sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 97: Những Chuyện Khóc Hổ Ngươi Cười Ra Nước Mắt

Thiên Lôi được lệnh vác búa đi vô Sài Gòn tiếp viện cho E mũi nhọn của Tư Nhựt và Hai Phái. Tôi xin trở lại phía trước một chút. Như tôi đã viết về lý lịch của tôi là tôi có một người em ruột làm đại úy Thủy Quân Lục Chiến của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã khai điều này với ông Ba Thắng cục phó Cục Chính Trị R trước khi tôi "hạ san". Như vậy là rõ ràng: em đi đường em anh đường anh. Khi về tới Củ Chi thì Chín Lộc từ ban quân báo khu bảo tôi cho địa chỉ của nó để y liên lạc với ý định vận động làm một cuộc "binh biến" như Phùng Văn Mười ở Bình Dương (?) tôi không rõ. Nhưng trên bảo tôi phải nghe. Vấn đề có em làm sĩ quan Sài Gòn thật là nguy hiểm cho bản thân ai sa vào hoàn cảnh đó. Có lẽ (tôi chỉ đoán thôi) Chín Lộc không vận động được chú em tôi nên phải dùng đến cái lưỡi của tôi. Tôi mời gia đình tôi vào Khu (ở Ràng hai năm trước) có má tôi, hai em gái, một em rể và thằng em ruột Thủy Quân Lục Chiến. Tôi nói chuyện với nó. Nó cười, bảo là cấp trên của nó có biết nó có anh ruột (là tôi) đi tập kết về hoạt động ở Củ Chi nên cho phép nó vào tiếp xúc và nói rõ chánh nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa cho tôi nghe. Thế là vì tôi vận động nó lại bị nó vận động. Nhưng chẳng ai nghe ai. Đó là sự thực.

Như thế là huề cờ. Không ai thua ai. Tôi không thể bỏ Hà Nội thì nó cũng không chịu rời Sài Gòn. Nhưng nay lại nảy sánh vấn đề... cho tôi. Thằng bạn đời là Tư Linh (Phó ban địch vận Khu) của tôi đã rỉ tai tôi về vấn đề ấy: mấy chả "ghim" mày đó! Bề mặt tôi không để ý lời khuyên đó. Nhưng trong bụng thì hơi run. Đóng quân trong vùng đất hẹp té dưới cánh các thứ máy bay do thám của Mỹ và gián điệp, phượng hoàng của Việt Nam Cộng Hòa làm sao một tiểu đoàn có thể giữ được bí mật trong năm năm trời mà không bị bom pháo? Cấp trên nghi ngờ tôi, nên không thăng cấp (tôi cũng không cần - cứ công tác để ở trên xem kết quả mà đánh giá con người tôi) - và đến Tết Mậu Thân, tôi không được ở trên "cho vô Sài Gòn", đi với E mũi nhọn của Tư Nhượng mà tôi đang là Tham Mưu Trưởng. (Cũng may cho tôi! Nếu đi thì đã không về.)

Sau khi E mũi nhọn bị hủy diệt. Toàn bộ Ban chỉ huy E là Tư Nhựt E trưởng, Hai Phái chính trị viên E, Tám Lệ (bạn tôi từ Bắc về) E phó cùng với Bộ Tư Lệnh Tiền Phương: gồm có Năm Truyện (tức Năm Sài Gòn F trưởng) Tư Lệnh, Tư Chi tham mưu trưởng Bộ Tư Lệnh cũng bí tiêu diệt ngay từ phút đầu nổ súng - riêng Tám Hà Chánh ủy Bộ Tư Lệnh Tiền Phương bỏ ra Sài Gòn (đi xe đạp qua cầu Lái Thiêu). Lúc đó ở trên mới chiếu cố đến Thiên Lôi này. Tức là kêu Thiên Lôi xách búa đi Sài Gòn để tiếp nối đợt hai.

Rất tiếc Trần Văn Chè bây giờ không còn ở trên cõi đời, nên tôi không thể hỏi vài câu. Có phải ông Tư lệnh Quân Giải Phóng tin tưởng tôi có phép thần thông để cứu nguy cho những xác chết? Hay ông ta đem tôi nướng luôn để trả mối hận thù tình xưa? Bà tư Lệnh Kim Thoa con luật sư Lê Đình Chi chính là bồ nhí của tôi trước khi thăng thiên làm nội tướng cho ông Tư Lệnh lúc bấy giờ đang săn khỉ dọc ở miền Đông chiến khu D.

Cũng tốt thôi, như vậy Thiên Lôi này cũng được tiếng thơm lây vì dã "hy sinh vì nước". Trò dời, ai xem rõ được ruột gan con người khi con người đã khoác áo rộng và đội mũ cao? Trước không cho đi vì: Thiên Lôi là con "heo nái", tức là cán bộ huấn luyện đào tạo pháo binh. Nó chết lấy ai thay nó? Rồi bây giờ cho nó đi: để tiếp sức cho E mũi nhọn (đã "tà" và gãy rồi). Lý do nào cũng chính đáng cho cấp trên đùn cả cục vinh quang cho Thiên Lôi này. Ừ đi thì đi. Có con ngựa nào chủ đã lên lưng mà không chịu xông trận?

Nhưng nên nhớ là E mũi nhọn của Tư Nhựt là tiểu đoàn Quyết Thắng của tôi đôn lên thành E chớ không có đủ quân số! Nay đã đưa xuống Sài Gòn rồi. Trên Củ Chi này chỉ còn le the... ba sợi du kích và dũng sĩ dưới xã xách đầu lên. Xã đội trưởng thí cho làm C trưởng, C phó, anh tổ trưởng nào nhậm lẹ cho làm A trưởng, B trưởng. Tất cả họp thành một D đưa vô đợt hai do Thiên Lôi chỉ huy. Đi chết cho tổ quốc thì ai dám từ chối?

Tôi cấp tốc đi tổ chức lại các C và các bộ phận chuyên môn để sửa soạn xuống đường. Một hôm gặp bà quận ủy Hai Xót, cô cán bộ Phụ Nữ Giải Phóng Tám Phụng và bà Khu ủy Năm Đang. Thấy tôi đi cùng hướng với các bà và tôi có cận vệ nên mấy bà xin tháp tùng cho khỏi sợ biệt kích thằng Giác xơi tái.

Trời chiều bảng lảng. Không pháo không bom là giờ lý tưởng của đất Củ Chi này. Cho nên câu chuyện nổ râm ran trong đoàn khách lữ hành. Bà Khu ủy bất ngờ hỏi tôi:

- Anh Hai (Lôi) có biết vợ Tư Luông không?

Tôi biết chớ sao không biết, nhưng để coi bả nói chuyện gì, tôi bèn hỏi lại:

- Tư Lưông nào?

Bà Khu ủy đập vai tôi:

- Ở chung với chồng người ta mấy năm mà không biết. Tư Luông là Tư Nhựt đó!

- Tư Nhựt. ờ ờ. Tư Nhựt thì biết, chứ Tư Luông không quen.

- Ảnh hy sinh rồi!

- Ảnh là anh hùng giải phóng của R. Tôi làm báo công cho ảnh chớ ai, chị Năm!

Bà Khu ủy lại đập vai tôi, lần này mạnh hơn và trách:

- Tôi nghe người ta nói bao nhiêu thành tích của anh, anh dồn cho ảnh hết phải không?

- Đâu có chuyện đó chị Năm. Công của ai nấy báo chứ, dồn sao được mà dồn?

Năm Đang chắc lưỡi:

- Hai chị em sẩy hết rồi!

- Sẩy gì chị Năm?

- Tư Nhựt chồng cô Lành, Sáu Thưa chồng cô Mạnh. Hai anh em cột chèo đều hy sinh ở đợt một. Xã đội ở dưới Rạch Tra lên báo cho bà má vợ ở xóm Bà Nga.

Tôi mà không biết thì ai, nhưng còn làm bộ:

- Vậy hả chị Năm?

- Quỷ anh, còn đóng kịch nữa.

- Tôi chỉ biết có Tư Nhựt... thôi, chứ đâu biết Sáu Thưa thế nào

Bà Khu ủy chắc lưỡi:

- Tội nghiệp đứa nhỏ không biết mặt cha!

Tôi lặng thinh. Còn biết nói gì bây giờ? Nói câu gì cũng vô ích cả. Nên tôi không nói gì hết. Bà Khu ủy tiếp:

- Nó bồng đứa nhỏ còn trong tháng đi ngoài năng, đầu quấn khăn tang ở ngoài Suối Cụt đi vô. Tôi chận lại an ủi rồi dẫn nó ra ấp Mây Đắng gởi cho nhà cơ sở của mình. Hai mắt nó sưng vù. Con so, con gái mà. To xương, mắt tóc đen thui, đặt tên là con Thơ -Bà Khu ủy tiếp- Cả trung đoàn chết hết. Cán bộ D không còn sót một người nào.

Cái nguồn tin không có trên giấy báo, trên đài này tôi đã nghe đến mòn tai rồi, nhưng nay nghe lại -mặc dù không đầy đủ- tôi vẫn thấy choáng váng cả người. Chưa bao giờ có một tình huống lạ lùng như vậy. Từ thời đánh Tây tới nay, chưa khi nào bộ chỉ huy lại hy sinh một lúc và cán bộ không còn ai. Đơn vị như rắn mất đầu làm sao mà đánh giặc? Tôi đi bước thấp bước cao như trong ác mộng.

Mới hôm nào đây Tư Nhựt từ R về, cùng đi với Năm Truyện và Tư Chi gặp tôi ở ven rừng Đồng Lớn hai đứa làm nửa chai Anít. Tư Nhựtt đã được huy hiệu anh hùng Giải Phóng và lên chức E phó quyền E trưởng chỉ huy E mũi nhọn cùng với Hai Phái chính trị viên E. Tuy được nhiều cái vinh quang ít ai được cùng một lúc, nhưng Tư Nhựtt lại không vui. Nhựt lại than thở những lời biệt ly. Tiên tri trăn trối "Tôi có mệnh hệ nào ông lo giùm vợ con tôi!,, Tôi không muốn nghe những lời não nề như thế nên gạt ngang. Vậy mà nay đã thành sự thật rồi! Tội nghiệp cho hai mẹ con nàng biết bao nhiêu! Tôi còn làm gì được "lo giùm" là lo làm sao?...

Tôi đang suy nghĩ mông lung thì chị Hai Xót nói:

- Bây giờ anh phải lo cái gánh nặng đó!

- Gánh nặng gì mới được?

- Nó đi tìm anh đó.

- Tại sao lại tìm tôi?

- Không biết Tư Nhựt đã nói với nó những gì mà nó bảo mọi người là nó đi tìm anh. Nó còn nói anh là "ba... con Thơ" tức là...

Tôi nói:

- Ảnh có nhờ tôi giúp đỡ vợ con ảnh thôi chớ ai mà nhận làm ba con bé!

- Ba nuôi không được sao?

- Ba nuôi rồi ba thiệt mấy hồi!

Hai Xót tung. Năm Đang hứng.

Câu chuyện nửa chơi nửa thiệt bữa chiều hôm đó bỗng trở thành kỳ lạ. Sự đời nghĩ cũng éo le. Sẵn ngon ngọt tôi xin kể luôn. Đây là chuyện một năm sau... Tình hình Củ Chi càng găng hơn. Tôi gặp vợ Tư Nhựt ở Gò Đình xã Trung Lập Hạ... Bộ Tư Lệnh không còn đất sống nên phải chạy qua Cao Miên. Ông Tư Lệnh Ba Xu thì về trên R làm Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng cho chánh phủ lâm thời gì đó. Còn Năm Lê vẫn còn ở lại với chức Tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng Quân Khu. Anh gọi tôi tới và theo thói thường từ xưa, vẫn kêu tôi bằng thằng.

Chuyện dài lắm bạn đời ơi. Xin hãy rán đọc để cùng với chúng tôi cười ra nước mắt. Năm Lê bảo: "Anh Ba (tức Ba Xu) cho mày xuống E Quyết Thắng để thay lão Bảy Thành - (tức Bảy Ưng thay tôi làm Quận trưởng Củ Chi năm trước.) Mấy tháng trời lão không có đánh một trận nào, báo cáo toàn khó khăn, xin cấp cho đủ thứ mà lão thừa biết cấp trên không cho. Vì không có!. -Anh móc trong túi ra một tờ pơ-luya xếp nhỏ đưa ra cho tôi- Quyết định thăng cấp cho mày E phó tao giữ lâu nay. Mày biết tại sao tới bây giờ người ta mới chịu phong cho mày cấp E, mà chỉ cấp E phó thôi không?

Anh móc thuốc đưa, rót trà cho tôi rồi tiếp, giọng nói khàn khàn qua làn khói:

- Vì mày bị nghi ngờ là Tư Đức. Mày nhớ Tư Đức Trung đoàn trưởng hồi trước chớ?

- Dạ nhớ anh Năm! Nhưng em không rành những chuyện thời đó vì em còn con nít.

- Tư Đức dưới thời Nguyễn Bình đã ngầm có ý định đưa cả một trung đoàn về thành đầu thú. Nhưng trên đường đi thì Hai Giá, trung đoàn phó, lại biết được ý định của Tư Đức nên Hai Giá có âm mưu sẽ lái cho cả đoàn về nạp mạng cho Nguyễn Bình. Cho nên Tư Đức rút súng hét: "Mày phản tao hả Giá?" rồi bắn mấy phát. Hai Giá chết gục. Tư Đức bắn Hai Giá xong thì chạy, nhưng bị vệ sĩ của Hai Giá bán chết - Câu chuyện xảy ra giữa Đồng Tháp Mười năm 1947. Đó, bây giờ người ta nghi mày là Tư Đức, sẽ dẫn bộ đội về Sài Gòn nạp mạng cho Mỹ nên người ta không cho mày đi với E mũi nhọn mà cũng không thăng cấp cho mày gì ráo.

Tôi hơi nóng mũi đáp ngay:

- Tôi đánh giặc không phải để thăng cấp anh Năm à!

- Ấy, mày đừng có nóng, tao biểu mày là thằng từng đánh xe nồi đồng hồi 13 tuổi kia mà, hồi đó tao làm tham mưu trưởng E 300 mà cũng phải ớn mày. Để tao nói hết cho mày nghe...

- Tôi đi theo cách mạng đến nay đã trải 35 tuổi rồi, đánh cả trăm trận, có khi nào tôi mè nheo cấp bực không? Tôi chỉ yêu cầu cách mạng đối xử với tôi cho công bằng. Anh coi từ ngày tôi về quân khu này, tôi làm được những gì và cách mạng đối xử với tôi ra sao? H6 không hoạt động được, ở trên đưa tôi về H6. Củng cố xong H6, ở trên bốc tôi ném ra bộ binh. Bộ binh vừa khá, ở trên xách óc tôi cho về quận đội, quận đội mần ăn được thì lại kêu về D8, D8 đứng vững ném tôi trở lại bộ binh, D Quyết Thắng làm nổi đình nổi dám bắt đưa đi mũi nhọn, giao cho tôi D7 toàn là tân binh và du kích. Bây giờ D7 trở thành E mũi nhọn thì đưa tôi ra thay Bảy Ưng. Đã thế lại còn nghi tôi là Tư Đức? Nếu tôi là Tư Đức thì sao đơn vị tôi đánh đấm như thế? Nếu tôi là Tư Đức thì tôi đâu có đội bom pháo tôi trọc đầu Tôi chỉ cần chỉ điểm cho B52 là cả Bộ Tư Lệnh cũng tan hết chớ tôi thèm đánh chi ba cái thằng lính quèn cho mang tiếng... là Tư Đức?

Năm Lê cười giả lả:

- Cách mạng lắm lúc cũng sai bét. Nhưng không lẽ cách mạng lại đi xin lỗi mày? Mày thấy Cải Cách Ruộng Đất ở ngoài Bắc sai lầm như vậy mà rồi mấy ông kẹ có xin lỗi ai đâu. Chỉ nói vài câu, đăng một bài báo phơn phớt rồi hòa cả làng!... Thôi lãnh quyết định rồi xuống làm nhiệm vụ đi. Tao hiểu mày. Anh Ba hiểu mày. Như vậy là đủ rồi Lôi ạ,

E Quyết Thắng đang chờ đợi mày... Nói thiệt nếu không có anh Ba thì họ sẽ đối xử với mày... không phải như vầy đâu! Mày đi xuống đó đi rồi tao sẽ cho cán bộ xuống sau. Ở đây chỉ còn tao hiểu mày coi mày như thằng em thời xưa thôi. Còn anh Ba sắp sửa đi rồi! - lại rót trà rút thuốc mời tôi rồi bắt tay tôi từ biệt.

Tôi cầm quyết định thăng cấp mà không phấn khởi chút nào. Tôi đi một mình không có cận vệ, lê gót xuống bến đò Dòng Sỏi, qua trạm hỏa tốc ở An Phú theo liên lạc xuống E Quyết Thắng đang đóng ở Gò Đình Trung Lập Hạ tôi đã nói ở trên.

Nhà của dân không còn cái nào. Có còn thì đó không phải là cái nhà. Hố bom hố pháo trên mỗi thước đất. Những vũng nước tù xanh rêu. Những con nhái kêu buồn nghe muốn khóc được. Những thằng bạn cũ từ kháng chiến chống Pháp, tù Bắc về, đến nay, ngoảnh đi nhìn lại không còn thằng nào. Chỉ còn thằng Lôi với chức trung đoàn phó chỉ huy một trung đoàn chưa đến 200 lính! Mà phần đông là du kích và tân binh. Tôi cố lê chân đến văn phòng Ban chỉ huy trung đoàn. Trời đã nhá nhem. Bỗng nghe có tiếng kêu:

- Anh Hai! Mới xuống tới hả’? Vô đây rồi tôi dẫn lại chỗ ông Bảy Ưng cho!

Tôi vào nhà. Người gọi tôi là Năm Tân D trưởng, D1 của E Quyết Thắng. Năm Tân là em nuôi của Tư Nhựt, cán bộ cũ của tôi. Trước ở với tôi hơn chỉ là B trưởng, đã một lần bị thương sọ đầu. Lính chết dữ quá. Thằng nào sống sót cứ lên vượt cấp nhấp nháy. Thấy hắn lục soạn sắp xếp đồ trong ba lô, tôi chưa kịp hỏi hắn sắp đi đâu, thì hắn đã nói:

- Em được E cho đi an dưỡng. Em đang chờ vợ em vô tiếp tế rồi mới đi. Qua bên Miên không có dự trữ thì làm sao sống nổi anh Hai ơi.

Tôi nghĩ thầm: trước kia mày bần thần cô vợ đi làm Đồng Dù nọ kia... nhưng nay mày mới thấy sống là nhờ nó. Tội nghiệp hắn. Lù khù chậm lụt nhưng chấp hành mệnh lệnh khá. Vừa rồi đánh Rạch Kiến nướng lính cũng khá. Lại đi Sài Gòn trốn về được nên thăng D trưởng. Thôi cũng mừng cho nó, không đến đỗi để vợ con phải lang thang như vợ con Tư Nhựt.

Vừa buộc ba-lô, bỗng hẳn ngẩng lên nói:

- Anh xuống đây thật may!

- May cái gì?

- Chị Tư chờ anh hổm rày!

- Chị Tư chị Năm nào chờ tao?

- Chị Tư Nhựt chớ chị Năm nào?

Tôi ngẩn người ra hồi lâu. Năm Tân nói tiếp:

- Chỉ nghe ông Bảy Ưng nói anh sắp xuống đây. Tội nghiệp chỉ lắm anh à! Chỉ như khùng như điên. Có lúc chửi liền miệng. Có lúc lên đồng bóng nói nhảm không ngừng. Chỉ bảo nó làm quận trưởng mà chun vô mùng mò tao.

Năm Tân nhìn dáo dác, thấy không có ai, bèn tiếp:

- Chỉ chửi om sòm không có kiêng nể ai hết... Nó bắt chồng tao đi. Chồng tao chết. Nó ăn luôn xác. Nó nói láo chồng tao đang làm quan Năm ở Sầy-goòng.

- Sao mày không can chỉ? Để chỉ chửi bới như vậy mất uy thế cách mạng hết ráo!

- Cũng có lúc chỉ tỉnh khô ăn nói phải thế lắm, chỉ nói với em: anh Hai Lôi là ba con Thơ. Em nói: ờ ờ ba nuôi! Chỉ tát cho.em một cái tóe lửa, lõ cặp mắt nhìn em như muốn nuốt sống. Ba ruột, không phải ba nuôi! Rồi chỉ bắt đầu lên cơn ứ ứ ự ự. Hai Lôi là chồng của tao. Hai Lôi đánh đồn Thầy Mười, về xóm Bà Nga ăn sầu riêng nhà tao. Rồi chỉ khóc kể nghe lạnh mình. Anh Hai ơi! Anh Tư có dặn em nếu anh có mệnh hệ nào thì... há há hớ hớ hớ.... Em hỏi chỉ anh Tư dặn điều gì chị nói cho em nghe được không? Chỉ liền xách cái ghế đẩu ném một phát như trời giáng. May em hụp kịp, nếu không chắc bể đầu. Rồi chỉ nghiến răng trỏ mặt em: "Mày là thằng con nít, hỏi chuyện người lớn làm gì? Mày phải đi tìm cho được xác anh Tư về đây, nếu không tao cách chức mày. -Năm Tân tiếp- Anh Hai ơi! Em sợ chị Tư không thoát khỏi bệnh điên rồi chết. Quần áo chị rách te tua, tóc tai chỉ bờm xờm, cứ bồng con nhỏ đi lang bang ngoài đường gặp mặt ai cũng hỏi: có biết Hai Lôi ở đâu không? Hằng ngày em canh chừng, sợ chỉ nổi cơn rồi đốt con nhỏ chết. Mấy bữa rày em sợ quá nên mới dời lại đây. Ở đẳng ngủ nghê không được. Nội nghe tiếng cười rú của chỉ cũng mọc ốc đầy mình rồi. Từ hôm nghe ông Bảy Ưng nói anh sắp xuống đây thay ổng, chỉ có mòi tỉnh táo. Bầy vịt của chủ nhà chưa mặc áo lá nhưng chỉ đã dặn trước hai con để làm thịt "đãi ba con Thơ", chỉ nhìn bầy vịt, và hỏi: "đứa nào chịu xung phong xuống đường trước?"

- Mày nói thật hả Tân? -Tôi gắt hỏi.

- Trời, chuyện hệ trọng như vậy mà em dám đặt ra hay sao anh?

- Chuyện khùng khịu vậy mà hệ trọng cái gì?

- Để anh gặp rồi biết em nói láo hay nói thật.

Tôi buồn lòng quá đỗi nên nói lảng sang chuyện đơn vị:

- D của mày bây giờ ờ đâu?

- Dạ, một mớ thì ở đây còn một mớ đang đóng dưới Phú Hòa Đông do thằng Năm Tài bên D2 đưa qua làm D phó. Thằng Tài ở trong đội trinh sát của anh Tám Lệ bạn của anh đó. Xuống đường, anh Tám làm chính trị viên phó E. Anh Tám, Năm Sài Gòn, Tư Nhựt chết một ngày.

- D của mày bây giờ còn bao nhiều lính?

- Trời! Anh hỏi làm chi? Còn chưa được... một trăm.

Tôi nghĩ thầm. Tiểu đoàn của tôi lúc quân số thấp nhất cũng đến bốn trăm. Non một trăm lính cũng gọi là D sao?

Tôi hỏi:

- Mày đi an dưỡng, giao đơn vị cho ai?

- Cho Ba Nhẫn kiêm luôn. Ổng với Hai Tân quản lý và đám văn phòng cứ đêm đêm ra bìa ruộng phía Trung Hòa ngủ ở đó, sáng kẻo vô ngồi thum bí mật trong bàn tròn. Ông Bảy Ưng E trưởng cũng vậy, không có căn cứ gì hết. Anh xuống đây rồi cũng phải đào hầm chết luôn. Anh còn nhớ con Trang cứu thương của quân y D mình hồi đố không? Con chị Hai Tràng ở Gót Chàng đó!

- Nhớ, rồi sao?

- Nó mang bị tương lai rồi.

- Ai vậy?

- Chỉ có thầy Nhẫn. Hai đứa cứ ngồi thum chung rồi vậy đó. Nó gặp anh nó sẽ khóc cho coi.

Tôi chép miệng và hỏi qua:

- Còn Năm Thơi đâu?

- Ổng xuống đường rồi chạy về được bây giờ làm D trưởng D2 đang ở dưới Trung An ngồi bờ sống canh thòi lòi và coi nước lớn nước ròng, chờ vớt thằng chổng. Nếu anh gặp cũng không nhìn ra. Y như là thằng Đồng Thổ, ủa, y như thằng cha già câu tôm. Còn thằng Tài là trinh sát của anh bây giờ làm phó cho Năm Thơ (Năm Thơi cậu thằng Thượng quơ được một bọc nữ trang bị xớt mất ở mé đìa sen bên nhà Tám Râu) Thằng nào còn sống tại bây giờ đều lên tiểu đoàn hết. Tại cấp trên đề bạt chớ tụi này đâu có ham. Nuôi heo cho mập để quay mà! Chịp, khổ quá. Không làm không được mà làm thì không có ra cái đám ớt gì. Nhớ hồi anh huấn luyện tụi em ở suối Xuy-dô. Có thằng nào biết coi bản đồ đâu! Hạ mệnh lệnh chiến đấu mà cũng không biết cái nào trước cái nào sau. Bây giờ chỉ huy cả ngàn con người ta mà chỉ huy cái nỗi gì. Bởi vậy lính Mỹ chốt ở Rạch Kiến, em với Tư Bính xách lính đi đánh, nướng đúng năm chục mạng. Xẹp luôn tới bây giờ. Ông Bảy Ưng kêu cứu. Chỉ có anh may ra cứu nổi thôi. Chớ ổng thì từ ngày làm E trưởng cứ chuyên môn đi ngồi thum tối về "an ủi" chị Tư. Hổng biết ổng an ủi như thế nào mà chị Tư... chậc! Tội nghiệp chỉ quá anh à. Chồng chết rồi, không ai đối xử tốt với chỉ nữa. Anh nghĩ coi nhà có một cái hầm mà tối ông Bảy ưng chui vô đó chiếm mất rồi mấy đứa trinh sát Bắc cũng mượn hơi chui theo, chị Tư phải ra sau chái nhà giăng võng đưa con không hầm hố gì hết. Em thấy xốn con mắt quá nên tránh đi cho khuất. Em bỏ chỉ ở trong đó một mình, em ra ngoài này.

- Chừng nào vợ mày vô -Tôi hỏi ngang để chấm dứt câu chuyện.

- Em hổng biết được.

Tôi biết vợ Năm Tân, chính là cái vết thương lòng của hắn nên tôi không hỏi tới nữa. Nhưng Năm Tân dã chịu đựng tiếng đời dị nghị mỉa mai lâu rồi tim hắn có lẽ cũng chai nên hắn cứ nói phom phom với giọng buồn não:

- Em thưa thật với ông thầy. Không phải em sọc dưa, không chiến đấu nổi nữa. Nhưng em muốn đi cho xa. Vợ em đang có bầu... mà không biết của ai. Rủi không phải của em như lần trước thì chắc em tự vận. thôi thì không thấy để coi như không có gì hết. Chớ anh nghĩ xứ sở mình ở đây. Bây giờ lên trên xứ Miên ở, biết chừng nào về? Anh là người từng trải anh coi em xử sự như vậy có được không? Nếu anh là em. anh sẽ làm sao?

Tôi làm thinh, bản họng cứng ngắc. Còn biết làm sao nữa. Đút đầu vô lỗ châu mai chớ còn làm sao nữa? Mà cũng chẳng trách gì được. Thằng đàn ông không có ở nhà hết năm này sang năm khác thì chuyện nhà nó phải vậy chớ sao!

Bỗng có tiếng réo ngoài đường vọng vào:

- Liên lạc xuống tới chưa Năm Tân?

- Xuống rồi! Năm Tân đáp rồi quay lại tôi- Mình đi anh Hai!

- Đi đâu?

- Đi lại thăm chị Tư em chút! -Hắn tiếp- Tội nghiệp thằng Bính chị Tư sống dai tới giờ này, rồi cũng lên bàn thờ thôi. -Năm Tân quảy ba lô lên vai. Tôi đi theo hắn- Đi anh, kẻo rồi không còn dịp. Chỉ nói với em chỉ tìm anh lâu rồi. Hụt kỳ này không biết bao giờ gặp được.

Ra khỏi cái gò đất trúc mọc lưa thưa, ngó chung quanh toàn là đồng hoang vừa đi Năm Tân bảo:

- Ban đêm ở đây tránh được pháo phiếc chớ trong Bàu Tròn Bàu Chứa tụi nó toàn chơi pháo bầy không hầm nào chịu nổi. Không cà nông thì xe tăng nó nả đạn lửa, cục nào cục nấy bằng bắp tay. Thứ đó mà trúng một phát thì thân thể cha sanh mẹ đẻ không còn hốt được nhúm thịt. -Hắn trỏ tay- Anh thấy đống đất thù lù đó là hầm của ông Bảy Bình bán quán. Nhờ ổng mà tụi này mới có gạo muối mà ăn. Nếu không thì cạp đất. Một lần em vô ấp chiến lược Trung Hòa, em thấy chị Tư ở chung nhà với má con Chín Yá. Bả ở Gò Nổi tản cư ra. Thấy nguy hiểm quá nhưng em đâu biết làm sao để cứu chỉ, cũng may là lính đồn không bắt bớ gì. Tụi nó thù mình, nhưng không đánh đàn bà của mình lạc ra ở đây. Nhờ đó mà mình mới có liên lạc hợp pháp. Mấy lúc sau này chị Tư đi liên lạc cho bà Năm Đang để được cấp tiền cấp gạo nuôi con. Chỉ gặp em chỉ khóc hoài, chỉ than chồng chết, buồn quá nên đi làm này nọ cho khuây khỏa chớ bộ tướng chỉ lờ khờ, đâu được như con Ua mà ra thành? Trước kia chỉ lang thang bên Cây Dương và Bàu Me bên Trảng Bàng. -Vừa đi Năm Tân vừa nói chuyện.- Vợ cán bộ trung đoàn mà vậy đó. Đâu có ai ngó ngàng tới giùm. Chị không có mền võng chiếu chăn gì. Em xuất cả quân nhu cho đỡ chỉ cái võng để đưa con. Còn vợ Hai Tân buôn bán ngoài ấp chiến lược thỉnh thoảng ra vào cũng cho thêm chỉ món này món nọ hoặc chút tiền. (Hai Tân xuống đường quơ được khá nhiều nữ trang - Tôi sẽ kể sau). Con Thơ lớn lên coi cũng lạ lùng. Nó không biết cười. Không chịu ai ẵm bồng ngoài chị Tư. Hễ đặt nó xuống là nó ré lên khóc. Cho nên một tay chị bồng nó một tay chị giặt quần áo, nấu cơm, thiệt khổ. Mỗi lần nhìn thấy chỉ, em không cầm được nước mắt, nhưng biết làm sao? Em nói thiệt, em muốn trốn đi cho rảnh mắt mọi sự đời.

Năm Tân kể khổ liên miên, tôi nghe đầy lỗ tai, không muốn nghe thêm nữa, nhưng nó cứ tuôn ra có dây. Mặt trăng lưỡi mèo mờ nhạt trong mây soi xuống cánh đồng mù mịt. Ven đồng là rừng tre. Xa xa kia là đồn Trung Hòa. Còn kia là Ba Xa, Gia Bẹ. Bỗng Năm Tân dừng lại trỏ tay phía trước:

- Kìa chỉ ra chờ mình đó.

- Sao chỉ biết mà chờ.

- Chắc hai đứa liên lạc nói với chỉ chớ gì!

Bên cây rơm đen sì, tôi thấy có bóng người đàn bà bồng con đứng. Hình dáng rất rõ trên nền trời. Hòn Vọng Phu! Tôi chợt nghĩ. Một trong hàng trăm Hòn Vọng Phu của đất Củ Chi. Ý nghĩ này làm tôi nghe xót xa tâm can.

Bỗng có tiếng kêu như thét:

- Nín! Mày đi đâu đó!

(Nín là tên cúng cơm của Năm Tân) Nhưng Năm Tân không trả lời. Tôi nhắc. Năm Tân cười khì khì.

- Cái lỗ tai em bể màng nhĩ rồi anh ạ. Hôm xuống Sài Gòn, lặn qua sông pháo thụt nổ xuống nước, như cá rộng trong thùng thiếc mà ai cầm cây đập ngang hông và trên nắp, chịu sao thấu được! Cho nên ai nói với em ở xa xa là phải la lớn chớ nói nhỏ như hồi trước em không có nghe!

Bóng người đàn bà di động về phía tôi, rồi tiếng ré lên:

- Mày đi với ai vậy Nín?

- Ai rồi chị sẽ biết!

Bỗng người đàn bà chạy ào tới và kêu lên:

- Anh Hai! Anh Hai!

Năm Tân cười:

- Chị coi kỹ lại đi? Coi chừng lộn đó!

- Lộn sao được mà lộn. Ở Củ Chi này chỉ có anh Tư mày và anh Hai mặc áo kiểu lu-dông đó (blouson) chớ không ai khác.

- Áo kiểu gì chị Tư? -Năm Tân hỏi gặng.

- Áo có nhiều túi để bỏ thuốc hút, có chỗ giắt viết trên tay áo, túi có con rít xéo qua xéo lại, lộn bề nào bận cũng được, gọi là áo hai da. Mày còn hỏi nữa thôi?

Năm Tân nín thinh, chỉ gật đầu, nhìn tôi rồi đưa hai tay vỗ vỗ đầu đứa bé:

- Lại đây chú Năm bồng, Thơ!

Nhưng con bé úp mặt vào ngực mẹ, chị Tư nói với tôi:

- Em chờ anh, em tìm anh lâu rồi!

Cả ba người đều đứng im, chị Tư xoay đầu đứa bé ra và bảo:

- Ba về kìa con, lại ba bồng đó!

Dường như nó biết nghe, hay có bàn tay vô hình nào sai khiến, con bé nghe mẹ nói vừa dứt tiếng thì giơ hai tay ngã oằn người sang tôi. Tôi đưa tay bồng, vỗ nhẹ lưng nó:

- Ba nè con! -Bất giác tôi nghẹn ngào.

Bây giờ tôi hãy còn nhớ như in trong đầu cái phút giây lạ lùng ở mé ruộng hoang, vong hồn Tư Nhựt chợt về đây chăng? Ba người: mẹ, chú và... ba con bé. Có lẽ chú Năm và mẹ nó cũng không cầm nước mắt được như tôi.

Tư Nhựt ơi! có hay, tao đã đến đây thăm vợ con mày, nhìn thấy con mày trên mảnh đất đã từng thấm máu và mồ hôi mày, dưới vòm trời thủng từng lỗ hỏa châu. Nay mày đã nằm yên ở đâu đó, vợ con mày không tìm được. Vợ mày phát điên còn tao thì ruột gan như đứt từng đoạn. Nhớ lại những lúc hai đứa tâm sự với nhau và nhớ cái buổi chiều mày nói với tao như trối trăn. Mà ngờ đâu đó là lời trối trăn thật. Men rượu biệt ly còn cay đầu lưỡi, lời than thở của mày còn văng vẳng bên tai tao mà nay hai đứa không còn gặp nhau được nữa!

Con bé ôm cổ tôi cứng ngắc, mặt nó áp sát vào mặt tôi. Tôi hôn nó mà nước mắt ràn rụa nghĩ đến số phận của những đứa bé mất cha: con Rớt, con Liên, con Hoàn... và rồi con mình sẽ như chúng nó.

- Thôi đi vô nhà anh Hai, đứng ngoài này lâu không tiện.! -Năm Tân khẽ giục.

tôi giật mình. Giờ hoàng hôn đến là giờ lữ khách đi! cũng là giờ pháo bầy hợp tấu.

Tôi muốn đánh tan cái phút bi lụy thường làm yếu lòng người. Ly biệt cũng buồn mà sum họp cũng chẳng vui. Tôi nói với chị Tư:

- Cháu sổ sữa quá hả chị Tư?

Đúng ra Tư Nhựt gọi tôi bằng thầy, coi tôi như anh, nhưng tôi kêu vợ Nhựt bằng chị cho phân biệt ngôi thứ. Chị Tư nói:

- Nó uống sữa xe tăng nên nó nặng hơn con nít người ta đó anh... Hai!

- Sữa xe tăng là sữa gì hả chị?

- Là sữa của anh Mỹ lái xe tăng cho đó anh!

Năm Tân tiếp:

- Tôi nhận thấy Mỹ nó có hai tánh tốt: Một là xe tăng Mỹ không có cán nhẹp mả lính mình. Hai là nó không bắn đàn bà con nít.

Chị Tư bảo:

- Thằng Năm pha trà mời anh Hai uống đi em!

Tôi ẳm bé Thơ đi theo chị vô nhà. Nàng đứng ở thềm chờ tôi bước tới. Chị đứng sát bên tôi đưa tay nựng má đứa bé nói giọng âu yếm:

- Nay thì con gặp ba con rồi, hết khóc nghen con! -Vừa nói chị nom vào, gió bay làn tóc chị chạm mặt tôi. Tôi đứng chịu trận chớ không dám lùi vì sợ chị phát điên thì khốn. Cũng như luồng dây đứt vừa nối lại, hễ rời ra thì tắt điện.

Cái nhà không vách, chỉ có một mái và bên trong bị cái hầm choáng hết. Bên miệng hầm, hai cậu liên lạc ngồi hút thuốc lá nói chuyện. Năm Tân bảo:

- Thằng Hồng đâu, lo cơm nước cho anh Hai sáng mai đem ra rừng.

- Anh Hai nào?

- Anh Hai xuống thay ông Bảy Ưng mày còn hỏi!

Hai cậu nghe thế bèn rột chạy ra phía sau. Vừa lúc đó trong hầm lại ló ra hai cái mặt quen quen nhưng vì đèn bị gió quạt ánh sáng xao động tôi phải nhìn một lúc mới rõ:

- Ủa Bảy Sơn! Đi đâu đây?

Bảy Sơn bò ra ngoài, vẻ mặt thiểu não, giọng nhão nhè:

- Em bị ngưng công tác rồi anh ạ. Bây giờ anh Chín Khánh thay em.

- Ủa sao kỳ vậy?

- Chuyện dài lắm anh Hai ơi? Có anh tới đây, em sẽ thuật qua với anh. Để mai mốt biết còn gặp anh nữa hay không? - Rồi mặc cho mấy người chung quanh nhìn ngó, Bảy Sơn kể.- Anh chị Sáu (Sáu Sắc quân báo quận) của em nhắc anh luôn. Sau trận Vườn Trầu anh về trển, ở dưới này thay đổi hết. Không biết em có khuyết điểm gì, ở trên không nói mà quận kêu về để đưa lên khu thay công tác khác. Cán bộ chết nhiều quá nên biên chế thay đổi lung tung. Chị Tư Bé quận đội phó bị chụp chết ở Đồng Lớn, cô Bảy Nề vô ấp chiến lược Cây Trôm bị phục kích, Năm Trầu chiêu hồi. Bảy Đạo cũng chiêu hồi rồi dắt lính về khui hầm. Ông Bảy Ưng sang E Quyết Thắng. Anh về Khu chắc D7 rã luôn, bị sát nhập vào E268 miền Bắc, mất tên luôn. Tư Quân lên làm chính trị viên phó E. Ổng là cán bộ của anh. Ảnh tưởng học được chiến thuật của anh nên xách lính đi đánh Củ Chi lần nữa để lấy tiếng. Nào ngờ tới Bàu Tre bị biệt kích thằng Giắc bắn chết hết đội trinh sát trong đó có thằng Bòn là trinh sát tin cậy của anh. Anh Tư Quân cũng chết. Đó là do anh Tư Quân không dùng tụi em mà chỉ lấy tin do bà con của ảnh nên không chính xác. Em đâu có dính dáng gì trong vụ này mà bị ở trên nghi ngờ và đổ tội cho em.

- Họ nghi làm sao?

- Cái nghi nói không củng. Ai cũng có quyền nghi người khác nhưng người khác không có quyền đính chánh, mà có biết đâu để đính chánh? Riêng K3 tức D7 cũ do Hai khởi làm D trưởng cứ bị xe tăng quay liên tục ở Sa Nhỏ tới Lộ 6. Từ khi ảnh làm D trưởng chưa bao giờ dám về Phước Thạnh Phước Hiệp như anh lúc trước. Lính Trung Hòa, Suối Cụt tung hoành trên Lộ 7 Mít Nài. Rồi xã đội trưởng Hai Đen chiêu hồi, Năm Minh cũng nối theo ra Sài Gòn. Mười Tùng bỏ vợ ở Tân Thông dẫn con Thắm ra Sài Gòn xây tổ uyên ương. Bảy Diều, Hai Khói, Năm Rỗ của Phước Hiệp lần lượt phủi cẳng lên bàn thờ. Ba Xuyên sợ Mười Tùng chỉ cơ sở nên chạy vô tận Đồng Lớn. Các bà Năm Dang, Hai Xót, cô Tám Phụng không dám ra ngoài này như trước. Anh Chín Khánh kiêm luôn công tác của em, ảnh xuống Tân An Hội bị lính thằng Giắc khui hầm bắn chết. Ở trên càng nghi em tợn. Rồi ông Tám Thiện, Thị đội cũng bị khui hầm. Họ không biết hệ thống Phượng Hoàng hoạt động rất mạnh, nên xem thường và bị lộ mặt hết. Anh nhớ mấy lần anh ra điều nghiên trận địa, em đều giấu anh rất kỹ không cho ai gặp không?

Tôi hỏi:

- Còn Năm Mai ra sao?

- Cô ấy nghỉ công tác từ lúc con Mô bị thương ở Thái Mỹ. Rồi Hai Khởi bị Mỹ bắt trong căn cứ Sóc Lào. Bảy Ga bị rút về trên không biết làm gì.

Thấy tình hình quân báo nguy ngập như vậy mà Bảy Sơn lại mắc nạn, tôi thấy mình không có cách nào cứu bồ nên đành nói một câu ba phải cho qua truông:

- Mình người ngay không sợ kẻ nghi ngờ Sơn ạ. Chuyện đó rồi sẽ được đưa ra ánh sáng...

Nghe Bảy Sơn kể mà tôi cũng run gân. Họ nghi tôi là Tư Đức thời Nguyễn Bình! Tôi đổi cây K54 cho Bảy Sơn lấy cây Colt 12 Mỹ và cho y năm ngàn. Sơn khóc.

- Anh ở đây rán mà giữ gìn. Tình hình này còn căng thêm nữa đó anh.

Nghe chuyện của người lớn, chắc con bé cũng no nên không bú mà ngủ say trên tay tôi. Chị Tư ở sau bếp bước vô, thấy bé Thơ ngủ thì cười:

- Chưa ai dỗ trẻ con bằng anh... Hai.

Năm Tân tiếp thêm:

- Tại... chị nói anh Hai là ba nó!

Bảy Ưng ở đâu ló đầu vô cười khà khà hơi thở đầy mùi rượu, hất mặt về phía chị Tư:

- Đó bây giờ cô gặp "ba con Thơ " rồi, còn khóc lóc, lên đồng nữa hết? -Nói xong Bảy Ưng quay sang cười với tôi- Năm ngoái tôi thay ông làm quận trưởng, năm nay ông thay tôi làm E trưởng, vậy huề nhé!

Chị Tư nguýt ngang, nhưng cố xã giao:

- Mời chú Bảy ở lại liên hoan với anh Hai.

Bảy Ưng sượng sùng (không rõ có chuyện gì vậy) lắp bắp:

- Li... en hoan hả? ờ ờ. Li... ên thì liên!

Bảy Ưng móc xắc-cốt lên cây đinh trên cột rồi ngồi xuống ngó láo liên. Cái đầu bạc trắng lắc lư, cái mũi làm khịt khịt đánh mùi:

- Làm món gì đãi thầy Hai đây mấy... đứa?

- Hì hì anh Bảy có lộc...

Chợt một người bước vào. Bảy Ưng giới thiệu ngay:

- Ba Thọ, trướng ban chánh trị E.

Ba Thọ giơ tay ra cho tôi, vui vẻ:

- Tôi với Hai Lôi mà cần gì giới thiệu. Ở ngoài Bác, tụi này khắc giờ thân nhau trên sân cỏ trường Pháo Binh mấy năm trước, hổng ngờ lại gặp nhau ở đây.

- Thôi ngồi vô! -Tôi kéo tay Ba Thọ.

Một chiếc đệm rách trải ra làm bàn nhậu. Một con vịt luộc. Một con rô-ti. Chị Tư có vẻ không vui. Khách ở đâu không mời mà tới rần rần. Tôi rút 500 đưa cho một cậu liên lạc bảo chạy ra mua thêm đồ bổ ở quán ông Ba Bì. Bảy Ưng móc trong xắc-cốt ra một gói đưa cho tôi, bảo:

- Năm Lê phát trăm hai. Tôi đưa cho Ba Thọ hết hai chục. Còn bao nhiêu giao cho ông sử dụng. Tôi chỉ lận lưng vài tờ đi đường.

Năm Tân coi bộ không kính trọng thủ trường, vì hắn sẽ đi an dưỡng. Còn Bảy Ưng thì sắp rời chức cũ, ai làm gì được ai?

Chị Tư vớt hai con vịt ra để trên hai cái dĩa rồi đặt trên nóc hầm, đốt nhang van vái khóc lóc thảm thiết:

- Anh Tư ơi! anh Tư! Vong hồn anh có linh thiêng thì xin về đây chứng tỏ. Bữa nay có anh Hai về thăm em và con. Anh đã dặn em nếu anh có bề gì thì còn anh Hai giúp đỡ... Nay quả như lời anh trăn trối. Em đã gặp được anh Hai. Con bé Thơ nó không chịu ai bồng mà nó để cho anh Hai dỗ nó ngủ từ nãy giờ.

Chị vái xong cắm nhang trong kẽ nứt của nóc hầm chắp tay xá xá, rồi tiếp:

- Nếu anh có linh thì anh cho anh Hai nằm chiêm bao biết anh nằm ở đâu để em đi tìm. Và nhắc cho anh Hai nhớ những lời anh nói với ảnh hồi còn sanh tiền.

Chị gục đầu vào vách hầm khóc tức tưởi.

Bảy Ưng nói:

- Chồng mình là người Mác Xít không nên tin dị đoan như vậy.

- Mác Xít là cái gì mà không tin? -Chị Tư quay mặt ra trợn mắt quát.

- Hỏi Hai Lôi thì biết.

- Chồng tui chết thì tui cúng tui hổng biết dao mác gì hết. Bữa nay là ba tháng mười ngày, đúng bách nhật rồi. Ảnh chết tui không biết ngày nào, nên không mở cửa mả, nay phái cúng để ảnh đi đầu thai. Còn mấy người không cúng sẽ mất dầu thai mác mác cái gì.

Thấy chị sắp đổ quạu tôi can:

- Thôi anh Bảy, đừng làm cho chỉ điên lên không ai can được

- Điên gì mà điên, cái miệng nó leo lẻo khôn tổ bà.

Đợi cho tàn cây nhang, tôi bảo Năm Tân:

- Chú Năm nó đem vịt ra chặt đi. Mình trước cúng người khuất mặt, sau anh em mình ăn. Mau mau kẻo pháo nó thụt thì nhang tàn hết thơm.

Trong bầu không khí chẳng ra làm sao, thân mật không ra thân mật mà thiêng liêng thì càng không thiêng liêng, tội cho mạng những con vịt xuống đường, mọi người ngồi vào mâm.

Mới vào tiệc, Năm Tân gắp một cái giò vịt bỏ vô chén Bảy Ưng.

Bảy Ưng trợn trắng:

- Thằng cha chơi xỏ tao hả mậy?

Tôi chữa ngượng cho ông E trưởng bèn gắp phân nửa cái phao câu bỏ tiếp cho Bảy Ưng, Năm Tân.

- Chà! phao câu thì ăn nguyên cái chớ phao câu "chẻ hai" đâu ngon! Còn cái giò là tôi có ý muốn nói với anh Bảy hãy rán chạy, lúc này Mỹ nó nhảy cóc liền xì. Phải có cặp giò trường bảo mới sống nổi.

Ba Thọ có lẽ biết hó chuyện gì gay cấn giữa ông E trưỉng và chú D trưởng nên nói lảng sang chuyện khác. Anh ta quay sang tôi:

- Ông về đây tôi mừng lắm. Bây giờ E trưởng như rắn có đầu. Những đơn vị mới về tập họp lại chưa biết chỉ huy là ai. Hơn nữa mỗi D hùng cứ một nơi khó thi hành lệnh trên lắm. Ông để tôi kể sơ qua các sứ quân cho ông nghe. Tám Thôn D phó phụ trách dân vận. Tám Càn D phó đang đào công sự trong Xóm Bưng. Ba Nhẫn, Năm Tài phụ trách D1, D2 chỉ có Năm Thơi. (Tôi biết cả nhưng ngồi im như không biết. Năm Thôi là cậu thằng Thượng. Ba Nhẫn là C phó đều là cán bộ cũ của tôi từng đi đánh Tân Qui...) kể như E mình chỉ còn D3 vì D3 trước ở Bình Dương nay trả về E Phú Lợi rồi! Sau bữa tiệc này ông Bảy lên đường, phủi tay rảnh nợ, chỉ còn ông và tôi.

Bảy Ưng vừa nuốt xong cái "phao câu chẻ hai" liếm mép mỡ bóng láng nói:

- Nợ tôi thì rảnh nhưng nợ thầy Hai còn đó. Hì hì... má nó chờ ông mà phát điên đấy! Ông không về chắc ngày mai nó càng nhảy tưng nhảy tưng ngoài đồng kìa, ông coi, bữa nay nó bận áo tết-tô-rông coi phải thế bà E trưởng quá rồi.

Anh ta tiếp:

- Ông nên giúp thằng Tư Nhựt ông thầy pháo à! Để nó đi lang bang hoài không nên! Đàn bà không thể thiếu đàn ông được. -Rồi ông ta rỉ tai tôi- tại con nhỏ nó nứng l... quá chớ gì?

Có lẽ Năm Tân ngồi cạnh nghe tiếng gió nên đoán được. Tôi thấy Năm Tân mím môi lại mắt chớp chớp. Bảy Ưng đã chạm tới chị dâu của y. Y gắp cái giò vịt.

- Ông Bảy cạp luôn cái giò đi!

- Giò thì phải làm cả cặp mới chạy được -Bảy Ưng nói gượng.

- Dạ phải. Nhưng mà rủi bị bò cạp kẹp thì làm sao chạy hả ông Bả... ảy? -Năm Tân tiếp thêm.

Bảy Ưng lõ mắt nhìn Năm Tân, môi lặp bặp:

- Mày nói bò cạp ở đâu mà kẹp tao mậy?

- Bò ở dưới ruộng, dưới hầm thiếu chi!

Bảy Ưng sượng sùng nhìn Năm Tân:

- Cái thằng, bộ mày có bị kẹp rồi hay sao mậy?

- Có chứ! Nó kẹp một phát trên tay một phát dưới bắp chuối.

- Hừ hừ! Chắc không đau hả mậy?

- Dạ đau lắm mà tôi không dám la. Sợ trẻ nhỏ nó cười!

Chị Tư có vẻ hả hê nhìn thằng em lém. Năm Tân quay sang tôi:

- Tôi ngủ ở đây nhưng nghe chị tư tôi than khóc, tôi chịu không nổi nên phải bỏ đi tìm chỗ khác đó anh Hai à! Vài bữa nữa, em phải đi, không biết rồi chị tư em với cháu bé sống chết ra sao?

Bảy Ưng bắt mối nói ngay:

- Sống chớ chết chóc gì! Có Hai Lôi "nưng" đỡ mà, chú mày lo dữ không?

Con bé nãy giờ được mẹ đem vô cho ngủ trong hầm, nghe tiếng cười nói của người lớn, thức dậy khóc om lên. Chị Tư bò vào bế con ra. Ánh đèn chiếu vào cặp mắt đen như hột nhãn của bé Thơ. Bảy Ưng lại có đề tài:

- Con nhỏ này tóc đen mun, nữa nó cũng giống má nó, chớ hổng có giống ba nó đâu!

Rồi anh ta nắm bàn chân con bé giật giật. Mỗi cái giật là anh ta cố ý để tay anh ta đụng vào đầu gối chị Tư.

Năm Tân thấy vậy bên bảo:

- Chị Tư ngồi gần vách hầm coi chừng có bò cạp ở lỗ nẻ chui ra kẹp chị đó!

- Nó kẹp thì chị sẵn có móc tai đây, chị đâm nó lủng mặt hết kẹp bậy.

Bảy Ưng hơi tái mặt bèn nâng ly rượu gần cạn nốc cái trót rồi chép miệng quẹt môi, thở khà:

- Bò cạp kẹp mát da chớ đâu có đau!

Bây giờ xin trở lại vụ Thiên Lôi xách búa xuống Sài Gòn.

Phiên hiệu viết tắt của lính tráng Hà Nội.

E= trung đoàn

D= tiểu đoàn

C= đại đội

B= trung đội

A= tiểu đội

E trưởng = trung đoàn trưởng

D trưởng= tiểu đoàn trưởng

C trưởng= đại đội trưởng

B phó= trung đội phó

A trưởng= tiểu đội trưởng

F= Sư đoàn

E phó= tiểu đoàn phó

Chính trị viên E= chánh ủy trung đoàn

Chính trị viên phó E= phó chánh uỷ

D phó= tiểu đoàn phó

Chính trị viên D= chính trị viên tiểu đoàn

C phó= đại đội phó

Chính trị viên C= chính trị viên đại đội

B phó= trung đội phó - không có kinh tế viên

A phó= tiểu đội phó

Từ trung đoàn trở lên gọi là chánh ủy chớ không gọi là chính trị viên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx