sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 95: Chiếc Áo Kỳ Lạ Của Người Mẹ Điên

Tôi về tới Củ Chi thì hoả tốc họp ban chỉ huy D truyền lệnh cấp trên. Tôi nói:

- Trừ tôi, các đồng chí trong ban chỉ huy D sẽ thăng lên bậc E, phó chính trị viên D lên phó chính trị viên E, D phó lên E phó.

- Ai là E trưởng?

- Tôi đoán là Năm Tiều. Tôi chỉ là E phó kiêm tham mư trưởng. Nếu giờ phút chót ỏo trên chưa bổ nhiệm thì tôi là quyền E trưởng kiêm tham mưu trưởng.- Tôi nói thêm - Việc này phải giữ bí mật tuyệt đối, không được phổ biến.

- Nhưng quân số đâu đủ E?

- Đó là nhiệm vụ của cấp trên. Hiện giờ ta gọi D6 là E Quyết Thắng.

- Khi hành quân xuống đường nếu có chiến sĩ hỏi ta, ta trả lời cách nào?

- Tôi sẽ thỉnh chỉ thị sau. Còn bây giờ tuyệt đối bí mật.

Bác sĩ Năm Hồng tăng cường nhân viên để vô máu gà. Bảy Ga đi ngang vỗ vai bảo:

- Sắp gáy to rồi đó nghe ông bác sĩ. Ông báo hại đây rồi dân Củ Chi này con gái mọc mòng gáy như gà trống không ai ngủ được.

Tôi muốn bảo ông ta chuẩn bị bông băng và mọi thứ dụng cụ cho nhẹ nhàng để xuống đường nhưng sợ lộ bí mật nên chỉ bảo sơ sơ.

- Ông bác sĩ vô xong lượt này, tạm ngưng để đi công tác gấp.

- Dạ, chỉ riêng bộ phận quân y hay cả D?

- A a.. chỉ bộ phận quân y.

Bà Năm Đang, Hai Xót và nàng Tám Phụng bỗng đâu kéo đến. Bà Năm bô bô cái miệng:

- Anh Hai mang chuông đi đánh xứ người không cho tụi này hay gì hết.

- Quân sự mà cho sao được chị Năm!

- Hạ được đồn Thái Mỹ dân Trảng Bàng lên gà lắm, còn Củ Chi mình anh tính sao?

- Tụi tôi hổng có phân bì đâu, nhưng các anh lập công tụi em phải làm tiệc đãi cho mát lòng anh em chớ.

Thấy nàng Tám Phụng duyên dáng, Bảy Ga bảo:

- Đãi thì đãi nhanh lên kẻo tụi này hụt ăn đó cô Tám.

- Ăn tiệc chớ "ăn đó cô Tám" là ăn cái... gì của cổ?

Một cậu nói:

- Vậy thì ông bác sĩ đừng tiêm cho mấy bả nghe!

- Sao vậy?

- Mấy bả mọc mòng chớ sao!

Cán bộ chiến sĩ cười rân. Nàng Tám Phụng đỏ mặt đỡ gạt:

- Người ta nói ngay mà mấy anh bẻ quẹo không hè!

Tôi bảo:

- Mấy chị có đãi thì làm mau mau lên chớ chậm thì không kịp vô đợt. Nhưng mấy chị nên nhớ hỏi ý kiến ông "Tư Lệnh Đồng Dù"‘, ông "Chánh ủy Trực thăng", hễ mấy ổng gầm thì dẹp luôn chớ không có tiệc tùng gì được.

Ban chỉ huy D nhất trí là không lộ bí mật về vụ xuống đường của D nhưng thằng nào cũng lẻn về nhà hoặc đi thăm bồ bịch. Tôi biết vậy nhưng để yên cho chúng nó đi. Để tôi... cũng đi. Thi đua nhau ta cùng đi!

Ở chế độ nào thì tôi không biết, chớ trong chế độ Cộng Sản thì chính cán bộ nhà nước vi phạm luật nhà nước, những tên tướng phạm điều lệnh quân đội, những tên Bộ Chính Trị phạm kỷ luật đảng nặng nề, thô bạo nhất, mà không hề bị trừng trị, ngược lại còn được che chở rất kỹ.

Người ở trong ngó ra, kẻ ở ngoài nhìn vào thử xem có đúng vậy không? Mấy anh chàng trong ban chỉ huy D len lén biến dạng bữa trước thì bữa sau tới cán bộ C, B. Chỉ có đám chiến sĩ là chịu thiệt thòi nhất.

Lúc đi vào Trường Sơn cũng vậy, lũ nhóc con đang học bỗng bị lùa đi, không biết đi đâu, đến chừng biết đi đâu là hết trở về được.

Tôi tìm Năm Tiều. Gặp mặt, tôi hỏi ngay:

- Tính sao "chú Năm"?

Năm Tiều với tay rút chai rượu Mỹ (đánh lấy hồi trận đột nhập Củ Chi, tính đem qua cho ông Ba Xu hôm bữa tiệc nhưng thấy nhiều rượu ngon quá, Năm Tiêu én lại đem về), đặt trên bàn bảo:

- Cưa cho đứt khúc này rồi sẽ hay.

- Anh được quyết định chưa?

- Quyết định gì?

- Tôi E phó thì anh E trưởng chớ ai vô chỗ đó?

Năm Tiều rùng mình:

- Bộ mày tính tao thay mũi nhọn Tư Nhựt hả? Tao chưa được chiếu chỉ của hoàng thượng.

- Tôi bị cú "rờ văng" này nặng lắm anh Năm.

Tôi kể chuyện năm xưa tôi và nàng Kiều kéo dài từ Tháp Mười tới Miền Tây lâm ly bi đát cho anh nghe. Anh Năm rót rượu, hai đứa ực khan một lúc thì cô bé Thanh mới đem khô cá lóc tới. Anh vừa nhai vừa rứt nhậm nhày và kêu:

- Có thứ gì khác không? Bay đem thứ này tao gặm sao vô?

Rồi tiếp:

- Chưa chắc người ta chơi cú rờ văng đâu chú em. Nghi oan tội nghiệp ông. Người ta là người lớn mà, đâu có hèn hạ như vậy.

- Lớn cỡ anh Ba mặt nám không? Anh xem ông Bảy Trấn có tội gì mà bị lột lon lột gáo cho ra đâu? Đang là Chánh ủy kiêm Tư Lệnh Miền Tây, từng là chủ bút Le Peuple ở Sài Gòn thời Mặt Trận Bình Dân, từng làm phó bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, khét tiếng anh Bảy Camel, cỡ ảnh đóng lon trung tướng cái một như ông Trà ông Vịnh, khuyết điểm gì mà bị hạ từng công tác? Một chức việc cho Trung ương cũng không được. Phải chăng vì anh Ba hận làm "kẻ đến sau của anh Bảy?

- Hận gì mà hận. Cỡ ông mà quơ được nàng Kiều hơ hớ như vậy là phước lớn. Ổng phải mang ơn anh Bảy nhà mình chớ. Hận là hận làm sao?

- Đời này thiếu gì người lấy ân báo oán, anh Năm ơi!

- Thôi bỏ đi, đừng nói tới nữa uống rượu đắng nghét. Mày định chừng nào đi?

- Ở trên cho hai tuần.

- Chắc họ chê tao trâu già không kham ruộng lầy.

Hai anh em ngồi uống, thỉnh thoảng mới phóng ra một câu.

Năm Tiều hỏi:

- Mày mới gặp ai?

- Ông Ba Xu.

- Mấy lần có tao họp, ổng với ông Năm Lê luôn luôn có ý kiến giữ mày lại để đào tạo cán bộ sau này. Không hiểu sao lần này ông thay đổi ý kiến.

- Quyết định không phải do ông ký.

- Tụi E1 của Trí O thuộc công trường 5 ở trên vừa gởi xuống đó. Chuẩn bị đợi hai xuống Quang Trung. Nhưng vừa đặt chân tới Sa Nhỏ, trang bị toàn AK với B41 đã chạm ngay xe tăng của tụi Nhiệt Đới 25, hạ được có một chiếc bên Phú Hòa vừa sấn vô đầu ấp Sa Nhỏ, nó dạt ra kêu pháo Đồng Dù, pháo Chà Rầy với cả phản lực làm tan nát hết cái ấp Sa Nhỏ, tre trúc mới vừa mọc lên sau trận mày đánh tụi đổ chụp năm rồi, chưa chi đã nướng gọn một D với cả ban chỉ huy E. Thây xác tụi du kích Út Chạy, thằng Nhanh cứ lôi lắp xuống hố bom, dân đâu còn mà đóng hòm chôn đàng hoàng như lúc trước. Mỹ nó có cho nắm thắt lưng nó đâu mà tưởng bở... Trí O mới lên sư phó, mới vô tới miệng lò trung tuyến mà đã rụi hết một E rồi còn đấm đá gì mà xuống Hóc Môn?

Tôi chạm ly cuối cùng với Năm Tiều:

- Thôi, tôi đi nhé.

- Ừ, đi thì đi. Không biết gặp nhau ở đâu.

- Gặp ở đâu thì gặp.

Rồi tôi đi. Trời chiều bảng lảng. Cánh đồng trước mặt không rõ là tên gì. Tôi cứ nhắm hướng ra Ràng. Ở đây không biết bao nhiêu kỷ niệm. Tôi nhớ nhất thằng Quyết, nó vừa vác cây B40 đi vô Tân Quy miếng láp đáp: "Anh Hai coi em ‘chơi’ tụi nó!, nửa giờ đồng hồ sau, anh em vác nó ra, sọ bể nát. Hai hôm sau ông già đào mả móc xác con về chôn trong vườn nhà, gặp tôi và Năm Tiều ở Ba Sòng gần mả thằng Chi.

Ôi chiến tranh!

Tôi đến nhà Mầu. Không biết để làm gì, nhưng thấy cần phải đi. Tiệm quán đóng cửa khít rim. Tôi đập cửa dữ dội và xưng tên hai ba lần nàng mới ra mở cửa.

- Em đang mong anh.

Tôi buồn rầu hỏi:

- Để làm gì?

- Em sắp đi. -Rồi nàng ôm choàng lấy tôi khóc rưng rức.

Tôi hỏi:

- Ở nhà đi đâu cả?

- Ba má em đi Chợ Lớn với con Mi rồi mắc kẹt ở dưới luôn. Má em nhắn về, nói nhà cậu em chết hết. Má biểu em bỏ nhà đi Sài Gòn. Ổng bả không về nữa.

- Hả?

- Nhà cậu mợ em ở Phú Lâm cháy hết trơn cả nhà chết bốn người.

- Ừ em đi mau đi. Anh đưa cho đi!

Nàng đốt nhang trên bàn thờ Quan Công và hỏi:

- Anh biết ai đó không?

Tôi giải thích cho nàng nghe tiểu sử Quan Công và hai vị tướng hầu cận là Châu Xương và Quan Bình. Nàng nói:

- Anh còn rành hơn em...

Nhìn tôi sững sờ, nàng hỏi:

- Sao anh có vẻ khác thường vậy?

- Đâu có gì khác thường?

Nàng ngồi bên tôi rủ rỉ:

- Lúc trước em không cho anh, không phải vì em tiếc, mà em để dành... Anh à, đêm qua anh có nghe máy bay loa không?

Tôi có nghe nhưng lấc đầu:

- Không có nghe gì hết. Uống rượu say ngủ luôn.

- Uống với ai?

- Uống một mình.

- Đêm qua em cũng ở nhà một mình. Pháo cứ bắn ngoài hè sợ quá! Sao anh không đến với em?

- Công việc lu bù.

- Chừng nào anh xuống đường?

- Sao em biết?

- Hết mấy ổng rồi tới anh chớ sao không biết!

- Mấy ông nào?

- Anh tưởng em điếc hay sao?

- Em nghe mấy cái loa đầm già mà bán lúa giống.

- Em không nghe đầm già đâu. Lính về đây nói còn hơn loa đầm già. Họ nói tỉ mỉ chớ không sơ sơ đâu. Ông Hai Nan...

Tôi xua tay. Hai Nan đánh cánh Phú Lâm, chính là tên thủ phạm giết gia đình cậu của Mầu. Bị tôi chắn ngang, Mầu vẫn nói càn tới:

- Còn nhiều ông nữa, em nhớ không hết tên, nhưng toàn là ông lớn!

Mầu nói xong móc trong túi ra mẩu giấy. Tôi đọc qua:

"Chúng tôi là lính Quyết Thắng đi mua hàng của quán này, tổng cộng là 4200 đồng. Yêu cầu ban hậu cần trả vì chúng tôi không còn tiền ăn trong một tháng nay".

Mỗi giấy ký tên một đơn vị khác. Cũng cái điệu như bên quán dì Ba. Tụi lính đói đặt chế ra kiểu trả tiền mới không ai ngờ. Tôi đọc thấy một tên quen quen: "Diệu". Hình như tôi có gặp anh chàng này ở đâu. Diệu quyền tham mưu trưởng E268.

Tôi hỏi:

- Em có thấy cậu nào quen không?

- Cái ông ký tên trong tờ giấy đó nói là có quen với anh và hỏi nhà cô Là ở gần đây không?

À, đúng rồi! Tôi nghĩ thầm, cậu bé xin dừa khô nấu thịt chó. Hồi đó là quản lý đại đội thì phải. Bây giờ là quyền tham mưu trưởng E. "Tiến bộ" nhanh nhỉ!

- Còn ai em quen nữa không?

- Ông nào ông nấy mắt thụt lút, răng chĩa ra như muốn ăn thịt em, em không dám dòm lâu.

Hồi lâu Mầu nói:

- Em muốn nói với anh một chuyện...

Tôi báo cho nàng biết:

- Em bị tụi Q16 gạt rồi. Nó ăn chịu rồi ký giấy cho E Quyết Thắng. Quyết Thắng đâu có về ngã này. Thôi, chuyện đó dẹp qua đi em.

- Không phải chuyện đó nữa đâu, chuyện khác.

Chập sau, khi chúng tôi trở thành vợ chồng với nhau, Mầu mới rủ rỉ:

- Anh về Sài Gòn sống với gia đình em nghen anh!

- Không được? -Tôi đáp như có cục gì lợn cợn trong cổ họng.

- Được mà?

- Đã bảo không được!

Mầu im không dám nói nữa.

Tôi thức giấc vào lúc gần sáng. Nàng lấy chiếc khăn trắng tinh lốm đốm những cánh hoa trinh xếp lại, rồi bỏ túi áo trên của tôi, gài nút lại, bảo:

- Em đã hiến cả đời em cho anh rồi. Người Tàu chúng em tin tưởng đó là cái bên trong mọi việc làm ăn. Anh đi cho được may mắn luôn. Nhớ em nhé. Anh có vô Chợ Lớn tìm đến số nhà... Đó là tiệm của cậu em. Ba má em sẽ ở đó

Rồi nàng hôn tôi, nước mất đầm đìa.

Tôi bước ra đồng, cảnh vật mờ sương, cắm cúi đi, đầu óc đặc sệt không suy nghĩ được gì. Mặt trời lên lúc nào không hay đỏ bầm ở phía Phú Hòa Đông như mồm con hổ đói há ra.

Cảnh vật chết hoàn toàn. Bỗng chân tôi dẫm lào xào trên giấy. Trên cành cây khô ven đường mấy mẩu giấy vướng lắc lư như cánh bướm. Tôi không nhìn, nhưng kìa nhiều giấy quá, những tờ giấy bằng bàn tay, cả trên cành cây lẫn mặt đất.

Tôi uể oải cúi xuống lượm. Trời ơi! Trước mắt tôi rợp trắng cá một góc đồng. Tôi liếc qua và vò xé vứt vào bụi. Đấy là những đơn về những "ông lớn" Mầu vừa nhắc.

Tôi rẽ sang ngã khác để tránh những tờ giấy.

Từ đằng kia một người đàn bà bồng con đi lại. Phải là một người đàn bà điên mới đi trên đường trống trong giờ này. Đúng, đó là người đàn bà điên vợ Tư Nhựt. Bà ta ẳm con bé Thơ vừa đi vừa múa tay hò hét khúc hát quen thuộc Bài Ca May Áo:

- Chị Tư! -Tôi quát to.

- Ai đó?

- Tôi, tôi là Hai Lôi đây này.

Tôi xưng tên tôi để mong chị tỉnh cơn ác mộng, nào ngờ đâu chị lại bị xúc động mạnh hơn.

Chị kêu rú lên:

- Chồng tôi đâu? Chồng tôi đâu?

- Anh Tư đang ở nhà chị à. Để tôi dắt chị về gặp ảnh.

- Không! Không! Chồng tôi chết rồi. Chúng nó giết chồng tôi ăn hết thịt xương rồi! Con ơi con! Hu hu! Con ra đời không biết mặt cha. Cha con nói chuyện với con hồi con còn trong bụng mẹ. Cha con chết khi con ra đời khóc oe oe được hai bữa.

Tôi sợ chị đánh rơi đứa bé nên đưa tay ẵm. Bé Thơ mới được hơn một tháng, mắt đen láy nhìn tôi. Tôi chưa có con nhưng tôi hiểu nỗi đau lòng người cha ra đi lúc con sắp chào đời.

Tôi không biết nói gì. Mọi lời nói đều trở thành láo toét. Tôi dỗ ngọt đưa hai mẹ con về đơn vị, định bụng ở đó sẽ gặp mấy bà Năm Đang, Hai Xót nhờ hai bà giúp đỡ.

Cơn điên của người mẹ cứ nổi lên từng chập, rồi lại dịu xuống không có chừng có đổi gì. Về đến nhà tôi mới để ý thấy chị mặc chiếc áo lạ lùng. Trên chiếc áo bà ba của chị dán đầy những truyền đơn như những mụn vá ly kỳ.

Cán bộ và chiến sĩ ta bu lại đọc.

+ Tư lệnh phân khu 2 và 3 Hai Nan cùng gia đình hồi chánh.

+ Cục trướng cục tác chiến R Nguyễn Văn Sinh tức Ba Ngọt, tư lệnh phân khu 5 tức hữu ngạn sông Sài Gòn bị nhân dân tự vệ bắt ở Xóm Mới, Gò Vấp.

+ Năm Sài Gòn tức là Năm Truyện, tư lệnh công trường 5 kiêm tự lệnh Mặt Trận Tả Ngạn sông Sài Gòn cùng toàn bộ ban chỉ huy trung đoàn mũi nhọn bị tiêu diệt ngay phút đầu của trận đánh vào phi trường Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham Mưu.

Vừa nghe hai tiếng "mũi nhọn", vợ Tư Nhựt ré lên:

- Chúng mày ác lắm. Con đẻ ra không gặp mặt cha. Chúng mày ăn tươi nuốt sống chồng tao!

Bỗng có tiếng đầm già ù ù từ xa. Mọi người tự động chui xuống hầm. Tiếng máy bay mỗi lúc một gần... Rồi bỗng một tiếng "xòe" và tiếp theo là tiếng loa:

Tôi đang ngồi dưới hầm bèn ló cổ ra miệng hầm để nghe cho rõ.

Đúng là giọng anh Tám. Lúc chia tay anh vỗ vai tôi: "Hẹn gặp ở Sài Gòn". Câu nói đó có hai nghĩa. Bây giờ tôi mới rõ.

Tôi rêm nhức cả mình mẩy. Như thường lệ, tôi đi tìm ông đốc chiến để uống rượu và tâm sự. Ông cứ uống một ngụm, giằn ly chép miệng:

- Có lý nào, có lý nào như vậy được?

- Lỗ tai tôi đâu có nghe lầm.

- Tám Lệ tao còn không tin nữa là Tám Hà hồi chánh.

- Tám Lệ chết lúc mới vô đợt, ông nội ơi.

Năm Tiều ngồi im hồi lâu lại chép miệng:

- Hồn ai nấy giữ!

Sáng dậy, tôi về tập họp đơn vị điểm binh để chuẩn bị xuống đường. Mãi không thấy các ban chỉ huy dắt đơn vị tới. Tôi hỏi Bảy Ga, Ba Thắng, Tư Quân, Hai Khởi không ai nói gì. Tôi biết đám lính anh dũng của tôi đã chuồn quá nửa. Chẳng lẽ tôi lại làm ông Trương Phi đi lùng bắt chúng nó đem về? Tôi bảo ban chỉ huy:

- Để coi, chiều nếu được quá nửa quân số thì xuất quân.

Vừa dứt lời, một thằng bé lùn lùn đầu trọc mới hớt, tóc lên lún phún, từ ngoài sân chạy vô. Vừa chạy vừa kêu:

- Anh Hai ơi! Anh Hai ơi!

- Cái gì vậy?

Tôi nhìn ra thằng Hòn dáng điệu hớt hãi. Tôi nói thầm: "Thôi, thiệt rồi!"

- Chú Tám "đi" rồi anh ạ. -Thằng Hòn nói.

- Đi đâu?

- Chú bảo tôi mượn xe đạp của mấy ông ủy ban xã, rồi đạp qua cầu Lái Thiêu đi luôn. Hu hu hu! thằng Hòn ôm chặt và gục vào ngực tôi.

- Mày nói thiệt hả Hòn?

- Em thương chú Tám lắm anh Hai à! Em với chú trở xuống kỳ sau không tìm gặp ông già cho mượn xuồng câu tôm nữa... Chú bảo em về nương náu với anh. Hu hu...

- Ừ! Thôi mày ở đây tao tính cho! -Tôi cố ôm nó cho khỏi ngã.

Ngoài trời, những tờ bươm bướm rơi lả tả như những mảnh khăn sô tơi tả.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx