sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 111: Nói Thêm Về "E Mũi Nhọn" Quyết Thắng Và Ông Tham Mưu Phó Mò Vợ Đồng Chí Tử Sĩ

Mấy chương trước, tôi có nói về cái Trung Đoàn chủ lực của R gốc Củ Chi do Tư Nhựt chỉ huy mở màn đợt I Tổng công kích Mậu Thân. Đơn vị này, từ Bộ Chỉ Huy cho đến lính là một sự hỗn tạp, được đem ra làm vật hi sinh. Dã tâm của bọn Bắc Kỳ vô cùng nham hiểm: diệt sạch quân giải phóng gốc Dưa Leo để đưa Rau Heo vào thay thế. Sau đây tôi liệt kê toàn bộ các cán bộ "E Mũi Nhọn" làm mồi cho lửa đạn Sàigòn đợt I.

- Đứng đầu sổ là Lê Minh Nhựt, tên thật là Tư Luông- Trung đoàn trưởng. Hiện nay có tên đường Tư Luông đâu đớ ở Sàigòng. Tư Nhựt chết bỏ lại vợ và đứa con gái đỏ hói tên Thơ.

- Kế đó là Hoàng Phái, tức Hai Phái, Chánh ủy Trung Đoàn, đã gần 40 tuổi chưa vợ chỉ có toàn em nuôi. Vào Sàigòn trước tình thế nguy ngập, Phái đã đứng dậy hô to: "Đảng viên Cộng Sản tiến lên". Và bị một phát đạn, không rõ xuất xứ, bắn gục trên đường rầy xe lửa gần Gò Vấp? (Có tin đồn lính nhà ta mất tinh thần, bắn chỉ huy).

- Tám Lệ, Phó Chánh ủy mới cưới vợ người Bình Dương chưa có con, bạn của Thiên Lôi.

- Phan Văn Xướng, Trung đoàn phó. Hồi chánh ở Hàng Xanh dắt theo cả 100 quân giải phóng, trong đó có một nhóm nhạc sĩ, ca sĩ nổi danh Hà Nội.

- Tư Chi Tham mưu trưởng E dân Bến Tre.

- Hai Tiến phụ trách hậu cần E.

- Ba Đức Dt

- Út Sương Dv.

- Năm Tân (tên cúng cơm là Năm Nín - em của Tư Nhựt - Sau khi bị thương sọ não chết hụt trở về có gặp tôi và vợ Tư Nhựt ở hầm của Bảy Ưng ăn thịt vịt cúng Tư Nhựt, được đi Cao Miên an dưỡng.)

- Hai Linh Dv.

- Mười Long - Tham mưu trưởng D

- Bảy Thành, quân y sĩ.

- Út Quang, Ct thông tin.

- Tám Tôn, Dv đặc công.

- Năm Thêm, Dv.

- Tám Bầy, Ct trinh sát.

- Chín Tống, Ct cối 81. Chắc bạn đọc còn nhớ: ông này ném súng xuống sông chạy về tới Bến Chùa bị Chín Nữa bắt trói, suýt bắn nhau, nếu không có tôi và Năm Tiều thì đã xảy ra một trận lưu huyết giữa quân ta và quân mình ngay trước cửa tổng hành dinh của ông Tư lệnh Ba Xu.

Đó là chưa tổng kết đầy đủ. Thường thường người ta giấu kín những thảm bại. Nhưng nói chung ai cũng biết Trung Đoàn Mũi Nhọn của Tư Nhựt không còn trên thế gian nữa. Những người lính dự trận này cho biết Năm Sàigòn (tức Năm Truyện) sư trưởng công trường 9, chỉ huy cánh quân chủ công cũng chết cùng hầm với Tư Nhựt ngay từ phút đầu nổ súng. Xác của Ban Chỉ huy E và Năm Truyện không tìm thấy.

Tư Nhựt chết đi thì cũng là một sự không lạ lùng gì. Đánh người ta thì người ta đánh lại chớ người ta tay cùi sao? Bởi vì:

Nhưng cái chết của Nhựt còn kéo dài lê thê trên chiếc áo tả tơi của vợ y và lan sang mái tóc ngây thơ của đứa con đỏ lây lất trên khắp đất Củ Chi như một vệt mây đen không tan, làm khổ không biết bao nhiêu cán bộ và lính sống sót. Rồi bây giờ đến cái chết của Năm Tiều làm cho đám cán bộ thối chí vô cùng. Trong công tác, anh nghe tôi nhiều hơn tôi nghe anh. Trong tình cảm, đối với tôi anh là một người thân, có thể gởi gấm cả tâm sự sâu kín cho nhau.

Nay anh không còn nữa. Tôi nói gì với ai? Thằng Gàu, thằng Nừng và con Thanh bây giờ bám vào đâu?

Con Thanh khóc sưng mắt. Nó tiếp tục công tác hay trở về nhà? Làm gì? Công tác với ai? Năm Tiều còn sống thì chúng đi theo nấu cơm nhởn nhơ như cán bộ, lính tráng nể ông chú không dám rấm rớ. Nay mất đi cặp mất chăm sóc của ông chú, con bé sẽ ra sao? Tôi không muốn cái chết chớp nhoáng của Năm Tiều là sự thực, nhưng mấy đứa nhỏ cứ thấp thoáng trước mặt nhắc nhớ người bạn già xấu số đã biến mất mấy hôm nay.

Ở văn phòng chuông điện cứ reo liền liền. Bảy Mô báo cáo các đội viên của cô xin về phép. Các cô tích cực nhất cũng xin đi... Đội nữ tản hàng lần thứ hai. Thần kinh các cô vốn đã nhão từ lâu với cái "vành đai thép", thực tế là những cái hang ếch vô tích sự - do Tám Quang bịa đặt và tung lên đài Giải Phóng, họ bị ép trở lại thành lập đội nữ ghép vào đơn vị của tôi. Nay sau trận mưa pháo Tầm Lanh, thần kinh của họ lại bị tổn thương không có cách nào chữa.

Họ xin về phép, không phải là về phép mà để "thi hành" lệnh phân tán mỏng chăng?

Tôi gọi Bảy Mô lên văn phòng. Nàng chào tôi theo lối chánh qui miền Bắc.

- Em ngồi đó, chúng ta bàn công việc. - Dù trong quân ngũ có cấp bậc hẳn hơi, tôi vẫn gọi nàng bằng "em".

Bảy Mô ngồi xếp ve như con gà té giếng mới vớt lên, tôi hỏi:

- Lâu nay em có tin gì của chị Năm không?

- Thì chỉ vẫn bán nước giải khát ngoài đó.

- Sao không thấy chỉ vô thăm em?

- Chỉ nghỉ công tác rồi anh ạ.

- Tại sao vậy?

- Em không biết!

Câu chuyện lảng xẹc, tôi muốn làm cho đầm ấm thấm thiết nhưng không thể được. Keo hồ hầu như tan rã từ bên trong. Đột nhiên tôi hỏi:

- Em tính sao?

- Tính sao gì anh?

- Cái đội nữ của em!

- Anh tính chớ em tính gì được mà tính.

- Nhưng ý kiến của em thế nào?

- Em không có ý kiến gì hết

- Chờ cái xe bò rã và đôi bò chết lăn ra hả?

Mô ngồi im thin thít. Đột nhiên nàng ôm mặt gục xuống góc bàn khóc rưng rức.

Tôi cũng thẫn thờ nghe tiếng khóc ri rỉ mà cũng không hỏi nguyên nhân.

Những kỷ niệm của tôi và nàng mấy năm qua dồn lại hẳn đầy cả lòng AK, có thể đủ cho hai đứa bắn suốt tim nhau.

Bao nhiêu lần "má vào" nhưng rồi không có gì xảy ra như dư luận bàn tán và mong ước.

Nàng vẫn khóc. Tôi vẫn ngồi. Chuông lại reo. Reo rồi dứt, rồi lại reo. Đến lần thứ mấy tôi mới bật lên:

- Bảy Ga đây!

- Ờ, có việc gì anh Bảy?

- Hai cậu c2 xin về cưới vợ.

- Quê ở đâu?

- Đồng Lớn, Sa Nhỏ.

- Vợ đâu mà cưới liền xì vậy. Mới hai cậu ở c4 bây giờ lại 2 cậu ở c2.

- Bây giờ đã thành cái dịch lây rồi ông thầy ơi!

Tôi biết nhưng không ngăn được. Tâm linh con người bị lây bịnh nhanh cũng như thể chất. Kể từ hôm Tư Bính và thằng Vàng cưới hai đứa con gái của má Bảy đến nay, đêm nào cũng có đồng bóng lên nói về tin "chiến thắng Sàigòn". Hết Tư Nhựt, đến Hai Phái "về". Mấy ông lớn "về" khắp lượt đến lính sanh Bắc tử Nam. Chúng xưng tên xưng họ, quê quán lạ hoắc Bắc Ninh, Hà Giang, Lạng Sơn....ai biết đâu mà lần. Đứa thì cho biết mình đang lội dưới sông Sàigòn, đứa bảo mình mắc kẹt trong đám lá. Nói ngọng nói nghịu, đứa bị bắn bể hàm, đứa nói một lúc rồi hộc máu ra, bị đạn trúng ngực, đứa lại đứng lên cào cấu đánh nhau với chó bẹc giê sủa gâu gâu. Công an thay vì dẹp những đám này lại ngồi nghe thích thú như coi hát.

Vài nơi lại rước đoàn Văn Công của Phạm Sang tới giúp vui với cây đờn xếp kêu phù phịt phòm phom nghe chẳng khác ống bễ lò rèn.

Tôi bảo Bảy Ga:

- Ông cho mỗi đứa một tuần phép.

Bảy Ga đáp:

- Tôi cho 2 tuần, nhưng tụi nó phân bì lần trước thầy cho Sáu Lức một tháng, lại còn cho tiền, cho quà cưới. Còn tụi nó chẳng có gì cả.

Tôi đành im. Vàng bạc đồng hồ lính cướp giật ở Sàigòn bị tước tôi đã cho bạt mạng hết rồi nay còn đâu mà cho nữa. Tôi nổi nóng quát:

- Chờ đợt mới xuống Sàigòn mà lấy thêm! Chớ cách mạng đâu có sẵn của kho!

Rồi cúp máy. Thằng chỉ huy không nên giải quyết vấn đề nội bộ bằng một câu nói vô lý như vậy, nhưng còn cách nào khác?

Năm 1952-53, cuộc kháng chiến chống Pháp cũng rơi vào thoái trào như cuộc "chống Mỹ" 68-69 hôm nay, nhưng hồi đó còn dễ chịu hơn. Cán bộ và lính về nhà có gia đình yên ổn, đất đai rộng rãi, họ cầm cuốc cầm cày như nông dân, bây giờ Củ Chi hẹp té như cái lỗ mũi, bom đạn tua tủa. Về nhà cưới vợ có nghĩa là cho chỉ huy biết rằng họ sấp dắt nhau ra ấp chiến lược Lào Táo, Cây Bài, Suối Cụt chớ gì nữa!

Tôi hỏi Bảy Mô:

- Vườn Sầu Riêng "của mình" trong này ra sao?

- 6 trái pháo và một trái bom đìa chém gốc hết rồi!

Tôi thở dài. Nhớ lúc mới tới Củ Chi, tôi đến nhà nàng. Ngôi nhà ngói xưa còn nguyên. Vườn Sầu Riêng trái thơm bát ngát. Trên một chiếc cầu đá bắt ngang qua lạch nước chảy róc rách, tôi ngồi đàn măng đô cho nàng hát. Rồi chị Năm Mai đi tàu từ Dầu Tiếng xuống đổ bến An Nhơn, Bảy Mô ra đón, ẳm bé Liên về. Cả nhà ăn xôi sầu riêng và nói chuyện thân mật. Có thằng bạn địch vận của tôi nữa.

Bây giờ mỗi lần đi ngang qua đó, tôi ngó vào. Ngôi nhà đâu? Vườn sầu riêng đâu? Tôi biết mà vẫn hỏi cho có chớ chẳng lẽ ngồi im?

Tôi bảo Bảy Mô:

- Em về coi đứa nào xin đi phép thì cho. Tối đa 2 tuần.

Mô không nói gì, lạnh lùng đứng dậy bước ra không tỏ vẻ gì hết. Tôi cũng không đi theo tiễn chân mà cũng không nói thêm câu nào.

Thằng Đá rỉ tai tôi:

- Anh Hai nằm nghỉ một chút đi. Tối có họp. Em mắc võng rồi.

Tôi quay lại nhìn nó trân trân. Mặt choắt lại, tóc bù xù chằng khác ông cụ non.

- Ờ, để đó em!

Chị nó tên Mây. Hồi công tác ở Bắc giang tôi làm quen với gia đình. Tôi tưởng đã trở thành anh rể nó nhưng sau đó phải về Nam. Năm sau nó đang học nhưng cũng sung vào bộ đội đi "Giải Phóng Miền Nam". Ông bố bị qui địa chủ với 2 sào rưỡi đất, cải tạo 3 năm được tha về với câu ghi phiếu xuất trại: "có tiến bộ, cần sự theo dõi giúp đỡ của địa phương ". Ông bảo con: vào đó tìm anh mày, nói chị mày vẫn đợi".

Thăng Đá vào Miền Nam 2 năm mới gặp tôi trong đám âm binh do Hai Khởi nhận ở làng 13 đem về. Tôi cho nó làm trinh sát với thằng Tiến tới hôm nay.

- Em có nhận được thư nhà không Đá? - Lần đầu tiên tôi hỏi về gia đình nó.

- Em gởi ra hoài mà không có thư vào.

Tôi nhớ Mây. Thỉnh thoảng tôi đọc mấy câu thơ của Nguyễn Bính tôi thuộc hồi ở Tháp Mười:

Thăng Đá biết tình cảm tôi trong mấy câu thơ này. Nhưng nó không nói gì hết. Nó cũng không nhắc chuyện xưa. Nhưng tôi biết nó thương tôi bằng một tình thương cố níu giữ đừng cho đứt đường tơ. Tôi nằm chưa ấm lưng thì nó chạy vào:

- Có ai tìm anh!

- Ai? Em coi ai quan trọng thì hãy cho vào, không thì thôi. Anh mệt lắm.

Tôi ngỡ là đám cháu Năm Tiều. Từ hôm Năm Tiều tử nạn, chúng nó liu chiu lít chít như gà mất mẹ, không biết ăn ở đâu. Tôoi chưa quyết định. Nhận chúng vào văn phòng đơn vị, chỉ thêm cồng kềnh, thêm nhân sự chẳng biết cầm súng. Bụng nghĩ vậy nhưng lại ra cửa xem có phải chúng đến tìm tôi hay không?

Một người đàn bà bế con đi ngất nghểu giữa nắng chang chang. Tôi giật mình lùi vào trong định lánh mặt, nhưng không kịp. Người đàn bà chạy vụt vào và kêu ré lên:

- Ba con kìa Thơ? - và chìa con bé ra cho tôi.

Thôi chết rồi. Tai nạn ập đến tôi. Tôi cố né qua.

- Chị Tư đi đâu vậy?

Tôi vừa hỏi vừa nhìn mấy cây nhang cắm trên đầu tóc chị.

- Đi tìm anh chớ đi đâu!

- Chị đến chỗ đóng quân coi chừng chia dưa hấu với tụi tôi đó!

- Lâu nay anh đi đâu mất biệt?

- Tôi vẫn ở đơn vị chớ có đi đâu.

- Có anh Tư trong này không anh Hai?

Chị lại giở cái giọng khùng điên hôm nào nữa rồi. Nhưng lần này trông chị có vẻ quái dị, bộ mặt như không có hồn. Cặp mắt lơ lơ láo láo lại thêm mấy cây nhang cắm trên đầu tóc đang cháy nghi ngút, tàn nhang rơi bạc phếu nửa mái đầu. Tôi quát to:

- Anh Tư không có ở đây. Chị làm cái gì kỳ vậy?

- Tôi cúng vái anh Tư!

- Trời đất ơi! Cúng vái thì lập bàn thờ chớ sao chị lại cắm nhang trên đầu?

- Đất này còn chỗ đâu mà lập bàn thờ được! Tôi thờ chồng tôi trên đầu không tiện hơn sao?

Tôi nghe câu nói nửa đùa nửa thật mà rủn chí tơ lòng.

Nỗi đau mất chồng của người đàn bà đang độ xuân xanh khó bề dìm lấp. Cũng như cô Quyên mất chàng Trỗi. Nhưng Quyên được bác Sáu Di "chăm sóc" còn vợ Tư Nhựt thì bị bỏ bê. Chị Tư cười hềnh hệch ghê rợn:

- Anh không nhận con anh hả?

- Con Thơ là con nuôi tôi.

- Không. Nó là con anh đó. Anh Tư trối lại trước khi đi Sàigòn như vậy.

- Ờ, thì con ruột!

Chị Tư có vẻ hài lòng. Tôi bảo thăng Đá múc nước mưa cho chị uống rồi nói:

- Chị nhổ mấy cây nhang xuống cắm lên bàn thờ kia đi.

- Bàn thờ của ai vậy?

- Bàn thờ của Tư Nhựt chớ còn của ai!

- Không phải đâu. Bàn thờ Tư Nhất ở Rạch Bà Nga. Tôi cắm ké đây rồi chút nữa cắm lên mỏ ác con Thơ. - Ngưng một chút chị lại hỏi: - Anh Hai có quen với Ba Hùng không?

- Tôi có quen với rất nhiều Hùng. Hùng Cối, Hùng Mập, Hùng đen, Hùng nào?

- Thằng Châu mèo đái, quận đội trưởng Gò môn... là Ba Hùng: Châu thái Hùng

- Ờ, có quen.

- Tôi đi công tác cho bà Năm Đang, lỡ đường ghé văn phòng nó nghỉ tạm. Tôi bị nó mò.

- Vậy tôi không quen với nó.

- Anh có quen! Hồi anh với anh Tư đi xuống Trung An nó không giúp một hột gạo, đến chừng anh với anh Tư hạ bót Cây Keo, nó cho xe bò tới hôi đồ nhiều hơn ai hết. Nó đó, thằng thiếu tá ở miền Bắc về mặt chuột. Tôi tống cho nó mà đạp và báo cáo với bà Năm Đang. Bà hứa sẽ lột chức nó.

(Ăn thua chi chị Tư ơi! Hiện giờ nó đang làm tham mưu phó Quân khu chớ có ai đám động tới nó. Huyện binh huyện, Phủ binh phủ, thời nào cũng vậy, chị không biết sao? Bà Năm Đang tố cáo nó, rốt cuộc bả bị lột chức chớ không phải nó!)

Tôi bảo chị Tư:

- Bây giờ con Thơ còn nhỏ quá. Chị nên về nhà ở với má nuôi cho nó lớn rồi sẽ tính chuyện công tác chị Tư à!

- Anh khuyên đúng lắm. Nhưng về nhà chịu không nổi anh Hai ơi! Đi ra đi vô thấy cái bàn thờ, tôi muốn tự vận luôn cho xong. Ngặt vì không biết giao con Thơ cho ai!

Nghe câu nói tôi tưởng trái tim tôi nứt làm đôi. Chị khôn được một lúc rồi điên trở lại. Chị xỉ xỏ chửi bới: "Bây giết chồng tao rồi ăn luôn xác chồng tao".

Chiều hay sáng hôm sau, tôi không còn nhớ rõ, tôi kêu thăng Đá và thằng Tiền đi mua nhang và giấy tiền vàng bạc. Rồi gọi Tư Quân lên cố thủ Bộ Chỉ Huy, tôi đi ra nghĩa trang viếng mả Năm Tiều.

Mới hơn mười ngày không có anh trong cuộc đời dằng dặc của Lôi mà Lôi cảm thấy vắng ngắt, buồn tênh, không biết nói chuyện gì với ai.

Nghĩa trang Ba Sòng chỉ là một bãi đất hoang nửa cao nửa thấp giáp mé ruộng lúa. Chiến sĩ chết đem về đây chôn dập, rồi thành danh nghĩa trang chớ đâu có cổng rào gì. Trâu bò vô ra tự do còn hơn người ta đi coi hát sẩm thả dàn.

Câu thơ Huy Cận thuở nào dội lên đầu tôi mô tả cái bề mặt của nghĩa trang thật đúng. Những người nằm đó, lưng khom khom, cỏ mọc xanh xanh hay phơi đất màu nâu mới đắp đều mang một cái tên chung là "giải phóng quân" - mặc dù quê hương là Nam hay Bắc.

Một điều đặc biệt là không có mộ chí. Không ai biết kẻ nằm dưới kia tên gì. Ba trăm thanh niên bị pháo vùi ở Tầm Lanh chỉ đem về đây được chục rưỡi xác, còn bao nhiêu không nhặt nhạnh được hoặc được đem dập ở đâu đấy cho gần. Đâu còn dân công làm việc âm táng chu đáo như thời "Đồng khởi!"

Người dân không còn kính trọng những chiến sĩ chết trận nữa mà người ta sợ mất công, sợ bom pháo hoặc ghê tởm xác thối, khó lại gần. Bởi chết nhiều quá. Cứ đánh trận là dân công phải lôi xác về đây, kia, đó. Bầm dập, sứt tay, thiếu chân, cụt đầu. Sau trận Tân Qui do Ba Châm chỉ huy, ông già của Ba Quyết thấy thằng con bị chôn bầm dập đã vác cuốc tới bốc xác võng về chôn trong vườn nhà. Trời ơi! cái võng bọc xác con, nước chảy ròng ròng từ nghĩa địa tới Ràng, dài mấy cây số? Ai trông thấy cũng phải lắc đầu ngoảnh mặt nhưng không dám than.

Ở Củ Chi này chết dễ, sống khó, Chết coi như không.

hay là:

Thời kháng chiến chống Pháp, lòng yêu nước được ca ngợi. Chiến sĩ hí sinh được tôn vinh thương tiếc bằng tiếng khóc nỉ non của mẹ già em dại. Thời "chống Mỹ cứu nước", giải phóng đi đến đâu dân sợ chạy tuột quần. Mẹ già em dại còn nước mắt nữa đâu mà khóc với than! Mà giải phóng ai mới được chứ?

Tôi đi trong kẽ giữa những nấm đất lớp mới lớp cũ của nghĩa trang không biết ông Tham mưu Phó Quân Khu nằm gần ai. Bỗng thằng Đá trỏ tay:

- Con Thanh và thằng Gàu đi lượm gạch xếp chung quanh mộ ổng kia cà!

Tôi bảo thằng Đá rút nhang và giấy vàng ra đốt.

Khói bay trộn lẫn với tro hòa vào mùi đất cay xé làm xốn mắt. Bất giác tôi quệt ngang nói, như với mình:

- Đất này cũng ấm. Thôi nằm đó nghỉ nghen chú Năm. Đời chú hết lo bom pháo, khỏe rồi đó!

Tôi nhìn quanh tìm mộ thằng Chi, chồng chưa cưới của con Chanh chết trong lần pháo kích Trung Hòa năm trước. Nhưng không tìm ra. Cỏ phủ mịt mù những nấm đất giống nhau hàng hàng, biết cái nào?

Tôi sực nhớ mộ của Chín Việt, Tiểu đoàn phó tập kết về, đánh đồn Bổ Túc trên R, chết, vợ ở ngoài thành vô trồng một cây mía lau trước mộ. Ít lâu sau mía mọc thành bụi lớn. Heo rừng tới ăn rồi ủi luôn cả mả. Bùi Khanh xách dao ra đốn về nấu với rễ tranh. Anh em lớp múc vô bi đông lớp uống cả ngày mới hết.

Tôi bảo thằng Tiền và thằng Đá:

- Mấy đứa bây mai mốt đi kiếm mía về trồng để làm dấu mộ chú Năm. Trong nghĩa trang này ổng cao cấp hơn hết!

- Còn mấy cây nhang và mấy tờ giấy, đốt luôn rồi về. Gần tới giờ pháo giã gạo chày ba rồi đó anh Hai!

- Ừ đốt mau đi rồi về. Không khéo lại nằm luôn ở đây.

Ôi Chín Việt, Tư Nhựt, Năm Tiều... bỏ vợ con ra nằm làm chi đây cho lạnh lẽo?

Đi năm sông bảy núi rốt cuộc rồi cũng vô nằm sắp lớp ở đây trẻ già trai gái, mùa thu mùa đông, cán dài cán ngắn, cán gãy cán nguyên đầu trọc đầu xồm. Buồn cười thay, ở ngoài đời thì ó rẻ, chen lấn giành giật thành tích, cấp bậc, vô đây im re có vẻ đâu lưng đấu cật đoàn kết một lòng chung quanh ông Diêm Vương.

- Không biết tới phiên mình còn chỗ hay không?

Tôi vừa quay ra thì có tiếng gọi:

- "Anh Hai" lảnh lót như tiếng quốc kêu buổi sáng có tí máu trong cổ họng đêm qua vừa khô. Tôi giật mình quay lại tưởng mình đi lạc vào thế giới Liêu Trai giữa nắng trưa.

Một con yêu nữ mặc áo trắng sẽ đem tôi về làm chồng ở một túp lều tranh gần ven suối, nuôi cho tôi ăn học đỗ tú tài rồi một hôm bỏ tôi đi tìm chồng khác.

Nhưng ở đây không có con yêu áo trắng nào cả. Một gã thanh niên chống tò, chiếc tó gọt đẽo bằng cây trâm bầu vặn vẹo. Gương mặt anh ta kỳ quái, râu ria tóc tai chơm bơm.

- Anh không nhớ em hay sao?

Tôi cứ đứng ngớ ra bất động, cặp mắt dán vào gã.

- Em là tháng Độ này.

- Độ nào?

- Trần Độ! Hì hì! vì sợ trùng tên ông lớn, cậu em đổi ra thằng Đỏ đấy mà!

Trong một thoáng ngược về ký vãng xa xôi, tôi nhớ ra thằng Đỏ "tiểu yêu "của tôi ở H6. Nó bị pháo bắn cụt chân, đi R an dưỡng trở về Củ Chi, tôi gặp ở bến đò của tên thiếu úy chăn bò Tư Thêu năm nào, không phải lâu quá không còn nhớ, mà vì nhiều chuyện nên lẫn lộn.

- Sao em ở đây Đỏ?

- Không ở đâu được thì ở đây chớ sao anh? Mỹ nó không bắn nghĩa trang chỉ bắn chung quanh thôi. (Một cái chân lý tầm thường mà lâu nay tôi không nhận ra)"Lính" nghĩa trang không bắn nó, nên nó không bắn lại..

Thằng Đỏ nay đã 18, 19 rồi nhỏ nhê gì nữa. Hồi tôi về H6 nó mới 14, 15. Tôi chợt nhớ ra kỷ niệm xưa hỏi:

- Em không về chăn bò cho ông Ngoại sao?

- Ông Ngoại chết rồi, trâu bò không còn. Quê em bộ đội đóng bị pháo bắn không ở được nên em vô đây.

- Rồi sống bằng gì?

- Lây lất thôi anh à! ông Tám Đột cho em 6 lít gạo tiêu chuẩn thương binh mỗi tháng để canh trâu bò đừng phá nghĩa trang. Nhưng mấy tháng nay ổng đâu mất biệt. Hôm bữa chôn chú Năm Tiều, em có gặp con Thanh, thằng Gàu. Tụi nó không có cuốc nên dập cạn xợt hè. Chó moi suýt gặm được. Em phải sửa lại.

Tôi muốn đem nó về đơn vị săn sóc, nhưng một thương binh như vậy làm sao di động với đơn vị?

- Rồi em sống làm sao, Đỏ?

Đỏ trỏ tay xuống đồng: - cá tép thiếu gì đó nhưng chân cẳng em như vầy (một bên cụt tới đầu gối, một bên mất bàn chân) lội xuống bùn lún sâu rút không lên.

Tôi nhìn thằng bé mồ côi, theo giải phóng, bây giờ lại mồ côi giải phóng không còn biết nói sao, cảm thấy nhục nhã như phản bội nó. Tôi phản bội nó, ai phản bội tôi?

- Anh có gặp chị Thu và anh Ba làm Quản lý không?

- Chết cả hai vợ chồng và đứa con trong bụng. - Ngẫm nghĩ một lúc tôi hỏi - Bây giờ mày tính sao chớ ở "canh" nghĩa trang hoài sao Đỏ?

- Em chỉ mong hòa bình để em về làm mộ cho ông ngoại em và sống ở gần quê ngoại.

Tôi móc túi đưa thằng bé 4 tờ 500.

- Cầm đi em! Tác chiến phí và tiền thương tật người ta không phát, anh cho em đó. Khi nào rỗi em mua nhang đốt cắm lên mộ Chú Năm giùm anh. Mai mốt anh bảo quản lý đem cho em một ít gạo (mục) của ông Năm Râu.

Thằng Đỏ nói:

- Trông anh già hơn hồi ở H6 cả chục tuổi.

- Ừ, hồi đó có đông anh em vui quá trời.

- Chị Thiên Lý không biết bây giờ ở đâu?

- Anh không có gặp lại.

- Còn chị gì nhà báo tập lội ở Rạch Bến Mương đâu?

Thêm vài ba câu rời rạc rồi tôi đi. Ngoảnh lại thấy cậu bé chỏi nạng khập khiểng giữa hai hàng mộ đất lúp xúp.

Cái hình ảnh đó không bao giờ phai lạt trong đầu tôi. Và câu nói đùa mà in như thật của Năm Tiêu khi chúng tôi chôn thằng Chi năm trước:

- Khóc mẹ gì! Nay mai rồi tới phiên mình.

Quả y như rằng: hôm nay tới phiên anh. Rồi... sẽ...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx