôi quát:

- Tụi nó không biết ngụy trang hay sao?

Vừa dứt tiếng thì tôi nghe tiếng Ba Đức vọng vào:

- Không phải đâu anh Hai. Đây là ban chỉ huy Q16 bồ tèo của mình đó.

Tôi biết rồi. Đây là các anh hùng Điện Biên Phủ. Tôi cũng đã từng nghe trung đoàn này được chị Ba Định đỡ đầu và hai ông trong ban chỉ huy E là em nuôi của chị Ba.

Tôi bước ra niềm nở chào hỏi, nhưng Tư Nhựt không xuất hiện, chỉ để một mình tôi tiếp khách. Thoạt trông thấy tôi hơi buồn. Các ông ấy già không kém gì Năm Tiều và Ba Châm, 1954 đã là anh hùng thì đâu có được 30 tuổi. E trưởng Nguyễn Văn Lực đổi ra là Ba Kiên có bộ răng Bến Tre, gầy tọp, nhỏ thó như ông tướng Dương Quốc Chính hồi năm 1950 từ Bắc vào Nam. Còn ông Năm Dũng, chánh ủy trung đoàn thì cũng nhỏ thó như vậy, đặc biệt có cặp mắt toét rất nặng. Ông ta hấp háy luôn và nhìn nghiêng.

Tôi cho làm một con cầy tơ để thết đồng đội từ phương xa tới. Năm Dũng hỏi tôi có phải là Hai Lôi, người đã cho một cái đùi bò cho lính ông ta năm trước nhân ngày Quốc Khánh không? Trong lúc chén thịt chó chúng tôi trao đổi kinh nghiệm tác chiến.

Sự thực các ông đến học kinh nghiệm của D Quyết Thắng. Trong khi D chúng tôi tập kích quân Mỹ ở Cây Trắc thì Q16 cho một tiểu đoàn (D7) đánh cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở rừng Cả Chúc ở gần Bùng Binh (Bến Được). Tiểu đoàn này bị pháo ở Chà Rầy từ Trảng Bàng bắn bị thương vong hơn một trăm. Từ sau các trận Bàu Trâm, Trường Gà, Cỏ Ống và Rừng Cả Chúc đã mất hào khí Điện Biên. Không bao giờ dám tập trung, đánh cấp E mà chỉ chơi lẻ tẻ với lực lượng D là cùng.

Tôi.biết lính Q16 suốt Trường Sơn đã mất sức khỏe, bịnh sốt rét dây đưa, vô tới R không được bồi dưỡng, xuống Củ Chi không được nghỉ ngơi, ăn uống có khá hơn ở R nhưng vẫn chưa lấy lại được sức lực cần thiết cho những tay súng đối đầu với Mỹ, lại nữa chiến trường lạ lùng, bom pháo kỳ cục, không giống như Điện Biên. Rất nhiều lính Q16 bỏ đơn vị đi lang thang trong dân, sau những trận sống sót B52 họ càng chán nản.

Tôi nói với Năm Dũng và Ba Kiên:

- Chiến trường dạy chúng tôi thôi các đồng chí ạ. Thứ nhất phải nhanh nhẹn, thứ hai phải dùng công sự, thứ ba phải có gan đội bom pháo. Thế thôi, chứ nói về thành tích và kinh nghiệm thì so với các đồng chí, chúng tôi là những kẻ sanh sau đẻ muộn.

Năm Dũng tỏ vẻ rất hiểu đời và khiêm tốn:

- Bao nhiêu phương pháp công tác chính trị tốt thời đánh Pháp đi vô tới Trường Sơn bớt ngay hậu quả. Vô tới đây thì vô ích. Chỉ có một việc nắm vững quân số, chúng tôi cũng không làm được. Xin hỏi thật, lính các đồng chí có đào ngũ hoặc "dinh tê" không?

- Đào ngũ thì chuyện đó chúng tôi coi thường. Vì họ về nhà rồi không thể ở yên được lại trở về đơn vị. Còn "dinh tê", là gì?

- Tức là bỏ về thành ấy mà.

- Ồ, chuyện đó cũng thường. Ở đây sát quốc lộ, họ chỉ vọt một cái là về Sài Gòn ngay. Cán bộ đại đội cũng đi.

Ba Kiên nói:

- Mình đánh với một tên vừa nhà giàu vừa có "võ"! Gay lắm. Ngày xưa chúng tôi áp đảo thằng Pháp ở lòng chảo Điện Biên khỏe ru. Chúng tôi vào tận hầm Đờ Cát cũng không gay go bằng đánh một trận nhỏ cấpp D như trận Rừng Cả Chúc vừa rồi. Thương vong trên một trăm! Rồi lấy lính ở đâu mà điền vào?

Hai ông anh hùng Điện Biên nhậu thịt chó rất phấn khởi. Hẹn sẽ hợp tác với chúng tôi và sau một trận chiến thắng nào đó sẽ làm lễ kết nghĩa anh em Nam Bắc một nhà. Trước khi hai ông ra về, tôi bảo anh nuôi gói mấy sườn chó và mua một lít đế hai ông cầm tay ra về.

Hai ông vừa đi khỏi, tôi tìm chỗ ngả lưng thì có trinh sát báo cáo: Sáu Huỳnh tới. Sáu Huỳnh lúc này đã lên làm trưởng ban quân báo khu thay cho Chín Lộc. Nghe ông già này tới, tôi ngồi bật dậy, chạy ra ngay. Vì ông ta đến chắc có tin B52 bán dưa hấu.

Ông ta đến báo cho mình tránh né kịp thời!

- Anh Sáu!

- Thằng Lôi! Mày còn đó hả?

- Còn chớ mất đi đâu anh? Sao coi bộ tơi bời hoa lá vậy bố vợ?

- Đội dưa chớ sao nữa?

- Binh tôm tướng cá của anh đâu hết rồi?

- Chết sạch. Thằng Chín Bù Lạch (Chín Lộc) về R làm phó chánh ủy quân báo R, Sáu Cúc về làm phó cối cho Năm Lê. Sáu Lễ và mấy thằng kia rụm hết. Có gì cho tao bỏ vô bụng chút rồi tao nói hết cho nghe. Đụ mẹ, tụi Mỹ kỳ này chơi tới gáo.

Tôi kêu thằng Thích, anh nuôi. Nó biết ý đem lên một tô hột gà bột và bình trà. Tôi rót nước còn Sáu Huỳnh múc hột gà đổ vô miệng theo kiểu uống thuốc một hơi hết nửa tô. Vừa ăn vừa uống vừa nói, mỗi câu mở đầu bằng hai tiếng con cặc hoặc đụ mẹ.

- Kỳ này ngoài Mỹ, tụi nó còn thêm trung đoàn Hoàng Gia úc Đại Lợi nữa. Nó quần nát bên kia sông rồi mới sang tới bên này. Đụ mẹ chạy như gà mắc đẻ. Chạy tới đâu đụng B52 tới đó. Nó đã bào láng An Thành, An Điền, Thanh Tuyền, nay nó lên tới Long Nguyên, Dầu Tiếng. Mấy thằng K20 của Tám Quang vừa ở bên này vọt qua bên đó. Rồi đám công binh Tư Thuật, Ba ân, Sáu Gấm phó ban tuyên huấn như đám cá vô rọ, bị một phát B52, không biết thằng nào còn thằng nào mất.

Nghe nói tới Long Nguyên, tôi giật mình bèn hỏi nhỏ:

- Vụ ông Sáu Di ra sao, anh rõ không?

Sáu Huỳnh ngó quanh rồi đưa tay lên miệng rù rì:

- Vụ đó thằng nào cũng biết nhưng không thằng nào dám nói ra, sợ đứt đầu.

- Nhưng anh có chắc không vậy?

- Còn gì nữa mà không chắc!

-Tụi công binh tệ quá. Hầm hố gì bết vậy? -Tôi làm bộ nói trớt ra.

Sáu Huỳnh bảo:

- Công binh làm căn cứ như chiến lũy Maginot mày còn đòi gì nữa. B52 bỏ có trúng chó gì, chỉ rung rinh đất thôi chớ đâu có sụp.

- Rung rinh thì sao đến đỗi?

- Ổng với ông Ba Xu mình thấy dứt loạt rồi nên bò lên.

- Trời! Bò lên đi đâu cho bị? Ở dưới đó là yên rồi.

- Ma xui quỷ giục mày à. Cả chục người đứng sau lưng và hai bên tả hữu của ổng mà không ai trúng cả.

- Đạn à?

- Không biết miểng đạn hay nhánh cây. Đứa nói cái này thằng bảo cái khác, không biết đâu mà rờ. Chỉ biết ông bể sọ chết ngay không nói được câu nào. Ông Ba Xu đứng kế ổng mà không hề hấn gì. Chính ông Ba Xu đỡ ông nằm xuống đất rồi kêu lên, nhưng ổng không trối trăn gì hết.

- Rồi cái xác làm sao?

- Mày hỏi tới hoài mậy. Mày muốn tao đi vô Hỏa Lò hả?

- Tôi chỉ lo cái xác không đem về Hà Nội được.

- Đầu Củ Chi họ! Chuyện đó có cấp trên lo.

- Đã đành rồi, nhưng tôi nghe Hai Ninh nói xác ổng gói trong ny lông và thồ xe đạp bằng cách thồ gia công qua Mi Nốt để chở lên Nam Vang rồi về Hà Nội.

- Tao không biết cái vụ đó. Nhưng cái tin này giữ kín lắm. Không ai được biết. Thôi bỏ đi ông Thiên Lôi ơi.

- Kỳ này anh không có cho tụi tôi tin B52 sao?

- Có tin nhưng chưa chính xác. Mày nên nhớ bám gần đồn bót và xóm còn dân, đừng có bung ra các destroyed zones mà ăn mập luôn đấy. Nhất là dọc đường số 6 trở lên Sóc Lào, tụi Q16 bị nhiều cú rã bành tô rồi -Sáu Huỳnh nói nhỏ lại- Tụi D8, H6 xui quá, ba thằng cán bộ D Năm Thủ, Tám Mao, Tư Tây vừa ăn một trái bom đìa ở An Phú.

Tôi nhảy dựng lên, hỏi:

- Anh có nghe du kích thiệt hại gì không?

- Sao mày lo cho du kích dữ vậy?

- Vì tôi có hầm chung với tụi nó.

- Chớ không phải có dính với mấy con "phòn" đó à?

Sự thực tôi lo cho em Tư Lan. Nhớ hồi Tết khi đi Giang Tả cầu hôn về gặp em, tôi ghé. Nhà có một mình em ở nhà. Em giữ tôi ở lại.

- Bây giờ anh một thân một mình, tính đi đâu. Hay ở lại với tụi tôi một thời gian đi.

- Ở với tụi mày để ăn pháo hả?

- Vậy đi tìm thum của bà Hai Xót, Năm Đang xin "ngồi ké" chớ gì?

- Bời Lời nó chơi hóa học rụng hết lá rồi. Bây giờ nó đem xe tăng ủi từ Trảng Sa lên tới Suối Nhánh rồi lên tận sông Bà Hảo đó ông con. Bà khu ủy Út Tức của mày cũng chạy tuột... mất cái giỏ trầu có đựng cây Colt, chớ còn chỗ đâu mà ngồi thum? Hiện Mỹ đang xài tới hai mươi hai tiểu đoàn giăng ngang từ Lộ ủi Trần Lệ Xuân đến Lò Gò Xóm Giữa, Sóc Xoài lên tận biên giới. Chín Lộc biên thư cho tao bảo trên R bây giờ từ trung tá trở xuống phải mang AK chiến đấu chống càn bảo vệ tướng. Đụ mẹ, tướng thì cũng một phát như ông Sáu Di thôi chớ giỏi gì? Mà các ổng còn ở bên này đâu, mấy ổng chạy tuốt qua bên Miên hết rồi. Tha hồ xơi mắm bò hóc và "thuốc rượu không đau lưng".

- Thuốc rượu không đau lưng là thuốc rượu gì anh?

- Cái thằng ngây thơ quá vậy. Như mày hiện giờ là cần thuốc rượu đó lắm. -Sáu Huỳnh vừa nói vừa nháy và ra dấu- "Vầy nè", hiểu chưa?

- Hiểu rồi! Nhưng biết chừng nào tôi mới được sang đó?

- Ở đây còn Vườn Trầu, Sa Nhỏ, Phước Thành để mình ngồi thum. Qua đó thằng Khiêu Som Phan nổi khùng nó vác chà gạc lụi cho phèo ruột. Đụ mẹ kỳ rồi đoàn 69 bị khiển trách nặng vì tụi Mỹ đi thênh thênh mà không cắn được nó miếng nào.

- Sao vậy anh?

- Thằng Huỳnh Thành Đồng chết thì còn ai? Với lại Mỹ đổi chiến thuật. Trước đây nó đổ quân ngoài trảng trống rồi tiến vô rừng nên bị mình khìa. Bây giờ nó cho B52 dọn bãi trong rừng rồi đổ bộ binh và xe tăng xuống, mình gặp trở ngại trong hành quân và phục kích nên không đánh được. U60, U80 đều bị... nặng. Gạo muối chôn giấu ở khu vực Suối Dây, Suối Tha La bị hốt hết. Bà Út Tức của mày chắc phải xách giỏ trầu chạy ra Mõ Công Trại Bí ôm cái lá trầu héo ngồi thum chờ B52 thôi. Còn lão Huỳnh Văn Một không biết còn làm xã đội trưởng Kà Tum hay đi theo ông Sáu nắm thắt lưng Mỹ mà đánh ở dưới kia.

Thằng Phích dọn cơm với cá trê kho và canh khoai có rắc tiêu. Sáu Huỳnh ăn ngon lành, vừa ăn vừa nói liên miên.

- Binh tướng giờ còn mình tao, tao có hơn gì Tào Tháo ở Huê Dung đạo. Tao muốn ra quốc lộ I gặp Ba Xuyên tổ chức lại đường dây. Nhân viên chính của tao bây giờ chỉ còn con Ua.

- Tôi mới gặp nó...

Sáu Huỳnh cười:

- Gặ... ập? Hì hì!... Mày chém chạy coi chừng nó. Con nhỏ đó mê mày như điên. Nó khai với tao hết. Bà già lên đã hứa cưới nó cho mày. Mày lẹo tẹo với mấy con dũng sĩ xã đội, coi chừng nó chia hai lựu đạn với mày. B52 thì thoát chớ mày không có tránh né nó được đâu... Nè, điểm thứ nhất là đừng làm cho nó phì ruột, tao mất nhân viên.

- Nó muốn có con để có lý do về nhà đó tía vợ ơi.

Sau bữa cơm, Sáu Huỳnh từ giã. Tôi đứng ngó theo ông trường ban quân báo khu một mình một ngựa bôn ba từ Bến Cất qua Củ Chi, rồi từ Củ Chi đi đâu nữa?

Mới ngày nào kháng chiến chống Tây, anh làm huyện đội trưởng, trẻ khô. Tôi còn là con nít. Bây giờ tóc anh đã bạc, còn tôi thì sồn sồn. Chốc đây mà đã hai mươi năm. Hai mươi năm không bình thường. Hai mươi năm bom đạn. Hai mươi năm của tuổi thanh xuân đã mất đi.

Thế là tôi đi nghiên cứu trận đồ. Tôi mang theo một tiểu đội vừa bộ binh và trinh sát, có cả B40, gặp xe tăng cũng chơi được.

Trước khi tôi đi, ông Vũ Ba còn đả thông tư tưởng tôi:"Đây chỉ là ém quân thôi. Bộ Tư Lệnh có khiển trách, tôi chịu trách nhiệm!"

Có ông tham mưu phó che dù, tôi không lo gì nữa, cứ thẳng một lèo ra Đồng Lớn, tới ngay căn cứ của quận đội Tám Giò.

Tám Giò đã rời cái hầm dưới bụi tre ở gần Bến Mương, nơi tôi được ông tham mưu quận đội Hai Khởi đưa tới và được đãi một bữa mắm chua. Ra Đồng Lớn ông Tám cũng thủ một cái hầm vĩ đại và vô cùng bí mật, có rất nhiều ngách. Tôi trình bày những nhu cầu của tôi, ông quận đội nói:

- Tôi giới thiệu cho các xã đội thì họ chỉ thi hành nửa chừng, vì quyền hạn nằm trong tay xã ủy. Vậy đồng chí phải đến huyện ủy xin giấy giới thiệu mới chắc.

Tôi định rút lui.Nhưng tôi không biết ông Một Sơn ở đâu.

- Ờ dưới âm phủ chớ đâu.

- Hồi nào vậy?

- Trong cuộc càn Cedar Fall, ổng bị khui hầm ở Xóm Bưng. Mỹ đánh chất nổ, Hai Xót, Tư Bé, Tám Phụng chê hầm thối và sợ mấy ông nội táy máy tay chân, nên có bốn mạng rụi tèng heng thôi, nếu không thì tới bốn ông bà. Bây giờ ông Hai Mõ lên thay chức bí thư. Cả ban bộ đều dời chớ không dám ở trong Xóm Bưng xã Thuận Đức nữa.

Tám Giò cho liên lạc dắt tôi đến sào huyệt ông Hai Mõ ở Bàu Sót. Vô gặp được ông bí thư còn khó hơn gặp ma. Chỉ một mình tôi vào thôi. Hai Mõ người nhỏ thó, cỡ bốn mươi ngoài, đầu trọc giống như cái gáo dừa. Có lẽ vì thế có tên Hai "Mõ". Ông nói giọng nhỏ rí, dường như sợ cóc nhái nghe:

- Anh Hai muốn gì tôi giúp nấy, còn về địa đạo thì tôi xin nói rõ để anh Hai khỏi tìm kiếm mất thì giờ... Dân Hàn trở vô ấp Ràng, Đồng Lớn, Sa Nhỏ không có địa đạo. Chỉ có một khúc sau nhà cô Hai Chạnh ở Ba Sòng và một khúc gần lộ 6 ờ An Nhơn. Mỗi khúc chứa được ba mươi người. Ở Xóm Trại, Gót Chàng, Bến Mương (nơi tôi chết ngộp, do ông Tám Đột quản lý), Xóm Bưng, Bàu Lách, mỗi nơi còn một khúc nhưng cũng chỉ chứa được cỡ đó. Không có nơi nào ém được một đại đội. Ngay ở Phú Hòa Đông địa đạo còn tốt nhất, nhưng cũng chỉ ém từng trung đội ở mỗi khúc mà thôi. Anh và Bảy Nô đã từng xài địa đạo đó nên biết rất rõ...

Tôi thấy hơi bi quan, nhưng ông ta làm sao đẻ ra thêm được? Đã vậy ông còn dặn:

- Anh đến họ cho xem, anh phải coi cho kỹ. Bởi vì địa đạo cũ đào từ Đồng Khởi (1960) tới bây giờ không xài, không tu bổ, không gì ráo hết, bây giờ chun xuống đó, lỡ có việc gì chúng tôi khổ tâm lắm đó nghe anh Hai.

Nghe ông bí thư nói, tôi rất thương tâm. Đó là lời thành thật. Người sống và chiến đấu thực trên đất Củ Chi thì không bao giờ tếu về "địa". Chỉ có những người bên ngoài không biết gì mới tưởng tượng Củ Chi là thần thánh.

Rời cơ quan huyện ủy, tôi dắt cả bọn ra Ba Sòng và Gò Nổi để xem mấy khúc địa đạo, vì tôi nghĩ rằng có thể dùng nó để phục kích lính ở Đồng Dù hoặc Trung Hòa bung ra.

Lần ra đây quan sát địa hình để pháo kích, tôi còn thấy xóm làng trù phú, nhà cửa y nguyên. Chỉ một năm sau, tất cả hoang tàn xơ xác, chỉ còn những mái chòi lụp xụp ở mé ruộng của những người dân cố ở lại làm ruộng. Còn bao nhiêu đều chạy ra các ấp chiến lược Cây Trôm, Lào Táo, Suối Cụt. Pháo nện liên miên vào các khu vườn đã được khoanh từng ô trong bản đồ pháo binh. Chúng muốn bắn xóm nào, thậm chí ngôi nhà nào, cũng thảy ngay chóc nhất là các ngã ba, các con đường mòn giao liên thì nát như tương.

Tôi ghé nhà má Hai, nơi xác thằng Chi được đặt ngoài hàng ba trước khi đem chôn ở nghĩa trang Ba Sòng, vì Chi là chồng chưa cưới của cô Chạnh, con má Hai. Hai Chạnh đã thành hôn với Tư Đông, cán bộ của tôi. Cô đang mang bầu. Tội nghiệp Tư Đông được rút về trên bổ sung cho F100, đánh vô Sài Gòn bỏ xác không biết ở đâu, lúc con chưa biết mặt cha. Em Nhành là em út của Chạnh, mười ba tuổi, nhưng đã trổ mã con gái rất đẹp. Tôi định bụng chừng vài năm sẽ cưới cho thằng Thưng hay thằng Thuận trinh sát của tôi. Nhưng chỉ vài tháng sau cả hai theo trung đoàn mũi nhọn vào Sài Gòn rồi không thấy về nữa!

Dấu vết đạn pháo Trung Hòa giết thằng Chi còn đây, trên thân những cây cao su èo uột. Ba Tâm, xã đội phó, bị thương trong trận Tân Quy nhờ Tư Chuyền cứu chữa lành lặn, nay cả vợ chồng đến cám ơn tôi rồi bà vợ hối thúc chồng về, và khuyên tôi:

- Ban ngày mà ở trên mặt đất ớn quá. Các anh nên tìm hầm mà làm việc trong đó, đừng ở ngoài.

Chị vừa đi khỏi thì ông già của Ba Tâm tới. Ông bị mất con trâu vì pháo bắn kỳ trước, lần này thấy bọn tôi, ông sụp lạy:

- Các chú có đánh thì vô Đồng Dù đánh, để ngoài này cho bà con làm ruộng làm rẫy kiếm hột lúa củ khoai độ nhật.

Nghe ông già nói giọng rơm rớm nước mắt, tôi bủn rủn hết tay chân, không còn ham đánh đá gì nữa. Quân đội nhân dân, đánh giặc để bảo vệ nhân dân, giải phóng nhân dân, cái gì cũng nhân dân cả, nhưng đến đâu nhân dân đều sợ xanh mặt mà không thèm đếm xỉa tới.

Ba Tâm gượng gạo chống đỡ:

- Mấy ảnh đi móc gia đình chớ không có việc gì đâu ba ơi!

Ông già bắt buộc phải "tin" lời thằng con, nhưng còn nói rán:

- Chú coi đó, tôi có mấy con trâu, con thì bị pháo bắn xẻ thịt, con thì ăn lựu đạn gài, rốt cuộc tôi không còn làm ruộng được, hổng lẽ tôi kéo cày thay trâu?

Ba Tâm bảo thằng Cu du kích dắt tụi tôi đến chỗ ở. Cu hãnh diện:

- Các anh đừng lo. Vài chục thì ngại chứ mười người trở xuống, tôi có đủ chỗ.

Tôi nghĩ bụng: Ba Tâm không dám cho mình ở chung mà giao cho du kích. Nhưng không theo du kích thì theo ai? Hai Giả xuống Thủ đức cũng được ở hầm "quốc tế". Đó là loại hầm dành cho khách tỉnh, khu, ai đến chưa tậu được hầm đều được "đãi" cho loại hầm này. Do đó mà hầm bí mật trở thành hầm lộ bí mật hết ráo.

Bữa nay thằng Cu chơi cắc cớ. Nó dắt một cậu trinh sát của tôi đi ém một chỗ khác, rồi đem giao tôi vào một cái nhà khác với thằng Thuận.

- Em đừng cho anh ở hầm "quốc tế" bị khui lãng nhách nghe!

- Không có đâu anh.

Nó đưa tôi đến một cái chòi ở ngoài mé ruộng. Ở đây có địa thế chui vô vườn và ngó ra ruộng đều tiện cả. Nếu xe tăng từ ngoài ủi vô thì mình có thể tẩu như phi. Nó không dừng lại kêu chủ nhà mở cửa, mà dắt tuốt vào trong:

- Chị Tám ơi! Có khách nè! -Rồi nó đẩy cửa bước vô buồng.

Trong bóng tối lờ mờ tôi thấy hai gương mặt trắng trẻo và ngửi mùi tóc đàn bà.

- Ai vậy?

. Chị Tám, chị Chín cho tôi gửi ông này nghe!

- Hầm chật rồi mà.

- Chật thì cho ém một ông! -Thằng Cu nói như ra lệnh, rồi quay lại cũng với giọng ấy- Thuận, theo tao!

Thằng thuận ngần ngừ. Cu bảo:

- Anh Hai ở đây bảo đảm, mày đừng lo! -Rồi lôi tay Thuận ra.

Thằng này chơi ác thật. Hay là có sự lãnh đạo của Ba Tâm.

Hai nàng kẹp tôi là Tám Phụng và Chín Tá. Cá hai đều quen với tôi trong nhiều cuộc tao ngộ tập thể với bà Năm Đang và bà Hai Xót. Riêng Tám Phụng thì có cảm tình đặc biệt với Thiên Lôi. Nhưng chỉ có dịp hôn nàng trong một lần gặp ở nhà má Hai ăn vú sữa ngâm nước đá.

- Anh Hai đến đây công tác hả? -Tám Phụng hỏi trước.

- Tôi chỉ đến... a... a... móc gia đình thôi.

- Móc gì mà móc hoài vậy? -Chín Tá chất vấn- Bộ kỳ trước móc bà già vô bỏ hàng rào thưa, kỳ này vô làm đám "tiên bố" hả?

- Giặc giã rần rần, vợ con gì cô Chín ơi!

- Anh đi đường mệt, ngồi trên giương nè nghỉ! -Tám Phụng vừa nói vừa nép sát vào bên trong, còn Chín Tá thì sà xuống võng bên cạnh đó.

- Hầm tốt không a... a... em?

- Đến địa phương thì nhờ mấy ổng chớ đâu biết tốt xấu gì anh!

Vài ba trái pháo nổ sau hè, miểng văng vô thân.chuối phực phực ghê quá. Nhưng đó là sự thường. Đạn nổ xong sự đời đâu lại vào đấy.

Ngồi hơi lâu, tôi ngả lưng ngoài mép giường. Chín Tá bỗng đứng dậy:

- Để em đi đằng quán chút nghe chị Tám.

- Chi vậy?

- Để mua ít đường về làm kẹo chuối ăn như kỳ trước vậy - Rồi cô Chín Tá đi ra.

- Nhớ mua gói trà. Anh Hai thích uống trà! -Tám Phụng dặn vói theo vừa dứt tiếng thì tôi lăn vào bên chân nàng, hôn hai bàn chân lia lịa.

Nàng không nói gì mà còn ôm miết đầu tôi vào hai ống quyển mịn màng, vừa thơm mùi đất vừa thơm mùi da thịt. Tôi hỏi:

- Sao em không lấy chồng đi Phụng?

- Em chờ anh! -Nàng đáp hồn nhiên.

Tám Phụng là người con gái có sắc đẹp, có học khá và có đạo đức nên kén chồng. Cán bộ dòm ngó cũng nhiều nhưng chưa ai lọt mắt xanh của nàng. Nghe nàng nói tôi bàng hoàng. Quả thật, hai đứa rất xứng đôi. Ai cũng tưởng rằng chúng tôi sẽ thành hôn như mây gặp gió. Riêng tôi cũng có lúc nghĩ: nếu thời bình mà kiếm vợ thì Tám Phụng là người con gái lý tưởng của tôi.

Nhưng bến đợi mà thuyền cứ mấp mé chứ không cặp bờ. Tôi luôn luôn nghĩ không trận này thì trận tới mình sẽ "rửa chân leo lên bàn thờ", không nên để khổ cho người ta. Cô Chạnh là một ví dụ, thằng Chi chết lúc hai đứa chưa cưới nhau.

Bạn đọc thấy tại sao tôi cứ đụng hết cô này đến cô kia. Đó là sự thực, nhưng tôi chỉ ghi ra đây một phần... nhỏ. Sớm muộn gì cũng chết. Không tính chuyện một mái ấm vợ hiền con ngoan gì hết ráo.

Sống, yêu được bao nhiêu hay bấy nhiêu, để khỏi chết thèm. Đó là quan niệm của tên Thiên Lôi này trong thời gian sống ở Củ Chi.

Chín Tá đi mua đường tới xế không thấy quay về, chiều cũng không trở lại. Tám Phụng đi ra đi vào ngong ngóng:

- Con quỷ này đi đâu biệt tăm vậy cà?

Đêm nay là đêm trời cho tôi với nàng. Nàng khóc ướt cả cánh tay tôi. Lòng chinh khách cũng mềm đi tí chút.

- Chiều mai anh đi! -Tôi bảo.

- Biết còn bao giờ gặp lại anh nữa?

Nàng dúi vào tay tôi chiếc khăn tay, thầm thì:

- Anh giữ làm kỷ niệm. Em đã cho anh cả đời em...! - Rồi nàng nức nở gục đầu vào bẹ cửa.

Tôi bước đi, hai chân nghe như ngã xiêu. Ra tới khỏi sân, vọt qua một hố đạn đất nám đen còn mới. Nó là dấu nhạc đệm cho cuộc tình chúng tôi đêm qua mà chúng tôi nào hay. Tôi quay lại, dắt nàng trở vào buồng:

- Phụng à! Anh đau khổ cho đến chết vì không sống được với em.

Nàng càng òa to lên, tức tưởi, nghẹn ngào.

- Em muốn gì anh cũng cho em được hết.

- Một đứa con!

Lạy trời, xin được như ý nàng. Xin trời cho nàng được những gì nàng ước mong cho nàng và cả cho tôi!

Rồi chúng tôi chia tay.

- Bao giờ anh trở lại? -Nước mắt ròng ròng, nàng nhìn tôi

- Biết bao giờ mà hứa? -Tôi dùng văn chương tiểu thuyết- Có thể ngày mai, cũng có thể không bao giờ!

Tôi cúi xuống hôn chân nàng và nơi đóa hoa hồng vừa hé nhụy chào xuân đêm qua.

Tôi còn gặp nàng sau này nhiều lần. Lần cuối cùng, tôi biết nàng có chồng. Mà tôi còn sống. Niềm đau cho một mối duyên tan. Đó là cuộc đời của tên Thiên Lôi.

Thằng Thuận và thằng Thưng đến, chúng tôi lại lên đường. Ba Tâm cho xem mấy cái miệng hầm ở Gò Nổi Dưới vào chập tối. Tôi rọi đèn pin xuống thấy nước, rễ cây chằng chịt.

Tôi không buồn bảo trinh sát chui thử nữa. Hầm này mà chui ư? Thà chết sướng hơn. Nhưng thằng Thuận cố làm gan:

- Để em do thám thử coi - Nói xong lột quần áo cầm đèn pin tụt xuống. Rồi trồi đầu lên liền, mặt nhăn như quỷ- Cái gì thú quá. Nước bùn chèm nhẹp. Ông nội tôi cũng không dám đút đầu vô.

Thăng Thưng đứng ở trên thọc đầu xuống:

- Thằng nhát quá, để tao thử coi.

Thuận leo lên:

- Hổng được đâu anh Hai! Chuột chết nổi lình bình. Mình ở dưới này vài giờ mà có ló lên cũng không chạy nổi, nói chi cả ngày.

Thằng Thưng lỡ miệng nói tài nên không dám rút lui, đành bặm môi tụt xuống. Nhưng vừa chui vô nó liền trồi ra và vọt lên, vuốt mặt lia:

- Mẹ, con gì chết sình, thúi muốn bể lỗ mũi.

Ba Tâm đậy nắp lại và giải thích:

- Từ hồi đào tới giờ tôi không có xài lần nào.

- Vậy làm chi cho mất công?

- Thì ở trên kêu đào thi đua với các xã khác thì tôi cho đào. Chớ tụi tôi chỉ xài hầm bí mật hai, ba người vô một cái thôi. Còn cái nạn hầm chông nữa.

- Sao?

- Có sụp thằng nào đâu, chỉ dính gà nhà. Hồi đánh Tây, giặc đi bộ, bây giờ tụi nó chơi toàn trực thăng nhảy cóc.

Cậu Thành lãnh trách nhiệm đi thám thính. Thời may hầm còn khá nên Thành ở dưới đó. Tôi ngồi hút thuốc với Ba Tâm trên miệng hầm.

Ba Tâm than từ ngày Ba Xây bị bắt, du kích tán lạc, anh ta phải cáng đáng mọi công việc. Du kích không nghe lệnh xã đội, mạnh chú nào chú ấy tìm cách sống riêng biệt, gặp mặt họ là chuyện khó, đừng nói kêu đi dân công. Bỗng có tiếng của Thành ở tuốt đằng kia kêu:

- Anh Hai! Anh Hai!

Tôi và Ba Tâm chạy lại. Thành trồi lên.

- Sao giỏi vậy? -Tôi hỏi.

- Em tìm được ngách lên ở đây.

- Bộ có một khúc đây sao anh Ba?

- Dạ chỉ được chừng một trăm thước.

- Tốt lắm.

Thành leo lên, lấc đầu:

- Có con rắn tổ nái, đen ngời.

- Rắn gì?

- Ai biết rắn gì. Cũng may, em sợ nó mà nó cũng sợ em. Hai bên cùng lủi.

- Bậy quá. Phải bắt được nấu cháo tẩm bổ!

Ba Tâm vui mừng vì đã cho tôi được một khúc "địa" còn xài được. Anh lại dắt tôi đi coi tiếp:

- Khúc này ở giữa bãi hoang. Hồi trước tụi tôi đào gặp nhiều xương dữ lẩm. Nhưng lỡ đào một quãng rồi, không thể bỏ nên đào luôn.

- Xương gì?

- Xương Cao Đài. Cả chục bộ.

- Cao Đài ở đâu đây?

- Mấy ông già bảo là hồi kháng chiến, ông hai Bứa (tức Nguyễn Hồng Lâm, phó tư lệnh ban chỉ huy R, hiện nay là em nuôi ông Ba Tô Ký) xử tử Cao Đài ở đây. Ổng xỏ mỗi xâu cả chục người đào lỗ, đâm rồi xô xuống lấp đất. Nhiều người còn sống rên la dưới đất, trong xóm nghe lồng lộng cả đêm. Sáng hôm sau, ổng cho dân quân vác xà-beng ra xom cho thiệt chết.

Tôi lắc đầu:

- Như vậy không được.

- Tại sao?

- Mình chui "họ" sẽ mách cho lính đào bắt.

- Họ chết lâu rồi mà anh.

- Nhưng hồn họ còn thù.

- Anh nói gì kỳ cục vậy?

Còn đang dang ca, bỗng có tiếng réo thất thanh:

- Chú Ba ơi! Chú Ba!

- Cái gì vậy?

Tôi ngó về phía có tiếng réo. Thì ra cô Chạnh. Cô ta mang cái bụng bầu lạch bạch tới:

- Anh Hai có y tá đi theo không?

- Cái gì mới được chớ? -Tôi quát.

Chạnh nói tức tưởi:

- Con nhỏ trong xóm trại Giàn Bầy, chăn trâu bị lựu đạn nổ nằm ở bờ đập.

- Lựu đạn gì?

- Lựu đạn gài... Anh Hai mau đi tới coi còn cứu được không? Miểng ghim vô đầu còn ngáp ngáp, còn con trâu chết tươi ơ... ơ....Tan xác.

Ba Tâm bảo tôi:

- Không phải lựu đạn đâu anh Hai. Nếu lựu đạn thì con trâu không chết. Đó là đạn 105.

- Trung Hòa bấn sao mình không nghe?

- Cà-nông lép, mấy thằng ông nội đào về "cải tiến" rồi đem gài.

Tôi ớn quá. Mấy thằng ông nội sẽ giết cả tôi chớ không chơi. Tôi nói với Ba Tâm:

- Một khúc "địa" đó cũng được rồi anh Ba, để tôi đi xã khác.

Tiếp tục cuộc dò xét địa hình, tôi dắt cả đoàn đi xuống Gò Đình, Bàu Tròn và Bàu Lách. Thăng Cu tiếp tục đưa đường. Nó hỏi tôi bằng giọng giễu cợt, đớt đát:

- Cái hầm em giấu anh có "gọng"... không anh Hai?

- Mày là thằng quỷ à nghen? Báo hại cô Chín bỏ đi mất.

- Vậy còn anh Hai với chị Tám, hầm "gọng" dễ thở chớ sao! -Rồi nó nói- Anh đừng có qua Bàu Lách vội!

- Sao vậy?

- Bên đó bây giờ đâu còn ai.

- Thằng Năm Cội đâu?

- Rụm rồi.

- Tại sao? -Tôi bàng hoàng cả người, tưởng như vừa bị thương.

- Xe tăng hay cà nông gì đó không "gõ".

- Cà nông Trung Hòa hay Đồng Dù?

- Nghe nói của ảnh chế biến. Gài rồi đạp.

- Hừ... sao kỳ vậy?

- Em đâu biết tại sao? Mà chuyện đó cũng xảy ra hoài chớ bộ mới ảnh sao!

Cu là lính công trường 9 hẳn hòi bị thương, suýt cưa giò, vết thương lành cà thọt từ R về đây được Ba Tâm sắc phong là du kích. Nhưng bà con không biết thành tích của nó tưởng là lính đào ngũ, nên gọi nó là "dích cu" chớ không phải nó tên Cu. Có lần chỉ huy đám du kích đêm không xong, nó nổi dóa bảo.

- Tao là xạ thủ RPD của B1, Cl nghe tụi bay, không phải "dích cu" đâu mà lấp lửng.

Từ đó nó mới được du kích tín nhiệm.

- Về đây có tính chuyện với cô nào chưa? -Tôi hỏi Cu.

- Nhà em ở Gò Nổi Trên, em bỏ vòi qua Gò Nổi Giữa, cũng sắp xong rồi, nhưng ông già con nhỏ lại ra ấp chiến lược Lào Táo nên nó phải đi theo.

- Vậy là sút vòi à? Thằng Thuận chen vào.

- Nó thỉnh thoảng cũng có về trong này.

- Ở ngoài đó bị tụi thằng Rác cặm dùi rồi.

- Mày phải dời nhà xuống "Gò Nổi Dưới" thì mới rình tóm nó được, chớ ở "Gò Nổi Trên" không có địa hình. - Thuận tiếp.

Cuộc nghiên cứu này kéo dài một tháng, bàn chân tôi dẫm khắp Củ Chi. Tôi đã vẽ năm chục sơ đồ, dự án trên các xã Trung Lập, An Nhơn, Nhuận Đức, Phú Mỹ Hưng, An Phú, Lộc Thuận, Đôn Thuận đem về trình cho ông tham mưu phó Vũ Ba được ông khen:

- Cậu khá lắm!

Đó chẳng khác nào những bàn cờ thế. Người thế cờ đã dàn quân trước: "Trận địa của tôi như vậy đó, ai muốn chiến thì nhào vô!"

Ai thuộc tủ thì thắng. Đối Mỹ cũng vậy, nhưng ít khi chúng nó hành quân rơi đúng thế cờ của mình, mà ngược lại mình luôn luôn bị động vì cái thế cờ luôn luôn luân chuyển bằng cơ giới của chúng.

Nhưng cái chuyện đáng buồn nhất, như "dã tràng xe cát biển Đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì", là khi đệ trình lên ông Ba Xu, tư lệnh thì mười lăm ngày sau tôi được một mẩu giấy viết tay phê với những chữ:

Công tác chuẩn bị chiến trường rất tốt, nhưng tuyệt đối không được cho bộ đội ém hầm bí mật hoặc xuống địa đạo.

Chữ "tuyệt đối" gạch đít hai lằn đậm, và cuối cùng mẩu giấy có câu tái bút:

Thế là ông Thiên Lôi lại băng sông Sài Gòn, bụng nghĩ mãi không ra chuyện gì.

Tư Nhựt cười hề hề:

- Ổng kêu thầy sang làm phò mã đấy! Đi mau lên!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx