sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 125: Nàng Kiều Giải Phóng Và Câu Chuyện "Bỉ" Treo Trên Cành "ổi"

Thu Hà nói với tôi:

- Chỗ nào ở cũng không yên được một ngày. Chỗ nó vừa đánh mình đến ở, nó lại đánh ngoéo lại.

- Đất Củ Chi bây giờ thành bùn hết rồi em ạ.

- Vậy mình qua Trảng Bàng tạm trú một thời gian đi anh.

Rồi nàng quyết định không chờ ý kiến của tôi. Chúng tôi trở lại Lâm Vồ. Đây là một vùng đất giáp ranh Trảng Bàng-Củ Chi chưa bao giờ là bãi chiến trường. Trước đây tôi cũng đã từng để ý nhưng nó quá hẹp cho sự xoay sở một E. Vã lại, tôi biết Mỹ cũng "ghim" nó. Chúng để đó như một "đống chà" dưới sông chờ cá vào thị bao đăng xúc cả bầy. Thành thử chúng tôi không đến mà Mỹ thì làm ngơ như không biết, không bắn pháo!

Thu Hà đã chọn nơi này để đóng một cơ quan nhỏ không gây nhiều tai tiếng. Nàng trỏ một ngôi nhà lá ba căn núp gọn dưới tàng cây.

- Nhà má nuôi em!- Rồi đi qua mảnh sân nhỏ, bước lên thềm gõ cửa, kêu: - Má ơi! má, con về nè!

Còn tôi ngồi bệt dưới gốc cây cho cặp dò nghỉ ngơi sau một cuộc chạy việt dã vô tổ chức, bây giờ mới tỉnh hồn. Chúng tôi đội dưa hấu bầy trong lúc chiếc Honda đang phơi phới bay tưởng như sắp vào cảnh tiên. Bây giờ chắc chiếc xe còn nằm trong hố bom không biết đã bị du kích mần thịt chưa. Làm sao dám trở lại mà lấy xác. Mà có dám cũng không còn gì để đem về. Thôi, coi nó như là chiến sĩ trận vong.

Cánh cửa mở.

Tôi nghe tiếng nói chậm chạp:

- Con Hà đó hả?

- Dạ!

Thu Hà vào trước. Tôi theo sau. Thu Hà nói với má:

- Đây là chồng của con. (Tôi hơi bỡ ngỡ khi nghe cái tiếng lạ lùng lần đầu tiên).

- Chị con đâu má? Thu Hà lại hỏi tiếp.

- Nó ở trong buồng.

Giọng má run run:

- Má có nghe con Hà nói.

- Dạ chúng con hứa với nhau đã 5 năm rồi nay mới gặp đó má - Thu IIà đáp.

Tôi thêm:

- Dạ, con gặp Thu Hà ở ngoài Tam Biên ở trên Trường Sơn.

- Dạ, Tam Biên ở tuốt ngoài đó lận má à. Thu Hà tiếp

Má đứng sững sờ:

- Thời buổi này có vợ có chồng cực quá! Cứ chạy hoài chớ không ở được một chỗ.

Rồi má thở dài: - hai đứa nó có con 4, 5 tuổi mà có ở chung được mấy ngày đầu Để má bảo nó nhường buồng cho hai vợ chồng con.

Thu Hà nói:

- Hổng sao đâu má. Chúng con ăn bờ ở bụi quen rồi, chỗ nào mà không xong.

- Vợ chồng thì phải có buồng kín đáo chớ, con nói vậy sao được!

Rồi má đi vào, một lúc trở ra, nói:

- Tao kêu nó ra cho vợ chồng bây biết mặt, nó nói bây giờ khuya rồi, thôi để mai.

Thu Hà nói:

- Má để chúng con ra ngoài chòi có hầm. Vừa ở vừa làm việc luôn. Trong nhà người ta tới lui chộn rộn.

Nghe nói vậy, má không cản nữa. Và tôi cũng lấy làm mừng vì thò cái mặt ra lúc này cũng chẳng vinh quang gì. Tôi muốn được yên ổn, Thế là tôi và Thu Hà ra sau vườn xây tổ uyên ương. Kể ra thì đây cũng ấm áp lắm. Thời buổi này một người như tôi có yêu cầu gì hơn một cái hầm để chui, hai cây cột để mắc võng và mỗi ngày hai bữa ăn. Cơm thì trong nhà nấu sẵn, cứ tới bữa Thu Hà vào bưng ra. Cuộc sống chui rúc của chúng tôi khá hơn cảnh "ngồi thum" một chút và gần giống như đám đặc công F100 sống vất vưởng trong vựa lúa của Tám Râu, chỉ khác là chúng nó bị thương. Nhờ có tiền của cô hậu cần, chúng tôi sống vững hơn đám F100 của nàng Kiều.

Một hôm nhà có giỗ Thu Hà nói với tôi:

- Má bảo anh vào nhà ăn cơm. Má không có mời khách.

Tôi vẫn giữ thói quen bí mật. Nàng chìu ý tôi nhưng cố ép nào:

- Vậy anh vào phụ với em bưng đồ ăn ra.

- Em lấy cái mâm mà bưng. Một lần không hết thì hai ba lần.

Nàng không thể kỳ kèo với tôi được nữa, đành phải làm theo ý tôi. Thức ăn quả là nhiều. Chúng tôi phải trải cả tấm ni lông để dọn ra vừa làm mâm vừa có chỗ ngồi.

Lúc ở nhà Tám Râu tiệc tùng, dao nĩa rượu trà sang trọng bàn ghế bóng loáng chả bù bây giờ ngồi dưới đất. Khi ăn còn ngó dáo dác sợ có người bắt gặp.

Hai đứa vừa ăn thi bỗng có tiếng kêu:

- Hà ơi Hà vô đây bưng nước mắm.

- Ây chết! Em quên nước mắm!

Rồi Hà đứng dậy mau mắn chạy vô. Tôi nhìn theo, thấy xa xa dạng một người đàn bà quen. Vừa thấy tôi nàng liền quày quả trở vô. Trong lúc ăn, tôi hỏi Hà:

- Em quen với gia đình này hồi nào vậy?

- Đây là do cơ sở giới thiệu. Ban đầu bác Mười Bị ở, nhưng bác thấy chị... con của má may máy nên muốn nhường cho em để em vận đông chị ấy may cho Hậu Cần.

- Chị ấy tên gì, em biết không.

- Em có hỏi má và chỉ, nhưng cả hai không nói, bảo cứ kêu chị là được rồi. Em nhận chỉ làm chị và nhờ chỉ may quân phục cho mình. Thấy chỉ may rành rẽ và khéo tay, em hỏi, bộ trước kia chị có may loại quần áo này hay sao? Chỉ nói là quần áo thì cũng giống giống nhau nên chỉ may dễ dàng chớ không từng may loại quân phục này cho ai hết. Chỉ còn đoan chắc chỉ không biết quân nhu là gì.

Nghe Thu Hà thuật lại tôi sinh nghi. Một hôm tôi kiếm cớ vào nhà thì gặp nàng đang nấu cơm sau bếp. Nàng nhìn thấy tôi thì trố mắt suýt kêu lên. Tôi cũng vậy. Tôi khựng lại rồi quay trở ra. Từ đó tôi không vô nhà nữa.

Tôi và Thu Hà xa nhau ngót 5 năm, nhưng gặp lại nàng cũng không kể cho tôi nghe nhiều về những gì đã xảy ra ở Mã Đà Sơn Cước. Tôi cũng thế. Khi nào hòa bình thì người ta mới nhắc lại chuyện chiến tranh để mà tự hào, chớ chiến tranh còn đang rừng rực thì có vui thú gì mà nhắc chuyện chiến tranh. Nó ở ngay bên mình đó, chớ có xa xôi gì mà nhắc. Thu Hà chỉ nhắc có một chuyện, đó là chuyện của nàng (Hằng) Nga vốn là y tá của Tư Chuyền lên R học y sĩ. Hà từ Tam Biên về học lớp này và có chân trong đảng ủy nhà trường. Một chàng y sĩ ngoài Bắc vào quơ được nàng Nga. Chưa cưới hỏi mà đã mang bầu tâm sự, nhưng khi điều tra để xử lý thì biết ra chàng kia đã có vợ có con. Người anh của nàng phản đối kịch liệt khiến cho chàng nọ phải bị khai trừ đảng còn nàng phá thai.

Sỡ dĩ nàng kể chuyện cho tôi nghe vì hồi đó, Nga có tâm sự với nàng: Phải lúc ở Củ Chi anh Lôi chịu cưới em thì em đâu có ra nông nỗi này! Thu Hà kể lại cho tôi nghe là để "cảnh cáo" tôi ràng những chuyện bí ẩn khác của ông Thiên Lôi nàng cũng nắm được ít nhiều. Và tôi cũng tỏ ra phục thiện:

- Đó là chuyện quá khứ, kể từ nay anh chỉ có có em!- Tôi nói.

Chúng tôi muốn sống một cuộc đời ngoại càn khôn, lánh xa trần tục.

Một đêm không ngủ được, tôi ra ngồi ngoài góc hầm tựa lưng vào vách hầm hút thuốc và nhìn bốn phía. Đồng Dù, Trung Hòa... ban đêm thì cứ bổn cũ soạn lại y nguyên. Sống ở Củ Chi thì hãi hùng thế mà sau khi xa nó thì lại nhớ. Có phải chăng là nhớ anh em? Nhớ cái bếp, nhớ 2 thằng cu con thân thiết không lúc nào rời tôi? Không có 2 đứa nó, tôi thấy lạnh lẽo thế nào!

Bỗng tôi nghe tiếng người ri rỉ giữa vườn. Tôi lắng tai nghe hồi lâu rồi dụi điếu thuốc, rón rén đi về phía có tiếng khóc. Càng lúc càng gần. Ban đêm không trông rõ gì hết chỉ thấy những bụi cây đen lù.

Tiếng khóc to lên, nức nở, rồi tiếng than lạnh lùng:- Ba con Lệ à! Sớm muộn gì anh cũng biết chuyện này... Em xấu hổ quá. Em không muốn sống làm gì. Nếu anh về thì em giao con Lệ lại cho anh. Còn anh chết rồi thì em xin theo anh. Hu hu! Hức hức.

Tôi quay trở vào chòi lấy cây đèn pin. Thu Hà quờ không đụng tôi, nàng chạy đi tìm. Nàng quất đèn pin khắp nơi. Tôi giật chiếc đèn trên tay nàng chạy một mạch về phía có tiếng khóc. Một người đàn bà treo cổ trên một cành cây, tay chân còn quơ lia.

Thu Hà chạy đến, miệng kêu bài hãi thất thanh.

- Chị! Chị!

Tôi ôm hai chân nạn nhân nâng lên. Thu Hà với tay mở mối dây ở cổ nàng. Chúng tôi đem được nàng xuống đất. Thu Hà chạy vào nhà vừa kêu to vừa đập cửa. Theo phong tục cũ, chúng tôi không dám khiêng chị vào nhà. Tất cả chỉ xảy ra trong chớp nhoáng.

Thu Hà chạy ra chòi lấy túi y tế trở vào xoa bóp, tiêm chích với bàn tay chuyên môn của một y sĩ cấp cứu. Hồi lâu, người đàn bà tỉnh dậy. Nước mắt trào ra hai bên khóe. Tôi đã từng thấy đồng đội hi sinh ngay trước mắt, lúc xung phong, từng thấy hàng trăm xác đồng đội xếp hàng bên nghĩa trang chờ mai táng. Cả những trường hợp thảm khốc như Năm Tiểu vừa rồi. Có lẽ tôi đã lỳ. Thần kinh không cỏn cảm xúc nữa, không biết sợ. Nhung lần này tôi sợ, không có máu lửa mà tôi run. Một người đàn bà tự tử. Mà thắt cổ.

Từ khi tôi chạm mặt nàng, và nhận ra nàng là ai, thì tôi lẩn tránh luôn vì cảm thấy mình có tội. Tôi không muốn cho nàng biết có người rõ chuyện xưa của nàng..

Trời ơi! Chuyện đã qua và tưởng đâu đã vùi lấp trong cái dĩ vãng đa đoan của tôi Nào ngờ hôm nay nó sống lại trong tai nạn của người đàn bà.

Bạn đọc hãy còn nhớ tên nhà báo quốc tế tên Bọ Chét được "Hồ chủ tịch" tiếp ở Phủ Toàn Quyền Hà Nội rồi đưa vào Nam coi giải phóng quân đánh Mỹ"? Hắn đã đến đây: Củ Chi đất thép... thành bùn. Và chính người đàn bà này đã phải đem thân phục vụ hắn theo lệnh của Quân khu và sáng kiến của xã ủy An Phú.

Sau khi "hoàn thành công tác", nàng trốn biệt. Người ta đồn nàng ra Sài Gòn, kẻ nói nàng đi tu, nhưng sự thực thì nàng lánh mặt bằng cách đổi tên và lẩn đi một nơi không ai biết nàng: Lâm Vồ. Vẫn may mướn như xưa nhưng nàng sống dật dờ như một cái bóng. Nàng chui rúc trong buồng không dám gặp ai. Khách đến đặt đồ thì bà má nhận hàng rồi giao lại cho con với lý do "nó đi vắng!"

Cho đến một hôm nàng ngồi trong buồng nghe một người khách hàng kể lể với bà má:

- Người ta đồn ai đi Bình Long Phước Long đều chết hết. Đâu mà chết hết! Đặt chuyện? Như ở Lâm Vồ này đi 10 người. Người ta đồn chết hết, chết có 9 người thôi, còn một người về kia cà. Nhưng mà tội nghiệp. Về tới nhà thì vợ đã lấy chồng. Không phải nó phụ bạc gì, mà nghe tin chồng chết. Nó chờ 2 năm rồi làm tang, xin cha mẹ chồng cho phép tái giá. Đàn bà mới hăm ngoài ở vậy sao được...

Nhưng vừa rồi thằng nọ lại về. Có ai tin được. Vậy mà thiệt. Về làm chi khi vợ đã lấy chồng.

- Rồi làm sao?

- Nghe nói thằng kia phẫn chí đi ra Sài Gòn.

- Cách mạng phá nát gia cùng người ta. - Má buột miệng nói.

Người con gái của má nghe rõ câu chuyện. Câu chuyện làm cho nàng càng âu sầu ủ rũ. Một hôm nàng nói với má: "chắc con không sống nổi má à".

Má gạt ngang:

- Mày ráng nấn ná vài năm nữa coi nó có sống sót mà về không?

- Ba con Lệ không về, con cũng chết, mà về thì con càng chết lẹ má à!

Quả thật, hôm nay nàng thất cổ. Nhưng may (hay rủi) có người cứu sống, nhưng nàng lơ láo như kẻ mất hồn.

Bà Má đi tìm thầy pháp truy hồn truy vía, nhưng trong vùng giải phóng không có thầy pháp. (Tôi nhớ vụ lên đồng của Tư Bính, nhưng Tư Bính đã chết, không ai biết thầy nào.)

Bà Má bắt con gà đút vào cái vòng toòng teng trên nhánh ổi thắt lại cho chết, ý là để thay thế mạng người được còn sống. Nếu không làm vậy, ông Thần Vòng sẽ đòi mạng và có thể một người nào đó trong nhà sẽ đút cổ vào vòng để thế mạng.

Người đàn bà bất hạnh phát lên đau. Thu Hà săn sóc tận tình nhưng không khỏi. Rồi nàng qua đời. Thu Hà nói với tôi:

- Em sẽ trả tiền Tuất cho má. Coi như chị đã anh dũng hi sinh ở chiến trường.

- Ờ sáng kiến đấy! - Tôi đáp lấy lệ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx