sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 116: Tên Già Dềnh Bí Thư Khu Ủy Nào Đây?

Tiểu đoàn 1 và 2 đặc công Gia Định đánh đài phát thanh và toà đại sứ Mỹ, cố nhiên là không xong, rút về Bưng Còng để bổ sung quân số và chấn chỉnh tổ chức, chuẩn bị "trở lại" Sài Gòn hát tiếp khúc tình ca "Kinh Kha sang Tần" nhưng chưa chấn chỉnh được gì thì bị Anh Cả Đỏ quần cho nát tan ở suối Xuy-Nô và Rạch Kiến. Bình Chưn Lư chết bỏ vợ mới cưới khi đánh chốt ở Rạch Kiến.

Lính Hai Lôi bây giờ như chuột mất hang hay chuột đang đào hang cũng thế. AK bắn hạn chế. B40 chỉ còn một trái đạn gắn đầu súng để triển lãm cho con nít coi.

Một buổi trưa tôi đang nằm mơ màng thì có người đến.

Năm Ngó- quận đội trưởng Năm Chi. Trời ơi! hắn như con thòi lòi từ bãi bùn lóc lên cạn. Nam Chi mảnh đất chết, khác nào miền Nam của nước ta. Cán bộ tới đó có nghĩa là sắp đi đầu thai dưới lằn xích xe tăng hay trong họng súng biệt kích. Những nấm mồ tập thể mọc kín đất Nam Chi. Nam Chi đi dễ khó về. Nam Chi dương cước anh hùng tận. Tôi nhìn Năm Ngó. Hắn không chiếm được một chút cảm tình nào của tôi, nhưng từ ngày hắn được bổ nhiệm làm quận đội trưởng thì tôi đâm ra thương hắn. Hắn rồi sẽ lên bàn thờ sớm thôi.

- Khách nào đây cha? Tôi hỏi và ném một cái nhìn sang một lão già lạ hoặc đứng sau hắn.

Năm Ngó nháy nháy tôi. Nhưng tôi không hiểu gì hết. Vào thời buổi này mà đem khách tới nhà thì chẳng có bổ tỳ bổ thận chút nào. Chạy thì vướng mà bỏ thì tội. Giấu xuống hầm thì hầm chật. hầm quốc tế thì không bảo đảm. Còn riêng tôi thì đã thề không bao giờ xuống hầm gì hết. Tại sao hắn không chứa mà gán cho tôi cái lão già này?

Với tất cả sự nghiêm trọng hơn lên nét mặt, ngài quận đội trưởng lôi tôi ra góc sân xầm xì xám xịt. Tôi bảo:

- Không được đâu cha! Người quan trọng vậy tôi không dám nhận. Đơn vị tôi đấm đá liền liền, tụi Mỹ chụp chiếc liên miên chớ phải nằm yên ăn hút đâu.

Năm Ngó năn nỉ:

- Ở trên tôi không còn chỗ! Một cái hang còng nó cũng moi làm sao giấu ổng?

Tôi đổ quạu:

- Bộ ở đây yên ổn lắm sao! Nó chụp cả ban đêm. Già khọm như thế làm sao tôi dắt chạy được.

- Ông không nhận nếu có việc gì, ông chịu trách nhiệm. Ông Hai Mỏ bảo tôi đưa đến đây.

- Sao ổng không lo mà đùn cho tôi?

- Ông có bộ đội, còn mấy ổng có mấy du kích quèn.

- Sao không đưa ổng xuống địa của các cha!

- Thôi, đừng có đùa. Nhận đi để tôi dìa kẻo pháo thụt.

Không thể từ chối được, tôi đành phải nhận. Năm Ngó mừng như đại thắng mùa Xuân. Y quay lại nói với lão già:

- Anh Tư ở đây với anh Hai Hà bảo đảm hơn! - Nói xong y quay đi như trút nợ.

Tôi phải đeo một cái gông bằng xương bằng thịt. Ông ta là Tư Kẹt. Số là sau khi Tư Trường chết, trên R đưa Ba Th. về làm tư lệnh kiêm chánh ủy, nhưng ông lại vướng cái ô thứ nhất (Việt Cộng có 2 cái ô, không tên nào không vướng, có tên vướng cả 2 ô một lúc. Đó là dâm ô và tham ô) nhưng đồng bọn thường che chở cho nhau nên ít khi lộ chân tướng. Ba Th. là anh nuôi của Lôi từng làm tiểu đoàn trưởng và là phó ban Tác Huấn phòng Tham mưu Nam Bộ của Lê Đức Anh thời 9 năm, oai hùng một cõi. Ra Bắc, nhờ thành phần công nhân, được phong thượng tá, về R làm cục phó chính trị, chỉ dưới tướng Trần Độ thôi. Nhưng khổ thay trong văn phòng ông Cục phó có cô cháu gái đồng hương. Ông Chú nhìn hằng ngày ngứa mắt nên ông "Cụt", trở thành ông "dài".

Tội nghiệp cô bé mới ban đầu còn nịt bụng, nhưng cái mầm non lớn dần, phải đưa đi nạo (không biết có nạo được không?) trong lúc ông được quyết định đi làm Tư Lệnh khu IV. Chuyện đổ bể quá to không bịt được, nên Chín Vinh ách lại, không cho đi nhận chức. Xét ra thì tội Ba Th. cũng xêm xêm tội của Lê Đức Anh. Có vợ rồi còn tòm tem thì sao? Chín Vinh hủ hóa với mụ phó thì sao? Sáu Di quơ vợ ông anh hùng đặc công bị bà già quấn rế đánh ghen nổ trời ở R thì sao? Thế nhưng bọn này ăn vụng liếm mép sạch lại được đồng bọn che giấu, còn Ba Th. là dân Nam Cờ cô thân độc mã. Hơn nữa với thành phần công nhân, tương lai Ba Th. có thể trèo cao hơn chúng. Cơ hội ngàn năm có một, không hạ hắn đo ván thì đợi chừng nào?

Do đó Tư Kẹt được đưa xuống làm Bí Thư khu ủy thay cho Tư Trường, Bí Thư khu ủy kiêm chánh ủy chết trên cùng một bãi mìn với Ba Xu.

Tôi miễn cưỡng bắt tay ông Bí Thư mới. Chuyện đầu tiên là ông ta dặn tôi đừng có cho ai biết tên tuổi và chức vụ của ông ta. Thứ hai là đừng nói về cái chết của Bộ Tư Lệnh và Năm Tiều.

- Nó sẽ làm mất tinh thần chiến sĩ ta!

Khổ quá, chiến sĩ biết cả rồi ông nội ơi. Họ mất tinh thần không phải chỉ vì mấy cái chết đó mà còn vì cú đánh rừng Mậu Thân thiêu gần trụm lực lượng võ trang GP.

Tôi nhớ tôi có gặp lão ta trong bữa tiệc máu. Lúc đó Tư Trường và Ba Xu nổi bật còn hắn ngồi xếp ve chỉ ăn chớ không huấn thị câu gì cho thông lỗ tai.

Việc thứ ba là:

- Ở đây có hầm không đồng chí?

- Dạ, chúng tôi là bộ đội tập trung, không có giặc thì ở trên mặt đất, còn có giặc thì đánh chứ không chui hầm! -Tôi lễ phép thưa- Hơn nữa có chỉ thị của Bộ Tư Lệnh không cho bộ đội xuống hầm hoặc địa, từ năm 1966.

Tôi thấy nét mặt ông Bí Thư co lại, những đường nhăn trên trán nổi cộm lên. Cái mồm hô, cặp môi dày, ngó không ra trí thức mà cũng không phải cu-lỉ, không ra chủ điền mà cũng không phải tá điền. Có lẽ cặp kiếng gọng đen vớt vát cho ông ta được một phần nào sự ngu độn, tôi có thể nói chắc không có một sự thông minh tối thiểu nào tìm thấy, dù bằng kính hiển vi, trên mặt lão già này.

Lão ta nói:

- Tình hình này ta phải phân tán bộ đội, trở lại thời kỳ du kích.

- Dạ tôi đã thi hành chỉ thị đó rồi ạ!

- Phải kiểm soát cho được con sông Sài Gòn. Đưa đốc công vào đánh Đồng Dù. Phải đánh sập cầu Bà Bếp, cầu Bình Dương và đốt kho đạn Gò Vấp.

Nghe chỉ thị mồm của ông, tôi biết ông không hiểu tí gì về quân sự, kém cả Tư Trường, nhưng bí thư khu ủy đã phán, ai dám cãi lời? Nên tôi vâng dạ cho qua.

Tôi thấy khó xực với ông Bí mới nên cho thằng Đá đi gọi Vũ Mạnh Liên đến tiếp xúc. Chính trị nói mép với chính trị, múa mồm hợp giơ hơn. Vũ Mạnh Liên là tên Bắc Kỳ xâm lược mới vô, như Thiếu Tá Mười Thư xuống làm quận trưởng Củ Chi năm trước được một tháng rồi xéo mất. Thứ chê dân Nam Kỳ vô kỷ... "loạc". Vũ Mạnh Liên mềm dẻo và cố xáp với dân Nam hơn với chức Chánh ủy Trung Đoàn. Nhưng Bảy Ga lẫn Tư Quân đều dạt ra không đoàn kết được.

Vũ Mạnh Liên gặp Tư Kẹt, một Bắc một Nam, một già một trẻ đấu võ chính trị om sòm. Tôi cáo lui xuống bếp nấu nước, nhưng không quên lắng tai nghe họ nói gì.

Tư Kẹt hỏi:

- Đồng chí về đây được bao lâu rồi?

- Mới 2 tuần thôi ạ, nhưng tôi nhìn tình hình vững lắm.

- Quân sĩ thế nào?

- Toàn Trung Đoàn có 9 đại đội, gồm có trợ chiến, pháo binh đủ cả. Riêng bộ binh có 6 đại đội ứng chiến.

- Hầm hố thế nào?

- Báo cáo đồng chí bí thư, hầm loại nào ạ?

- Tất cả các loại.

Liên ậm ừ.

- Dạ... dạ thì xã nào cũng có.

- Tôi được báo cáo xã này thông xã kia khắp Củ Chì!

- Dạ cũng có vài quãng lở sụp ạ còn ngoài ra tốt cả.

- Đồng chí có kiểm tra chưa?

- Kỷ luật địa đạo nghiêm lắm. Không có động, cửa địa không mở ạ.

- Tôi được báo cáo có đồng chí Nguyễn Thành Linh ở ngoài Bắc mới vô, kiến trúc địa đạo bằng bê tông cải tiến hơn trước nhiều, có cả lò Hoàng Cầm ở dưới đó nữa. Có không?

- Dạ vâng ạ!

- Vâng là sao?

- Dạ là địa đạo xóm liền xóm thôn liền thôn ạ.

- Có nơi nào ba tầng không?

Vũ Mạnh Liên gọi xuống bếp:

- Đồng chí Hai Hà ơi, lên đây có việc...

Tôi nhanh nhẹn chạy lên, bẩm ngay:

- Dạ địa đạo 3 tầng các xã đội mới tính làm chớ chưa làm nổi. Mới có địa hai tầng thôi ạ!

- Thế cũng tốt.

Chỉ được ít hôm, Liên bị xe tăng Mỹ càn bắt sống. Liên không biết "lội" qua suối, như phần đông lính Bắc chết trôi trên sông Sài Gòn. Liên cỡi trực thăng kêu la ỏm tỏi: "Bác Hồ đem con bỏ chợ. Anh em hãy mau về với chánh nghĩa Quốc Gia."

Sau này tôi mới biết Tư Kẹt xuống đây bằng đường liên lạc công khai, người đưa đường là Tám Lệ.

Tám Lệ có chồng làm quân báo trong cụm quốc lộ 1 của Bảy Sơn và Ba Xuyên tất cả dưới quyền Sáu Huỳnh. Sư đoàn 5 Sài Gòn chụp, đào hầm bắt được anh chàng cùng 2 người nữa đem bắn ngay trước sân. Tám Lệ góa chồng, được "huấn luyện" cách mạng và giao công tác liên lạc đưa thơ rước khách Sài Gòn hoặc các thị trấn thị xã vùng quanh Củ Chi, trong đó có bác Tư Kẹt.

Tám Lệ kể cho tôi nghe hết mọi chuyện. Nếu không, tôi làm sao mà biết được những chuyện của đồng chí bí thư khu ủy vô đảng hồi 1902! Trước cả Lê-nin và Mác này. Đây là nguyên văn của cô gái góa, tôi ghi lại gần giống y, đứa nào thêm bớt cho pháo Đồng Dù ăn nó. Tám Lệ nói:

- Ông già gì kỳ cục quá trời. Em đóng vai. con gái ổng đi trên xe đò, ngồi chung một băng. Ổng ỷ ông là "Tía" nên cứ gục đầu vào vai "con" mà ngủ, rồi làm bộ ngáy và chúi mũi vào cổ em. Em ghét cái mặt dài như mặt ngựa hết sức nhưng không biết làm sao rứt ra.

Một hôm nàng hỏi tôi:

- Bộ ông lớn nào cũng như ổng hết sao anh?

- Tại ổng coi em như con nên ổng mới thân mật vậy!

- Tư cách đó, nói ai thèm nghe?

- Nghe chớ sao không nghe! Hổng nghe không được!

- Anh ở ngoải có biết ông nào tên Ba Xủng, Ba Dũng gì không?

- Không!

- Ổng làm bí thơ bí gì đó lớn làm sao anh không biết!

- À, biết rồi, Tổng bí thư Lê Duẩn! Mà em hỏi chi vậy?

Lệ làm thinh hồi lâu rồi tiếp, giọng bơ phờ vô định:

- Hỏi chơi vậy không được sao?

- Bộ em có quen với ổng à?

Lệ chuyển qua chuyện ở hầm:

- Ông Năm Ngó thật là kỳ! Ổng bắt em chui hầm khó chịu quá. Giao liên công khai mà ở hầm cái nỗi gì. Nhưng ổng biểu, em đâu dám cãi. Cái hầm chiếc mà ở hai người.

- Hai người nào?

- Em với ông già Tư chớ còn ai nữa! Ban đầu em đâu có chịu, nhưng ổng dọa nếu cãi ổng sẽ báo cáo với ông Ba Xuyên thi hành kỷ luật. Ơi cái thằng cha Năm Ngố, sao bây giờ đổi tên là Năm Ngó. Ngó với Ngố thì cũng vậy thôi, cũng cái thằng cha xách dép cho Năm Cai với Sáu Nâu mấy năm trước đi dạy du kích gài lựu đạn, còn thằng chả thì không dám gài trái nào hết, chớ ai. Đi tới đâu bỏ con rơi ở đó. Ở Ràng, Đồng Lớn, Phú Hòa Đông chỗ nào cũng có con của ổng. Ổng lấy rồi ổng bỏ. Quận đội Tám Giò, Một Sơn, Ba Luân, Ba Cà... chết hết nên mới tới ổng chớ cái mặt đó mà làm quận, quận gì? Ổng bắt em phục vụ nước nôi, còn bắt ở chui hầm với ông già Tư. Ông già ló đuôi dài nhưng hầm chật, ổng cứ nằm trên đùi em rồi hít hít hoài. Em đòi lên, ổng níu tay chụp cẳng em lại. Em mét Năm Ngố. Năm Ngố bảo: tuổi ổng đáng bậc cha chú, nên thông cảm chút! Thông cảm là em hầu hạ cơm nước dắt đường cho ổng chớ thông cảm tới vụ đó sao? Em cự nự không chịu xuống hầm chung nữa, ông Ngố dọa: "nếu ở trên lính ruồng, bị bắt, mày khai báo thì chết cả họ, tao nói cho biết!"

Một lần lên nhà, ổng khịt khịt mũi kêu bị cảm, biểu em bắt gió cạo lưng rồi đấm bóp. Em nói em không phải là y tá, ổng bảo không cần y tá, có bàn tay cô bóp là tôi mạnh liền. Trời, da thằng cha già mốc thích, như da heo, cứng như da trâu bóp đau tay thấy mồ. Rồi còn biểu bắt gió trên trán nữa. Ổng nom sát mặt em, nhắm mắt, lim dim, gật gà gật gù miệng kêu ư ư rồi bất ngờ gục vào mặt em hun ẩu. Em xô ổng ra rồi bỏ đi. Vậy mà không biết xấu, mặt trơ ra bảo: "nhờ cô mà tui hết bịnh, mai mốt tôi có bịnh tui khỏi uống thuốc."

Một bữa ổng nói: "Anh Ba Lê Duẩn vô Nam công tác cưới một cô học sinh trẻ hơn băm mấy tuổi. Đến chừng ra Bắc có xe hơi nhà lầu, có cần vụ giặt quần áo, rồi được gặp Bác Hồ, lại còn được đi Liên Xô học. Nếu em ưng anh sau này cũng được như cô kia. Chịu đi mà, cưng còn đẹp hơn bà tổng bí! " Ổng kêu em bằng "cưng" và xưng "anh" nghe mới chướng chớ!

Tôi bật cười:

- Rồi sao em không ưng?

- Xời! Thằng cha mặt nhăn như khỉ già, khó coi bỏ mẹ, kê vô nghe mùi mắc ói ai thích cho nổi. Em đi chuyến này xong xin nghỉ. Công tác gì kỳ cục quá. Ở trên có thi hành kỷ luật thì em chịu, chớ công tác vầy mà gọi là mần cách mạng hay sao?

Tôi cũng xấu hổ lây nhưng còn vớt vát:

- Vậy chị Tư Nhựt cũng đi công tác như em đó, có sao!

- Xí, chỉ cũng bị người ta mò, anh tưởng em không biết hay sao? Toàn mấy ông lớn không hà. Mà không phải một ông thôi! Ông nào cũng vậy hết.

Tôi không hỏi tới nữa, sợ nàng tuôn ra một mớ mắm cáy hỏng cả cái... "khu quỉ" khu 4.

Sau buổi nói chuyện này, ít lâu, tôi lại gặp Lệ. Nàng đưa cho tôi 2 triệu bạc, bảo:

- Ở trên gởi cho anh số tiền này nuôi quân đỡ trong một tháng.

- Sau đó lấy gì ăn?

- Ở trên bảo anh tự lực đi vô ấp chiến lược thu thuế lấy mà ăn. Rồi nàng rủ rỉ:

- Anh biết đường ra suối không, dắt em đi?

- Ra chi ngoài đó. Kiếm "cá nhái" hả’?

- Tắm một cái. Mới chui hầm mình mẩy hôi như cú.

Hai đứa ngồi trên một hòn đá chung quanh có nước chảy trong veo. Nàng nói không ngần ngại:

- Em biết đời em rồi chẳng ra sao. Anh yêu em nhưng anh ngại tiếng gái có con. Đúng không?

Tôi ấm ớ. Không ngờ nàng chọc ngay tim gã si tình nhút nhát.

Nàng tiếp:

- Em biết có nhiều cô đeo anh. Em làm sao sánh được họ. Em cũng yêu anh nhưng em đâu còn gì để cho anh.

- Đừng nói nữa em!

Lệ móc một vật ném nhanh xuống nước. Tôi nhìn trên dòng nước, thấy vật bập bều như chiếc khăn tay. Lệ biết ý tôi, nói ngay:

- Đó là giấy pơ-luya em xin của văn phòng ông Ngố.

- Chi vậy? Em biết đánh máy à?

- Không. Em dùng giấy đó làm "chướng ngại vật cản quân xâm lược"! Nàng cười ngặt nghẹo.

Tôi ngớ ra, nhìn nàng. Nàng nhìn tôi và rủ rỉ trong tóc tôi:- Nói vậy mà không hiểu à? Ông ta đã tự bôi mặt. Em phải đề phòng chớ! Hiểu chưa nà... ào?

- Trời! Đến thế sao? (Tôi kêu lên trong thâm tâm).

Lệ tiếp:

- Em báo cáo với ông Ngố. Ổng bảo: Bảy mươi "có chức" cũng vừa 15! Xí, đàn bà có con chớ phải con gái hay sao mà đèo bồng! Chê rồi nữa tiếc! Em bảo ổng làm kỳ quá chú Năm à! Em biết ông Ngố đứng thấp dưới ổng xa, nên bọc xuôi -: "Bây cứ để cho ổng làm gì làm cho đến đi! Chỉ có tao biết chớ ai biết? mà có ai biết cũng chẳng sao!"


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx