sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 105: Thua Me, Gỡ Bài Cào, Cháy Túi

Gà mái mọc mồng đỏ chét, gáy te te.

Gà cồ kêu tọt tọt.

Bà Năm Đang lại đóng vai trò quan trọng hơn đám quân sự chúng tôi. Bà ta là Khu ủy viên mà! Đảng trùm lên tất cả, cả những điều đảng không biết gì cả đảng cũng trùm luôn. Nhưng dù bà trên ai thì trên chớ vẫn "dưới" chàng Thiên Lôi này. Kể từ đêm ấy tới nay bà khu ủy gọi tôi như những nhân viên và cán bộ cấp dưới gọi: "Anh Hai!"

Trong cái tình thế "mỗi ngày một trận bom,mỗi người một quả pháo" của Củ Chi thì ông phó tư lệnh quân khu lại ở đâu lò dò tới. Đó là ông Hai Phón, tên thật của ông là Trần Hải Phụng. Ông lãnh chức phó tư lệnh hồi thời Trần Bạch Đằng làm xếp cả khu này. Ông ta làm tư lệnh kiêm luôn cả chánh ủy hầm bà lằng không có thứ gì là ông không mó bàn tay cóc vô. Qua cái thời kỳ hỗn canh hỗn cư đó mới phân ra ngành này ban nọ. Rồi ông Phụng được coi như phó cối của ông Đằng. Hai Phụng không biết một tí gì về quân sự, bắn súng trường cũng không rành. Đó là sự thật. Trong thời hậu Mậu Thân mà có một ông phó tư lệnh quân khu ở đây thì lính ta càng hoang mang hơn. Trông ông bèo nhèo như con mèo té giếng mới bò lên. Ông không có tướng làm lớn mà không hiểu sao ông lại làm tướng. Có người bảo: chính vì nhầm như thế nên Hạng Võ mới không dùng Hàn Tín, để Hàn Tín chạy theo Lưu Bang quay trở lại đánh binh Sở tan tành.

Nhưng Hàn Tín vô tướng mà hữu tài. Còn ông phó tư lệnh Hai Phụng này thì bất tướng lẫn vô tài. Ông chỉ có tuổi đảng cao thôi. Cái đức tính thứ hai mà ông có là nhát gan. Nghe một phát súng gần gần là ông dáo dác, nếu đang hội nghị thì ông bảo dẹp ngay. Còn nếu đang ăn cơm thì ông buông đũa chạy. Do đó lính đặt cho ông cái tên là Hai Phón, Phón, tức là "Sợ", sợ run chớ không phải sợ thường.

Gặp ông tôi hỏi ngay:

- Bây giờ làm sao anh Hai?

Ông phó tư lệnh thừa hiểu "bây giờ" tức là lúc này. Lúc này là cuối năm 68 đầu 69, thế là đợt hai tổng phản công còn đang lẹt đét nổ ở các vùng còn quanh Sàigòn thì "Pháo mừng xuân đón bác vào thì tắt hẳn". Mà nếu còn nổ và thắng lợi thì cũng không đón bác vào được vì cán bộ chết rụi, dân chúng chạy hết có còn ai làm hàng rào thịt mà đón?

Tuy vậy Hai Phón cũng cứng cỏi bảo:

- Thì nắm thắt "nưng" kẻ địch mà đánh "ló"?

Câu nói đó đã trở thành câu kinh trong đám cán bộ quân sự cao cấp nên nó bật ra trên môi ông phó tư lệnh là phải. Còn thi hành được hay không thì họ không cần biết.

Ông Phó tư lệnh tỏ lời khen tôi:

- Cậu còn trẻ mà khá "nắm"! Củ Chi sở dĩ được danh hiệu đất thép thành đồng nà nhờ cậu đấy chứ!

Cái Củ...Chì họ! Thằng Thiên Lôi cũng như bao nhiêu thằng Nam Kỳ thời kỳ đó bùi tai vì những lời khen tặng xúi dại của Trung ương nên vừa rồi bỏ thây vô số ở Sàigòn! Sau những cái chết của Năm Truyện, Tư Nhựt, Hai Phái, Tám Lệ, Thiên Lôi này phón lắm, các bố không còn tính "rô-ti" tên Thiên Lôi này nữa ư?

Tôi hỏi:

- Anh Chín về tới R chưa anh Hai?

- Ờ ảnh về tới lâu rồi, nhưng đi chỉ đạo các khu khác!

Tôi biết tỏng các cha trên R. Sau khi Sáu Di chết, đám Chín Vinh, Tư Chi, (Trần Văn Trà) và cánh ngoài Bắc vô đều lên ruột co vòi trước khi mở màn, Chín Vinh (Trần Độ) làm gan xuống Sàigòn, nửa đường bắt Năm E cõng lội về bị pháo bầy bắn, sợ té đái trên lưng Năm E rồi dọt về kiếm chỗ ăn hút. Chúng chạy tuốt qua Cao Mên "uống thuốc rượu" không đau lưng chớ có tên nào xuống chiến trường đâu.

Có lẽ mắc cỡ lây với ông Chín Vinh nên Hai Phón nói đỡ:

- Anh Chín đang lập phương án mới cho đợt ba.

Sau đợt hai thì còn lính đâu nữa mà hòng đợt ba??

Thấy trong văn phòng của tôi, nhân viên cán bộ ra vào nườm nượp, làm việc không hở tay, các tiểu đoàn lớp báo cáo bằng điện thoại, lớp cán bộ chỉ huy tới bàn kế hoạch, không lúc nào ngưng, Hai Phón lấy làm lạ, hỏi:

- Bộ ở đây ngày nào cũng như thế "lày" hay sao?

- Dạ thì ở Củ Chi từ ba năm nay như thế đó chớ không phải chỉ hôm nay.

(tôi nói thầm: chỉ khác cái là từ sau Tết tới nay, ngày nào cũng có lính đào ngũ từ mặt trận Sàigòn về!). Vừa nghĩ như vậy thì thằng Bòn chạy vào báo cáo:

- Anh Hai ơi!

Tôi có linh tính, biết đó là chuyện gì rồi nên nháy mắt. Thằng Bòn hiểu ngay chạy ngược ra la: "Dắt tụi nó đi chỗ khác! Bữa nay anh Hai bận họp?" Hai Phón ngóng cổ cò ra dòm ngoài đồng rồi hỏi tôi:

- Cái gì thế? Tình hình động hả?

Tôi bẩm:

- Đó là lính đi bắt cá cải thiện!

Sự thực là lính của E268 đi đánh Sàigòn trốn về. Tôi phải giấu chớ kẻo mất mặt bầu cua ông phó!

Tôi đãi ông phó tư lệnh bữa cơm chiều một con gà quay chảo nước dừa. Tôi thấy ông ăn ngon lắm, như chưa bao giờ ăn món gì ngon đến thế. Tôi bèn nói:

- Anh Hai để dành bụng tối ăn gà luộc!

- Thế à?

Trong bếp của tôi có tới bốn em: Hai Nương, con Ẻng, Tư Bé, con Thanh. Tư Bé là cán bộ C phó nhưng luôn luôn xông vào bếp chớ không kiểu cách. Còn con Thanh là cháu Năm Tiều kêu bằng chú ruột. Thỉnh thoảng đóng quân gần nhau, nó vẫn sang bếp nấu đồ ăn ké hoặc xin đem về cho chú Năm nó, hoặc Năm Tiều sang đây nhậu với tôi, nó khỏi nấu.

Đó là bốn em bếp chính, ngoài ra thì đơn vị nữ dũng sĩ của Bảy Mô cũng thường làm tiệc mời tôi xuống luôn, nên cái bếp của trung đoàn tôi thiệt là nhộn và bổ gân lắm. Mà các em ở đây rất đỏ da thắm thịt, mởn tươi chớ không có vàng bủng beo sốt rét rừng như trên R mà tôi đã từng biết quá cỡ.

Tôi thấy cặp mắt của ông phó tư lệnh nhấp nháy như đầm già nghiêng cánh sắp bắn điểm. Tôi thông cảm với các ông già dềnh này lầm. Xa nhà thiếu thốn tình cảm mà! Cái đầu bạc phếu của các ông đến đâu con gái đàn bà vẹt ra hết chớ có ai dám lại gần. Cho nên các ông thường rên rỉ "hôm nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm". Mặt trời có đi ngủ thì mặc kệ mặt trời chớ các cháu không có màng. Lê Đức Anh đã từng mò một cháu gái làm vở lở cả R, Trần Văn Trà bỏ ngón cô bé thơ ký đánh máy bị nó la. Chú Vinh thông cảm hữu nghị với bà phó tư lệnh đội quân tóc dài... Tất cả những giai thoại đó đều truyền đi nhanh hơn radio giải phóng nhưng đạo đức cách mạng vẫn không sứt mẻ tí nào.

Tôi cũng muốn bắc nhịp cầu ô thước cho ông phó của tôi lắm. Nếu ông mà dính được với đất Củ Chi này thì ông có thể ưu tiên cho Củ Chi về vũ khí và bổ nhậm nhiều cán bộ cho E tôi. Đời nào tình cảm cá nhân cũng đóng một vai trò quan trọng trong triều đình cả.

Tôi biết Hai Phón không có vợ, bị vợ bỏ hoặc không có người đàn bà nào xáp lại gần ông cả. Vì ông ham mê cách mạng hơn đàn bà. Quả thật vậy, có lẽ Hai Phón không có tai tiếng gì về đàn bà, hoặc có mà tôi không biết vì người ta che giấu quá kỹ chăng? Ông ta sợ... cả đàn bà hay đàn bà sợ ông, không rõ lý do nào. Có lẽ cả hai bên đều sợ nhau, vì ông là tướng mà không bao giờ "đánh trận" nào cả.

Tôi hỏi ý:

- Anh Hai xuống đây có định bắt rễ ở đây không?

Hai Phón hiểu ý tôi, đáp:

- Đất lành chim đậu "em" à!

Chỉ Năm Lê gọi tôi thân mật như thế, không ai khác. Nay có thêm Hai Phón nữa quả tình tôi thấy thương ông thật. Mặt trời sấp lặn rồi mà đêm vẫn chưa ấm. Tôi nằm võng đối mặt với ông, suy nghĩ tìm cho ông một bà đỡ tráp nâng khăn. Mà ai bây giờ? Tôi bắt đầu soát lại danh sách các "nữ tặc" mà tôi biết và khả dĩ xứng độ với ông.

Trước nhất là nữ tặc Mai Khanh.

Nhưng Mai Khanh sau khi tôi rời Bộ Tư Lệnh Pháo Binh thì nàng đã trở thành áp trại phu nhân của ông chánh ủy pháo rồi.

Nàng gặp tôi một lần ở H6 và cho biết như thế, không giấu giếm chi cả.

Tôi bỗng hỏi:

- Anh Hai có biết chị út Tuất (hay Tức) không?

- Bả thôi làm bí thư quận Tân Biên rồi.

Tôi hy vọng làm mai ông phó cho bà này, nhưng tôi giật mình nhớ lại trong một buổi tâm tình bà đã chửi lén: "Mấy thằng già đó, thằng nào cũng mò em!"

Không biết trong mấy thằng già đó có "thằng già Hai Phón" này không? Nghĩ vậy tôi không dám hỏi tới nữa, nhưng Hai Phón thở dài:

- Bà đó khó tính lắm. Bả không muốn hoạt động nữa và hình như có yêu ai rồi.

- Ai vậy anh Hai?

- Một thằng trẻ lắm. (Tôi giật mình) -Hai Phón tiếp- Con gái không chịu ông già, còn bà già thì lại muốn thanh niên. Đó là lẽ thường.

Tôi nói:

- Vậy ông Vũ Ba cụp với bà Năm Đang thì sao?

Hai Phón gạt:

- Sai lập trường!

Tôi ngạc nhiên kêu lên:

- Bà Năm là khu ủy viên mà anh! Lập trường bả "cao" chớ đâu có thấp! -Tôi định nói cứng chớ đâu có mềm, nhưng sợ làm phật ý ông phó tư lệnh không thân.

- Mấy chả nâng đỡ chớ bả con nhà tư sản. Ông già bả có nhà máy xay lúa! - Có lẽ muốn vớt vát Hai Phón tiếp- Tại hồi đó trong khu không có cán bộ nữ, nên đưa mấy bả vô cho đủ thành phần.

- Vậy cũng đúng thôi anh Hai. Hồi đó nhờ có bả với mấy bà khác mà thằng cha Burchett tới đây mới bày ra vụ quay phim, bộ phim đầu tóc đó chớ. Nếu không có bả cầm cán thì lấy ai vận động. Trời! thằng cha Burchett phục mình sát đất và nó tin rằng mình đã giải phóng vô tới cửa ngõ Sàigòn rồi đó anh Hai!

Hai Phón làm thinh. Tôi cũng làm thinh nhưng trong đầu soạn tiếp bảng kê các nữ tặc. Còn một vài bà sồn sồn như chị Tám Khỏe ở Phú Mỹ Hưng người đàn bà có hai đời chồng, người chồng trước đi dân công chết mất dạng ở Bình Long, người sau là D phó Ba Tố. Chị Tám đang ở không. Nhưng, mặc dù trống chân, Tám Khỏe chưa chắc đã chịu ưng ông phó tư lệnh. Thây kệ, tôi cũng ướm thử cái vung vào chiếc nồi này xem.

Gần đây có mấy bà nông dân góa chồng, mấy bà má chiến sĩ. Má Hai, má Tư ở Gót Chàng, Sa Nhỏ, nhưng chắc ông phó tư lệnh chê già trầu. Những tên già dơ đời nào lại chịu lấy già trầu.

Trong bếp có Hai Nương, người đàn bà góa quá nghèo không nuôi nổi hai đứa con và bà già chồng nên phải theo làm "hỏa đầu quân" cho bộ đội để lâu lâu xin một ít gạo đem về nhà. Nhưng Hai Nương còn quá trẻ, mới ba mươi, băm hai, đâu chịu quơ lão già dềnh này.

Trong đám cán bộ FM đầu bạc, chỉ có Năm Tiều là hên, chộp được Sáu Nguyện, tuổi đáng cháu. Cái đó cũng không hại gì "chú" cũng chỉ khác "chó" có một chữ "u". Sau này còn Bảy Đạo, xúc được cô bé mười tám rồi dàn cảnh chiêu hồi về Sàigòn lót ổ uyên ương. Lại còn dắt lính về khui bầm bất bộn cán lớn cán nhỏ. Tôi gọi Hai Nương lên bảo:

- Em để việc nấu nướng cho tụi nó, anh nhờ chuyện này chút!

- Chuyện gì anh Hai? (Hai Lôi, không phải Hai Phón).

Hai Nương vừa nói vừa chùi tay vào hai bên mông, má đỏ rực vì vừa trong bếp ra.

Tôi bảo:

- Anh Hai đang bịnh, nhờ em ở đây săn sóc giùm. (Hai đây là Hai Phón chớ không phải Hai Lôi).

Hai Nương dư biết tôi có ý định gì, bèn gật đầu vui vẻ "nhận lệnh". Tôi liếc thấy Hai Phón lim dim làm bộ ngủ bèn đứng dậy bảo Nương:

- Em nằm ở võng anh, có chuyện gì thì giúp anh hai xuống hầm giùm. Anh đi có việc!

- Dạ.

Bố trí "hỏa lực" xong tôi nói:

- Nếu có chuyện gấp anh cho cô này chạy kêu tôi nghe anh Hai. Cô ấy từ giờ phút này sẽ là cần vụ của anh đấy.- Nghe tôi dặn, Hai Phón thừa hiểu ý đồ của ông dê trưởng.

Tôi đi ngay.

Rời khỏi chỗ này tôi cảm thấy mình vừa làm một việc, không biết là đại phúc hay đại ác. Cháo không ra cháo cơm chẳng ra cơm. Nhưng tôi, mặc kệ, ở cái đất Củ...này thì rủi may, hên xui, họa phúc cũng chỉ là một cái trở tay. Không chịu làm "bà phó" thì nấu bếp suốt đời.

Mấy hôm liền bận, chạy không bén đất, nay mới gặp lại cô em. Hai Nương đi mua muối ở quán Chín Khuôn về. Thấy tôi từ xa, cô nàng vừa ngoắc, vừa chạy lại. Gặp mặt tôi cô bé kêu lên:

- Sao anh ốm nhách, ốm nhom, mặt trỏm lơ vậy?

- Thì bị lo công việc chớ sao?

- Anh đi mất biệt hà!

- Anh em ở nhà có bảo vệ "anh Hai" kỹ không?

Mặt Hai Nương bùng thụng:

- Anh kỳ thấy mồ.

- Gì kỳ?

Tôi biết là có chuyện, nhưng không biết dữ hay lành nên bảo thằng Đá và thằng Tiễn về văn phòng trước, gọi các ban chỉ huy D lên họp.

Còn lại một mình tôi, nàng mới "làm dữ":

- Ai biểu anh làm kỳ vậy?

- Anh làm gì mà kỳ?

- Anh bắt em phục vụ ông già đó.

- Thì sao, ổng ghiền trà, nửa đêm ổng lên cơn em nấu nước cho ông, có thế mà không làm được hay sao? -Tôi làm mặt giận để trấn áp cô bé, nhưng nàng không chịu im.

- Pháo bắn... ổng bò càng.

- Rồi sao?

- Em đưa ông xuống hầm.

- Thì tốt chớ sao.

- Ổng đái ướt nhẹp hầm. -Cô bé nói, tôi không bụm miệng kịp.

Tôi cố làm nghiêm:

- Nước mưa dột đó chớ nước gì!

- Em quen với mùi nước đái của con em rồi, em không biết sao?

(Tôi nghĩ thầm: quả thật danh bất hư truyền: hai Phón. Lính cận vệ ông ta đã cho đám cận vệ của các ông lớn khác biết. Mỗi khi các ông họp thì đám này kiếm chỗ ăn hút, đánh cờ hoặc nói tiếu lâm. Rồi chuyện Hai Phón đái ướt cả hầm mỗi khi bị xe tăng đuổi hoặc chụp dù, phải độn thổ, cũng trở thành tiếu lâm luôn. Bây giờ đến cô cấp dưỡng này lại chứng minh thêm lần nữa cái điều đó).

Hai Nương có vẻ bất mãn, mặt bự ra như trái bí rợ có nhiều múi:

- Em ghét anh lắm.

Tôi cười xòa:

- Không chị... ịu thì thôi chớ ghét anh làm gì!

Hai Nương tiếp:

- Nửa đêm ông gác cái công qua võng em.

(Thì đúng như cái sách của Bảy Ưng trổ mòi với vợ Tư Nhựt).

- Sao?

- Còn sao nữa.

- Rồi em êm luôn hả?

- Êm gì? Em xách lên ném xuống đất. Rồi em bỏ võng đó vô bếp.

Tôi chắc lưỡi bâng quơ:

- Tội nghiệp người ta chưa! Lần sau chắc gác võng không!

Hai Nương lườm tôi. Tôi rỉ tai nàng:

- Bộ không chịu làm bà phó tư lệnh sao?

- Phó... Táo thì có!

Thế là ông mai hụt ăn đầu heo. Tôi gặp Hai Phón. Mặt ông tỉnh bơ:

- Đêm qua kéo một giấc quá đã!

- Có thấy "bắn máy bay"... chụp dù gì không anh Hai?

Hai Phón có lạ gì mà không hiểu cái tiếng của nhà lính, nhưng cố trả lời ăn trét.

- Ban đêm nó cũng chụp nữa sao?

- Dạ chụp chớ, nhưng thường là chụp hụt.

Hai Phón hiểu ý định tốt của tôi muốn giúp đỡ ông ta nên cứ khen tôi liền miệng.

Chiều hôm đó bá quan tới dự mặt, toàn ông kẹ mặt rằn.

Tám Dọn phó chính ủy quân khu, Hai Trí sư phó F5, Năm Sĩ E trưởng E268, Ba Lanh chính trị viên E268, ban chỉ huy huyện đội có Năm E, Bảy Đạo, cao cấp nhất là bà khu ủy Năm Đang. Cuộc họp sẽ bàn việc đánh Trung Hòa, đặc biệt có một nhân vật mới:

Tám Dọn tức Tám Lê Thanh, từ R xuống là phó chánh ủy khu. Sở dĩ ông có cái tên Tám "Dọn" là vì trên đó ông làm trướng ban an ninh kiểm soát toàn khu, có đủ quyền hạn làm mọi việc kể cả việc dời nhà (lều) người ta. Chỗ nào không ở được thì y chỉ định cho ở, chỗ nào ở được thì y bắt phải dời đi. Ai cũng phải sợ y như hung thần. May phước, Sáu Di vô R, ra lệnh cho lính kiểng của y (ngót 1000 tên) ra trận, vác súng nắm thắt lưng Mỹ mà đánh, nên Tám Dọn cũng cuốn nóp bỏ chức hung thần lại R, đi oánh Mỹ, xuống đây với chức chánh ủy bậc phó. Gốc đánh xe ngựa ở Hóc Môn. Sau Tết, anh Tám tự võ trang một chiếc xe ngựa đi xuống Thầy Gòn do thám. Không cần phải thay hình đổi dạng, không cần học cử chỉ dân xe ngựa gì hết, anh Tám cứ lên xe, quất ngựa thế là đạt kế hoạch 100% Lính gác Sàigòn có tài nào nhận ra anh Tám là phó chánh ủy?

Kỳ này anh Tám cùng với anh Hai thay mặt Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu phổ biến kế hoạch đợt hai. Gặp anh Tám vốn quen thời tôi làm anh hùng đặc... công đoàn "xách nóp" của Huỳnh Thành Đồng đánh sân bay Biên Hòa được bà già háp Phùng Văn Cung ôm hun dính cổ trầu đầy mặt), tôi hỏi anh Tám tình hình ven đô:

- Lính mình vô tới đâu anh Tám.

Tám Dọn vốn mặt dài như mặt ngựa, càng dài ra thêm, cố cười để cho nó thun ngẩn lại nhưng khổ thay nó lại càng dài ra trông đến thảm hại.

- Mới vô múm ngoài ven. Đợt hai này mới phập vô sâu.

Rồi anh Tám đánh trống lảng. Tôi biết thừa. Nhưng ai dám vuốt râu hùm. Láng cháng anh Tám phát quạu, anh Tám kêu dắt trung đoàn của tôi đi nướng tiếp thì bỏ mạng. Mà đã đưa đi nướng rồi, may sao được kêu trở lại đây.

Anh Tám biết nghề võ hơn anh Hai nên đứng ra phổ biến kế hoạch tấn công. Chiếc bàn độc nhất trong nhà dùng làm chỗ "dựng sa bàn".

Tấm bản đồ được trải ra, chiếm bít nửa mặt bàn.

Những người lạ như Năm Sĩ, Hai Trí... thì nom vào xem nó là cái bản đồ đồn nào. Nhưng tôi biết ngay. Tôi ngó Năm E. Năm E quận đội trưởng thì còn lạ gì. Năm E rỉ tai tôi nói nhại bằng tiếng Chệt: "Há, cái "lồn" chủng cùa". Hắn liếc tôi xem mặt tôi có biến đổi không. Thời buổi bộ đội te tua như cái áo rách, trên răng dưới dế này mà đánh đi Trung Hòa, họa có là thằng điên mới chủ trương. Mà thằng điên chủ trương thật. Chúng chủ trương như vậy bởi vì chúng ở nhà, chúng không có ra trận. Chúng muốn nướng những thanh niên không phải là con cháu chúng.

Tám Dọn khá thuộc địa hình Củ Chi, trình bày khá rành.

Tám Dọn nói:

- Mục đích yêu cầu của ở trên là tiêu diệt cứ điểm này để mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt là quận Củ Chi. Khi hạ được nó, tất cả những đồn bót khác sẽ lung lay, mất tinh thần, hoặc sẽ rút. Ở trên tăng cường cho các đồng chí E268 của F5. Trước đây chỉ có E Thép mà các đồng chí đã tiêu hao nặng quận lỵ Củ Chi, nay với lực lượng gấp đôi, ở trên tin tưởng các đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách vượt mức. Đây là trọng điểm của quân khu trong đợt ba.

Cử tọa đều lặng thinh. Tôi ngó theo Hai Trí. Hai Trí không nói gì hết. Thì bà Năm Đang vọt miệng:

- Tôi xin thay mặt quận đội, E Thép và E268 nhận nhiệm vụ trước cấp trên.

Mọi người sửng sốt, nhưng không bụm miệng bà khu ủy được. Con gà mái mồng đỏ chót này cũng đã từng thay cho bầy gà cồ gáy lệnh cho chúng tôi nổ súng xuất quân hôm Tết.

Thì bây giờ cũng bả chớ ai trồng khoai đất này? Củ Chi nhiều dũng sĩ và nhiều nữ anh kiệt nhất miền Nam mà! Ai muốn thành anh hùng dũng sĩ hãy về đây!

Tám Dọn tiếp:

- Ở trên sẽ tăng cường vũ khí và phương tiện khác yểm trợ cho các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ.

Tám Dọn tiếp:

- Đợt hai chúng ta dừng một bước, tiến hai bước. Địch tưởng ta yếu và sắp sửa rút lui. Đợt ba chúng ta dứt điểm Sàigòn một cách bất ngờ. Các địa phương đều phải chọn trọng điểm và dứt điểm. Mỗi quận phải hạ cho được quận lỵ, hoặc cứ điểm quan trọng nhất của quận. Với Củ Chi, ở trên chỉ định cứ điểm Trung Hòa.

Nghe nói cái danh từ "Trung Hòa" tôi lại ngó Hai Trí. Hai Trí cũng vừa ở ven đô chạy vắt giò lên cổ về đây. Nhưng Hai Trí không có ý kiến gì hết. Ở vị trí của anh, anh không dám nhận nhiệm vụ nhưng từ chối thì từ chối cách nào? Quân xử thần tử thần bất tử bất trung.

Bên cạnh Trung Hòa còn có Đồng Dù và quận lỵ Củ Chi và một hệ thống đồn bót dày như bàn tay. Hơn nữa chỉ cách Sàigòn 15 phút trực thăng, 30 phút đường bộ. Còn pháo thì có đến hằng trăm cụm chĩa họng vào. Đụng tới Trung Hòa là bứt dây động rừng. Rừng này là rừng pháo, rừng trực thăng sẽ không có bóng mát cho anh đội núp.

Tụi Bê Ka R phong cho Năm Truyện chức sư trưởng, Hai Trí chức sư phó F5 không phải vì lẽ công bình trong sự đề bạt mà là dùng họ làm những tấm gạch lót đường cho bọn Bê Ka đi theo sau ngồi xổm trên những chiếc ghế trống người. Người Nam biết chăng?

Năm Sĩ lặng thinh. Con Hùm Xám Điện Biên này đã bị chụp nhiều trận kinh hoàng ở đất Củ Chi, Trảng Bàng. Bây giờ đã trở thành con hùm sút móng hay con gì khác khoác bộ da hùm. Mới vào đây lúc nào cũng bô bô trận đánh quân đoàn Charton Lepage biên giới. Chuyện đó có thật. Nhưng đánh với Pháp thời 1950 anh chàng thanh niên miền núi này dùng tinh thần dũng cảm, sử dụng chưa rành khẩu súng trường, còn bây giờ lòng dũng cảm không thể thiếu sự yểm trợ của vũ khí. Đồn bót Mỹ có lỗ châu mai lỏng lẻo cho mọi đảng viên Phan Đình Giọt 1, còn xích xe tăng Mỹ không phải là nệm bông cho Tô Vĩnh Điện 2.

Ban đầu tôi cũng không ưa cái anh Bắc Kỳ mắt toét này. Nhưng đánh chung mấy trận đơn vị của hắn bị sát thương quá đông vì đất mới chưa quen địa hình địa vật. Đi một D bỏ lại chiến trường cả một đại đội? Đơn vị nhếch nhác kéo về. Bom gì nó dội hàng chục hiệp, pháo gì nó bắn hàng giờ không ngớt. Lính đâu mà bổ sung? Tôi đâm ra thương xót anh bạn Bắc Kỳ. E268 của y còn có hơn trăm ngoài tay súng. Bây giờ bổ sung cho F5 của Hai Trí. Tất cả chỉ còn non 300. Vậy mà cũng gọi là một E? Thế giới này chưa có!

Tám Dọn phổ biến kế hoạch trao nhiệm vụ xong cho bọn này rồi đi. Hai Phón ở lại kiểm tra lực lượng E Thép của tôi. Đúng ra tôi đưa ông ta đi coi súng.

Gặp súng nào ông cũng hỏi, địa lôi DH10 của Trung Quốc, súng RPD của Liên Xô ông cũng không biết. Ông không biết một thứ súng nào. Thấy cây bộc phá sào ông hỏi:

- Sao có thứ súng gì kỳ cục vậy?

Rồi gặp cây DKB (đạn khoan bê tông) ông cười như đứa con nít: "Súng gì giống cái máng heo ăn!" (Mà nó giống thật).

Tôi dắt ông đi xem một công sự đại liên của Sáu Lức (đi nghỉ phép mới về). Tôi bảo thao tác như có địch cho ông xem. Ông lấy làm lạ. Không hiểu tại sao đạn lại ra có dây như vậy. Nay thì hiểu rồi.

Còn tôi nay thì mới hiểu tại sao một ông đại dốt về quân sự như vậy và gan ruột như con tép, mà lâu nay lại làm tới phó tư lệnh một quân khu đánh với Mỹ: Trên đầu bất cứ thằng Nam Bộ có chức nào cũng ngồi xổm một tên Bắc Kỳ dốt hơn.

R là một chứng cớ.

Rồi Hai Phón đi.

Chúng tôi lại họp để bàn kế hoạch cụ thể. Hai Trí hỏi tôi:

- Mày thấy tương quan lực lượng thế nào?

- Vậy anh thấy ta nhào vô Sàigòn với tương quan lực lượng nào?

- Cho nên kết quả thế đó!

- Mình đánh không cần thắng mà anh Hai!

Hai Trí là một cán bộ trình độ học vấn cao nhất trong hàng cán bộ thời kháng chiến chống Pháp nói chi bây giờ. Thời Pháp anh học trường Le Myre de Vilers sau Trần Văn Trạch hai năm. Khi tôi lên năm thứ hai thì anh đã lên năm thứ tư.

Anh rất gan dạ. Lính gọi anh là ông chính trị viên gương mẫu. Bây giờ là F phó. Ở Bình Long, Phước Long, đơn vị anh đụng Mỹ chơi bom chết độ một nửa. Anh là kẻ may mắn sống sót. Thằng Nam Bộ chịu chơi. Gương mặt trẻ măng năm 48, nay má chảy xệ, trán nhăn như vồng khoai, tóc lưa thưa bạc trắng một bên. Anh cười với tôi:

- Bên kia nhờ B52 nó gọt giùm!

Cuộc thảo luận kế hoạch đánh Trung Hòa có mặt Năm E quận đội trường và Bảy Đạo tham mưu trưởng Củ Chi.

- Làm sao mậy? -Hai Trí vẫn gọi tôi như thời xưa.

- Anh để đó, tôi tính.

- Để tao hỏi Năm Sĩ coi! Nhưng anh ta không quen đánh công kiên ở xứ này đâu. Trước nhất là tao thấy trở ngại cho lính y là hai con suối này.

Đó là suối Trung Hưng (cũng còn gọi là suối Gia Bẹ) và con suối Bà Cả Bảy. Hai con suối này cách xa nhau chừng ba cây số và chảy song song với nhau. Một con lộ cắt ngang hai con suối này. Đó là Hương lộ 7A. Bảy Đạo mở cái bản đồ của ông ta ra cho cả bọn nghiên cứu. Y cười rung rung cái đầu bạc phếu:

- Chắc bọn già mình bị "thượng mã phong" cú này quá.

Năm Sĩ la lên:

- Ông tham mưu trưởng nói gì gở vậy?

Năm E bảo:

- Không nói nó cũng gở mà? Hôm cõng ông Chín (Vinh) qua Rạch Cây Da, ông đã "tưới nước cam lồ" trên lưng tôi, nay còn ấm hổi, thì đó không phải là điềm gở hay sao?

Bảy Đạo trỏ vào bản đồ:

- Mấy ông coi đây có giống là con đàn bà nằm chàng hảng cặp giò ra đấy hay không?

Hai con suối là hai cái chân. Hương lộ 7A là sợi dây lưng quần của Hai Lôi mượn cô du kích trong trận hạ bót Thầy Mười năm kia.

Tôi la lên:

- Ê, đừng nói bậy xui ta, ông tham mưu!

Bảy Đạo cười trừ và tiếp:

- Trên sợi dây lưng quần là cái rốn... hì hì... Trung Hòa! Nhìn kỹ mà coi. Hí hí, chính mình phải ngoáy vô đó rồi phá bể ra.

Thằng cha này mất nết thật, nhưng mất nết có duyên và có lý. Lâu nay tôi vẫn nghiên cứu cái Trung Hòa này nhưng tôi chưa hề có ý nghĩ kỳ lạ như vậy. Tuy kỳ lạ nhưng không sai sự thực bao nhiêu. Thằng cha mới vừa cưới vợ nên thấy cái gì cũng đàn bà. Chỉ hơi sai cơ thể học một chút là hai cái Gò Nổi trên và Gò Nổi giữa lại nằm không đúng vị trí.

Năm E cười khặc khặc. Bảy Đạo móc viết chì bốn màu, bấm đầu đỏ ló ra và chấm vào cái rốn rồi khoanh một vòng chung quanh trùm lên những nét đan thanh mà y đã kẻ, làm cho Trung Hòa trở thành điểm đậm nổi bật nhất. Tôi hỏi:

- Ông tham mưu sẽ tấn công như thế nào?

Bảy Đạo chỉ bằng mũi bút chì:

- Theo tôi thì phải từ dưới Đồng Lớn đánh phốc lên. Từ Trung Lập Hạ đâm qua, từ Hố Bò chĩa xuống. Ba mũi giáp công đúng y bài bản trăm phần trăm là lượm bạc.

Tôi pha trò:

- Nhưng nó chủ... động chớ có thụ... động để mình tấn công đâu ông tham hắc xì mư...u!

- Hì, hì. Phần kế hoạch cụ thể là do các ông chủ... động! Còn lực lượng của tôi chỉ là du kích đánh hôi, cáng thương binh, dắt tù binh thôi.

Hai Trí là viên chỉ huy theo tôi biết, chỉ giỏi trong các trận phục kích như trận Phong Phú ở Vĩnh Long năm 49 tiêu diệt gọn một D Âu Phi trong nháy mắt trong đó C của Hai Trí là hỏa lực chính. Còn đánh đồn Mỹ thì chưa từng. Tôi mô tả chi tiết cho anh nghe về đồn Trung Hòa. Nó là điểm cơ động yểm trợ các cứ điểm của vùng cửa ngõ Sàigòn, binh lực của nó gồm một tiểu đoàn thiện chiến đóng ở giữa, ba đại đội nghĩa quân đóng vòng ngoại.

Pháo binh một tiểu đoàn gồm ba khẩu 105... bắn một trăm phát trong 10 phút. Tám hỏa điểm gồm toàn đại liên và trọng liên. Có sân bay, có kho đạn, có đội vận tải, đội tiếp tế trại lính. Còn những gì khác thì không biết. Ước tính: muốn hạ cứ điểm này phải có một E mạnh và một E dự bị. Phải có vũ khí phá tường, xung kích phá rào. Thang để leo qua rào. Từ thời Pháp tới nay cứ điểm này chưa từng bị tiêu diệt lần nào.

Nghe xong Hai Trí làm thinh. Hồi lâu mới hỏi:

- So với Củ Chi nó thế nào??

- Củ Chi là một quận lỵ có dân chúng lộn lạo ra vào buôn bán, có phố xá, giúp cho mình nghiên cứu và trú quân dễ hơn. Trung Hòa là căn cứ quân sự đặc biệt, thuần túy quân sự. Khó nghiên cứu, khó thâm nhập, khó rút lui.

- Dân chúng quanh bót thế nào?

- 90% Quốc Gia. Dân trong này chạy ra đó đang lãnh tôn, lãnh thuốc, gạo rồi ở luôn không về. Không biết họ ngả theo bên nào!

Năm Sĩ có vẻ chán nản, lúc nào cũng lui cui dưới bếp, nấu nướng và trò chuyện với mấy em cấp dưỡng. Tôi cũng biết y xa nhà thiếu thốn tình cảm nên cứ để y tự do và còn đốc xúi nữa. Y uống rượu suốt ngày. Lạ thay, không say. Hai Trí biết y buồn vì đã nướng nhiều quân nhất trong các đơn vị miền Bắc vào đây, nên không phê phán gì cả và cũng không tỏ ra là cấp trên của y. Lúc nào Hai Trí cũng gọi là "anh Năm" ngọt. Riêng tôi, tôi thấy tội nghiệp y quá Có thể nói kiến thức quân sự của y gồm một ít kinh nghiệm lỗi thời. Y chẳng hiểu kẻ địch đủ để đánh địch. Chỉ có lòng dũng cảm và sự kiên trì theo đúng mà thôi.

- Anh Năm ơi! Chiều nay tụi mình nhậu gì nào? Gà xé phay nhé!

- Gì cũng được miễn cay thì thôi.

Hai Trí vui vẻ:

- Từ về Nam tới giờ, xuống Củ Chi mới được ăn cơm trắng lần thứ nhứt!

Năm Sĩ không mắc cỡ, không giữ kẽ gì cả. Y vừa cầm đùi gà cạp, tay bưng rượu nốc, nói oang oang:

- Trong này dân sướng bỏ mẹ, mà ở ngoài đó toàn tuyên truyền bố náo.

Năm E nói:

- Chừng nào hết chiến tranh đồng chí về đưa má nó vô đây tui cấp cho vài mẫu đất.

- Mẫu là bao nhiêu?

- Chừng hai chục sào ngoài ta -Tôi nói- vô đây cùng với mẹ đĩ làm hợp tác xã!

- Con lậy ông. Hợp tác xã đói rã thây!

Các ông quận rút lui hết. Tôi nói:

- Nhậu xong tôi với anh đi trinh sát nghe anh Năm.

- Cậu cũng đi à?

(Năm Sĩ lớn hơn tôi chừng sáu, bảy tuổi nên gọi tôi thế). Tôi đáp:

- Phải đi chứ.

- Cậu không có trinh sát à?

- Có chứ, nhưng phải đi kiểm tra thực địa, để nắm chắc địa hình bố trí quân lực.

- Ờ...ờ ờ....

Tôi dắt Hai Trí, Năm Sĩ và Chín Hiếu (Hiếu là C trưởng pháo binh của Năm Sĩ) đi trinh sát. Tháp tùng có một tổ trinh sát của tôi gồm ba cậu và hai cô. Năm Sĩ lấy làm ngạc nhiên thấy hai cô gái đi theo. Tôi bảo:

- Khi cần thì đắc dụng lắm đó anh Năm! Con gái mới vô gần được, rồi từ đó ngó qua đồn, làm quen với lính đồn. Dần dần tìm hiểu!

- Ừ, đó là quan điểm nhân dân áp dụng trong du kích chiến tranh.

Tôi kể lại cho y nghe lần tôi chạy Honda nói chuyện với lính ngoài phố, giả dạng nông dân dắt trẻ con qua cửa bót để đo mặt đường bằng bước chân. Năm Sĩ kêu lên từng chập. Y không ngờ tôi "nại niều nĩnh đến thế! Lần đầu tiên, cuộc trinh sát đến Trung Hòa không gặp khó khăn nên kết thúc nhanh.

Năm Sĩ nói:

- Ở ngoài tôi nhiều chuyện bố "náo" bỏ bà. Trước đây tôi tưởng anh hùng Giáp Văn Khương ở Sư 308 là có thiệt. Sau nghe lại là chuyện bịa! Giáp Văn Khuông đâu có nhảy từ đỉnh Non Nước xuống sông Đáy... Ờ, đó là chỗ thằng Béc-na con thằng Đờ-lát tử ẹo.

- Anh có gặp Giáp Văn Khương không?

- Không.

- Không gặp sao dám chắc là láo?

- Nghe cũng biết chứ đợi gì gặp mới biết láo?

Tôi nói:

- Tôi không bao giờ tin trinh sát 100%. Nghe nó báo cáo xong tôi phải trực tiếp tới tận nơi. Anh Năm à! Đất này là đất sình nghe anh. Rủi nghiên cứu không chính xác, anh mang súng cối nặng đến đó không có chỗ đặt rồi làm sao? Bộ anh tưởng dễ gì có một Bế Văn Đàn 3 hay Tô Vĩnh Điện hay sao?

- Náo tuốt. Nàm gì có chuyện đó đâu!

- Sao chuyện nào cũng láo hết vậy?

- Thì náo nói náo chớ nói thật sao được. Thằng nào nà thằng Đàn? Tìm đi!

Mà thật vậy, chính tôi cũng có biết một anh hùng quân đội được tấn phong trong đại lễ nhưng hiểu ra, không phải là anh hùng. Mà chính anh ta cũng không hiểu tại sao anh ta được nhận danh hiệu anh hùng. Danh hiệu anh hùng là do ở trên đâu đó chỉ định chớ nào phải tự bản thân của người anh hùng!

Chúng tôi chia làm ba cánh đi nghiên cứu suốt năm ngày và quyết định kế hoạch cụ thể không có sự tham gia của quận đội. Mấy ông này chỉ hụ hợ kiếm chác, lại còn gây tiếng xấu cho quận đội như trận đánh vào thị trấn Củ Chi, du kích vơ vét (cũng loại ba có truyền thống) đem về mấy xe bò. Tới nay đầm già còn loa gọi chúng tôi là giải phóng củ cặc (Nếu ăn... cặc có nghĩa là ăn cướp thì còn khá hơn là ăn cặc và ăn cặc.)

Chủ công là đơn vị E Thép và E268 của Năm Sĩ. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm có Hai Trí và tôi, trụ sở đặt ở khoảng giữa suối Trung Hưng và Hương Lộ số 2. Đơn vị tấn công chính gồm có E268 của Năm Sĩ và hai D, E Thép của tôi. Cả hai từ phía Tầm Lanh đánh xuống. E268 đóng ở Tầm Lanh. Đợt một, hai D của tôi nổ súng mở đột phá khẩu. Và pháo binh của E268 bắn cấp tập rót qua đầu chúng tôi. Ba D, E268 của Năm Sĩ xung phong đợt hai từ trên xuống.

Trong lúc đó một D của E Thép từ phía cầu Công Sở đánh phốc lên, ba mũi với chiến thuật cổ điển tiền pháo hậu xung. Một đơn vị du kích sẽ kềm chế bót mới ở ngoại vi Trung Hòa bên mé suối Bà Cả Bảy.

Dự tính thời giờ: 3 giờ khuya nổ súng. 4 giờ rưỡi sáng kết thúc trận đánh. Rút lui về đến căn cứ thì vừa hừng sáng, đào công sự phòng ngự chờ địch. Các đơn vị dự bị, cứu thương tiền phương đâu đó rất chu đáo không chê được chỗ nào.

Nhiệm vụ trước ngày nổ súng là giữ bí mật. Lính tráng tuyệt đối không được nhởn nhơ ngoài đường. Không được tự động nấu ăn, không được về phép.

Năm Sĩ bỗng nhiên hỏi tôi:

- Ở đây có nơi nào bán hương "chầm" không?

- Hương chầm là cái đếch gì? -Tôi hỏi.

Hai Trí đáp thay:

- Là nhang đó! Cái thằng ở ngoài Bắc mười năm mà không biết hương là gì à?

Tôi lại hỏi Năm Sĩ:

- Anh cần nhang để làm gì hả anh Năm?

- Cậu kiếm lo cho tớ một ít đi!

Hai Trí chép miệng:

- Mày đi mua cho ảnh một ốp đi. Ảnh cúng vái đấy.

- Cúng vái ai anh Năm?

- Bố tôi! Tôi vái bố tôi phù hộ cho tôi.

Tôi cho thằng Đá chạy đi mua ốp nhang. Sẵn có bàn thờ trong nhà, Năm Sĩ đốt nhang nâng ngang mày và lâm râm khấn vái với tất cả sự thành kính. Tôi nghe rõ từng câu:

- Hôm nay đời con sắp đến giai đoạn gay go nhất. Xin hương hồn thầy mẹ phù hộ cho con tai qua nạn khỏi -Rồi cúi rạp mình xuống giây lâu. Xong, anh xá ba xá.

Mấy đứa nhỏ bấm nhau chỉ trỏ phía sau lưng.

Tôi thực sự cảm động. Thấy tôi nghiêm nghị chúng không dám cười. Tôi thật không ngờ một thằng dạn dày bom đạn hai mươi năm lại có cử chỉ đó. Chúng tôi chia tay, ai làm nhiệm vụ nấy. Tôi cho hai C phó đi với Năm Sĩ để làm tham mưu cho y. Hai Trí ở lại với tôi. Trời chạng vạng chúng tôi đến chỉ huy sở. Hầm hố, dây điện thông tin, chỉ huy đều đã bố trí xong. Nằm trong hầm gối đầu trên chiếc nón sất Mỹ, Hai Trí cứ thở dài sườn sượt. Rồi bỗng nhiên anh hỏi tôi:

- Lôi à, mày gặp Năm Sàigòn lần cuối cùng ở đâu?

- Cũng trên đất Củ Chi này ở ven rừng Đồng Lớn kia kìa. -Tôi đáp- Trước khi đi ảnh có than một câu.

- Câu gì "anh Hai"? -Hai Trí chọc tôi.

Tôi đáp:

- Một ra đi là không trở về! Thì đúng y!

Hai Trí tiếp:

- Con người trước khi chết rất linh mày ạ. ảnh nói kỳ này đơn vị mình bị thiệt hại nặng chưa từng. Quả y như rằng tao kéo xuống Mỹ Phụng bị pháo bắn...

- Thôi, nhắc chi anh Hai.

- Tôi không muốn nhắc nhưng thấy Năm Sĩ cúng vái tao phát ngậm ngùi. Tao nghĩ kỳ này y sẽ không khỏi.

- Bộ lần nào trước khi ra trận ảnh cũng đều làm vậy sao?

- Thỉnh thoảng. Nhưng tao nghe cận vệ của ảnh nói trong ba-lô của ảnh lúc nào cũng có nhang thơm.

- Ở ngoài Bắc đâu còn cho bán nhang nữa anh Hai?

- ấy là tao nói lúc y xuống đồng bằng kìa. Cái ba-lô của ảnh bị pháo bắn văng mất. Ảnh càng tin dị đoan. Cái ba-lô thay mạng ảnh. Ảnh càng vái nhiều hơn. Năm Sàigòn cũng vậy. Trước khi chia tay ảnh bảo: "mày nhớ ngày này và mỗi lần ăn cơm nhớ cúng tao!" Tao gạt ngang: "Thằng Mác Xít không nên tin dị đoan". Nhưng nào dè đâu lại thật!

Tôi nhắc lại lần gặp gỡ Năm Sàigòn ở ven rừng, với Tư Chi, Tư Nhựt. Năm Sàigòn đưa cho tôi xem quân hàm trung tá. Tôi đòi đổi ba cái ba-lô Mỹ cho anh mang cho gọn. Tôi vỗ vỗ cái bao tử trâu mắc trên vách, nói:

- Cái ba-lô của ảnh còn đây nè, anh Hai.

- Mày nhớ ngày nổ súng không?

- Mồng một tết.

- Ừ được ngày đó, ai chết đều được ăn no vì người ta cúng nhiều. Đi nhà nào cũng gặp đồ ăn trên bàn thờ.

Tôi não lòng lắm. Nghe câu chuyện của Hai Trí, nhớ cái đầu bổ bổ của Năm Sĩ trong làn khói hương mà càng rầu.

Đêm đến, các cánh báo cáo về khả quan. Đơn vị nào cũng ém quân xong. Đơn vị gần Trung Hòa nhất là đơn vị của tôi. Chỉ cách có hơn cây số đường chim bay. Lúc đi trinh sát, tôi đã dắt Hai Trí đến đây, hai anh em nằm, nghe rõ tiếng cười của vợ con lính trong đồn.

Cô Ẻng đem cà phê sữa lên cho tôi và Hai Trí. Hai anh em nằm ôn lại những tên tuổi quen, đứa nào đi đâu, đứa nào thành phần địa chủ bị Cải Cách Ruộng Đất loại ra khỏi quân đội đi cuốc đất...

- Mày vẫn chưa vợ con gì à Lôi?

- Anh coi tình thế này làm sao mà cưới hỏi ai, anh Hai!

- Ờ, cũng phải. Nhưng mà tùy hoàn cảnh chớ! Tao thấy trong đơn vị dũng sĩ và ở văn phòng của mày có nhiều cô coi được quá!

- Dạ, có nhiều thiệt anh Hai. Nếu tôi đút "đờ-măng" sẽ không bị bác nhưng chết sống như trở tay, ớn quá anh Hai.

Hai Trí làm thinh.

Cô bé y tá lên hỏi tôi:

- Thủ trưởng thấy vết thương có đỡ không?

- Hết nhức rồi. -Tôi pha trò- nếu bữa đó tôi bước lệch sang một chút thì sẽ không đạp trúng cái miểng cà-nông này.

- Thủ trưởng để em thay băng. Hồi chiều hành quân chắc băng đã dơ rồi.

- Ờ được nhưng để chút nữa hãy thay!

Cô bé lui ra. Hai Trí nháy mắt:

- Con bé xinh ra phết. Nhưng hơi mập, ít eo hơn gái Bắc. Ở ngoải nhờ ăn rau mà con gái thon eo hơn con gái trong này vì thịt cá nhiều.

Qua hết nửa đêm, mọi diễn biến chung quanh đều bình thường, chứng tỏ địch không đánh hơi được việc làm của ta.

Vài chục trái pháo nện miệt Cây Điệp An Nhơn Tây, vài chục trái bay lên Phú Mỹ lưng, vài chục trái viếng vùng Đồng Lớn, Sa Nhỏ. Đó là đêm êm ái nhất của Củ Chi, không tính các vụ bắn tỉa của trực thăng và các vụ soi đèn trên sông Sàigòn. Hễ có soi là nước sông có máu loang.

- Mẹ nó! -Hai Trí nói- Từ ngày về Nam tao mới ăn được mấy bữa cơm trắng và ngủ an toàn đêm qua với mày!

Vừa dứt chuyện, cô Ẻng đem cơm lên với thịt kho tàu và dưa cải. Bên cạnh còn mấy trái khổ qua hầm, cô bé này quen đi phục vụ chiến trường nên nấu cơm sớm.

- Còn dư âm Tết hả? -Hai Trí cười vui.

Nụ cười vừa thoáng hiện thì bỗng bốp bốp bốp. Thằng Bòn chạy vào báo cáo:

- Nó bắn pháo sáng, anh Hai.

- Thây kệ cha nó.

- Không phải đâu anh ạ. Cả loạt... mà nó soi sáng cả bầu trời Tầm Lanh.

- Mẹ kiếp, nó định làm trò gì đây. Tôi nhìn đồng hồ. Mới 3 giờ sáng.

- Để tôi ra xem chút anh Hai!

Tôi vọt ra rồi trở vào, chưa kịp nói gì thì thằng Bòn lại la:

- Nó chụp anh Hai à!

- Chụp gì giác này? Mẹ nó chụp đêm!

Một bầy cá nhái bay về Tầm Lanh. Pháo sáng như ban ngày.

Tụi này chơi lúc mình đang ngủ. Mà thiệt rồi. Nó chụp.

Tôi quát:

- Mày coi nó đổ ở đâu? -rồi nói với Hai Trí- Anh ra lệnh cho Năm Sĩ khoan nổ súng đã! Chưa biết nó làm trò gì.

Hai Trí cầm máy làm theo yêu cầu tôi:

- Alô, Năm Sĩ, tuyệt đối không nổ súng!

Bỗng súng nổ từ trực thăng. Chết cha! Hai Trí giao ống cho tôi, không còn nghe tiếng trong máy nữa. Tôi nói.

- "Đứt gân" rồi anh Hai!

- Cho cậu nào chạy bộ được không Lôi? -Hai anh em chui tọt ra ngoài.

Tôi quát:

- Thằng Đá đâu?

- Dạ, có em!

- Chạy qua Tầm Lanh bảo Năm Sĩ đừng bắn.

- Nó đổ rồi anh Hai.

- Như vậy không còn đường đến Năm Sĩ, anh Hai à!- Tôi nói với anh Hai Trí.

- Không còn đường nào khác hay sao? -Hai Trí gắt.

- Nó cắt ngang giữa trận địa cối và E268.

Hai Trí từng biết chiến thuật của Mỹ: chọc ta nổ súng rồi rút quân cho pháo dập, nên cứ bồn chồn. Tôi biết anh lo cho Năm Sĩ nóng mũi bắn là bể hết. Pháo sáng bắn liên tục soi sáng cả một vùng trời, chẳng khác ban ngày.

Vái trời cho Năm Sĩ khôn vong đừng nổ súng. Nó đổ kệ cha nó. Mình cứ nằm im. Nổ là nó dập rục tùng.

Tôi vừa nghĩ thầm. Thì... có tiếng đại liên và AK rộ lên.

- Thôi chết rồi. -Hai Trí kêu.

Quả thật, súng nổ như trận đánh bộ binh thực sự. Tôi ra khỏi hầm quan sát bằng mắt thường. Bầy trực thăng vừa cất lên bay thẳng về phía Đồng Dù thì quay đầu lại. Đúng rồi, chúng xúc quân, và kêu pháo. Bầy trực thăng đang quay đi bỗng trở đầu lại, từ từ đáp xuống, chúng vừa cất cánh lên là quả pháo bắt đầu nổ trong vườn. Chúng bắn ngay chóc như để. Ban đêm mà như ban ngày. Khói bốc lên từng cụm, trong giây phút khu vườn Tầm Lanh trở thành một vùng khói đen mù.

Chụp chụp chụp... Bùng bùng bùng. Bốp bốp bốp. Các thứ súng đối đáp nhau loạn xị như bắp rang. Hỏa châu như cây rừng mọc giữa trời.

Hai Trí méo mặt. Chết cha thằng nhỏ rồi!

Hai Trí càu nhàu:

- Mẹ nó bắn gì dai thế.

Nhiều trái bay sang hướng này. Rung đất dưới chân hai đứa. Nóc nhà xước lên. Lá nát bay văng xuống đất. Làn pháo lan dần sang phía bên này càng lúc càng nhiều.

- Vô hầm anh Hai! -Tôi lôi tay Hai Trí.

Ành ànb ành. Bụp bụp... bụp. Oàng oàng, oàng!

Chẳng khác nào pháo tép ngày xuân của trẻ con. Chẳng khác cả chục nồi cơm sôi một lúc. Không có cách nào chạy ra khỏi vòng nó được.

Pháo từ Đồng Dù đề-pa nghe rõ như ai gõ vào thùng phuy: boong bong...

Pháo Trung Hòa nghe cụp cụp. Pháo Bình Dương Chà Rầy, Rạch Kiến không nghe đề-pa.

- Pháo nào nghe ấm vậy Lôi? Trung Hòa trả?

- Dạ phải, tụi này đặt pháo dưới hầm xi măng anh à.

Chúng nó đã bắt được mục tiêu rồi. Các cụm pháo chụm mỏ vào mà phun lửa. Cụm pháo Chà Rầy từ Trảng Bàng bắn sang. Cụm Rạch Kiến câu tới. Cụm Bình Dương phóng qua, cụm Rạch Bắp hưởng ứng. Rồi Đồng Dù, Trung Hòa, Củ Chi phụ họa. Tất cả gồm 50 khẩu tập trung khạc vào một điểm: Tầm Lanh.

Hai Trí xem mặt đồng hồ và chép miệng:

- Hơn hai mươi lăm phút rồi mậy

- Còn 35 phút nữa anh à!

- Sao mày biết chắc vậy?

- Thường thường là thế. Đúng một tiếng nó mới ngưng. Rồi đầm già tới quan sát. Có thể ngưng. Có thể nó bắn tiếp Nếu nó thấy mình nhúc nhích thì nó lại giã vài hồi nữa!

- Cậu có bị lần nào ghê gớm vầy chưa?

- Bị luôn chớ anh. Hễ đánh nó là phải sẵn sàng đội pháo.

- Rồi làm sao?

- Thì phải liều mạng chạy ra khỏi vòng. Nếu có công sự chắc thì nằm mím lại.

- Tôi bị một lần, nhớ muôn năm Quới Xuân.

- Bị pháo bắn thì khó tránh lắm anh ạ. Nó là thằng đui, nhưng là thằng đui thấy đường hơn thằng có đủ mắt. Chạy ra khỏi vòng hay nằm lại cũng đều nguy hiểm như nhau hết. Chỉ có lần chuỗi niệm kinh chờ Trời Phật cứu thôi.

Hai Trí không nghe tôi nói mà chỉ ngóng tai rồi la lên:

- Đụ mẹ vẫn chưa chịu thôi à?

Tôi bấm đèn pin soi vào mặt đồng hồ:

- Còn mười phút nữa anh à!

- Sao cậu nói như ở trong bụng thằng Westmoreland vậy?

- Tôi biết lánh nó. Trận lớn bắn đúng một tiếng đồng hồ mới ngưng! Trận nhỏ 30, 45 phút.

Hai Trí nằm úp mặt vô gốc cột thở phì phì. Hai tay đưa lên ôm đầu như sợ nó nứt ra.

Bùng, bùng, bùng. Đất trên nóc hầm đổ xuống nghe lộp độp xuống ba-lô và giấy lót. Đúng như tôi đoán, mười phút sau, pháo ngưng. Tiếng e e e còn rền vang. Hỏa châu lụi dần rồi tắt hẳn. Trời đã sáng thiệt mặt.

- Anh nằm đó để tôi ra ruộng xem tình thế.

Thằng Bòn B trưởng trinh sát, phóng vào.

- Báo cáo anh, tụi nó nện ngay chóc E268.

Tôi xua tay:

- Có đổ quân không?

- Dạ chỉ pháo. Nó xúc quân rồi kêu pháo nện!

- Thôi được!

Tôi lặng lẽ quay vào bỏ thằng Bòn đứng trơ ra đó, không hạ một mệnh lệnh nào. Tôi vô hầm nói với Hai Trí:

- Nó chỉ dập pháo, không có đổ quân thêm anh ạ! Nó chỉ đổ rồi rút ngay.

- Mày nhận định thế nào?

- Như vậy cũng tốt vì mình còn điều động các cánh khác rời khỏi trận địa hoặc nằm im.

- Điện đứt rồi. -Một đứa đưa máy cho tôi và báo cáo.

Tôi nhấc ống lên định kêu các cánh, trước nhất cánh cầu Công Sở, D1 rồi đội dự bị hạ lệnh... rút lui có trật tự tránh lộ bí mật, bị pháo. Nhưng không kêu được ai cả.

- Kiểu này nếu sáng nó không đổ thì trưa cũng đổ. Mình trụ lại đây chống chụp chớ không có thì giờ chạy đi xa. Nếu nó thấy mình di quân thì nó dập tiếp.

- Ừ tùy cậu định liệu.

Trực thăng cá lẹp tám chiếc quay quanh Tầm Lanh phóng rốc kết không ngớt. Mặc kệ tôi dời chỉ huy sở mặt trận về Sa Nhỏ. Các cánh đã rút xong và cho liên lạc chạy về báo cáo. Chờ đất Tầm Lanh nguội lại tôi gọi thằng Bòn bảo:

- Em dắt đội trinh sát qua Tầm Lanh thị sát chiến trường rồi chạy về ngay báo cáo. (Chạy sao nổi bốn cây số dưới cánh trực thăng?)

Thằng Bòn vừa quay lưng đi tôi gọi giật lại:

- Khoan đi! Bù-nốc tới hửi hầm hai ba chiếc kìa!

- Anh Hai để em chạy lòn dưới cánh nó! -Thằng Bòn vừa nói vừa biến đi.

- Còn thương binh thế nào anh Hai? -Một tiếng hỏi.

Tôi lưỡng lự một giây rồi bảo:

- Tao sẽ tính sau. Bây giờ...

Tôi lẫn Hai Trí không biết phải hạ lệnh gì nữa. Chỉ chờ.

Thằng Bòn chạy đi. Đến chiều trở về. Với một người. Mãi tôi mới nhận ra Năm Sĩ. Năm Sĩ nhào tới ôm tôi khóc như vũ bão:

- Chết hết rồi, Lôi ơi!

- Anh trốn ở đâu?

- Nhờ hai cậu C phó lôi tuột đút tôi vô hang suối.

- Hai cậu ấy đâu rồi?

- Lạc đâu hay chết tôi không biết.

- Chín Hiếu, Ba Lanh đâu?

- Đi cả rồi. Đi hết không còn ai. Hu hu hu...

Tôi đứng chết trân, Hai Trí cũng bất động như trời trồng.

Mấy hôm sau chờ cho con hùm xám Điện Biên dứt khóc, tôi mới hỏi lại tình hình. Thì ra tướng quân nhà ta bị lầm mưu đế quốc. Chúng nghi có Vi xi trong cụm vườn Tầm Lanh bèn cho đổ một C ngoài đồng. Năm Sĩ căm thù đế quốc dã man bóc lột đồng bào miền "Lam" đến tận xương tủy, và để trơ lại các ván thua vừa rồi ở Trảng Bàng và nướng hai C ở ven đô nên thấy quân chụp chỉ đổ có một C thì tính sẽ làm tái nạm một phát ngon lành. Bèn cho nổ súng xung phong. Đế quốc Mỹ nhát như cáy. Bị quạt vài loạt AK chúng chạy tản giữa đồng trống như vịt tan đàn. Nhưng ông tướng cũng không dám xung phong mà cho lính nằm trong công sự chờ địch vô. Không dè chúng nó chẳng chịu vô mà cho trực thăng tới xúc đi hết rồi bắt đầu chào mừng con hùm xám bằng pháo bầy. Mới ban đầu còn được một chục, hai chục, nhưng rồi lu bù hết số.

Ông Năm hét:

- Các đồng chí chuẩn bị xung phong!

Nhưng xung phong tới đâu cũng không thấy một thằng lính Mỹ nào hết. Mà pháo rơi càng lúc càng đậm đặc như sung rụng, từng chùm, như lưới sắt chụp xuống đầu.

Ông Năm vuốt mặt không kịp. Mắt cay vì khói. Mẹ kiếp chúng bắn đạn lửa. Nhà cháy, cây rơm cháy, tre trúc cháy rồi đến người cũng cháy luôn.

Ông Năm không hét nữa mà thụt xuống hầm. Loại hầm tạm, vừa nông vừa bé như lỗ mèo quào. Ông Năm thấy không bảo đảm, nhưng không dám vọt lên.

Pháo vẫn nổ rát như mưa. Mẹ nó tiền của nhân dân nhồi vào thuốc nổ bắn đi. Phí quá. Nhưng mà chúng nó có xài phí không tiếc mồ hôi nước mắt của dân. Ông Năm úp mặt vào vách hầm. Hầm rung rồi sụp. ông Năm nhảy lên. Lính đâu? Các đồng chí ta đã nằm im ngay cho hoặc chạy loạn. Ông Năm cũng chạy. Binh thư có dạy "vĩ đảo vi thượng". Ai bảo chạy là hèn? Tào Tháo đã chẳng chạy ở trận Xích Bích là gì. Chạy đến đỗi vứt mão cắt râu trá hình mà rồi sau vẫn làm vua. Vậy ta cứ theo gương Tào Tháo.

Vậy còn hùm xám Điện Biên có chạy cũng vẫn là con hùm chớ là con gì khác? Không biết ai đã lôi con hùm xám ra suối Bà Cả Bảy, nhét con hùm vào một hốc đá:Hùm vô hang. Cái hang ếch hùm chui vào cũng gọi là hang hùm. Cái hang đó đã cứu con hùm Điện Biên.

Ba ngày liền Năm Sĩ chửi đổng luôn mồm và khóc không dứt nước mắt. Ông kể lể, chửi bới văng tục như một anh bần cố:

- Địt mẹ thằng Mỹ đểu. Nó lừa ông! Nó rử ông vào bẫy. Nó nện gẫy xương sống lột da đầu ông. Ông sẽ tìm cơ hội băm xác chúng mày để trả thù cho các đồng chí ông.

Rồi ông thắp nhang tru tréo:

- Ối thầy mẹ ơi! Con sống sót chuyến này là nhờ ơn cao đức dày của thầy mẹ. Con nguyện bỏ nghiệp binh đao qui về ruộng rẫy. Hu hu!

Người ta tưởng Năm Sĩ nói chơi. Không, Năm Sĩ nói và làm.

Bây giờ người dân Củ Chi chắc hãy còn nhớ 30 năm trước có một ông cán bộ nhớn bắp tay xăm dòng chữ chàm xanh là: sanh Bấc Tử Nam" đầu cạo trọc như gáo dừa, quần áo xốc xếch, chân mang dép cao su đứt quai, tay cắp bi-đông rượu. Lưng đeo một bi-đông... cũng rượu. Anh ta đi lang bang hết cơ quan này đến văn phòng nọ nói chuyện đánh binh đoàn Charton Lepage hăng say đến trào nước bọt hai bên mép không cần lau chùi.

Cứ dăm câu lại ngưng trút rượu vào mồm ực ực rồi lại nói, lại lè nhè kể tiếp. Đó là ông trung đoàn trưởng Năm Sĩ con hùm xám Điện Biên nay đã sút móng ở Củ Chi.

Trước mặt Hai Trí, Năm Sĩ gập mình.

- Em xin giao đơn vị lại cho thủ trưởng và xin chịu kỷ "nuật".

- Anh Năm đừng làm thế!

- Em nhìn nhận khuyết điểm của em đã ngu dại tấn công. Tưởng chiến thắng vẻ vang chớp nhoáng. Nào ngờ nát cả đơn vị.

Đó là quân số nạo vét gom góp từ những tốp cánh Sàigòn thụt về bị ông Năm Đăng giam rồi thả ra, những tốp rã ngũ lẻ tẻ lang thang nhập vào du kích xã, những tốp còn sống tại đơn vì sau những trận chết hụt. Tất cả những người lính này lơ lơ láo láo như ốc mượn hồn, bị lùa về tổ chức thành một đơn vị có tên là E268 (gốc 308 Bắc Việt) giao cho Năm Sĩ chỉ huy đã cùng nhau phủi chân leo lên bàn thờ trong trận đánh Trung Hòa hụt để mở màn cho đợt ba Mậu Thân vô thần thất thần, để trở thành ma quỉ cụt tay cụt chân không đầu tản mác khắp Củ Chi Đất Thép Thành Đồng.

Thượng Mã Phong! cái miệng thằng cha Bảy Đạo nói gở thiệt. Người đẹp Trung Hòa, chàng hảng cặp đùi kẹp nát 300 mạng, ôi Bác Hồ, ôi Tầm Lanh!

Đời lính chết sống là như một cái... đếch vô nghĩa lý!

Nếu tôi chỉ huy đơn vị đặt ở Tầm Lanh thì tôi cũng nằm trải mật phơi gan cùng tuế nguyệt. Không nhiều, một mảnh đạn bằng mút đũa thôi, đã có đủ sức tống mình ra khỏi trái đất Tôi đã huy động các xã đội, đoàn thể chôn mấy ngày liền chưa hết xác. Đất Tầm Lanh thối ra, quến quạ diều và chó. Đâu có ván ghép thành cái hộp vuông vuông để đựng xác co quắp hay cụt tay cụt chân. Nhà của mấy ai còn nguyên để cạy ván? Chỉ toàn chiếu mới chiếu cũ, với ni-lông mua chui qua ấp chiến lược chở xe bò đem về. Mỗi chiến sĩ tốt số được hai mét ni-lông để gói. Con cái nhà ai Bắc hay Nam. Không bia mộ. Nấm đất nào cũng giống nấm đất nào!

Hết ni-lông, quấn chiếu rách cũng ấm lòng hơn chiến sĩ Trường Sơn.

Đang nằm rũ rượi thì có bóng hồng vào. Đời đánh đấm của tôi không gì bằng an ủi bằng chất tươi. Có chất tươi, cái gì sắp chết cũng sống lại.

Năm Đang đã đạp chân tôi dưới gầm bàn hôm hội nghị đêm nọ và đã ngọt ngào gọi tôi bằng "anh". Một lần khác bị pháo bắn gần, Năm Đang lẫn Tám Phụng bò càn. Tôi đi tới, Đang đứng dậy, không biết bà có nhớ rằng Tám Phụng là tử thù số một của bà đang ở bên cạnh không mà bà hồn nhiên nói với tôi: "Em sợ quá!" rồi cầm tay tôi hồn nhiên bảo: "Anh coi trái tim em nó nhảy ghê hôn?" và đặt, ấn trên ngực mình. êm ái như vậy ai mà rút đi!

Bà Khu ủy không ngại ngùng chê thằng chồng Bắc Kỳ tham mưu phó của bà do khu ủy ghép cho bà, nay đã tếch về Bắc với vợ cả mà hắn ta bảo đã chết để chiếm cái khu. ủy của bà.

- Ổng như bà bóng!

Nay bà xuất hiện ở đây âu cũng là số đỏ. Tôi bật dậy hỏi:

- Số chiếu đã quyên thêm được bao nhiêu rồi chị Năm?

-Xí! Lớn hơn người ta ba tuổi mà kêu người ta bằng chị? Anh không biết em sanh năm 37 hay sao?

- Ờ.. ờ a... anh quên.

Bà khu ủy liếc tôi một cái sắc như dao cạo, ném cái giỏ trầu xuống đất rồi vừa ngó chung quanh vừa ngồi lên đùi tôi. Cái võng đôi, dây dù đôi chỉ dãn ra thòng xuống gần đụng đất và hai cột nhà rung nghe rắc rắc thôi chớ không thể đứt. Nàng vòng tay qua sau lưng tôi vừa thầm thì:

- Em đến từ giã anh!

- Em đi nhận công tác mới à?

- Phải, công tác mới về nhà nuôi heo gà.

- Khu ủy phân cho em phụ trách sản xuất à?

- Ra rìa rồi, ông kẹ ơi!

- Hả?

- Họ tống em ra khỏi khu ủy rồi.

Tôi lùng bùng hai lỗ tai, nhưng tôi hiểu ra. Tám Dọn đã nói mé hôm trước. Tôi ngồi thừ ra, không biết nói gì. Còn nói gì được. Tôi cũng vừa mới nghe Trần Bạch Đằng mất chức bí thư khu Sàigòn Chợ Lớn cho Mười Cúc. Sau Tết, thành ủy kiểm thảo bảo me xừ Đằng lãnh đạo vô nguyên tắc làm lộ cơ sở bị giặc tàn sát chết. Thằng nào giỏi hơn ông Đằng sao không lãnh đạo coi nà!

Thói đời là vậy. Tụi Ba Ke kết bè chắc lắm. Kéo vô Nam, cái bè đó kết thêm nhiều rong rêu, khó bể. Nó nâng ai thì nấy lên, đè ai thì nấy chìm. Cái bè này đang đắm. Năm Đang nhìn tôi:

- Bộ anh không tin hả?

Nàng với tay lấy cái giỏ xách phạch ra đưa tận mắt cho tôi xem. Quả thật dưới đáy giỏ trước đây là cây K54 được ngụy trang sơ sịa bằng mấy lá trầu xanh. Nay chỉ còn mấy lá trầu và năm miếng cau đã bửa nhỏ, không thấy cây súng bắn ruồi.

Tôi hỏi:

- Tại sao vậy?

Năm Đang trề môi không nói gì hơn một câu gồm mấy tiếng cộc lốc.

- Trả thù hèn hạ!

- Ai vậy?

- Rồi anh sẽ biết. Nó mò em. Em đá vô mặt nó.

(Mãi về sau khi Đang về ẩn sĩ qui điền ở Suối Máu, có tên cũ là Suối Sâu, trong một đêm tâm sự Đang mới kể cho tôi một bản tình ca làm tôi té ngửa.)

- Thằng chó nào cũng vậy. Tụi chó cò (chỉ bọn già đầu bạc) thì càng hay thù vặt. (Tôí hỏi là con chó tên gì. Nàng không nói). Nó ăn không được nó khuấy cho hôi. Nó tìm ở đâu ra gốc gác của em. Nó bảo thành phần bóc lột không được ở trong cấp ủy. Biểu quyết chín thăm thì bốn chống bốn vì thành tích công tác của em đã chứng minh và điều lệ đảng có nói ba năm vô đảng không phạm khuyết điểm, dù thành phần gì cũng đổi ra là công nhân. Em theo cách mạng gần mười năm rồi. Còn một thăm quyết định. Cái thằng cha đã giới thiệu em vô khu ủy nay lại ngã về phía chống. Thành ra năm chống bốn! Em phải ra. Anh biết thằng nào không?... cái thằng bị em đá tét mặt đó.

Tôi làm bộ không biết, chớ tôi mà không biết thì còn ai biết?

Cái kiểu ăn xong quẹt mỏ như gà. Nó lấy lập trường ra xài lúc nào cũng đúng lập trường cả.Trong bọn chúng, thằng nào kêu lập trường mạnh nhất đó chính là những thằng bậy bạ nhất. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi!

Năm Đang ngó mong, than thở:

- Con ai vô đây bỏ xác mấy trăm tên vậy! Tội nghiệp. Tôi muốn nghỉ quách không làm thêm một ngày nào nữa nhưng nghĩ thương cha mẹ chúng nó ở ngoài Bắc không biết con mình vô đây chết sống ra sao, tưởng chúng vô trong này làm vương làm tướng gì, không ngờ chết không có hòm chôn, đào lỗ dập như lũ chó hoang.

Tôi sực nhớ tới Năm Sĩ, gợi ý ngay:

- Bà thương tụi lính vịt xiêm lắm hả? Để anh giới thiệu cho! -Tôi nói luôn- ông này khỏe như "Hùm" chớ không phải như ông tham mưu nhà bà đâu.

Năm Đang xua tay:

- Tôi biết rồi! Tôi không có ăn mắm cáy nữa đâu.

- Ổng cũng "vinh qui bái tổ" ra khỏi bộ đội rồi. Hai ông bà hùn vốn về nhà nuôi he... eo! Rảnh rỗi thì giờ đá gà với nhau.

- Thôi, thôi! Anh tưởng em ham cấp bậc lắm hả. Em không có thèm đâu. Càng cao cấp cái bụng càng nhiều cứt. Đời em chỉ yêu có một người thôi.

- Ai?

- Không biết. Nhưng nay đã muộn rồi. -Nàng nhìn trong mắt tôi- Nay em đã ăn trầu còn người ta thì con gái con gủm mười lăm, mười bảy đeo rần rần, đâu thèm ngó tới em.

- Con gái chỉ làm bạn thôi, chớ làm vợ không có bền đâu Đang à!

- Anh nói thiệt chơi?

- Anh nói thiệt chớ chơi với ai?

- Sao anh không lấy vợ đi? Còn đợi chừng nào?

- Bộ em muốn phụ nữ Củ Chi thêm một người đàn bà giá hả?

- Không, em chỉ muốn Củ Chi bớt đi một người đàn bà bất hạnh thôi.

Nàng òa lên khóc ướt vai áo tôi. Đông xông tây đục rốt cuộc chỉ một manh chiếu rách! Thằng nào hăng chém giết cách mấy cũng có lúc mềm lòng. Tôi cũng muốn neo thuyền lại bến cho xong. Nhưng mà con Tạo cứ xoay vần. Đợt này hết đợt khác. Ý định này tan, lại đến dự định khác mọc lên nhưng rồi cuộc đời cứ trôi. Tôi cứ để mặc cho nó trôi. Tôi biết là những cơ hội tốt đã lần lượt qua đi. Nhưng tôi sẽ không hối tiếc. Tôi sẽ sống hết tuổi trẻ của tôi như trời đất đã sấp đặt với sự ưng chịu tuyệt đối của tim tôi.

- Anh Lôi à! Anh có về ngang xã An Phú nhớ ghé thăm em.

- Anh không bao giờ quên em.

Một đóa hoa nở muộn có mùi hương làm say đắm lòng người hơn những đóa hoa trổ đúng thời tiết. Một nhà văn nào đã viết câu đó, hôm nay nó bừng lên trong tim tôi và tôi có cảm tưởng là câu đó viết cho tôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx